Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 598/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ KIẾN TRÚC - NGHỆ THUẬT QUỐC GIA ĐẶC BIỆT THÁP BÌNH SƠN, THỊ TRẤN TAM SƠN, HUYỆN SÔNG LÔ, TỈNH VĨNH PHÚC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Nghị định số 67/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 ngày 12 tháng 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 129/TTr-BVHTTDL ngày 22 tháng 5 năm 2024,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc với những nội dung sau:

I. PHẠM VI, QUY MÔ VÀ MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Quy mô và ranh giới quy hoạch

a) Quy mô quy hoạch: Gồm toàn bộ Khu vực bảo vệ của Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn, với tổng diện tích là 21.815 m2, trong đó:

- Khu vực bảo vệ I, diện tích 6.200 m2: Là khu vực có các yếu tố gốc cấu thành giá trị di tích, gồm: Tháp Bình Sơn, tam bảo chùa Vĩnh Khánh (chùa Then), nhà Tổ và giếng Mực (tăng 200 m2 do điều chỉnh mở rộng ranh giới để bao trùm toàn bộ khu vực giếng Mực)

- Khu vực bảo vệ II, diện tích 15.615 m2: Là vùng bao quanh tiếp giáp khu vực bảo vệ I (giảm 385 m2 do điều chỉnh diện tích Khu vực bảo vệ I và thực hiện rà soát, điều chỉnh ranh giới Khu vực bảo vệ II theo mốc giới thực tế và đối chiếu với các quy hoạch liên quan).

b) Ranh giới quy hoạch được xác định như sau: Phía Bắc giáp trường học, phía Nam giáp tỉnh lộ 307B, phía Đông giáp tuyến đường dự kiến xây mới, mặt cắt 22 m theo Quy hoạch chung đô thị huyện lỵ Sông Lô và phía Tây giáp đường nhựa hiện trạng.

2. Mục tiêu quy hoạch

a) Bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật của di tích tháp Bình Sơn gắn với vai trò là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa của huyện Sông Lô; phát huy giá trị di tích trở thành điểm giới thiệu và tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian Việt Nam gắn với các thiết chế văn hóa làng xã của đất nước và địa phương.

b) Hình thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn, kết nối với các di tích, điểm du lịch khác của huyện Sông Lô và tỉnh Vĩnh Phúc để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

c) Xác định ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới di tích; xác định các khu chức năng, khu dân cư, khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

d) Định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình và nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

đ) Là căn cứ pháp lý cho công tác quản lý, bảo vệ di tích; triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích theo đồ án quy hoạch được duyệt. Xây dựng quy định quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực di tích và các giải pháp quản lý, bảo vệ di tích.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Quy hoạch phân khu chức năng

a) Vùng bảo tồn di tích

- Khu vực bảo vệ I: Là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành giá trị di tích. Loại bỏ các yếu tố sai lệch, khôi phục các hạng mục công trình bị phá hủy trên cơ sở tư liệu khoa học và kết quả khai quật khảo cổ học; kết hợp chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan, đáp ứng tốt nhất nhu cầu quản lý, sử dụng và phục vụ cộng đồng.

- Khu vực bảo vệ II: Là khu vực bảo tồn và phát huy giá trị di tích, trên cơ sở tổ chức các công trình phụ trợ trực tiếp bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa, bảo đảm kết nối thuận lợi với khu vực bảo vệ I.

b) Vùng đệm của di tích (diện tích là 94.185 m2): Là vùng cảnh quan sinh thái bao quanh di tích gắn với cộng đồng dân cư của khu vực lập quy hoạch, có chức năng tổ chức các hoạt động dịch vụ, phát huy giá trị di tích và tạo lập vùng đệm quanh vùng bảo tồn di tích trên cơ sở tổ chức không gian, cảnh quan, nâng cấp đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo các quy hoạch đô thị; bảo đảm sự gắn kết hài hòa giữa di tích với cộng đồng dân cư, môi trường sinh thái, không gian cảnh quan đô thị của khu vực lập quy hoạch.

2. Quy hoạch tổ chức không gian bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích

a) Nguyên tắc

- Việc bảo quản, tu bổ và tôn tạo các hạng mục công trình di tích phải bảo vệ tối đa các yếu tố nguyên gốc, phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng đối tượng, hạng mục di tích cụ thể.

- Giữ gìn môi trường, cảnh quan tự nhiên của di tích; tu bổ và tôn tạo trên cơ sở hồ sơ khoa học của di tích, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân. Bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích.

- Các công trình xây dựng mới nhằm phát huy giá trị di tích phải bảo đảm quy mô phù hợp với tổng thể không gian bảo vệ của di tích, không làm ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan chung của di tích và các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân tại khu vực di tích.

b) Tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan

- Vùng bảo vệ di tích được tổ chức thành hai không gian chính: Khu vực tháp Bình Sơn ở phía Nam và khu vực chùa Vĩnh Khánh ở phía Bắc. Hướng tiếp cận từ đường tỉnh 307B ở phía Nam, qua cổng chính, theo đường trục chính của di tích, qua tháp Bình Sơn đến khu vực chùa Vĩnh Khánh.

+ Khu vực tháp Bình Sơn: Giữ nguyên vị trí Tháp hiện trạng; bảo đảm duy trì tầm nhìn từ các hướng đến Tháp. Tổ chức hệ thống cây xanh cảnh quan và sân quanh chân tháp thành điểm nhấn về cảnh quan.

+ Khu vực chùa Vĩnh Khánh: Nằm trên đường trục chính di tích, hướng về phía Nam. Khu nội tự, gồm các công trình: Tam Bảo, nhà Tổ và 02 dãy hành lang, sân chùa. Bố cục tổng thể theo kiến trúc chùa truyền thống miền Bắc Việt Nam. Khu ngoại tự (ở hai bên và phía sau khu nội tự), bố trí các hạng mục phụ trợ gồm: lầu hóa vàng, nhà phụ trợ, nhà vệ sinh. Bao xung quanh các công trình là hệ thống vườn hoa, cây xanh cảnh quan và mạng lưới đường dạo kết nối.

- Vùng đệm phụ trợ cho di tích: Tổ chức, chỉnh trang các không gian xanh, không gian ở và không gian công cộng của cộng đồng dân cư quanh khu di tích bảo đảm hài hòa về cảnh quan, hình thành không gian bổ trợ về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển đô thị. Các không gian chính, gồm: Vườn hoa cảnh quan (bố trí phía Đông di tích); không gian trường học (phía Bắc di tích) và khu dân cư hiện trạng.

c) Giải pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích

- Khu vực bảo vệ I: Thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo các yếu tố gốc cấu thành di tích. Dỡ bỏ một số công trình mới không phù hợp.

+ Tháp Bình Sơn: Có biện pháp bảo quản đúng với phương pháp chuyên ngành nhằm bảo tồn nguyên trạng kiến trúc tháp Bình Sơn. Hoàn thiện hệ thống thoát nước mặt bảo đảm không ảnh hưởng đến kết cấu của tháp; bổ sung hệ thống đường dạo kết nối công trình và đường trục chính của di tích. Thực hiện số hóa di tích bằng công nghệ hiện đại. Tiếp tục thu thập bổ sung các tài liệu khoa học liên quan; có lộ trình phục dựng kiến trúc ban đầu của Tháp (khi có đủ tư liệu và cơ sở khoa học).

+ Giếng Mực: Tu bổ, tôn tạo bằng giải pháp đào thám sát (xác định cấu trúc gốc), nạo vét bùn và phục chế trên cơ sở các tài liệu khoa học.

+ Tam bảo chùa Vĩnh Khánh:

. Dỡ bỏ toà Tam bảo mới xây dựng do không phù hợp với kiến trúc và cảnh quan chung khu vực. Hạ giải toà Tam bảo cũ (phía sau toà Tam Bảo mới) theo đúng các quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

. Tiến hành khai quật khảo cổ học bổ sung (tại khu vực đã dỡ bỏ và hạ giải công trình) để xác định dấu vết vị trí, mặt bằng, quy mô công trình gốc. Sưu tầm tài liệu, hiện vật để nhận diện các yếu tố của công trình di tích gốc.

. Thực hiện tu bổ, phục dựng toà Tam bảo chùa Vĩnh Khánh trên cơ sở tài liệu, tư liệu khoa học về chùa Vĩnh Khánh cũ (trước khi sụp đổ) và kết quả khai quật khảo cổ học. Phục chế các cấu kiện bị hỏng, bị mất, kết hợp tái sử dụng tối đa các cấu kiện và thành phần kiến trúc của Tam bảo cũ được hạ giải.

+ Xây dựng mới nhà Tổ chùa Vĩnh Khánh tại vị trí Tam bảo cũ đã hạ giải. Vị trí chính xác, quy mô và hình thức kiến trúc được xác định trên cơ sở kết quả khai quật khảo cổ học và các tư liệu bổ sung.

+ Xây dựng mới 02 hành lang chùa Vĩnh Khánh nối Tam bảo và nhà Tổ.

+ Hệ thống cây xanh, sân, đường nội bộ: Bảo tồn các cây cổ thụ, cây lâu năm; trồng bổ sung cây xanh; tôn tạo sân vườn, đường nội bộ phù hợp với không gian chung của di tích.

+ Thực hiện số hoá toàn bộ di tích tháp Bình Sơn, bao gồm các hiện vật và công trình di tích gốc để lưu trữ hồ sơ khoa học và giới thiệu di tích bằng công nghệ hiện đại.

- Khu vực bảo vệ II:

+ Tu bổ, tôn tạo hồ sen và cổng chính hiện có. Cải tạo cổng phụ và hoàn thiện tường rào; cải tạo và mở rộng sân đỗ xe hiện trạng nằm phía Đông hồ sen thành bãi đỗ xe cho du khách; cải tạo và chỉnh trang sân hiện trạng nằm phía Tây đường trục chính thành sân lễ hội và tổ chức sự kiện.

+ Xây dựng mới các công trình phụ trợ của chùa Vĩnh Khánh (nhà khách, nhà tăng, nhà bếp, lầu hóa vàng và nhà vệ sinh). Tôn tạo cảnh quan vườn chùa, cây xanh, thảm cỏ, đường dạo bộ phù hợp không gian chung của di tích.

+ Dỡ bỏ một số công trình không phù hợp với cảnh quan và kiến trúc tổng thể của khu vực, gồm: 03 dãy nhà của Trường THPT Bình Sơn (hoàn trả quỹ đất của di tích), nhà bếp, bể nước, nhà vệ sinh và móng nhà cũ hiện tại.

- Khu vực dịch vụ phụ trợ bao quanh khu vực bảo vệ di tích (theo Quy hoạch xây dựng đô thị Thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô đã được phê duyệt)

+ Cải tạo, chỉnh trang và xây dựng mới các công trình gồm: vườn hoa, trường học, khu dân cư, giao thông và hạ tầng kỹ thuật để hình thành vành đai xanh, công trình công cộng, dịch vụ phát huy giá trị di tích; kết nối với khu vực bảo vệ di tích tạo thành chỉnh thể kiến trúc và không gian cảnh quan khu vực.

+ Tôn tạo cảnh quan sinh thái và hình thành không gian tổ chức dịch vụ trên cơ sở kết nối với không gian sinh hoạt văn hoá và cảnh quan khu dân cư trong khu vực nhằm phát huy giá trị di tích và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

3. Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch

a) Sản phẩm du lịch chủ yếu

- Tham quan, tìm hiểu văn hóa - lịch sử di tích tháp Bình Sơn gắn với hoạt động trải nghiệm bằng công nghệ hiện đại (thực tế ảo và 3D mapping...), các hoạt động nghiên cứu, sáng tác tác phẩm kiến trúc, nghệ thuật liên quan đến di tích và văn hóa địa phương.

- Du lịch văn hóa - tín ngưỡng gắn với việc trải nghiệm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, du lịch thiên... tại di tích.

- Du lịch lễ hội: Đa dạng hóa các hoạt động trong phần hội của lễ hội chùa tháp gắn liền bản sắc văn hóa sông Lô. Phát triển chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch gắn với các lễ hội truyền thống địa phương, lễ hội đường phố và sự kiện văn hóa, nghệ thuật đương đại.

- Du lịch mua sắm gắn với sản phẩm lưu niệm về tháp Bình Sơn - chùa Vĩnh Khánh, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của huyện Sông Lô; kết nối và nâng cao trải nghiệm của du lịch làng nghề của huyện Sông Lô.

b) Các chương trình tham quan du lịch

- Chương trình tham quan du lịch văn hoá, tín ngưỡng bằng đường bộ kết nối Khu di tích với các không gian văn hoá, các di tích văn hóa - lịch sử, công trình tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô (Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, đền Bạch, đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn...), các di tích quốc gia đặc biệt khác của tỉnh Vĩnh Phúc (danh thắng Tây Thiên, đình Thổ Tang,...) và khu Du lịch quốc gia Đền Hùng (Phú Thọ).

- Chương trình du lịch trải nghiệm đường sông kết nối di tích tháp Bình Sơn với các điểm tham quan trên tuyến sông Lô (qua bến phà Then).

- Chương trình du lịch tham quan làng nghề kết nối di tích tháp Bình Sơn, chùa Vĩnh Khánh với các làng nghề truyền thống, điểm du lịch nông thôn trên địa bàn huyện Sông Lô.

4. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật: Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tuân thủ theo các định hướng Quy hoạch chung đô thị huyện lỵ Sông Lô.

a) Quy hoạch bố trí giao thông

- Giao thông đối ngoại kết nối đến di tích, gồm các tuyến đường: Đường tỉnh 307B nằm phía Nam khu di tích (mặt cắt ngang 22m); tuyến đường nằm phía Tây khu di tích (mặt cắt ngang 16,5m) và tuyến đường nằm phía Đông khu di tích (mặt cắt ngang 22m).

- Giao thông nội khu di tích: Cải tạo trục đường chính từ cổng vào sân di tích. Tôn tạo, nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường dạo quanh di tích, kết nối các hạng mục của di tích với hồ sen, vườn chùa và các công trình phụ trợ. Cải tạo và mở rộng khu vực sân phía Đông hồ sen thành bãi đỗ xe; chỉnh trang, cải tạo không gian phía Tây hồ sen thành sân lễ hội và tổ chức sự kiện.

b) San nền và thoát nước mưa:

- Khu vực lập quy hoạch được chia thành 3 cấp cao độ san nền, gồm: Khu vực từ cổng chính vào khu vực tháp Bình Sơn có cao độ +15,85 m; khu vực tháp Bình Sơn và chùa Vĩnh Khánh có cao độ +18,00 m; khu vực ao sen đào nền với cao độ đào là 0,5 m.

- Hạn chế san gạt, tận dụng địa hình tự nhiên, bảo đảm thoát nước tự nhiên; độ dốc nền hướng dần về phía đường giao thông và hệ thống thoát nước.

- Thoát nước mưa tại khu vực sân tháp Bình Sơn và sân chùa Vĩnh Khánh thiết kế tự chảy theo cao độ san nền, hướng thoát ra hồ sen và đấu nối với hệ thống thoát nước mưa của khu vực.

c) Quy hoạch cấp nước

- Cấp nước sinh hoạt sử dụng nước sạch từ nhà máy nước Sông Lô (qua vị trí đấu nối với đường ống cấp nước DN 100 trên đường tỉnh 307B theo Quy hoạch chung huyện lỵ Sông Lô), bảo đảm đấu nối đồng bộ đến các công trình trong khu di tích (đường ống cấp nước HDPE-D50).

- Cấp nước chữa cháy: Sử dụng họng cứu hỏa theo Quy hoạch chung đô thị huyện lỵ Sông Lô.

d) Quy hoạch hệ thống cấp điện, chiếu sáng

- Cấp điện sinh hoạt: Nguồn điện cấp cho khu di tích lấy từ trạm biến áp 22/0,4kv điện lực Sông Lô. Mạng lưới hạ áp của khu di tích thiết kế đi ngầm và đấu nối với đường dây 0,4 kV trên đường tỉnh 307B.

- Cấp điện chiếu sáng: Hệ thống điện chiếu sáng được đấu nối với hệ thống chiếu sáng của khu vực trên đường tỉnh 307B. Thiết kế hệ thống chiếu sáng công trình và chiếu sáng mỹ thuật tại khu vực tháp Bình Sơn, tạo điểm nhấn vào ban đêm, bảo đảm phù hợp với cảnh quan chung của khu di tích.

- Giải pháp chống sét: Thiết kế vùng bảo vệ chống sét cho tháp Bình Sơn theo phương pháp góc bảo vệ (áp dụng cho công trình có chiều cao thấp hơn 20m), sử dụng hệ thống chống sét bên ngoài đáp ứng yêu cầu bảo vệ chống sét đánh trực tiếp vào công trình.

đ) Quy hoạch hệ thống thoát nước thải và vệ sinh môi trường

- Thoát nước thải: Thiết kế hệ thống thoát nước thải riêng, sử dụng ống thoát D300 thu gom nước thải của khu di tích, xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường; đấu nối đồng bộ với hệ thống thoát nước chung trên đường tỉnh 307B.

- Vệ sinh môi trường: Chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom hàng ngày và chuyển về khu xử lý rác thải của thị trấn Tam Sơn.

e) Quy hoạch hệ thống thông tin liên lạc: Cáp thông tin liên lạc tại khu di tích được đấu nối với điểm thông tin liên lạc trên đường tỉnh 307B. Bố trí các tủ cáp thông tin liên lạc nội bộ tại tòa Tam bảo.

5. Nhóm dự án thành phần và phân kỳ đầu tư

a) Các nhóm dự án thành phần

- Nhóm dự án số 1 (DA -01): Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo di tích, gồm các dự án thành phần: Cắm mốc khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II theo Quy hoạch; Tổ chức khai quật, khảo cổ học nền chùa Vĩnh Khánh; Nghiên cứu cơ sở khoa học để phục hồi, tu bổ và tôn tạo các công trình của di tích; Đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích tháp Bình Sơn và chùa Vĩnh Khánh; Bảo quản hệ thống hiện vật tại di tích và phòng chống mối mọt.

- Nhóm dự án số 2 (DA-02): Nhóm dự án phát huy giá trị di tích, gồm các dự án thành phần: Lắp đặt biển chỉ dẫn đến khu di tích, hệ thống bia, biển giới thiệu di tích, các biển chỉ dẫn nội khu di tích; Nghiên cứu phát triển chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch tại khu di tích gắn với các lễ hội truyền thống khác trên địa bàn huyện Sông Lô; Đầu tư hạ tầng công nghệ hiện đại và tư liệu hóa di sản bằng công nghệ số; Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch, chương trình du lịch kết nối tới khu di tích tháp Bình Sơn - chùa Vĩnh Khánh; Tuyên truyền, quảng bá khu di tích tháp Bình Sơn - chùa Vĩnh Khánh; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

- Nhóm dự án số 3 (DA-03): Nhóm dự án hạ tầng kỹ thuật: Xây dựng tuyến đường dạo bộ quanh khu di tích; Cải tạo, mở rộng sân phía Đông hồ sen thành bãi đỗ xe; Nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực quy hoạch: giao thông, cấp điện, chống sét, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc.

Trên cơ sở các nhóm dự án thành phần, xác định các dự án có tính chất động lực để ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư. Kinh phí thực hiện được xác định cụ thể theo tổng mức đầu tư của từng dự án, tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng cân đối và huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ; bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về di sản văn hóa, đầu tư, xây dựng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đất đai và pháp luật có liên quan.

Việc triển khai thực hiện đầu tư theo các nhóm dự án thành phần thuộc quy hoạch được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định (từ việc trình phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư và tổ chức, triển khai thực hiện dự án).

b) Phân kỳ đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư:

- Thời gian thực hiện quy hoạch: Từ năm 2024 đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó:

+ Giai đoạn đến năm 2030: Triển khai thực hiện DA-01, DA-02, gồm: Cắm mốc các khu vực bảo vệ di tích; nghiên cứu khoa học làm cơ sở để tu bổ, phục hồi, tôn tạo các hạng mục công trình của di tích; khai quật khảo cổ học nền chùa Vĩnh Khánh; nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch và các chương trình du lịch kết nối với khu di tích; tuyên truyền, quảng bá; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và xã hội hóa.

+ Giai đoạn 2031 - 2035: Tiếp tục thực hiện các dự án DA-01 và DA-02; triển khai và hoàn thiện DA-03. Sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và xã hội hóa.

+ Giai đoạn 2036 - 2050: Hoàn thành các dự án còn lại.

- Thứ tự, mức độ ưu tiên đầu tư hằng năm có thể được điều chỉnh, bổ sung căn cứ yêu cầu thực tế, khả năng huy động vốn, khả năng cân đối vốn và nguồn vốn cấp theo kế hoạch của Trung ương, địa phương.

Người chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình, trong đó có việc xác định cụ thể vị trí, diện tích, quy mô, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, tiến độ, tình hình thực tiễn và thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các quy định pháp luật có liên quan.

c) Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch: Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch bao gồm vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước, trong đó:

- Vốn từ ngân sách Trung ương được bố trí căn cứ vào nội dung dự án đầu tư và khả năng cân đối của ngân sách Trung ương hằng năm, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành về đầu tư công, ngân sách nhà nước.

- Vốn ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh, huyện, xã).

- Vốn sự nghiệp dành cho công tác nghiệp vụ như tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy hoạch; sưu tầm, bổ sung tài liệu, hiện vật; bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, không gian sinh sống của cộng đồng...

- Các nguồn vốn khác: Thu từ các hoạt động dịch vụ tại di tích; huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước, của Nhân dân và các nguồn vốn hợp pháp khác.

6. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp quản lý quy hoạch

- Quản lý theo phân vùng quy hoạch (chi tiết trong hồ sơ quy hoạch). Nâng cao công tác giám sát triển khai quy hoạch sử dụng đất khu vực quy hoạch. Tăng cường phối hợp liên ngành để khai thác có hiệu quả giá trị của di tích gắn với phát triển công nghiệp văn hóa ở địa phương. Tăng cường giám sát, quản lý, bảo vệ ngăn chặn các hành vi xâm hại đối với khu vực di tích.

- Quản lý xây dựng, sử dụng công trình theo đúng phân vùng quy hoạch và Quy hoạch được duyệt (chi tiết trong hồ sơ quy hoạch). Các quy hoạch khác liên quan được lập sau khi Quy hoạch này được phê duyệt cần phù hợp với Quy hoạch này.

b) Giải pháp về đầu tư

- Huy động các nguồn vốn xã hội hóa theo mô hình “hợp tác công tư” để bảo tồn, tôn tạo và phát triển du lịch tại khu di tích. Nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế đầu tư, cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ, du lịch ở khu vực di tích.

- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư tôn tạo công trình, hạng mục công trình thuộc Di tích quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn.

c) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực quản lý và bảo vệ di tích

- Xây dựng chương trình và tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho Nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Bổ sung, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên tại khu di tích; hướng dẫn cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản

- Đẩy mạnh hợp tác với cơ sở giáo dục về bảo tồn di tích. Xây dựng chương trình đào tạo về dịch vụ khách hàng cho cộng đồng và doanh nghiệp.

d) Giải pháp về bộ máy quản lý, cơ chế, chính sách

- Nâng cao năng lực của Ban quản lý di tích chùa - tháp Bình Sơn. Có giải pháp bổ sung nguồn nhân lực và phương tiện cho khu di tích để đảm nhiệm tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Xây dựng cơ chế chính sách phối hợp chặt chẽ liên ngành trong công tác quản lý.

- Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền, các tổ chức xã hội tại địa phương và cộng đồng dân cư làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái khu vực di tích.

- Xây dựng cơ chế chính sách về kinh tế, tài chính để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho công tác bảo tồn và đầu tư xây dựng.

đ) Giải pháp huy động sự tham gia của cộng đồng

- Kết nối, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư trong khu vực di tích và vùng lân cận phát huy, nâng cao vai trò và trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của địa phương.

- Tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác lập kế hoạch, quản lý và bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch.

- Tăng cường truyền thông, giáo dục về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích cho người dân địa phương. Nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng địa phương tham gia vào thông tin tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của di tích.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc

a) Rà soát, hoàn thiện hồ sơ đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn (thuyết minh, bản đồ, quy định quản lý...) bảo đảm đúng quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; lưu giữ và lưu trữ hồ sơ đồ án quy hoạch được duyệt theo quy định của pháp luật.

b) Công bố công khai quy hoạch; rà soát ranh giới khu vực bảo vệ di tích theo mốc giới xác định trong quy hoạch; cập nhật quy mô, ranh giới, diện tích Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn vào Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc và các quy hoạch khác có liên quan, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Vĩnh Phúc phù hợp với từng thời kỳ.

c) Phê duyệt các nhóm dự án thành phần trên cơ sở đồ án Quy hoạch được duyệt. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư trên cơ sở đồ án Quy hoạch được phê duyệt. Thực hiện quản lý hoạt động bảo tồn, đầu tư, xây dựng theo quy hoạch.

d) Chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương; huy động nguồn vốn theo quy định của pháp luật để triển khai thực hiện Quy hoạch.

đ) Chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường di tích và các khu vực phụ cận bên ngoài di tích; giáo dục tinh thần tự giác chấp hành các quy định về quy hoạch và quản lý quy hoạch, về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa, về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên.

e) Thực hiện đầu tư xây dựng trong phạm vi bảo vệ của di tích trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Quy hoạch được phê duyệt tại quyết định này và các quy hoạch có liên quan được lập theo quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm toàn diện đối với đề xuất về phạm vi, quy mô, ranh giới quy hoạch; về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, các ý kiến tiếp thu, giải trình, bảo lưu đối với ý kiến rà soát, góp ý của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan; về hệ thống bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, quy định của pháp luật liên quan; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan, không hợp pháp hóa các sai phạm (nếu có).

3. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Lưu giữ và lưu trữ hồ sơ đồ án quy hoạch được duyệt theo quy định của pháp luật.

b) Tổ chức thẩm định nội dung chuyên môn đối với các dự án thành phần liên quan đến bảo tồn, tôn tạo di tích và các dự án thành phần thuộc khu di tích tháp Bình Sơn thuộc nội dung quy hoạch được duyệt.

c) Theo dõi, giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện quy hoạch, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng nội dung và đúng kế hoạch được phê duyệt, tuân thủ theo trình tự, quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

4. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc cân đối, bố trí nguồn vốn để thực hiện các nội dung Quy hoạch phù hợp với kế hoạch thực hiện được duyệt và khả năng huy động nguồn lực, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan; kiểm tra việc thực hiện theo thẩm quyền.

5. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Kiểm tra việc thực hiện quản lý và sử dụng đất theo quy hoạch, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đất đai; hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cập nhật ranh giới diện tích quy hoạch vào Kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, phù hợp với thời kỳ quy hoạch.

6. Các Bộ, ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, giám sát, tạo điều kiện giúp đỡ Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc;
- Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL);
- Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
Thư ký PTTg Lê Thành Long, TGĐ cổng TTĐT,
các Vụ: TH, PL, CN, NN, KTTH, QHĐP;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thành Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 598/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 598/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/07/2024
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thành Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản