Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 613/2004/QĐ-TLĐ

Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2004 


QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA CHỦ TỊCH, PHÓ CHỦ TỊCH VÀ TRƯỞNG BAN, THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC TỔNG LIÊN ĐOÀN NHIỆM KỲ IX

 ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM  

 Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
 Căn cứ Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành TLĐ và Quy chế hoạt động của Đoàn Chủ tịch TLĐ LĐVN khoá IX,

 QUYẾT ĐỊNH: 

Điều 1. Ban hành Quy chế làm việc của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Trưởng ban, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc TLĐ nhiệm kỳ IX.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các thành viên Thường trực Đoàn Chủ tịch các Trưởng ban, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc TLĐ có trách nhiệm thực hiện Quyết định này.

 

 

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LĐVN
CHỦ TỊCH


 
Cù Thị Hậu

QUY CHẾ

LÀM VIỆC CỦA CHỦ TỊCH, PHÓ CHỦ TỊCH VÀ TRƯỞNG BAN, THỦ TRƯỞNG ĐƠN Vị TRỰC THUỘC TLĐ NHIỆM KỲ IX
(Ban hành kèm theo Quyết định số 613 QĐ/TLĐ ngày 20/4/2004 của Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định về trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc của Thường trực Đoàn Chủ tịch; mối quan hệ công tác trong Thường trực ĐCT và giữa Thường trực ĐCT với các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn.

Điều 2. Quy chế này được áp dụng đối với các thành viên trong Thường trực ĐCT, các Trưởng ban, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc TLĐ.

Chương 2:

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA THƯỜNG TRỰC ĐOÀN CHỦ TỊCH TLĐ

Điều 3. Thường trực Đoàn Chủ tịch TLĐ gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch, có trách nhiệm, quyền hạn:

1. Thay mặt Đoàn Chủ tịch thường trực giải quyết các công việc thường xuyên, hàng ngày để thực hiện chủ trương công tác của Đoàn Chủ tịch.

2. Thông qua chương trình và nội dung các văn bản để chuẩn bị cho các kỳ họp của Đoàn Chủ tịch TLĐ.

3. Cùng với các uỷ viên Đoàn Chủ tịch tại cơ quan TLĐ xem xét, quyết định những vấn đề đột xuất, cấp bách, giải quyết những văn bản cần tham gia kịp thời với nhà nước thuộc phạm vi trách nhiệm của Đoàn Chủ tịch, sau đó báo cáo lại với Đoàn Chủ tịch trong phiên họp gần nhất.

Điều 4. Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch TLĐ.

1. Chủ tịch TLĐ là người đứng đầu Ban Chấp hành TLĐ, chủ trì các công việc của Đoàn Chủ tịch và Ban Chấp hành. Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành về các mặt hoạt động công đoàn và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác công đoàn.

2. Thay mặt Đoàn Chủ tịch TLĐ làm việc với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận và các đoàn thể trung ương, các cấp uỷ và chính quyền địa phương về những chủ trương lớn có liên quan đến phong trào công nhân, hoạt động công đoàn.

3. Phụ trách chung các mặt công tác công đoàn và trực tiếp phụ trách một số mặt công tác theo sự phân công của Đoàn Chủ tịch TLĐ.

4. Chủ trì các hội nghị của Đoàn Chủ tịch TLĐ và cùng Đoàn Chủ tịch chủ trì hội nghị của Ban Chấp hành TLĐ. Thay mặt Đoàn Chủ tịch khai mạc và kết luận các hội nghị Ban Chấp hành TLĐ.

5. Tham dự các hoạt động đối ngoại với những người lãnh đạo công đoàn các nước và tổ chức quốc tế.

6. Đại diện chủ sở hữu tài sản công đoàn, chủ tài khoản Tổng Liên đoàn LĐVN.

7. Uỷ quyền và phân công các Phó Chủ tịch, uỷ viên Đoàn Chủ tịch, uỷ viên Ban Chấp hành thực hiện các công việc khi cần thiết. Quyết định những công việc đột xuất thuộc phạm vi trách nhiệm của Thường trực Đoàn Chủ tịch, sau đó thông báo lại với Thường trực Đoàn Chủ tịch.

Điều 5. Trách nhiệm và quyền hạn của các Phó Chủ tịch TLĐ.

1. Các Phó Chủ tịch được Đoàn Chủ tịch phân công phụ trách khối (bao gồm một số mặt công tác, một số ban, đơn vị) thực hiện một số công việc do Chủ tịch uỷ quyền. Chịu trách nhiệm trước Đoàn Chủ tịch và Chủ tịch về lĩnh vực được phân công, uỷ quyền.

2. Trong phạm vi được phân công phụ trách:

2.1. Chỉ đạo, kiểm tra các ban, đơn vị xây dựng và thực hiện chương trình công tác; trực tiếp giải quyết các vấn đề do uỷ viên Đoàn Chủ tịch, các trưởng ban, thủ trưởng đơn vị đề nghị. Thẩm định các đề án và chương trình công tác do các ban và đơn vị đề xuất trước khi trình Thường trực và Đoàn Chủ tịch TLĐ.

2.2. Nghiên cứu, tổng kết, đề xuất với Đoàn Chủ tịch về những chủ trương, biện pháp tổ chức hoạt động công đoàn thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

2.3. Tổ chức các hoạt động phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức chính trị xã hội có liên quan.

3. Phó Chủ tịch thường trực, ngoài trách nhiệm, quyền hạn chung của các Phó Chủ tịch, còn chịu trách nhiệm:

3.1. Giúp Chủ tịch giải quyết công việc hàng ngày của Đoàn Chủ tịch. Thay mặt Chủ tịch khi Chủ tịch đi vắng.

3.2. Theo dõi việc triển khai thực hiện nghị quyết, quyết định và chương trình công tác của Đoàn Chủ tịch và Ban Chấp hành. Chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa các ban và các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn để đảm bảo thực hiện chương trình công tác chung của Tổng Liên đoàn và nghị quyết của Đoàn Chủ tịch.

3.3. Kiêm thủ trưởng cơ quan TLĐ, điều hành hoạt động của cơ quan TLĐ theo chế độ thủ trưởng; trực tiếp giải quyết công việc nội bộ của cơ quan và phân cấp trách nhiệm một số công việc nội bộ cơ quan cho Văn phòng, các ban có liên quan thực hiện; phối hợp với Đảng uỷ, Công đoàn, Đoàn thanh niên cơ quan thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan TLĐ và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức cơ quan TLĐ.

Chương 3:

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

A. CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC TRONG THƯỜNG TRỰC ĐOÀN CHỦ TỊCH

Điều 6. Thường trực Đoàn Chủ tịch làm việc theo chế độ tập thể, các vấn đề đưa ra Thường trực xem xét được thảo luận dân chủ và quyết định theo đa số tán thành.

Điều 7. Thường trực ĐCT họp mỗi tuần 1 lần và họp đột xuất khi cần thiết. Nội dung các cuộc họp:

- Đánh giá công tác tuần qua, sắp xếp lịch công tác tuần tới.

- Bàn giải quyết công việc thường xuyên, đột xuất.

- Thảo luận, quyết định các vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm.

- Thống nhất chương trình, nội dung kỳ họp Đoàn Chủ tịch. Xem xét, thông qua các vấn đề trước khi đưa ra Đoàn Chủ tịch thảo luận, quyết định.

Điều 8. Các cuộc họp của Thường trực do Chủ tịch chủ trì. Chủ tịch có thể uỷ nhiệm cho 1 Phó Chủ tịch chủ trì cuộc họp khi vắng mặt. Các thành viên Thường trực có trách nhiệm sắp xếp công việc, dự họp đầy đủ (trách nhiệm vắng mặt phải có lý do chính đáng).

Các cuộc họp của Thường trực có Chánh Văn phòng dự và ghi biên bản. Tuỳ theo nội dung cuộc họp, người chủ trì có thể mời uỷ viên Đoàn Chủ tịch, trưởng ban, thủ trưởng đơn vị liên quan dự họp.

Điều 9. Cuộc họp của Thường trực ĐCT được tiến hành khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham dự. Mọi thành viên Thường trực dự họp phải tỏ rõ quan điểm của mình. Các vấn đề được thông qua khi có quá 1/2 tổng số thành viên Thường trực tán thành. Trường hợp số thành viên tán thành và số thành viên không tán thành ngang nhau thì Chủ tịch quyết định.

- Những vấn đề đột xuất, cần giải quyết gấp thì Chủ tịch triệu tập Phó Chủ tịch thường trực, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực liên quan hội ý giải quyết, sau đó thông báo lại cho tập thể Thường trực trong cuộc họp gần nhất.

- Đối với vấn đề không cần thiết thảo luận tập thể hoặc không có điều kiện triệu tập họp thì Chủ tịch chỉ đạo lấy ý kiến từng thành viên Thường trực bằng văn bản để xem xét, quyết định.

Điều 10. Mối quan hệ công tác trong Thường trực ĐCT.

1. Chủ tịch là người điều hành, phân công công việc của Thường trực cho các thành viên Thường trực giải quyết theo lĩnh vực được Đoàn Chủ tịch phân công. Trực tiếp giải quyết các vấn đề do các Phó Chủ tịch phối hợp giải quyết nhưng ý kiến còn khác nhau hoặc vượt quá thẩm quyền.

2. Chủ tịch có thể phân công, uỷ quyền cho các Phó Chủ tịch giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của mình khi cần. Khi được phân công, uỷ quyền, Phó Chủ tịch được sử dụng quyền hạn của Chủ tịch để giải quyết công việc và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch về các quyết định của mình liên quan đến việc giải quyết công việc đó.

3. Phó Chủ tịch thường trực giúp Chủ tịch giải quyết các công việc cụ thể hàng ngày của Thường trực; điều hoà công việc, phối hợp hoạt động giữa các Phó Chủ tịch, các ban, đơn vị và quyết định việc chi tiêu tài chính trong cơ quan TLĐ. Thay mặt giải quyết công việc của Chủ tịch khi Chủ tịch vắng mặt. Thay mặt giải quyết công việc của Phó Chủ tịch khác khi Phó Chủ tịch đó vắng mặt. Khi Phó Chủ tịch Thường trực vắng mặt, Chủ tịch chỉ định một Phó Chủ tịch khác tạm thay.

4. Các Phó Chủ tịch trong phạm vi, lĩnh vực được phân công phụ trách:

- Đi sâu nghiên cứu chiến lược, đề xuất chủ trương, phương hướng hoạt động đối với nhiệm vụ được phân công.

- Chủ trì các hội nghị, hội thảo để giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách. Trực tiếp thẩm định và trình bày trước Đoàn Chủ tịch những vấn đề mà các ban, đơn vị do mình phụ trách thực hiện và đề nghị.

- Quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền trong phạm vi được phân công hoặc uỷ quyền và chịu trách nhiệm về các quyết định đó.

- Chỉ đạo, điều hành các ban, đơn vị hoàn thành công việc được Đoàn Chủ tịch giao theo đúng kế hoạch tiến độ. Trường hợp không hoàn thành đúng kế hoạch do chủ quan thì Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo, điều hành để hoàn thành dứt điểm công việc đó.

- Chỉ đạo các ban, đơn vị thực hiện đúng nội dung dự toán kinh phí được Đoàn Chủ tịch duyệt. Trường hợp có phát sinh hợp lý trong quá trình thực hiện, Phó Chủ tịch quyết định về chủ trương, nguyên tắc thực hiện nội dung phát sinh và báo cáo để Thường trực ĐCT quyết định cụ thể về chi phí phát sinh. Trường hợp cần thiết khi đi công tác địa phương, cơ sở, Phó Chủ tịch được quyết định chi không quá 500.000,00 đồng (năm trăm nghìn đồng).

6. Tại các cuộc họp hàng tuần của Thường trực, các thành viên Thường trực tiếp nhận các thông tin cần thiết liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào công nhân, hoạt động công đoàn. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch thông tin kịp thời về các quyết định giải quyết công việc tuần qua, chương trình công tác tuần tới của mình và bàn giải quyết công việc tiếp theo nếu thấy cần trao đổi tập thể.

B. MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA CÁC PHÓ CHỦ TỊCH VỚI CÁC TRƯỞNG BAN, THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ THUỘC LĨNH VỰC ĐƯỢC GIAO PHỤ TRÁCH

Điều 11. Các Phó Chủ tịch trong lĩnh vực được Đoàn Chủ tịch phân công:

1. Trực tiếp phân công, chỉ đạo các trưởng ban, thủ trưởng đơn vị dưới quyền giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ của từng ban, đơn vị. Chỉ đạo việc phối hợp giải quyết những công việc có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều ban, đơn vị. Trực tiếp giải quyết những vấn đề vướng mắc, không thống nhất ý kiến trong quan hệ phối hợp công việc giữa các ban, đơn vị; những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của ban, đơn vị nhưng vượt quá thẩm quyền của ban, đơn vị, hoặc do tầm quan trọng mà Phó Chủ tịch thấy cần phải chỉ đạo giải quyết dứt điểm trong thời gian nhất định.

2. Trực tiếp chỉ đạo và xử lý các vấn đề nảy sinh trong nội bộ các ban, đơn vị dưới quyền, các vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của Phó Chủ tịch do các ban, đơn vị đề nghị. Không trực tiếp xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền của Trưởng ban, Thủ trưởng đơn vị.

3. Để phục vụ cho công tác nghiên cứu, chỉ đạo và giải quyết công việc, ngoài thư ký giúp việc, khi cần, Phó Chủ tịch có thể sử dụng cán bộ các ban, đơn vị dưới quyền sau khi thống nhất với trưởng ban, thủ trưởng đơn vị đó. Việc sinh hoạt chuyên môn thường xuyên của Phó Chủ tịch ở ban hoặc đơn vị nào, do Phó Chủ tịch đó quyết định sao cho phù hợp với điều kiện hoạt động và thuận tiện cho việc chỉ đạo, điều hành của mình.

Điều 12. Các Trưởng ban, Thủ trưởng đơn vị:

1. Điều hành hoạt động của ban, đơn vị theo chế độ thủ trưởng. Chủ động bố trí nhân sự, phân công công việc, điều hành hoạt động của ban, đơn vị và chịu trách nhiệm trước Phó Chủ tịch phụ trách về toàn bộ công việc thuộc nhiệm vụ của ban, đơn vị mình.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu nảy sinh vấn đề vượt quá khả năng, thẩm quyền thì Trưởng ban, Thủ trưởng đơn vị trực tiếp trình xin ý kiến giải quyết của Phó Chủ tịch phụ trách. (Nếu Trưởng ban vắng, có thể uỷ quyền cho Phó ban).

2. Nghiên cứu, đề xuất chương trình công tác của ban với Đoàn Chủ tịch. Trước khi trình Thường trực ĐCT về chương trình, kế hoạch công tác; trình Phó Chủ tịch Thường trực về nội dung, chương trình tổ chức hội nghị, hội thảo, Trưởng ban, Thủ trưởng đơn vị phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch phụ trách.

3. Trước khi đi công tác địa phương, cơ sở, Trưởng ban, Thủ trưởng đơn vị phải có chương trình, kế hoạch cụ thể (kể cả trường hợp do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch thường trực phân công) và báo cáo Phó Chủ tịch thường trực biết.

4. Định kỳ báo cáo với Phó Chủ tịch phụ trách và Phó Chủ tịch TT tình hình, kết quả thực hiện chương trình công tác theo quy định của Đoàn Chủ tịch về chế độ báo cáo định kỳ.

5. Các vấn đề trình xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực ĐCT, Trưởng ban, Thủ trưởng đơn vị trực tiếp báo cáo Phó Chủ tịch phụ trách để Phó Chủ tịch báo cáo Thường trực.

Điều 13. Hàng tháng (hoặc đột xuất), Phó Chủ tịch bố trí làm việc hoặc dự họp với lãnh đạo từng ban, đơn vị thuộc phạm vi phụ trách để nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo giải quyết công việc. Khi cần, có thể làm việc với tập thể cán bộ, công chức, viên chức của ban, đơn vị.

Điều 14. Thẩm quyền duyệt, ký văn bản thực hiện theo Điều 17, Phần B, Chương II, Quy chế hoạt động của Đoàn Chủ tịch TLĐ.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Quy chế này được tập thể Thường trực Đoàn Chủ tịch TLĐ thảo luận và nhất trí thông qua. Các thành viên Thường trực Đoàn Chủ tịch, các Trưởng ban, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc TLĐ có trách nhiệm nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, tập thể Thường trực Đoàn Chủ tịch sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

:

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 613/2004/QĐ-TLĐ về Quy chế làm việc của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Trưởng ban, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn nhiệm kỳ IX do Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 613/2004/QĐ-TLĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/04/2004
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Cù Thị Hậu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản