Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6374/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ THÀNH LẬP BỆNH VIỆN TRƯNG VƯƠNG TRỰC THUỘC SỞ Y TẾ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19 tháng 9 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy chế bệnh viện;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Công văn số 6532/SYT-TCCB ngày 20 tháng 10 năm 2014 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1184/TTr-SNV ngày 17 tháng 12 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay thành lập Bệnh viện Trưng Vương trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở tổ chức lại Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương (được thành lập theo Quyết định số 157/2003/QĐ-UB ngày 28 tháng 8 năm 2003 của Ủy ban nhân dân Thành phố về cho phép chuyển Trung tâm cấp cứu Trưng Vương thành Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương trực thuộc Sở Y tế).

Bệnh viện Trưng Vương là đơn vị sự nghiệp y tế có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách, được mở tài khoản tại Kho bạc, Ngân hàng Nhà nước để hoạt động theo quy định của pháp luật; được tự chủ tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, biên chế và tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 cựa Chính phủ.

Trụ sở làm việc của Bệnh viện đặt tại: Số 266, đường Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Bệnh viện Trưng Vương có nhiệm vụ:

1. Cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh:

a) Bệnh viện tiếp nhận mọi người bệnh đến cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh nội trú và ngoại trú theo chế độ chính sách Nhà nước quy định;

b) Tổ chức khám sức khỏe và chứng nhận sức khỏe theo quy định của Nhà nước;

c) Có trách nhiệm giải quyết toàn bộ bệnh tật từ các nơi chuyển đến cũng như tại địa phương. Tổ chức khám giám định sức khỏe khi Hội đồng giám định y khoa Trung ương hoặc Tỉnh, Thành phố trưng cầu; khám giám định pháp y khi cơ quan bảo vệ pháp luật trưng cầu.

2. Đào tạo cán bộ y tế:

a) Bệnh viện là cơ sở thực hành để đào tạo cán bộ y tế ở bậc trên đại học, đại học, trung học;

b) Tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong Bệnh viện và tuyến dưới nâng cao trình độ chuyên môn.

3. Nghiên cứu khoa học về y tế:

a) Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu về y học và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật y học ở cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Thành phố, cấp Cơ sở. Chú trọng nghiên cứu y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, bằng kết hợp với các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành để phát triển kỹ thuật của Bệnh viện;

b) Nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

4. Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật:

a) Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc chỉ đạo, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới phát triển chuyên môn kỹ thuật nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị;

b) Kết hợp với các bệnh viện tuyến dưới thực hiện chương trình và kế hoạch chăm sóc sức khỏe ban đầu trong khu vực.

5. Phòng bệnh:

a) Tuyên truyền giáo dục sức khỏe cộng đồng;

b) Phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng thực hiện thường xuyên nhiệm vụ phòng bệnh, phòng dịch.

6. Hợp tác quốc tế:

a) Hợp tác với các tổ chức hoặc các cá nhân ở ngoài nước theo đúng quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước;

b) Tổ chức hợp tác quốc tế về công tác huấn luyện cho nhân viên y tế về công tác cấp cứu từ cơ bản đến nâng cao.

7. Quản lý kinh tế trong bệnh viện:

a) Có kế hoạch quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước cấp;

b) Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thu, chi ngân sách của Bệnh viện. Từng bước hạch toán chi phí khám, chữa bệnh;

c) Tạo thêm nguồn kinh phí từ các hoạt động dịch vụ y tế: viện phí, bảo hiểm y tế, đầu tư của nước ngoài và các tổ chức kinh tế khác.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Y tế giao.

Điều 3. Bệnh viện Trưng Vương do một Giám đốc phụ trách và có một số Phó Giám đốc giúp việc cho Giám đốc.

Giao Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương trong việc tổ chức, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự theo hướng tinh gọn, phù hợp chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động có hiệu quả; xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Bệnh viện Trưng Vương phù hợp với quyết định này và các quy định có liên quan, trình Giám đốc Sở Y tế phê duyệt.

Biên chế, quỹ lương của Bệnh viện Trưng Vương được Ủy ban nhân dân Thành phố giao chung trong tổng biên chế sự nghiệp của Sở Y tế.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 157/2003/QĐ-UB ngày 28 tháng 8 năm 2003 của Ủy ban nhân dân Thành phố về cho phép chuyển Trung tâm cấp cứu Trưng Vương thành Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương trực thuộc Sở Y tế.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Thưng trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Công an Thành phố (PC64);
- Sở Nội vụ (3b);
- Sở Tài chính;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Kho bạc Nhà nước Thành phố;
- Ngân hàng Nhà nước Thành phố
- VPUB:
Các PVP; Các Phòng CV;
- Lưu: VT, (VX-Nh) H.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 6374/QĐ-UBND năm 2014 về thành lập Bệnh viện Trưng Vương trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 6374/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/12/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Hứa Ngọc Thuận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/12/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản