Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
---------

Số : 5700/QĐ-UB-KTNN

TP. Hồ Chí Minh, ngày 4 tháng 8 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUI ĐỊNH VỀ KHOÁN-BẢO VỆ RỪNG, KHOANH NUÔI, TÁI SINH RỪNG VÀ TRỒNG RỪNG THUỘC RỪNG PHÒNG HỘ MÔI TRƯỜNG, RỪNG ĐẶC DỤNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;

- Căn cứ Quyết định số 202/TTg ngày 2/5/1994 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bản quy định về việc khoán - bảo vệ rừng, khoanh nuôi, tái sinh rừng và trồng rừng;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 .- Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về việc khoán, bảo vệ rừng, khoanh nuôi, tái sinh rừng và trồng rừng thuộc phạm vi rừng phòng hộ môi trường và rừng đặc dụng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 2.- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các sở ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, quận chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Sang

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC KHOÁN BẢO VỆ RỪNG, KHOANH NUÔI, TÁI SINH RỪNG, TRỒNG RỪNG THUỘC RỪNG PHÒNG HỘ MÔI TRƯỜNG VÀ RỪNG ĐẶC DỤNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số : 5700/QĐ-UB-KTNN ngày 4/8/1995 của Ủy ban nhân dân thành phố).

Điều 1.- Ban Quản lý rừng phòng hộ môi trường thành phố và các Ban Quản lý khu rừng đặc dụng đã được Ủy ban nhân dân thành phố giao rừng và đất lâm nghiệp là Chủ rừng Nhà nước :

Việc giao khoán nêu trong quy định này chỉ thuộc phạm vi rừng phòng hộ môi trường và rừng đặc dụng, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư, có nguồn vốn thanh toán chi phí khoán theo kế hoạch được duyệt hàng năm.

Điều 2.- “Chủ rừng Nhà nước” gọi tắt là Bên khoán được quyền giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc rừng và trồng rừng cho các đối tượng nhận khoán rừng là hộ gia đình, cá nhân, cơ quan đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, các trường học, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, gọi tắt là Bên nhận khoán.

Bên nhận khoán phải có đủ lực lượng ngày đêm có mặt tại rừng để kiểm tra, canh giữ bảo vệ rừng. Đối với cá nhân và hộ gia đình phải là người thường trú hoặc tạm trú hợp pháp tại địa phương mới được nhận khoán.

Điều 3.- Giữa Bên giao và Bên nhận khoán phải lập hợp đồng khoán. Nội dung chủ yếu gồm :

- Thực trạng từng loại rừng (diện tích, loài cây, tuổi rừng đối với rừng trồng…) và đất trồng rừng. Kèm theo bản đồ hoặc sơ đồ hiện trạng 1/4000; 1/5000 hoặc 1/10.000.

- Khối lượng, chất lượng công việc phải thực hiện.

- Những cam kết trách nhiệm và quyền lợi của Bên khoán và Bên nhận khoán. Phương thức thanh toán tiền công khoán.

- Thời gian nhận khoán.

- Những quy định xử phạt đối với vi phạm hợp đồng.

Hợp đồng khoán do Bên khoán và Bên nhận khoán lập, ký kết và phải được Ủy ban nhân dân xã sở tại xác nhận.

Điều 4.- Nguồn vốn để thanh toán chi phí khoán bao gồm :

- Vốn ngân sách Nhà nước (gồm của Trung ương và thành phố)

- Vốn viện trợ của các tổ chức quốc tế.

- Vốn nhân đạo của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Vốn do nguồn thu từ tận thu sản phẩm rừng và các nguồn thu hợp lý khác của các Ban quản lý.

Hàng năm được Nhà nước (Thành phố hoặc Trung ương) cấp kinh phí cho Bên khoán để trả cho Bên nhận khoán theo hợp đồng. Các chủ rừng Nhà nước (Bên khoán) lập kế hoạch kinh phí hàng năm thông qua Sở Nông nghiệp trình thành phố phê duyệt.

Điều 5.- Tùy theo diện tích rừng và diện tích đất lâm nghiệp còn trống ở từng khu vực của Bên khoán và khả năng lao động, quản lý bảo vệ rừng của hộ nhận khoán, mức giao khoán như sau :

1/ Khoán bảo vệ, chăm sóc rừng trồng :

- Ở huyện Cần Giờ : không quá 20 ha cho 1 lao động. Mỗi hộ gia đình không quá 50 ha.

- Ở các huyện khác : không quá 10 ha cho 1 lao động. Mỗi hộ không quá 20ha.

2/ Khoán bảo vệ, chăm sóc rừng tự nhiên ở huyện Cần Giờ : không quá 50 ha cho 1 lao động. Mỗi hộ gia đình không quá 100 ha.

- Các huyện khác không quá 20 ha cho 1 lao động. Mỗi hộ không quá 40 ha.

Riêng diện tích rừng và đất rừng phòng hộ đã giao khoán trước đây nếu vượt quá 30% diện tích nêu trên, sẽ điều chỉnh số diện tích vượt trội.

Ngoài mức diện tích giao khoán nêu trên, tùy từng nơi ở khu vực nhận khoán có quỹ đất và nhu cầu của Bên nhận khoán, Bên nhận khoán còn được giao 1 diện tích rừng hoặc đất trống, lảng trũng… ổn định, lâu dài theo Luật Đất đai để làm vườn rừng, nuôi thủy sản, sản xuất muối, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc…. diện tích không quá 5ha đối với huyện Cần Giờ và không quá 0,5ha đối với các huyện khác… Riêng đối với các cơ quan, đơn vị, trường học, tổ chức kinh tế, xã hội diện tích này không quá 10% diện tích nhận khoán đối với huyện Cần Giờ và không quá 5% đối với các huyện khác.

Điều 6.- Thời hạn giao khoán bảo vệ chăm sóc rừng không quá 50 năm, tùy loại rừng, chu kỳ sinh trưởng của rừng và tình hình cụ thể của hộ hoặc đơn vị nhận khoán.

Điều 7.- Hồ sơ khoán do bên khoán lập và hướng dẫn gồm :

- Đơn xin nhận khoán

- Hợp đồng khoán

- Trích lục bản đồ hoặc sơ đồ khu vực giao khoán (mục 1 điều 8).

- Biên bản giao nhận rừng, đất trống, cây trồng khác và các tài sản trên đất

- Các văn bản, phụ lục có liên quan đến việc khoán (nếu có)

Hồ sơ lập thành 4 bộ :

+ Bên khoán giữ 1 bộ

+ Bên nhận khoán 1 bộ

+ Lưu tại UBND xã 1 bộ

+ Lưu tại Sở Nông nghiệp thành phố 1 bộ

Điều 8.- Trách nhiệm của Bên khoán :

1/ Xác định đúng diện tích, hiện trạng từng loại rừng, tuổi rừng, vị trí ranh giới trên bản đồ và trên thực địa. (Có đường ranh giới rõ ràng, bền vững). Lập trích lục bản đồ hoặc sơ đồ hiện trạng 1/4000; 1/5000 hoặc 1/10.000 cho Bên nhận khoán. Chi phí lập thủ tục theo quy định của Nhà nước.

2/ Phải tuân thủ qui hoạch, Luận chứng kinh tế kỹ thuật dự án đầu tư, hoặc phương án điều chế rừng, qui trình kỹ thuật và thiết kế cụ thể do cấp có thẩm quyền phê duyệt để khoán bảo vệ chăm sóc rừng hoặc theo các công đoạn tạo rừng mới cho đến khi định hình để khoán khoanh nuôi, tái sinh hoặc trồng rừng mới.

3/ Xây dựng kế hoạch (theo các danh mục đầu tư của các dự án) về quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng mới… và hướng dẫn Bên nhận khoán thực hiện các biện pháp đó.

4/ Hướng dẫn và giúp đỡ Bên nhận khoán về kỹ thuật gieo ươm tạo cây giống và kỹ thuật gây trồng. Hướng dẫn khuyến nông - lâm - ngư trong việc nuôi thủy sản trong rừng theo phương thức lâm ngư - nông lâm kết hợp, không gây hại đến sinh trưởng của rừng.

5/ Thực hiện đầy đủ những cam kết trong hợp đồng khoán. Đối với diện tích rừng được phép tỉa thưa, khai thác, nếu Bên nhận khoán yêu cầu, thì Bên khoán thanh toán công khoán bằng lâm sản tỉa thưa, khai thác (theo giá thị trường tại thời điểm đó).

6/ Giúp các hộ nhận khoán vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình theo chính sách của Nhà nước.

7/ Lập, trình duyệt các hồ sơ thiết kế, phương án điều chế rừng cho các bên nhận khoán.

8/ Tổ chức nghiệm thu các công việc khoán hoàn thành. Riêng nghiệm thu bảo vệ rừng được tiến hành mỗi năm một lần, với sự tham gia của đại diện Chi cục kiểm lâm và Ủy ban nhân dân xã (hoặc phòng Nông nghiệp huyện) để đánh giá mức độ hoàn thành bảo vệ rừng theo hợp đồng khoán.

9/ Khi Bên nhận khoán vi phạm hợp đồng thì Bên khoán căn cứ vào mức độ vi phạm để quyết định việc bồi thường thiệt hại hoặc hủy bỏ hợp đồng, bên nhận khoán phải chịu trách nhiệm về quyết định đó, hoặc yêu cầu các cơ quan xét xử theo quy định của pháp luật.

Điều 9.- Nghĩa vụ và quyền lợi của Bên nhận khoán :

1/ Bên nhận khoán có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ những cam kết ghi trong hợp đồng khoán.

2/ Được hưởng công khoán bảo vệ rừng như sau :

a) Đối với rừng ở huyện Cần Giờ được hưởng từ 50.000 đ đến 80.000 đ/1ha/1 năm đối với rừng trồng và từ 30.000 đ đến 50.000đ/1ha/1 năm đối với rừng tự nhiên khoanh nuôi phục hồi.

b) Đối với rừng ở các huyện khác được hưởng từ 80.000 đ đến 150.000 đ/1 ha/1 năm đối với rừng trồng và từ 60.000đ đến 80.000 đ/1 ha/1 năm đối với rừng tự nhiên khoanh nuôi phục hồi.

Tùy điều kiện khó, dễ khi bảo vệ, tình hình tài nguyên rừng, cũng như điều kiện đất đai ưu đãi trong sản xuất nông - lâm - ngư, dịch vụ kết hợp, Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho Sở Nông nghiệp quy định mức hưởng cụ thể cho từng khu rừng hoặc từng khu vực.

3/ Được tận thu các sản phẩm phụ của rừng nhận khoán theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của bên khoán.

4/ Ngoài việc được hưởng công khoán bảo vệ rừng Bên nhận khoán còn được hưởng từ 5% đến 10% sản phẩm tận thu được khi tỉa thưa rừng, đối với rừng trồng (không kể số sản phẩm dùng để thanh toán các khoản chi phí về công chặt tỉa, vận chuyển ra bãi 2, thu dọn và vệ sinh rừng sau khi tỉa).

Đối với rừng tự nhiên khi tỉa thưa, Bên khoán cân đối “lấy thu bù chi” (trừ chi phí khảo sát thiết kế chỉ đạo kỹ thuật và nghiệm thu theo quy định). Số còn lại Bên nhận khoán tự thi công hưởng toàn bộ.

5/ Đối với đất trồng, lảng trũng, bãi bồi, đất ngập nước, Bên nhận khoán tự bỏ vốn để sản xuất, khi thu hoạch được hưởng toàn bộ sản phẩm đó, được miễn giảm thuế theo quy định của pháp luật.

6/ Đối với cá nhân và hộ gia đình nhận khoán được trợ cấp ban đầu 1 lần một số tiền để làm nhà, chốt bảo vệ, mua sắm phương tiện cần thiết cho bảo vệ rừng và cho sinh hoạt gồm :

- Ở huyện Cần Giờ : 6 triệu đồng/hộ

- Ở huyện khác : 5 triệu đồng/hộ

7/ Khi thời gian nhận khoán theo hợp đồng chưa kết thúc, nhưng do chủ hộ nhận khoán chết thì được chuyển quyền cho người thừa kế. Hoặc do hoàn cảnh khách quan không thể tiếp tục nhận khoán được nữa, hộ nhận khoán (hoặc đơn vị) được chuyển quyền nhận khoán cho người khác (có bên khoán chứng kiến) hoặc thanh lý hợp đồng để chủ rừng lập hợp đồng khoán với hộ khác.

8/ Trong khu vực nhận khoán có đất trống, nếu thành phố đầu tư trồng rừng thì Bên nhận khoán được ưu tiên ký hợp đồng khoán trồng rừng, chăm sóc rừng mới trồng và sau đó được bổ sung diện tích vào hợp đồng khoán bảo vệ rừng. Nếu Bên nhận khoán không nhận trồng rừng, các chủ rừng đưa lực lượng khác tới trồng và sau khi rừng trồng được nghiệm thu bên khoán muốn nhận cũng được ưu tiên bổ sung vào hợp đồng khoán bảo vệ rừng cho Bên nhận khoán.

9/ Trong khu vực nhận khoán, nếu có diện tích đến kỳ tỉa thưa khai thác, đã thiết kế (theo phương án điều chế rừng và tình hình thực tế của rừng) thì Bên nhận khoán phải bố trí lao động để thi công xong trong năm đó. Trường hợp Bên nhận khoán không có khả năng tự tổ chức thi công xong trong năm đó thì phải thông báo cho Bên khoán biết chậm nhất không quá 30 ngày kể từ ngày được phép thi công, để Bên khoán đưa lực lượng khác đến tỉa thưa, sau khi thi công xong được nghiệm thu, Bên khoán phải bàn giao ngay cho Bên nhận khoán.

10/ Khi Bên khoán vi phạm hợp đồng thì Bên nhận khoán được bồi thường thiệt hại hoặc hủy bỏ hợp đồng tùy theo mức độ vi phạm của Bên khoán.

11/ Trong trường hợp bị thiên tai, rủi ro, được xét miễn, giảm các khoản phải nộp hoặc bồi thường cho Bên khoán theo quy định của pháp luật.

Điều 10.- Bên khoán và Bên nhận khoán phải chịu trách nhiệm về hậu quả gây ra do vi phạm hợp đồng, thi công sai thiết kế và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 11.- Giám đốc, các sở ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo Bên khoán thuộc quyền quản lý của mình thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng mới và chăm sóc rừng theo thẩm quyền.

Giám đốc Sở Nông nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn Bên khoán và Bên nhận khoán thực hiện quy định này.

Ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn có trách nhiệm trực tiếp giám sát thực hiện các hợp đồng khoán đã ký, phối hợp cùng Bên khoán chăm lo đời sống cho hộ nhân dân nhận khoán.-

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5700/QĐ-UB-KTNN năm 1995 về Quy định khoán, bảo vệ rừng, khoanh nuôi, tái sinh rừng và trồng rừng thuộc phạm vi rừng phòng hộ môi trường và rừng đặc dụng ở thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 5700/QĐ-UB-KTNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/08/1995
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trương Tấn Sang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản