Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 636/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỢT CAO ĐIỂM KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM TRONG SẢN XUẤT, GIA CÔNG PHÂN BÓN VÔ CƠ NĂM 2017

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương,

Căn cứ Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón; Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo Bộ;
- Bộ NN&PTNT;
- Trung ương Hiệp hội Phân bón VN;
- Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Chi Cục QLTT tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Báo Công Thương;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, QLTT.

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỢT CAO ĐIỂM KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM TRONG SẢN XUẤT, GIA CÔNG PHÂN BÓN VÔ CƠ NĂM 2017
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 636/QĐ-BCT ngày 01 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công phân bón vô cơ trong việc duy trì và thực hiện các điều kiện sản xuất phân bón theo quy định của pháp luật;

b) Phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, gia công phân bón vô cơ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; ngăn chặn các doanh nghiệp sản xuất không có giấy phép nhằm trốn tránh pháp luật;

c) Đánh giá tình hình thực thi các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất phân bón vô cơ, phát hiện những bất cập trong công tác quản lý phân bón nói chung, phần vô cơ nói riêng để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, chỉnh lý, hoàn thiện các quy định hiện hành về quản lý phân bón;

d) Qua công tác kiểm tra nhằm biểu dương nhân tố tích cực, chấn chỉnh các yếu kém, sai sót và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, gia công phân bón vô cơ.

2. Yêu cầu

a) Hoạt động kiểm tra phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra phải gắn liền với công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ;

b) Công tác kiểm tra không gây phiền hà, trở ngại cho các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ;

c) Việc kiểm tra phải có kế hoạch cụ thể, nội dung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Việc đánh giá, kết luận kiểm tra phải phản ánh thực tế khách quan, trung thực, đảm bảo công bằng;

d) Rút ra những vấn đề cần chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý nhà nước về phân bón vô cơ; kiến nghị, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi các quy định của pháp luật về quản lý phân bón.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, THỜI GIAN KIM TRA

1. Đối tượng, nội dung kiểm tra

a) Doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ

- Các doanh nghiệp đã được cấp phép sản xuất phân bón vô cơ: Kiểm tra việc duy trì các điều kiện sản xuất theo quy định tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP , Nghị định số 77/2016/NĐ-CP và Thông tư số 29/2014/TT-BCT ; kiểm tra nguyên liệu đầu vào, chủng loại, bao bì, nhãn mác, đối chiếu với Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ đã được cấp; kiểm tra chất lượng sản phẩm thông qua việc lấy mẫu để giám định;

- Phát hiện, kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất trái phép, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ: Kiểm tra tư cách pháp nhân, địa điểm sản xuất, máy thiết bị, nguyên liệu, thành phẩm, kiểm tra chất lượng phân bón vô cơ thông qua việc lấy mẫu để giám định (trong trường hợp phát hiện có thành phẩm tại cơ sở sản xuất);

b) Doanh nghiệp thuê gia công phân bón vô cơ

- Kiểm tra trách nhiệm của bên thuê sản xuất trong kiểm tra, giám sát việc sản xuất tại nơi nhận thuê sản xuất; kiểm tra chủng loại, nguồn gốc, nơi sản xuất sản phẩm phân bón, đối chiếu với Giấy phép thuê sản xuất phân bón; kiểm tra chất lượng phân bón thông qua việc lấy mẫu để giám định;

- Phát hiện, kiểm tra doanh nghiệp sản xuất trái phép, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép thuê sản xuất phân bón vô cơ: Kiểm tra tư cách pháp nhân, địa điểm trụ sở chính, địa điểm thuê sản xuất, kiểm tra chất lượng phân vô cơ thông qua việc lấy mẫu để giám định (trong trường hợp phát hiện có thành phẩm tại trụ sở chính hoặc cơ sở thuê sản xuất).

2. Thời gian kiểm tra

Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 15 tháng 3 năm 2017 cho đến tháng 9 năm 2017. Đợt kiểm tra thứ nhất bắt đầu từ ngày 15 tháng 3 đến ngày 15 tháng 4 năm 2017. Đợt kiểm tra thứ hai bắt đầu ngày 01 tháng 5 đến tháng 7 năm 2017. Đợt kiểm tra thứ ba bắt đầu từ cuối tháng 8 đến tháng 9 năm 2017.

a) Đợt kiểm tra thứ nhất

- Các Chi cục: Tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ trên địa bàn; phát hiện kiểm tra doanh nghiệp không hoặc chưa được cấp Giấy phép sản xuất phân bón vẫn hoạt động sản xuất;

b) Đợt kiểm tra thứ hai

- Các Chi cục: Tiếp tục kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ trên địa bàn;

- Đoàn kiểm tra của Bộ do Cục Quản lý thị trường chủ trì: Kiểm tra trực tiếp một số tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công phân bón vô cơ tại một số địa bàn trọng điểm nơi thường có tình trạng phân bón giả, không đảm bảo chất lượng.

c) Đợt kiểm tra thứ ba

- Các Chi cục kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ còn lại trên địa bàn.

- Đoàn kiểm tra của Bộ: Kiểm tra chéo công tác kiểm tra của một số Chi cục tại một số địa bàn trọng điểm.

III. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Công tác phối hợp

a) Cục Quản lý Thị trường chủ trì, phối hợp với các Sở Công Thương, Cục Hóa chất, Thanh tra Bộ, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế để triển khai thực hiện Kế hoạch này;

b) Các Chi cục căn cứ chức năng, nhiệm vụ, dựa trên cơ sở về nhân lực và trang thiết bị, phương tiện hiện có và nội dung của Kế hoạch để xây dựng Kế hoạch kiểm tra cụ thể của mình và tiến hành tổ chức kiểm tra theo thời gian nêu tại Kế hoạch này.

2. Phân công thực hiện

Căn cứ nội dung Kế hoạch này, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, phân công các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện các nội dung sau:

a) Cục Quản lý thị trường

- Xây dựng Kế hoạch kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công phân bón vô cơ trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn triển khai thực hiện Kế hoạch này;

- Tổng hợp kết quả kiểm tra báo cáo Lãnh đạo Bộ;

b) Cục Hóa chất

Phối hợp với Cục Quản lý thị trường cử thành viên tham gia Đoàn kiểm tra. Cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công phân bón vô cơ tại các địa bàn trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

c) Vụ Khoa học và Công nghệ:

- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường trong quá trình kiểm tra, hướng dẫn và phổ biến các quy định về chỉ định, thử nghiệm, hàm lượng được chấp nhận đối với các chỉ tiêu chất lượng của phân bón vô cơ cho các doanh nghiệp đồng thời kiểm tra hồ sơ công bố hợp quy, nhãn mác, bao bì phân bón;

- Thông báo công khai các thông tin về các tổ chức thử nghiệm phân bón vô cơ được Bộ Công Thương chỉ định, công khai các phép thử, chỉ tiêu được chỉ định.

d) Vụ Pháp chế

Rà soát, nghiên cứu, đề xuất để hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý phân bón, về kiểm tra xử lý vi phạm;

đ) Các Chi cục

- Xây dựng Kế hoạch kiểm tra cụ thể trên địa bàn trên cơ sở nội dung, thời gian của Kế hoạch này;

- Thực hiện chế độ báo cáo theo nội dung của Kế hoạch này;

- Gửi Cục Quản lý thị trường các thông tin về đơn vị đầu mối triển khai thực hiện công tác kiểm tra, báo cáo (đơn vị, tên cán bộ, công chức, số điện thoại, số fax, địa chỉ email).

3. Kinh phí, phương tiện phục vụ kiểm tra

Kinh phí, phương tiện, điều kiện phục vụ công tác kiểm tra do Cục Quản lý thị trường xây dựng dự toán, mức chi thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Chế độ báo cáo

a) Sau khi kết thúc kiểm tra, các Chi cục báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra (Mẫu báo cáo kèm theo Kế hoạch này) gửi về Cục Quản lý thị trường trước ngày 25 tháng 4 năm 2017 (đợt kiểm tra thứ nhất); trước ngày 20 tháng 7 năm 2017 (đợt kiểm tra thứ hai); trước ngày 20 tháng 9 năm 2017 (đợt kiểm tra thứ ba) để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ;

b) Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các thành viên trong Đoàn kiểm tra để tổng hợp kết quả báo cáo kiểm tra trình Lãnh đạo Bộ vào cuối tháng 4 năm 2017 (đợt kiểm tra thứ nhất), cuối tháng 7 năm 2017 (đợt kiểm tra thứ hai) và cuối tháng 9 năm 2017 (đợt kiểm tra thứ ba); kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý phân bón nói chung, phân bón vô cơ nói riêng./.

 

PHỤ LỤC

MẪU BÁO CÁO CÔNG TÁC KIỂM TRA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN SẢN XUẤT, GIA CÔNG PHÂN BÓN VÔ CƠ TRÊN ĐỊA BÀN

1. Đối tượng kiểm tra

Nêu đầy đủ các thông tin về tổ chức, cá nhân đã kiểm tra:

- Tên tổ chức, cá nhân;

- Địa chỉ trụ sở chính và địa điểm sản xuất theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Trường hợp là chi nhánh phải có địa điểm sản xuất theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc hoặc Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh.

2. Hoạt động sản xuất, gia công phân bón vô cơ

- Giấy phép đã được cấp: Nêu rõ số, ngày tháng của Giấy phép;

- Chủng loại phân bón vô cơ sản xuất hoặc gia công đã được cấp phép.

- Điều kiện sản xuất, gia công: Có duy trì điều kiện hay không, cần phải khắc phục những điều kiện gì?

- Công bố hợp quy theo quy định của pháp luật;

- Nhãn sản phẩm phân bón theo quy định của pháp luật.

3. Các hành vi vi phạm

- Nêu cụ thể hành vi vi phạm;

- Tên tổ chức, cá nhân vi phạm;

- Số lượng sản phẩm phân bón vô cơ vi phạm;

- Hình thức và mức xử phạt.

4. Kiến nghị, đề xuất

- Hạn chế, khó khăn:

- Kiến nghị, đề xuất:

Trường hợp kiến nghị Cơ quan cấp phép thu hồi Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ hoặc Giấy phép thuê sản xuất phân bón vô cơ thì phải nêu rõ lý do thu hồi.