Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 64/2006/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 20 tháng 07 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC HƯỞNG LỢI CỦA HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN ĐƯỢC GIAO, ĐƯỢC THUÊ, NHẬN KHOÁN RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 03/12/2004,
Căn cứ Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 80/2003/TTLT/BNN/BTC ngày 03/9/2003 của liên bộ Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN ngày 07/7/2005 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc ban hành Quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tại Tờ trình số 388/TTr-NLN ngày 02/6/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định mức hưởng lợi của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp đối với sản phẩm khai thác chính trong khung tỷ lệ được quy định tại Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Chi cục Kiểm lâm, các ngành, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp & PTNT, Tài chính, Cục trưởng Cục thuế; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp; Thủ trưởng các ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT: TU, HĐND, UBND và Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Bộ Nông nghiệp & PTNT;
- Cục Lâm nghiệp;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp & PTNT;
- Lãnh đạo VP;
- Lưu: VT, các CV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Cường

 

QUY ĐỊNH

MỨC HƯỞNG LỢI ĐỐI VỚI CÁC HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN ĐƯỢC GIAO, ĐƯỢC THUÊ NHẬN KHOÁN RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Kèm theo Quyết định số 64/2006/QĐ-UBND ngày 20/7/2006 của UBND tỉnh Lào Cai)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng, phạm vi áp dụng

1. Hộ gia đình, cá nhân (sau đây gọi là hộ gia đình) được Nhà nước giao rừng và đất lâm nghiệp theo Nghị định số 02/CP ngày 15/01/1994 và Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

2. Hộ gia đình được các tổ chức Nhà nước khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng theo Nghị định số 01/CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp nhà nước.

Điều 2. Nguyên tắc xác định quyền hưởng lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê, khoán rừng và đất lâm nghiệp:

1. Đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước với người trực tiếp bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng; giữa lợi ích kinh tế của rừng với lợi ích phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn thiên nhiên; giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.

2. Quyền hưởng lợi trên đất lâm nghiệp bao gồm: gỗ, lâm sản ngoài gỗ (trừ những động vật, thực vật nằm trong danh mục quý hiếm do Chính phủ quy định và danh mục ghi trong phụ lục công ước quốc tế CITES), sản phẩm trồng xen, tiền công tương xứng với tiền của, công sức của hộ gia đình, cá nhân đã đầu tư vào rừng.

3. Quyền hưởng lợi, nghĩa vụ chỉ được thực hiện trong thời hạn được giao, thuê hoặc nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp và được quyền thừa kế theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Giải thích từ ngữ và khái niệm

1. Hiện trạng rừng (áp dụng cho loại rừng gỗ lá rộng thường xanh và nửa rụng lá): Là trạng thái rừng tại thời điểm hộ gia đình được giao, được thuê hoặc nhận khoán, gồm:

a) Trạng thái đất trống IC: Rừng thứ sinh nghèo kiệt do đã bị khai thác kiệt, hoặc đã khai thác từ lâu nhưng chưa được phục hồi, phần lớn chỉ có cỏ, cây bụi, hoặc cây gỗ, tre mọc rải rác với độ che phủ dưới mức 0,3.

b) Trạng thái IIA, IIB, IIIA1: Rừng phục hồi sau nương rẫy hoặc sau khai thác, còn sót lại một số cây gỗ nhưng phẩm chất xấu, trữ lượng không đáng kể, đường kính phổ biến không vượt quá 20 cm.

c) Trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3: Rừng có trữ lượng ở mức trung bình, là rừng thứ sinh đã bị chặt chọn nhưng chưa làm thay đổi đáng kể cấu trúc của rừng hoặc phát triển từ rừng phục hồi sau khai thác, sau nương rẫy đã có một số cây có đường kính lớn (trên 35cm) có thể khai thác sử dụng, có cấu trúc ổn định, nhiều tầng, hoặc rừng đã bị chặt chọn lấy ra một ít gỗ quý, gỗ tốt nhưng chưa làm thay đổi đáng kể về cấu trúc của rừng, khả năng cung cấp gỗ của rừng còn nhiều, trữ lượng bình quân trên 100m3/ha.

2. Bên giao, khoán

a) Bên giao: Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho hộ gia đình để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

b) Bên giao khoán: Là các tổ chức Nhà nước được Nhà nước giao rừng và đất lâm nghiệp để sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, gồm: Lâm trường quốc doanh, Nông trường quốc doanh, Ban quản lý khu rừng đặc dụng, Ban quản lý khu rừng phòng hộ, Công ty, Xí nghiệp, Trạm, Trại lâm nghiệp .., đã tiến hành giao khoán rừng và đất lâm nghiệp cho hộ gia đình để bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng thông qua hợp đồng khoán.

Trường hợp diện tích rừng Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê, UBND xã sở tại chịu trách nhiệm quản lý đã ký kết hợp đồng khoán cho hộ gia đình để bảo vệ rừng thì hộ gia đình và UBND xã cũng được hưởng lợi từ rừng theo quy định tại Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg.

3. Lâm sản khai thác chính

Lâm sản khai thác chính để phân chia giữa hộ gia đình với bên giao, cho thuê, khoán rừng và đất lâm nghiệp được quy định như sau:

a) Đối với rừng sản xuất: Lâm sản khai thác chính là lâm sản thu được sau khi tiến hành khai thác những khu rừng đã đến tuổi khai thác. Trong trường hợp hộ gia đình được giao hoặc nhận khoán trồng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng có nguồn thu chủ yếu từ rừng là sản phẩm hàng năm: nhựa, quả, hạt, hoa thì sản phẩm khai thác chính là sản lượng nhựa, quả, hạt, hoa thu hoạch được hàng năm.

b) Đối với rừng phòng hộ: Lâm sản khai thác chính là lâm sản thu được sau khi tiến hành khai thác những khu rừng đã đáp ứng yêu cầu phòng hộ theo quy định hiện hành.

4. Nhà nước giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình được quy định tại các Điều 4, 5, 7 Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg là giao rừng cho hộ gia đình để quản lý, bảo vệ và xây dựng rừng theo quy chế quản lý của từng loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất). Rừng tự nhiên được giao là tài nguyên quốc gia, không phải là tài sản của hộ gia đình; hộ gia đình chỉ được hưởng lợi ích từ rừng tùy theo hiện trạng khi giao, thời gian, tiền của và công sức mà hộ gia đình đã đầu tư vào rừng.

Điều 4. Trình tự và thủ tục khai thác: Thực hiện theo Quy chế Khai thác gỗ và lâm sản khác ban hành kèm theo Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN ngày 07/7/2005 của Bộ Nông nghiệp & PTNT (Gọi tắt là quy định tại Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN).

Chương 2.

QUYỀN HƯỞNG LỢI CỦA HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN ĐƯỢC GIAO RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP

Điều 5. Hộ gia đình, cá nhân được giao rừng tự nhiên phòng hộ để bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh:

1. Được khai thác tre, nứa theo quy định tại Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN; được hưởng toàn bộ giá trị lâm sản thu được sau khi nộp thuế.

2. Được khai thác gỗ theo phương thức chặt chọn theo quy định tại Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN; Giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng như sau:

a) Đối với khu vực I, II được hưởng 85%, nộp ngân sách xã 15%.

b) Đối với khu vực III được hưởng 90%, nộp ngân sách xã 10%.

Điều 6. Hộ gia đình, cá nhân được giao đất lâm nghiệp chưa có rừng thuộc quy hoạch cho rừng phòng hộ.

1. Trường hợp được Nhà nước cấp kinh phí để trồng, chăm sóc rừng theo quy định hiện hành: Được khai thác gỗ theo phương thức chặt chọn theo quy định tại Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN; Giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng như sau:

a) Đối với khu vực I, II được hưởng 90%, nộp ngân sách xã 10%.

b) Đối với khu vực III được hưởng 95%, nộp ngân sách xã 5%.

2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư vốn để trồng rừng thì giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng 100%.

Điều 7. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng tự nhiên quy hoạch rừng sản xuất:

Khi rừng được phép khai thác chính theo quy định tại Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN thì căn cứ vào hiện trạng rừng khi giao cho hộ gia đình, cá nhân, giá trị lâm sản khai thác chính được phân chia như sau:

1. Đối với rừng gỗ:

a) Rừng thứ sinh nghèo kiệt: Giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng 100%.

b) Rừng phục hồi sau nương rẫy hoặc sau khai thác với cây gỗ có đường kính phổ biến dưới 20cm: Giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng như sau:

- Đối với khu vực I được hưởng 70%, nộp ngân sách xã 30%.

- Đối với khu vực II được hưởng 75%, nộp ngân sách xã 25%.

- Đối với khu vực III được hưởng 80%, nộp ngân sách xã 20%.

c) Rừng có trữ lượng còn ở mức trung bình hoặc giàu, lớn hơn 100 m3/ha, từ lúc giao đến khi khai thác, mỗi năm giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng 2%, nộp ngân sách xã 98%.

2. Đối với rừng tre, nứa: Được khai thác theo quy định tại Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN. Giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng 95%, nộp ngân sách xã 5%.

Điều 8. Hộ gia đình, cá nhân được giao rừng sản xuất là rừng trồng bằng vốn ngân sách Nhà nước:

Khi rừng đạt tiêu chuẩn được phép khai thác theo quy định tại Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN, giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng như sau:

1. Đối với khu vực I được hưởng 75%, nộp ngân sách xã 25%.

2. Đối với khu vực II được hưởng 80%, nộp ngân sách xã 20%.

3. Đối với khu vực III được hưởng 85%, nộp ngân sách xã 15%.

Điều 9. Hộ gia đình, cá nhân được giao đất lâm nghiệp chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng sản xuất để gây trồng rừng:

1. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để trồng rừng theo quy định hiện hành.

2. Nếu nhận vốn hỗ trợ của các dự án để gây trồng rừng thì được hưởng các quyền lợi theo quy định tại quy chế của các dự án đó.

3. Nếu tự bỏ vốn để trồng rừng thì được quyền tự quyết định mục đích và phương thức gây trồng rừng (khoanh nuôi xúc tiến tái sinh hoặc trồng mới), lựa chọn loài cây trồng, kỹ thuật giống; được quyền tự quyết định việc khai thác và sử dụng lâm sản.

Chương 3.

QUYỀN HƯỞNG LỢI CỦA HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN ĐƯỢC CÁC TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC KHOÁN BẢO VỆ, KHOANH NUÔI TÁI SINH VÀ TRỒNG RỪNG

Điều 10. Hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên ở những vùng phòng hộ đầu nguồn:

1. Được khai thác tre nứa theo quy định tại Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN. Giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng như sau:

a) Đối với khu vực I được hưởng 80%, nộp bên giao khoán 20%.

b) Đối với khu vực II được hưởng 85%, nộp bên giao khoán 15%.

c) Đối với khu vực III được hưởng 90%, nộp bên giao khoán 10%.

2. Được khai thác gỗ theo quy định tại Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN:

a) Rừng thứ sinh nghèo kiệt: Giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng 95%, nộp bên giao khoán 5%.

b) Rừng phục hồi sau nương rẫy hoặc sau khai thác với cây gỗ có đường kính phổ biến dưới 20cm: Giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng như sau:

- Đối với khu vực I được hưởng 75%, nộp bên giao khoán 25%.

- Đối với khu vực II được hưởng 80%, nộp bên giao khoán 20%.

- Đối với khu vực III được hưởng 85%, nộp bên giao khoán 15%.

c) Rừng có trữ lượng còn ở mức trung bình hoặc giầu, lớn hơn 100 m3/ha, từ lúc giao đến khi khai thác, mỗi năm giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng 2%, nộp bên giao khoán 98%.

3. Trường hợp hộ nhận khoán tự đầu tư vốn để khoanh nuôi phục hồi rừng thì khi rừng được phép khai thác theo quy định tại Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN. Giá trị lâm sản khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng 100% nhưng phải tự đầu tư tái tạo rừng trong vòng 1 năm sau khi khai thác.

Điều 11. Hộ gia đình, cá nhân nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ở vùng phòng hộ đầu nguồn:

Được khai thác chọn khi cây trồng chính của rừng được phép khai thác theo quy định tại Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN.

1. Nếu hộ gia đình, cá nhân nhận kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thì giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng như sau:

a) Đối với khu vực I được hưởng 80%, nộp bên giao khoán 20%.

b) Đối với khu vực II được hưởng 85%, nộp bên giao khoán 15%.

c) Đối với khu vực III được hưởng 90%, nộp bên giao khoán 10%.

2. Nếu tự đầu tư vốn để trồng, chăm sóc bảo vệ thì khi rừng được phép khai thác theo quy định tại Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN; Giá trị lâm sản khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng 100% nhưng phải tự đầu tư tái tạo rừng trong vòng 1 năm sau khi khai thác.

Điều 12. Hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên:

Khi rừng đạt tiêu chuẩn khai thác, bên giao khoán thống nhất với hộ gia đình, cá nhân nhận khoán tiến hành khai thác theo quy định tại Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN. Giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng như sau:

1. Đối với khu vực I, II được hưởng 1,5% trong mỗi năm nhận khoán bảo vệ rừng, nộp bên giao khoán 98,5%.

2. Đối với khu vực III được hưởng 2% trong mỗi năm nhận khoán bảo vệ rừng, nộp bên giao khoán 98%.

Điều 13. Hộ gia đình, cá nhân nhận khoán phục hồi rừng tự nhiên là rừng sản xuất bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung:

1. Khi rừng đạt tiêu chuẩn khai thác theo quy định tại Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN. Giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng như sau:

a) Đối với khu vực I, II được hưởng 1,5% trong mỗi năm nhận khoán, nộp bên giao khoán 98,5%.

b) Đối với khu vực III được hưởng 2% trong mỗi năm nhận khoán, nộp bên giao khoán 98%.

2. Nếu hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khoanh nuôi xúc tiến tái sinh thì giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng như sau:

a) Đối với khu vực I, II được hưởng 2,5% trong mỗi năm nhận khoán, nộp bên giao khoán 97,5%.

b) Đối với khu vực III được hưởng 3% trong mỗi năm nhận khoán, nộp bên giao khoán 97%.

Điều 14. Hộ gia đình, cá nhân nhận khoán trồng, chăm sóc bảo vệ rừng sản xuất:

1. Khi rừng đạt tiêu chuẩn khai thác theo quy định tại Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN. Hộ gia đình, cá nhân nhận khoán thống nhất với bên giao khoán về thời điểm và phương thức khai thác. Giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng như sau:

a) Đối với khu vực I, II được hưởng 2% trong mỗi năm nhận khoán bảo vệ rừng, nộp bên giao khoán 98%.

b) Đối với khu vực III được hưởng 2,5% trong mỗi năm nhận khoán bảo vệ rừng, nộp bên giao khoán 97,5%.

2. Nếu hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn để trồng, chăm sóc bảo vệ rừng thì giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại hộ gia đình, cá nhân được hưởng 95%, nộp bên giao khoán 5%.

3. Nếu hộ gia đình, cá nhân nhận khoán cùng đầu tư với bên giao khoán thì khi phân phối sản phẩm theo tỷ lệ góp vốn và ngày công lao động của mỗi bên quy thành tiền.

Chương 4.

PHÂN CHIA SẢN PHẨM KHAI THÁC CHÍNH GIỮA HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN VỚI BÊN GIAO, KHOÁN RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP

Điều 15. Đối với hộ gia đình được giao rừng và đất lâm nghiệp:

Hộ gia đình, cá nhân được giao rừng và đất lâm nghiệp tại khoản 2 Điều 5; khoản 1 Điều 6; khoản 1 Điều 7; Điều 8 Chương II tại Quy định này, khi phân chia sản phẩm khai thác chính, hộ gia đình, cá nhân được nhận toàn bộ số lâm sản ở bãi giao và nộp vào ngân sách Nhà nước các khoản tiền tương ứng với số lâm sản được phân chia và các khoản thuế theo quy định của pháp luật:

Khoản tiền phải nộp ngân sách xã khi phân chia sản phẩm (không gồm các khoản thuế)

=

Khối lượng lâm sản khai thác tại bãi giao

x

Giá cây đứng

x

Tỷ lệ phải nộp ngân sách xã

1. Khoản tiền phải nộp ngân sách xã khi phân chia sản phẩm: Là giá trị lâm sản phải nộp ngân sách xã, không bao gồm các khoản thuế phải nộp theo quy định hiện hành như thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế tài nguyên...

2. Khối lượng lâm sản tại bãi giao: Là khối lượng lâm sản thực tế đã khai thác tại bãi giao (hoặc kho) lâm sản.

3. Giá cây đứng: Là giá lâm sản đến tuổi thành thục công nghệ có thể khai thác sử dụng được tính bằng giá lâm sản tại bãi giao sau khi đã trừ các khoản chi phí khai thác, chi phí vận suất lâm sản đến bãi giao (chi tiết có phụ biểu kèm theo).

4. Thuế tài nguyên được thu theo mức quy định hiện hành.

Ví dụ 1: Hộ gia đình ông A được giao rừng tự nhiên là rừng sản xuất thuộc loại rừng phục hồi chưa khai thác, khi khai thác và xuất gỗ ra bãi giao với khối lượng là 20m3/ha. Giá cây đứng (nhóm IV) là 700.000 đ/m3. Giá gỗ nhóm IV tại bãi giao là 1.000.000 đ/m3.

Cách tính như sau:

* Nếu ông A thuộc xã nằm trong khu vực I:

Hộ gia đình ông A được hưởng 70% giá trị sản phẩm khai thác, ngân sách xã hưởng 30% giá trị khai thác.

1. Thuế tài nguyên: 20m3 x 219.000 đ = 4.380.000 đ/ha.

2. Khoản tiền nộp ngân sách xã: 20m3 x 700.000 đ x 30% = 4.200.000 đ/ha.

3. Số tiền bán gỗ tại bãi giao: 20m3 x 1.000.000 đ = 20.000.000 đ/ha.

4. Khoản tiền hộ gia đình được hưởng (bao gồm cả chi phí khai thác):

20.000.000 đ – 4.200.000 đ – 4.380.000 đ = 11.420.000 đ/ha.

* Nếu ông A thuộc xã nằm trong khu vực II:

Hộ gia đình ông A được hưởng 75% giá trị sản phẩm khai thác, ngân sách xã hưởng 25% giá trị khai thác.

1. Thuế tài nguyên: 20m3 x 219.000 đ = 4.380.000 đ/ha.

2. Khoản tiền nộp ngân sách xã: 20m3 x 700.000 đ x 25% = 3.500.000 đ/ha.

3. Số tiền bán gỗ tại bãi giao: 20m3 x 1.000.000 đ = 20.000.000 đ/ha.

4. Khoản tiền hộ gia đình được hưởng:

20.000.000 đ – 3.500.000 đ – 4.380.000 đ = 12.120.000 đ/ha.

* Nếu ông A thuộc xã nằm trong khu vực III:

Hộ gia đình ông A được hưởng 80% giá trị sản phẩm khai thác, ngân sách xã hưởng 20% giá trị khai thác.

1. Thuế tài nguyên: 20m3 x 219.000 đ = 4.380.000 đ/ha.

2. Khoản tiền nộp ngân sách xã: 20m3 x 700.000 đ x 20% = 2.800.000 đ/ha.

3. Số tiền bán gỗ tại bãi giao: 20m3 x 1.000.000 đ = 20.000.000 đ/ha.

4. Khoản tiền hộ gia đình được hưởng:

20.000.000 đ – 2.800.000 đ – 4.380.000 đ = 12.820.000 đ/ha.

Điều 16. Đối với hộ gia đình nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp qua các tổ chức Nhà nước:

Bên giao khoán và hộ gia đình nhận sản phẩm được phân chia tại bãi giao theo tỷ lệ quy định. Các bên chịu trách nhiệm nộp thuế theo quy định hiện hành tương ứng với phần lâm sản mà mỗi bên được hưởng.

Ví dụ 2: Hộ gia đình ông B nhận khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ sau nương rẫy, khai thác và xuất gỗ ra bãi giao với khối lượng là 15m3/ha. Giá cây đứng (nhóm V) là 500.000 đ/m3. Giá gỗ tại bãi giao là 900.000 đ/m3.

Cách tính như sau:

* Nếu ông B thuộc xã nằm trong khu vực I:

Hộ gia đình ông B được hưởng 75% giá trị sản phẩm khai thác, bên giao khoán hưởng 25% giá trị khai thác.

1. Thuế tài nguyên: 15m3 x 112.000 đ = 1.680.000 đ/ha.

2. Khoản tiền nộp bên giao khoán: 15m3 x 500.000 đ x 25% = 1.875.000 đ/ha.

3. Số tiền bán gỗ tại bãi giao: 15m3 x 900.000 đ = 13.500.000 đ/ha.

4. Khoản tiền hộ gia đình được hưởng:

13.500.000 đ – 1.875.000 đ – 1.680.000 đ = 9.945.000 đ/ha.

* Nếu ông B thuộc xã nằm trong khu vực II:

Hộ gia đình ông B được hưởng 80% giá trị sản phẩm khai thác, bên giao khoán hưởng 20% giá trị khai thác.

1. Thuế tài nguyên: 15m3 x 112.000 đ = 1.680.000 đ/ha.

2. Khoản tiền nộp bên giao khoán: 15m3 x 500.000 đ x 20% = 1.500.000 đ/ha.

3. Số tiền bán gỗ tại bãi giao: 15m3 x 900.000 đ = 13.500.000 đ/ha.

4. Khoản tiền hộ gia đình được hưởng:

13.500.000 đ – 1.500.000 đ – 1.680.000 đ = 10.320.000 đ/ha.

* Nếu ông B thuộc xã nằm trong khu vực III:

Hộ gia đình ông B được hưởng 85% giá trị sản phẩm khai thác, bên giao khoán hưởng 15% giá trị khai thác.

1. Thuế tài nguyên: 15m3 x 112.000 đ = 1.680.000 đ/ha.

2. Khoản tiền nộp bên giao khoán: 15m3 x 500.000 đ x 15% = 1.125.000 đ/ha.

3. Số tiền bán gỗ tại bãi giao: 15m3 x 900.000 đ = 13.500.000 đ/ha.

4. Khoản tiền hộ gia đình được hưởng:

13.500.000 đ – 1.125.000 đ – 1.680.000 đ = 10.695.000 đ/ha.

Điều 17. Quản lý chi phí khai thác lâm sản và quản lý sử dụng sản phẩm được phân chia:

1. Quản lý chi phí khai thác lâm sản:

a) Hộ gia đình được giao hoặc nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp khi được phép khai thác chính được tự tổ chức khai thác lâm sản hoặc thuê khai thác theo đúng quy trình, quy phạm và quy chế khai thác gỗ, lâm sản hiện hành (QĐ số 40/2005/QĐ-BNN).

b) Hộ gia đình được giao rừng và đất lâm nghiệp phải chịu toàn bộ chi phí liên quan đến khai thác lâm sản, bao gồm cả chi phí khai thác liên quan đến phần lâm sản nộp ngân sách Nhà nước.

c) Hộ gia đình nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp chịu chi phí khai thác liên quan đến phần lâm sản mà hộ gia đình được hưởng.

2. Quản lý và sử dụng sản phẩm được phân chia:

Đối với giá trị lâm sản được phân chia giao cho UBND xã (đối với trường hợp giao đất, rừng), chủ các Dự án 661 cơ sở, các doanh nghiệp Nhà nước (đối với trường hợp giao khoán hưởng lợi) và các hộ gia đình, cá nhân (bên được giao rừng hoặc nhận khoán rừng) được hưởng lợi căn cứ vào chủng loại, khối lượng gỗ khai thác hưởng lợi đã được kiểm lâm xác nhận để xác định giá bán tại bãi giao theo giá thị trường tại thời điểm khai thác hưởng lợi làm cơ sở để phân chia sản phẩm được khai thác.

a) Đối với hộ gia đình: Được phép sử dụng và tiêu thụ phần sản phẩm được phân chia, bao gồm: Phần lâm sản được hưởng khi phân chia sản phẩm khai thác chính; phần sản phẩm của bên giao khoán mà hộ gia đình đã trả cho bên giao khoán bằng tiền tương ứng với số tiền sản phẩm đó; phần sản phẩm thu hoạch được từ rừng: tỉa thưa, cây phù trợ, cây trồng xen, sản phẩm nông lâm kết hợp.

b) Đối với doanh nghiệp nhà nước và Ban quản lý rừng phòng hộ (Thực hiện theo điểm b, c khoản 3 phần II của Thông tư số 80/2003/TTLT/BNN-BTC ngày 03/9/2003 của liên bộ Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ Tài chính).

c) Đối với giá trị lâm sản nộp ngân sách Nhà nước.

Giá trị lâm sản của hộ gia đình nộp ngân sách xã khi phân chia lâm sản là nguồn thu của ngân sách xã để sử dụng vào các công việc sau:

- Hỗ trợ công tác bảo vệ và phát triển rừng.

- Trợ cấp cho cán bộ lâm nghiệp xã.

- Hỗ trợ công tác khuyến lâm.

Điều 18. Quy định về thu thuế tài nguyên và điều kiện để hưởng lợi đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân:

1. Về thu thuế tài nguyên: Giao UBND các huyện, thành phố chỉ đạo chi cục thuế phối hợp chặt chẽ với hạt Kiểm lâm, UBND các xã và các phòng, ban, đơn vị có liên quan căn cứ vào khối lượng gỗ khai thác đã được hạt Kiểm lâm xác nhận để tiến hành thu thuế tài nguyên theo quy định.

2. Về điều kiện đăng ký hưởng lợi: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu khai thác hưởng lợi lâm sản hàng năm phải thực hiện đầy đủ trình tự giao, khoán rừng theo khoản 1, 2, 3, 4, 5 phần III của Quyết định số 807/2004/QĐ-UB ngày 23/12/2004 của UBND tỉnh Lào Cai hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các chủ rừng Nhà nước có sử dụng đất lâm nghiệp (BQL dự án 661 cơ sở, Lâm trường, Công ty lâm nghiệp …) tổ chức thực hiện quy định này.

Điều 20. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn triển khai thực hiện Quyết định này và chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát tái tạo rừng của các chủ hộ gia đình; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia để từng bước nâng cao thu nhập từ sản xuất lâm nghiệp;

Điều 21. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với cơ quan Kiểm lâm và các ban ngành có liên quan cùng với Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát lại những trường hợp giao rừng trước đây còn thiếu biên bản bàn giao để tiến hành kiểm tra, đánh giá, xác định vị trí, địa danh, trạng thái, trữ lượng, chất lượng rừng bổ sung vào biên bản bàn giao rừng, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân được giao rừng có đủ điều kiện được hưởng lợi theo đúng Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức thực hiện việc giao khoán rừng phòng hộ hết thời hạn khoán bảo vệ, đủ điều kiện được hưởng lợi hoặc kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái.

Trong quá trình thực hiện quy định này, nếu có vướng mắc, gửi ý kiến về Sở Nông nghiệp & PTNT tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh giải quyết.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Cường

 

BIỂU QUY ĐỊNH GIÁ CÂY ĐỨNG

(Kèm theo QĐ số: 64/2006/QĐ-UBND ngày 20/7/2006 của UBND tỉnh Lào Cai)

TT

Loại tài nguyên

Đơn vị tính

Giá cây đứng

I

Gỗ tự nhiên

 

 

1

Gỗ nhóm I

đ/m3

1.800.000,0

2

Gỗ nhóm II

đ/m3

1.500.000,0

3

Gỗ nhóm III

đ/m3

1.400.000,0

4

Gỗ nhóm IV

đ/m3

700.000,0

5

Gỗ nhóm V-VIII

đ/m3

500.000,0

II

Gỗ rừng trồng

 

 

1

Bồ đề

đ/m3

200.000,0

2

Mỡ, Keo các loại

đ/m3

300.000,0

III

Nguyên liệu giấy

 

 

1

Nguyên liệu sản xuất sợi ngắn (Bồ đề, mỡ … khai thác từ rừng tự nhiên)

đ/tấn

250.000,0

2

Nguyên liệu sản xuất sợi dài (tre, vầu, nứa rừng tự nhiên)

đ/tấn

120.000,0

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 64/2006/QĐ-UBND ban hành quy định mức hưởng lợi của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành

  • Số hiệu: 64/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/07/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Phạm Văn Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản