Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5573/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2006 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH “TIÊU CHÍ PHẦN MỀM VÀ NỘI DUNG MỘT SỐ PHÂN HỆ PHẦN MỀM TIN HỌC QUẢN LÝ BỆNH VIỆN”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 22/06/2006;
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Điều trị và ông Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Tiêu chí phần mềm và nội dung một số phân hệ phần mềm tin học quản lý bệnh viện”.
Điều 2. “Tiêu chí phần mềm và nội dung một số phân hệ phần mềm tin học quản lý bệnh viện” được sử dụng trong các bệnh viện, viện có giường bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các ông (bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Điều trị, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ Y tế, Giám đốc các bệnh viện, Viện trưởng các Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng Y tế ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
TIÊU CHÍ PHẦN MỀM VÀ NỘI DUNG MỘT SỐ PHÂN HỆ PHẦN MỀM TIN HỌC QUẢN LÝ BỆNH VIỆN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5573/QĐ-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
I. TIÊU CHÍ PHẦN MỀM TIN HỌC QUẢN LÝ BỆNH VIỆN
a) Việc đầu tư xây dựng và triển khai ứng dụng phần mềm tin học quản lý bệnh viện phải theo đúng pháp luật, đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
b) Quy trình quản lý của phần mềm tin học quản lý bệnh viện phải đáp ứng các yêu cầu quản lý trong Quy chế bệnh viện do Bộ Y tế ban hành.
c) Các thông tin và biểu mẫu sử dụng trong phần mềm tin học phải đảm bảo tính tương đồng về mặt cấu trúc dữ liệu với hệ thống biểu mẫu báo cáo, hồ sơ bệnh án của Bộ Y tế ban hành.
d) Thống nhất các danh mục, các dịch vụ kỹ thuật chuyên môn, cận lâm sàng, phẫu thuật, thủ thuật,… theo danh mục Bộ Y tế đã ban hành, nhằm đảm bảo tính đồng bộ giữa chuyên môn, thống kê báo cáo và thanh toán viện phí. Hạn chế việc nhập lại thông tin nhiều lần trong bệnh viện.
đ) Quản lý giá của các dịch vụ kỹ thuật chuyên môn, cận lâm sàng, phẫu thuật, thủ thuật, thuốc, vật tư tiêu hao… theo đúng quy định hiện hành của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Bảng giá các dịch vụ tại bệnh viện phải đảm bảo công bằng, công khai và minh bạch chi phí khám chữa bệnh của người bệnh.
e) Quản lý báo cáo thống kê, hồ sơ bệnh án theo quy định của Bộ Y tế.
a) Kết nối được với phần mềm Medisoft 2003 hoặc in được báo cáo và kết xuất dữ liệu theo chuẩn báo cáo thống kê bệnh viện của Medisoft 2003 do Bộ Y tế ban hành.
b) Kết nối được với phần mềm thanh toán Bảo hiểm y tế (BHYT) hoặc in được báo cáo và kết xuất dữ liệu theo yêu cầu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
c) Đảm bảo an toàn dữ liệu và bảo mật thông tin, có cơ chế phân quyền và xác thực người dùng, cho phép kiểm soát chặt chẽ công việc của từng người dùng và ngăn chặn được sự truy cập trái phép. Hệ thống bảo mật tối thiểu phải có 3 lớp: hệ thống, cơ sở dữ liệu và ứng dụng.
d) Về phông (font) chữ: Thống nhất sử dụng Font chữ Unicode dạng UTF-8.
đ) Về Hệ điều hành và cơ sở dữ liệu và ngôn ngữ phát triển phần mềm:
Ưu tiên phát triển phần mềm chạy trên hệ điều hành và hệ quản trị cơ sở dữ liệu miễn phí.
Có chức năng sao lưu dự phòng và phục hồi dữ liệu.
Có giải pháp kỹ thuật giải quyết bài toán cơ sở dữ liệu.
Chứng minh được bản quyền của ngôn ngữ phát triển phần mềm.
Đảm bảo tính khách quan trung thực giữa cơ sở dữ liệu và báo cáo thống kê.
e) Thiết kế phần mềm tin học quản lý bệnh viện mang tính mở, thuận tiện cho việc bảo hành, bảo trì và nâng cấp để tiếp tục phát triển trong tương lai.
f) Khuyến khích việc sử dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến khi xây dựng và phát triển phần mềm tin học quản lý bệnh viện;
g) Một số danh mục sử dụng trong phần mềm tin học quản lý bệnh viện
Mã hành chính theo Chính phủ (Tổng cục Thống kê) ban hành.
Mã bệnh viện theo danh mục của Bộ Y tế ban hành.
Mã nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của người bệnh có thẻ BHYT theo BHXH Việt Nam.
Mã người bệnh: Có phương pháp quản lý mã người bệnh tại mỗi bệnh viện.
Mã y tế, mã hồ sơ bệnh án, mã lưu hồ sơ bệnh án trong bệnh viện; Theo quy chế bệnh viện.
Mã hoạt chất thuốc theo hệ thống phân loại về thuốc và hoạt chất của Tổ chức Y tế thế giới: ATC (Anatomical Therapeutic Chemical Classification System).
Mã quản lý kháng sinh đồ theo Tổ chức Y tế thế giới (WHONET).
Mã quản lý bệnh tật theo Tổ chức Y tế thế giới; ICD10 (International Statistical Classification of Diseases and Related Health Problems), phân loại bệnh tật quốc tế.
h) Một số chuẩn cơ sở dữ liệu sử dụng trong phần mềm tin học quản lý bệnh viện
Chuẩn trao đổi dữ liệu y khoa quốc tế: HL7 (Health Level Seven).
Nếu phần mềm chưa hỗ trợ được chuẩn trao đổi dữ liệu quốc tế (HL7), nhà cung cấp phải cam kết bằng văn bản về việc sẵn sàng cung cấp tài liệu kỹ thuật hoặc trợ giúp để bệnh viện chủ động kết nối với các hệ thống phần mềm khác của bệnh viện, của Sở Y tế và Bộ Y tế.
Chuẩn trao đổi dữ liệu hình ảnh DICOM (Digital Imaging and Communications in Medicine).
Chuẩn quản lý hình ảnh dùng trong PACS (Picture Archiving and Communications Systems).
II. NỘI DUNG MỘT SỐ PHÂN HỆ CỦA PHẦN MỀM TIN HỌC QUẢN LÝ BỆNH VIỆN
1. Phân hệ quản lý khoa khám bệnh
Phân hệ (Mô-đun) quản lý khoa khám bệnh, đăng ký khám chữa bệnh có chức năng quản lý các thông tin hành chính và các thông tin khám bệnh của người bệnh để tái sử dụng trong toàn bộ hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện và trong các lần khám sau.
a) Quản lý đăng ký khám chữa bệnh (tiếp đón người bệnh)
Cấp mã người bệnh: đảm bảo nguyên tắc hình thành mã người bệnh duy nhất, tránh trùng lặp, một người bệnh chỉ có một mã số duy nhất có thể sử dụng trong các lần khám chữa bệnh sau.
Quản lý đầy đủ thông tin hành chính theo mẫu hồ sơ bệnh án do Bộ Y tế ban hành:
Các thông tin nhân khẩu học của người bệnh: họ và tên, ngày tháng năm sinh (năm sinh, hoặc tuổi), địa chỉ 4 cấp: thôn/xóm/số nhà - xã/phường/đường phố - huyện/quận - tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
Các thông tin về đối tượng người bệnh: Miễn, thu phí, BHYT, hộ nghèo, miễn phí, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng khác.
Các thông tin về người bệnh có thẻ BHYT (theo yêu cầu của BHXH Việt Nam): mã số thẻ, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, hạn sử dụng, mã hưởng quyền lợi của người bệnh BHYT, nơi phát hành thẻ BHYT lần đầu; lý do đến khám chữa bệnh.
Thông tin nơi chuyển đến: mã số, tên cơ sở y tế…
b) Quản lý phòng/buồng khám bệnh
Quản lý chẩn đoán của người bệnh theo ICD-10 (4 ký tự): Tiền sử bệnh tật; chẩn đoán tuyến trước, chẩn đoán bệnh chính, chẩn đoán các bệnh kèm theo.
Quản lý thông tin khám bệnh: Ngày giờ khám, họ và tên bác sỹ khám bệnh, họ tên người nhập dữ liệu.
Quản lý các chỉ định cận lâm sàng, các chỉ định dịch vụ điều trị.
Quản lý kê đơn thuốc tại phòng khám bệnh, in và lưu đơn.
Quản lý thông tin về xử trí của bác sỹ: cấp đơn cho về, điều trị ngoại trú, nhập viện, chuyển phòng khám…
In phiếu khám bệnh cho người bệnh nhập viện theo mẫu của Bộ Y tế.
c) Quản lý người bệnh điều trị ngoại trú.
Quản lý hồ sơ bệnh án người bệnh điều trị ngoại trú.
Quản lý các chỉ định, dịch vụ điều trị ngoại trú.
Thống kê ngày điều trị ngoại trú.
d) Quản lý người bệnh nằm theo dõi tại khoa khám bệnh (phòng lưu)
Quản lý theo dõi về mặt chuyên môn.
Quản lý các dịch vụ điều trị tại phòng lưu.
đ) Quản lý cận lâm sàng ngoại trú (xem phần quản lý cận lâm sàng)
e) Quản lý dược tại khoa khám bệnh (xem phần quản lý dược)
2. Phân hệ quản lý khoa lâm sàng/người bệnh nội trú
a) Quản lý thông tin người bệnh
Quản lý các thông tin hành chính theo phiếu nhập viện và biểu mẫu hồ sơ bệnh án của Bộ Y tế.
b) Quản lý thông tin bệnh tật
Mã hóa bệnh tật theo ICD-10 4 chữ số.
Quản lý đầy đủ các thông tin về chẩn đoán bệnh: Chẩn đoán của tuyến trước; Chẩn đoán phòng khám; Chẩn đoán nguyên nhân; Chẩn đoán bệnh kèm theo; Tiền sử bệnh tật; Chẩn đoán bệnh chính vào viện; Chẩn đoán bệnh chính vào khoa; Chẩn đoán bệnh chính chuyển khoa; Chẩn đoán bệnh chính ra viện; Chẩn đoán khi tử vong; Chẩn đoán sau khi mổ tử thi.
c) Quản lý thông tin về khoa, giường bệnh
Quản lý giường bệnh: số giường, loại giường, giá tiền, chuyển giường của từng loại giường.
Xuất khoa, chuyển khoa cho người bệnh.
Xuất viện, chuyển viện.
d) Quản lý thông tin phẫu thuật thủ thuật
Sắp xếp lịch phẫu thuật, thủ thuật, chỉ định phẫu thuật, thủ thuật cho người bệnh; Họ và tên, ngày - giờ thực hiện, phẫu thuật viên chính, người gây mê và các thành viên tham gia; loại phẫu thuật, thủ thuật, giá của từng phẫu thuật thủ thuật.
Quản lý các thông tin trong biên bản phẫu thuật, kết quả thực hiện phẫu thuật, thủ thuật.
đ) Quản lý báo cáo thống kê
Kết xuất được báo cáo thống kê hoạt động điều trị theo 11 biểu mẫu thống kê bệnh viện.
Kết xuất được các báo cáo theo yêu cầu của BHXH và các đối tượng khác (nếu có).
Kết xuất được các báo cáo thống kê theo yêu cầu của bệnh viện.
3. Phân hệ quản lý cận lâm sàng
Phân hệ quản lý cận lâm sàng (CLS) được ứng dụng theo từng giai đoạn khác nhau tùy theo khả năng và hạ tầng cơ sở thông tin của từng bệnh viện. Từ quản lý các chỉ định cận lâm sàng (thống kê và tính viện phí), quản lý kết quả cận lâm sàng (phục vụ chuyên môn và bệnh án điện tử), kết nối với máy xét nghiệm để kết xuất kết quả trực tiếp. Đây là một mô-đun phức tạp đòi hỏi phải có sự kết nối với các mô - đun khác như quản lý khoa khám bệnh; quản lý các khoa lâm sàng điều trị nội trú; quản lý kho dược - vật tư y tế, quản lý viện phí.
a) Quản lý danh mục cận lâm sàng
Thống nhất sử dụng tên theo danh mục cận lâm sàng của Bộ Y tế ban hành trong “Mẫu hồ sơ bệnh án” để đồng bộ quản lý giữa chuyên môn và tài chính, giữa danh mục giá của BHYT và danh mục giá dịch vụ, bao gồm
- Danh mục các nhóm xét nghiệm: Sinh hóa, Huyết học; Tế bào; Vi sinh; Giải phẫu bệnh, …
- Danh mục các xét nghiệm thăm dò chức năng: Điện tim; Điện não; Lưu huyết não; Miễn dịch ...
- Danh mục các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: XQ; Nội soi; Siêu âm; CT-Scanner, MRI…
b) Quản lý cận lâm sàng cho người bệnh ngoại trú
Quản lý các chỉ định xét nghiệm của người bệnh từ khoa khám bệnh: mã người bệnh; tên người bệnh; tên phòng khám chỉ định; tên xét nghiệm; ngày giờ thực hiện; tên bác sỹ yêu cầu xét nghiệm…
c) Quản lý cận lâm sàng cho người bệnh nội trú
Quản lý chỉ định CLS của từng người bệnh.
Quản lý kết quả CLS của người bệnh.
Các tai biến xảy ra trong khi người bệnh được thực hiện thăm dò CLS.
Chuyển tải thông tin như: phim, hình ảnh, âm thanh của người bệnh và thông tin lấy từ các máy thăm dò CLS (nếu có).
d) Quản lý kết quả cận lâm sàng tại các khoa xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh
Cho phép cập nhật, lưu trữ, hiển thị các kết quả thăm dò CLS của người bệnh đã được thực hiện tại khoa CLS kèm theo thông tin của người bệnh.
Thông tin hành chính và thông tin bệnh tật của người bệnh.
Thông tin về khoa và người chỉ định thăm dò CLS.
Thông tin về kết quả thăm dò CLS: tên xét nghiệm; ngày giờ yêu cầu; ngày giờ lấy mẫu; ngày giờ thực hiện; người thực hiện; kết quả của xét nghiệm; ngày giờ trả kết quả; người nhập liệu;…
- Hướng tới kết nối với các máy xét nghiệm để kết xuất kết quả trực tiếp.
đ) Quản lý giá cận lâm sàng (xem phần quản lý viện phí)
e) Quản lý vật tư, hóa chất phục vụ cận lâm sàng (xem phần quản lý dược, vật tư tiêu hao, hóa chất CLS)
f) Quản lý báo cáo thống kê và kết xuất dữ liệu
Kết xuất dữ liệu được ra các biểu mẫu thống kê hoạt động CLS (biểu mẫu về chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm) của biểu mẫu thống kê bệnh viện.
Kết xuất được các báo cáo thống kê theo yêu cầu quản lý của bệnh viện.
4. Phân hệ quản lý dược bệnh viện
a) Quản lý thông tin thuốc - vật tư
Xây dựng danh mục chuẩn thuốc - vật tư tiêu hao thống nhất cho toàn bệnh viện.
Quản lý được các thông tin về hạn sử dụng của thuốc, có khả năng lập bảng theo dõi hạn sử dụng thuốc và có khả năng cảnh báo thuốc sắp hết hạn sử dụng.
Đáp ứng được yêu cầu thu hồi thuốc theo quyết định thu hồi hay đình chỉ lưu hành thuốc do Cục Quản lý Dược Việt Nam ban hành.
Xây dựng được từ điển tra cứu thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc.
b) Quản lý xuất nhập thuốc tại kho dược
Thiết kế hệ thống các danh mục phục vụ cho tác nghiệp xuất, nhập thuốc. Xây dựng màn hình nhập liệu cho phép khai báo mới, sửa chữa hay hủy bỏ từng loại danh mục trên.
Xây dựng màn hình nhập liệu cho chức năng nhập thuốc vào kho dược từ các đầu vào khác nhau: nhập từ nhà cung cấp, nhập thuốc trả lại từ khoa phòng, nhập thuốc pha chế trong bệnh viện bao gồm các thông tin theo yêu cầu quản lý của Bộ Y tế.
Xây dựng màn hình nhập liệu cho chức năng xuất thuốc từ kho dược tương ứng với các loại xuất khác nhau: xuất trả nhà cung cấp, xuất kho lẻ… bao gồm đầy đủ các thông tin theo yêu cầu quản lý của Bộ Y tế.
Xây dựng màn hình nhập liệu cho phép lập danh sách các thuốc vật tư phục vụ cho các chức năng xuất khác: xuất để phòng dịch, xuất hủy, xuất thanh lý, xuất mất/hỏng/vỡ… Dựa trên danh sách này thiết kế chức năng của chương trình duyệt xuất cho từng trường hợp tương ứng trên, trong đó bao gồm lập biên bản xuất, phiếu xuất…
c) Quản lý cấp phát thuốc cho bệnh nhân
Xây dựng màn hình nhập liệu cấp phát thuốc cho bệnh nhân theo đơn, cần phân biệt giữa bệnh nhân bảo hiểm y tế và bệnh nhân điều trị ngoại trú, trong trường hợp cần thiết phải lập được “Số sao đơn điều trị ngoại trú”.
Chương trình được thiết kế phải có chức năng dự trù thuốc qua mạng cho bệnh nhân điều trị nội trú trên cơ sở bệnh án điều trị của bệnh nhân. Phân biệt được dự trù thuốc điều trị cho bệnh nhân hay dự trù thuốc bù tủ trực theo bệnh nhân.
Xây dựng chức năng hoàn trả thuốc cho các trường hợp bệnh nhân tử vong, bệnh nhân đổi thuốc hay trốn viện… và chức năng duyệt nhập thuốc hoàn trả, lập phiếu nhập thuốc hoàn trả từ khoa phòng.
d) Các tiêu chí chung cho quản lý xuất nhập và cấp phát thuốc
Phần mềm phải thực hiện quá trình xuất nhập theo nguyên tắc nhập trước xuất trước và dựa trên hạn sử dụng của thuốc theo đúng quy định tồn trữ và phân phối thuốc.
Quản lý được việc nhập, xuất và cấp phát thuốc theo các nguồn kinh phí khác nhau: nguồn ngân sách, nguồn BHYT, nguồn viện trợ…
Phần mềm tin học phải đáp ứng được các yêu cầu tổng hợp, báo cáo thông tin nhập, xuất, tồn kho nhanh chóng và chính xác.
Cung cấp chức năng tra cứu tìm kiếm theo các tiêu chí khác nhau.
Các biểu mẫu phiếu, sổ sách được in từ phần mềm phải tuân theo đúng quy chế Dược chính.
Phần mềm phải kết xuất được các mẫu biểu, báo cáo thống kê về công tác dược bệnh viện quy định trong hệ thống báo cáo thống kê bệnh viện của Bộ Y tế ban hành. Ngoài ra phải đáp ứng được các biểu mẫu báo cáo thống kê khác theo yêu cầu quản lý của Sở Y tế, bệnh viện.
5. Phân hệ quản lý thanh toán viện phí và bảo hiểm y tế
Phân hệ quản lý viện phí và thanh toán bảo hiểm y tế có tính quyết định về hiệu quả của phần mềm quản lý bệnh viện. Phân hệ này kết nối với tất cả các phân hệ hoạt động chuyên môn như: quản lý khoa khám bệnh; xét nghiệm và thăm dò chức năng; quản lý nội trú; quản lý dược… được cài đặt tại phòng tài vụ và các điểm thu viện phí trong bệnh viện. Tại các bệnh viện có triển khai phần mềm quản lý bệnh viện nên thống nhất dùng 1 phần mềm để quản lý thanh toán BHYT, tránh nhập thông tin nhiều lần, gây lãng phí nhân lực và phiền hà cho người bệnh.
a) Quản lý thống nhất danh mục các dịch vụ y tế
Thống nhất quản lý danh mục các dịch vụ y tế về tên gọi (theo Bộ Y tế) giữa quản lý chuyên môn, quản lý thu chi người bệnh dịch vụ và quản lý tài chính BHYT. Sử dụng tên gọi và mã phẫu thuật, thủ thuật theo danh mục của Bộ Y tế ban hành; sử dụng tên gọi và mã về dịch vụ cận lâm sàng (bao gồm cả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh) theo danh mục của Bộ Y tế ban hành.
Quản lý giá của các dịch vụ điều trị: chuyên môn, cận lâm sàng, phẫu thuật, thủ thuật, thuốc, vật tư tiêu hao… theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.
b) Công khai tài chính chi cho người bệnh
Cho phép tính toán viện phí cho tất cả các đối tượng người bệnh tại bất kỳ thời điểm nào của quá trình điều trị và với bất kỳ hình thức thu phí nào.
c) Quản lý thu chi của người bệnh theo đối tượng
Người bệnh thanh toán trực tiếp: người bệnh dịch vụ, người nghèo, thực thanh thực chi.
Người bệnh thanh toán gián tiếp: các nhóm đối tượng người bệnh có thẻ BHYT thanh toán toàn phần và thanh toán một phần chi phí; trẻ em dưới 6 tuổi.
Người bệnh được miễn phí: đối tượng chính sách, người nghèo, thống kê được tổng số tiền bệnh viện đã miễn cho người bệnh.
Các đối tượng khác nếu có.
d) Quản lý viện phí ngoại trú
Quản lý thu viện phí người bệnh ngoại trú tại khoa khám bệnh: tiền khám bệnh; tiền cận lâm sàng; tiền phẫu thuật, thủ thuật; tiền các dịch vụ điều trị tại phòng khám.
đ) Quản lý viện phí nội trú
Quản lý tiền tạm ứng, tạm thu vào viện (với các đối tượng người bệnh thanh toán trực tiếp).
Quản lý chi phí điều trị: tiền thuốc, máu, dịch truyền; tiền giường; tiền phẫu thuật, thủ thuật; tiền dịch vụ cận lâm sàng (xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh).
Công khai tài chính từng ngày của người bệnh: cho phép tính toán chi phí điều trị của người bệnh tại bất kỳ thời điểm nào.
Cho phép in các loại phiếu thanh toán theo biểu mẫu đã ban hành, in hóa đơn đặc thù.
Ngoài ra đối với người bệnh BHYT cần phải quản lý phí các dịch vụ kỹ thuật cao BHYT chi trả và các khoản mà BHYT không chi trả.
e) Quản lý viện phí của người bệnh có thẻ BHYT
Quản lý phí các dịch vụ kỹ thuật cao BHYT chi trả và các khoản BHYT không chi trả (người bệnh phải tự chi trả).
In báo cáo và kết xuất được dữ liệu chi tiết về chi phí khám chữa bệnh của đối tượng người bệnh có thẻ BHYT theo định dạng dữ liệu của cơ quan BHXH Việt Nam. Trên cơ sở dữ liệu chi tiết của đối tượng tham gia BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh sẽ được cán bộ giám định của BHXH rà soát xác nhận để lưu trữ và chuyển dữ liệu về tổng hợp tại BHXH tỉnh, thành phố.
f) In hóa đơn, báo cáo tài chính
Cho phép in hóa đơn thu tiền đặc thù (tùy thuộc bệnh viện đăng ký dịch vụ).
In báo cáo thu viện phí theo các loại từ người bệnh dịch vụ: báo cáo viện phí phòng khám; báo cáo tạm ứng, tạm thu; thanh toán ra viện.
Kết xuất dữ liệu và in được biểu thống kê về hoạt động tài chính viện phí và bảo hiểm y tế trong hệ thống biểu mẫu thống kê bệnh viện.
6. Phân hệ quản lý nhân sự, tiền lương
a) Quản lý nhân sự
Quản lý các thông tin của nhân viên trong hồ sơ lý lịch.
Quản lý quá trình đào tạo cán bộ công chức.
Quản lý thông tin hợp đồng.
Truy cứu được từng vấn đề của tiểu sử bản thân của từng cán bộ công chức, viên chức (quá trình công tác, quá trình đào tạo, gia cảnh, đi nước ngoài).
Quản lý báo cáo thống kê: In và kết xuất báo cáo về tình hình nhân sự theo mẫu thống kê của Bộ Y tế quy định và một số vấn đề cần quan tâm tùy từng đơn vị (ví dụ: Thống kê độ tuổi trung bình của toàn viện, toàn khoa hoặc mức lương bình quân của toàn viện, toàn khoa…).
b) Quản lý tiền lương và BHXH
Quản lý hệ số lương, phụ cấp của từng cán bộ công chức viên chức.
Quản lý về BHXH: Danh sách lao động và quỹ tiền lương nộp BHXH; Bảng đối chiếu nộp BHXH; Danh sách điều chỉnh mức lương phụ cấp nộp BHXH.
Quản lý chấm công, ví dụ như: Chấm công theo từng tháng; Chấm công thêm giờ; Chấm công thủ thuật - phẫu thuật; Chấm công phân công trực chuyên môn; Chấm công bồi dưỡng trực…
c) Quản lý báo cáo thống kê
Quản lý thông tin và in các báo cáo thống kê theo yêu cầu của cơ quan Tài chính Nhà nước, ví dụ: Bảng thanh toán tiền lương, bảng tổng hợp tiền lương, các bảng chấm công…,
Một số biểu mẫu báo cáo hay sử dụng trong phần mềm tin học quản lý nhân sự và tiền lương: Lý lịch nhân viên, lý lịch trích ngang, quá trình đào tạo, gia cảnh, danh sách cán bộ nhân viên bệnh viện, quá trình công tác, danh sách nhân viên nghỉ việc, thống kê nhân sự, đăng ký sử dụng lao động, danh sách đề nghị ký hợp đồng lao động, danh sách lao động đề nghị cấp sổ BHXH, danh sách cán bộ, nhân viên đề nghị nâng lương, thống kê lao động tiền lương, báo cáo chất lượng cán bộ, nhân viên đơn vị bộ phận, trực thuộc, báo cáo số lượng cán bộ, nhân viên giữ các chức vụ lãnh đạo, báo cáo danh sách, tiền lương và chất lượng cán bộ viên chức, báo cáo tổng hợp ngạch, bậc và phụ cấp cán bộ, viên chức, báo cáo tăng giảm biên chế - quỹ lương, danh sách và kết quả nâng bậc lương (theo Bộ Y tế), báo cáo theo yêu cầu của bệnh viện, tổng hợp báo cáo về Bộ Y tế (Medisoft 2003).
7. Phân hệ quản lý chỉ đạo tuyến
Quản lý công tác đào tạo tuyến dưới
Quản lý chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám sức khỏe định kỳ tuyến dưới (nếu có).
Quản lý chương trình y tế (nếu có và tùy từng cơ sở).
Quản lý các báo cáo của các công tác trên.
8. Phân hệ quản lý trang thiết bị y tế
Xây dựng danh mục chuẩn các trang thiết bị y tế thống nhất sử dụng trong toàn bệnh viện. Thiết kế hệ thống các danh mục thiết bị y tế phục vụ cho tác nghiệp xuất nhập và cấp phát trang thiết bị. Xây dựng màn hình nhập liệu cho phép khai báo mới, sửa chữa hay hủy bỏ từng loại danh mục trên.
Quản lý được các thông tin tình trạng sử dụng của trang thiết bị y tế, có khả năng kết xuất các báo cáo về tình trạng trang thiết bị hiện tại.
Xây dựng giao diện nhập liệu cho các chức năng nhập trang thiết bị y tế gồm có: nhập mới thiết bị và nhập lại thiết bị từ khoa phòng.
Thiết kế màn hình làm việc cho chức năng cấp phát trang thiết bị cho các khoa phòng, điều chuyển trang thiết bị giữa các khoa phòng và chức năng điều chuyển trang thiết bị ngoại viện. Xây dựng màn hình nhập liệu cho các thông tin sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị. Xác định được trường hợp sửa chữa nâng cấp làm tăng giá trị thiết bị để có cơ sở tính khấu hao.
Xây dựng màn hình chức năng lập danh sách thanh lý thiết bị xin thanh lý và chức năng thanh lý thiết bị.
Cập nhật được đầy đủ các thông tin cần thiết của quy trình quản lý do Bộ Y tế, Sở Y tế ban hành.
Phải tự động hóa quá trình tính toán, cung cấp chức năng tra cứu, tìm kiếm theo các tiêu chí khác nhau.
Các biểu mẫu báo cáo thống kê được kết xuất từ phần mềm phải đáp ứng đủ, tuân theo các mẫu giấy phiếu thiết bị y tế do Bộ Y tế ban hành.
Đáp ứng được báo cáo thống kê theo yêu cầu của Sở Y tế, của bệnh viện./.
- 1Luật Công nghệ thông tin 2006
- 2Nghị định 49/2003/NĐ-CP quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
- 3Công văn 138/CNTT-TTUD năm 2018 về giới thiệu phần mềm tra cứu danh mục bệnh theo ICD10 do Cục Công nghệ thông tin ban hành
- 4Công văn 5908/BYT-CNTT năm 2018 thực hiện chỉ thị 14/CT-TTg về nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại do Bộ Y tế ban hành
Quyết định 5573/QĐ-BYT năm 2006 ban hành Tiêu chí phần mềm và nội dung phân hệ phần mềm tin học quản lý bệnh viện do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 5573/QĐ-BYT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/12/2006
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Lê Ngọc Trọng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra