Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5876/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2014 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG HỆ THỐNG THÔNG TIN ĐÁNH GIÁ VÀ KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU”
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện “Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030”;
Căn cứ Quyết định số 5047/QĐ-BCT ngày 30 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch của ngành Công Thương triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030;
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ tại văn bản số 234/TTg-KTTH ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng hệ thống thông tin đánh giá và kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu”;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu và Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án "Xây dựng hệ thống thông tin đánh giá và kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu" với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Hỗ trợ công tác đánh giá, kiểm soát, dự báo hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu và các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thương mại của Bộ Công Thương nói riêng và Chính phủ nói chung.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tổ chức được hệ thống thông tin nhằm phục vụ đánh giá, kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu, cung cấp thông tin đánh giá và dự báo cho các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.
- Xây dựng cơ chế, quy chế hoạt động, quy chế báo cáo, tham mưu, đề xuất giải pháp điều hành, phục vụ quản lý Nhà nước của hệ thống đối với các cơ quan quản lý.
- Cung cấp nội dung thông tin có chất lượng về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và điều hành thực hiện; cho các doanh nghiệp và Hiệp hội nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Nội dung thông tin của hệ thống
- Xác định phạm vi, nội hàm các phạm trù, các tiêu chí để đánh giá, kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu các tiêu chí thông tin cần báo cáo, chế độ báo cáo thông tin (tần suất, nội dung phù hợp với từng mặt hàng, thị trường cụ thể đáp ứng yêu cầu thông tin trong từng giai đoạn cụ thể...).
- Đánh giá tổng quát (lượng, kim ngạch, thị trường, giá...).
- Đánh giá theo mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu cụ thể.
- Đánh giá theo thị trường xuất khẩu, nhập khẩu cụ thể.
- Các thông tin cần thiết phục vụ cho công tác dự báo, nhận định xu hướng (cung - cầu tỷ giá, tín dụng cho xuất khẩu, nhập khẩu, chính sách thương mại quốc tế có liên quan...).
- Thông tin đánh giá hiệu quả đối với các mặt hàng xuất nhập khẩu.
4. Hệ thống và cơ chế phối hợp thu thập thông tin
a) Hình thành đầu mối thông tin trong toàn hệ thống, gồm các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng, Hiệp hội, doanh nghiệp đầu mối phân phối lớn... tại các Bộ, ngành, địa phương phù hợp với yêu cầu của hệ thống thông tin.
b) Xác định cơ quan tổng hợp, phân tích thông tin, đánh giá hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
c) Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu làm căn cứ để phân tích, đánh giá bao gồm:
- Thu thập thông tin đầu vào của hệ thống, bao gồm thiết kế nhóm các chỉ tiêu, tổ chức điều tra, thu thập và cập nhật vào cơ sở dữ liệu;
- Thực hiện nhiệm vụ phân tích và dự báo: nghiên cứu và lựa chọn hệ phương pháp luận, phương pháp, xây dựng mô hình thực hiện nhiệm vụ;
- Cung cấp và báo cáo kết quả đến các đối tượng sử dụng, đặc biệt các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý Nhà nước.
d) Duy trì và nâng cao chất lượng khai thác các hệ thống thông tin sẵn có và đang hoạt động hiệu quả: hệ thống thông tin của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), hệ thống thông tin của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thông tin từ Thường vụ Việt Nam tại nước ngoài và một số nguồn thông tin khác.
đ) Triển khai xây dựng và tổ chức hệ thống thông tin tín dụng của ngành ngân hàng; tổ chức đầu mối thông tin tại các địa phương, cửa khẩu biên giới đất liền phục vụ cho mục tiêu kiểm soát, đánh giá hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
5. Xây dựng cơ chế, quy chế hoạt động và báo cáo thông tin của toàn hệ thống
a) Cơ chế, quy chế phối hợp chung:
Xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định về:
- Quy chế chung để vận hành toàn hệ thống.
- Quy chế về công tác thông tin đánh giá, kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu để đảm bảo cho công tác thông tin và dự báo được thực hiện một cách thuận lợi.
- Quy chế phối hợp và phân công nhiệm vụ giữa các đơn vị trong hệ thống, nội dung thông tin mà các đầu mối trong hệ thống phải cung cấp. Trong đó, xác định rõ cơ quan điều phối các hoạt động của cả hệ thống và chế tài xử lý đối với các chủ thể tham gia trong hệ thống, bảo đảm có đủ thẩm quyền để chỉ đạo các hoạt động và có các chế tài đủ mạnh để xử lý các đơn vị không hoàn thành chức năng và nhiệm vụ của mình trong hệ thống.
- Tiến độ, tần suất báo cáo, định kỳ báo cáo.
b) Cơ chế, quy chế hoạt động trong khâu kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu (thu thập, cập nhật thông tin):
- Đối với các hệ thống sẵn có đang hoạt động: cơ chế tài chính, phương thức và tần suất cung cấp thông tin, đầu mối báo cáo, khả năng tương thích với phần mềm và công cụ của toàn hệ thống.
- Đối với các đầu mối cần phải xây dựng mới hoặc nâng cấp: đầu tư trang thiết bị, phần mềm, tổ chức và cơ chế tài chính, cơ chế báo cáo thông tin.
c) Cơ chế, quy chế hoạt động trong khâu đánh giá hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu (tổng hợp, phân tích đánh giá tình hình):
- Xây dựng quy trình phân tích, đánh giá thông tin căn cứ theo các tiêu chí đã được xác định và phù hợp với yêu cầu thông tin của các cơ quan quản lý trong từng giai đoạn cụ thể.
- Xây dựng quy chế báo cáo, tham mưu, đề xuất phục vụ quản lý Nhà nước.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thuộc các Bộ, ngành đang thực hiện nhiệm vụ phân tích thông tin, đánh giá, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu.
d) Cơ chế chính sách, quy phạm phục vụ xây dựng và vận hành hệ thống:
- Quy định chức năng, nhiệm vụ cung cấp thông tin của các Bộ, Ban, Ngành trong hệ thống.
- Quy định nội dung thông tin cung cấp.
- Quyền sử dụng và chia sẻ thông tin trong các cơ quan thuộc hệ thống.
- Các quy định về bộ máy, tổ chức chuyên môn hoặc kiêm nhiệm trong hệ thống thông tin xuất nhập khẩu.
- Các hướng dẫn về quy trình quy phạm thiết kế thông tin và xử lý thông tin.
- Các quy định về chuẩn hóa dữ liệu, cung cấp dữ liệu, đồng bộ dữ liệu.
- Quy trình vận hành các hệ thống kỹ thuật: mạng, máy chủ, cơ sở dữ liệu.
- Quy trình bảo mật, an toàn, an ninh thông tin.
- Quy trình bảo trì, bảo dưỡng kỹ thuật hệ thống: mạng, cơ sở dữ liệu, hệ thống chiếu sáng, làm mát, phòng chống cháy nổ...
- Các định mức về thu thập, xử lý, biên soạn, chuyên đề, báo cáo, tổng hợp thông tin.
- Các quy định chính sách về phụ cấp cho những người tham gia hệ thống thông tin xuất nhập khẩu.
- Các quy định về lập kế hoạch tài chính cho việc xây dựng và tham gia hệ thống thông tin xuất nhập khẩu theo năm kế hoạch, trung hạn, dài hạn.
Điều 2. Giải pháp thực hiện Đề án
1. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để xây dựng được hệ thống thông tin đánh giá và kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Đầu tư và bảo đảm kinh phí cho hệ thống thông tin đánh giá, kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu:
- Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn đầu xây dựng, vận hành và tiếp tục được duy trì trong giai đoạn tiếp theo từ các nguồn tài trợ, viện trợ khác. Các đơn vị đầu mối tại các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và các địa phương lập dự toán kinh phí cho các dự án đầu tư xây dựng và triển khai các dự án thành phần, nhằm xây dựng hệ thống thông tin đánh giá, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu trong lĩnh vực do mình phụ trách.
- Kinh phí đầu tư ban đầu cho hệ thống thông tin đánh giá, kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là kinh phí cho việc xây dựng và tổ chức hệ thống thông tin tại đơn vị chủ trì của Hệ thống được bố trí bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.
3. Đào tạo cán bộ làm công tác thông tin đánh giá, kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu:
- Đào tạo đội ngũ cán bộ thu thập, điều tra, khảo sát, cập nhật thông tin dữ liệu vào hệ thống: chú trọng chuyên môn và kỹ năng về thống kê, tổ chức điều tra, nhập và xử lý số liệu.
Đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tổng hợp, phân tích và dự báo xuất khẩu, nhập khẩu ở đơn vị chủ trì và các đơn vị đầu mối trong hệ thống: chú trọng phương pháp luận về dự báo; các phương pháp định tính và định lượng, các mô hình dự báo.
- Đào tạo đội ngũ thiết kế đặc tả thông tin, cơ sở dữ liệu, lập trình các phần mềm ứng dụng trung gian, quản trị, vận hành hệ thống máy chủ, máy trạm, các hệ quản trị cơ sở dữ liệu, các ứng dụng khác được xây dựng trong hệ thống.
Điều 3. Tổ chức thực hiện Đề án
1. Bộ Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ định đơn vị chủ trì của hệ thống theo yêu cầu của Đề án; thiết lập mạng lưới và kết nối với các đơn vị đầu mối tại các Bộ, ngành, địa phương; thí điểm xây dựng hệ thống thông tin đánh giá và kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi và chức năng của Bộ và tổ chức tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Đề án cho các đơn vị phối hợp và các địa phương.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn để triển khai và tổ chức thực hiện Đề án.
c) Giao Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các Tập đoàn. Tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Công Thương trong phạm vi Đề án.
2. Các Bộ, Ngành, địa phương
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn để triển khai và tổ chức thực hiện Đề án; xây dựng các dự án cụ thể trong phạm vi phụ trách và chủ động tìm kiếm, huy động các nguồn vốn khác nhau để triển
khai các dự án thành phần.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 5. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG
|
- 1Thông tư liên tịch 129/2004/TTLT/BTC-BKHCN hướng dẫn các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu công nghiệp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 2Chỉ thị 77/2007/CT-BNN về việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản thuỷ sản sau thu hoạch và kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong các lô hàng thủy sản xuất nhập khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Công văn 234/TTg-KTTH năm 2014 phê duyệt Đề án "Xây dựng hệ thống thông tin đánh giá và kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 7915/BKHĐT-TTTH năm 2015 triển khai Hệ thống thông tin phục vụ công tác giám sát và đánh giá đầu tư các dự án đầu tư công do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 5Quyết định 940/QĐ-BCT năm 2023 phê duyệt nhiệm vụ "Cung cấp thông tin tần suất cao, đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu, các thị trường, mặt hàng chính và tiềm năng" giai đoạn 2024-2026 do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 1Thông tư liên tịch 129/2004/TTLT/BTC-BKHCN hướng dẫn các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu công nghiệp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 2Quyết định 950/QĐ-TTg năm 2007 về đầu tư xây dựng trạm y tế xã thuộc vùng khó khăn giai đoạn 2008 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 77/2007/CT-BNN về việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản thuỷ sản sau thu hoạch và kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong các lô hàng thủy sản xuất nhập khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Quyết định 2471/QĐ-TTg năm 2011 Phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 5047/QĐ-BCT năm 2012 về Kế hoạch của Ngành Công thương triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 6Nghị định 95/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
- 7Công văn 234/TTg-KTTH năm 2014 phê duyệt Đề án "Xây dựng hệ thống thông tin đánh giá và kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Công văn 7915/BKHĐT-TTTH năm 2015 triển khai Hệ thống thông tin phục vụ công tác giám sát và đánh giá đầu tư các dự án đầu tư công do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 9Quyết định 940/QĐ-BCT năm 2023 phê duyệt nhiệm vụ "Cung cấp thông tin tần suất cao, đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu, các thị trường, mặt hàng chính và tiềm năng" giai đoạn 2024-2026 do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
Quyết định 5876/QĐ-BCT năm 2014 phê duyệt Đề án "Xây dựng hệ thống thông tin đánh giá và kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu" do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- Số hiệu: 5876/QĐ-BCT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/06/2014
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Vũ Huy Hoàng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra