Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 554/QĐ-UBND | Bắc Giang, ngày 04 tháng 5 năm 2012 |
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP, ngày 07/12/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/1/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;
Căn cứ Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 252/TTr-SXD ngày 12 tháng 4 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với một số nội dung chính sau:
1. Quan điểm
- Quy hoạch phát triển công nghiệp VLXD tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành khác.
- Đảm bảo tính bền vững trong phát triển sản xuất VLXD.
- Phát triển sản xuất VLXD với quy mô hợp lý, công nghệ sản xuất tiên tiến. Khuyến khích phát triển các công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên.
- Đa dạng hoá các loại hình đầu tư để thu hút mọi nguồn vốn vào phát triển sản xuất kinh doanh VLXD. Phân bố các cơ sở sản xuất VLXD thông thường gắn với nguồn nguyên liệu và hạ tầng giao thông thuận lợi. Hướng phân bố các cơ sở sản xuất VLXD xây dựng mới tập trung vào các khu, cụm công nghiệp.
- Tập trung đầu tư chiều sâu công nghệ và phát triển sản xuất sản phẩm có thế mạnh như gạch ngói nung và không nung, gạch gốm ốp lát, vôi công nghiệp, vật liệu chịu lửa nhằm xuất khẩu sản phẩm sang các tỉnh lân cận. Đồng thời sản xuất các loại VLXD có nguồn nguyên liệu tại chỗ như xi măng, bê tông, đá xây dựng, cát sỏi xây dựng... đáp ứng một phần nhu cầu xây dựng của tỉnh.
- Tổ chức sắp xếp lại lực lượng sản xuất thủ công, xoá bỏ sản xuất gạch ngói thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh vào năm 2013, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn sản xuất gạch thủ công vào năm 2015-2016.
2. Mục tiêu
a. Mục tiêu chung:
- Phát triển sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu VLXD của tỉnh và cung cấp các sản phẩm VLXD có thế mạnh ra các tỉnh lân cận và xuất khẩu.
- Phát triển sản xuất VLXD nhằm thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành công nghiệp VLXD, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.
- Phát triển sản xuất VLXD nhằm thu hút lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân.
b. Mục tiêu cụ thể:
- Phấn đấu đạt sản lượng VLXD đáp ứng nhu cầu đã dự báo đối với các sản phẩm VLXD thông thường. Quan tâm phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và có lợi thế về thị trường tiêu thụ để mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh và xuất khẩu.
- Nâng giá trị sản xuất ngành công nghiệp VLXD đến năm 2015 gấp 3,5 lần; năm 2020 gấp 5 lần so với hiện nay.
- Thu hút khoảng 5.400 lao động mới vào làm việc trong ngành VLXD.
II. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2020
1. Xi măng
1.1. Phương hướng phát triển
- Tiếp tục đầu tư phát huy công suất các cơ sở xi măng lò quay đã được quy hoạch trong giai đoạn 2011-2020.
- Phát huy tối đa năng lực các cơ sở nghiền xi măng hiện có, đồng thời đầu tư chiều sâu công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Ngừng sản xuất xi măng công nghệ lò đứng vào năm 2015 để đảm bảo môi trường và tiết kiệm nguyên nhiên liệu.
1.2 Phương án cụ thể
1.2.1 Giai đoạn đến năm 2015
- Tiếp tục đầu tư, đưa vào sản xuất ổn định, đạt công xuất thiết kế các cơ sở xi măng lò quay, Công ty CP Xi măng Hương Sơn với tổng công suất là 350 ngàn tấn/năm.
- Phát huy công suất trạm nghiền hiện có với tổng công suất 120 ngàn tấn/năm.
- Dừng 02 dây chuyền sản xuất xi măng lò đứng.
1.2.2. Giai đoạn 2016-2020
- Tiếp tục duy trì sản xuất cơ sở xi măng đã có ở giai đoạn trước.
- Thu hút đầu tư xi măng lò quay: Công suất thiết kế 01 triệu tấn/năm, tại xã Bố Hạ, huyện Yên Thế. Nguồn nguyên liệu: Đá vôi và đất sét tại Lạng Sơn.
2. Vật liệu xây
2.1. Phương hướng phát triển
- Đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất gạch công nghệ lò tuy-nen hoặc sản xuất theo công nghệ tiên tiến khác tương đương với quy mô thích hợp ở những huyện có tiềm năng về nguồn nguyên liệu đất sét.
- Tiếp tục đầu tư chiều sâu cải tiến công nghệ sản xuất gạch đất sét nung ở tất cả các cơ sở hiện có trên địa bàn, nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
- Khuyến khích phát triển sản xuất gạch nung sử dụng nguyên liệu là đất bãi ven sông, đất hoang hoá, đất sét đồi, phế thải xây dựng.
- Tổ chức sắp xếp lại lực lượng sản xuất thủ công, xoá bỏ sản xuất gạch ngói thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh vào năm 2013, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn sản xuất gạch thủ công vào năm 2015-2016.
- Đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất gạch không nung theo công nghệ tiên tiến từ nguyên liệu xi măng, đá mạt, cát hoặc từ nguyên liệu đất đồi, phế thải xây dựng; đồng thời phát triển sản xuất các loại vật liệu nhẹ sử dụng phế thải công nghiệp tro xỉ nhiệt điện phục vụ cho xây dựng nhà cao tầng ở các đô thị, các khu công nghiệp. Đưa tỷ lệ gạch không nung lên khoảng 25% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020 trong tổng sản lượng vật liệu xây dựng.
- Khai thác nguyên liệu để sản xuất phải tuân thủ Luật Khoáng sản và các quy định hiện hành khác.
2.2. Phương án cụ thể
2.2.1 Giai đoạn đến năm 2015
- Gạch nung:
+ Duy trì sản xuất 12 cơ sở gạch tuy-nen hiện có với tổng công suất là 380 triệu viên/năm.
+ Đưa vào sản xuất ổn định 6 cơ sở gạch tuy-nen đã đầu tư xong năm 2011 với tổng công suất là 137 triệu viên/năm.
+ Tiếp tục đầu tư 11 cơ sở gạch tuy-nen (đã được cấp phép) với tổng công suất là 311 triệu viên/năm.
(Danh sách các cơ sở tại Phụ lục số 1 kèm theo).
+ Duy trì sản xuất 19 cơ sở gạch nung lò đứng liên tục và lò vòng với tổng công suất 208 triệu viên/năm. Đến năm 2015 ngừng hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất này trên địa bàn thành phố Bắc Giang.
+ Tiếp tục đầu tư 04 cơ sở gạch nung lò vòng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng công suất là 37,5 triệu viên/năm.
(Danh sách các cơ sở tại Phụ lục số 2 kèm theo)
+ Giảm dần tỷ lệ sản xuất gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường và tiến tới ngừng sản xuất vào ngày 01/3/2012 đối với lò trên địa bàn huyện Hiệp Hoà, Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam và thành phố Bắc Giang; vào ngày 01/3/2013 trên địa bàn huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Yên Thế.
+ Chuyển đổi các cơ sở sản xuất gạch nung lò thủ công sang lò thủ công có sử dụng công nghệ xử lý khói đảm bảo tiêu chuẩn môi trường tại các vị trí đất bãi ven sông, đất hoang hoá, xa khu dân cư không nằm trong khu vực đất canh tác nông nghiệp, không ảnh hưởng đến đê điều, thoát lũ ở bãi sông, các công trình thuỷ lợi, giao thông, thông tin, di tích văn hoá, với sản lượng khoảng 160 triệu viên/năm để đáp ứng nhu cầu sử dụng tại địa phương. Việc chuyển đổi các cơ sở sản xuất thực hiện theo quy định của tỉnh, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn vào năm 2015-2016.
- Gạch không nung:
+ Duy trì sản xuất của 4 cơ sở hiện có với tổng công suất là 25 triệu viên QTC/năm.
+ Đầu tư mới 08 cơ sở sản xuất gạch không nung có quy mô công suất khoảng 20 triệu viên quy tiêu chuẩn/ năm/cơ sở, sử dụng nguyên liệu là xi măng, đá mạt và cát. Tổng công suất là 160 triệu viên QTC/năm.
Địa điểm:
* CCN Bố Hạ, huyện Yên Thế: 01 cơ sở.
* Xã Nhã Nam, huyện Tân Yên: 01 cơ sở
* Xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên: 01 cơ sở (Công ty TNHH một thành viên Mai Luận).
* Xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang: 01 cơ sở.
* Xã An Lạc, huyện Sơn Động: 01 cơ sở.
* Xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang: 01 cơ sở (Công ty TNHH một thành viên Minh Sơn).
* Xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang: 01 cơ sở (Công ty CP điện cơ và xây dựng Việt Nam số 5)
* Xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang: 01 cơ sở (Công ty CP Clever)
+ Đầu tư mới 2 cơ sở sản xuất bê tông khí chưng áp. Quy mô công suất 100.000 m3/năm/cơ sở. Tổng công suất là 140 triệu viên QTC/năm.
Sản phẩm: Tấm sàn, tấm tường, vách ngăn, gạch xây nhẹ.
Công suất: 100.000 m3/năm khoảng 70 triệu viên QTC/năm. Địa điểm:
* TT. Thanh Sơn, huyện Sơn Động.
* Xã Việt Tiến, huyện Việt Yên.
+ Đầu tư mới 02 cơ sở sản xuất gạch không nung từ đất đồi thuộc xã Bảo Đài, Lục Nam và xã Trung Sơn, Việt Yên công suất 10 triệu viên/năm/cơ sở.
+ Đầu tư các cơ sở sản xuất gạch không nung có quy mô nhỏ công suất 5 – 10 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm tại các huyện, tổng công suất là 50 triệu viên QTC/năm:
* Lục Nam: 02 cơ sở tại xã Bắc Lũng, CCN Vũ Xá với tổng 10 triệu viên QTC/năm.
* Lục Ngạn: 03 cơ sở tại CCN Trại Ba - xã Quý Sơn, xã Phượng Sơn và xã Mỹ An với tổng công suất 15 triệu viên QTC/năm.
* Yên Dũng: 03 cơ sở tại các xã: Xuân Phú, Yên Lư và Tư Mại với tổng công suất 15 triệu viên QTC/năm.
* Sơn Động: 02 cơ sở tại các xã: An Lạc và Cẩm Đàn với tổng công suất 10 triệu viên QTC/năm.
2.2.2 Giai đoạn 2016-2020
- Gạch nung: Không phát triển sản xuất gạch nung. Duy trì công suất đã có ở giai đoạn trước.
- Gạch không nung: Phát huy và nâng sản lượng gạch không nung tại các cơ sở quy mô lớn lên công suất gấp đôi so với ban đầu, công suất tăng thêm là 345 triệu viên QTC/năm (15 cơ sở quy mô lớn)
3. Vật liệu lợp
3.1 Phương hướng phát triển
- Phát triển các loại ngói nung, ngói trang trí chất lượng cao có giá trị kinh tế, ngói cổ phục vụ cho xây dựng các công trình như biệt thự, khách sạn cao cấp, khu du lịch và trùng tu di tích lịch sử, văn hoá...
- Phát triển sản xuất các loại ngói không nung có màu, sản xuất trên dây chuyền công nghệ, thiết bị hiện đại.
- Phát triển đa dạng các loại tấm lợp composite, tấm lợp kim loại cách âm, cách nhiệt, chống ồn...
3.2 Phương án cụ thể
3.2.1 Giai đoạn đến năm 2015
- Ngói nung: Phát triển sản xuất ngói nung tại các cơ sở sản xuất gạch nung tuy-nen, với công suất đạt 1 triệu m2/năm (tương đương 22 triệu viên ngói/năm). Tại các cơ sở này đầu tư công nghệ đồng bộ nhằm đa dạng hóa sản phẩm các loại ngói trang trí, mỏng có giá trị kinh tế cao, ngói tráng men, ngói cổ...
- Tấm lợp kim loại:
+ Duy trì sản xuất các cơ sở đã có ở giai đoạn trước với công suất 0,5 triệu m2/năm, tại huyện Việt Yên và thành phố Bắc Giang.
+ Đầu tư mới 04 cơ sở gia công tấm lợp kim loại quy mô nhỏ tại một số huyện. Nguyên liệu tôn cuộn mạ. Thiết bị máy móc gồm: máy dập sóng, cắt liên hợp. Công suất 0,1 triệu m2/năm/cơ sở. Vốn đầu tư khoảng 100 triệu đồng/cơ sở.
Địa điểm:
* CCN Đồng Đình, TT Cao Thượng, huyện Tân Yên.
* CCN Cầu Sen, huyện Lục Nam.
* CCN Hàm Rồng, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn.
* CCN An Lập, huyện Sơn Động.
+ Đầu tư mới 02 cơ sở sản xuất tấm lợp cách âm và cách nhiệt, tăng cường khả năng chống cháy. Sản phẩm có 3 lớp: Tôn tráng kẽm, lớp PU cách nhiệt, lớp màng
PP hoặc PVC.
Công suất: 1 triệu m2/năm/cơ sở. Địa điểm:
* KCN Tân Thịnh, xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang.
* KCN Yên Lư, huyện Yên Dũng.
- Ngói xi măng – cát: Đầu tư mới 03 cơ sở sản xuất ngói xi măng – cát với công suất 0,1 triệu m2/năm/cơ sở. Thiết bị chính là máy trộn bê tông, máy rung ép, máy nén khí do trong nước chế tạo, kích thước ngói là 330x420 mm (10 viên/m2), bề mặt phủ sơn màu.
Địa điểm:
* CCN Bố Hạ, huyện Yên Thế.
* CCN Hàm Rồng, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn.
* CCN An Lập, huyện Sơn Động.
3.2.2 Giai đoạn 2016-2020
- Ngói nung: Duy trì sản xuất ngói nung tại các cơ sở sản xuất gạch nung tuy- nen, với công suất đạt 1 triệu m2/năm (tương đương 22 triệu viên ngói/năm).
- Tấm lợp kim loại:
+ Duy trì sản xuất tấm lợp kim loại tại các cơ sở đã có ở giai đoạn trước.
+ Đầu tư mở rộng sản xuất cơ sở sản xuất tấm lợp cách âm và cách nhiệt, tăng cường khả năng chống cháy. Công suất tăng thêm: 1 triệu m2/năm tại KCN Tân Thịnh – Quang Thịnh, huyện Lạng Giang.
- Ngói xi măng – cát: Duy trì sản xuất các cơ sở sản xuất ngói xi măng – cát với công suất 0,3 triệu m2/năm.
4. Đá xây dựng
4.1. Phương hướng phát triển đến năm 2020
- Tiếp tục đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ khai thác đá xây dựng tại cơ sở hiện có, nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
- Tập trung khai thác đá xây dựng tại các mỏ đá thuộc xã Long Sơn, Thanh Luận, An Lạc – huyện Sơn Động và xã Lục Sơn huyện Lục Nam, tăng cường thiết bị vận chuyển, nâng cấp hệ thống đường vận chuyển nội bộ để cung ứng cho nhu cầu xây dựng.
- Các cơ sở khai thác cần đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại và phải có phương án sử dụng mạt đá để sản xuất các loại vật liệu khác nhằm tận dụng tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.
4.2. Phương án cụ thể
4.2.1 Giai đoạn đến năm 2015:
- Duy trì và nâng công suất khai thác cơ sở khai thác đá hiện có đạt công suất là 200.000 m3/năm.
- Khai thác đá tại xã Lục Sơn, huyện Lục Nam với công suất 95.000 m3/năm (chưa có đánh giá trữ lượng).
- Đầu tư mới 2 cơ sở khai thác đá tại các xã: Long Sơn và Thanh Luận, huyện Sơn động với công suất là 100.000 m3/năm/cơ sở.
4.2.2 Giai đoạn 2016 – 2020:
- Mở rộng nâng công suất khai thác 2 cơ sở khai thác đá tại các xã: Long Sơn và Thanh Luận lên công suất là 200.000 m3/năm/cơ sở.
5. Cát xây dựng
5.1. Phương hướng phát triển
- Đẩy mạnh khai thác cát trên cơ sở quản lý chặt chẽ việc thực hiện đúng các quy định khai thác cát lòng sông đáp ứng nhu cầu cát xây dựng trong tỉnh.
- Tổ chức sắp xếp lại lực lượng khai thác cát hộ tư nhân nhỏ lẻ, khuyến khích và tạo điều kiện để các cơ sở này liên kết liên doanh hình thành các đơn vị khai thác tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức quản lý khai thác theo quy hoạch của các cấp ngành và chính quyền địa phương, áp dụng cơ giới hoá và cải tiến công nghệ khai thác cát để nâng công suất, đảm bảo môi trường.
- Chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép của các tổ chức và hộ cá thể không có chức năng khai thác cát. Xây dựng kế hoạch thăm dò và quy hoạch cấp mỏ cho những tổ chức có năng lực khai thác cát.
- Khai thác cát phải đảm bảo hành lang an toàn đối với luồng tàu và công trình an toàn giao thông đường thuỷ, công trình chỉnh trị đê điều.
5.2. Phương án cụ thể
5.2.1 Giai đoạn đến năm 2015
- Khai thác cát trên các sông: Sông Cầu, sông Lục Nam và sông Thương. (Có Phụ lục chi tiết số 3 kèm theo)
5.2.2 Giai đoạn 2016 – 2020:
- Khai thác cát trên các sông: Sông Cầu, sông Lục Nam và sông Thương.
(Có Phụ lục chi tiết số 3 kèm theo)
6. Gạch gốm ốp lát:
6.1. Phương hướng phát triển:
- Công nghệ sản xuất gạch gốm ốp lát phải sản xuất được nhiều loại sản phẩm với các kích thước khác nhau; có khả năng ứng dụng công nghệ trang trí hiện đại tạo
ra những sản phẩm có giá trị. Các cơ sở có thể nghiên cứu sử dụng khí hoá than để thay thế song phải tuân thủ các tiêu chuẩn về khí thải, không gây ô nhiễm môi trường.
- Công nghệ sản xuất có khả năng tạo các sản phẩm có kích thước lớn với các tính năng hiện đại, giảm tối đa độ bám dính, sử dụng lớp phủ NANO để nâng cao chất lượng bề mặt sản phẩm.
- Phát triển đa dạng hoá các chủng loại sản phẩm, nhiều mẫu mã đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội.
6.2. Phương án cụ thể:
6.2.1 Giai đoạn đến năm 2015:
- Công ty CP granit Thạch Bàn tại KCN Song Khê – Nội Hoàng, huyện Yên
Dũng, công suất 5 triệu m2/năm (chuyển từ thành phố Hà Nội sang)
- Nhà máy gạch granit MIKADO tại xã Hùng Sơn, huyện Hiệp Hoà, công suất thiết kế 2,3 triệu m2/năm (chuyển từ tỉnh Thái Bình sang)
- Nhà máy gạch Cotto tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, công suất 3 triệu m2/năm.
6.2.2 Giai đoạn 2016 – 2020:
Duy trì sản xuất 03 cơ sở hiện có ở giai đoạn trước với tổng công suất gạch granit là 10,3 triệu m2/năm.
7. Bê tông cấu kiện
7.1. Phương hướng phát triển
- Tiếp tục duy trì và đầu tư chiều sâu cho các cơ sở hiện có để phát huy hết công suất thiết kế.
- Phát triển sản xuất và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất bê tông cấu kiện và bê tông thương phẩm.
- Đa dạng hoá các sản phẩm bê tông, nâng cao chất lượng bê tông, nghiên cứu sản xuất bê tông mác cao, các loại bê tông nhẹ, bê tông dự ứng lực để đáp ứng nhu cầu cho các công trình cao tầng, công trình chất lượng cao, bê tông bán lắp ghép và các sản phẩm cột điện, cống thoát nước, cấu kiện bê tông, bê tông tươi cho các nhu cầu xây dựng.
7.2 Phương án cụ thể
7.2.1 Giai đoạn đến năm 2015
- Nâng công suất Công ty CP Bê tông và Xây dựng Bắc Giang lên 100.000 m3/năm.
- Duy trì sản xuất Công ty TNHH Dịch vụ và Đầu tư Hà Nội, xã Đại Thành, huyện Hiệp Hòa công suất 10.000 m3/năm.
- Đầu tư mới 03 cơ sở sản xuất bê tông cấu kiện công suất 50.000 m3/năm/cơ sở tại địa điểm sau:
+ Huyện Yên Dũng.
+ Huyện Lục Ngạn.
+ Huyện Lạng Giang.
7.2.2 Giai đoạn 2016 – 2020
- Duy trì sản xuất 02 cơ sở đã có ở giai đoạn trước.
- Nâng công suất 3 cơ sở bê tông cấu kiện tại các huyện: Yên Dũng, Lạng Giang và Lục Ngạn lên 100.000 m3/năm.
8. Gạch lát bê tông
Duy trì sản xuất các cơ sở gạch lát bê tông hiện có với công suất là 14 triệu m2/năm. Sản phẩm gồm gạch bê tông tự chèn và gạch terrazzo.
9. Vật liệu chịu lửa
Trong giai đoạn tới, nhu cầu vật liệu chịu lửa là rất lớn, để cung cấp cho các ngành công nghiệp luyện kim, sản xuất xi măng, gốm sứ... và trong dân dụng. Sản phẩm vật liệu chịu lửa của Bắc Giang đã có thương hiệu từ nhiều năm qua, vì vậy trong giai đoạn đến năm 2020 sẽ tiếp tục phát triển chủng loại sản phẩm này ở tỉnh.
Giai đoạn đến năm 2015: Nâng công suất Nhà máy Vật liệu chịu lửa Tam Tầng lên 30.000 tấn/năm.
Giai đoạn 2016 – 2020: Nâng công suất lên 50.000 tấn/năm.
Duy trì sản xuất cơ sở Công ty CP Vật liệu chịu lửa Quang Minh, công suất 20.000 tấn/năm.
10. Vữa khô trộn sẵn
Dự kiến đầu tư dây chuyền sản xuất vữa trộn sẵn (xi măng + cát + phụ gia) bao gồm các sản phẩm: vữa xây, vữa trát, bột bả tường và vữa dán gạch ốp lát vào giai đoạn đến năm 2020.
- Giai đoạn đến năm 2015:
Đầu tư mới các cơ sở sản xuất vữa khô, công suất 50.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Tân Thịnh – Quang Thịnh, huyện Lạng Giang.
- Giai đoạn 2016 – 2020:
Mở rộng sản xuất, nâng công suất cơ sở trên với công suất tăng thêm là 50.000 tấn/năm.
11. Vôi công nghiệp
Đến năm 2020 Bắc Giang sẽ đi theo hướng phát triển sản xuất vôi theo quy mô công nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.
- Giai đoạn đến năm 2015: Đầu tư mới 01 cơ sở sản xuất vôi quy mô công nghiệp tại xã Đông Sơn, huyện Yên Thế với công suất 100.000 tấn/năm.
- Giai đoạn 2016-2020: Mở rộng sản xuất cơ sở trên với công suất đạt 200.000 tấn/năm. Nguồn nguyên liệu đá vôi tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
III. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VẬT LIỆU XÂY DỰNG:
ĐVT: Tỷ đồng
STT | Loại vật liệu | 2011-2015 | 2016-2020 | Cộng |
1 | Xi măng | 600 | 2.000 | 2.600 |
2 | Vật liệu xây | 907 | 188,5 | 1.095,5 |
3 | Vật liệu lợp | 10,7 | 3 | 13,7 |
4 | Đá Xây dựng | 6 | 2 | 8 |
5 | Cát Xây dựng | 5,5 | 10 | 15,5 |
6 | Gạch gốm ốp lát | 163 | 0 | 163 |
7 | Bê tông cấu kiện | 48 | 75 | 123 |
8 | Gạch lát bê tông | 0 | 0 | 0 |
9 | Vật liệu chịu lửa | 3 | 2 | 5 |
10 | Vữa khô trộn sẵn | 50 | 20 | 70 |
11 | Vôi công nghiệp | 40 | 20 | 60 |
| Tổng vốn đầu tư cho VLXD thời kỳ 2011-2020 | 1.833,2 | 2.322,5 | 4.156 |
IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH:
- Giải pháp về vốn và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng;
- Giải pháp về thị trường;
- Giải pháp về nguồn lực lao động và khoa học công nghệ;
- Giải pháp về tổ chức và quản lý;
- Giải pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững;
- Giải pháp về đẩy mạnh công tác chuyển bị đầu tư và điều tra cơ bản để phụ vụ cho yêu cầu phát triển VLXD.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH:
1. Sở Xây dựng:
- Tổ chức công bố Quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng tỉnh Bắc
Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Quản lý và chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách phát triển ổn định và bền vững cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng;
- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra giám sát tình hình triển khai quy hoạch phát triển công nghiệp VLXD, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh hàng năm và đột xuất;
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất các chính sách về khuyến khích đầu tư, huy động vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển VLXD có hiệu quả và bền vững.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng lập quy hoạch thăm dò khai thác các loại khoáng sản VLXD;
- Nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các quy định nhằm đơn giản hoá các thủ tục cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác và kiểm tra, giám sát việc khai thác tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo thẩm quyền;
- Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan ban hành, công bố các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng.
3. Sở Công Thương:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện xoá bỏ lò gạch thủ công theo đúng kế hoạch của tỉnh tại Quyết định 147/2009/QĐ-UBND và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ;
- Đề xuất hoạt động khuyến công, tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và các cơ chế chính sách liên quan đến công tác phát triển thị trường VLXD trong và ngoài nước.
4. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Lập phương án đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng: tiếp thu, ứng dụng công nghệ tiên tiến ở trong và ngoài nước, nhất là công nghệ sạch, công nghệ ít tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu để thay thế các công nghệ lạc hậu trong sản xuất vật liệu xây dựng;
- Đề xuất giải pháp hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất sản phẩm mới.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh:
- Nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế hỗ trợ vốn có hiệu quả cho các dự án đầu tư về vật liệu xây dựng và bố trí vốn trong kế hoạch ngân sách hàng năm để thực hiện có hiệu quả các nội dung của quy hoạch được duyệt;
- Nghiên cứu đề xuất chính sách về thuế tài nguyên trong đó có thuế tài nguyên đất sét sản xuất gạch ngói nung, để giảm dần việc khai thác đất, bảo vệ môi trường và xây dựng chính sách ưu đãi tạo điều kiện phát triển vật liệu không nung phù hợp với thực tế của tỉnh.
6. Các Sở, Ban, ngành có liên quan:
Theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chủ trì và UBND các huyện, thành phố tham gia đề xuất giải quyết các việc liên quan đến công tác thực hiện, quản lý quy hoạch và phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh.
7. Uỷ ban nhân dân các cấp:
- Quản lý, chỉ đạo các tổ chức, các nhân tham gia đầu tư phát triển công nghiệp VLXD trên địa bàn theo đúng quy hoạch;
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quy hoạch tại địa phương và định kỳ hàng năm báo cáo về Sở Xây dựng;
- Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, an toàn lao động, an ninh trật tự tại các khu vực có khoáng sản làm VLXD và có cơ sở sản xuất VLXD. Giải quyết theo thẩm quyền các thủ tục giao đất, cho thuê đất, sử dụng cơ sở hạ tầng và các vấn đề khác có liên quan cho các tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại địa phương. Đặc biệt chú trọng việc rà soát, kiểm tra việc sử dụng đất sét làm gạch ngói nung trên địa bàn.
8. Các doanh nghiệp sản xuất và khai thác chế biến khoáng sản làm VLXD
- Các doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình trên cơ sở pháp luật ban hành. Đặc biệt phải thường xuyên quan tâm tới việc bảo vệ môi trường. Đối với các cơ sở khai thác tài nguyên phải thực hiện hoàn nguyên hàng năm hoặc trong từng thời gian khai thác;
- Hàng năm, các doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản và sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị về Sở Xây dựng.
- Sở Xây dựng có trách nhiệm gửi hồ sơ Quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan; đồng thời chủ trì tổ chức công bố, quản lý và thực hiện quy hoạch theo đúng quy định hiện hành;
- Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; Sở Xây dựng, các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| KT. CHỦ TỊCH |
DANH SÁCH CƠ SỞ SẢN XUẤT GẠCH TUY-NEN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 04/5/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh)
STT | Tên doanh nghiệp | Địa điểm | Công suất (triệu viên/năm) |
1 | Công ty TNHH Nam Cường | xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động | 20 |
2 | Công ty CP Thạch Bàn | Xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng | 40 |
3 | Công ty CP Bến Thủy | Xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng | 40 |
4 | Công ty CP XD &TM Nham Biền | xã Yên Lư, huyện Yên Dũng | 60 |
5 | Công ty TNHH 365 Đức Lương | TT Đồi Ngô, huyện Lục Nam | 18 |
6 | Công ty CP TM Thịnh Phát | TT Đồi Ngô, huyện Lục Nam | 18 |
7 | Nhà máy Gạch tuy-nen Thiên Phú (Công ty CP Thiên Phú) | xã Tiên Nha, huyện Lục Nam | 25 |
8 | Nhà máy Gạch tuy-nen | CCN Hàm Rồng, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn | 30 |
9 | Nhà máy sản xuất gạch Quang Thịnh (Công ty TNHH Ngọc Khánh) | xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang | 30 |
10 | Công ty CP Hợp Thịnh Phát | xã Xuân Cẩm, Hiệp Hoà | 10 |
11 | Công ty CP Minh Phú | xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hoà | 20 |
DANH SÁCH CƠ SỞ SẢN XUẤT GẠCH NUNG LÒ VÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 04/5/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh)
STT | Tên doanh nghiệp | Địa điểm | Công suất (triệu viên/năm) |
1 | Công ty TNHH Thắng Lợi | Xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng | 10 |
2 | Cơ sở tư nhân Hoàng Xuân Kỳ | Xã Lão Hộ, huyện Yên Dũng | 8,5 |
3 | Nhà máy sản xuất gạch Nghĩa Trung (Công ty TNHH Đại Hoàng Dương) | Xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên | 10 |
4 | Nhà máy gạch Vĩnh Cửu (Công ty CP SX và XNK VLXD Vĩnh Cửu) | Xã Tự Lan, huyện Việt Yên | 9 |
PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC CÁT TRÊN CÁC SÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 04/5/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh)
1. Giai đoạn đến năm 2015
STT | Tên sông | Địa điểm khai thác | Công suất (m3/năm) |
1 | Sông Cầu | Bãi cát Tân Chung, xã Đồng Tân, huyện Hiệp Hoà | 10.000 |
2 | Bãi cát Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà | 20.000 | |
3 | Bãi cát Thái Sơn, huyện Hiệp Hoà | 10.000 | |
4 | Bãi cát Châu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà | 10.000 | |
5 | Bãi cát Ngọ Khổng, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hoà | 20.000 | |
6 | Bãi cát Thắng Cương, huyện Yên Dũng | 10.000 | |
7 | Bãi cát Yên Ninh, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hoà | 10.000 | |
8 | Sông Lục Nam | Bãi cát Chản Đồng, xã Yên Sơn, huyện Lục Nam | 100.000 |
9 | Bãi cát Dẫm Đình, xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam | 50.000 | |
10 | Bãi cát Xóm Bến, xã Khám Lạng, huyện Lục Nam | 50.000 | |
11 | Bãi cát Cẩm Y, xã Tiên Sơn, huyện Lục Nam | 50.000 | |
12 | Bãi cát Bến Kép, xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn | 10.000 | |
13 | Bãi cát Đoàn Kết, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn | 10.000 | |
14 | Bãi cát Thôn Nghẽo, xã Tuấn Đạo, huyện Lục Ngạn | 30.000 | |
15 | Bãi cát Trại Chùa, xã Yên Định, huyện Sơn Động | 10.000 | |
16 | Bãi cát Nhân Định, xã Yên Định, huyện Sơn Động | 20.000 | |
17 | Bãi cát Trại Một, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn | 10.000 | |
18 | Sông Thương | Bãi cát Ao Giời, xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng | 30.000 |
19 | Bãi cát Xóm Chùa, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng | 10.000 |
2 Giai đoạn 2016 – 2020:
STT | Tên sông | Địa điểm khai thác | Công suất (m3/năm) |
1 | Sông Cầu | Bãi cát Phú Cốc, xã Quang Minh, huyện Hiệp Hoà | 10.000 |
2 | Bãi cát Đa Hội, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hoà | 10.000 | |
3 | Bãi cát Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà | 20.000 | |
4 | Bãi cát Thái Sơn, huyện Hiệp Hoà | 10.000 | |
5 | Bãi cát Ngọ Khổng, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hoà | 20.000 | |
6 | Bãi cát Bùi Kép, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng | 50.000 | |
7 | Bãi cát Thắng Cương, huyện Yên Dũng | 10.000 | |
8 | Bãi cát Yên Ninh, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hoà | 10.000 | |
9 | Sông Lục Nam | Bãi cát Chản Đồng, xã Yên Sơn, huyện Lục Nam | 50.000 |
10 | Bãi cát Dẫm Đình, xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam | 50.000 | |
11 | Bãi cát Xóm Bến, xã Khám Lạng, huyện Lục Nam | 50.000 | |
12 | Bãi cát Cẩm Y, xã Tiên Hưng, huyện Lục Nam | 50.000 | |
13 | Bãi cát Đọ Làng, xã Cương Sơn, huyện Lục Nam | 100.000 | |
14 | Bãi cát Thôn Lợ, xã Cương Sơn, huyện Lục Nam | 100.000 | |
15 | Bãi cát Phố Kim, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn | 50.000 | |
16 | Bãi cát Bến Kép, xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn | 10.000 | |
17 | Bãi cát Phúc Kiến, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn | 20.000 | |
18 | Bãi cát Ao Tán, xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn | 20.000 | |
19 | Bãi cát Thôn Nghẽo, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động | 30.000 | |
20 | Bãi cát Trại Chùa, xã Yên Định, huyện Sơn Động | 10.000 | |
21 | Bãi cát Nhân Định, xã Yên Định, huyện Sơn Động | 20.000 | |
22 | Bãi cát Thôn Vá, xã An Bá, huyện Sơn Động | 20.000 | |
23 | Bãi cát Thôn Lạnh, xã Lệ Viễn, huyện Sơn Động | 20.000 | |
24 | Bãi cát Trại Một, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn | 10.000 | |
25 | Sông Thương | Bãi cát Ao Giời, xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng | 30.000 |
26 | Bãi cát Xóm Chùa, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng | 10.000 |
- 1Quyết định 12/2012/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2012 - 2020
- 2Quyết định 1504/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2020, có xét đến năm 2025 do tỉnh Bắc Kạn ban hành
- 3Quyết định 250/QĐ-UBND năm 2019 bãi bỏ các quy hoạch hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 59 Luật Quy hoạch do tỉnh Bắc Giang ban hành
- 1Quyết định 1362/QĐ-UBND năm 2016 bổ sung điểm sản xuất gạch nung công nghệ tuynel vào Quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2Quyết định 250/QĐ-UBND năm 2019 bãi bỏ các quy hoạch hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 59 Luật Quy hoạch do tỉnh Bắc Giang ban hành
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 124/2007/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng
- 4Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 5Luật khoáng sản 2010
- 6Quyết định 12/2012/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2012 - 2020
- 7Quyết định 147/2009/QĐ-UBND về Quy định hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
- 8Quyết định 1504/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2020, có xét đến năm 2025 do tỉnh Bắc Kạn ban hành
Quyết định 554/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- Số hiệu: 554/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/05/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
- Người ký: Lại Thanh Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/05/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra