Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5597/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 15 tháng 8 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH SIÊU THỊ ĐẶC SẢN VÀ SẢN PHẨM THỦ CÔNG - MỸ NGHỆ TRUYỀN THỐNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG VÀ KHU VỰC MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Thỏa thuận tài trợ số 04/VPBCĐWTO-TTTT ngày 18/10/2011 đã ký giữa Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO và UBND thành phố Đà Nẵng (Sở Công Thương);

Căn cứ Quyết định số 8348/QĐ-UBND ngày 26/9/2011của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt Tài liệu thiết kế dự án thành phần (Văn kiện dự án) “Tăng cường năng lực cho Trung tâm WTO của Đà Nẵng nhằm hỗ trợ cho quá trình hội nhập tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận”;

Căn cứ Quyết định 10344/QĐ-UBND ngày 02/12/2011của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt Kế hoạch đấu thầu Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường năng lực cho Trung tâm WTO của Đà Nẵng nhằm hỗ trợ cho quá trình hội nhập tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương thành phố tại Tờ trình số 1108/TTr-SCT ngày 11/8/2013 và của Chánh Văn phòng UBND thành phố,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển mô hình siêu thị đặc sản và sản phẩm thủ công - mỹ nghệ truyền thống thành phố Đà Nẵng và khu vực Miền Trung Tây Nguyên” với những nội dung chính như sau:

I. Quan điểm, mục tiêu

1. Quan điểm

- Thống nhất quan điểm nhận thức, xác định hoạt động thương mại dịch vụ và sản xuất thủ công – mỹ nghệ truyền thống có vai trò rất quan trọng, tác động lớn đến phát triển sản xuất, bảo đảm tiêu dùng, tạo công ăn việc làm và an sinh xã hội.

- Huy động hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả các hộ kinh doanh thương mại dịch vụ, sản xuất hàng thủ công – mỹ nghệ truyền thống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, mở rộng, lan tỏa đến các địa phương khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

2. Mục tiêu tổng quát

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh TMDV và TC-MN truyền thống tồn tại vững chắc trong bối cảnh thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; chiếm lĩnh tốt thị trường khách du lịch. Thị phần của thương mại dịch vụ truyền thống được duy trì; Tạo công ăn việc làm trong ngành TMDV truyền thống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

3. Mục tiêu cụ thể

Xây dựng mô hình siêu thị đặc sản và sản phẩm thủ công - mỹ nghệ truyền thống thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung Tây Nguyên, dưới đây tạm gọi là Trung tâm giới thiệu và phân phối sản phẩm truyền thống (TTGT&PP SPTT).

II. Các nội dung cơ bản của Đề án

1. Mô hình pháp lý của Trung tâm

- Thành lập các pháp nhân theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh - BCC (Các bên tham gia thành lập Ban Điều phối để điều hành hợp đồng. Ban Điều phối có chức năng tương tự như Hội đồng quản trị của công ty liên doanh; Quy chế hoạt động của Ban Điều phối được nêu rõ trong hợp đồng hợp tác kinh doanh); hoặc mô hình Hợp tác công tư (PPP).

- Thời hạn hoạt động của Trung tâm GT&PP SPTT: 10 – 15 năm tùy theo tính toán của các chủ đầu tư về vốn, khả năng thu hồi vốn.

2. Quy mô ngành nghề kinh doanh tại Trung tâm: Gồm các khu chức năng:

- Khu kinh doanh các sản phẩm đặc sản, thủ công- mỹ nghệ truyền thống (áp dụng phương thức bán hàng thanh toán tập trung) gồm:

+ Các gian hàng bán hàng đặc sản và hàng thủ công – mỹ nghệ

+ Khu trò chơi dân gian, nghề dân gian, triển lãm tranh, tượng ngoài trời

+ Khu sản xuất mẫu, sản xuất thử nghiệm và sản xuất cung cấp trực tiếp cho theo yêu cầu của khách hàng

- Khu kinh doanh các dịch vụ phụ trợ gồm:

+ Nhà hàng ăn uống, giải khát.

+ Quầy dịch vụ du lịch (quầy đặt vé du lịch, vé máy bay, quầy đổi tiền ngân hàng...)

+ Khu thư giãn và chăm sóc sức khỏe (dịch vụ mát xa, trạm y tế...)

3. Địa điểm thành lập Trung tâm:

Địa điểm thành lập Trung tâm cần đáp ứng các tiêu chí cơ bản sau:

- Đáp ứng các điều kiện về môi trường phù hợp cho đặc điểm của hoạt động du lịch.

- Nằm trong chuỗi liên kết với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nhằm tạo chuỗi bán lẻ lớn trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

- Thuận tiện về mặt hạ tầng - đường xá, có bãi đỗ xe du lịch, mạng lưới giao thông xung quanh cơ sở cũng phải đảm bảo cho việc ra vào của xe.

- Chi phí thuê mặt bằng và địa điểm phù hợp với khả năng đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, bán lẻ các sản phẩm đặc sản, thủ công mỹ nghệ truyền thống, góp phần hạ thấp chi phí lưu thông - bán hàng; bảo đảm giá cả hàng hóa - dịch vụ hấp dẫn đối với khách du lịch.

Các phương án lựa chọn địa điểm

(1) Giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2025:

Nghiên cứu sử dụng một phần diện tích Trung tâm Hội chợ - Triển lãm thành phố Đà Nẵng tại số 9 đường Cách Mạng Tháng Tám, Quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng.

Việc sử dụng mặt bằng của Trung tâm Hội chợ Triển lãm phải đáp ứng yêu cầu: Không ảnh hưởng nhiều đến việc tổ chức các sự kiện, hội chợ tổ chức tại Trung tâm – công năng chính của Trung tâm Hội chợ Triển lãm thành phố; xã hội hóa nguồn vốn đầu tư thành lập Trung tâm GT&PPSPTT, không sử dụng vốn từ ngân sách thành phố, song vẫn đảm bảo duy trì sự tham gia quản lý, điều hành trực tiếp của Nhà nước (thông qua Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ) đối với Trung tâm GT&PPSPTT.

(2) Giai đoạn sau năm 2025:

Tùy theo khả năng và tình hình triển khai thực tế, có thể lựa chọn địa điểm khác để mở rộng đầu tư, xây dựng cơ sở mới dựa trên các nguồn lực sẵn có và khả năng bố trí mặt bằng của thành phố, trong đó ưu tiên một địa điểm nằm trên trục đường Đông – Tây từ Đà Nẵng đi Bà Nà; hoặc địa điểm cạnh Khu du lịch Bà Nà; hoặc một địa điểm tại bán đảo Sơn Trà.

4. Một số giải pháp để triển khai thực hiện Đề án

4.1. Giải pháp về chính sách hỗ trợ và sự tham gia của chính quyền thành phố trong việc tổ chức, vận hành Trung tâm GT&PPSPTT

- Chính sách ưu đãi và ổn định về tiền thuê đất, thuê mặt bằng.

- Cơ chế kiểm soát về chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

- Chính sách ưu đãi về giá các dịch vụ công cộng bằng với mức giá cho cơ quan hành chính sự nghiệp.

- Ưu đãi về thuế: Thực hiện chế độ miễn, giảm thuế thu nhập Doanh nghiệp cho doanh nghiệp đầu tư, cải tạo hạ tầng cho Trung tâm như chính sách đầu tư chợ loại 1; miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh hàng hóa trong Trung tâm theo quy định chung; hỗ trợ các điều kiện cần thiết về thủ tục, chính sách để áp dụng chế độ hoàn thuế VAT cho hàng hóa khách du lịch quốc tế mua sắm tại Trung tâm theo quy định của Nhà nước.

4.2. Giải pháp về lựa chọn nhà đầu tư

Nhà đầu tư được lựa chọn cần đáp ứng các tiêu chí cơ bản sau (trong giai đoạn 2013 – 2025):

- Kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự trong lĩnh vực phục vụ khách du lịch, ăn uống dịch vụ hoặc bán lẻ;

- Năng lực tài chính, năng lực nhân sự;

- Có quan hệ tốt và sâu rộng đối với các hãng lữ hành, các cơ sở lưu trú.

Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện như hình thức tuyển chọn nhà thầu của dự án Hợp tác Công tư (PPP).

4.3. Giải pháp về công nghệ quản lý, điều hành áp dụng tại Trung tâm GT&PPSPTT

- Áp dụng hệ thống kiểm soát, giám sát chất lượng và xuất xứ hàng hóa theo cam kết của các chủ hàng và hệ thống theo dõi, giám sát thường xuyên của Trung tâm GT&PPSPTT;

- Áp dụng hệ thống thanh toán tập trung, thanh toán sử dụng POS phục vụ yêu cầu kiểm soát chất lượng hàng hóa, bán đúng giá niêm yết, hàng TCMN truyền thống có xuất xứ rõ ràng, hàng nhập khẩu vào Trung tâm; tạo thuận lợi cho việc thực hiện các chính sách như hoàn thuế VAT cho khách du lịch quốc tế, thanh toán – đặt hàng điện tử…nhằm hấp dẫn du khách;

- Thiết kế nhà trưng bày theo mẫu quy định không ảnh hưởng đến cảnh quan chung của Trung tâm Hội chợ Triển lãm Đà Nẵng;

- Các hoạt động của Trung tâm GT&PP SPTT đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và cảnh quan chung của khu vực.

5. Lộ trình và phân công tổ chức thực hiện Đề án

5.1. Lộ trình thực hiện Đề án

a. Giai đoạn 2013 – 2020

(1) Xác định chủ trương đầu tư: Sở Công Thương tham vấn các ban, ngành có liên quan soạn thảo và trình xin chủ trương của UBND thành phố các vấn đề sau:

- Xác định rõ ranh giới, quy mô diện tích trong khu Trung tâm Hội chợ- Triển lãm Đà Nẵng được sử dụng để thành lập Trung tâm GT&PPSPTT

- Đề xuất cơ chế về định giá thuê mặt bằng.

- Xác định danh mục các ngành nghề, dịch vụ được phép kinh doanh trong Trung tâm GT&PP SPTT.

- Các chính sách hỗ trợ đối với những hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia kinh doanh trong Trung tâm (về giá dịch vụ hạ tầng, thuế…)

- Các công nghệ quản lý, bán hàng hiện đại cần áp dụng trong Trung tâm GT&PP SPTT

(2) Tìm kiếm, kêu gọi nhà đầu tư

Sau khi có chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Công Thương chỉ đạo Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng tìm kiếm và lựa chọn đối tác phù hợp, căn cứ vào các định hướng chính của UBND thành phố đối với Trung tâm GT&PP SPTT; các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam về đầu tư; năng lực, kinh nghiệm của đối tác đầu tư, căn cứ tiêu chí lựa chọn Nhà đầu tư nêu tại khoản 4.2 Điều này.

(3) Triển khai dự án đầu tư

- Đàm phán, ký kết Hợp đồng liên doanh hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh

- Đăng ký Kinh doanh hoặc xin cấp Giấy Chứng nhận Đầu tư

- Góp vốn

- Triển khai hoạt động

b. Giai đoạn sau năm 2025

Giai đoạn sau năm 2025, tùy theo khả năng và tình hình, Trung tâm GT&PP SPTT có thể lựa chọn địa điểm khác để mở rộng đầu tư hoặc xây dựng cơ sở mới dựa trên các nguồn lực sẵn có (vốn, công nghệ của Trung tâm) và khả năng bố trí mặt bằng của chính quyền thành phố.

5.2. Trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành và UBND các quận, huyện

a. UBND thành phố

- Văn bản chấp thuận về mặt chủ trương cho Công ty Quản lý Hội chợ Triển lãm và các Chợ Đà Nẵng được tìm kiếm đối tác liên kết, liên doanh triển khai thực hiện mô hình Trung tâm GT&PP SPTT.

- Cấp Giấy Chứng nhận đầu tư cho Dự án Trung tâm GT&PPSPTT với các điều kiện ưu đãi theo quy định của Luật Đầu tư và quy định pháp luật hiện hành liên quan.

- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trong việc tạo các điều kiện thuận lợi cho dự án.

b. Sở Công Thương

- Chỉ đạo và hướng dẫn Công ty Quản lý Hội chợ Triển lãm và các Chợ triển khai thực hiện Đề án.

- Chỉ đạo Công ty Quản lý Hội chợ Triển lãm và các chợ tìm kiếm nhà đầu tư, vận hành Trung tâm GT&PPSPTT, đàm phán Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

- Phối hợp với các ban, ngành và UBND cấp quận, huyện trong việc vận động các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm và dịch vụ truyền thống tham gia vào Trung tâm GT&PP SPTT;

c. Công ty Quản lý Hội chợ Triển lãm và các chợ Đà Nẵng: Là đối tác chính của nhà đầu tư trong triển khai Đề án (giai đoạn 2013 – 2025) và đóng vai trò đại diện chính quyền thành phố trong việc điều hành Trung tâm. Công ty trực tiếp tìm kiếm đối tác có năng lực, kinh nghiệm để tham gia đầu tư, vận hành Trung tâm GT&PP SPTT; cử cán bộ có năng lực tham gia đàm phán các thỏa thuận hợp tác kinh doanh và quản lý, điều hành Trung tâm GT&PP SPTT; Tính toán và bố trí hợp lý các kết nối dịch vụ hạ tầng điện, nước, viễn thông, phòng cháy chữa cháy, bãi đỗ xe... phục vụ hoạt động của Trung tâm.

d. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

- Phối hợp với Sở Công Thương trong việc tìm kiếm, tuyển chọn đối tác cho Trung tâm GT&PP SPTT;

- Đưa nội dung giới thiệu về Trung tâm GT&PP SPTT vào các chương trình quảng bá về du lịch của thành phố.

e. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải

- Hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép thành lập Trung tâm dưới hình thức liên doanh hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh;

- Bố trí và hỗ trợ triển khai các thủ tục đảm bảo các điều kiện cần thiết về hạ tầng có liên quan đến bố trí mặt bằng, cấp phép xây dựng, giao thông (bến thuyền, các tuyến vận tải công cộng, bãi đỗ xe…) cho hoạt động của Trung tâm GT&PP SPTT.

f. UBND các quận, huyện và các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề

Phối hợp tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thống tham gia vào Trung tâm GT&PP SPTT.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Giao Giám đốc Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện nội dung của Đề án đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Công Thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải và Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- TVTU, TTHĐND thành phố;
- Bộ Công Thương (b/c);
- Văn phòng BCĐ B-WTO;
- CT, các PCT UBND TP;
- Trung tâm công báo thành phố;
- Lưu: VTLT, KTN.

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phùng Tấn Viết

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5597/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án Phát triển mô hình siêu thị đặc sản và sản phẩm thủ công - mỹ nghệ truyền thống thành phố Đà Nẵng và khu vực Miền Trung Tây Nguyên

  • Số hiệu: 5597/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/08/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Phùng Tấn Viết
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản