Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/2005/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 27 tháng 9 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC: BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 27/12/1993, Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường; Nghị định số 143/2004/NĐ-CP ngày 12/7/2004 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 14, Nghị định 175/CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 281/TT-TNMT ngày 19/7/2005,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2.

1. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành. Các quy định của Tỉnh về bảo vệ môi trường trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ;

2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện quy định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra VB (Bộ Tư pháp);
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch, PCT. UBND Tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh;
- Mặt trận Tổ quốc Tỉnh;
- Đài Phát thanh - Truyền hình Tỉnh;
- Báo Bình Thuận;
- Như điều 3;
- Lưu VP/UB, KT, TH. Vu.80

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số /2005/QĐ-UBND ngày /9/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Chương I.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Uỷ ban nhân dân Tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Uỷ ban nhân dân Tỉnh phân cấp quản lý cho các Sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố theo các điều khoản tại quy định này.

2. Quy định này quy định hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Điều 2. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn Tỉnh phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản quy phạm pháp luật về Bảo vệ môi trường và Quy định này.

Điều 3. Các thuật ngữ như thành phần môi trường, chất thải, chất gây ô nhiễm, ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường, tiêu chuẩn môi trường, công nghệ sạch, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, đánh giá tác động môi trường được hiểu theo quy định tại Điều 2 của Luật Bảo vệ môi trường.

Chương II.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Điều 4. Trách nhiệm của chủ đầu tư:

Chủ các dự án đầu tư, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi lĩnh vực có trách nhiệm phòng, chống và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, sự cố môi trường từ khi thiết lập dự án đầu tư cho đến khi chấm dứt hoạt động của dự án. Trong từng giai đoạn của dự án, chủ dự án đầu tư phải thực hiện các công việc sau đây:

1. Trong quá trình thiết lập dự án: Phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường) trình cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường phê duyệt.

2. Trong quá trình triển khai xây dựng dự án:

a) Chủ đầu tư cùng với đơn vị thi công phải thực hiện các biện pháp phòng chống ô nhiễm và bảo vệ môi trường, tuân thủ các quy định tại “Quy chế Bảo vệ Môi trường trong lĩnh vực xây dựng” được ban hành theo Quyết định số 29/1999/QĐ–BXD của Bộ xây dựng, không làm rơi vãi vật liệu xây dựng, dầu nhớt và các loại chất thải vào môi trường, phải có khu vệ sinh cho công nhân, nước thải và các chất thải sinh hoạt phải được xử lý trước khi thải vào môi trường; đối với các công trình xây dựng tại khu vực ven sông, hồ và bờ biển phải thực hiện các biện pháp bảo vệ để không gây sụt, lún, lở đất khu vực xung quanh;

b) Phải hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải và các loại chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường) được duyệt, báo cáo về cơ quan quản lý môi trường (cấp đã thẩm định dự án) để xác nhận trước khi được phép hoạt động.

3. Trong thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án: Phải xử lý nước thải, khí thải và các loại chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải vào môi trường, thực hiện giám sát ô nhiễm theo phương án được duyệt, định kỳ báo cáo về cơ quan quản lý môi trường để quản lý; trong trường hợp gây ô nhiễm hoặc sự cố môi trường phải kịp thời khắc phục và báo cáo về cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Điều 5. Trách nhiệm của các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ:

Các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường tại các địa điểm sản xuất, kinh doanh. Cụ thể:

1. Các điểm phơi sấy và chế biến hải sản phải tuân thủ quy hoạch của địa phương, nằm cách xa trường học, bệnh viện, các khu dân cư tập trung và các khu vực du lịch; các chất thải chế biến hải sản phải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

2. Các hộ kinh doanh ăn uống, giải khát phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải và các chất thải sinh hoạt, không để nước thải chưa qua xử lý chảy thẳng ra biển, vào sông ngòi, kênh rạch, khu vực xung quanh và hệ thống cống thoát nước công cộng.

3. Các hộ bán hàng rong tại các đô thị, các khu vực du lịch, khu công nghiệp, khu di tích, khu bảo tồn, bảo tàng phải tuân thủ sự hướng dẫn về bảo vệ môi trường của Ban quản lý khu vực và của Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn; phải thu gom rác của thực khách để đưa đến nơi quy định.

4. Các hộ chăn nuôi trâu, bò, các loại gia súc, gia cầm không được chăn thả dọc các tuyến đường của các khu vực nội thị và các khu vực du lịch.

5. Việc vận chuyển vật liệu xây dựng, các loại hàng hoá dễ phát sinh bụi, mùi hôi như các loại hải sản tươi sống, xác mắm, các chất phế thải từ chế biến hải sản v.v.. phải được thực hiện trên các loại xe chuyên dùng, có thùng kín hoặc được bao gói kỹ không để rơi vãi, thoát bụi, mùi, rò rỉ nước ra ngoài.

Điều 6. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư:

Các tổ chức, cá nhân, các hộ gia đình phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống, không được có các hoạt động gây tác động xấu đến cảnh quan và môi trường; thực hiện thu gom, xử lý rác thải theo quy định của địa phương; không bỏ xác động vật và các chất bã sinh hoạt xuống sông ngòi và bãi biển; tham gia bảo vệ, tôn tạo môi trường, phòng chống ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường.

Chương III.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường:

1. Thực hiện quan trắc môi trường và cung cấp các thông tin về môi trường cho các Sở, ngành có nhu cầu; phối hợp với các Sở, ngành xây dựng kế hoạch phòng, chống và khắc phục suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, kế hoạch ứng phó và khắc phục sự cố môi trường; tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh xây dựng, ban hành các chính sách bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn Tỉnh.

2. Hướng dẫn chủ đầu tư, chủ dự án các cơ sở sản xuất kinh doanh về trình tự thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; chủ trì thẩm định và cấp phiếu xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh cấp, gia hạn, thu hồi Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tỉnh theo thẩm quyền.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh giải quyết các khiếu nại tố cáo về môi trường.

4. Theo dõi thường xuyên việc thực hiện Nghị định 121/2004/NĐ-CP của Chính phủ để phát hiện kịp thời, kiến nghị bổ sung cụ thể các trường hợp cần thiết cho phù hợp với tình hình thực tế. Quá trình thực hiện Nghị định 121/2004/NĐ-CP của Chính phủ có trở ngại, ách tắc, mất tác dụng thì Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm.

Điều 8. Trách nhiệm của các Sở, ngành:

1. Sở Xây dựng: Quy hoạch quản lý và xử lý chất thải rắn cho các đô thị và khu công nghiệp, quy hoạch hệ thống thoát nước và các trạm xử lý nước thải cho các đô thị; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có công trình xây dựng thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong xây dựng, bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc công trình với môi trường cảnh quan khu vực và phù hợp với hạ tầng kỹ thuật hiện có, thực hiện đầy đủ các giải pháp về an toàn đối với các công trình lân cận và cơ sở hạ tầng đô thị, không làm thiệt hại đến kiến trúc, cảnh quan môi trường xung quanh; chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xây dựng.

2. Sở Du lịch: Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng và triển khai các mô hình thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư vào phát triển du lịch và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch, xây dựng đội tình nguyện viên về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch; theo dõi tình hình môi trường du lịch trên địa bàn Tỉnh; chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra phát hiện kịp thời các hành vi gây tổn hại môi trường du lịch, xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan liên quan xử lý theo thẩm quyền.

3. Sở Thuỷ sản: Hướng dẫn ngư dân và các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nuôi trồng, thu mua, chế biến hải sản thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, không thải dầu, nhớt, rác thải ra sông, biển; tham mưu trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh quy hoạch các diện tích nuôi trồng, các bãi đánh bắt, thu mua và các cụm chế biến hải sản hợp lý, đảm bảo hài hoà lợi ích các bên; chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra phát hiện kịp thời các hành vi gây tổn hại môi trường trong lĩnh vực khai thác, chế biến thủy sản, xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan liên quan xử lý theo thẩm quyền.

4. Sở Y tế: Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh ăn uống về an toàn, vệ sinh thực phẩm đồng thời chấp hành đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền.

5. Các Sở, ngành khác căn cứ chức năng nhiệm được giao tổ chức tốt nhiệm vụ của ngành với công tác bảo vệ môi trường; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, chủ các dự án, các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của ngành thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 9. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan quy hoạch bố trí các điểm đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản, các cụm làng nghề, các điểm kinh doanh thuộc thẩm quyền cấp phép của địa phương phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung toàn Tỉnh; hướng dẫn nhân dân phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch phát triển vùng.

2. Tổ chức tốt việc thu gom và xử lý nước thải, rác thải tại các cụm dân cư đô thị, các khu vực có du lịch, các làng nghề, thu gom các loại rác thải (đặc biệt các loại bao bì nylon) trên mặt sông, hồ, trên các vùng nước biển ven bờ.

3. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương ban hành quy định về việc chuyên chở các mặt hàng dễ rơi vãi, phát sinh bụi, mùi như hải sản tươi sống, xác mắm, các chất phế thải từ chế biến hải sản v.v... nhằm giảm thiểu bụi, rò rỉ nước và thoát mùi ra môi trường.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết các khiếu nại tố cáo về môi trường có liên quan đến các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố.

5. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường.

Điều 10. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

1. Hướng dẫn cư dân, các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường.

2. Hướng dẫn các hộ gia đình chăn nuôi và sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ về các biện pháp thu gom, xử lý nước thải, rác thải hợp vệ sinh, không gây ảnh hướng tới môi trường.

3. Kiểm tra, xử lý các vi phạm và giải quyết các khiếu nại tố cáo về môi trường theo thẩm quyền đối với các hộ gia đình sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ.

Điều 11. Trách nhiệm của Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Bình Thuận, Ban Quản lý khu du lịch, khu di tích văn hoá - lịch sử và khu bảo tồn thiên nhiên:

1. Xây dựng, ban hành nội quy của khu vực được phân công quản lý, trong đó cần cụ thể hoá những quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực và địa bàn được phân công quản lý; hướng dẫn các đối tượng liên quan (bao gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh, khách tham quan, du lịch v.v..) thực hiện tốt nội quy bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức thu gom xử lý nước thải, rác thải trong khu vực quản lý.

3. Phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác quản lý môi trường, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình môi trường trong khu vực quản lý, báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, có biện pháp khắc phục kịp thời các hiện tượng suy thoái, ô nhiễm, sự cố môi trường, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn ngừa và khắc phục hậu quả trong phạm vi khả năng; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn và ứng trực giải quyết khi có sự cố môi trường trong khu vực quản lý.

4. Phối hợp với các cơ quan liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên phổ biến, tuyên truyền bằng nhiều hình thức các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân, khách tham quan du lịch và cộng đồng dân cư thuộc địa bàn quản lý.

5. Kiểm tra giám sát và phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh và các đối tượng khác trong khu vực quản lý; lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường và báo cáo chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý môi trường để xử lý theo thẩm quyền.

Chương IV.

PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Điều 12. Thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, ký Phiếu xác nhận Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền cấp tỉnh và các dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường ủy quyền.

Trong trường hợp cần thiết Uỷ ban nhân dân Tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường để tư vấn cho việc ban hành quyết định. Thành phần Hội đồng gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung liên quan đến dự án; Hội đồng có thể bao gồm đại diện của các tổ chức xã hội và đại diện cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án. Số thành viên Hội đồng không quá 9 người.

Danh mục các dự án phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, phân cấp thẩm định và ký quyết định phê duyệt theo quy định tại phụ lục I.

2. Thẩm quyền ký phiếu xác nhận Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường thuộc Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố.

Danh mục các đối tượng phải lập Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, phân cấp thẩm định và ký phiếu xác nhận theo quy định tại phụ lục II.

Điều 13. Quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ:

1. Ở cấp Tỉnh: Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận và thẩm định hồ sơ, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt (đối với Báo cáo đánh giá tác động môi trường) hoặc ký Phiếu xác nhận (đối với Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường). Hồ sơ sau khi được phê duyệt chuyển về lại Sở Tài nguyên và Môi trường để giao trả cho chủ đầu tư và theo dõi quản lý.

2. Ở cấp huyện: Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận và thẩm định hồ sơ, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố ký Phiếu xác nhận Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Hồ sơ sau khi được ký trả về lại cho Phòng Tài nguyên và Môi trường để giao trả chủ đầu tư và theo dõi quản lý.

Trình tự, thời gian tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và cấp quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Phiếu xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường thực hiện theo Thông tư 490/1998/TT-BKHCNMT ngày 29/4/1998 của Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường về hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư.

Điều 14. Thu nộp và sử dụng phí thẩm định

Chủ dự án có trách nhiệm nộp Phí thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật về phí, lệ phí và chế độ hiện hành của Nhà nước.

Chương IV.

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15. Quy định khen thưởng

Cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Quy định xử lý vi phạm

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm thì bị xử lý theo quy định tại Nghị định 121/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử phạt thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 134/2003/NĐ-CP, Nghị định 121/2004/NĐ-CP và các văn bản vi phạm pháp luật có liên quan.

Chương IV.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17.

1. Giám đốc các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức và đôn đốc việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong quản lý của ngành và địa phương theo hướng dẫn và quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

2. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện Quy định này./.

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN PHẢI LẬP BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG, PHÂN CẤP THẨM ĐỊNH VÀ KÝ QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT

STT

Loại dự án

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Cấp Tỉnh

1

Các dự án kinh tế - xã hội sử dụng nhiều đất:

 

 

Dự án nằm trong các khu vực nhạy cảm về môi trường

Dự án có sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh được xếp hạng

Dự án nằm trong vùng đệm các khu vực kể bên hoặc nằm trong các khu vực nhạy cảm về môi trường

Dự án thương mại, du lịch (theo diện tích sử dụng)

Nằm trên phạm vi thuộc 2 tỉnh trở lên

≥ 100ha (đối với dự án du lịch);

≥ 200ha (đối với dự án nuôi thuỷ sản)

2

Quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng:

 

 

Đô thị

Đô thị loại 3 trở lên

Còn lại

Khu công nghiệp, khu công nghệ cao

≥ 150 ha

Còn lại

Khu kinh tế, khu thương mại

≥ 1.000 ha

≥ 100 ha

3

Cầu cảng, kho bãi:

 

 

Cầu vĩnh cửu

≥ 1.000 m

≥ 100 m

Đường sắt, đường ô tô (cấp 1, 2, 3)

≥ 50 km

≥ 5 km

Cảng biển (đối với tàu có tải trọng)

≥ 50.000 DWT

Còn lại

Cảng hàng không, sân bay

Tất cả

-

Nhà máy đóng, sửa chữa tàu thuỷ

≥ 10.000 DWT

≥ 1.000 DWT

Kho xăng dầu (dung tích)

≥ 50.000 m3

≥ 20.000 m3

4

Nhà máy thuỷ điện (hồ chứa có dung tích)

≥ 100 triệu m3

Còn lại

Nhà máy nhiệt điện

≥ 200 MW

≥ 20 MW

5

Nhà máy công nghiệp:

 

 

Dự án lọc, hoá dầu

Tất cả

-

Dự án sản xuất chất dẻo

≥ 10.000 tấn sản phẩm/năm

Còn lại

Dự án nhà máy sản xuất phân hoá học

≥ 100.000 tấn sản phẩm/năm

Còn lại

Dự án nhà máy sản xuất sơn, hoá chất cơ bản, thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa, phụ gia

≥ 20.000 tấn sản phẩm/năm

Còn lại

Dự án nhà máy chế biến mủ cao su và cao su

≥ 50.000 tấn sản phẩm/năm

≥ 5.000 tấn sản phẩm/năm

Dự án nhà máy sản xuất săm lốp ô tô

≥ 1 triệu SP/năm

Còn lại

Dự án nhà máy sản xuất ắc quy

≥ 300.000 kWh/năm

Còn lại

Dự án nhà máy dệt nhuộm

≥ 30 triệu m vải/năm

≥ 20 triệu m vải/năm

Dự án nhà máy sản xuất cồn, rượu

≥ 1 triệu lít/năm

≥ 100.000 lít/năm

Dự án nhà máy sản xuất bia, nước giải khát

≥ 10 triệu lít/năm

≥ 1 triệu lít/năm

Dự án nhà máy đường

-

≥100.000 tấn mía/năm

Dự án nhà máy chế biến thực phẩm

-

≥ 1.000 tấn sản phẩm/năm

Dự án nhà máy đông lạnh

-

≥ 1.000 tấn sản phẩm/năm

Nhà máy luyện cán thép, gang và kim loại màu

≥ 300.000 tấn sản phẩm/năm

Còn lại

Nhà máy xi măng

≥ 1 triệu tấn/năm

Còn lại

Nhà máy giấy và bột giấy

≥ 50.000 tấn sản phẩm/năm

≥ 40.000 tấn bột giấy/năm

6

Khai thác khoáng sản:

 

 

Dự án khai thác dầu khí

Tất cả

-

Khai thác khoáng sản rắn (có sử dụng hoá chất)

Tất cả

-

Khai thác khoáng sản rắn (không sử dụng hoá chất)

≥ 500.000 m3/năm

≥ 100.000m3/năm

7

Khai thác nước:

 

 

Khai thác nước dưới đất

≥ 50.000m3/ngày đêm

≥ 5.000m3/ngày đêm

Khai thác nước mặt

≥500.000m3/ngày đêm

≥ 30.000m3/ngày đêm

8

Dự án xử lý chất thải:

 

 

Bãi chôn lấp chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại

Tất cả

 

-

 

Hệ thống xử lý nước thải Công nghiệp tập trung

≥ 5.000m3/ngày đêm

≥ 1.000m3/ngày đêm

9

Bệnh viện

-

Tất cả

10

Bãi xử lý rác sinh hoạt tập trung

-

≥ 20 ha

 

Một số lưu ý:

 1. Các dự án nêu trên đầu tư vào Khu công nghiệp/Khu chế xuất đã được cấp quyết định phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường thì lập Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường trên cơ sở tự xác lập và phân tích Báo cáo đánh giá tác động môi trường của mình.

2. Các dự án nêu trên nhưng có quy mô nhỏ hơn thì phải lập Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường.

PHỤ LỤC II

DANH MỤC CÁC ĐỐI TƯỢNG PHẢI LẬP BẢN ĐĂNG KÝ ĐẠT TIÊU CHUẨN MÔI TRƯỜNG, PHÂN CẤP THẨM ĐỊNH VÀ KÝ PHIẾU XÁC NHẬN

STT

Loại đối tượng

Sở Tài nguyên và Môi trường

Uỷ ban nhân dân huyện/thành phố

1

Các cơ sở khai thác tận thu khoáng sản, khai thác vật liệu xây dựng, cát bồi nền

Tất cả

-

2

Các cơ sở nung gạch ngói

Tất cả

-

3

Các cơ sở khai thác kinh doanh nước có quy mô nhỏ

Tất cả

-

4

Sản xuất công nghiệp, tiêu thủ công ngiệp:

 

 

Cơ sở chế biến mủ cao su

Tất cả

-

Cơ sở dệt nhuộm

Tất cả

-

Cơ sở thuộc da

Tất cả

-

Cơ sở chế biến cồn, rượu, chế biến bia, nước giải khát, cơ sở nấu đường, cơ sở chế biến thực phẩm, cơ sở đông lạnh

Các cơ sở do cấp Tỉnh cấp Giấy phép kinh doanh

Các cơ sở do cấp huyện/thành phố cấp Giấy phép kinh doanh

Các cơ sở gia công chất dẻo, cơ sở có sử dụng hoá chất độc hại trong quy trình sản xuất

Tất cả

-

Các cơ sở khác không sử dụng hoá chất độc hại trong quy trình sản xuất

Các cơ sở do cấp Tỉnh cấp Giấy phép kinh doanh

Các cơ sở do cấp huyện/thành phố cấp Giấy phép kinh doanh

5

Các cơ sở nuôi trồng thủy sản

Các cơ sở do cấp Tỉnh cấp Giấy phép kinh doanh

Các cơ sở do cấp huyện/thành phố cấp Giấy phép kinh doanh

6

Các cơ sở thương mại, du lịch

Các dự án do cấp Tỉnh cấp Giấy phép kinh doanh

Các cơ sở do cấp huyện/thành phố cấp Giấy phép kinh doanh

7

Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung < 1.000m3/ngày đêm

Tất cả

-

8

Cầu cảng, kho bãi:

 

 

Cầu Vĩnh Cửu < 100m

Tất cả

-

Đường ôtô (cấp 1, 2, 3) < 5 km

Tất cả

-

Cơ sở đóng, sửa tàu thủy < 1000DWT; Kho chứa xăng dầu

Các dự án do cấp Tỉnh cấp Giấy phép kinh doanh

Các cơ sở do cấp huyện/thành phố cấp Giấy phép kinh doanh

9

Các cơ sở y tế

Các Trung tâm, Trạm y tế huyện/thành phố, Tỉnh, các phòng khám đa khoa

Các trạm y tế xã, phường, thị trấn

10

Bãi xử lý rác sinh hoạt tập trung

< 20 ha

-

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 60/2005/QĐ-UBND phân cấp quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 60/2005/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/09/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/10/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 15/01/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản