Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 644/QĐ-UBND | Nam Định, ngày 14 tháng 5 năm 2012 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Thông báo số 166-TB/TU ngày 20/3/2012 kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định về “Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”;
Căn cứ biên bản họp Hội đồng thẩm định “Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT tại Tờ trình số 97/TTr-SNN ngày 27/4/2012 về phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với các nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN VÀ CÁC ĐỘT PHÁ
1.1. Quan điểm phát triển
- Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn 2030 phải gắn với xây dựng nông thôn mới, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng lĩnh vực để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội.
- Phát triển nông nghiệp hàng hoá, chất lượng cao, bền vững, chủ động giải quyết các vấn đề thiết thực về đời sống và đáp ứng nhu cầu của nông dân và nông thôn trong đó chú trọng tạo điều kiện cho các xã khó khăn, hộ nghèo tổ chức sản xuất vươn lên thoát nghèo.
- Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Đầu tư xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Phát huy lợi thế các tiểu vùng sinh thái (vùng đồng bằng ven sông, vùng ven biển, vùng đô thị) để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung (lúa năng suất cao, lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản...) gắn với hệ thống chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
- Phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn, chú trọng việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu, củng cố đê điều, xây dựng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng để bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, cải thiện nâng cao đời sống sinh hoạt của dân cư nông thôn, phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
1.2. Các đột phá
- Ứng dụng công nghệ biến đổi gen để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông thủy sản và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Xây dựng các khu chăn nuôi trang trại và gia trại tập trung ngoài khu dân cư để gia tăng sản phẩm hàng hoá và xuất khẩu, bảo đảm an toàn dịch bệnh và bền vững về môi trường.
- Phát huy lợi thế của tỉnh để sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản theo mô hình "Cánh đồng mẫu lớn sản xuất một loại sản phẩm"; phát triển sản xuất rau, màu, hoa theo hướng an toàn, công nghệ cao.
- Phát triển thủy sản tập trung, thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Ứng dụng công nghệ sản xuất muối sạch.
2.1. Mục tiêu tổng quát
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở ưu tiên đầu tư cho các loại cây, con có hiệu quả cao; khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung, sản xuất trang trại, gia trại là khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lên trên 41,2% năm 2015; ngành trồng trọt 55,2%; ngành dịch vụ 3,6% vào năm 2015; Đến năm 2020: Ngành chăn nuôi 46,6%, ngành trồng trọt khoảng 49,7% và dịch vụ 3,7%.
- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản, muối thời kỳ 2011-2020 đạt 3,7%; trong đó ngành nông nghiệp đạt 3,0% (trồng trọt 1,3%; chăn nuôi 5,2%; dịch vụ 4,0%), ngành thủy sản đạt 6,5%; muối giảm 0,5%/năm. Giai đoạn 2011-2015 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3,5%; trong đó ngành nông nghiệp 2,7% (trồng trọt 1,1%; chăn nuôi 5,1%; dịch vụ 4,1%), ngành thủy sản đạt 7,0%. Định hướng giai đoạn 2011-2030 đạt tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành khoảng 3%.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH VÀ LĨNH VỰC
3.1. Nông nghiệp
* Trồng trọt:
- Xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản, hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng các mô hình và phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Ổn định diện tích canh tác lúa khoảng 75.000 ha đến năm 2020 để bảo đảm an ninh lương thực cho tỉnh và vùng ĐBSH, phát huy lợi thế vùng đồng bằng sông Hồng để xây dựng các vùng chuyên canh lúa có năng suất, chất lượng cao, bố trí gọn vùng thuận lợi cho việc cơ giới hóa các khâu canh tác, thu hoạch và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới.
- Mở rộng sản xuất vụ đông nhất là vụ đông trên đất hai lúa (đạt 30-35% diện tích 2 lúa), hình thành vùng sản xuất rau màu hàng hóa tập trung với các cây trồng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như khoai tây, lạc, đậu tương, cà chua,... xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn áp dụng VietGap; quy hoạch phát triển các làng nghề hoa cây cảnh hàng hoá tập trung; khuyến khích, tạo điều kiện để nông dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất phát triển kinh tế trang trại, gia trại.
- Phát triển, mở rộng các vùng sản xuất giống cây trồng. Quy hoạch ổn định sản xuất các giống lúa đặc sản xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm (nếp cái hoa vàng, tám, dự), lúa lai, lúa thuần chất lượng cao ở các huyện phía Nam của tỉnh: Giao Thuỷ, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực. Quy hoạch và đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng, trong đó ưu tiên cho vùng vụ Đông trên đất 2 lúa.
- Tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2020 ổn định khoảng 920 ngàn tấn, đậu tương 16 ngàn tấn, lạc 25 ngàn tấn, khoai tây 112 ngàn tấn, rau các loại 360 ngàn tấn.
* Chăn nuôi:
Tiếp tục phát triển mạnh sản xuất chăn nuôi, coi chăn nuôi là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Phát huy hiệu quả các mô hình về chăn nuôi lợn tập trung ở Hải Hậu, Ý Yên, Nghĩa Hưng và Xuân Trường; chăn nuôi gà quy mô công nghiệp ở Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Trực và Vụ Bản; nhân rộng nhanh ở các xã có điều kiện thuận lợi nhằm tạo khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Phát triển chăn nuôi thủy cầm ở Giao Thuỷ, Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực và Ý Yên. Chú trọng đầu tư công tác giống để phát triển đàn lợn hướng nạc, đàn bò lai lấy thịt. Khuyến khích phát triển trang trại chăn nuôi hàng hoá tập trung theo phương thức công nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Từng bước tổ chức lại chăn nuôi theo hướng liên kết và quản lý theo chuỗi sản phẩm khép kín từ chuồng nuôi đến thị trường tiêu thụ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung ngoài khu dân cư.
Tăng quy mô, tỷ trọng chăn nuôi trang trại và công nghiệp đạt 25-30% tổng giá trị sản lượng chăn nuôi toàn tỉnh năm 2015, đạt 45-50% vào năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đạt trên 70%.
Phấn đấu sản lượng thịt hơi các loại đạt 162 ngàn tấn vào năm 2015 (trong đó thịt lợn 142 ngàn tấn), khoảng 195 ngàn tấn vào năm 2020 (trong đó thịt lợn 172 ngàn tấn).
3.2. Thuỷ sản
- Phát triển NTTS trên cơ sở có quy hoạch đảm bảo lợi ích kinh tế, xã hội chung giữa các thành phần kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.
- Phát triển NTTS đồng đều ở cả ba vùng nước, tập trung hơn cho phát triển nuôi hải sản mặn, lợ, tăng cường đầu tư cho khu vực nuôi nước ngọt nhằm tăng nhanh sản lượng. Đầu tư hình thành các vùng nuôi tập trung theo phương thức bán thâm canh và thâm canh, áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến cho năng suất cao và an toàn.
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở sản xuất giống đặc biệt là giống tôm biển, cua biển, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cá biển... đáp ứng giống thuỷ sản một cách chủ động cho nhu cầu nuôi. Tiếp nhận công nghệ sản xuất các con giống có giá trị kinh tế và phù hợp với địa phương.
- Phát triển ngành khai thác hải sản một cách hiệu quả đi đôi với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi trên cơ sở hợp lý hoá các đội tàu khai thác, tăng cường năng lực đội tàu khai thác xa bờ, giảm dần số lượng tàu thuyền nhỏ khai thác gần bờ.
- Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ nghề cá, đặc biệt ưu tiên đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão tàu cá, các cảng cá, chợ cá, bến cá; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho các vùng nuôi trồng thủy sản; đổi mới công nghệ chế biến & xúc tiến thương mại xuất khẩu thủy sản.
- Tăng cường áp dụng các công nghệ tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh tiên tiến, tiếp cận với các thoả thuận khu vực và luật pháp quốc tế có liên quan tới nghề cá đảm bảo cho ngành thuỷ sản của tỉnh hoà nhập được với sự phát triển chung của ngành thuỷ sản cả nước.
3.3. Muối
Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, từng bước chuyển đổi hệ thống chạt lọc, mở rộng mô hình muối kết tinh trên bạt, thâm canh tăng năng suất, chất lượng muối, đẩy mạnh sản xuất muối sạch.
IV. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN THEO LÃNH THỔ
4.1. Tiểu vùng đô thị
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên phát triển rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây thực phẩm, chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường thành phố, đô thị, các khu công nghiệp trong tỉnh và xuất khẩu.
4.2. Tiểu vùng ven biển
- Tập trung khai thác tốt các tiềm năng về lao động, đất đai nguồn lợi biển về đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất muối, trồng rừng ngập mặn để phát triển mạnh về thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm có hiệu quả cao và bền vững.
- Đẩy mạnh sản xuất giống thuỷ sản các loại, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
4.3. Tiểu vùng nội đồng
- Thâm canh lúa, ngô để đạt năng suất, chất lượng cao bằng các giống lai, giống đặc sản, phát triển cây vụ đông hàng hoá.
- Hình thành vùng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản như lúa nếp, lúa thơm các loại.
- Phát triển vùng sản xuất hàng hóa trồng cây công nghiệp ngắn ngày lạc, đậu tương, rau an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
- Phát triển lợn siêu nạc theo hướng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm quy mô trang trại. Xây dựng và phát triển vùng chăn nuôi bò sữa tập trung theo quy mô trang trại công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh phát triển đàn bò thịt theo hướng năng suất, chất lượng.
V. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM NGHIỆP, THUỶ SẢN TỈNH NAM ĐỊNH ĐếN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030
5.1. Quy hoạch phát triển ngành trồng trọt
a. Cây lúa
Tổng diện tích đất trồng lúa bố trí đến năm 2015 là 77.200 ha, sản lượng đạt 924.000 tấn và đến năm 2020 là 75.071 ha, sản lượng đạt 900.000 tấn.
+ Quy hoạch vùng sản xuất lúa năng suất cao có quy mô diện tích khoảng 35.000 ha ổn định đến năm 2015 và 2020 ở tất cả các chân ruộng 2 vụ lúa chủ động nước.
+ Quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao có quy mô diện tích khoảng 38.000 ha vào năm 2015 và 35.000 ha vào năm 2020 ở các xã vùng đất 2 lúa.
+ Quy hoạch vùng lúa đặc sản (nếp, tám, dự) đến năm 2015 là 4.000 ha và năm 2020 là 5.000 ha trên các chân đất thấp trũng thuộc các xã vùng đất 2 lúa thuộc 5 huyện phía nam tỉnh.
+ Định hướng đến năm 2030, chủ yếu phát triển lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, bảo đảm chiếm khoảng 70% tổng diện tích gieo trồng lúa.
b. Cây ngô
Phát triển diện tích trồng ngô để tăng sản lượng ngô hạt phục vụ chế biến thức ăn cho chăn nuôi, đến năm 2015 bố trí 4.550 ha, sản lượng 19.600 tấn và năm 2020 ổn định diện tích 4.400 ha, sản lượng 19.800 tấn. Vùng tập trung thuộc các huyện Hải Hậu 1.070 ha, Nghĩa Hưng 560 ha, Vụ Bản 510 ha, Giao Thủy 400 ha, Mỹ Lộc 400 ha.
c. Cây đậu tương
Phấn đấu đến năm 2015, diện tích đậu tương đạt 6.000 ha, đến năm 2020 diện tích đạt 8.000 ha; trong đó vụ Đông chiếm 80%, còn lại là vụ hè thu.
Tập trung đầu tư, thâm canh đưa giống mới vào sản xuất kết hợp với áp dụng quy trình chăm sóc phù hợp, đến năm 2015 đưa năng suất bình quân đạt 18 tạ/ha/vụ để có sản lượng 10.800 tấn; năm 2020 năng suất bình quân đạt 20 tạ/ha/vụ, sản lượng 16.000 tấn; định hướng đến năm 2030, năng suất đạt trên 22 tạ/ha/vụ, sản lượng trên 17.000 tấn.
Vùng sản xuất đậu tương tập trung ở các huyện Ý Yên 1.390 ha, Hải Hậu 1.100 ha, Vụ Bản 940 ha, Nghĩa Hưng 990 ha, Nam Trực 930 ha, Giao Thủy 880 ha, Trực Ninh 800 ha.
d. Cây lạc
Quy hoạch đến năm 2015 có 6.500 ha và năm 2020 có 6.000 ha, trong đó vụ Xuân 5.000-5.500 ha, vụ hè thu khoảng 1000 ha, tập trung ở các huyện: Ý Yên 3.000 ha, Nam Trực 900 ha, Vụ Bản 1.100 ha, Giao Thuỷ 400 ha, Hải Hậu 350 ha. Sản lượng lạc đạt 26.000 tấn năm 2015 và 25.300 tấn năm 2020. Định hướng đến năm 2030, năng suất lạc bình quân đạt 45tạ/ha để đạt sản lượng 27.000 tấn.
e. Khoai tây
Đến năm 2015 bố trí diện tích trồng khoai tây 5.000 ha, sản lượng 75.000 tấn và năm 2020 ổn định diện tích 7.000 ha, sản lượng 112.000 tấn. Trồng tập trung ở các xã vùng màu và bãi bồi ven sông thuộc các huyện Ý Yên, Nam Trực, Vụ Bản, Giao Thuỷ, Mỹ Lộc, Trực Ninh. Tập trung đầu tư thâm canh đưa các giống khoai tây Đức và Hà Lan vào sản xuất đại trà để tăng năng suất và sản lượng.
g. Rau đậu thực phẩm
Bố trí đến năm 2015 toàn tỉnh có 20.000 ha, sản lượng 300.000 tấn và đến năm 2020 có 22.500 ha, sản lượng 360.000 tấn. Vùng sản xuất rau chuyên canh tập trung ở các chân đất cao, pha cát ở các huyện phía bắc như Vụ Bản, Ý Yên,... và các chân ruộng cao - thịt nhẹ trồng 2 lúa thuộc các huyện phía nam như Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường...
Cơ cấu rau: Vụ Đông chiếm 48-50%, vụ Xuân chiếm 27-30% và vụ Hè chiếm 20-25% sản lượng rau.
Quy hoạch vùng phát triển cây rau quả phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu với diện tích từ 3.000-5.000 ha tập trung. Trong đó: Cà chua 500-800 ha ở Hải Hậu, Nghĩa Hưng; Cải dầu 300-500 ha ở Hải Hậu; Dưa chuột 200-300 ha ở Vụ Bản; Ngô ngọt 200-500 ha ở Ý Yên, Vụ Bản; Bí xanh: 1.500-2.000 ha.
Quy hoạch 2.000-3.000 ha sản xuất rau an toàn tập trung ở các xã có truyền thống làm rau màu và có chất lượng nguồn nước tốt.
h. Cây ăn quả
Đến năm 2015 và 2020 toàn tỉnh có 4.600-4.700 ha cây ăn quả, trong đó nhóm cây có múi chiếm 23,4%; nhãn vải 11,0%, chuối và các cây ăn quả khác chiếm 65,6%.
i. Hoa cây cảnh
Đến năm 2015 đạt diện tích đạt 1.960 ha hoa cây cảnh (trong đó 960 ha hoa). Đến năm 2020 đạt 2.200 ha (trong đó 1.100 ha hoa) để tăng hiệu quả sản xuất/1 ha đất sản xuất nông nghiệp (diện tích mở rộng chủ yếu trên đất vườn tạp vùng ven đô).
k. Quy hoạch giống cho cây hàng năm
- Giống lúa: Ngoài diện tích hiện có, quy hoạch thêm 170-180 ha tại các HTX để sản xuất giống lúa thuần.
- Giống khoai tây: Quy hoạch 500 ha chuyên sản xuất giống, trong đó: huyện Ý Yên 130 ha, Vụ Bản 140 ha, Nam Trực 110 ha, Giao Thủy 60 ha, Trực Ninh 10 ha, Xuân Trường 10 ha.
- Giống lạc: Quy hoạch tại các huyện: Ý Yên 160 ha, Vụ Bản 90 ha, Nam Trực 120 ha, Giao Thủy 60 ha, Trực Ninh 10 ha, Hải Hậu 30 ha.
- Giống đậu tương: Quy hoạch 150 – 230 ha chuyên sản xuất giống trong vụ Hè Thu tại các chân đất chuyên màu thuộc các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Vụ Bản, Giao Thủy và Hải Hậu.
5.2. Quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi
a. Đàn bò
- Đến năm 2015, tổng đàn bò đạt 42.000 con, bò sữa 2.000 con; sản lượng thịt đạt 2.500 tấn, sản lượng sữa 3.000 tấn.
- Năm 2020, đàn bò đạt 45.000 con, với các giống chuyên thịt chất lượng cao đạt trên 20%, đàn bò sữa 5.000 con; sản lượng thịt đạt trên 3.500 tấn, sản lượng sữa 7.500 tấn, kết hợp xây dựng nhà máy chế biến sữa.
- Vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ở các xã ven sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ và sông Đào.
- Vùng chăn nuôi bò sữa: Quy hoạch tại huyện Nghĩa Hưng và một số xã có điều kiện diện tích đất bãi ven sông lớn, quy hoạch để phát triển bò sữa đến năm 2020 khoảng 350 ha.
b. Đàn trâu
Đến năm 2015 và 2020, ổn định đàn trâu khoảng 7.000 con theo hướng cung cấp thực phẩm, sản lượng thịt hơi khoảng 800 tấn.
c. Đàn lợn
- Chuyển dịch mạnh phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong nông hộ sang chăn nuôi tập trung công nghiệp (trang trại và gia trại ngoài khu dân cư). Đến năm 2015, chăn nuôi lợn tập trung chiếm 25-30% tổng sản lượng thịt và từ 50% trở lên vào năm 2020.
- Đổi mới cơ cấu giống theo hướng tăng tỷ lệ giống lợn ngoại và lợn lai, phấn đấu lợn thịt lai 3/4 máu ngoại đạt 70% vào năm 2015 và từ 85% trở lên vào năm 2020.
- Đến năm 2015 tổng đàn lợn đạt 800.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 142.000 tấn; năm 2020 đạt 850.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 172.000 tấn; sản lượng lợn sữa xuất khẩu 5.000-7.000 tấn.
Vùng chăn nuôi lợn sữa xuất khẩu ở các huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Ý Yên, Xuân Trường và Vụ Bản. Dự kiến mỗi xã thuộc vùng quy hoạch nuôi khoảng 1.000 con, số xã quy hoạch năm 2015 là 40 xã và năm 2020 là 56 xã. Mỗi xã bố trí 01 khu chăn nuôi tập trung, diện tích mỗi khu từ 02 ha trở lên.
Vùng chăn nuôi lợn thịt tập trung: Bố trí tại mỗi xã quy hoạch 01-02 khu chăn nuôi lợn tập trung, diện tích đất mỗi khu từ 03-04 ha, số xã quy hoạch khu chăn nuôi lợn tập trung năm 2015 là 40 xã và năm 2020 là 70 xã, diện tích đất quy hoạch năm 2015 là 120 ha và năm 2020 là 210 ha. Tại vùng quy hoạch, cần khuyến khích, hỗ trợ các hộ xây dựng trang trại đạt theo tiêu chí hướng dẫn Thông tư số 27 của Bộ Nông nghiệp & PTNT.
d. Đàn gia cầm
- Chuyển đổi nhanh phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán trong nông hộ sang chăn nuôi trang trại tập trung, trên cơ sở quy hoạch khu chăn nuôi tập trung cách biệt khu dân cư theo từng địa phương để khống chế dịch bệnh, tạo môi trường sạch trong nông thôn. Phấn đấu đến năm 2015, sản lượng thịt, trứng từ các trang trại chăn nuôi tập trung chiếm 30% và đến năm 2020 chiếm trên 50% tổng sản lượng thịt, trứng gia cầm trong toàn tỉnh.
Quy hoạch đến năm 2015 tổng đàn gia cầm có 7 triệu con; năm 2020 có 7,5 triệu con; sản lượng thịt gia cầm năm 2015 là 17.000 tấn và năm 2020 đạt 20.000 tấn. Sản lượng trứng năm 2015 đạt 274 triệu quả, năm 2020 đạt 322 triệu quả.
Đối với trang trại chăn nuôi gà công nghiệp, trước mắt phát triển ở 4 huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Trực và Vụ Bản, mỗi huyện chọn 03-05 xã có truyền thống và kinh nghiệm chăn nuôi gà công nghiệp; mỗi xã quy hoạch 03-05 trang trại, quy mô tối thiểu mỗi trại đối với gà thịt là 8.000-10.000 con, gà đẻ trứng thương phẩm là 12.000-24.000 con, diện tích mỗi trang trại tối thiểu 01 ha.
e. Chăn nuôi khác
Xây dựng các mô hình con nuôi đặc sản như nuôi thỏ, dế,... gắn với mô hình trang trại. Đây là mô hình chăn nuôi có hiệu quả cần được nhân rộng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của nhà hàng, khách sạn, khách du lịch, tăng thu nhập cho người lao động. Đưa số lượng và giá trị sản phẩm chăn nuôi khác 2015-2020 gấp 3-5 lần hiện nay.
g. Định hướng quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm
Đến năm 2015 đưa 50-70% và năm 2020 là 100% số điểm giết mổ nhỏ lẻ gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh vào cơ sở giết mổ tập trung. Chủ động kiểm soát và khống chế không để lây lan các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và lây bệnh sang con người; đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
h. Định hướng chế biến thức ăn gia súc
Giai đoạn 2011-2015 khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng 02 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, mỗi nhà máy có công suất 150.000-200.000 tấn tại thành phố Nam Định và huyện Hải Hậu; giai đoạn 2016-2020, xây dựng thêm 01 nhà máy tại huyện Ý Yên.
5.3. Quy hoạch phát triển thủy sản
5.3.1. Nuôi trồng thủy sản
a. Nuôi tôm thương phẩm
Đến năm 2020 ổn định diện tích nuôi tôm là 3.800 ha, trong đó nuôi thâm canh và bán thâm canh là 1.000 ha; sản lượng đạt 4.175 tấn, trong đó có 20-25% diện tích nuôi đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung ở Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Vùng nuôi tôm sú tập trung ở khu vực Cồn Ngạn, vùng ven sông Sò, vùng Cồn Xanh, vùng cửa sông Đáy.
b. Nuôi cua biển
Phấn đấu đến năm 2015 và 2020 ổn định diện tích nuôi cua đạt 1.000 ha, sản lượng đạt 800-1.000 tấn. Vùng tập trung chủ yếu ở Nghĩa Hưng và Giao Thủy.
c. Nuôi cá biển trong đầm nước lợ
Phấn đấu đến năm 2015, diện tích nuôi đạt 700 ha, sản lượng đạt 2.700 tấn, năm 2020 đạt 850 ha, sản lượng đạt 3.800 tấn. Đối tượng là cá Bống bớp, cá Chim biển vây vàng, cá Hồng đỏ, cá Hồng Mỹ, cá Song... Xây dựng vùng nuôi chuyên cá Bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng, vùng nuôi chuyên cá Song ở Hải Hậu, vùng nuôi chuyên cá Vược ở Giao Thủy.
d. Nuôi ngao thương phẩm
Phấn đấu đến năm 2015 và 2020 ổn định 1.800 ha, sản lượng đạt 31.200 tấn. Phát triển mạnh nuôi các loài Ngao dầu, Ngao trắng đồng thời nuôi thử nghiệm Tu hài, Sò huyết, Hàu cửa sông. Vùng nuôi ngao tập trung ở vùng đệm vườn Quốc gia Xuân Thủy và vùng Cồn Xanh thuộc Nghĩa Hưng. Xây dựng dự án khoanh vùng ngao giống với diện tích 100 ha tại Giao Thủy và Nghĩa Hưng.
e. Nuôi cá rô phi đơn tính
Đến năm 2015 diện tích là 350 ha, sản lượng 2.380 tấn, năm 2020 diện tích là 455 ha, sản lượng 2.970 tấn. Vùng tập trung ở Hải Hậu, TP Nam Định, Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên.
g. Nuôi tôm càng xanh
Đến năm 2015 đạt diện tích 200 ha, sản lượng 250 tấn; năm 2020 đạt 300 ha, sản lượng 350 tấn. Vùng tập trung ở Hải Hậu, Trực Ninh, Ý Yên, TP Nam Định.
h. Nuôi cá truyền thống
Đến năm 2015 diện tích nuôi 8.660 ha, sản lượng đạt 31.300 tấn, năm 2020 diện tích nuôi 8.500 ha, đạt sản lượng 34.500 tấn.
i. Sản xuất giống thủy sản các loại
Đến năm 2020 sản xuất khoảng 5,27 tỷ con giống các loại, trong đó giống tôm sú 240 triệu con, tôm chân trắng 160 triệu con, cua 22 triệu con, nhuyễn thể 3.405 triệu con, cá biển 33 triệu con, cá nước ngọt 1.400 triệu con.
5.3.2. Khai thác hải sản
Phát triển đội tàu 2.000 chiếc với tổng công suất 100.000 CV, trong đó đội tàu đánh bắt xa bờ khoảng 400 chiếc (loại trên 90 CV). Sản lượng khai thác hải sản đến năm 2015 đạt 45.000 tấn, năm 2020 đạt 50.000 tấn.
5.3.3. Chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá
Đến năm 2020, sản lượng thuỷ sản chế biến đạt 20.000 tấn trong đó: Chế biến nội địa 19.000 tấn; chế biến xuất khẩu 1.000 tấn, sản lượng nước mắm 6 triệu lít. Kim ngạch xuất khẩu đạt 35,2 triệu USD.
5.4. Quy hoạch sản xuất muối
- Phấn đấu giữ diện tích sản xuất muối ổn định 550 ha (Giao Thủy 315 ha, Hải Hậu 195 ha và Nghĩa Hưng 40 ha).
- Năng suất đạt trên 110 tấn/ha
- Sản lượng đạt trên 60.000 tấn
- Sản xuất muối sạch: Năm 2015 đạt 30% diện tích và năm 2020 đạt trên 50% diện tích.
5.5. Phát triển kinh tế trang trại
a. Giai đoạn 2011-2015
- 100% số xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp đều có trang trại sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí mới và gia trại tập trung ngoài khu dân cư có giá trị sản phẩm hàng hóa mỗi năm từ 500 triệu đồng/năm trở lên.
- Các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 (96 xã), mỗi xã có từ 3 trang trại và gia trại tập trung ngoài khu dân cư trở lên.
- Toàn tỉnh có 1.500 trang trại, gia trại tập trung; trong đó có 292 trang trại đạt tiêu chí mới và 192 gia trại tập trung ngoài khu dân cư.
- Tổng giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ đạt 1.050 tỷ đồng.
b. Giai đoạn 2016-2020
- 100% số xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp đều có trang trại sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí mới và gia trại tập trung ngoài khu dân cư có giá trị sản phẩm hàng hóa mỗi năm từ 700 triệu đồng/năm trở lên.
- Mỗi xã có từ 3 trang trại và gia trại tập trung ngoài khu dân cư trở lên.
- Toàn tỉnh có 3.000 trang trại, gia trại tập trung; trong đó có 1.000 trang trại đạt tiêu chí mới và 500 gia trại tập trung ngoài khu dân cư.
- Tổng giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ đạt 3.000 tỷ đồng.
5.6. Quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Từng bước xây dựng và hình thành nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), trọng tâm là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Phấn đấu đến năm 2015, mỗi huyện có ít nhất 1-2 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.
- Đến năm 2020, xây dựng 5-6 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Tăng cường nghiên cứu phát triển CNC trong nông nghiệp, trọng tâm là tạo CNC mới trong nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng CNC, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC và khu nông nghiệp ứng dụng CNC.
- Đến năm 2030, xây dựng các trung tâm khoa học công nghệ cao có quy mô 100 ha trở lên có đầy đủ các chức năng, đảm bảo khu nông nghiệp ứng dụng CNC là cơ sở để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thu hút vốn, quy tụ các nguồn lực, năng lực ứng dụng CNC trong nông nghiệp vào sản xuất, đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp, sản xuất sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
5.7. Các chương trình đầu tư
- Chương trình an ninh lương thực.
- Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
- Chương trình dồn điền đổi thửa, thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
- Chương trình kiểm soát dịch bệnh cây trồng.
- Chương trình phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp và giết mổ, chế biến tập trung.
- Chương trình đào tạo, nâng cao năng lực quản lý nông nghiệp cho Ban nông nghiệp các xã, thị trấn trong tỉnh.
- Chương trình phát triển thuỷ lợi đa mục tiêu phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp.
- Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông, biển ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp.
- Chương trình xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chương trình phát triển thủy sản theo hướng hiệu quả bền vững.
- Chương trình phát triển ngành nghề và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp, nông thôn.
6.1. Nhóm giải pháp về sử dụng đất nông nghiệp
- Hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất hiện đang trồng lúa sang các mục đích phi nông nghiệp theo các Nghị định của Chính phủ. Giữ vững và ổn định diện tích đất canh tác 2 vụ lúa của tỉnh đến năm 2020 ở mức 75.000 ha.
- Thực hiện dồn điền đổi thửa, khuyến khích tích tụ đất đai để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng các khu sản xuất hàng hóa tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ nông dân có nhu cầu phát triển sản xuất được thuê đất. Khuyến khích nông dân góp cổ phần vào các doanh nghiệp nông nghiệp bằng quyền sử dụng đất, tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động.
- Đối với những địa phương có ngành chăn nuôi phát triển, phải bố trí một phần đất chuyên dùng xa khu dân cư, giao thông thuận tiện, dễ cách ly và xử lý môi trường để hình thành những khu chăn nuôi tập trung.
- Khai hoang, phục hóa diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng để bù đắp diện tích đất nông nghiệp bị giảm do chuyển mục đích sử dụng, đồng thời đầu tư khai hoang lấn biển thêm 3.000 ha ở Nghĩa Hưng và Giao Thủy.
6.2. Nhóm giải pháp về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật – công nghệ
6.2.1. Hệ thống những tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi
- Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống để sản xuất và lựa chọn những giống cho năng suất cao, phẩm chất tốt thích nghi với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai từng vùng trên địa bàn tỉnh.
- Rà soát lại năng lực, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh các cơ sở doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân có khả năng sản xuất giống, xác định quy mô, yêu cầu đầu tư tăng cường mới để có thể ứng dụng công nghệ sinh học, bảo tồn quỹ gien, chọn lọc phục tráng giống mới có năng suất cao, sạch bệnh. Đồng thời có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân hộ gia đình sản xuất giỏi có đủ điều kiện sản xuất kinh doanh giống theo quy định, dưới sự kiểm soát của ngành chức năng.
- Trong những năm trước mắt cần tập trung lựa chọn giống nhập nội, sản xuất những giống có nhu cầu lớn như giống lúa, chương trình cải tạo đàn lợn nái có chất lượng chiếm trên 70% đàn nái toàn tỉnh, phát triển đàn bò lai chiếm trên 75%.
6.2.2. Công tác khuyến nông
- Tăng mức đầu tư cho công tác khuyến nông, khuyến ngư.
- Bồi dưỡng nâng cao trình độ, trách nhiệm của đội ngũ nhân viên kỹ thuật ban nông nghiệp xã, phát triển mạng lưới dịch vụ khuyến nông tự quản cơ sở bao gồm: các hợp tác xã nông nghiệp, câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác ...
- Xây dựng, tổng kết và chỉ đạo nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả và tổ chức nhân rộng cho sản xuất đại trà.
- Làm tốt công tác dự tính, dự báo, phát hiện sớm sâu bệnh, thông báo kịp thời, hướng dẫn nông dân phòng trừ hiệu quả.
6.2.3. Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và chế biến
Tạo điều kiện hỗ trợ cho các hộ nông dân ở các vùng sản xuất cây trồng hàng hoá, vùng sản xuất tập trung đầu tư mua máy móc, thiết bị cơ giới hoá các khâu trồng trọt, chế biến nông sản. Đến năm 2020, cơ giới hoá các khâu làm đất cây hàng năm 100%, cơ giới hoá tưới nước cho cây trồng 80-85%, cơ giới hoá khâu gieo trồng cấy 50-70%, cơ giới hoá khâu phòng trừ sâu bệnh 70-80%, bảo quản chế biến nông sản 70-80%. Phát triển chế biến gắn vùng nguyên liệu với quy mô và công suất thích hợp.
6.3. Nhóm giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật
- Xây dựng các công trình cống qua đê, trạm bơm tiêu úng từ nội đồng ra sông Hồng, sông Đào và các sông khác.
- Nâng cấp các trạm bơm, cống tưới tiêu, bê tông hóa hệ thống kênh mương đối với vùng phát triển nông nghiệp ổn định.
- Củng cố hệ thống đê điều, đáp ứng yêu cầu sản xuất và ứng phó với BĐKH.
- Phát triển giao thông nông thôn theo các tiêu chí về nông thôn mới, đặc biệt quan tâm đầu tư hệ thống giao thông nội đồng cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhằm tạo sự gắn kết, liên hoàn, thông suốt với mạng lưới giao thông của tỉnh, làm cầu nối giữa các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến, giữa sản xuất và tiêu thụ.
- Đầu tư nâng cấp cho các trại giống cây trồng, giống gia súc, gia cầm đảm bảo có đủ lượng giống ông bà, giống bố mẹ có chất lượng tốt cung cấp cho người sản xuất.
- Hỗ trợ nâng cấp các trại sản xuất giống cá nước ngọt.
6.4. Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
- Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, giúp nông dân nâng cao kỹ năng, chất lượng lao động và có thể chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm mới.
- Mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tại chỗ cho nông dân về luật pháp, chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi, ngành nghề ở nông thôn, thương mại, dịch vụ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, kỹ năng quản lý kinh tế hộ, trang trại,...
- Xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút những cán bộ kỹ thuật có trình độ cao đến làm việc tại các trạm, trại nghiên cứu, các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn cho các sản phẩm đầu ra.
6.5. Nhóm giải pháp để hoàn thiện các hình thức tổ chức sản xuất
- Thực hiện tốt Luật HTX và các Nghị định có liên quan của Chính phủ.
- Bổ sung các cơ chế chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, đặc biệt là các doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến nông sản.
- Khuyến khích thành lập các hợp tác xã chuyên doanh, đẩy nhanh phát triển kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hoá.
- Nâng cao chất lượng hoạt động của các ban nông nghiệp cấp xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp.
- Thực hiện liên kết sản xuất giữa nông dân, các nhà khoa học và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp.
6.6. Nhóm giải pháp về bổ sung, hoàn chỉnh chính sách
- Chính sách về phát triển thị trường quyền sử dụng đất để thúc đẩy quá trình tập trung ruộng đất ở nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xây dựng các khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư.
- Chính sách về rà soát lại cơ cấu đầu tư để tăng vốn cho phát triển khu vực nông nghiệp, có những chương trình tín dụng tài trợ để người dân và doanh nghiệp đầu tư chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.
- Chính sách, chế độ để thu hút sử dụng cán bộ quản lý, cán bộ khoa học có năng lực về công tác tại các địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
- Chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp nhằm đa dạng hoá các loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp trong cơ chế thị trường.
6.7. Nhóm giải pháp về vốn đầu tư và huy động vốn đầu tư
Ưu tiên nguồn vốn phát triển kết cấu hạ tầng, trước hết đầu tư tập trung vào những vùng sản xuất hàng hoá, những chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản trọng điểm. Trước mắt cần đầu tư tập trung vào khâu sản xuất giống cây trồng (lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, rau an toàn, hoa cây cảnh), giống vật nuôi (lợn hướng nạc, giống bò thịt, gia cầm siêu thịt, siêu trứng), giống thuỷ hải sản và các giống thuỷ đặc sản khác.
Dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020 khoảng 9.800 tỷ đồng, trong đó:
- Giai đoạn 2011-2015: 3.500 tỷ đồng
- Giai đoạn 2016-2020: 6.300 tỷ đồng
Thu hút mọi nguồn vốn đầu tư cho phát triển, bao gồm vốn đầu tư trong nước; Ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, của nhân dân,... (trong đó vốn ngân sách bố trí theo thực tế khả năng của tỉnh); vốn đầu tư nước ngoài (các dự án ODA, FDI, viện trợ không hoàn lại, vốn hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ,...).
6.8. Nhóm giải pháp về thị trường và xúc tiến thương mại
- Nghiên cứu xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh như gạo Tám xoan, gạo Dự, nước mắm Ninh Cơ, ngao Giao Thủy, lạc Ý Yên,... xây dựng Website giới thiệu về những sản phẩm nông, thủy hải sản gắn với các vùng sản xuất an toàn.
- Khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và từng bước xuất khẩu.
- Tiếp tục củng cố và nâng cao vai trò của hệ thống thương mại dịch vụ. Hướng dẫn, tạo điều kiện để các HTX có thể đảm nhận dịch vụ đầu ra cho sản phẩm hàng hoá.
6.9. Nhóm giải pháp về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn
- Ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông sản.
- Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ mới để xử lý vệ sinh trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Nghiên cứu đề xuất mô hình chăn nuôi qui mô gia trại gắn với quy hoạch chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, tích cực vận động nhân dân thực hiện xử lý chất thải chăn nuôi trong khu dân cư, góp phần cải tạo cảnh quan môi trường, giảm thiểu các bệnh truyền nhiễm từ gia súc, gia cầm trong khu dân cư.
6.10. Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện quy hoạch
a. UBND tỉnh Nam Định và các huyện, thành phố
- Đưa nội dung thực hiện quy hoạch vào các chương trình dự án của các cấp, các ngành, nhất là lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, muối.
- Ban hành kịp thời các chủ trương, cơ chế chính sách của tỉnh, của huyện, thành phố hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản và muối phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.
- UBND các huyện và thành phố xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, muối hàng năm, 05 năm của đơn vị mình, chỉ đạo dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, giữ và ổn định đất lúa được giao,....
b. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Tổ chức công bố công khai và rộng rãi quy hoạch được duyệt.
- Xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch 05 năm các lĩnh vực quy hoạch làm cơ sở cho công tác chỉ đạo. Chú trọng xây dựng vùng sản xuất hàng hoá trọng điểm, gắn quy hoạch vùng sản xuất với chế biến và quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, hình thành các tiểu vùng kinh tế.
- Chủ trì phối hợp với các ngành xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, muối trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Hàng năm tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch và đánh giá kết quả triển khai các chương trình dự án ưu tiên để có hướng điều chỉnh, bổ sung cho các năm tiếp theo.
c. Các Sở ngành có liên quan
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch 05 năm, tổng hợp kế hoạch báo cáo với UBND tỉnh.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, muối.
- Tham mưu cho UBND tỉnh về hướng đầu tư các dự án và bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cho các dự án để đẩy nhanh tốc độ phát triển nông nghiệp, thủy sản, muối.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện về việc đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực cho lao động nông nghiệp, nông thôn.
d. Các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ
- Tăng cường đầu tư xây dựng các cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong vùng quy hoạch.
- Hỗ trợ nông dân trong việc đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu thông qua ký kết hợp đồng đầu tư và thu mua sản phẩm.
- Thành lập các điểm thu mua tại các vùng sản xuất tập trung để thu mua hết và kịp thời các nông sản hàng hóa cho nông dân thông qua ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với giá cả hợp lý.
e. Hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng
- Tư vấn cho nông dân, HTX, doanh nghiệp, chủ trang trại xây dựng phương án sử dụng vốn phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm có hiệu quả, hạn chế rủi ro.
- Tạo điều kiện để các HTX, doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ nông dân được vay vốn với lãi suất hợp lý, đầy đủ và kịp thời theo yêu cầu sản xuất kinh doanh.
g. Các tổ chức nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ
- Hỗ trợ các địa phương trong việc tập huấn, đào tạo nghề cho nông dân cũng như áp dụng tiến bộ, khoa học công nghệ vào sản xuất.
- Tư vấn cho nhà nước, doanh nghiệp, chủ trang trại những tiến bộ khoa học kỹ thuật có thể áp dụng vào sản xuất.
h. Các HTX, doanh nghiệp, trang trại và hộ nông dân
- Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng quy hoạch, nhất là các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân nằm trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chủ động phối kết hợp với các nhà để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng sản phẩm hàng hóa.
- Tham gia tích cực vào các hiệp hội, ngành hàng.
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp & PTNT Nam Định căn cứ những mục tiêu, định hướng và phương án phát triển nông nghiệp, thủy sản và muối của tỉnh nêu trong Quy hoạch, phối hợp với các huyện, thành phố và các ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện:
- Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
- Quy hoạch chi tiết các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, muối; quy hoạch phát triển kinh tế trang trại.
- Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, thủy sản và muối phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn theo Quy hoạch đã được phê duyệt.
Điều 3. Giao các Sở, ngành liên quan phối hợp hỗ trợ Sở Nông nghiệp & PTNT trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch trên đến năm 2020 với một số nội dung chủ yếu sau:
- Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp, thủy sản, muối của tỉnh trong từng giai đoạn, nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích, thu hút đầu tư để bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Quy hoạch.
- Nghiên cứu xây dựng các dự án ưu tiên gắn với các chương trình đầu tư theo từng giai đoạn đã được nêu trong Quy hoạch.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 5. Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 2362/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch Sản xuất và Chế biến muối đến năm 2020 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 2Quyết định 16/2014/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2020
- 3Quyết định 3086/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất Cam an toàn tập trung tỉnh Hòa Bình đến năm 2020
- 4Quyết định 932/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp và phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Bình đến năm 2020
- 5Nghị quyết 14/2010/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011 - 2015 do Thành phố Hải Phòng ban hành
- 6Kế hoạch hành động 24/KH-UBND năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2016
- 7Nghị quyết 32/2017/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ sản xuất muối tại vùng muối sa huỳnh tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2017-2020
- 8Quyết định 3276/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt bổ sung nội dung phát triển sản xuất muối tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vào Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật Hợp tác xã 2003
- 4Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 5Quyết định 2362/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch Sản xuất và Chế biến muối đến năm 2020 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 6Quyết định 16/2014/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2020
- 7Quyết định 3086/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất Cam an toàn tập trung tỉnh Hòa Bình đến năm 2020
- 8Quyết định 932/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp và phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Bình đến năm 2020
- 9Nghị quyết 14/2010/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011 - 2015 do Thành phố Hải Phòng ban hành
- 10Kế hoạch hành động 24/KH-UBND năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2016
- 11Nghị quyết 32/2017/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ sản xuất muối tại vùng muối sa huỳnh tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2017-2020
- 12Quyết định 3276/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt bổ sung nội dung phát triển sản xuất muối tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vào Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
Quyết định 644/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- Số hiệu: 644/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/05/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
- Người ký: Nguyễn Viết Hưng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra