Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 588/1999/QĐ-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 588/1999/QĐ-LĐTBXH NGÀY 12 THÁNG 5 NĂM 1999 VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA THANH TRA DẠY NGHỀ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra ngày 01/4/1990;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 96/CP ngày 07/12/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 33/1998/NĐ-CP ngày 23/5/1998 của Chính phủ về việc thành lập Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Sau khi có ý kiến của Thanh tra Nhà nước tại Công văn số 1524/TTNN ngày 23/12/1998;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ và Đào tạo, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Thanh tra Dạy nghề là đơn vị thuộc Tổng cục Dạy nghề, có trách nhiệm giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề thực hiện chức năng thanh tra Nhà nước và thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực dạy nghề trong phạm vi cả nước; xem xét và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân trong lĩnh vực dạy nghề.

Điều 2: Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Dạy nghề:

1. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và dạy nghề, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được duyệt.

2. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách Nhà nước về dạy nghề, việc tổ chức và hoạt động của cơ sở dạy nghề; việc thực hiện tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật nghề, danh mục nghề đào tạo, mục tiêu, chương trình, nội dung phương pháp đào tạo, quy chế chuyên môn; quy chế thi tuyển, quy chế cấp văn bằng, chứng chỉ; việc quản lý và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp đào tạo nghề... ở các trường, lớp, trung tâm và cơ sở được cấp giấy phép hoạt động dạy nghề và các hoạt động dạy nghề khác trong phạm vi cả nước (sau đây gọi chung là cơ sở dạy nghề).

3. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực dạy nghề của ngành và địa phương.

4. Thanh tra các vụ việc đột xuất do Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề giao; tham gia các Đoàn Thanh tra của Bộ, liên Bộ về vấn đề liên quan đến công tác dạy nghề.

5. Xác minh, kết luận và kiến nghị biện pháp giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về lĩnh vực dạy nghề.

6. Đề xuất với Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề sửa đổi, bổ sung và ban hành chính sách, chế độ và quy định của Nhà nước về dạy nghề.

7. Hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; bồi dưỡng nghiệp vụ cho thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về dạy nghề.

8. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, Thanh tra dạy nghề được mời cán bộ, công chức, giáo viên các đơn vị thuộc Tổng cục Dạy nghề và các đơn vị liên quan theo quy định.

9. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Pháp lệnh Thanh tra ngày 01/4/1990.

Điều 3: Tổ chức của Thanh tra dạy nghề:

1. Thanh tra dạy nghề chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề và chịu sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thanh tra dạy nghề được sử dụng con dấu riêng.

2. Thanh tra dạy nghề có Chánh Thanh tra, Phó Chánh thanh tra dạy nghề và các Thanh tra viên.

a. Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra dạy nghề do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ nhiệm và miễn nhiệm.

b. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thanh tra viên thực hiện theo Quy chế thanh tra viên ban hành kèm theo Nghị định số 191/HĐBT ngày 18/6/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn bản của Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ nhiệm, miễn nhiệm Thanh tra viên lao động.

c. Chánh thanh tra dạy nghề có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra dạy nghề quy định tại Điều 2 của Quyết định này.

d. Phó chánh thanh tra giúp Chánh thanh tra về lĩnh vực công tác được phân công.

e. Thanh tra viên (thuộc biên chế của Thanh tra dạy nghề) được hưởng các chế độ quy định tại "quy chế thanh tra viên" ban hành kèm theo Nghị định 191/HĐBT ngày 18/6/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Khi thực hiện nhiệm vụ, Thanh tra viên và Đoàn thanh tra được thành lập theo Quyết định của cấp có thẩm quyền có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Pháp lệnh Thanh tra.

Thanh tra viên Dạy nghề ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Thanh tra viên của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 4: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 5: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ và Đào tạo, Chánh Thanh tra Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hiệu trưởng các trường dạy nghề, Giám đốc các cơ sở dạy nghề và các cơ sở có hoạt động dạy nghề chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Thị Hằng

(Đã ký)