Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 56/2008/QĐ-UBND | Vinh, ngày 26 tháng 9 năm 2008 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;
Căn cứ Công văn số 1057/BCT-CNĐP ngày 17/9/2007 của Bộ Công thương về Quy hoạch phát triển công nghiệp Nghệ An đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương Nghệ An tại Tờ trình số 284X/SCT- KH.TH ngày 07/7/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
- Phát triển công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, đưa Nghệ An trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của miền Trung, thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo và kém phát triển, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.
- Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; kết hợp chặt chẽ phát triển công nghiệp với bảo đảm quốc phòng, an ninh nhất là an ninh biên giới, khai thác thế mạnh phát triển kinh tế miền Tây, giảm thiểu khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
- Phát triển công nghiệp của tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam, gắn với phát triển công nghiệp của vùng Bắc Trung bộ.
- Gắn với sự phát triển của khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có trình độ cao; Coi trọng chất lượng tăng trưởng và giá trị tăng thêm của công nghiệp.
- Phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
2. Mục tiêu phát triển
- Tốc độ tăng trưởng GDP công nghiệp đạt bình quân 18 - 19%/năm giai đoạn 2006 - 2010; 15,5% giai đoạn 2011 - 2015 và 12,8% giai đoạn 2016 - 2020.
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt bình quân 25,9%/năm giai đoạn 2006 - 2010; 20,9% giai đoạn 2011 - 2015 và 19,5% giai đoạn 2016 - 2020.
- Năm 2010, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt 25,0%, năm 2015 đạt 26,9% và năm 2020 đạt 28,3%.
3. Định hướng phát triển
3.1. Định hướng tổng quát
- Phát triển công nghiệp theo phương châm phát huy nội lực, coi trọng và nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế, liên tỉnh, liên vùng và liên ngành.
- Đa dạng hoá sản phẩm công nghiệp; tập trung phát triển các ngành có thế mạnh là công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản và thực phẩm, công nghiệp sản xuất VLXD; đồng thời phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao như cơ khí chế tạo, thiết bị kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ thông tin, sản xuất vật liệu mới thay thế nhập khẩu.
- Tranh thủ phát triển nhanh, đồng thời đảm bảo lợi ích của người sản xuất công nghiệp và đảm bảo lợi ích ổn định của người sản xuất nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.
- Đa dạng hoá về quy mô và loại hình sản xuất công nghiệp: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống; Khuyến khích phát triển công nghiệp quy mô nhỏ và vừa.
- Phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp nhỏ gần nguồn nguyên liệu, đảm bảo giảm chi phí sản xuất, đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
3.2. Định hướng phát triển các ngành công nghiệp:
3.2.1. Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất VLXD
a) Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản
Đẩy mạnh khai thác đi liền với chế biến khoáng sản trên cơ sở thăm dò chi tiết trữ lượng các mỏ, nâng cao hệ số thu hồi trong các ngành khai thác và chế biến khoáng sản. Hoạt động công nghiệp khai thác đảm bảo gắn liền với các yếu tố về môi trường bền vững, các yếu tố kinh tế - xã hội của cả vùng dân cư.
- Khai thác thiếc: Duy trì năng lực khai thác và chế biến thiếc ở mức 1.500-2.000 tấn/năm. Chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại để bảo đảm không gây tác động tiêu cực đến môi trường.
- Khai thác và chế biến đá trắng: Giai đoạn 2006-2010: Nâng công suất các nhà máy khai thác và nghiền đá trắng mịn lên 500.000 tấn/năm.
Giai đoạn 2010-2020: Nâng công suất và xây dựng thêm một số nhà máy khai thác và chế biến đá trắng để đến năm 2020 đạt sản lượng 3 triệu tấn/năm.
b) Sản xuất vật liệu xây dựng:
Phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh; Trước mắt, phải đáp ứng được nhu cầu của tỉnh và vùng cả về số lượng và chủng loại các vật liệu xây dựng chủ yếu, vật liệu xây dựng truyền thống. Khuyến khích phát triển các sản phẩm mới, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại tiến tới xuất khẩu các sản phẩm có tiềm năng lớn là xi măng, đá trắng, đá bazan, đá ốp lát các loại,...
Dự báo công nghiệp chế biến vật liệu xây dựng chiếm 36% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp vào năm 2010 và chiếm 44% vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm cả thời kỳ 2006-2020 là 17-18%.
c) Phương hướng phát triển một số sản phẩm như sau:
- Xi măng
Giai đoạn 2006-2010: Tập trung khai thác tốt công suất của Nhà máy xi măng Hoàng Mai; hoàn thành Nhà máy xi măng Đô Lương giai đoạn 1 với công suất 900.000 tấn /năm. Khảo sát và kêu gọi đầu tư các nhà máy tại Anh Sơn, Tân Kỳ, Tân Thắng. Đầu tư chuyển đổi công nghệ, nâng công suất hai Nhà máy xi măng 12/9 và 19/5 Anh Sơn. Thu hút, kêu gọi đầu tư nhà máy sản xuất xi măng trắng tại KCN Nam Cấm hoặc Hoàng Mai.
Giai đoạn 2011-2020: Nâng công suất Nhà máy xi măng Hoàng Mai lên 2, 8 triệu tấn/năm, Đô Lương lên 3 triệu tấn/năm, Anh Sơn lên 3 triệu tấn/năm, Tân Kỳ lên 2 triệu tấn/năm, để hình thành các trung tâm công nghiệp sản xuất xi măng tại Hoàng Mai, Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu với tổng công suất 12-15 triệu tấn.
- Sản xuất đá granít tự nhiên và nhân tạo
Giai đoạn 2006G-2010, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến đá gra -nít ở Tân Kỳ, công suất 1 triệu m2/năm. Sau năm 2010, kêu gọi đầu tư các nhà máy ở khu công nghiệp Anh Sơn, Phủ Quỳ, Tương Dương.
Sản xuất đá granít nhân tạo: Giai đoạn 2006-2010 nâng công suất Nhà máy gạch gra -nít Trung Đô lên 3 triệu m2/năm; đầu tư xây dựng thêm nhà máy gạch ốp lát tại KCN Nam Cấm với công suất 400.000 m2/năm và sau năm 2010, nâng công suất của nhà máy này lên 1 triệu m2/năm.
- Sản xuất vật liệu nhựa xây dựng và bê tông đúc sẵn
Sau năm 2010, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu nhựa xây dựng với công suất 2.000 tấn/năm tại KCN Phủ Quỳ; các nhà máy sản xuất bê tông đúc sẵn công suất 4.000 m3/năm tại Hoàng Mai, Đô Lương, Anh Sơn.
- Sản xuất gạch nung các loại
Mục tiêu đến năm 2010 trên địa bàn Nghệ An không còn gạch thủ công. Đầu tư nâng công suất Nhà máy gạch tuy -nen Đô Lương và Thanh Ngọc (Thanh Chương) đạt công suất 40 triệu viên/năm. Xây dựng các dây chuyền sản xuất gạch không nung tại các KCN Nam Cấm, Phủ Quỳ và Hoàng Mai với công suất 15 triệu viên/năm, các dây chuyền sản xuất gạch công suất 10 triệu viên/năm tại các huyện miền núi. Đầu tư xây dựng Nhà máy gạch chịu nhiệt Hoàng Mai công suất 20 triệu viên/năm. Xây dựng một số dây chuyền sản xuất gạch có công suất 1-2 triệu viên/năm tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhu cầu xây dựng tại chỗ. Công suất sản xuất gạch đến năm 2010 khoảng 500-600 triệu viên, đến năm 2020 khoảng 1-1,5 tỷ viên.
- Vật liệu lợp
Duy trì việc sản xuất ngói nung tại các huyện và các nhà máy gạch tuy -nen, đầu tư nghiên cứu công nghệ từng bước thay thế lò nung thủ công. Tiến hành thăm dò đánh giá trữ lượng chất lượng nguyên liệu đất sét trên địa bàn tỉnh để có phương án mở rộng sản xuất. Đầu tư xây dựng Nhà máy tấm lợp tôn màu ở KCN Hoàng Mai công suất 2 triệu m2/năm; đầu tư một số cơ sở sản xuất ngói xi măng các loại hoặc tấm lợp lượn sóng phục vụ nhu cầu về tấm lợp cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa.
3.2.2. Công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản, thực phẩm
Tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản, thực phẩm phục vụ nhu cầu tại chỗ, nhu cầu nội địa cao cấp cho các thành phố lớn, các khu kinh tế, khu công nghiệp và xuất khẩu. Tận dụng tối đa các phụ phẩm, phế liệu làm thêm các sản phẩm mới nhằm tăng giá trị sản xuất kinh doanh như chế biến thức ăn gia súc, bột cá, phân bón các loại, cồn...
Nâng tỷ trọng GTTT của ngành chế biến nông - lâm - thuỷ sản trong giá trị gia tăng ngành công nghiệp lên 29% vào năm 2010 và 32% vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng bình quân cả thời kỳ 2006-2020 đạt 16-17%.
Định hướng phát triển một số phân ngành chế biến chủ yếu như sau:
a) Sản xuất đường và các sản phẩm sau đường
Giai đoạn 2006- 2010: Phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo các nhà máy đường sản xuất 170.000-180.000 tấn đường vào năm 2010.
Giai đoạn 2011- 2020: ổn định số lượng các nhà máy hiện có. Mở rộng, nâng công suất để sản lượng đường sản xuất toàn tỉnh đạt 270.000 tấn đường vào năm 2020.
Nâng công suất hai cơ sở sản xuất cồn tại Tân Kỳ và Anh Sơn để đạt sản lượng 3 triệu tấn/năm. Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cồn tại Quỳ Hợp hoặc Nghĩa Đàn với công suất dự kiến trên 10 triệu lít/năm.
b) Chế biến chè
Cân đối vùng nguyên liệu để xây dựng các cơ sở chế biến tại các vùng trồng chè tập trung với công nghệ hiện đại, sản xuất ra các loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu (chủ yếu là chè xanh và chè đen), đảm bảo chế biến 12.000 tấn chè vào năm 2010 và 24.000 - 25.000 tấn chè vào năm 2020.
c) Chế biến cà phê hoà tan
Đi đối với việc mở rộng và ổn định diện tích cà phê chè ở vùng Phủ Quỳ, sau năm 2010 xây dựng 01 nhà máy chế biến cà phê hoà tan với công suất 5.000-6.000 tấn ở KCN Phủ Quỳ.
d) Chế biến dứa và một số loại quả khác ổn định và phát huy năng lực sản xuất của Nhà máy nước dứa cô đặc tại Quỳnh Lưu, tiến tới đầu tư nâng công suất lên 10.000 tấn/năm. Đầu tư xây dựng thêm 01 nhà máy tại Tân Kỳ với công suất 10.000 tấn/năm trong giai đoạn sau 2010. Quy hoạch chế biến nước hoa quả tại vùng Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn sau 2010 đạt 10.000 tấn/năm.
e) Chế biến sữa và thịt
Phát huy hết công suất 15 triệu lít/năm của Nhà máy sữa Vinamilk tại Cửa Lò, tiến tới đầu tư nâng công suất nhà máy lên 30 triệu lít/năm.
Khai thác tối đa công suất nhà máy chế biến thịt đông lạnh hiện có (công suất 5.000 tấn SP/năm); sau 2010 kêu gọi đầu tư xây dựng thêm cơ sở chế biến thịt đông lạnh, thịt hộp ở KCN Nam Cấm, hoặc khu công nghiệp Phủ Quỳ, Anh Sơn.
f) Sản xuất giấy và bột giấy
Tạo vùng nguyên liệu ổn định, trong giai đoạn 2006-2010 kêu gọi đầu tư nhà máy bột giấy tại Thanh Chương, hoặc KCN Hoàng Mai, công suất 130.000 tấn/năm, sau năm 2010 đầu tư khép kín thành nhà máy sản xuất giấy.
g) Chế biến các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, gỗ ván ép
Xây dựng mới một nhà máy sản xuất ván ép thanh tại Anh Sơn công suất 40.000 m3/năm. Nâng công suất các cơ sở chế biến đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu; từng bước kêu gọi đầu tư để hình thành cụm công nghiệp sản xuất các sản phẩm đồ gỗ cao cấp, gỗ mỹ nghệ xuất khẩu tại Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Thanh Chương.
h) Chế biến thuỷ sản
Tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu tại Nhà máy chế biến 38A (Cửa Hội) và 38B (Quỳnh Lưu). Giai đoạn 2006 - 2010, xúc tiến kêu gọi đầu tư mới 01 nhà máy chế biến thuỷ hải sản chất lượng cao tại KCN Nam Cấm (hoặc Hoàng Mai) công suất 5.000 tấn/năm nhằm tận dụng tốt nguồn nguyên liệu tại các huyện ven biển. Sau năm 2010, chủ yếu nâng công suất các cơ sở chế biến đã có.
Xây dựng các cụm chế biến ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò để phát huy hiệu quả sản xuất ngành thuỷ sản, đa dạng hoá sản phẩm chế biến.
Chú trọng phát triển chế biến xuất khẩu thuỷ sản, thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2020, sản phẩm chế biến xuất khẩu đạt 45-50 triệu USD.
i) Sản xuất đồ uống
- Bia: Xây dựng, đưa vào hoạt động nhà máy Bia tại Khu công nghiệp Nam Cấm, giai đoạn 1 công suất 50 triệu lít/năm, giai đoạn 2 nâng công suất lên 150 triệu lít/năm; Xây dựng đưa vào hoạt động nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam tại Rú Mượu - Hưng Nguyên công suất 100 triệu lít/năm, sau năm 2010 nâng công suất lên 150 triệu lít/năm.
- Rượu: Kêu gọi đầu tư xây dựng 01 nhà máy sản xuất rượu đóng chai, phục vụ cho thị trường nội địa và tiến tới xuất khẩu.
- Nước khoáng và nước tinh khiết: Phát huy công suất của Nhà máy nước khoáng Thiên An 5 triệu lít/năm, xây dựng các nhà máy sản xuất tại Đô Lương (nước khoáng Giang Sơn) công suất 5 triệu lít/năm và các nhà máy nước tinh khiết tại một số địa phương như Vinh, Quỳnh Lưu.
3.2.3. Công nghiệp cơ khí, hoá dầu và công nghiệp công nghệ cao
- Công nghiệp cơ khí: Phát triển ngành công nghiệp cơ khí nhằm mục tiêu phục vụ tốt nhu cầu phát triển sản xuất của các ngành công nghiệp có ưu thế của tỉnh như: sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm thuỷ sản và phục vụ công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn trong tỉnh và vùng Bắc Trung bộ. Mục tiêu đến năm 2020 ngành này chiếm tỷ trọng 4% GTTT công nghiệp.
Trên cơ sở nhà máy sửa chữa toa xe đường sắt đã có, tiến tới xây dựng cơ sở đóng mới toa xe. Xây dựng, hình thành trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng các loại xe hơi cho cả vùng. Phát huy tối đa công suất và từng bước hiện đại hoá dây chuyền nhà máy lắp ráp ô tô tải; kêu gọi đầu tư với công nghệ hiện đại tiến tới sản xuất hoàn ch ỉn h sản phẩ m đ ể đ ạt sản lượn g 25.0 00 ch iếc v ào nă m 20 20. Xây dựng nhà máy sản xuất máy nông nghiệp có quy mô vùng; xây dựng cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, từng bước hình thành và phát triển ngành đóng tàu (tập trung ở Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và một số khu vực ven biển).
- Công nghiệp công nghệ cao:
Kêu gọi đầu tư sản xuất các loại thiết bị điện, điện tử, tin học, viễn thông, sản xuất và lắp ráp phần cứng máy tính cá nhân, sản xuất phần mềm máy vi tính ở Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và thành phố Vinh. Chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng để đến năm 2020, công nghiệp CNTT trở thành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, có tốc độ tăng trưởng cao, tiến tới xuất khẩu phần cứng và phần mềm máy tính.
- Công nghiệp hoá dầu: Phát triển công nghiệp hoá dầu vùng Quỳnh Lưu.
3.2.4. Công nghiệp dệt may, da giày
Kêu gọi đầu tư hình thành trung tâm công nghiệp dệt may tại khu kinh tế Đông Nam đạt quy mô cấp vùng Bắc Trung bộ. Giai đoạn I quy mô 1.000 công nhân, giai đoạn II 5.000 công nhân; từng bước hình thành cụm dệt may tại thành phố Vinh và các huyện phụ cận. Đến năm 2020 công nghiệp dệt may chiếm tỷ trọng 4% tổng giá trị gia tăng ngành công nghiệp.
Dự báo năm 2010, giá trị sản xuất ngành dệt may đạt 480 tỷ đồng, năm 2015 đạt 872 tỷ đồng, năm 2020 đạt 1.647 tỷ đồng chiếm tỷ trọng tương ứng là 3,95%, 2,78% và 2,16%. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2006 - 2010 là 20,24%; giai đoạn 2010 - 2015 là 12,68% và giai đoạn 2015-2020 là 13,57%.
3.2.5. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước
a) Điện
- Ưu tiên phát triển thuỷ điện để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh, kết hợp với phát triển thuỷ điện nhỏ, các nguồn năng lượng khác để cung cấp điện tại chỗ cho dân cư tại các vùng sâu, vùng xa, vùng chưa có điện lưới. Phấn đấu đến năm 2010 hoàn thành xây dựng các nhà máy thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Hủa Na, Sao Va, Bản Cốc, Nhãn Hạc,... đạt tổng công suất 750 MW, sản lượng dự kiến 1, 6 tỷ KWh. Sau năm 2010 khảo sát xây dựng thêm một số nhà máy, nâng tổng công suất vào năm 2020 là 1.300 MW, sản lượng 3, 0 tỷ KWh.
- Xây dựng trung tâm nhiệt điện công suất 2.400 MW, tại Đông Hồi, Quỳnh Lưu.
b) Nước
Đảm bảo nhu cầu nước máy cho khu vực đô thị đạt 35-45 triệu m3 vào năm 2010 và 80-100 triệu m3 vào năm 2020, khu vực nông thôn 3 triệu m3 vào năm 2010 và 30 triệu m3 vào năm 2020. Đầu tư xây dựng các nhà máy cấp nước đạt công suất đến năm 2010 là 120.000-150.000 m3/ngày đêm, năm 2020 là 300.000-350.000 m3/ngày đêm.
4. Chính sách và giải pháp tổng thể
4.1. Giải pháp về vốn và khuyến khích ưu đãi đầu tư
Dự kiến tổng mức vốn đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời kỳ 2006-2020 là 80.413 tỷ đồng. Nguồn vốn tích lũy GDP để phát triển công nghiệp trong thời kỳ này chỉ đáp ứng được khoảng 6-7% nhu cầu về vốn. Số vốn thiếu hụt còn lại sẽ được bổ sung bằng các nguồn vốn: vốn ODA, vốn tín dụng, vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài. Khuyến khích thành lập các quỹ: Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ phát triển KHCN; Quỹ khuyến công,...
Vốn của Nhà nước tập trung đầu tư chủ yếu vào xây dựng kết cấu hạ tầng là chính, ưu tiên cho việc phát triển nguồn nhân lực và đầu tư nghiên cứu đổi mới khoa học công nghệ. Tập trung cao nguồn vốn NSNN đầu tư để đến năm 2010 hoàn thành các công trình hạ tầng chủ yếu, đảm bảo thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vốn tích lũy của các doanh nghiệp và vốn vay tập trung cho đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, một phần dùng xây dựng hạ tầng cơ sở. Vốn đầu tư trong nước và nước ngoài của các chủ đầu tư tập trung cho các ngành công nghiệp ưu tiên của tỉnh.
- Áp dụng chính sách tạo vốn đầu tư bằng cách thuê mướn tài chính, nhất là thuê mướn tài chính của các tổ chức nước ngoài.
- Tham gia thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp trong tỉnh để có điều kiện huy động thêm nguồn vốn dài hạn.
4.2. Giải pháp về công nghệ
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao của công nghiệp theo quy hoạch đã đề ra, đến năm 2010 tập trung giải quyết tốt vấn đề công nghệ. Hướng chính là hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường.
Đối với các dự án đầu tư nước ngoài cần cân nhắc áp dụng công nghệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển, không nhập khẩu công nghệ và thiết bị đã lạc hậu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, không ngừng tích lũy để tiếp tục tái sản xuất mở rộng. Tập trung đổi mới công nghệ và đưa nghiên cứu khoa học vào phục vụ sản xuất trước hết là các ngành công nghiệp có thế mạnh của địa phương là khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm thuỷ hải sản, thực phẩm, sản xuất VLXD... Ưu tiên vay vốn ưu đãi để các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ.
4.3. Giải pháp về bảo vệ môi trường.
- Tiến hành sớm việc đánh giá hiện trạng môi trường đối với các khu công nghiệp hiện có, các cơ sở sản xuất bao gồm: đánh giá lượng ô nhiễm do khí thải công nghiệp, khí thải của xe cộ, chất thải rắn, nước thải, hoá chất…
- Đánh giá tác động đến môi trường của tất cả các nhà máy sẽ xây dựng, nhất là đối với những nhà máy đã được cấp giấy phép đầu tư xây dựng nhưng chưa có đánh giá tác động môi trường.
- Kiểm kê các nguồn gây ô nhiễm chính trong công nghiệp (cả quốc doanh lẫn ngoài quốc doanh), định kỳ quan trắc, phân tích thành phần các chất thải độc hại. Hỗ trợ kỹ thuật cho công tác quan trắc, thanh tra và quản lý môi trường.
4.4. Giải pháp về thị trường và phát triển kinh tế nhiều thành phần
- Phát triển thị trường trong tỉnh gắn với thị trường ngoài tỉnh, đồng thời đẩy mạnh việc xúc tiến thị trường xuất khẩu. Đối với các sản phẩm đã có thị trường cần giữ vững và mở rộng thêm thị trường mới, đối với sản phẩm chưa có thị trường cần tích cực tìm kiếm và phối hợp nhiều hình thức như quảng cáo, tham gia hội chợ, giới thiệu trên trang Web ....
- Phải coi trọng và đáp ứng tốt thị trường nội tỉnh. Để làm tốt giải pháp này cần có chính sách hỗ trợ thị trường nông thôn, thị trường này còn chưa được khai thác nhiều do sức mua còn hạn chế.
- Để xúc tiến xuất khẩu cần đổi mới công nghệ sản xuất ở các doanh nghiệp hiện có đồng thời trong đầu tư mới cần quan tâm đến nhập khẩu công nghệ hiện đại để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
- Nâng cao khả năng tiếp thị của các doanh nghiệp hiện có.
4.5. Giải pháp về phát triển vùng nguyên liệu
Tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa nông dân và nhà máy, giữa trồng trọt và chế biến trong các tổ chức nhằm điều hòa lợi ích hợp lý giữa các phía, hỗ trợ các vùng sâu, vùng xa nhiều hơn ở các vùng có điều kiện thuận lợi. Khuyến khích người sản xuất nguyên liệu góp vốn (hoặc đóng cổ phần) với nhà máy. Từ đó tạo được vùng nguyên liệu ổn định vững chắc đảm bảo cho nhà máy hoạt động hết công suất.
Các nhà máy phải có bộ phận nông vụ đủ mạnh để chuyên lo về nguyên liệu. Hướng dẫn nông dân trong việc chọn giống, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật thu hái và sơ chế, bảo quản, vận chuyển sau thu hoạch để nâng cao chất lượng nguyên liệu.
4.6. Giải pháp về nguồn nhân lực
Đào tạo nguồn nhân lực giữ vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đào tạo nguồn nhân lực vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa lâu dài. Đào tạo nghề phải tăng nhanh về cả quy mô, chất lượng, hiệu quả và tạo ra cơ cấu lao động hợp lý cho các thời kỳ phát triển công nghiệp, ưu tiên đào tạo trước mắt cho các ngành then chốt. Song song với việc đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho lao động công nghiệp và dịch vụ cần phải chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông lâm hải sản và các làng nghề truyền thống.
Thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề nhằm thu hút mọi nguồn lực cho các hoạt động đào tạo nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, các loại hình trường lớp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm. Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động chưa có việc làm, tạo việc làm mới cho người lao động mất việc làm trong quá trình sắp xếp lại lao động.
4.7. Giải pháp về tổ chức quản lý
Từng bước tổ chức sản xuất công nghiệp trên địa bàn theo các loại hình công nghiệp hợp tác chặt chẽ với nhau: Loại hình công nghiệp chủ đạo, loại hình công nghiệp vệ tinh và loại hình tiểu thủ công nghiệp.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng, Tài chính; Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam; Liên minh các HTX tỉnh Nghệ An; UBND các huyện, thành, thị và các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức công bố quy hoạch phát triển công nghiệp Nghệ An đến năm 2020 và thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 59/2011/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2025 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 2Quyết định 63/QĐ-UBND năm 2013 bổ sung danh mục đầu tư cơ sở sản xuất gạch vào Quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030
- 3Quyết định 2286/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn từ nay đến năm 2020, có xét đến năm 2025
- 4Quyết định 809/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Quyết định 59/2011/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2025 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 4Quyết định 63/QĐ-UBND năm 2013 bổ sung danh mục đầu tư cơ sở sản xuất gạch vào Quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030
- 5Quyết định 2286/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn từ nay đến năm 2020, có xét đến năm 2025
- 6Quyết định 809/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Quyết định 56/2008/QĐ-UBND quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 do tỉnh Nghệ An ban hành
- Số hiệu: 56/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/09/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Người ký: Hồ Đức Phớc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/10/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra