Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 55/2007/QĐ-UBND | Bắc Giang, ngày 07 tháng 6 năm 2007 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÃ HỘI HOÁ CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2006-2010.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao;
Căn cứ Quyết định số 61/2005/QĐ-BVHTT ngày 04/11/2005 của Bộ VHTT về phê duyệt Đề án quy hoạch, phát triển XHH các hoạt động văn hoá đến 2010;
Căn cứ Chương trình xây dựng và phát triển văn hoá thông tin giai đoạn 2006-2010 ban hành kèm theo Nghị quyết số 52/NQ-TU ngày 10/5/2006 của Tỉnh uỷ Bắc Giang; Kế hoạch số 837/KH-UBND ngày 16/4/2007 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao;
Xét đề nghị của Sở Văn hoá Thông tin tại Tờ trình số 233/TT-VHTT ngày 15 tháng 5 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
XÃ HỘI HOÁ CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2006-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55 ngày 07/6/2007 của UBND tỉnh)
Thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và Chương trình xây dựng, phát triển văn hoá - thông tin giai đoạn 2006-2010 ban hành kèm theo Nghị quyết số 52/2006/NQ-TU ngày 10/5/2006 của Tỉnh uỷ Bắc Giang; Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án xã hội hoá các hoạt động văn hoá tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006-2010 với những nội dung chủ yếu sau:
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ TRONG THỜI GIAN QUA
Thực hiện Nghị quyết 90/CP ngày 21/8/1997, Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá ở Bắc Giang đã đạt được những kết quả đáng kể.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, tạo ra bước phát triển mới, đạt hiệu quả thiết thực. Mô hình làng, bản, khu phố văn hoá được nhân rộng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 267.085 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá (chiếm 72,6%);1.086 làng, bản, tổ dân phố (chiếm 45%) và 1.079 cơ quan, doanh nghiệp, trường học được công nhận là cơ quan, đơn vị văn hoá. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cơ bản được tổ chức đúng quy định, đảm bảo thuần phong mỹ tục, hạn chế các hủ tục. Thực hiện xã hội hoá các hoạt động văn hoá cơ sở, vai trò quần chúng nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn hoá được khơi dậy. Nhân dân đã đóng góp công sức, tiền của để tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ ở cơ sở. Nhiều đội văn nghệ ở các làng, bản, khu phố tích cực tham gia hoạt động đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ về văn hoá và xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.
Thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ và các hoạt động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở đã tạo ra mối quan hệ đoàn kết, tương thân, tương ái, hình thành nếp sống văn minh, tạo ra môi trường văn hoá lành mạnh góp phần tích cực vào việc đấu tranh bài trừ tội phạm và tệ nạn xã hội ở các địa bàn dân cư. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 1.687 nhà văn hoá làng, bản, tổ dân phố; 118 thư viện, tủ sách cơ sở; 1.297 đội văn nghệ quần chúng; 898 câu lạc bộ. Nhân dân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng thiết chế văn hoá. Hoạt động của các thiết chế văn hoá xã, phường, thị trấn, làng, bản, điểm bưu điện văn hoá xã và đài truyền thanh cơ sở đã phát huy hiệu quả tích cực.
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá được coi trọng. Toàn tỉnh có 134/303 di tích lịch sử văn hoá đã xếp hạng được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp từ nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân và các nguồn khác.
Các lễ hội truyền thống đang dần được khôi phục.
Lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ văn hoá phát triển mạnh, 90% mạng lưới các cơ sở bán, cho thuê băng đĩa hình, phát hành văn hoá phẩm, karaoke, internet, giải trí do tư nhân, tổ chức xã hội đảm nhiệm. Công tác phát hành sách, in, phôtôcopy, vi tính, đóng xén, quảng cáo... do các công ty cổ phần và tư nhân đảm nhận. Một số đơn vị sự nghiệp của ngành VHTT đã đẩy mạnh thu để tự lo được một phần kinh phí cho các hoạt động.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hoá thông tin ngày càng được quan tâm. Ở cấp tỉnh 60% cán bộ có trình độ đại học; cấp huyện, thành phố 56% cán bộ có trình độ đại học; cấp xã, phường, thị trấn 10% cán bộ có trình độ đại học, 63% có trình độ cao đẳng và trung cấp về chuyên môn nghiệp vụ.
Những kết quả nói trên thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp; việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến cơ sở; sự đóng góp đáng kể của nhân dân và toàn xã hội; sự cố gắng của đội ngũ cán bộ văn hoá thông tin vào sự nghiệp phát triển văn hoá trong thời gian qua.
II. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Những tồn tại, hạn chế
Công tác xã hội hoá hoạt động văn hoá phát triển không đồng đều ở các địa phương và các lĩnh vực. Các hoạt động văn hoá thông tin ở làng, bản, khu phố do có sự chỉ đạo tập trung và sự hỗ trợ của Nhà nước nên phát triển mạnh; các lĩnh vực còn lại hoạt động nào thu lợi nhuận cao thì phát triển. Một số hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá vì chạy theo lợi nhuận nên đã nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực.
Huy động nguồn vốn trong nhân dân để bảo vệ và phát huy di sản văn hoá chưa nhiều; ý thức, trách nhiệm của các địa phương trong việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn chế.
Xã hội hoá hoạt động văn hoá trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, dịch vụ văn hoá còn mang tính tự phát. Các cơ sở văn hoá ngoài công lập còn ít về số lượng, nhỏ về quy mô.
Việc sắp xếp, đổi mới cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp văn hoá theo hướng xã hội hoá còn chậm, hiệu quả thấp.
2. Nguyên nhân
Bắc Giang là tỉnh miền núi, còn nhiều xã nghèo và xã có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn nên việc huy động các nguồn lực cho xã hội hoá các hoạt động văn hoá đạt thấp.
Nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa sâu sắc, chưa thấy được tính tất yếu và lợi ích lâu dài của công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá nên trong chỉ đạo chưa tập trung, thiếu kiên quyết, còn mang nặng tư duy và thói quen bao cấp.
Công tác quản lý, chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước còn bị động, lúng túng trong tổ chức thực hiện. Ngành văn hoá thông tin chưa làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyền về công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá. Sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân về công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá chưa mạnh.
Chưa có quy hoạch, kế hoạch định hướng xã hội hoá các lĩnh vực văn hoá với bước đi phù hợp. Chính sách ưu đãi về văn hoá chưa cụ thể, chưa khuyến khích xã hội hoá các hoạt động văn hoá ngoài công lập.
MỤC TIÊU, NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN XÃ HỘI HOÁ CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ GIAI ĐOẠN 2006-2010
1. Mục tiêu chung
Phát huy tiềm năng, trí tuệ và vật chất trong nhân dân; huy động mọi nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; sáng tạo, cung cấp, phổ biến và tạo ra nhiều sản phẩm, tác phẩm, công trình văn hoá có chất lượng, phong phú, đa dạng, dân tộc và hiện đại nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân.
Tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số, công nhân trong các khu công nghiệp được sáng tạo và hưởng thụ văn hoá ngày càng cao.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2010
2.1. Xây dựng gia đình văn hoá, làng, bản, khu phố, cơ quan văn hoá:
Có 75 đến 80% số hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá”; 55% đến 60% làng, bản, khu phố đạt chuẩn văn hoá được cấp huyện, thành phố công nhận; 70% cơ quan đạt chuẩn văn hoá; 5% đến 10% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hoá.
2.2. Xây dựng thiết chế văn hoá:
- 70% làng, bản, khu phố có nhà văn hoá hoạt động có hiệu quả; 50% xã, phường, thị trấn có nhà văn hoá, đài truyền thanh, sân vận động; 10% làng, bản, khu phố có thư viện hoặc tủ sách; 20% xã có thư viện công cộng; 80% huyện, thành phố có đủ thiết chế văn hoá- thông tin và hoạt động hiệu quả (nhà văn hoá, đài truyền thanh, thư viện, hiệu sách).
- 100% huyện, thành phố hoàn thành quy hoạch đất đai cho việc xây dựng thiết chế văn hoá ở địa phương mình.
- 100% xã có điểm bưu điện văn hoá và đài truyền thanh hoạt động thường xuyên.
2.3. Bảo tồn phát huy di sản văn hoá:
Lập hồ sơ xếp hạng, công nhận được 400 di tích lịch sử văn hoá trên tổng số 1.316 di tích; trong đó 50% di tích lịch sử văn hoá đã công nhận được tu bổ, tôn tạo.
2.4. Biểu diễn nghệ thuật và điện ảnh:
90% đơn vị cơ sở có đội văn nghệ hoạt động. Đến năm 2010 biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp tăng 20% số buổi so với năm 2006; biểu diễn văn nghệ quần chúng tăng 30% số buổi so với năm 2006; chiếu phim phục vụ miền núi tăng 30% buổi chiếu so với năm 2006.
2.5. Đào tạo cán bộ văn hoá thông tin:
80% cán bộ văn hoá thông tin cấp tỉnh và 70% cán bộ cấp huyện có trình độ đại học; cấp xã 12% cán bộ có trình độ đại học và 88% cán bộ có trình độ trung cấp.
2.6. Huy động nguồn lực từ xã hội hoá:
Phấn đấu đến năm 2010 các cơ sở văn hoá ngoài công lập và các lực lượng tham gia xã hội hoá các hoạt động văn hoá đảm nhận từ 30-40% nhu cầu dịch vụ văn hoá tuỳ theo từng loại hình, lĩnh vực; huy động vốn từ xã hội chiếm khoảng 45%.
II. NỘI DUNG XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ GIAI ĐOẠN 2006-2010
1. Xã hội hoá các hoạt động văn hoá- thông tin cơ sở
Việc thực hiện xã hội hoá các hoạt động văn hoá - thông tin cơ sở có ý nghĩa quan trọng là tạo ra sự phát triển bền vững, lâu dài lực lượng văn hoá rộng lớn ở cơ sở nhằm phát huy tinh thần làm chủ, sáng tạo và nâng cao mức hưởng thụ văn hoá- thông tin của đông đảo quần chúng nhân dân ở cơ sở và là cốt lõi để xây dựng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
1.1. Cho phép và khuyến khích các tổ chức, đơn vị, cá nhân đầu tư, tham gia vào các hoạt động, mô hình văn hoá- thông tin cơ sở.
+ Đối với hoạt động của các thiết chế VHTT cơ sở: Các đơn vị, tổ chức, cá nhân ngoài công lập được đầu tư, thành lập thiết chế văn hoá- thông tin cơ sở như: Nhà văn hoá, cụm tuyên truyền cổ động trực quan, cụm văn hoá- thể thao, cụm văn hoá- thông tin, công viên văn hoá, điểm vui chơi cho trẻ em, nhà văn hoá thanh thiếu nhi... trên nguyên tắc tự tổ chức, quản lý và chịu sự quản lý về mặt Nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.
+ Đối với hoạt động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở: Các đơn vị, tổ chức ngoài công lập được đầu tư, tham gia vào hoạt động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, được phối hợp với các tổ chức công lập của Nhà nước thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình, làng, bản, tổ dân phố, xã, phường, cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hoá; được đăng ký tổ chức lễ hội, đám cưới, phục vụ đám tang theo hướng dẫn nếp sống văn hoá của Nhà nước trên nguyên tắc tự tổ chức, quản lý, đảm bảo nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước và chịu sự quản lý về mặt Nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.
+ Đối với hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng: Các đơn vị, tổ chức, cá nhân ngoài công lập được đầu tư, tham gia tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị gồm: liên hoan, hội diễn văn nghệ; thành lập nhóm, câu lạc bộ và các loại hình văn nghệ dân gian...trên nguyên tắc tự tổ chức, quản lý và chịu sự quản lý về mặt Nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.
1.2. Thực hiện chủ trương: Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp và huy động các nguồn lực tại địa phương để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá- thông tin cơ sở.
Ngân sách tỉnh ưu tiên hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hoá ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; các vùng còn lại chủ yếu huy động sự đóng góp của nhân dân và một phần hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá.
2. Xã hội hoá các lĩnh vực văn hoá chuyên ngành
2.1.Lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản văn hoá
- Lập quy hoạch quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích cách mạng, lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh. Thành lập Ban quản lý di tích để quản lý các di tích ở địa phương. Khuyến khích các Ban quản lý di tích ở địa phương vận động nhân dân, các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đóng góp vốn, sức người, sức của để giữ gìn, tôn tạo các di tích; ghi công đối với tập thể và cá nhân tham gia đóng góp để tu bổ, tôn tạo các di tích cách mạng, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh. Tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức, cá nhân truyền dạy, phát huy giá trị các di sản văn hoá phi vật thể; hình thành và phát triển văn hoá ẩm thực, mang đặc trưng và truyền thống của mỗi vùng, miền tỉnh Bắc Giang.
- Khuyến khích thành lập Bảo tàng văn hoá làng, Bảo tàng tư nhân, sưu tập hiện vật tư nhân. Tổ chức, cá nhân được tổ chức trưng bày các bộ sưu tập tư nhân theo quy định của Luật Di sản văn hoá. Duy trì và phát huy tốt các hội nghề nghiệp hiện có. Khuyến khích thành lập các hội, câu lạc bộ (CLB) ngành nghề thủ công truyền thống, văn hoá - văn nghệ dân gian. Khuyến khích các nghệ nhân và những người nghiên cứu, sưu tầm giới thiệu những tác phẩm văn hoá phi vật thể.
- Khuyến khích thành lập cửa hàng sưu tầm mua bán cổ vật, giới thiệu và quảng bá sản phẩm văn hoá khi được phép của cơ quan quản lý Nhà nước.
2.2. Lĩnh vực hoạt động nghệ thuật
Khuyến khích thành lập Đoàn Nghệ thuật và Công ty Biểu diễn nghệ thuật ngoài công lập do tập thể, tư nhân, gia đình thành lập với các thể loại: sân khấu, ca múa nhạc, xiếc, tạp kỹ, biểu diễn thời trang, tổ chức sản xuất và cung ứng dụng cụ (đạo cụ), phục trang cho biểu diễn sân khấu.
2.3. Lĩnh vực điện ảnh
Cho phép tổ chức, tập thể, cá nhân xây rạp chiếu phim, kết hợp kinh doanh chiếu phim với các dịch vụ khác; được thuê lại rạp hoặc liên doanh cải tạo, nâng cấp rạp chiếu phim do Nhà nước quản lý; được mở cửa hàng kinh doanh bán và cho thuê băng hình; kinh doanh trang thiết bị điện ảnh, âm thanh, ánh sáng; xây dựng các điểm chiếu bóng cố định hoặc đội chiếu phim lưu động phục vụ nông thôn, miền núi.
2.4. Lĩnh vực xuất bản, in phát hành
Mở rộng chức năng cho cơ sở in tư nhân, ngoài in bao bì được hoạt động chế bản in, in catalog, tờ rơi, tờ gấp giới thiệu sản phẩm hàng hoá, hướng dẫn sử dụng thiết bị; in biểu mẫu, in giấy tờ của các doanh nghiệp; in giấy kẻ, vở học sinh.
2.5. Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tổ chức các cuộc thi sáng tác mỹ thuật, nhiếp ảnh mà giải thưởng mang tên nhà tài trợ thực hiện. Phát triển các lớp học tư nhân về hội hoạ, nhiếp ảnh do các hoạ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh tổ chức và giảng dạy. Thành lập các CLB những người yêu thích mỹ thuật, nhiếp ảnh, tổ chức bán đấu giá những tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh để gây quỹ. Khuyến khích thành lập các bảo tàng mỹ thuật, nhiếp ảnh tư nhân; hình thành doanh nghiệp tư nhân truyền dạy và sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực mỹ thuật- nhiếp ảnh.
2.6. Lĩnh vực thư viện
Vận động thành lập các thư viện hoặc phòng đọc sách tư nhân ở cộng đồng dân cư. Khuyến khích thành lập các CLB bạn đọc hoặc CLB những người yêu sách.
2.7. Lĩnh vực đào tạo
Khuyến khích thành lập trường tư thục về văn hoá nghệ thuật mà xã hội có nhu cầu như trường điện ảnh, trường múa, trường mỹ thuật..Tổ chức các lớp năng khiếu mỹ thuật, âm nhạc, thanh nhạc, sân khấu, thời trang…Mở rộng liên kết đào tạo của Trường Trung học Văn hoá- Nghệ thuật tỉnh để đáp ứng yêu cầu về chuẩn hoá đội ngũ cán bộ VHTT. Tạo điều kiện và khuyến khích cán bộ VHTT đi học để nâng cao trình độ theo nguyên tắc tự nguyện.
3. Xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành văn hoá thông tin
Bắc Giang là tỉnh miền núi nên giai đoạn từ nay đến 2010 các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành văn hoá thông tin tiếp tục duy trì dưới hình thức công lập.
Các đơn vị như: Bảo tàng, Ban quản lý di tích, Thư viện tỉnh và Thư viện các huyện, thành phố tiếp tục duy trì và phát triển dưới hình thức công lập nhằm duy trì, phổ biến, bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc và của nhân loại.
Trung tâm Văn hoá-Thông tin-Triển lãm (VHTT-TL), Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng (PHP&CB), các đội thông tin lưu động ở huyện, thành phố tiếp tục duy trì và phát triển dưới hình thức công lập để truyền tải định hướng, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tăng cường các hoạt động nhằm tạo nguồn thu từ các đơn vị sự nghiệp VHTT để tự cân đối một phần nhu cầu chi.
Từng bước chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập hiện có của ngành VHTT sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ.
III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hoá các hoạt động văn hoá của Đảng và Nhà nước. Tạo sự chuyển biến mạnh về mặt nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân về xã hội hoá các hoạt động văn hoá. Đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII; Kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về “ Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
2. Tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp theo hướng xã hội hoá với bước đi thích hợp. Chuyển dần hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ. Mở rộng và đa dạng hoá hoạt động văn hoá của các thành phần kinh tế. Đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong việc thành lập các cơ sở ngoài công lập trên cơ sở có hướng dẫn các điều kiện thành lập, cơ chế quản lý và việc chấp hành các quy định của pháp luật.
3. Xây dựng quy hoạch phát triển văn hoá thông tin giai đoạn 2006-2020 gắn với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hoá thông tin cơ sở.
4. Tăng mức đầu tư cho văn hoá từ nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương để nâng cao vai trò chủ đạo, nòng cốt của đơn vị văn hoá Nhà nước trong quá trình xã hội hoá các hoạt động văn hoá. Thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá. Đổi mới cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hoá thông tin. Đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư, động viên các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân, các nhà hảo tâm và các tổ chức.
5. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra nhằm thực hiện tốt Đề án về xã hội hoá các hoạt động văn hoá. Đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước đối với các cơ sở văn hoá công lập và ngoài công lập, tạo điều kiện để các cơ sở văn hoá cùng phát triển, ổn định lâu dài, bảo đảm lợi ích của từng cá nhân, tập thể và toàn xã hội.
6. Chuẩn hoá đội ngũ cán bộ văn hoá thông tin từ tỉnh đến cơ sở, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cán bộ văn hoá thông tin cơ sở để làm tốt vai trò tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương về xã hội hoá các hoạt động văn hoá. Thực hiện sự bình đẳng giữa các cơ sở văn hoá công lập và ngoài công lập về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; về thi đua khen thưởng; về công nhận danh hiệu Nhà nước; về tiếp nhận cán bộ từ khu vực công lập sang ngoài công lập và ngược lại.
7. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” theo hướng nâng cao chất lượng phong trào và làm nòng cốt trong thực hiện các mục tiêu về văn hoá.
8. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách của Nhà nước về khuyến khích các tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và phát triển văn hoá. Nghiên cứu trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hoá bao gồm: chính sách về đất đai, chính sách hỗ trợ đầu tư, chính sách cán bộ, chính sách tài chính, thuế.
I. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP
1. Sở Văn hóa- Thông tin
Tham mưu với UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch và nội dung cụ thể về thực hiện xã hội hoá hoạt động văn hoá trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các ngành, các cấp, các đơn vị có liên quan, các tổ chức kinh tế- xã hội để hướng dẫn, triển khai thực hiện nội dung xã hội hoá hoạt động văn hoá phù hợp với kế hoạch phát triển văn hoá thông tin đã đề ra.
Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đánh giá việc thực hiện xã hội hoá hoạt động văn hoá trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu với HĐND và UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia xã hội hoá hoạt động văn hoá trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ văn hoá thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan thẩm định các đề án, quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển văn hoá - thông tin trình UBND tỉnh quyết định. Tham mưu với HĐND và UBND tỉnh về kế hoạch vốn đầu tư và ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hoá thông tin giai đoạn 2006-2010.
3. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở VHTT, Sở Kế hoạch- Đầu tư và các cơ quan có liên quan, căn cứ các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển sự nghiệp văn hoá - thông tin để tham mưu với HĐND tỉnh phân bổ ngân sách; hướng dẫn quản lý sử dụng ngân sách theo quy định. Hướng dẫn cơ chế, chính sách quản lý tài chính ngoài công lập, tập huấn giúp đỡ các cơ sở ngoài công lập quản lý tài chính theo quy định của Nhà nước.
4. Các Sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Sở Văn hoá-Thông tin tổ chức thực hiện đề án đạt kết quả.
5. UBND các huyện, thành phố
Căn cứ những nội dung cơ bản của Đề án này, xây dựng kế hoạch thực hiện ở địa phương mình. Động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân và các lực lượng xã hội tham gia xã hội hoá các hoạt động văn hoá đạt hiệu quả. Có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và chỉ đạo xây dựng điển hình xã hội hoá hoạt động văn hoá ở địa phương.
6. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội
Đẩy mạnh tuyên truyền và vận động thực hiện xã hội hoá các hoạt động văn hoá gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Vận động nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên tham gia xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng làng, bản, khu phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, gia đình văn hoá theo hướng nâng cao chất lượng phong trào.
1. Năm 2007
Phổ biến, hướng dẫn, triển khai Đề án xã hội hoá các hoạt động văn hoá tỉnh
Bắc Giang giai đoạn 2006- 2010 trong toàn tỉnh.
Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Sở Tài nguyên - Môi trường, Cục Thuế...tham mưu với UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ các vùng khó khăn, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng và phát triển văn hoá trình HĐND tỉnh vào cuối năm 2007.
2. Giai đoạn 2008-2010
+ Năm 2008: Tập trung chỉ đạo xây dựng thiết chế văn hoá-thông tin cơ sở, đến hết năm 2008 cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra về xây dựng nhà văn hoá làng, bản, khu phố; xây dựng đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; điểm bưu điện văn hoá xã; sân vận động xã, thị trấn. Thành lập được 1-2 Công ty tư nhân tham gia vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.
+ Năm 2009: Chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hoá ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu công nghiệp để nâng mức hưởng thụ về văn hoá cho nhân dân ở các vùng này. Chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, đến hết năm 2009 cơ bản đạt chỉ tiêu về chuẩn hoá đội ngũ cán bộ.
+ Năm 2010: Tập trung chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu còn lại của đề án. Hình thành các mô hình xã hội hoá tiêu biểu của từng vùng, từng lĩnh vực để phát huy và nhân rộng.
Thực hiện sơ kết hàng năm và đến năm 2010 tổng kết đánh giá thực hiện Đề án xã hội hoá các hoạt động văn hoá. Nhân rộng mô hình và các điển hình về xã hội hoá các hoạt động văn hoá trên địa bàn toàn tỉnh.
- 1Quyết định 60/2006/QĐ-UBND Ban hành Đề án do Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia lai ban hành đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động văn hoá trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2006-2010 do Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành
- 2Quyết định 11/2008/QĐ-UBND về Quy định quản lý hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng trên địa bàn tỉnh Hoà Bình do Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành
- 1Quyết định số 61/2005/QĐ-BVHTT phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa đến năm 2010 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin ban hành
- 2Quyết định 60/2006/QĐ-UBND Ban hành Đề án do Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia lai ban hành đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động văn hoá trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2006-2010 do Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành
- 3Nghị quyết số 90-CP về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá do Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 73/1999/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao
- 5Luật di sản văn hóa 2001
- 6Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao do Chính Phủ ban hành
- 8Quyết định 11/2008/QĐ-UBND về Quy định quản lý hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng trên địa bàn tỉnh Hoà Bình do Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành
Quyết định 55/2007/QĐ-UBND phê duyệt đề án xã hội hoá các hoạt động văn hoá giai đoạn 2006-2010 do tỉnh Bắc Giang ban hành
- Số hiệu: 55/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/06/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
- Người ký: Bùi Văn Hạnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra