Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 581a-TC/QĐ/TCNH | Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ CÁC QUY ĐỊNH CHUNG CỦA HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Bộ luật dân sự công bố theo Lệnh số 44L/CTN ngày 9-1-1995 của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ NGhị định 178/CP ngày 28-10-1994 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 100/CP ngày 18-12-1993 của Chính phủ quy định về kinh doanh bảo hiểm;
Căn cứ vào tình hình thực tế kinh doanh bảo hiểm và nhằm bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các Ngân hàng và tổ chức tài chính.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời về các quy định chung của hợp đồng bảo hiểm.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Vụ trưởng Vụ tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Chánh Văn phòng Bộ, Giám đốc các doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Sinh Hùng (Đã ký) |
QUY CHẾ TẠM THỜI
VỀ CÁC QUY ĐỊNH CHUNG CỦA HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 581a/TC/QĐ/TCNH ngày 1 tháng 7 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Những quy định trong Quy chế này áp dụng chung cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm; trừ hợp đồng bảo hiểm hàng hải quy định trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 12-7-1990.
Hợp đồng bảo hiểm là một thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm (sau đây gọi là người được bảo hiểm) với bên bảo hiểm (sau đây gọi là doanh nghiệp bảo hiểm) theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro trên cơ sở thu phí bảo hiểm của người được bảo hiểm để nhận trách nhiệm bồi thường hay trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bất ngờ thuộc trách nhiệm bảo hiểm (dưới đây gọi là sự kiện bảo hiểm).
Doanh nghiệp bảo hiểm là người duy nhất chịu trách nhiệm đối với người được bảo hiểm kể cả trường hợp đã tái bảo hiểm những rủi ro nhận bảo hiểm đó.
II. CÁC QUY ĐỊNH ÁP DỤNG CHO TẤT CẢ CÁC LOẠI HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
1. Hình thức hợp đồng bảo hiểm:
- Hợp đồng bảo hiểm phải được lập bằng văn bản. Chỉ khi hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết, giấy chứng nhận hay đơn bảo hiểm được cấp và có hiệu lực hoặc khi có văn bản chấp nhận bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở thu phí bảo hiểm thì cam kết trách nhiệm bảo hiểm mới có giá trị.
- Đề nghị bằng văn bản của người được bảo hiểm xin gia hạn, tái tục, sửa đổi hay xin tiếp tục hợp đồng bị đình chỉ coi như đã được chấp nhận, nếu không bị từ chối trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày doanh nghiệp bảo hiểm nhận được đề nghị đó, trừ khi hợp đồng bảo hiểm có những thoả thuận khác.
- Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm kết hợp với các loại hình dịch vụ khác như vận tải hành khách, du lịch... để tiến hành bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm và người có thẩm quyền tiến hành các dịch vụ kết hợp bảo hiểm vẫn phải ký kết hợp đồng bảo hiểm nguyên tắc với đủ nội dung quy định. Trong trường hợp này tờ vé (theo giá có phí bảo hiểm) đã dược bán cho người sử dụng dịch vụ sẽ được coi là bằng chứng ký kết hợp đồng bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm.
2. Đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm: là bằng chứng ký kết hợp đồng bảo hiểm và phải được làm bằng văn bản rõ ràng, do doanh nghiệp bảo hiểm cấp theo yêu cầu của người được bảo hiểm.
3. Nội dung đơn bảo hiểm
- Đơn bảo hiểm phải đề ngày, tháng, năm lúc được cấp và phải ghi đủ những nội dung chính sau:
- Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, người được bảo hiểm và người được hưởng quyền lợi bảo hiểm.
- Những rủi ro được bảo hiểm.
- Điều kiện bảo hiểm.
- Số tiền bảo hiểm.
- Phí bảo hiểm và cách thức nộp phí.
- Ngày bắt đầu bảo hiểm và thời hạn bảo hiểm.
- Nơi và cách thức bồi thường hay trả tiền bảo hiểm.
- Những loại trừ, nếu có phải được ghi rõ ràng.
4. Các loại đơn bảo hiểm
- Đơn bảo hiểm có thể ghi tên một hoặc nhiều người được bảo hiểm và ghi riêng tên người sở hữu đơn bảo hiểm, nếu thấy thích hợp.
- Đơn bảo hiểm có thể được chuyển nhượng hoặc chuyển giao theo các điều khoản hoặc điều kiện quy định trong đơn.
- Tuỳ theo điều khoản, điều kiện và loại trừ bảo hiểm quy định trong đơn bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm những tổn thất cho đối tượng được bảo hiểm do người khác gây ra, bất kỳ tính chất và mức độ lỗi của người đó.
5. Nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm:
- Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời hạn bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm đã ghi trong hợp đồng theo đúng các điều khoản và điều kiện của hợp đồng.
- Thời hạn quy định bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm tối đa không quá 90 (chín mươi) ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ khiếu nại. Trường hợp hồ sơ đầy đủ xác định được rõ ràng trách nhiệm bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể ứng trước hay bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm sớm hơn thời hạn quy định ở trên để giúp người được bảo hiểm nhanh chóng khắc phục hậu quả do sự kiện bảo hiểm gây ra.
- Doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả quá số tiền bảo hiểm trừ khi có thoả thuận khác.
6. Nghĩa vụ của người được bảo hiểm.
- Người được bảo hiểm có trách nhiệm:
- Kê khai đúng, đủ, trung thực mọi chi tiết theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm có thể ký kết hợp đồng bảo hiểm cho các rủi ro mà họ nhận trách nhiệm.
- Trả phí bảo hiểm đầy đủ và đúng kỳ hạn đã thoả thuận trong hợp đồng.
- Kê khai những trường hợp đặc biệt có thể làm tăng thêm rủi ro, phải định lại tỷ lệ phí bảo hiểm, hoặc làm cho doanh nghiệp bảo hiểm từ chối cấp đơn bảo hiểm.
- Báo cho doanh nghiệp bảo hiểm ngay khi biết tin và chậm nhất là 5 (năm) ngày sau khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, trừ khi có lý do chính đáng ngăn cản người được bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ này. Riêng đối với bảo hiểm trộm cắp, thời hạn báo tin là 24 giờ trừ ngày lễ và chủ nhật.
- Người được bảo hiểm có trách nhiệm ngăn ngừa đề phòng hạn chế tổn thất thận trọng như là không được bảo hiểm.
7. Thời hiệu khởi kiện
- Thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật hiện hành và được tính từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm.
a. Trường hợp người được bảo hiểm không thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm biết về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm, báo sai hoặc bỏ qua thông báo về những tình tiết quan trọng của sự kiện đó, thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày lẽ ra doanh nghiệp bảo hiểm được biết về sự kiện đó.
b. Nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra mà người được bảo hiểm chứng minh được trước đó họ không biết tin thì thời hiệu khởi kiện tính từ ngày người được bảo hiểm biết được sự việc đó.
- Trường hợp người thứ ba khiếu nại người được bảo hiểm về những thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện tính từ ngày người thứ ba khiếu nại hoặc ngày được coi là thời điểm hợp lý để người thứ ba khiếu nại người được bảo hiểm.
8. Giải quyết tranh chấp
Các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm có thể được giải quyết bằng thương lượng hoặc thoả thuận giữa các bên liên quan. Trường hợp các bên không thể hoặc không chấp nhận thương lượng hay thoả thuận, tranh chấp đó sẽ được giải quyết tại Toà án Dân sự, Toà án Kinh tế hoặc trọng tài do hai bên thoả thuận.
III. CÁC QUY ĐỊNH ÁP DỤNG ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TÀI SẢN VÀ TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ
Ngoài các quy định tại mục II nói trên, hợp đồng bảo hiểm tài sản và trách nhiệm cần phải đáp ứng thêm các điều kiện sau:
1. Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự
- Trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chỉ khi nào người thứ ba đòi người được bảo hiểm bồi thường mới phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.
- Việc giải quyết bồi thường của doanh nghiệp không có nghĩa doanh nghiệp bảo hiểm đã thừa nhận trách nhiệm bảo hiểm đối với người được bảo hiểm.
- Trong phạm vi số tiền bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường hoặc trả cho người được bảo hiểm các chi phí pháp lý liên quan tới việc kiện bên có trách nhiệm trong vụ tổn thất.
2. Hợp đồng bảo hiểm tài sản
Hợp đồng bảo hiểm tài sản là một hợp đồng bồi thường, số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm không vượt quá giá trị tài sản được bảo hiểm tại thời điểm và tại nơi xảy ra tai nạn.
3. Bảo hiểm trên giá trị
- Trường hợp bảo hiểm trên giá trị do người được bảo hiểm lừa dối hoặc cố ý khai sai khi ký hợp đồng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền huỷ bỏ hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp bảo hiểm trên giá trị không có sự gian lận thì giới hạn trách nhiệm là giá trị thực tế của đối tượng được bảo hiểm và người được bảo hiểm không có quyền đòi phí bảo hiểm đã nộp của phần vượt quá giá trị.
4. Bảo hiểm dưới giá trị
Trường hợp bảo hiểm dưới giá trị, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm đối với các tổn thất theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị bảo hiểm.
5. Bảo hiểm trùng
Trường hợp bảo hiểm trùng cho cùng một đối tượng được bảo hiểm, người được bảo hiểm phải báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm biết tên những doanh nghiệp bảo hiểm khác và số tiền bảo hiểm của từng hợp đồng đó, trừ khi hợp đồng bảo hiểm có quy định khác.
Trường hợp bảo hiểm trùng, trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp sẽ căn cứ theo tỷ lệ tương ứng với số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp đã nhận bảo hiểm và tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi giá trị thực tế của đối tượng được bảo hiểm.
6. Tổn thất do bản chất vốn có
Doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm đối với đối tượng được bảo hiểm bị mất mát, hư hỏng do bản chất vốn có hay do hao mòn tự nhiên gây ra, trừ khi hợp đồng bảo hiểm có những quy định khác.
7. Tổn thất do rủi ro không được bảo hiểm gây ra
Trường hợp đối tượng được bảo hiểm bị tổn thất toàn bộ do một biến cố không ghi trong hợp đồng gây ra thì hợp đồng bảo hiểm đương nhiên kết thúc kể từ ngày xảy ra tổn thất toàn bộ, và khi nhận được thông báo của người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại số phí bảo hiểm đã thu cho thời gian còn lại.
8. Chuyển quyền khiếu nại
- Sau khi bồi thường cho người được bảo hiểm những tổn thất do người thứ ba gây ra, trong phạm vi số tiền đã bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khiếu nại người thứ ba. Quyền thế nhiệm cho doanh nghiệp bảo hiểm nói ở đây phải được làm bằng văn bản do người được bảo hiểm ký tên.
- Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường một phần hoặc toàn bộ những tổn thất do người thứ ba gây ra, nếu người được bảo hiểm làm giảm quyền lợi, hay không bảo lưu quyền khiếu nại cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định ở trên.
- Doanh nghiệp bảo hiểm không được quyền thế nhiệm để khiếu nại con, cháu, cha mẹ, vợ chồng, hay những người làm thuê của người được bảo hiểm, trừ khi do lỗi cố ý của người đó gây ra.
9. Số tiền bồi thường và xác định tổn thất
- Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá trị của đối tượng được bảo hiểm và mức độ tổn thất vào thời điểm và tại nơi xảy ra tổn thất trừ khi có quy định khác trong hợp đồng bảo hiểm.
- Chi phí cần thiết để xác định tổn thất nêu ở trên do doanh nghiệp bảo hiểm chịu, nếu tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm.
10. Đề phòng và hạn chế tổn thất
- Trường hợp xảy ra sự cố liên quan trực tiếp đến đối tượng được bảo hiểm, người được bảo hiểm có nghĩa vụ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để giảm thiểu tổn thất.
- Ngoài số tiền bồi thường tổn thất, doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết và hợp lý do đã thực hiện nghĩa vụ của họ và những chi phí phát sinh do thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
11. Từ bỏ đối tượng được bảo hiểm
- Người được bảo hiểm không được từ bỏ đối tượng được bảo hiểm, trừ khi trong hợp đồng bảo hiểm có quy định khác.
- Sau khi bồi thường tổn thất toàn bộ, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thu hồi phần tài sản còn lại, nếu người được bảo hiểm từ bỏ đối tượng được bảo hiểm, để bù đắp số tiền đã bồi thường cho người được bảo hiểm.
12. Không tồn tại rủi ro
Hợp đồng bảo hiểm sẽ không có hiệu lực nếu sau khi ký kết hợp đồng bảo hiểm mà đối tượng bảo hiểm không tồn tại hoặc không thể bị rủi ro nữa. Doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại phí bảo hiểm tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm cho người được bảo hiểm.
IV. CÁC QUY ĐỊNH ÁP DỤNG CHO BẢO HIỂM CON NGƯỜI
Bảo hiểm con người trong Quy chế này được hiểu là các loại hình bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm y tế tự nguyện và các loại bảo hiểm khác liên quan đến tính mạng sức khoẻ và thời hạn sống của con người. Ngoài các quy định tại Mục II, hợp đồng bảo hiểm con người còn phải đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Số tiền bảo hiểm
Trong bảo hiểm con người, số tiền bảo hiểm được xác định trước và được ghi trong đơn bảo hiểm.
2. Không được thế quyền
Sau khi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm hoặc người dược thừa hưởng theo sự chỉ định của người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm không được thế quyền họ để khiếu nại người thứ ba gây ra tai nạn cho người được bảo hiểm.
3. Ký hợp đồng trên cơ sở người thứ ba bị chết
Trường hợp ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho trường hợp chết của người được bảo hiểm không phải là người sở hữu đơn bảo hiểm thì phải được người đó đồng ý bằng văn bản có ghi rõ số tiền bảo hiểm, nếu không hợp đồng bảo hiểm không có giá trị cho dù đã nộp phí bảo hiểm.
4. Cấm ký kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho trường hợp chết của trẻ em dưới 16 tuổi, trừ trường hợp cha, mẹ hoặc người bảo trợ hợp pháp (nếu không có cha mẹ) đồng ý bằng văn bản.
5. Không kiện vì không nộp phí
Riêng bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm không có quyền khiếu nại hoặc kiện người được bảo hiểm để đòi nộp phí bảo hiểm. Nếu hợp đồng đã có hiệu lực dưới 2 (hai) năm, hợp đồng bảo hiểm bị huỷ bỏ. Nếu hợp đồng đã có hiệu lực 2 năm thì các bên có quyền thoả thuận mức độ giảm trừ quyền lợi bảo hiểm, nếu người được bảo hiểm không nộp phí bảo hiểm.
V. KHOẢN THI HÀNH
Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày 1-7-1996.
Các doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm xem xét và sửa đổi lại tất cả các quy tắc, khoản bảo hiểm cho phù hợp với Quy chế này. Trường hợp áp dụng quy tắc, điều khoản nước ngoài, nội dung các quy tắc điều khoản đó cũng phải phù hợp với Quy chế này.
Đối với các hợp đồng bảo hiểm đã ký trước ngày Quy chế này có hiệu lực, vẫn có giá trị pháp lý ràng buộc giữa người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mức, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét sửa đổi, bổ sung.
- 1Nghị định 125/2005/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa
- 2Thông tư 71/2001/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 42/2001/NĐ-CP thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 79/2002/QĐ-BTC công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành hết hiệu lực pháp luật, bị bãi bỏ hoặc có văn bản thay thế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Thông tư 71/2001/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 42/2001/NĐ-CP thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 79/2002/QĐ-BTC công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành hết hiệu lực pháp luật, bị bãi bỏ hoặc có văn bản thay thế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Nghị định 125/2005/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa
- 2Luật Hàng hải 1990
- 3Nghị định 100-CP năm 1993 về kinh doanh bảo hiểm
- 4Nghị định 178-CP năm 1994 về nhiệm vụ,quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính
- 5Bộ luật Dân sự 1995
Quyết định 581A-TC/QĐ/TCNH năm 1996 về Quy chế tạm thời về các quy định chung của hợp đồng bảo hiểm do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 581a-TC/QĐ/TCNH
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 01/07/1996
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra