Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 574/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 03 tháng 7 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ CỤ THỂ CỦA ĐỀ ÁN SẮP XẾP, ỔN ĐỊNH DÂN CƯ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG - AN NINH HUYỆN MƯỜNG NHÉ, TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19/6/2009;

Căn cứ Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 12/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015;

Căn cứ Thông tư 08/2009/TT-BNN ngày 26/2/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và Thủy sản theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 31/2010/QĐ-UBND ngày 28/12/2010 của UBND tỉnh Điện Biên về ban hành hạn mức giao đất ở tại đô thị và nông thôn; hạn mức công nhận đất ở trong trường hợp thửa đất có vườn, ao, hạn mức giao đất trống đồi núi trọc, đất có nặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng và quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa, đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Điện Biên;

Xét đề nghị của liên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính - Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình liên ngành số 595/TTrLN-NN-TC-TNMT ngày 12/6/2012,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định mức hỗ trợ cụ thể của Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh; Đoàn trưởng Đoàn kinh tế quốc phòng 379; Trưởng Ban Dân tộc; Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thành Đô

 

QUY ĐỊNH

MỨC HỖ TRỢ CỤ THỂ CỦA ĐỀ ÁN SẮP XẾP, ỔN ĐỊNH DÂN CƯ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG - AN NINH HUYỆN MƯỜNG NHÉ, TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 574/QĐ-UBND ngày 03/7/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này nhằm cụ thể hóa chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất đai, tài sản, cây cối hoa màu gắn liền với đất khi nhà nước thu hồi đất; chính sách giao đất ở, đất sản xuất và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất đang áp dụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên để thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé đến năm 2015 (sau đây gọi tắt là Đề án 79); cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ lương thực, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng và các hỗ trợ khác quy định tại Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 12/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

- Các hộ gia đình, cá nhân có tên trong danh sách điều tra của Đề án 79 tính đến ngày 30 tháng 4 năm 2011; cụ thể là 10.876 hộ với 62.020 nhân khẩu trên địa bàn 16 xã, huyện Mường Nhé.

- Các cán bộ xã và cán bộ y tế thôn bản tại các xã trong vùng Đề án 79; các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ tổ chức, thực hiện nội dung của Đề án 79.

Điều 3. Thời điểm áp dụng

Các chính sách trong quy định này được áp dụng kể từ khi Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 12/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hộ sở tại: Là hộ cư trú hợp pháp, có hộ khẩu thường trú trước 30/4/2011, đang sinh sống ổn định trên địa bàn các xã thuộc huyện Mường Nhé, được UBND xã nơi cư trú xác nhận.

2. Hộ di cư: Là hộ di cư từ nơi khác đến đã đăng ký hộ khẩu tạm trú hoặc hộ đã được rà soát và tổng hợp trong Đề án 79 (sau đây gọi tắt là hộ hợp pháp).

3. Hộ ổn định tại chỗ: bao gồm cả hộ sở tại và hộ di cư không phải bố trí, sắp xếp lại hoặc được bố trí, sắp xếp tại chỗ.

4. Hộ định cư tập trung: Là hộ có tên trong danh sách của Đề án 79, có nguyện vọng di chuyển đến điểm định cư tập trung theo phương án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Hộ định cư xen ghép: Là hộ có tên trong danh sách của Đề án 79, có nguyện vọng di chuyển đến xen ghép với điểm dân sở tại đã có trước.

Chương II

BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ

Mục 1. BỒI THƯỜNG VỀ ĐẤT

Điều 5. Đối tượng bồi thường, nguyên tắc bồi thường

1. Đối tượng bồi thường:

Hộ sở tại cư trú hợp pháp, có hộ khẩu thường trú trước ngày 30/4/2011 bị thu hồi đất để quy hoạch bố trí sắp xếp lại dân cư thuộc Đề án 79.

2. Nguyên tắc bồi thường:

Bảo đảm hài hoà lợi ích giữa hộ dân sở tại với hộ di cư được bố trí sắp xếp định cư. Việc bồi thường, hỗ trợ và giao đất được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đảm bảo hiệu quả của Đề án 79.

a) Đối với hộ sở tại:

- Người sử dụng đất ổn định, không tranh chấp khi nhà nước thu hồi để thực hiện Đề án được bồi thường thiệt hại bằng đất hoặc bằng tiền theo quy định hiện hành;

- Người sử dụng đất sản xuất mới khai hoang phục hoá (không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 7 Quy định này) chưa đăng ký với nhà nước (Ủy ban nhân dân xã nơi có đất) không được bồi thường thiệt hại về đất, nhưng được hỗ trợ chi phí đầu tư khai hoang phục hoá đất, mức hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ khai hoang mới đất sản xuất nông nghiệp;

- Người sử dụng đất khai hoang bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc các chương trình, dự án thì không được bồi thường về đất; chỉ được hỗ trợ một phần chi phí khai hoang; mức hỗ trợ bằng 30% mức hỗ trợ khai hoang mới đất sản xuất nông nghiệp.

b) Đối với hộ di cư từ nơi khác đến trước ngày 30/4/2011 thuộc Đề án 79 được bố trí định cư tập trung, định cư xen ghép không được bồi thường thiệt hại về đất tại nơi đang ở (bao gồm cả đất ở, đất sản xuất).

c) Trường hợp hộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất; hộ nhận chuyển nhượng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật đất đai từ các hộ sở tại; nếu nhà nước thu hồi đất, được bố trí đến nơi định cư mới theo phương án quy hoạch thì được bồi thường bằng đất hoặc bồi thường bằng tiền theo quy định hiện hành.

Điều 6. Điều kiện để được bồi thường, hình thức bồi thường

1. Trường hợp được bồi thường

a) Các hộ thuộc Đề án 79 (trừ trường hợp quy định tại Điều 7 và điểm b, khoản 2, Điều 5) có đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; được Ủy ban nhân dân xã xác nhận đang sử dụng đất ổn định, không tranh chấp khi nhà nước thu hồi đất được bồi thường, hỗ trợ về đất.

b) Các hộ thuê đất, mượn đất của người khác để canh tác, khi Nhà nước thu hồi đất nếu đất đó đủ điều kiện bồi thường thì việc bồi thường về đất sẽ được trả cho người có đất; việc bồi thường về tài sản, cây cối hoa màu trên đất được trả cho người đang thuê đất đó. Nếu đất không đủ điều kiện bồi thường thì việc bồi thường tài sản, cây cối hoa màu trên đất cho người đang thuê đất đó.

2. Hình thức bồi thường

Nhà nước thu hồi đất của người đang sử dụng vào mục đích nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá đất tại thời điểm quyết định thu hồi đất; trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng tại điểm định cư, nếu có chênh lệch về giá trị thì phần chênh lệch đó được thanh toán bằng tiền theo quy định sau:

- Trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ về đất lớn hơn tiền sử dụng đất được giao tại điểm định cư thì người định cư được nhận phần chênh lệch;

- Trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn tiền sử dụng đất được giao tại điểm định cư thì người định cư không phải nộp phần chênh lệch;

- Giá trị chênh lệch được thanh toán bằng tiền thông qua phương án đối trừ đất được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.

Điều 7. Trường hợp không được bồi thường

1. Người sử dụng đất không đủ điều kiện bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này.

2. Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng.

3. Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã.

4. Hộ gia đình, cá nhân không được bồi thường diện tích đất đang sử dụng trong trường hợp có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

b) Vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (chặt phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy...) đã được cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn.

c) Lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng đã, đang xây dựng.

d) Lấn, chiếm đất sử dụng cho mục đích công cộng, đất chuyên dùng, đất của tổ chức, đất chưa sử dụng và các trường hợp vi phạm khác đã có văn bản ngăn chặn nhưng người sử dụng đất vẫn cố tình vi phạm.

Điều 8. Diện tích, loại đất, giá đất tính bồi thường

1. Diện tích, loại đất tính bồi thường:

a) Trường hợp người bị thu hồi đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai mà trong giấy tờ đó ghi rõ diện tích từng loại đất thì diện tích bồi thường được xác định theo diện tích ghi trên giấy tờ đó.

b) Trường hợp người bị thu hồi đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai mà trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích từng loại đất thì diện tích bồi thường được xác định theo diện tích thực tế bị thu hồi nhưng không vượt quá hạn mức giao đất của Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Trường hợp người có đất bị thu hồi có đủ điều kiện để được bồi thường thiệt hại về đất nhưng không có các loại giấy tờ về đất theo quy định thì diện tích đất tính bồi thường thiệt hại là diện tích thực tế bị thu hồi nhưng không vượt quá hạn mức giao đất của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Giá đất tính bồi thường

Là giá đất theo mục đích đang sử dụng của loại đất bị thu hồi, trong bảng giá đất được Ủy ban nhân dân tỉnh quy định và công bố vào ngày 01 tháng 01 hàng năm theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thửa đất bị thu hồi không có trong bảng giá đất của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định thì đơn giá bồi thường do Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư xác định theo quy định tại Nghị định 123/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 của Chính phủ; Thông tư hướng dẫn số 145/2007/TT-BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính và Điều 4, 5 Quyết định 01/2010/QĐ-UBND ngày 18/01/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên.

Mục 2. BỒI THƯỜNG VỀ TÀI SẢN

Điều 9. Bồi thường thiệt hại về nhà ở, công trình phụ và vật kiến trúc kèm theo nhà ở

1. Hộ sở tại bị nhà nước thu hồi đất để thực hiện Đề án 79, đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Quy định này, phải di chuyển theo phương án quy hoạch thì được bồi thường thiệt hại bằng tiền về nhà ở, công trình phụ, vật kiến trúc kèm theo nhà ở theo quy định hiện hành của UBND tỉnh.

2. Hộ di cư thuộc Đề án 79; hộ phát sinh quy định tại Điều 18 Quy định này; có nhà ở, công trình phụ, vật kiến trúc kèm theo nhà ở xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường (theo quy định tại Điều 7 Quy định này) khi di chuyển chỗ ở đến nơi ở mới để định cư tập trung, định cư xen ghép không được bồi thường nhà ở, công trình phụ, vật kiến trúc kèm theo nhà ở tại nơi trước khi di dời theo Đề án 79.

3. Xử lý các trường hợp đặc thù về bồi thường nhà ở, công trình phụ và vật kiến trúc kèm theo nhà ở đối với hộ sở tại.

a) Trường hợp nhà, công trình khác xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường về đất thì được hỗ trợ tối đa không quá 50% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình theo đơn giá xây dựng mới hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Trường hợp các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán làm nhà nương xa nơi ở để sử dụng làm nơi sinh hoạt ăn ở trên nương, kho chứa sản phẩm, chuồng trại chăn nuôi; hiện tại hộ gia đình đang sử dụng đất ổn định không tranh chấp đến khi có Quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận thì nhà nương đó được bồi thường 100% giá trị tài sản theo đơn giá về bồi thường tải sản do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

Trường hợp nhà nương xây dựng vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm hành lang bảo vệ công trình đã được công bố công khai mà những vi phạm đó chưa có văn bản ngăn chặn của cấp có thẩm quyền thì không được bồi thường nhưng được xem xét hỗ trợ; mức hỗ trợ tối đa không quá 50% giá trị tài sản theo đơn giá về bồi thường tải sản do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

c) Nhà, công trình khác được xây dựng trên đất không đủ điều kiện được bồi thường, khi xây dựng vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo không được phép xây dựng hoặc thuộc một trong các trường hợp sự dụng đất quy định khoản 4, Điều 7 Quy định này thì không được bồi thường, không được hỗ trợ; người có công trình xây dựng trái phép buộc phải tự phá dỡ hoặc phải trả chi phí phá dỡ trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền thực hiện phá dỡ.

d) Những trường hợp đặc biệt để xem xét bồi thường, hỗ trợ nhà, công trình khác quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này được xác định dựa trên căn cứ sau:

- Hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách chưa được giao đất ở, không có nơi ở nào khác; các trường hợp tách hộ của đồng bào dân tộc do gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, nhà của bố mẹ chật hẹp phải xây dựng nhà ở riêng để đáp ứng nhu cầu ở; hộ gia đình có nhà ở đã dột nát, không thể ở được (nếu ở sẽ không an toàn tính mạng cho người sử dụng);

- Hộ gia đình xây dựng nhà để di chuyển tránh thiên tai, sạt lở đất, hoả hoạn; hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh sống đặc biệt;

- Các trường hợp đặc biệt khác (nếu có);

- Đối với các trường hợp đang có nhà ở nhưng xây dựng thêm nhà, nhận chuyển nhượng nhà, cơi nới nhà, cải tạo nâng cấp quy mô kết cấu nhà sau thời điểm công bố chủ trương thu hồi đất nhằm mục đích vụ lợi để hưởng tiền bồi thường, hỗ trợ thì không được bồi thường, không được hỗ trợ phần xây dựng thêm.

đ) Đối với tiền bồi thường tài sản có nguồn gốc được tạo lập do tập thể thôn, bản, đội sản xuất đầu tư không có nguồn gốc ngân sách nhà nước được bồi thường cho tập thể thôn, bản, đội sản xuất. Việc quản lý, sử dụng tiền bồi thường thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân huyện.

Điều 10. Bồi thường, hỗ trợ cây trồng trên đất

1. Hộ sở tại bị nhà nước thu hồi đất để thực hiện Đề án 79 (không vi phạm điểm b, d khoản 4, Điều 7 Quy định này) được bồi thường cây trồng theo quy định hiện hành và đơn giá bồi thường do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

2. Đối với hộ di cư thuộc Đề án 79 được bố trí sắp xếp định cư tập trung, định cư xen ghép không được bồi thường về cây trồng trên đất, nhưng được xem xét hỗ trợ trong các trường hợp sau:

a) Được hỗ trợ tối đa không quá 80% đơn giá bồi thường theo quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Trường hợp cây trồng trên diện tích đất của cộng đồng dân cư, đất do Ủy ban nhân dân xã quản lý được hỗ trợ tối đa không quá 80% đơn giá bồi thường theo quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trường hợp đất đang có tranh chấp thực hiện bồi thường theo phương án đền bù của cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Trường hợp cây trồng trên đất vi phạm điểm b, d khoản 4, Điều 7 Quy định này có văn bản ngăn chặn vi phạm của cấp có thẩm quyền thì không được hỗ trợ về cây trồng trên đất.

Mục 3. GIAO ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT

Điều 11. Giao đất ở, đất sản xuất:

1. Căn cứ hạn mức giao đất hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh và quỹ đất hiện có; việc giao đất ở, đất sản xuất cho các hộ thuộc Đề án 79 được thực hiện theo phương án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối tượng, diện tích, loại đất giao được quy định như sau:

a) Đối tượng được giao đất

Hộ sở tại phải di chuyển đến nơi định cư mới; hộ di cư được bố trí sắp xếp đến nơi định cư mới tập trung, xen ghép; cộng đồng thôn, bản mới được thành lập.

b) Diện tích và loại đất được giao

- Đất ở và đất vườn liền kề đất ở giao cho hộ gia đình

Hộ gia đình di chuyển đến nơi ở mới được giao đất ở không quá 400 m2/hộ. Trường hợp điểm định cư có điều kiện về quỹ đất, đối với hộ có nhiều thế hệ cùng chung sống có số lượng nhân khẩu lớn hơn 5 khẩu/hộ thì có thể được xem xét giao thêm đất ở nhưng không vượt quá 800 m2/hộ. Tùy theo quỹ đất của từng điểm định cư, có thể giao thêm diện tích đất vườn cho hộ nhưng tổng diện tích đất ở và đất vườn được giao không quá 1000 m2/hộ.

- Đất sản xuất giao cho hộ

Căn cứ vào quỹ đất và phương án bố trí sản xuất của từng điểm bản được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hộ gia đình được giao đất sản xuất theo một trong các mức sau:

Đất sản xuất lương thực: Bình quân 0,2 ha/hộ đối với đất lúa ruộng 2 vụ hoặc 0,4 ha/hộ đối với đất lúa ruộng 1 vụ hoặc 02 ha/hộ đối với đất nương;

Đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây công nghiệp: Bình quân 02 ha/hộ.

Đất sản xuất nông nghiệp khác: Đối với đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác (nếu có) thực hiện theo phương án giao đất cụ thể được Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé phê duyệt.

Đất lâm nghiệp giao cho cộng đồng: Tùy theo quỹ đất của từng điểm định cư tập trung, cộng đồng thôn, bản mới được thành lập được xem xét giao đất lâm nghiệp để trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ với mức bình quân từ 02 - 03 ha/hộ.

3. Quy định một số trường hợp cụ thể.

a) Không giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cho hộ phi nông nghiệp, nhân khẩu lao động nông nghiệp đã được hỗ trợ chi phí đào tạo, chuyển đổi nghề phi nông nghiệp.

b) Trường hợp hộ sở tại không phải di chuyển chỗ ở nhưng bị thu hồi một phần đất ở, đất sản xuất thì được xem xét giao bổ sung đất ở, đất sản xuất. Diện tích, loại đất được giao phù hợp với phương án quy hoạch được duyệt nhưng không vượt quá hạn mức giao quy định tại điểm b, khoản 2, Điều này.

c) Việc giao đất ở, đất sản xuất không thu tiền sử dụng đất cho các hộ không có đất ở, đất sản xuất được Đề án 79 sắp xếp ổn định không thực hiện theo hình thức đấu giá đất mà thực hiện theo phương án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức giao cụ thể của từng loại đất cho các đối tượng thuộc điểm sắp xếp ổn định dân cư không vượt quá hạn mức giao đất hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh.

d) Đối với hộ bị thu hồi đất thực hiện Đề án 79; việc xử lý chênh lệch giá trị đất bị thu hồi và giá trị đất được giao mới thực hiện theo khoản 2, Điều 6 Quy định này.

Điều 12. Góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất

1. Hộ được giao đất sản xuất trong vùng quy hoạch trồng cao su, cà phê, trồng rừng sản xuất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với doanh nghiệp liên kết sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Hộ sở tại không phải bố trí sắp xếp lại được thực hiện góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vào các doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư trồng cây công nghiệp dài ngày, trồng rừng sản xuất theo quy hoạch.

3. Việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất thực hiện theo thoả thuận giữa doanh nghiệp với người có đất, có ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chương III

QUY ĐỊNH CỤ THỂ CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ QUY ĐỊNH TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 79/QĐ-TTG

Điều 13. Hỗ trợ nhà ở

1. Đối tượng hỗ trợ

Những hộ gia đình phải di chuyển chỗ ở theo quy hoạch sắp xếp của Đề án 79 và những hộ không phải di chuyển nhưng chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ.

2. Mức hỗ trợ, tiêu chuẩn về nhà ở và thực hiện

- Hỗ trợ chi phí tạo mặt bằng nền nhà ở và xây dựng nhà ở, mức hỗ trợ tối đa là 26,4 triệu đồng/hộ, trong đó: Ngân sách trung ương hỗ trợ 16,4 triệu đồng/hộ, huy động từ doanh nghiệp, hộ gia đình và cộng đồng 10 triệu đồng/hộ;

- Kết cấu nhà ở phải đảm bảo đủ tiêu chí 3 cứng (gồm nền cứng, khung cứng và mái cứng theo quy định của Quyết định 167/2008/QĐ-TTg), diện tích sử dụng tối thiểu 24m2;

- Việc cấp phát, thanh toán kinh phí hỗ trợ nhà ở: Giao chủ đầu tư căn cứ quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và tình hình thực tế để tổ chức thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hiệu quả, đảm bảo nhà ở có đủ tiêu chí 3 cứng.

Điều 14. Hỗ trợ lương thực

1. Hỗ trợ gạo khi thu hồi đất

a) Đối tượng hỗ trợ: Những hộ gia đình ở những nơi tiếp nhận dân đến, bị thu hồi đất để thực hiện Đề án 79.

b) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng hoặc hỗ trợ bằng tiền để mua lương thực với giá trị tương đương 15 kg gạo/người/tháng.

c) Thời gian hỗ trợ

- Hỗ trợ trong thời gian 6 tháng khi bị thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng và không phải di chuyển chỗ ở.

- Hỗ trợ trong thời gian 12 tháng khi bị thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng và phải di chuyển chỗ ở; hoặc khi bị thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng và không phải di chuyển chỗ ở.

- Hỗ trợ trong thời gian 18 tháng khi bị thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng và phải di chuyển chỗ ở.

d) Chủng loại gạo, giá gạo và thời điểm hỗ trợ

- Gạo hỗ trợ là loại gạo tẻ thông thường;

- Giá gạo được tính theo giá thông báo của Sở Tài chính tại thời điểm hỗ trợ;

- Thực hiện hỗ trợ 3 tháng một lần.

e) Xác định tỷ lệ phần trăm diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng bị thu hồi:

- Trường hợp xác định rõ diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng của hộ gia đình:

Tỷ lệ phần trăm diện tích đất bị thu hồi (%)

= (bằng)

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp thu hồi

: (chia)

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp đang sử dụng của hộ

x (nhân)

100%

- Trường hợp không xác định được diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng của hộ gia đình: Việc xác định tỷ lệ % diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình áp dụng phương pháp bình quân gia quyền như sau:

+ Bước 1: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân trên một khẩu tại xã có hộ bị thu hồi đất sản xuất, căn cứ theo số liệu thống kê, kiểm kê diện tích đất hàng năm và số nhân khẩu trên địa bàn xã (hộ sở tại) tại thời điểm thu hồi đất:

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân trên một khẩu tại xã (1)

= (bằng)

Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã (đất trồng cây hàng năm + đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản)

: (chia)

Tổng nhân khẩu tại xã (hộ sở tại)

+ Bước 2: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân trên hộ.

Diện tích sản xuất nông nghiệp bình quân trên hộ tại xã (2)

= (bằng)

Nhân khẩu hợp pháp hộ sở tại

x (nhân)

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân trên một khẩu tại xã (1)

+ Bước 3: Tỷ lệ % diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi.

Tỷ lệ % diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi

= (bằng)

Diên tích đất sản xuất nông nghiệp thu hồi

: (chia)

Diện tích sản xuất nông nghiệp bình quân trên hộ tại xã (2)

2. Hỗ trợ gạo khi chuyển đổi cây trồng

a) Đối tượng hỗ trợ: Những hộ gia đình thực hiện chuyển đất nương sang trồng cây công nghiệp dài ngày, trồng rừng sản xuất theo bố trí, sắp xếp của Đề án 79 đều được hỗ trợ.

b) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền mặt để mua lương thực tương đương 10 kg gạo/người/tháng.

c) Thời gian hỗ trợ:

- Đối với những hộ trồng cà phê thời gian hỗ trợ là 02 năm;

- Đối với những hộ trồng rừng sản xuất, trồng cây cao su (với mục đích là trồng rừng sản xuất) thời gian hỗ trợ là 06 năm.

d) Chủng loại gạo, giá gạo và thời điểm hỗ trợ: Thực hiện như điểm d khoản 1 điều này.

3. Xử lý các trường hợp đặc thù khi thực hiện hỗ trợ lương thực

a) Không tính hỗ trợ lương thực cho hộ hoặc nhân khẩu trong các trường hợp sau:

- Hộ sở tại không bị thu hồi đất sản xuất và không phải di chuyển đến nơi định cư mới; hộ sở tại chỉ bị thu hồi mất một phần đất ở và không phải di chuyển đến nơi định cư mới;

- Nhân khẩu đang tham gia nghĩa vụ quân sự mà hộ khẩu vẫn do chính quyền địa phương quản lý; nhân khẩu đã nhận công tác tại các cơ quan nhà nước; nhân khẩu thuộc đối tượng truy nã, đang cải tạo tại các trại cải tạo tập trung.

b) Nhân khẩu của hộ để tính hỗ trợ quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2, Điều này là nhân khẩu có tên đăng ký trong danh sách điều tra của Đề án 79 tính đến 30/4/2011 và hiện tại đang sinh hoạt trong hộ đến thời điểm kê khai (kể cả nhân khẩu đang học các trường chuyên nghiệp, khẩu mới sinh chưa đăng ký hộ khẩu theo giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh) thuộc địa bàn xã quản lý.

c) Trường hợp khi tính hỗ trợ lương thực có phát sinh tăng, giảm nhân khẩu của hộ trong thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ tái định cư áp dụng theo quy định sau:

- Các nhân khẩu phát sinh tăng sau thời điểm đăng ký trong danh sách điều tra của Đề án nhưng trước thời điểm thanh toán được tính bổ sung để hỗ trợ (theo thời điểm các nhân khẩu tăng) bao gồm các trường hợp: Khẩu mới sinh (đẻ); khẩu là quân nhân ra quân; khẩu mãn hạn cải tạo trả về gia đình; và đã nhập khẩu vào sổ hộ khẩu hộ gia đình.

- Các nhân khẩu phát sinh tăng sau thời điểm đăng ký trong danh sách điều tra của Đề án nhưng trước thời điểm thanh toán không được tính bổ sung để hỗ trợ bao gồm các trường hợp: Nhập thêm khẩu từ nơi khác vào sổ hộ khẩu thường trú của các hộ gia đình sau ngày 30/4/2011; nhập khẩu trước ngày 30/4/2011 nhưng không sinh sống ổn định cùng hộ gia đình tại địa bàn xã được Ủy ban nhân dân xã, Công an cấp huyện rà soát xác nhận.

- Nhân khẩu giảm sau thời điểm đăng ký trong danh sách điều tra của Đề án nhưng chưa thực hiện thanh toán các khoản hỗ trợ không được hưởng hỗ trợ trong các trường hợp: Khẩu chết; khẩu đã đi nhận công tác nơi khác (vào cơ quan tổ chức nhà nước, doanh nghiệp; được hợp đồng dài hạn, được đóng bảo hiểm); khẩu không có mặt tại địa bàn không đăng ký tạm vắng. Thời gian xác định hỗ trợ được tính tròn theo tháng theo thời điểm giảm khẩu đó.

Điều 15. Hỗ trợ phát triển sản xuất

1. Hỗ trợ trồng lúa nước

1.1. Đối tượng hỗ trợ: Các hộ gia đình, cá nhân (bao gồm hộ sở tại, hộ định cư tập trung, hộ định cư xen ghép theo bố trí sắp xếp của Đề án 79) trực tiếp sản xuất nông nghiệp có diện tích sản xuất lúa nước đều được hỗ trợ.

1.2. Mức hỗ trợ

- Hỗ trợ 100% giá lúa giống và phân bón vô cơ cho toàn bộ diện tích trồng lúa nước trong thời gian 2 vụ đối với đất lúa ruộng 2 vụ, trong thời gian 1 vụ đối với đất lúa 1 vụ.

- Định mức giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho 01 ha trồng lúa nước như sau:

+ Giống lúa thuần: 80kg/ha.

+ Thuốc bảo vệ thực vật: 600.000 đồng/ha.

+ Phân bón: Đạm Urê 180 kg, lân văn điển 350 kg, Kali Clorua 120 kg/ha.

1.3 Phương thức, hình thức hỗ trợ

- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp.

- Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

1.4. Giá để tính hỗ trợ: Theo giá thông báo của Sở Tài chính tại thời điểm hỗ trợ.

2. Hỗ trợ trồng lúa nương

2.1. Đối tượng hỗ trợ: Các hộ gia đình, cá nhân (bao gồm hộ sở tại, hộ định cư tập trung, hộ định cư xen ghép theo bố trí sắp xếp của Đề án 79) trực tiếp sản xuất nông nghiệp có diện tích sản xuất lúa nương đều được hỗ trợ.

2.2. Mức hỗ trợ

- Hỗ trợ 50% giá lúa giống và thuốc diệt cỏ cho toàn bộ diện tích trồng lúa nương trong thời gian 1 vụ.

- Định mức giống và thuốc trừ cỏ cho 01 ha trồng lúa nương như sau:

+ Giống lúa: 60 kg.

+ Thuốc trừ cỏ: 150.000 đồng.

2.3. Phương thức, hình thức hỗ trợ

- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp.

- Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

2.4. Giá để tính hỗ trợ: Theo giá thông báo của Sở Tài chính tại thời điểm hỗ trợ.

3. Hỗ trợ trồng ngô

3.1. Đối tượng hỗ trợ: Các hộ gia đình, cá nhân (bao gồm hộ sở tại, hộ định cư tập trung, hộ định cư xen ghép theo bố trí sắp xếp của Đề án 79) trực tiếp sản xuất nông nghiệp có diện tích sản xuất ngô đều được hỗ trợ.

3.2. Mức hỗ trợ

- Hỗ trợ 100% giá ngô giống cho toàn bộ diện tích trồng ngô trong thời gian 1 vụ.

- Định mức giống cho 01 ha trồng ngô như sau: 17 kg đối với ngô lai; 20 kg đối với ngô kỹ thuật.

3.3 Phương thức, hình thức hỗ trợ

- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp.

- Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

3.4. Giá để tính hỗ trợ: Theo giá thông báo của Sở Tài chính tại thời điểm hỗ trợ.

4. Hỗ trợ trồng cây ăn quả

4.1. Đối tượng hỗ trợ: Các hộ gia đình, cá nhân (bao gồm hộ sở tại, hộ định cư tập trung, hộ định cư xen ghép theo bố trí sắp xếp của Đề án 79) có diện tích để trồng cây ăn quả đều được hỗ trợ.

4.2. Mức hỗ trợ

- Hỗ trợ 100% giá giống cây ăn quả.

- Số lượng cây giống, chủng loại cây giống được hỗ trợ theo định mức được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4.3 Phương thức, hình thức hỗ trợ

- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp.

- Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

4.4 Giá để tính hỗ trợ: Theo giá thông báo của Sở Tài chính tại thời điểm hỗ trợ.

5. Hỗ trợ cải tạo ao, đắp bờ, tẩy độc ao

5.1. Đối tượng hỗ trợ: Toàn bộ các hộ nghèo có diện tích nuôi trồng thủy sản từ 100m2 trở lên, có nhu cầu cải tạo ao, đắp bờ (kiên cố bờ bằng kè đá, xây,...) và tẩy độc ao đều được hỗ trợ.

5.2. Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần với mức 2 triệu đồng/hộ.

5.3 Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền.

6. Hỗ trợ chuyển đổi sang nuôi trồng các loài thủy sản mới

6.1. Đối tượng hỗ trợ: Toàn bộ các hộ nghèo có diện tích nuôi trồng thủy sản, có nhu cầu chuyển đổi sang nuôi các loài thủy sản mới có giá trị kinh tế cao đều được hỗ trợ.

6.2. Mức hỗ trợ

- Hỗ trợ 1 lần 100% giá giống đúng tiêu chuẩn nhưng tối đa không quá 3 triệu đồng/1.000 m2 ao nuôi.

- Các loại giống thuỷ sản được hỗ trợ thanh toán là giống thủy sản mới được di nhập vào địa phương, các loài thuỷ sản có tên trong danh mục giống thuỷ sản được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

6.3. Phương thức, hình thức hỗ trợ

- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp.

- Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

6.4. Giá để tính hỗ trợ: Thanh toán theo giá thực tế tại thời điểm hỗ trợ.

7. Hỗ trợ khai hoang

7.1. Đối tượng hỗ trợ: Toàn bộ các hộ thuộc Đề án 79 có diện tích khai hoang ruộng bậc thang (ruộng nước, ruộng cạn) để trồng cây lương thực đều được hỗ trợ. Diện tích được tính hỗ trợ là những diện tích có sự tác động công sức để xây dựng ruộng (bao gồm cả ruộng và bờ ruộng).

7.2. Mức hỗ trợ: 15 triệu đồng/ha.

7.3. Phương thức, hình thức hỗ trợ

- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp.

- Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền.

Điều 16. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng

1. Đối tượng hỗ trợ: Cán bộ cấp xã được cử đi đào tạo văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ hoặc bồi dưỡng để nâng cao năng lực theo Đề án 79.

2. Mức hỗ trợ

2.1. Đối với cán bộ được cử đi học trong tỉnh

- Hỗ trợ 100% tiền học phí;

- Hỗ trợ ngoài lương 70% mức lương tối thiểu/người/tháng;

- Hỗ trợ 100% chi phí mua tài liệu học tập bắt buộc;

- Hỗ trợ thêm 20% mức lương tối thiểu/người/tháng đối với cán bộ nữ.

- Hỗ trợ tiền tàu xe, nghỉ trọ một lần đối với khóa học có thời gian từ 3 tháng đến dưới 1 năm, hai lần đối với khóa học có thời gian từ 1 năm trở lên. Trong thời gian học, nếu cơ sở đào tạo tổ chức đi thực tế thì được thanh toán 1 lần tiền tàu xe, tiền thuê phòng nghỉ theo chế độ công tác phí hiện hành.

2.2. Đối với cán bộ được cử đi học ngoài tỉnh

- Hỗ trợ 100% tiền học phí;

- Hỗ trợ ngoài lương 80% mức lương tối thiểu/người/tháng;

- Hỗ trợ 100% chi phí mua tài liệu học tập bắt buộc;

- Hỗ trợ thêm 20% mức lương tối thiểu/người/tháng đối với cán bộ nữ.

- Hỗ trợ tiền tàu xe, nghỉ trọ một lần đối với khóa học có thời gian từ 3 tháng đến dưới 1 năm, hai lần đối với khóa học có thời gian từ 1 năm trở lên. Trong thời gian học, nếu cơ sở đào tạo tổ chức đi thực tế thì được thanh toán 1 lần tiền tàu xe, tiền thuê phòng nghỉ theo chế độ công tác phí hiện hành.

Điều 17. Các hỗ trợ khác

1. Hỗ trợ di chuyển người và tài sản

1.1. Đối tượng hỗ trợ: Các hộ tự nguyện di chuyển chỗ ở đến nơi ở mới, bao gồm: hộ dân sở tại phải di chuyển chỗ ở khi bị Nhà nước thu hồi đất để bố trí sắp xếp dân cư; hộ dân di cư được bố trí di chuyển đến nơi ở mới theo quy hoạch của Đề án 79.

1.2. Mức hỗ trợ

- Cự ly di chuyển dưới 5 km được hỗ trợ 1.500.000 đồng/hộ;

- Cự ly di chuyển từ 5 - 10 km được hỗ trợ 2.000.000 đồng/hộ;

- Cự ly di chuyển từ 11 - 15 km được hỗ trợ 2.500.000 đồng/hộ;

- Cự ly di chuyển từ 16 - dưới 20 km được hỗ trợ 3.000.000 đồng/hộ;

- Cự ly di chuyển từ 20 km trở lên được hỗ trợ 5.000.000 đồng/hộ.

- Di chuyển mồ, mả (nếu có) được hỗ trợ không quá 6.000.000 đồng/hộ; Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Mường Nhé căn cứ vào điều kiện thực tế để quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.

1.3 Phương thức, hình thức hỗ trợ

- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp.

- Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền.

2. Hỗ trợ mua sắm dụng cụ sinh hoạt

2.1. Đối tượng hỗ trợ: Các hộ tự nguyện di chuyển chỗ ở đến nơi ở mới, bao gồm: hộ dân sở tại phải di chuyển chỗ ở khi bị Nhà nước thu hồi đất để bố trí sắp xếp dân cư; hộ dân di cư được bố trí di chuyển đến nơi ở mới theo quy hoạch của Đề án 79.

2.2. Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần với mức 1 triệu đồng/hộ.

2.3. Phương thức, hình thức hỗ trợ

- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp.

- Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền.

3. Hỗ trợ công chỉ đạo chuyển đổi tập quán canh tác

3.1. Đối tượng hỗ trợ: Cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị được UBND tỉnh phân công làm chủ đầu tư thực hiện việc chỉ đạo, hướng dẫn các hộ dân chuyển đổi từ đất lâm nghiệp, đất nương rẫy sang trồng cây công nghiệp (trồng cà phê) theo quy hoạch.

3.2. Mức hỗ trợ

- Hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày cho những ngày thực tế làm việc nhưng tổng thời gian được hỗ trợ không quá 02 tháng/người/năm, số lượng người được hỗ trợ không quá 4 người/01 đơn vị/năm.

- Mức hỗ trợ cụ thể của từng đơn vị theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Hỗ trợ về nước sinh hoạt cho các hộ ở những nơi không thể xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung

4.1. Đối tượng hỗ trợ: Các hộ gia đình ở những nơi không có điều kiện xây dựng công trình cấp nước tập trung.

4.2. Mức hỗ trợ và nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ một lần với mức 5 triệu đồng/hộ để xây bể, đào giếng hoặc mua bồn chứa nước.

4.3 Phương thức, hình thức hỗ trợ

- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp.

- Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền.

5. Hỗ trợ cho lao động tự học tập chuyển đổi ngành nghề và mua sắm công cụ lao động

5.1. Đối tượng hỗ trợ: Những lao động thuộc các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tự học tập để chuyển đổi ngành nghề.

5.2. Mức hỗ trợ và nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ một lần với mức 10 triệu đồng/lao động để tự học tập chuyển đổi ngành nghề và mua sắm công cụ lao động.

5.3 Phương thức, hình thức hỗ trợ

- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp.

- Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền.

6. Hỗ trợ cho cán bộ y tế thôn, bản

6.1. Đối tượng hỗ trợ: Những người làm công tác y tế tại các bản thuộc vùng của Đề án 79.

6.2. Mức hỗ trợ: Bằng 70% mức lương cơ bản/người/tháng.

7. Hỗ trợ cho các hộ tự làm nhà xí hợp vệ sinh

7.1. Đối tượng hỗ trợ: Tất cả các hộ gia đình có tên trong danh sách của Đề án

79 có nhu cầu xây dựng nhà xí hợp vệ sinh.

7.2. Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần với mức 01 triệu đồng/hộ.

7.3. Phương thức, hình thức hỗ trợ

- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp.

- Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền.

8. Hỗ trợ thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

8.1. Đối tượng hỗ trợ: Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé; phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Nhé.

8.2. Nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ

- Nội dung hỗ trợ: Giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng các loại đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn các xã trong toàn huyện Mường Nhé (bao gồm cả hỗ trợ kinh phí đo đạc lập bản đồ địa chính; lập hồ sơ địa chính).

- Mức hỗ trợ: Theo thiết kế kỹ thuật - dự toán được UBND tỉnh phê duyệt.

9. Hỗ trợ xây dựng nhà công vụ tại xã

9.1. Đối tượng hỗ trợ các xã trong vùng Đề án 79 và cách xa trung tâm huyện 10 km trở lên.

9.2. Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ đầu tư xây dựng 01 nhà công vụ quy mô 100 m2 sử dụng (bao gồm: 5 phòng nghỉ và các công trình phụ).

9.3. Mức hỗ trợ: Theo dự toán được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

10. Hỗ trợ xây dựng nhà lớp học gắn với nhà ở công vụ cho giáo viên tại các bản

10.1. Đối tượng hỗ trợ: Các bản biệt lập (có khoảng cách từ trung tâm bản đến trung tâm bản lân cận trên 5km) trong vùng Đề án 79, chưa được xây dựng nhà lớp học gắn với nhà ở công vụ cho giáo viên.

10.2. Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ đầu tư xây dựng 01 nhà lớp học gắn với nhà ở công vụ cho giáo viên (diện tích nhà công vụ không quá 25 m2).

10.3. Mức hỗ trợ: Theo dự toán được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 18: Xử lý trường hợp hộ, khẩu trong hộ phát sinh

Trường hợp hộ, khẩu trong hộ (thuộc các hộ trong danh sách của Đề án 79) phát sinh tăng sau thời điểm ngày 30/4/2012 để được hưởng các chính sách tại quy định này, UBND xã phải lập danh sách gửi UBND huyện Mường Nhé để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 19. Các hỗ trợ không quy định cụ thể tại quy định này

Đối với các hỗ trợ không quy định cụ thể tại quy định này nếu sử dụng nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Đề án 79 phải báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định; nếu sử dụng nguồn vốn của các chương trình, dự án khác thực hiện theo quy định hiện hành của chương trình, dự án đó.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, chủ đầu tư

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Hướng dẫn UBND huyện Mường Nhé, các chủ đầu tư triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm - thủy sản, hỗ trợ di chuyển người và tài sản (trừ hỗ trợ di chuyển mồ mả), hỗ trợ gạo khi chuyển đổi cây trồng và hỗ trợ khai hoang; hướng dẫn quy trình kỹ thuật đối với các cây trồng nông nghiệp, cây lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

b) Chủ trì, phối hợp với UBND huyện Mường Nhé và các chủ đầu tư tổng hợp nhu cầu kinh phí sự nghiệp để thực hiện các hỗ trợ được quy định cụ thể tại quy định này của từng năm; báo cáo UBND tỉnh, đồng thời gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp khi xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh.

c) Tổ chức kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Đề án 79.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Hướng dẫn UBND huyện Mường Nhé, các chủ đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất; bồi thường, hỗ trợ (bao gồm cả hỗ trợ di chuyển mồ mả, hỗ trợ gạo khi bị thu hồi đất) theo quy định hiện hành.

b) Hướng dẫn UBND huyện Mường Nhé lập thiết kế kỹ thuật - dự toán kinh phí đo đạc lập bản đồ địa chính, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư.

c) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán đo đạc lập bản đồ địa chính, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng các loại đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các loại đất trên địa bàn các xã trong toàn huyện Mường Nhé; đồng thời tổ chức kiểm tra trong quá trình triển khai thực hiện.

d) Kiểm tra, hướng dẫn UBND huyện Mường Nhé, các chủ đầu tư thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường, khai thác sử dụng khoảng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản khác, quản lý sử dụng sử dụng tài nguyên nước trong quá trình thực hiện Đề án 79.

3. Sở Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tổng hợp nhu cầu kinh phí sự nghiệp của Đề án 79 khi xây dựng dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh; tham mưu phân bổ kế hoạch vốn sự nghiệp hàng năm; trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán đo đạc lập bản đồ địa chính, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng các loại đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các loại đất trên địa bàn các xã trong toàn huyện Mường Nhé; thực hiện thông báo giá của các mặt hàng được hỗ trợ tại quy định này để các chủ đầu tư triển khai thực hiện.

c) Hướng dẫn việc quản lý cấp phát, thanh quyết toán vốn hỗ trợ hàng năm của Đề án 79 theo quy định hiện hành.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tổng hợp nhu cầu kinh phí sự nghiệp vào nhu cầu vốn hỗ trợ thực hiện Đề án 79 khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh; trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

5. Sở Xây dựng

Hướng dẫn UBND huyện Mường Nhé, các chủ đầu tư về tiêu chí 3 cứng theo quy định của Quyết định 167/2008/QĐ-TTg khi thực hiện hỗ trợ nhà ở cho các hộ dân thuộc phạm vi của Đề án 79.

6. Trách nhiệm của UBND huyện Mường Nhé

a) Tổ chức lập, phê duyệt, triển khai thực hiện các phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, các phương án hỗ trợ đời sống, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ dân thuộc nhiệm vụ của huyện theo đúng trình tự, chính sách của các quy định hiện hành.

b) Chỉ đạo UBND các xã phối hợp với các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện lập, lấy ý kiến, hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đời sống, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ dân thuộc phạm vi của Đề án 79.

c) Tổ chức thẩm định, phê duyệt các phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thuộc Đề án 79.

d) Tổ chức thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư.

7. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư

Tổ chức lập, trình duyệt, phê duyệt, triển khai thực hiện các phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, các phương án hỗ trợ đời sống, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ dân thuộc nhiệm vụ của đơn vị theo đúng trình tự, chính sách của các quy định hiện hành.

8. Các sở, ngành liên quan: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và nội dung hỗ trợ tại quy định này để hướng dẫn UBND huyện Mường Nhé, các chủ đầu tư thực hiện các chính sách hỗ trợ của Đề án 79 theo đúng các quy định hiện hành.

Điều 21: Nguồn kinh phí thực hiện: Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu trung ương để thực hiện Đề án 79 và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 22. Giải quyết các vấn đề vướng mắc

Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện quy định này nếu có những vướng mắc; các Sở, ngành có liên quan, UBND huyện Mường Nhé và các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư chủ động phối hợp để xử lý các nội dung công việc thuộc thẩm quyền; báo cáo, đề xuất biện pháp giải quyết các phát sinh, vướng mắc vượt thẩm quyền với UBND tỉnh để xem xét, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 574/QĐ-UBND năm 2012 về quy định mức hỗ trợ cụ thể của Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015

  • Số hiệu: 574/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/07/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Lê Thành Đô
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản