Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 56/TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 1 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC TỔ CHỨC KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/1997)

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Điều 20 Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người có công ban hành ngày 29 tháng 8 năm 1994;
Căn cứ quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 24 tháng 4 năm 1996; sau khi thoả thuận với Ban thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Mở cuộc vận động kỷ niệm 50 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ ở các cấp, các ngành, các đơn vị trong cả nước một cách thiết thực, có tính quần chúng sâu rộng để ghi nhớ công lao của những người con đã hy sinh cống hiến vì nền độc lập - tự do của Tổ quốc, phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng.

Điều 2. Cuộc vận động nhằm đạt được các yêu cầu sau đây:

1. Tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác thương binh - liệt sĩ của Đảng, Nhà nước, toàn dân trong 50 năm qua.

2. Thông qua các hình thức tuyên truyền, biểu dương các địa phương, tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác thương binh - liệt sĩ; thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu; phổ biến những kinh nghiệm từ các phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng.

3. Tập trung giải quyết những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh:

- Vận động các ngành, các cấp và nhân dân tham gia phát hiện, tìm kiếm mộ liệt sĩ để tiến tới hoàn thành cơ bản việc quy tập mộ liệt sĩ. - Các ngành, đoàn thể, các địa phương soát xét và kết luận về người tham gia cách mạng bị thương, bị chết, hoặc mất tin, mất tích thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

4. Thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi đối với người có công, tổ chức khám chữa bệnh và điều dưỡng chu đáo các đối tượng chính sách. Đồng thời tiến hành kiểm tra, thanh tra uốn nắm, xử lý những vi phạm pháp luật về chính sách đối với người có công.

5. Vận động nhân dân, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức Xã hội, các đơn vị kinh tế tham gia đóng góp xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; xây dựng bia ghi tên liệt sĩ ở xã, phường, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ và tiếp tục đẩy mạnh các chương trình chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, giúp đỡ, kèm cặp hoặc đỡ đầu các cháu là con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh, anh hùng trong học tập và có việc làm ổn định.

Điều 3. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo, tổ chức thực hiện cuộc vận động, cần tiến hành ngay các công việc sau đây:

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đầy đủ các chế độ theo Pháp lệnh ưu đãi người có công và Pháp lệnh quy định danh hiệu Vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ bổ sung sửa đổi một số chế độ phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các Pháp lệnh.

2. Bộ Văn hoá và thông tin có trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động này; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể cuộc mít tinh kỷ niệm lần thứ 50 ngày Thương binh - Liệt sĩ tại Hà Nội và hướng dẫn các nội dung hoạt động thông tin tuyên truyền ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Viện thi đua và khen thưởng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo việc khen thưởng các địa phương, tập thể và cá nhân có nhiều công sức đóng góp cho công tác thương binh - liệt sĩ; khen thưởng những thương binh, gia đình liệt sĩ có thành tích xứng đáng trong lao động, sản xuất, công tác và học tập để trình Nhà nước quyết định vào dịp kỷ niệm.

4. Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức sơ kết về công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng kế hoạch thực hiện đến năm 2000 ở các quân khu, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trong cả nước.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm theo dõi chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ đối với học sinh, sinh viên thuộc đối tượng ưu đãi; phối hợp với các ngành, các đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi giúp các cháu trong học tập.

6. Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức chu đáo việc khám chữa bệnh, việc điều dưỡng đối với người có công.

7. Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo việc chăm sóc con liệt sĩ, con thương binh, con anh hùng với tinh thần ưu đãi người có công.

8. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức các hoạt động kỷ niệm phù hợp với tình hình của từng cấp.

9. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc đảm bảo kinh phí phục vụ cho hoạt động kỷ niệm này ở Trung ương và địa phương với tinh thần tiết kiệm, tránh phô trương lãng phí.

Điều 4. Thành lập Ban vận động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ ở Trung ương và địa phương theo Điểm 6 Chỉ thị 09-CT/TW ngày 14 tháng 12 năm 1996 của Bộ Chính trị.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban vận động kỷ niệm 50 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 56/TTg năm 1997 về việc tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 56/TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/01/1997
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản