Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 569/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 25 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN: TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TRỰC THƯỜNG XUYÊN BẢO VỆ TRỤ SỞ ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2017-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23/11/2009;

Căn cứ Nghị định số 03/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;

Căn cứ Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ quy định phối hợp của lực lượng dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 102/2010/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 02/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ và việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách công tác dân quân tự vệ;

Căn cứ Nghị quyết số 23/2016/NQ-HĐND ngày 30/9/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh (Khoá XII, Kỳ họp thứ 3) thông qua ngày 29/9/2016 về Đề án tổ chức lực lượng dân quân trực thường xuyên bảo vệ trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2017 - 2020;

Xét đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại Tờ trình số 2869/TTr-BCH ngày 15/10/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án: Tổ chức lực lượng Dân quân trực thường xuyên bảo vệ trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2017-2020.

Điều 2. Sở Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện Đề án này trong nguồn ngân sách địa phương cấp tỉnh hàng năm và lập kế hoạch, chỉ tiêu giao cho các huyện, thành phố triển khai tổ chức thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Tư pháp; Thủ trưởng các sở, ban ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Quốc phòng;
- Cục Dân quân tự vệ - BQP;
- Bộ Tư lệnh Quân khu 5;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Phòng DQTV-QK5;
- Ban Pháp chế - HĐND tỉnh;
- Báo Quảng Ngãi, Đài PT-TH tỉnh;
- Ban Dân quân tự vệ (Bộ CHQS tnh);
- VPUB: PCVP (NC), TH, CBTH;
- Lưu: VT, NC (ttrung584)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng

 

ĐỀ ÁN

TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TRỰC THƯỜNG XUYÊN BẢO VỆ TRỤ SỞ ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2017-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 569/QĐ-UBND ngày 25/10/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Về tổ chức hành chính của tỉnh có 14 huyện, thành phố với 184 xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã); trong đó có 23 xã ven biển, 03 xã đảo, 70 xã miền núi, 09 phường, 09 thị trấn và 70 xã nội địa. Dân số hơn 1,3 triệu người, mật độ dân số phân bổ không đều, bình quân 258 người/Km2;

Về địa hình có 2/3 là diện tích rừng núi, độ cao bình quân 400 - 800m, có chiều dài bờ biển 130 km và Quốc lộ 1, đường sắt Bắc Nam dài 110 km chạy qua các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi; trụ sở làm việc của UBND cấp xã có 97,8% được xây dựng cơ bản. (còn 4 xã chưa xây dựng trụ sở làm việc: Ba Trang, Ba Liên, Ba Điền, huyện Ba Tơ; xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà).

2. Các thế lực thù địch luôn thực hiện âm mưu chiến lược “Diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ, lợi dụng những vấn đề “dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền”, về giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai để tuyên truyền xuyên tạc, kích động một số bộ phận nhân dân khiếu kiện, truyền đạo trái pháp luật để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lôi kéo một số bộ phận quần chúng nhân dân nhẹ dạ cả tin tổ chức biểu tình gây rối, bạo loạn gây mất ổn định an ninh chính trị ở một số địa phương, cơ sở.

3. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 26 tiểu đội Dân quân thường trực sẵn sàng chiến đấu thuộc 26 xã, thị trấn trọng điểm về quốc phòng - an ninh theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch UBND tỉnh; đã duy trì thực hiện chế độ trực 24/24 và tổ chức hoạt động có hiệu quả thiết thực. Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh còn lại trong giai đoạn 2010-2015 tổ chức lực lượng dân quân trực 12/24 bảo vệ trụ sở UBND đã mang lại kết quả thiết thực, tình trạng kẻ gian đột nhập vào trụ sở lấy trộm cơ sở vật chất, tài liệu, súng; tập trung người gây rối làm mất trật tự an ninh nông thôn đã giảm hẳn.

4. Hiện nay ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có trang bị súng, đạn để tại phòng làm việc của Ban Chỉ huy Quân sự và tài sản của Đảng, Nhà nước, nhân dân đóng góp, tài liệu để làm nhiệm vụ (có nội dung phải giữ bí mật) đều được quản lý tập trung tại trụ sở UBND cấp xã; nếu không tổ chức lực lượng trực 12/24, tuần tra canh gác nắm tình hình, báo cáo tình hình sẽ dẫn đến xử lý tình huống an ninh - chính trị không kịp thời và không bảo đảm an toàn mục tiêu trọng điểm cần bảo vệ của địa phương, cơ sở.

5. Để thực hiện thắng lợi quan điểm của Đảng về “Phát huy sức mạnh tại chỗ để chủ động, đủ sức tự xử lý thắng lợi các tình huống về Quốc phòng - an ninh xảy ra trên địa bàn; thực hiện xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh” theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, thì việc tổ chức lực lượng trực bảo vệ trụ sở UBND cấp xã là hết sức cần thiết, có tính cấp bách trước mắt và lâu dài. Đây là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan quân sự, công an và các ngành đoàn thể ở địa phương, cơ sở.

II. NHỮNG CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới;

2. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới;

3. Luật Dân quân tự vệ ngày 23/11/2009;

4. Nghị định số 03/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của luật dân quân tự vệ;

5. Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ quy định phối hợp của dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng;

6. Thông tư Liên tịch số 102/2010/TTLT-BQP-BLĐTB&XH-BNV-BTC ngày 02/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ và việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách công tác dân quân tự vệ;

7. Nghị quyết số 23/2016/NQ-HĐND ngày 30/9/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh (Khóa XII, Kỳ họp thứ 3) thông qua ngày 29/9/2016 về Đề án tổ chức lực lượng dân quân trực thường xuyên bảo vệ trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2017 - 2020.

III. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu

Tiếp tục tổ chức lực lượng dân quân trực 12/24 của 100% cấp xã trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu thường xuyên (trừ các xã, thị trấn trọng điểm về quốc phòng an ninh đã có biên chế Dân quân thường trực), nhằm nắm chắc tình hình, thông báo, báo cáo tình hình cho lãnh đạo, chỉ huy kịp thời, xử lý ngăn chặn mọi tình huống như kẻ gian đột nhập, cháy nổ, đối tượng quá kích gây rối an ninh trật tự, bảo vệ tài sản, vũ khí trang bị, tài liệu tại trụ sở UBND cấp xã, giữ vững sự ổn định về an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.

2. Yêu cầu:

a) Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XI “về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, Chỉ thị số 211/CT-BTL ngày 09/02/2010 của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Công văn số 2185-CV/TU ngày 06/4/2010 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về việc tổ chức lực lượng Dân quân trực bảo vệ trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ sâu rộng trong nhận thức trách nhiệm của cán bộ các cấp, các ngành đoàn thể và lực lượng DQTV đối với nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, giữ vững ổn định an ninh chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

b) Lực lượng Dân quân trực bảo vệ trụ sở UBND cấp xã phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, điều hành của Chủ tịch UBND cấp xã, chỉ huy trực tiếp của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã.

c) Nắm chắc chức năng, nhiệm vụ được giao để đề xuất làm tham mưu xử lý tình huống kịp thời và tổ chức thực hiện đúng pháp luật.

3. Một số giải pháp chủ yếu

a) Tổ chức lực lượng trực:

- Số lượng trực tại trụ sở UBND cấp xã: 1 tổ gồm 3 đồng chí.

- Thành phần ca trực:

+ Trực chỉ huy: 01 đồng chí (Chỉ huy trưởng; Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Trung đội trưởng Dân quân cơ động của xã luân phiên đảm nhiệm).

+ Lực lượng Dân quân luân phiên đảm nhiệm trực: 02 đồng chí (lấy lực lượng Dân quân đã qua chương trình huấn luyện năm thứ nhất trong trung đội Dân quân cơ động của xã luân phiên đảm nhiệm).

- Thời gian ca trực: 12/24 giờ (Từ 18h00 ngày hôm trước đến 6h00 ngày hôm sau).

b) Nhiệm vụ lực lượng trực:

- Thực hiện chế độ trực 12/24 giờ tại trụ sở UBND cấp xã có nhiệm vụ tuần tra, canh gác, nắm tình hình, thông báo, báo cáo tình hình; xây dựng phương án bảo vệ tài sản, vũ khí trang bị quản lý tại trụ sở UBND cấp xã; đề xuất sử dụng lực lượng đúng chức năng, nhiệm vụ.

- Chỉ huy trực căn cứ tình hình, quy định phạm vi, nội dung, tổ chức, phương pháp hoạt động nắm tình hình và các chế độ báo cáo của lực lượng thuộc quyền; đề xuất tham mưu xử lý kịp thời các tình huống an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo vệ an toàn trụ sở làm việc UBND cấp xã và xử lý phòng chống bão lụt, thiên tai, cứu nạn cứu hộ đạt hiệu quả.

- Tổng hợp tình hình kịp thời báo cáo cho Đảng ủy, UBND cấp xã và báo cáo cấp trên theo quy định; ghi chép nhật ký trong phiên trực và bàn giao ca trực đầy đủ, ký nhận.

c) Thời gian triển khai tổ chức lực lượng trực:

Từ năm 2017-2020 chỉ đạo toàn tỉnh tổ chức 100% = 158 xã, phường, thị trấn (trừ các xã trọng điểm QPAN đã có dân quân thường trực).

4. Chế độ chính sách cho lực lượng trực

Cán bộ, chiến sĩ Dân quân được phân công làm nhiệm vụ trực 12/24 bảo vệ trụ sở UBND cấp xã được hưởng chế độ chính sách theo quy định tại Khoản 2 Điều 47 Luật Dân quân tự vệ; Ủy ban nhân dân tỉnh quy định hỗ trợ cho cán bộ, chiến sỹ Dân quân trực 12/24 tại trụ sở UBND cấp xã thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh như sau:

- Được trợ cấp một đêm trực bằng 0,08 mức lương cơ sở.

- Trong thời gian làm nhiệm vụ bị ốm, bị tai nạn, bị chết, bị thương, hy sinh thực hiện theo quy định Điều 51 Luật dân quân tự vệ.

5. Kinh phí bảo đảm cho nhiệm vụ trực

a) Dự toán kinh phí bảo đảm:

- Dự toán kinh phí hỗ trợ trực đêm cho 03 đồng chí/đêm: 03 đ/c x (1.210.000đ x 0,08) x 01 đêm = 290.400 đồng.

- Dự toán kinh phí hỗ trợ trực đêm cho 01 xã trong 01 năm: 03 đ/c x (1.210.000đ x 0,08) x 365 đêm = 105.996.000 đồng.

- Kinh phí bảo đảm thực hiện Đề án trong một năm: 158 xã x 105.996.000 đ = 16.747.368.000 đồng.

b) Kinh phí bảo đảm thực hiện Đề án (giai đoạn 2017-2020):

16.747.368.000 x 03 năm = 50.242.104.000 đ

(Năm mươi tỷ, hai trăm bốn hai triệu, một trăm lẻ bốn ngàn đồng).

6. Nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện Đề án

Hàng năm sử dụng nguồn ngân sách địa phương, từ quỹ quốc phòng - an ninh và các nguồn thu hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thành phố khảo sát phân loại xã, phường, thị trấn theo nhu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, lập kế hoạch tổ chức lực lượng Dân quân trực 12/24 bảo vệ trụ sở UBND cấp xã theo chỉ tiêu tỉnh giao hàng năm. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của cấp xã, cấp huyện, hàng năm tổng hợp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan cấp trên.

Hằng năm, phối hợp với Sở Tài chính căn cứ Đề án lập dự toán ngân sách địa phương bảo đảm chi hỗ trợ cho lực lượng Dân quân trực bảo vệ trụ sở UBND cấp xã. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố triển khai tổ chức thực hiện.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hướng dẫn các địa phương, cơ sở sử dụng nguồn ngân sách địa phương chi hỗ trợ cho lực lượng Dân quân trực 12/24 bảo vệ trụ sở UBND cấp xã và thanh quyết toán hàng năm theo đúng quy định.

3. Các Sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình, chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc quyền và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt nội dung của Đề án.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh, xây dựng kế hoạch, quản lý, điều hành chỉ đạo triển khai tổ chức lực lượng Dân quân trực 12/24 bảo vệ trụ sở UBND cấp xã; hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Bộ Chỉ huy Quân sự tnh) để theo dõi chỉ đạo./.