Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 641/QĐ-UBND | Lâm Đồng, ngày 28 tháng 03 năm 2014 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG BỨC XẠ KỸ THUẬT HẠT NHÂN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 24 tháng 06 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2011 của của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong công nghiệp và các ngành kinh tế-kỹ thuật khác đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2011 của của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 1958/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng tại Tờ trình số 04/TTr-SKHCN ngày 26 tháng 02 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng bức xạ kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 (gọi tắt là Kế hoạch), với nội dung chủ yếu như sau:
1. Đưa lĩnh vực ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân trở thành một lĩnh vực có đóng góp ngày càng tăng và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường.
2. Phát triển ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với phát triển chung của nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác theo hướng hiện đại hóa về thiết bị, chuẩn hóa về quy trình công nghệ và khả thi về tổ chức thực hiện;
3. Phát triển ứng dụng bức xạ kỹ thuật hạt nhân trên cơ sở đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, huy động mọi nguồn lực xã hội, xúc tiến quan hệ hợp tác quốc tế;
4. Phát triển ứng dụng bức xạ kỹ thuật và kỹ thuật hạt nhân đi đôi với hoàn thiện công tác quản lý; bảo đảm an toàn cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
1. Mục tiêu chung
- Đẩy mạnh ứng dụng bức xạ góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững; có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.
- Tăng cường ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y tế. Tập trung phát triển các kỹ thuật hiện đại sử dụng tính ưu việt của bức xạ và đồng vị phóng xạ để phục vụ và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
- Phát triển cơ sở vật chất và năng lực ứng dụng bức xạ trong nghiên cứu về khí tượng, thủy văn, điều tra, thăm dò, đánh giá về tài nguyên và bảo vệ môi trường đạt trình độ các nước tiên tiến trong khu vực; góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;
- Đẩy mạnh phát triển ứng dụng bức xạ mang tính truyền thống, xây dựng tiền đề cho phát triển ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững:
- Điều tra về các tổ chức, cá nhân có hoạt động bức xạ hoặc sử dụng nguồn phóng xạ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
- Xây dựng chương trình đảm bảo an toàn bức xạ và kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ tại tỉnh Lâm Đồng.
- Xây dựng Trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường tỉnh Lâm Đồng.
- Xây dựng, triển khai các đề tài/dự án nghiên cứu về quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân.
b) Đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật thực hiện công tác quản lý, thực hiện các hoạt động ứng dụng bức xạ kỹ thuật hạt nhân đồng thời nâng cao năng lực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân.
- Đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài, đào tạo theo đề tài, dự án.
- Mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực về ứng dụng bức xạ kỹ thuật hạt nhân.
- Xây dựng, triển khai các kế hoạch, đề tài, dự án nghiên cứu về tăng cường nguồn lực.
c) Lựa chọn và phát triển một số nghiên cứu và ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân trong các ngành nông nghiệp, khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường của tỉnh Lâm Đồng.
1. Hoạt động quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân
- Tổ chức thực hiện việc đăng ký về an toàn bức xạ và hạt nhân theo quy định của pháp luật;
- Quản lý việc khai báo, thống kê các nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, chất thải phóng xạ trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức thực hiện việc kiểm soát và xử lý sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân trên địa bàn;
- Xây dựng và tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát an toàn bức xạ và hạt nhân tại địa phương.
- Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án và các biện pháp để thúc đẩy ứng dụng bức xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức triển khai hoạt động ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế - kỹ thuật trên địa bàn tỉnh;
- Tổ chức thực hiện các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ;
- Tổ chức đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử trên địa bàn theo phân cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Hoạt động nâng cao nguồn lực - hợp tác
- Thực hiện các hoạt động giảng dạy, trao đổi học thuật và hội thảo khoa học, nhằm cung cấp các thông tin trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung;
- Tổ chức, xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành về năng lượng nguyên tử, nhân lực quản lý về an toàn bức xạ và hạt nhân, kỹ thuật viên tiến hành công việc ứng dụng bức xạ;
- Phát triển và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ, xúc tiến quan hệ hợp tác quốc tế.
3. Hoạt động nghiên cứu ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân
a) Lĩnh vực nông nghiệp:
- Ứng dụng và phương pháp đột biến phóng xạ kết hợp với các phương pháp lai tạo và chọn lọc truyền thống và công nghệ sinh học, tập trung ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy in vitro và kỹ thuật sinh học phân tử, dựa trên nguồn tài nguyên đa dạng sinh học và nhập nội để chọn ra các giống cây trồng mới (như rau, hoa, cây dược liệu, cây công nghiệp lâu năm, cây lâm nghiệp, cây ăn quả) có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh hại chính và thích hợp với các vùng sinh thái nông lâm nghiệp đặc trưng ở Lâm Đồng; chọn tạo các chủng vi sinh vật - nấm mới phục vụ phục vụ sản xuất sinh khối, phân bón, chế phẩm xử lý môi trường và bảo vệ cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Đưa tỷ lệ các giống đột biến chiếm ít nhất 5% - 10% tổng số giống cây trồng và vi sinh vật mới trên địa bàn Lâm Đồng;
- Nghiên cứu chọn lọc và gây tạo các chủng vi sinh - nấm mới có hoạt lực ký sinh diệt côn trùng sâu bệnh gây hại trong trồng trọt.
- Nghiên cứu chọn lọc và gây tạo các chủng vi sinh ứng dụng trong phòng bệnh, để diệt ấu trùng ký sinh trùng và côn trùng gây dịch bệnh trong chăn nuôi, chế biến và bảo quản thức ăn gia súc.
- Ứng dụng kỹ thuật đồng vị bền và đồng vị phóng xạ (tự nhiên và nhân tạo) và phân tích hạt nhân kết hợp phi hạt nhân trong nghiên cứu quản lý dinh dưỡng, tối ưu sử dụng phân bón, nông dược… cho một số nhóm cây trồng (rau, trà, cà phê,…);
- Nghiên cứu phát triển, ứng dụng bức xạ để xử lý và bảo quản sau thu hoạch một số sản phẩm rau, hoa, cây công nghiệp chủ yếu (trà, cà phê, dược liệu),…; thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm, sản phẩm thủy sản,… ở dạng tươi sống hoặc đông lạnh, làm khô phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ phát triển,ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp. Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, chiếu xạ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và vùng lân cận:
+ Xây dựng Trung tâm chiếu xạ quy mô công nghiệp (có thể phát triển cả công nghệ máy gia tốc điện tử), trên cơ sở mở rộng Trung tâm phân tích và Chứng nhân chất lượng Lâm Đồng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.
+ Thành lập một số Trạm khảo nghiệm, thực nghiệm Ứng dụng bức xạ chọn lọc cây trồng đột biến nhằm thử nghiệm, nhân giống, sản xuất thử và chuyển giao để tạo đầu ra cho các dự án tạo, chọn mới giống cây trồng tại huyện Đơn Dương, Lạc Dương… thuộc Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng.
+ Liên kết, phối hợp giữa các phòng thí nghiệm chuyên ngành, các cơ sở thực nghiệm đã có sẵn tại các đơn vị trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, Trường Đại học Đà Lạt, Viện Sinh học Tây Nguyên…) và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh.
- Xây dựng, triển khai các đề tài/dự án nghiên cứu ứng dụng về an toàn bức xạ và hạt nhân, bao gồm:
+ Ứng dụng kỹ thuật chiếu xạ và công nghệ sinh học để nghiên cứu chọn tạo một số giống rau, cây ăn quả có năng suất và chất lượng cao và một số giống hoa đột biến (hoa cát tường, hoa cúc, v.v.) phù hợp với điều kiện của Lâm Đồng và Tây Nguyên.
+ Nghiên cứu đưa vào sản xuất 2-3 chế phẩm mới phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và tại nông phẩm sạch.
+ Nghiên cứu đưa vào khảo nghiệm 5-10 dòng rau, 2-5 dòng cây ăn quả, 5-10 dòng hoa biến dị có tính ưu việt để phát triển thành giống đột biến mới có giá trị kinh tế và lợi thế cạnh tranh cao.
+ Nghiên cứu đưa vào ứng dụng 2-3 giống nấm và 3-5 giống vi sinh vật có phẩm chất tốt và năng suất cao. Tạo các giống nấm và vi sinh vật có tính ưu việt cao phục vụ các quá trình chuyển hóa sinh khối trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và môi trường. Trước hết tập trung cải tiến một số giống nấm đặc trưng của Đà Lạt - Lâm Đồng (nấm Linh chi, Hầu thủ, Đông cô v.v.) và tạo một số giống Tricoderma có hoạt tính phân hủy cellulose cao và tính đối kháng tốt.
b) Lĩnh vực y tế:
- Xây dựng kế hoạch quản lý hoạt động ứng dụng bức xạ ngành y tế tỉnh Lâm Đồng.
- Xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở y học hạt nhân, xạ trị và X-quang y tế của tỉnh Lâm Đồng;
+ Xây dựng cơ sở y học hạt nhân và cơ sở ung bướu, có thiết bị xạ trị. Đến năm 2020 đạt ít nhất 01 (hoặc 02) thiết bị xạ trị, thiết bị xạ hình phục vụ ngành y tế, ít nhất ở các Bệnh viện tuyến tỉnh có Khoa y học hạt nhân.
+ Đầu tư phát triển kỹ thuật chụp hình cắt lớp photon đơn (SPECT, SPECT/CT) và phát triển kỹ thuật X-quang can thiệp… 100% bệnh viện đa khoa khu vực có máy chụp cắt lớp vi tính; 100% bệnh viện huyện có máy X-quang cao tần.
- Bảo đảm an toàn bức xạ cho nhân viên y tế và bệnh nhân, thực hiện kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị bức xạ trong y tế để đảm bảo chất lượng và hiệu quả chẩn đoán và điều trị.
- Xây dựng, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng, bao gồm:
+ Nghiên cứu xây dựng Trung tâm ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân trong y tế cấp vùng, phục vụ nhu cầu trong tỉnh và vùng Tây Nguyên.
+ Ứng dụng các đồng vị phóng xạ và các thiết bị hạt nhân trong chẩn đoán hình ảnh, điều trị ung thư… trong các cơ sở y tế.
c) Lĩnh vực khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường:
- Xây dựng, triển khai các đề tài/dự án nghiên cứu ứng dụng về bức xạ và kỹ thuật hạt nhân, bao gồm:
+ Triển khai các ứng dụng kỹ thuật đồng vị để nghiên cứu về khí tượng, sự hình thành, tạo mây, các thay đổi của khí hậu và thời tiết nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo.
+ Ứng dụng kỹ thuật đồng vị nghiên cứu về xói mòn đất và bồi lắng tại các lưu vực sông, lòng hồ thủy lợi và thủy điện; nghiên cứu xác định sự rò rỉ nước qua các thân đê, đập, nguồn gốc và lượng nước chảy vào các mỏ khai thác khoáng sản, nền móng các công trình xây dựng.
+ Nghiên cứu sự xói mòn và rửa trôi dinh dưỡng đất, gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt ở các vùng thượng lưu; sản xuất vật liệu sinh học cải tạo đất, phân bón, phục vụ sản xuất trên các vùng sinh thái đặc trưng ở Lâm Đồng, đặc biệt ở các vùng đất dốc, vùng khai thác Bauxite.
+ Ứng dụng kỹ thuật đồng vị để nghiên cứu dự báo về tài nguyên nước một cách định lượng với độ chính xác cao.
- Nghiên cứu, phát triển tổ hợp các phương pháp địa chất - địa vật lý hạt nhân hiện đại nhằm mở rộng ứng dụng trong:
+ Nghiên cứu tai biến địa chất, phát hiện, quan trắc các dạng tai biến do vận động địa chất hiện đại như xói mòn đất, trượt lở đất và đứt gãy hoạt động; quá trình sụt lún đất, nứt đất và xác định vị trí, diện tích các vùng có nguy cơ cao về sụt lún và sạt lở đất; đánh giá các đới xung yếu cho những khu vực trọng điểm.
+ Ứng dụng kỹ thuật đồng vị và phân tích hạt nhân để nghiên cứu và quan trắc sự lan truyền các chất ô nhiễm ra môi trường xung quanh các bãi chôn lấp rác thải, các khu công nghiệp, kho chứa hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản có sử dụng các hóa chất độc hại, v.v…; phát hiện, quan trắc các nguồn gây ô nhiễm nước mặt trên các lưu vực sông, ô nhiễm biển, góp phần đưa ra các giải pháp ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm cả trên bề mặt và nước ngầm.
+ Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ xử lý các chất hữu cơ khó phân hủy trong nước thải, đất đai, tàn dư chất dioxin trong môi trường tại, diệt trừ các loại vi khuẩn gây bệnh, gây hại.
+ Nghiên cứu nguồn tài nguyên nước, đánh giá sa bồi, an toàn của các lòng hồ, đập trên địa bàn tỉnh.
+ Khảo sát đặc trưng động cơ học các tầng nước ngầm phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội cũng như nghiên cứu ô nhiễm nước ngầm.
+ Đánh giá tồn dư kim loại nặng trong nuôi trồng thủy sản, xử lý ô nhiễm môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đặc biệt các vùng thủy vực phát triển nuôi cá nước lạnh.
d) Lĩnh vực công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác:
- Xây dựng, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng về bức xạ và kỹ thuật hạt nhân, bao gồm:
+ Nghiên cứu sử dụng kỹ thuật bức xạ chế tạo các chế phẩm tăng trưởng, kháng bệnh ứng dụng trong trồng trọt, chăn nuôi từ các polymer tự nhiên phế thải như phụ phẩm nông nghiệp, bã vi sinh vật và phế phẩm từ sản xuất nấm…
+ Nghiên cứu sử dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân kết hợp với các công nghệ khác xử lý chất thải (từ các nhà máy chế biến thực phẩm, khoáng sản, bùn đỏ bô xít…), để sản xuất ứng dụng trong các ngành kinh tế-kỹ thuật.
+ Nghiên cứu sử dụng kỹ thuật bức xạ chế tạo các vật liệu nano và hydrogel… từ các nguyên liệu tại địa phương (bentonit, diatomit…) ứng dụng trong các ngành kinh tế - kỹ thuật.
+ Nghiên cứu và triển khai ứng dụng kỹ thuật kiểm tra không phá hủy trong các ngành công nghiệp.
1. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị
Ưu tiên ngân sách đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp thông qua các dự án đầu tư theo kế hoạch chi tiết tại mục III của Chương trình này.
2. Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Các sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công thương; các huyện, thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc phối hợp với các Trường Đại học, Cao đẳng, Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Sinh học Tây Nguyên, Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, các ngành, đơn vị có liên qua xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cụ thể theo hướng phát triển, ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân theo Kế hoạch.
3. Đào tạo nguồn nhân lực
a) Đào tạo nước ngoài: cử đào tạo và tuyển đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ; đào tạo tập huấn ngắn hạn cho cán bộ kỹ thuật và quản lý trong lĩnh vực phát triển, ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân ở Lâm Đồng;
b) Đào tạo trong nước: đào tạo tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hạt nhân, Trường Đại học Đà Lạt và các tổ chức khoa học công nghệ chuyên ngành khác về ứng dụng bức xạ kỹ thuật, đảm bảo an toàn trong bức xạ;
c) Đào tạo theo đề tài, dự án khoa học và công nghệ về ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân sử dụng ngân sách nhà nước dành kinh phí thích hợp cho đào tạo phù hợp với mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ được phê duyệt.
4. Hợp tác quốc tế
Mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực về ứng dụng bức xạ kỹ thuật hạt nhân, đặc biệt là với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến thông qua Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, các nghị định thư và dự án hợp tác quốc tế.
5. Nguồn kinh phí thực hiện
Đa dạng hóa nguồn vốn cho phát triển và ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp, bao gồm:
a) Nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh (bao gồm cả nguồn đầu tư phát triển và Quỹ phát triển khoa học và Công nghệ);
b) Nguồn kinh phí thuộc Đề án nâng cao và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh;
c) Nguồn vốn ngân sách tỉnh;
d) Nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn vốn từ hợp tác quốc tế, nguồn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân; các nguồn vốn hợp pháp khác.
6. Cơ chế, chính sách
a) Chính sách hỗ trợ phát triển nghiên cứu, ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân:
- Tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp được nhà nước hỗ trợ kinh phí cần thiết cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thử nghiệm và chuyển giao công nghệ theo các quy định của pháp luật;
- Xem xét hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mức chi phí cần thiết đối với tổ chức khoa học công nghệ công lập và các tổ chức khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho phòng thí nghiệm và cơ sở sản xuất ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân theo các dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh.
b) Chính sách hỗ trợ đào tạo, sử dụng nhân lực: Thực hiện chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực về nghiên cứu, ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân theo các quy định của pháp luật.
1. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch, cụ thể từng năm, định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá báo cáo UBND tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý, nghiên cứu ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình.
2. Các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình mục đích, nhu cầu của địa phương, đề xuất các nhiệm vụ cụ thể hàng năm, nhằm phát triển, ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân có hiệu quả cao nhằm phát triển kinh tế - xã hội tại Lâm Đồng.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan đề xuất bố trí nguồn ngân sách nhà nước cho cả giai đoạn và cụ thể từng năm để thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
5. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia thực hiện các nội dung, nhiệm vụ và các đề tài, dự án thuộc Chương trình tiến hành đăng ký với Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng được giao chủ trì nhiệm vụ nêu trên để được xem xét, giải quyết.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 2230/QĐ-UBND năm 2013 công bố thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre
- 2Kế hoạch 2722/KH-UBND năm 2015 về khung giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 1Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Quyết định 775/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 957/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 127/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ trong công nghiệp và ngành kinh tế - kỹ thuật khác đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 1958/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 2230/QĐ-UBND năm 2013 công bố thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre
- 9Kế hoạch 2722/KH-UBND năm 2015 về khung giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
Quyết định 641/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch ứng dụng bức xạ kỹ thuật hạt nhân tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
- Số hiệu: 641/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/03/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Người ký: Đoàn Văn Việt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra