- 1Chỉ thị 286-TTg năm 1997 về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 2Quyết định 132/2000/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 45/2003/QĐ-UBBT về chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2003 - 2005 do Tỉnh Bình Thuận ban hành
- 1Quyết định 270/QĐ-UBND công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành đến ngày 30/6/2008
- 2Quyết định 812/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
- 3Quyết định 1253/QĐ-UBND năm 2008 bãi bỏ Quyết định 30/2004/QĐ-CT.UBBT Chương trình phát triển hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tre, lá, gỗ và gốc gỗ giai đoạn 2004 - 2010 tỉnh Bình Thuận
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2004/QĐ.CT.UBBT | Phan Thiết, ngày 16 tháng 4 năm 2004 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp về việc ban hành Chương trình phát triển hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tre, lá, gỗ và gốc gỗ giai đoạn 2004-2010 tại Tờ trình số 153 CN/NVTH ngày 30/3/2004,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tre, lá, gỗ và gốc gỗ giai đoạn 2004 – 2010 tỉnh Bình Thuận (Có Chương trình kèm theo Quyết định này).
Điều 2: Giao Giám đốc Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các Huyện, Thành phố triển khai thực hiện Chương trình này.
Điều 3: Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Huyện, Thành phố căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký .
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH THUẬN |
HÀNG THỦ CÔNG MỸ NGHỆ TỪ NGUYÊN LIỆU TRE, LÁ GỖ VÀ GỐC GỖ GIAI ĐOẠN 2004 – 2010 TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30 /2004/QĐ-CTUBBT ngày 16/4/2004 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh).
Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ (sau đây viết tắt là: TCMN) ở Bình Thuận sản xuất từ nguyên liệu gỗ, tre, lá ...đã có thời kỳ phát triển mạnh cùng với các Hợp tác xã cấp cao như Quang Cảnh, Bình Minh, Sao Vàng, Đoàn kết, 19/5,... lực lượng lao động trong nghề này, vào lúc cao điểm lên đến 6.000 lao động ở Phan Thiết và 4.000 lao động ở Hàm Tân. Sản phẩm phong phú, đa dạng với nhiều mặt hàng đan lát lá buông, mành trúc, tượng điêu khắc... được thị trường các nước xã hội chủ nghĩa tiêu thụ mạnh, doanh số có lúc lên đến 1 triệu rúp – đôla. Khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, hàng TCMN của Bình Thuận bị mất thị trường truyền thống, các cơ sở sản xuất lần lượt giải thể hoặc tồn tại chỉ là hình thức, chủ yếu làm đầu mối cung ứng nguyên liệu cho địa phương khác. Lao động chuyển nghề và nghề bị mai một dần. Hệ quả là Bình Thuận trở thành vùng cung cấp nguyên liệu hoặc làm hàng sơ chế gia công cho các địa phương khác, còn các cơ sở sản xuất, người làm nghề trong Tỉnh ngày càng khó sống với nghề, sản xuất ngày càng thu hẹp .
Tại Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình 2 năm thực hiện Quyết định 132/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Tỉnh, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã định hướng và xác định rõ ngành nghề thủ công mỹ nghệ gỗ, tre, lá là một trong ba nhóm sản phẩm chủ lực phải xây dựng chương trình phát triển đồng bộ. Định hướng này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quản lý, phát huy lợi thế về nguyên liệu, phát triển ngành nghề và cải thiện đời sống người làm nghề TCMN trong Tỉnh .
I. Thực trạng ngành nghề thủ công và TCMN ở Bình Thuận:
Toàn Tỉnh hiện có 24 cơ sở và 5 làng có nghề với khoảng 1.700 lao động sản xuất hàng thủ công và thủ công mỹ nghệ. Các cơ sở, làng có nghề này sử dụng kết hợp nhiều loại nguyên liệu từ rừng và cây trồng nông nghiệp như: tre, song mây, lá buông, gỗ, gốc gỗ, thân dừa, quả dừa, đọt mía... nguyên liệu từ giáp xác biển như vỏ ốc, san hô. Căn cứ vào đặc điểm sử dụng nguyên liệu, loại hình tổ chức sản xuất, có thể phân loại ngành nghề sản xuất theo tính chất của sản phẩm làm ra là hàng tre đan thủ công, chế biến hàng TCMN cho xuất khẩu và hàng TCMN phục vụ du lịch, cụ thể như sau:
1. Nghề tre đan thủ công với nguyên liệu tre:
Các sản phẩm tre đan thủ công ở các làng có nghề đan tre là giỏ cần xé, vĩ phơi cá, mành vịt, rọ, rá, rỗ, thúng, mũng, nia, sàng,.... phục vụ cho chứa đựng các sản phẩm nông, hải sản và làm đồ gia dụng. Các sản phẩm từ tre đan thủ công có giá trị thấp. Các hộ sản xuất phân tán trong địa bàn, làm theo thời vụ, theo đặt hàng hoặc tự sản tự tiêu. Nghề đan tre truyền thống trong gia đình vùng đồng bào dân tộc chủ yếu sản phẩm làm ra để sử dụng, trao đổi trong cộng đồng. Sản phẩm khó tiêu thụ nên không sản xuất thành hàng hóa bán đi nơi khác.
Hiện nay nghề này còn duy trì hoạt động khá, có thị trường tiêu thụ ổn định là nghề đan giỏ cần xé, giỏ đựng trái cây ở Tân Nghĩa (Khu vực Ngã ba 46).
2. Các cơ sở sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu từ tre:
Các cơ sở chế biến đũa tre có sự đầu tư tổ chức sản xuất tương đối hoàn chỉnh thường do các tư nhân từ nơi khác về đầu tư tại Bình Thuận. Các cơ sở này thường đặt gần vùng nguyên liệu nên đã phần nào giải quyết được việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động địa phương. Sản phẩm sơ chế, được nơi khác bao tiêu nên sản xuất ổn định. Nguyên liệu tre dùng cho sản xuất đũa chiếm 30% sản lượng khai thác của Tỉnh, hầu hết mua tại các Lâm trường, Ban Quản lý rừng. Các cơ sở còn khó khăn trong việc chủ động nguyên liệu cho sản xuất, công nghệ sản xuất còn lãng phí nhiều, phần phụ liệu thừa thải lớn từ sản xuất đũa chưa được tận dụng hết
3. Nghề làm hàng TCMN cho xuất khẩu:
Trong Tỉnh có một đơn vị sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh là DNTN Trúc Mai, còn các cơ sở khác chỉ ở giai đoạn nhận gia công, làm ở công đoạn sơ chế. Nguyên liệu sản xuất là lá buông, bẹ chuối, đọt mía, ... với sản phẩm chủ yếu là mành tấm, nón, các loại giỏ xách, bàn ghế bọc bẹ chuối,...
Nhìn chung, các cơ sở sản xuất ngành hàng TCMN còn ít, trình độ quản lý, tổ chức sản xuất và tay nghề lao động còn yếu. Trừ DNTN Trúc Mai, các cơ sở khác xuất phát từ những cá nhân đang cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở ngoài Tỉnh nhận những công đoạn đơn giản để tổ chức gia công. Các cơ sở này đảm bảo về nguyên liệu và đơn đặt hàng, nhưng khó khăn tồn tại là thiếu vốn lưu động, kinh phí đào tạo tay nghề cho người lao động, thiếu mặt bằng sản xuất. Vì vậy, các cơ sở này cần được hỗ trợ, quan tâm đúng mức của địa phương, các Sở, Ban, Ngành để có thể phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
4. Nghề làm hàng TCMN lưu niệm phục vụ du lịch:
Tập trung chủ yếu ở Phan Thiết, dùng nguyên liệu là gỗ, tre, gáo dừa, lá buông và giáp xác của sinh vật biển như vỏ ốc, san hô.... các mặt hàng này được chế tác từ các cơ sở tư nhân. Các sản phẩm làm hàng TCMN lưu niệm có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu nhưng do chủng loại mặt hàng ít, mẫu mã đơn điệu, mỹ thuật kém nên tiêu thụ chậm, không cạnh tranh được với các mặt hàng cùng loại từ các nơi khác về bán tại Bình Thuận.
5. Các mặt hàng chế tác từ gốc gỗ, gỗ:
Chủ yếu là hàng bàn ghế mỹ nghệ cao cấp, tiêu thụ mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và thường do các nghệ nhân làm chủ đặt cơ sở ở những vùng thuận tiện về nguyên liệu, hiện có 01 Tổ hợp Đức Hơn tại Suối Kiết – Tánh Linh.
II. Nguồn nguyên liệu và khả năng cung ứng nguyên liệu:
1. Trữ lượng tre, lá toàn Tỉnh:
Theo kết quả điều tra tại báo cáo kiểm kê đánh giá lại vốn rừng theo Chỉ thị 286/TTg của Thủ tướng Chính phủ thì trữ lượng tre, lá trên địa bàn Tỉnh như sau :
STT | ĐƠN VỊ | Tre, nứa.. | Diện tích đậm đặc |
1 | Lâm trường Bắc Bình | 1.452.000 cây | 574 ha |
2 | Lâm trường Đức Linh | 2.740.000 cây | 814 ha |
3 | Lâm trường Hàm Thuận Nam | 6.540.000 cây | 2.273 ha |
4 | BQL rừng Sông Móng Kapét | 491.000 cây | 190 ha |
5 | BQL rừng Hàm Thuận –Đami | 25.459.000 cây | 8.374 ha |
6 | BQL rừng Núi Ông | 6.521.000 cây | 2.490 ha |
| Tổng cộng | 43.203.000 cây | 14.715 ha |
Riêng lá buông hiện nay hầu như đã cạn kiệt, còn khoảng 861 ha ở khu vực Suối Kiết – Tánh Linh và 1.000 ha khu vực Phan Sơn - Bắc Bình. Trong diện tích rừng lá buông còn lại, thì cây lá buông mọc phân tán không tập trung, năng suất không cao, lá buông được các cơ sở khai thác thu gom, sơ chế bán ra ngoài Tỉnh khoảng 300 tấn thành phẩm/năm.
2. Tình hình cung ứng nguyên liệu cho sản xuất hàng TCMN:
a. Cung ứng nguyên liệu tre:
Chỉ tiêu khai thác bình quân hàng năm như sau :
Định hướng khai thác lâm sản phụ | Đơn vị tính | Năm 2000 | Năm 2005 | Cụ thể | Năm 2010 | |||
2001 | 2002 | 2003 | 2004 | |||||
-Tre , le.... | 103cây | 8.000 | 8.000 | 8.000 | 8.000 | 8.000 | 8.000 | 8.000 |
-Lá buông | Tấn | 500 | 500 | 500 | 500 | 500 | 500 | 500 |
Lượng tre nứa dùng trên toàn Tỉnh ước khoảng 7.300 tấn/năm (1.000.000 cây/năm), chiếm 12,5% sản lượng khai thác hàng năm. Song mây chủ yếu là bán nguyên liệu thô, số đưa vào sản xuất tại chỗ không đáng kể.
b. Cung ứng nguyên liệu lá buông và nguyên liệu khác:
Nguyên liệu lá buông được các cơ sở khai thác, sơ chế bán ra ngoài Tỉnh khoảng 300 tấn thành phẩm/năm. Một phần nguyên liệu được một vài cơ sở sử dụng vào sản xuất hàng TCMN xuất khẩu.
Nguyên liệu mới sử dụng trong sản xuất hàng TCMN như bẹ chuối khô, lục bình khô, đọt mía. Đây là những sản phẩm mới được sản xuất trong thời gian gần đây. Các loại nguyên liệu này được bà con ở Tân Minh, Tân Phúc, Tân Đức khai thác để bán thô, hiện mới đưa vào sản xuất nhưng không đáng kể. Đọt mía được DNTN Trúc Mai sử dụng để làm mành xuất khẩu, sản lượng của mặt hàng này bình quân hàng năm khoảng 20.000 m2 mành buông se các loại. Với vùng nguyên liệu mía tại Tân Minh, Tân Phúc, Tân Đức – Hàm Tân, đảm bảo đủ cho các cơ sở hoạt động quanh năm nhưng hầu hết các cơ sở đều thiếu vốn để xây dựng nhà kho, xử lý, bảo quản nguyên liệu cho sản xuất.
c. Cung ứng gỗ và gốc gỗ cho TCMN:
Các chủ cơ sở sản xuất hàng điêu khắc TCMN có thể dễ dàng tìm mua và thường dùng gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Với nhu cầu bình quân khoảng 50 m3/cơ sở/năm .
Gốc gỗ thường được tạo dáng thành bàn ghế mỹ nghệ, tuy được tiêu thụ mạnh tại Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh nhưng chưa có đơn vị nào mạnh dạn thu gom khai thác, cung ứng ổn định do còn một số trở ngại trong quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nguyên liệu này. Các cơ sở gia công gốc gỗ thường tự tìm kiếm, chọn lựa số ít gốc gỗ cổ thụ có được trong quá trình khai hoang, chuyển mục đích sử dụng đất, thuận lợi trong vận chuyển để thu mua chế tác. Nguồn gốc gỗ hiện chưa được tận dụng khai thác để sử dụng hợp lý, hiện đang bị bỏ khô, mục trong rừng, hoặc bị đồng bào đốt trong quá trình làm nương rẫy.
III. Đánh giá ngành nghề, xác định sản phẩm TCMN chủ lực ở Tỉnh:
Từ thực trạng trên cho thấy, ngành nghề TCMN trên địa bàn Tỉnh còn nhiều yếu kém, manh mún, nhỏ lẻ, giá trị sản phẩm thấp, trình độ tay nghề lao động yếu, thiếu các nghệ nhân đầu đàn. Ngoài mành se làm từ lá buông, đọt mía của DNTN Trúc Mai, trên địa bàn Tỉnh chưa có thêm sản phẩm mới tham gia xuất khẩu. Yếu kém nhất hiện nay của nghề không phải do thiếu nguyên liệu hay cung ứng nguồn nguyên liệu mà chính là do trình độ, tay nghề của người lao động thấp, sản phẩm không đáp ứng được thị hiếu và không cạnh tranh được trên thị trường, không phát huy được lợi thế và làm tăng giá trị cho nguyên liệu gỗ, tre, lá hiện có trên địa bàn Tỉnh.
Nguyên liệu tre được dùng nhiều nhất, nguyên liệu chủ lực do thu hút nhiều lao động, tập trung thành làng nghề đan giỏ cần xé, thúng, rổ, nia, sàng... và các cơ sở sản xuất đũa tre; nhưng sản phẩm làm ra có giá trị thấp. Nghề làm hàng TCMN xuất khẩu hiện có mành buông se đang là sản phẩm lợi thế vì sử dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ là đọt mía. Nguyên liệu bẹ chuối và các sản phẩm dùng bẹ chuối đang có triển vọng. Nguyên liệu lá buông và các loại nguyên liệu khác cần có cơ chế chính sách để khoanh nuôi bảo vệ và phát triển, đáp ứng cho nhu cầu phát triển trong những năm tới.
IV. Định hướng, mục tiêu phát triển các sản phẩm TCMN 2004-2010:
1. Định hướng chung:
- Xây dựng các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất hàng TCMN chú trọng loại hình doanh nghiệp liên kết với hộ nhân dân giao nguyên liệu gia công. Ở các vùng có điều kiện, đạt tiêu chí làng nghề thì xét công nhận làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
- Phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao, đa dạng hóa sản phẩm TCMN từ nguyên liệu gỗ, tre, lá trên cơ sở nhu cầu của thị trường, tạo ra ngành hàng TCMN có sức cạnh tranh cao, giá trị lớn, góp phần giải quyết lao động, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên hiện có, hạn chế và hướng tới chấm dứt bán nguyên liệu ra ngoài Tỉnh.
- Gắn với các đề án hỗ trợ kết cấu hạ tầng làng nghề, xây dựng nông thôn mới, phát triển xã hội, nâng cao trình độ dân trí. Đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần quan tâm đầu tư khôi phục nghề truyền thống kết hợp với đào tạo, phổ biến nghề mới để khai thác thế mạnh của nguồn nguyên liệu tại chỗ.
- Thu hút đầu tư, liên danh liên kết vào ngành hàng TCMN xuất khẩu, tổ chức khai thác và phát triển nguồn nguyên liệu một cách chủ động. Khoanh nuôi, bảo vệ vùng nguyên liệu hiện có và khuyến khích trồng mới. Hỗ trợ các cơ sở hiện có sản xuất hàng TCMN từ nguyên liệu đọt mía và bẹ chuối và các nguyên liệu mới khác. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách để quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu gốc gỗ.
- Xây dựng các chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất hàng TCMN về tín dụng, đào tạo tay nghề, bồi dưỡng kiến thức quản lý. Hỗ trợ mặt bằng và điều kiện để các cơ sở tham gia giới thiệu sản phẩm nhằm từng bước xây dựng và giới thiệu thương hiệu sản phẩm TCMN của từng cơ sở.
- Phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN mây, tre, lá là 2.000.000 USD vào năm 2010.
2. Mục tiêu tổng quát đến 2010:
Thời kỳ 2004-2005:
- Kêu gọi đầu tư và liên kết, liên doanh với ít nhất là 10 đơn vị sản xuất hàng TCMN xuất khẩu trên địa bàn các Huyện, Thành phố; giải quyết việc làm cho 1.500 lao động
- Đào tạo nghề mộc mỹ nghệ: 380 người.
- Đào tạo sản xuất hàng tre đan TCMN: 780 người.
- Khai thác, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất 3.000.000 cây tre/năm.
- Thu nhập bình quân hàng tháng tại các làng có nghề tre đan: 500.000 đồng/lao động.
- Trong hai năm 2004-2005, hoàn tất việc thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã tại các làng nghề mây tre đan thủ công, đồng thời khuyến khích đầu tư thành lập các cơ sở sản xuất TCMN (HTX, DNTN, Công ty TNHH...) ở các làng nghề và trên cơ sở đó vận động thành lập Hiệp hội ngành nghề TCMN của Tỉnh.
- Tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu hàng TCMN. Chú trọng đến các thị trường Nhật, Mỹ và EU.
- Gắn quản lý, bảo vệ, tổ chức khai thác có kế hoạch với xúc tiến khoanh nuôi, trồng mới diện tích rừng là buông tại Phan Sơn, Sông Lũy - Bắc Bình và Suối Kiết -Tánh Linh, theo hướng Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển rừng lá buông, có sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật canh tác, phòng chống cháy,...
Thời kỳ 2006-2010:
- Tiếp tục đào tạo, kèm nghề tre đan tại chỗ cho 100% lao động tại các làng nghề, tiến đến hoàn toàn sản xuất hàng tre đan TCMN phục vụ cho du lịch và xuất khẩu. Nâng số lao động ngành nghề TCMN trong Tỉnh lên 6.000 người vào năm 2010.
- Tre nguyên liệu đưa vào sản xuất là 6.000.000 cây/năm (đạt 75% sản lượng khai thác) và 1.500 tấn lá buông/năm.
- Thu nhập bình quân đối với lao động làm hàng TCMN: 1.000.000 đồng/lao động.
- Đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng TCMN từ gỗ, tre, lá đạt 2.000.000 USD.
V. Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
1. Giải pháp về củng cố tổ chức lại ngành nghề TCMN:
- Đồng thời với việc thu hút đầu tư vào ngành nghề tre, lá. Cần tổ chức thành các mô hình HTX, DNTN, Công ty TNHH, kinh tế hộ... Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức cho hộ gia đình gia công ở những công đoạn thích hợp. Đầu tư xây dựng các làng nghề CN-TTCN chuyển ngành sản xuất hàng TCMN. Lấy mô hình kinh tế HTX kiểu mới là chính cho hoạt động sản xuất của làng nghề. Ban Quản lý HTX chịu trách nhiệm triển khai có hiệu quả, tổng kết rút kinh nghiệm, phản hồi về các mặt được và chưa được của các chương trình, chính sách của Nhà nước.Vận động xã viên, cơ sở xây dựng thương hiệu bền vững.
- Thành lập Hiệp hội ngành nghề TCMN của các cơ sở sản xuất hàng TCMN tỉnh Bình Thuận.
2. Giải pháp về cung ứng nguyên liệu :
- Cân đối trong kế hoạch khai thác lâm sản hàng năm và ưu tiên xuất bán cho các cơ sở sản xuất tre, lá trong Tỉnh. Trên cơ sở nhu cầu của các cơ sở thông qua phòng Giao thông-Công nghiệp-Xây dựng hoặc Phòng kinh tế các Huyện, Thành phố và Sở Công nghiệp để đăng ký với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tổ chức khai thác. Các Lâm trường, Ban Quản lý rừng căn cứ kế hoạch, tổ chức khai thác và cung ứng đầy đủ nguyên liệu cho các cơ sở đã đăng ký, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho ngành nghề TCMN ổn định sản xuất và phát triển.
- Hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật trồng rừng cho các dự án đầu tư phát triển vùng cây lá buông tại Suối Kiết - Tánh Linh; Phan Sơn, Sông Lũy - Bắc Bình. Chỉ cho phép khai thác, phục vụ cho nhu cầu nguyên liệu sản xuất trong Tỉnh, hạn chế và tiến tới chấm dứt việc bán lá buông nguyên liệu ra ngoài Tỉnh. Có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện các dự án nuôi trồng, quản lý, khai thác vùng nguyên liệu tự trồng và đưa vào chế biến tại Tỉnh.
- Nghiên cứu phương thức cung ứng gỗ, tạo thuận lợi cho cơ sở chế biến hàng mộc mua được nguyên liệu tại các Lâm trường, Ban Quản lý rừng. Khoanh vùng và cho phép cơ sở chế tác gốc gỗ được khai thác gốc gỗ. Nghiên cứu cơ chế Ưu tiên cho các cở sở sản xuất hàng TCMN từ gỗ cao cấp được mua thẳng, không thông qua đấu giá rộng rãi số gỗ tịch thu theo giá quy định của Uỷ ban nhân dân Tỉnh.
3. Giải pháp về hỗ trợ đào tạo tay nghề , bồi dưỡng kiến thức quản lý
- Thông qua các Chương trình, Chính sách khuyến khích phát triển đào tạo nghề của Trung ương và của Tỉnh, phối hợp với Chương trình khuyến công của Tỉnh để hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động địa phương. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý doanh nghiệp cho cán bộ quản lý HTX làng nghề.
4. Giải pháp về tài chính, tín dụng và đất đai:
- Các cơ sở TCMN gỗ, tre, lá trên địa bàn Tỉnh được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của Trung ương và quy định hiện hành khác của UBND tỉnh Bình Thuận.
- Ưu tiên quỹ đất của địa phương để bố trí mặt bằng cho các cơ sở đầu tư sản xuất hàng TCMN khi có nhu cầu.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất hàng TCMN vay vốn phục vụ phát triển, được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư thực hiện theo hình thức tín chấp và cho vay thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay của các cơ sở sản xuất TCMN gỗ, tre, lá theo quy định hiện hành của Nhà nước.
5. Giải pháp về khoa học và công nghệ:
- Thông qua chương trình khoa học công nghệ để hỗ trợ đổi mới, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ phù hợp đến từng cơ sở, từng hộ gia đình để nâng cao năng suất, hạ giá thành, đa dạng hóa sản phẩm đồng thời với việc xử lý chất thải, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, cơ sở ngành nghề dùng nguyên liệu gỗ, gốc gỗ, tre, lá...
- Hằng năm dành tỷ lệ thoả đáng từ kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ để hỗ trợ các cơ sở sản xuất hàng TCMN cho mục đích này.
6. Giải pháp về thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm:
- Thông qua Chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại để tăng cường việc quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước, mở rộng thị trường, tìm thị trường ổn định cho các sản phẩm TCMN gỗ, tre, lá. Thành lập Hiệp hội ngành hàng TCMN.
- Tổ chức tại Phan Thiết, thành phố HCM những điểm, cửa hàng giới thiệu sản phẩm TCMN của Tỉnh. Tham gia triển lãm, quảng bá thương hiệu, sản phẩm tại các hội chợ triển lãm và trên mạng internet.
- Tổ chức cho các cơ sở sản xuất tham quan học tập các mô hình thành công trong sản xuất hàng TCMN trong nước.
7. Xây dựng các mô hình kinh tế để hỗ trợ đầu tư làm điểm:
Trên cơ sở các đơn vị làm hàng thủ công TCMN hiện có, chọn 02 cơ sở là DNTN Trúc Mai và Công ty TNHH Long Hùng (Hàm Tân), là hai đơn vị có sử dụng nguyên liệu mới là đọt mía và bẹ chuối, để tập trung hỗ trợ đồng bộ theo các giải pháp trên. Từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm của Chương trình để có biện pháp chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời.
Trên cơ sở mục tiêu nhiệm vụ và những giải pháp nêu trên Uỷ ban nhân dân Tỉnh phân công các Sở, Ban, Ngành và các địa phương triển khai thực hiện những công việc sau:
1. Sở Công nghiệp:
- Xúc tiến đặt quan hệ hợp tác đào tạo nghề, gia công sản phẩm, cung ứng nguyên liệu với các đơn vị ngoài Tỉnh hiện đang sản xuất và xuất khẩu mạnh các mặt hàng TCMN gỗ, tre, lá trên cơ sở bảo đảm đôi bên cùng có lợi. Thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư vào chế biến, làm hàng TCMN từ nguyên liệu tre, lá, gỗ và gốc gỗ tại Bình Thuận.
- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các Huyện, Thành phố rà soát lại các đon vị, cơ sở sản xuất có dùng nguyên liệu gỗ, tre, lá kể cả các cơ sở kinh doanh nguyên liệu này trên địa bàn, tổ chức cho các cơ sở này đăng ký nhu cầu sử dụng và ký hợp đồng cung ứng với các Lâm trường, Ban Quản lý rừng gần nhất có khai thác nguyên liệu gỗ, tre, lá.
- Tổng hợp nhu cầu đào tạo người làm nghề, nhu cầu bồi dưỡng kiến thức quản lý, nhu cầu vay vốn của các làng nghề, cơ sở sản xuất dùng nguyên liệu gỗ, tre, lá ... báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh để bổ sung kế hoạch hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ đầu tư tín dụng và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hằng năm.
- Xây dựng các mô hình sản xuất một số sản phẩm đặc trưng có lợi thế từ nguồn nguyên liệu gỗ, tre, lá, gốc gỗ, như mô hình hoá các bộ khung hoặc nhà tiền chế từ nguồn tre, lồ ô, lá buông,.... Trong đó, tận dụng tối đa lợi thế về nguyên liệu tre, lồ ô,... để tạo ra những sản phẩm có tính độc đáo của địa phương với hướng chính là phục vụ nhu cầu và thị hiếu đa dạng của khách hàng trong và ngoài Tỉnh. Trước mắt, tập trung vào mục tiêu phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn Tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo các Lâm trường, Ban Quản lý rừng được phân giao chỉ tiêu khai thác lâm sản phụ hàng năm cần ưu tiên cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất hàng TCMN trên địa bàn để sản xuất. Các cơ sở sản xuất cần chú ý, quan tâm đến thời gian đóng cửa rừng để chủ động nguồn nguyên liệu tổ chức sản xuất kinh doanh. Thực hiện việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng kết hợp với khai thác và đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu nhất là đối với gỗ, tre, lá cho các làng nghề.
- Thông qua quyết định 45/2003/QĐ-UBBT ngày 19/6/2003 về việc “Quy định chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn thời kỳ 2003-2005” của Tỉnh, thực hiện các chương trình bán hàng trả góp các máy móc thiết bị chế biến nông, lâm sản phục vụ phát triển nguồn nguyên liệu và phát triển sản phẩm gỗ, tre, lá ở nông thôn.
3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
- Tham gia phối hợp trong công tác đào tạo nghề TCMN, nghề truyền thống phục vụ cho yêu cầu đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo yêu cầu của Chương trình này. Căn cứ vào các chính sách khuyến khích phát triển đào tạo nghề đã được Chính phủ và Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành, kết hợp với Chương trình khuyến công của Tỉnh ưu tiên gửi đi đào tạo hoặc thuê nghệ nhân, thợ giỏi từ các nơi về cộng tác và dạy nghề cho các cơ sở ngành nghề TCMN gỗ, tre, lá.
4. Hội đồng Liên minh các Hợp tác xã Tỉnh:
- Phối hợp với Sở Công nghiệp liên kết với các cơ sở, HTX đang phát triển về mặt hàng gỗ, tre, lá xuất khẩu ở các Tỉnh, để thu hút đầu tư theo hướng trước mắt thực hiện liên doanh liên kết trong trao đổi cung ứng nguyên liệu, đào tạo tay nghề, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hướng dẫn các địa phương, làng nghề thành lập HTX, tham gia Hiệp hội ngành nghề TCMN.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Phối hợp trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chế tác hàng TCMN xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu gỗ, tre, lá. Hướng dẫn, cụ thể hoá các chính sách về hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng đối với nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng TCMN xuất khẩu từ gỗ, tre, lá. Tham mưu bố trí đủ vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đối với các làng nghề sản xuất hàng TCMN gỗ, tre, lá.
6. Sở Tài chính:
- Cụ thể hoá các chính sách tài chính như chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất hàng TCMN tre, lá, gỗ và gốc gỗ, chính sách hỗ trợ, thu hút nghệ nhân có tay nghề giỏi về địa phương để phát triển ngành nghề này.
7. Cục Thuế Tỉnh:
- Ngoài chính sách ưu đãi thuế thực hiện theo quy định của Nhà nước và chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân Tỉnh, tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh các chính sách hỗ trợ cho làng nghề, cơ sở sản xuất dùng nguyên liệu gỗ, gốc gỗ, tre, lá và nguyên liệu từ nông, lâm sản khác trong lĩnh vực thuế, phí và lệ phí theo hướng khuyến khích phát triển khu vực sản xuất này.
8. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh:
- Cụ thể hoá về thế chấp, tín dụng, lãi suất, chu kỳ, lượng vốn cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển được ngành nghề TCMN gỗ, gốc gỗ, tre, lá.
9. Sở Thương mại và Du lịch:
- Chỉ đạo Trung tâm xúc tiến Thương mại có kế hoạch tìm kiếm thị trường cho các làng nghề, cơ sở sản xuất hàng TCMN để sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao; đồng thời tích cực quảng bá các sản phẩm TCMN dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng để vừa kích thích phát triển thị trường tiêu thụ, đồng thời thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.
10. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Nghiên cứu các đề tài chuyển giao công nghệ, cải tiến thiết bị phục vụ phát triển sản xuất hàng TCMN gỗ, tre, lá. Hướng dẫn các làng nghề, các doanh nghiệp làm hàng TCMN đăng ký đạt tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa.
11. Chi cục Kiểm lâm:
- Nghiên cứu tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh quy định về trình tự, thủ tục khai thác tận dụng gốc gỗ các loại đối với từng loại đất: Nông nghiệp, lâm nghiệp, đất lâm nghiệp chuyển dịch sang sử dụng vào mục đích khác. Trước mắt, cụ thể hoá quy trình khai thác gốc gỗ trên diện tích đất nông nghiệp; đất lâm nghiệp chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp; đất lâm nghiệp chuyển mục đích sang đất chuyên dùng, phục vụ đầu tư xây dựng các công trình dân sinh, kinh tế; khai thác tận dụng gốc gỗ trên diện tích đất lâm nghiệp thuộc rừng sản xuất, rừng phòng hộ. Theo hướng quy trình phải đảm bảo thuận lợi, thủ tục đơn giản nhưng phù hợp với quy chế quản lý, bảo vệ rừng.
Trong qúa trình thực hiện Chương trình phát triển hàng TCMN theo nội dung trên đây, các Sở, Ban, Ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Uỷ ban nhân dân Tỉnh (thông qua Sở Công nghiệp) kịp thời điều chỉnh, bổ sung những mặt hạn chế, bất cập, để Chương trình đảm bảo sát hợp với tình hình phát triển của từng địa phương trong từng giai đoạn nhất định./.
- 1Quyết định 270/QĐ-UBND công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành đến ngày 30/6/2008
- 2Quyết định 812/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
- 3Quyết định 5597/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án Phát triển mô hình siêu thị đặc sản và sản phẩm thủ công - mỹ nghệ truyền thống thành phố Đà Nẵng và khu vực Miền Trung Tây Nguyên
- 4Quyết định 1253/QĐ-UBND năm 2008 bãi bỏ Quyết định 30/2004/QĐ-CT.UBBT Chương trình phát triển hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tre, lá, gỗ và gốc gỗ giai đoạn 2004 - 2010 tỉnh Bình Thuận
- 1Quyết định 270/QĐ-UBND công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành đến ngày 30/6/2008
- 2Quyết định 812/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
- 3Quyết định 1253/QĐ-UBND năm 2008 bãi bỏ Quyết định 30/2004/QĐ-CT.UBBT Chương trình phát triển hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tre, lá, gỗ và gốc gỗ giai đoạn 2004 - 2010 tỉnh Bình Thuận
- 1Chỉ thị 286-TTg năm 1997 về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 2Quyết định 132/2000/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Quyết định 5597/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án Phát triển mô hình siêu thị đặc sản và sản phẩm thủ công - mỹ nghệ truyền thống thành phố Đà Nẵng và khu vực Miền Trung Tây Nguyên
- 5Quyết định 45/2003/QĐ-UBBT về chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2003 - 2005 do Tỉnh Bình Thuận ban hành
Quyết định 30/2004/QĐ.CT.UBBT Ban hành Chương trình phát triển hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tre, lá, gỗ và gốc gỗ giai đoạn 2004-2010 tỉnh Bình Thuận
- Số hiệu: 30/2004/QĐ.CT.UBBT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 16/04/2004
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
- Người ký: Huỳnh Tấn Thành
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/04/2004
- Ngày hết hiệu lực: 18/05/2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực