Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 591/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 28 tháng 4 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ĐIỀU TRA, RÀ SOÁT NHU CẦU HỌC NGHỀ CỦA LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN NĂM 2016

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số: 971/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số: 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng;

Căn cứ Công văn số: 5383/LĐTBXH-TCDN ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn nhiệm vụ và tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2016;

Căn cứ Quyết định số: 539/QĐ-UBND ngày 12 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số: 451/TTr-LĐTBXH ngày 20 tháng 4 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2016.

Điều 2. Căn cứ nội dung được phê duyệt tại Điều 1, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan các địa phương thực hiện Kế hoạch điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng, hiệu quả; thanh quyết toán đúng quy định hiện hành của nhà nước; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Kạn, Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC ĐIỀU TRA, RÀ SOÁT NHU CẦU HỌC NGHỀ CỦA LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Kèm theo Quyết định số: 591/QĐ-UBND ngày 28/4/2016 của UBND tỉnh Bắc Kạn)

1. Mục đích, yêu cầu

- Nhằm đáp ứng yêu cầu tính toán một số chỉ tiêu thống kê lao động khu vực nông thôn trong độ tuổi trên địa bàn toàn tỉnh, dự báo nhu cầu đào tạo, lĩnh vực, ngành nghề cho lao động nông thôn làm cơ sở xây dựng, điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động đào tạo nghề lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

- Điều tra, rà soát theo mẫu nhằm mục tiêu giảm bớt chi phí điều tra nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu thông tin; một số địa phương được chọn vào mẫu rà soát để thu thập thông tin; chọn mẫu rà soát số lượng được thực hiện để suy rộng đến cấp huyện; chọn mẫu rà soát kết quả được thực hiện để suy rộng kết quả đến cấp tỉnh.

2. Đối tượng và phạm vi điều tra, rà soát

2.1. Đối tượng điều tra, rà soát

- Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động (nam từ đủ 15 đến dưới 60 tuổi, nữ từ đủ 15 đến dưới 55 tuổi) có khả năng lao động thực tế thường trú tại hộ phân theo 05 nhóm đối tượng nêu trong Quyết định số: 46/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng, bao gồm:

+ Người khuyết tật;

+ Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

+ Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi; người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân;

+ Người thuộc hộ cận nghèo;

+ Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khác.

- Cơ sở sản xuất kinh doanh hiện đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp hoặc có đăng ký kinh doanh tại địa phương đóng trên địa bàn huyện, thành phố không phân biệt cấp quản lý và hình thức sở hữu.

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề (các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề, trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề) hiện đang hoạt động đóng trên địa bàn huyện, thành phố không phân biệt cấp quản lý và hình thức sở hữu.

2.2. Phạm vi điều tra, rà soát

Điều tra, rà soát toàn bộ số lao động thuộc khu vực nông thôn trong độ tuổi ở các địa bàn được lựa chọn mẫu và các cơ sở kinh doanh, giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Phương pháp điều tra, rà soát

3.1. Số lượng mẫu điều tra, rà soát

Dựa vào số liệu điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề trong tổng số kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề của lao động nông thôn từ năm 2010 và số liệu điều tra cung cầu lao động trong năm 2015 chia thành 03 nhóm huyện, thành phố để tiến hành lựa chọn xã, phường, thị trấn để điều tra, rà soát số lượng lao động nông thôn trong độ tuổi trong năm 2016 theo các tỷ lệ chọn:

- Các huyện, thành phố có trên 20 xã, phường, thị trấn: Điều tra 30% số xã/phường;

- Các huyện, thành phố có từ 15 đến dưới 20 xã, phường, thị trấn: Điều tra 25% số xã, phường;

- Các huyện, thành phố có từ 15 đến dưới 20 xã, phường, thị trấn: Điều tra 20% số xã, phường.

3.2. Chọn mẫu điều tra, rà soát được chọn đại diện cho cấp huyện, thành phố

Thực hiện chọn mẫu theo các bước sau:

Bước 1: Xác định số lượng xã, phường mẫu cần điều tra, rà soát cho mỗi huyện, thành phố:

Số lượng các xã, phường cần chọn vào mẫu điều tra, rà soát của mỗi huyện, thành phố được xác định căn cứ vào quy mô về số lượng các xã, phường, thị trấn của mỗi huyện, thành phố và tỷ lệ chọn quy định ở mục, tính được số xã, phường mẫu cần điều tra (n).

Ví dụ 1: Cách tính số lượng xã, phường được chọn mẫu của huyện Na Rì là 22 xã * 30% = 7 xã (làm tròn).

Bước 2: Chọn danh sách các xã, phường, thị trấn vào mẫu điều tra, rà soát cho mỗi huyện, thành phố; công việc gồm:

- Lập danh sách các xã phường, thị trấn trong phạm vi toàn huyện, thành phố kèm theo số lượng hộ gia đình và số lao động trong độ tuổi của từng hộ của xã, phường, thị trấn (lấy số liệu từ điều tra cung cầu lao động 2015);

- Sắp xếp các xã, phường, thị trấn theo danh mục địa giới hành chính hiện hành;

- Từ danh sách trên, tính số lao động nông thôn trong độ tuổi để ghi vào danh sách số người điều tra, rà soát theo từng địa bàn;

- Tính khoảng cách (d) để chọn các xã, phường vào mẫu điều tra, rà soát theo công thức:

Khoảng cách (d)

=

Tổng số nhân khẩu toàn huyện, TP (M)

Số xã, phường toàn huyện, TP (n)

- Tiến hành chọn danh sách các xã, phường, thị trấn vào mẫu điều tra.

Đối với những xã, phường, thị trấn có tổng dân số lớn hơn trị số (d) sẽ là những đơn vị mẫu đương nhiên được chọn, sau đó tiến hành chọn mẫu như sau:

+ Chọn xã, phường đầu tiên vào mẫu điều tra, rà soát: Trước hết xác định nhóm các xã, phường, thị trấn đầu tiên để chọn đơn vị đầu tiên vào mẫu, nhóm này chính là nhóm xã, phường, thị trấn đứng ở đầu bảng danh sách và tổng số dân của chúng bằng hoặc gần bằng ( = ) d.

+ Chọn xã, phường, thị trấn tiếp theo: Căn cứ vào tổng số dân cộng dồn trong bảng đã thiết lập, nếu xã, phường, thị trấn đầu tiên được chọn có số dân cộng dồn là (a) thì các xã, phường, thị trấn tiếp theo sẽ có số dân cộng dồn bằng hoặc gần nhất với a sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp để lựa chọn đủ số xã, phường, thị trấn cần khảo sát điều tra theo tỉ lệ phần trăm xã, phường thị trấn đã được xác định.

Sau khi chọn được mẫu điều tra, rà soát, cơ quan tổ chức điều tra cần rà soát kiểm tra lại, nếu thấy xã, phường, thị trấn nào không đáp ứng được yêu cầu đại diện của mẫu điều tra thì thay bằng xã, phường, thị trấn khác khác có quy mô tương đương và đảm bảo được tính đại diện của mẫu.

3.3. Suy rộng kết quả điều tra, rà soát

Kết quả điều tra, rà soát được suy rộng theo 02 bước:

Bước 1: Suy rộng số lao động nông thôn trong độ tuổi của từng huyện, thành phố theo các lĩnh vực: 1. Nông nghiệp; 2. Công nghiệp; 3. Xây dựng; 4. Thương nghiệp - Dịch vụ; 5. Dịch vụ khác.

Công thức suy rộng tổng quát như sau:

M16j = M15j * kj

M16j; M15j: Số lao động nông thôn trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực, năm 2016; 2015;

Kết quả suy rộng từ các địa bàn xã, phường, thị trấn mẫu theo công thức sẽ làm cơ sở tỉnh của huyện, thành phố.

Bước 2: Suy rộng số lao động nông thôn trong độ tuổi năm 2016 đã tính được ở Bước 1 và cơ cấu theo kết quả điều tra lao động việc làm năm 2015 để tính số số lao động nông thôn năm 2016.

4. Kinh phí thực hiện

- Tổng kinh phí thực hiện: 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng).

- Nguồn kinh phí: Sử dụng nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2016.

5. Thời gian thực hiện

Hoàn thành trước ngày 31 tháng 10 năm 2016.

Trên đây là Kế hoạch điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2016./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 591/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

  • Số hiệu: 591/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/04/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Phạm Duy Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/04/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản