Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 549/QĐ-UBND | Bến Tre, ngày 10 tháng 3 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Quyết định số 518/QĐ-UBND ngày 19 tháng 3 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm;
Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 46/TTr-SYT ngày 04 tháng 3 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 549/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc, cơ chế và trách nhiệm phối hợp giữa Sở Y tế với các sở, ngành gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Công an tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố.
Điều 2. Mục đích, yêu cầu
- Tăng cường năng lực và trách nhiệm trong công tác tổ chức, phối hợp chỉ đạo, thực hiện xuyên suốt đối với hoạt động đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của các cơ quan có liên quan, từ tỉnh đến huyện, thành phố trong toàn tỉnh.
- Tăng cường trách nhiệm, phối hợp giữa các ngành và địa phương để hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu quả.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Thống nhất công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo chất lượng VSATTP trong tỉnh, tránh hình thức, chồng chéo nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.
2. Hoạt động phối hợp dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị phối hợp và tuân thủ quy định của pháp luật.
3. Tuân thủ quy tắc chung, khách quan trong quá trình phối hợp, cùng có trách nhiệm củng cố và xây dựng, cải tiến các biện pháp phối hợp, kịp thời đề xuất điều chỉnh những điều khoản không hợp lý, bảo đảm được yêu cầu chuyên môn, chất lượng và thời gian phối hợp.
Điều 4. Cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp
Sở Y tế là cơ quan chủ trì giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh trong hoạt động đảm bảo chất lượng VSATTP trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Công an tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố là cơ quan phối hợp.
Chương II
CƠ CHẾ, TRÁCH NHIỆM CHUNG CỦA CÁC CƠ QUAN CHỦ TRÌ VÀ PHỐI HỢP
Điều 5. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan chủ trì
1. Xây dựng kế hoạch thực hiện công tác, trong đó xác định nhiệm vụ của từng cơ quan phối hợp; tổ chức điều phối các hoạt động đảm bảo chất lượng VSATTP theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo; tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền về tình hình thực hiện kế hoạch đảm bảo chất lượng VSATTP.
2. Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết theo đề nghị của cơ quan phối hợp và các điều kiện đảm bảo khác cho công tác phối hợp.
3. Tổng hợp và tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan phối hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về các vấn đề chưa thống nhất giữa các ngành.
4. Báo cáo đề xuất hoặc giải trình nội dung liên quan cho Uỷ ban nhân dân tỉnh và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về tình hình phối hợp theo quy định trong Quy chế này.
5. Chủ trì tổ chức hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP, thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác quản lý Nhà nước về VSATTP trên địa bàn tỉnh, thẩm định các điều kiện VSATTP và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các cơ sở tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, các chợ đầu mối.
Điều 6. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan phối hợp
1. Tham gia các hoạt động phối hợp theo kế hoạch chuẩn bị của cơ quan chủ trì phối hợp.
2. Cung cấp thông tin, số liệu có liên quan đến công việc cần phối hợp công tác và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu.
3. Tuân thủ về thời gian góp ý kiến theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, phối hợp và chịu trách nhiệm về các ý kiến của cơ quan mình.
4. Yêu cầu cơ quan chủ trì phối hợp cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết, phục vụ cho công tác phối hợp.
5. Từng đơn vị căn cứ vào nội dung kế hoạch của Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về VSATTP theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
6. Phối hợp trong xây dựng kế hoạch kiểm tra, và tham gia kiểm tra VSATTP thuộc phạm vi ngành quản lý, cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành VSATTP.
7. Chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xử lý, thu hồi, tổ chức tiêu huỷ các sản phẩm thực phẩm không có nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi bị phát hiện. Tiến hành thanh tra VSATTP các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm khi có dấu hiệu vi phạm các quy định phát luật về VSATTP.
8. Khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra, phối hợp các cơ quan chủ trì xử lý các cơ sở sai phạm thuộc phạm vi quản lý của đơn vị theo quy định pháp luật.
9. Phối hợp trong hoạt động quản lý chuỗi thực phẩm, có kế hoạch triển khai hoạt động quản lý chuỗi thực phẩm an toàn bao gồm: chuỗi rau an toàn, chuỗi thịt và sản phẩm thịt, chuỗi thuỷ hải sản; có trách nhiệm giám sát hoạt động của chuỗi thực phẩm thuộc trách nhiệm, phạm vi quản lý.
CƠ CHẾ, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN CHỦ TRÌ VÀ PHỐI HỢP
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Y tế
1. Là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, có trách nhiệm thực hiện các nội dung quy định ở Điều 5 Quy chế này.
2. Chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về VSATTP đối với thực phẩm đã qua chế biến lưu thông trên thị trường, chủ trì phối hợp cùng Sở Công Thương quản lý hoạt động kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh.
3. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao theo quy định tại Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Bộ Y tế.
4. Cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định và phân cấp của Bộ Y tế tại Quyết định số 42/2005/QĐ-BYT ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Bộ Y tế về việc ban hành ”Quy chế về công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm”.
6. Thiết lập hệ thống thông tin giám sát VSATTP nhằm đánh giá tình hình vệ sinh an toàn của các loại thực phẩm được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
7. Thông báo tên, địa chỉ các cơ quan, đơn vị có chức năng kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ công tác quản lý Nhà nước về VSATTP.
8. Kiểm tra, kiểm soát về VSATTP đối với các bếp ăn tập thể.
9. Khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra, có trách nhiệm tổ chức cấp cứu và chữa trị cho người bị ngộ độc. Tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, sau đó tiến hành thanh tra xử lý các sai phạm.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Thực hiện việc quản lý Nhà nước về VSATTP trong suốt quá trình từ sản xuất nuôi trồng, khai thác, thu hái, giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển cho đến khi nông sản thực phẩm được đưa ra lưu thông trên thị trường.
2. Kiểm soát VSATTP đối với rau quả, thú y và thuỷ hải sản bao gồm kiểm dịch hàng ngày trên từng quầy sạp, đơn vị kinh doanh, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, xử lý trứng,…
3. Lập kế hoạch xây dựng và phát triển vùng sản xuất nông sản an toàn (vùng rau quả an toàn, vùng chăn nuôi an toàn).
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Điều 6 Quy chế này.
Điều 9. Trách nhiệm của Sở Công Thương
1. Thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với thực phẩm lưu thông trên thị trường.
2. Kiểm soát điều kiện kinh doanh (mua bán, bảo quản, vận chuyển) thực phẩm tươi sống và chế biến tại các chợ.
3. Kiểm soát việc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng hàng hóa; kiểm tra, kiểm soát hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, nhập lậu không đảm bảo VSATTP.
4. Phối hợp Sở Y tế quản lý hóa chất phụ gia thực phẩm.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Điều 6 Quy chế này.
Điều 10. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ
1. Nguyên cứu, xét duyệt, chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất thực phẩm an toàn. Phối hợp quản lý và phát triển các trung tâm kiểm nghiệm đạt chuẩn.
2. Triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ việc thực hiện các tiêu chuẩn, phương pháp quản lý VSATTP theo tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế.
3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Điều 6 Quy chế này.
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về VSATTP.
2. Quản lý việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.
3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Điều 6 Quy chế này.
Điều 12. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Kiểm tra, kiểm soát về môi trường, nước thải, rác thải đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý.
2. Đề xuất và giám sát thực hiện tiêu huỷ các sản phẩm thực phẩm, hóa chất phụ gia thực phẩm không đạt các tiêu chuẩn về VSATTP.
3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Điều 6 Quy chế này.
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Kiểm tra, kiểm soát về VSATTP đối với bếp ăn tập thể, các hoạt động kinh doanh thực phẩm trong các cơ quan, trường học thuộc phạm vi quản lý.
2. Xây dựng các mô hình điểm về chế biến, cung cấp thực phẩm đảm bảo vệ sinh cho các trường học trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong các trường học.
3. Phối hợp các ngành chức năng truyền thông về chuyên đề VSATTP cho giáo viên, học sinh trên phạm vi toàn tỉnh.
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Điều 6 Quy chế này.
Điều 14. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Phát hiện, điều tra xử lý và hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về VSATTP.
2. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, thanh tra việc xử lý chất thải, nước thải ở các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm.
3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Điều 6 Quy chế này.
Điều 15. Trách nhiệm của Sở Tài chính
1. Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và kiểm tra kinh phí chương trình mục tiêu đảm bảo VSATTP về vi phạm VSATTP nhằm phục vụ tốt cho hoạt động đảm bảo VSATTP của tỉnh.
2. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Điều 6 Quy chế này.
Điều 16. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
1. Trực tiếp quản lý Nhà nuớc về VSATTP trên địa bàn huyện, thành phố; phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan để thực hiện quản lý Nhà nuớc về VSATTP theo chức năng chuyên ngành; thực hiện và chỉ đạo thực hiện việc thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các cơ sở theo quy định tại Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Bộ Y tế.
2. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Điều 6 Quy chế này.
Chương III
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ BÁO CÁO LIÊN NGÀNH
Điều 17. Sở Y tế là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo công tác ATVSTP tỉnh, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổng hợp báo cáo của các sở, ngành để trình Ban Chỉ đạo công tác ATVSTP tỉnh và Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Điều 18. Chế độ hội họp
Định kỳ 6 tháng 1 lần, Ban Chỉ đạo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm họp để đánh giá kết quả thực hiện chương trình, lập kế hoạch và đề ra phương hướng nhiệm vụ thời gian tới; báo cáo đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh để có những chỉ đạo kịp thời phù hợp với tình hình thực tế.
Trường hợp đột xuất, Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác ATVSTP sẽ triệu tập cuộc hợp bất thường để giải quyết.
Điều 19. Chế độ báo cáo
Các sở, ngành, đoàn thể có liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo bằng văn bản về Sở Y tế (bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - số 230, đường Nguyễn Văn Tư, phường 7, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre).
Nội dung báo cáo gồm các hoạt động tổ chức, triển khai thực hiện công tác đảm bảo VSATTP (báo cáo phải có nhận định, đánh giá, khó khăn và hướng đề xuất giải quyết), theo định kỳ hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và năm.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bến Tre thuộc Sở Y tế tổng hợp báo cáo bằng văn bản cho Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng khác về hoạt động đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 20. Sở Y tế và các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, Sở Y tế có trách nhiệm tổng hợp và đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh để xem xét, quyết định./.
- 1Quyết định 16/2008/QĐ-UBND về quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 2753/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ thực vật, giống cây trồng, phân bón và vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản thực vật giai đoạn 2012 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 3Chỉ thị 07/2007/CT-UBND về triển khai các biện pháp cấp bách đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Phú Nhuận do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4Quyết định 2381/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 1Quyết định 42/2005/QĐ-BYT về "Quy chế công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm" do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2Quyết định 11/2006/QĐ-BYT ban hành Quy chế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3Thông tư liên tịch 06/2007/TTLT-BVHTT-BYT-BNN-BXD hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép thực hiện quảng cáo một cửa liên thông do Bộ văn hoá Thông tin- Bộ Y tế- Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn- Bộ Xây Dựng ban hành
- 4Quyết định 16/2008/QĐ-UBND về quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 5Quyết định 2753/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ thực vật, giống cây trồng, phân bón và vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản thực vật giai đoạn 2012 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 6Quyết định 780/QĐĐC-UBND năm 2010 đính chính quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm kèm theo quyết định 549/QĐ-UBND năm 2010 tỉnh Bến Tre
- 7Chỉ thị 07/2007/CT-UBND về triển khai các biện pháp cấp bách đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Phú Nhuận do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Quyết định 549/QĐ-UBND năm 2010 về quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- Số hiệu: 549/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/03/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
- Người ký: Nguyễn Thái Xây
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra