Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 543/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 12 tháng 3 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 65-KH/TU NGÀY 06/12/2013 CỦA TỈNH ỦY VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 24-NQ/TW CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XI VỀ CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Căn cứ Kế hoạch số 65-KH/TU ngày 06/12/2013 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 172/TTr-STNMT ngày 25 tháng 02 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện kế hoạch số 65-KH/TU ngày 06/12/2013 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố; Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Bộ TNMT (b/c);
- TTr tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- UB MTTQVN và các Đoàn thể tỉnh (p/h);
- Lưu: VT+HN

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Đức Vinh

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 65-KH/TU NGÀY 06/12/2013 CỦA TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 24-NQ/TW CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG (KHÓA XI) VỀ CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 543/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2014 của UBND tỉnh Khánh Hoà)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt đầy đủ, sâu sắc tinh thần, nội dung Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch số 65-KH/TU ngày 06/12/2013 của Tỉnh ủy tới các cấp chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân.

2. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; xác định đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; an ninh lương thực và góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa.

3. Chương trình hành động nhằm thực hiện các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 được đề ra tại Kế hoạch số 65-KH/TU gắn liền với công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và đánh giá công tác triển khai thực hiện Kế hoạch số 65-KH/TU ngày 26/9/2013 của Tỉnh ủy

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

1. Về ứng phó với biến đổi khí hậu:

- Kiện toàn bộ máy trong quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu. Thành lập Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Khánh Hòa để tham mưu, giúp UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý, điều hành, triển khai các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương.

- Tiếp tục thực hiện các nhiệm thuộc Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015 đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt tại Quyết định số 1113/QĐ-UBND ngày 15/5/2011.

- Cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Khánh Hòa cho giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến 2030.

- Triển khai thực hiện dự án “Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2014-2015”.

- Triển khai dự án được phê duyệt thuộc Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) của tỉnh Khánh Hòa đã được Chính phủ phê duyệt.

- Huy động nguồn lực tài chính để thực hiện các nhiệm vụ, dự án, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Hàng năm, triển khai lập đề cương thuyết minh đề xuất hỗ trợ vốn từ Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) cho các dự án đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

- Từ năm 2015 đến năm 2020 tiếp tục thực hiện xây dựng hệ thống cột mốc báo lũ tại các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

- Tập trung nghiên cứu tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, các giống thủy, hải sản có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ giúp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái biển, rừng tự nhiên nhằm gia tăng khả năng hấp thụ khí thải nhà kính.

2. Về quản lý tài nguyên:

a. Quản lý tài nguyên đất:

Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định; rà soát quy hoạch của các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt;

Xác định ranh giới công khai diện tích đất trồng lúa, đảm bảo lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực giữ nhiều đất trồng lúa; khai hoang, cải tạo đất chưa sử dụng để bù lại phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản bị giảm do chuyển mục đích sử dụng;

Thực hiện thu hồi đất theo theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó cần phải thu hồi cả phần diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để tạo nguồn vốn cho phát triển, tạo quỹ đất đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội;

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương cho phù hợp với quy định của Luật đất đai; lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho cấp huyện.

Từng bước khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sử dụng đất; bảo vệ và phòng chống sa mạc hóa, thoái hóa đất canh tác nông nghiệp;

Đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất;

Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quy hoạch phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp; tăng cường công tác thanh tra xử lý vi phạm trong sử dụng đất, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch.

b) Về quản lý tài nguyên khoáng sản:

Chủ động đề xuất tiến hành điều tra địa chất bổ sung, tìm kiếm, phát hiện và khoanh vùng các khu vực có triển vọng về khoáng sản ở đất liền và diện tích biển ven bờ đến độ sâu đến 30 m nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Lộ trình thực hiện: căn cứ kế hoạch của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản.

Tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu về địa chất khoáng sản trên phạm vi toàn tỉnh trong hệ thống cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường.

Đến năm 2015, xây dựng và hoàn chỉnh phần mềm quản lý thông tin dữ liệu địa chất khoáng sản thống nhất trong toàn tỉnh.

Triển khai cấp phép hoạt động khoáng sản đúng quy hoạch, gắn với bảo vệ môi trường, khuyến khích đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiệu suất thu hồi sản phẩm cao; ưu tiên cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án khai thác đi kèm với đầu tư chế biến sâu khoáng sản.

Khuyến khích, yêu cầu đầu tư công nghệ, thiết bị mới tiên tiến, nhằm thu hồi tối đa nguồn tài nguyên, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đa dạng hóa sản phẩm; khuyến khích sử dụng các phương pháp khai thác không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản phải bảo đảm đủ năng lực để đầu tư công nghệ mới, thiết bị tiên tiến, sớm chấm dứt tình trạng khai thác chế biến theo công nghệ thủ công, nhỏ lẻ, lạc hậu, kém hiệu quả.

Triển khai các quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Rà soát các mỏ khoáng sản đang hoạt động, kiểm tra hoạt động khai thác theo thiết kế; phục hồi môi trường theo phương án đã được phê duyệt, từng bước trả lại diện tích đất để sử dụng đúng mục đích;

Thông qua việc điều chỉnh quy hoạch khoáng sản giai đoạn 2012 - 2015 và sau năm 2015, áp dụng các biện pháp quản lý cấp phép để đến năm 2020 sẽ cơ bản chấm dứt hoạt động của các mỏ trong khu vực đô thị, khu vực nhạy cảm ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường để dành đất cho các dự án phát triển khu đô thị, khu du lịch, dịch vụ.

Thực hiện việc cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông đúng quy định, phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường, khơi thông dòng chảy, chống sạt lở bờ sông.

Dừng xuất khẩu khoáng sản thô (kể cả cát trắng thủy tinh), chưa qua chế biến hoặc chỉ ở dạng sơ chế (tuyển rửa).

Không xuất khẩu các loại khoáng sản quan trọng có ý nghĩa chiến lược: Đá khối granit, Ilmenit...

UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan liên quan tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn địa phương quản lý: tổ chức định kỳ và đột xuất thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền đối với các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định.

- Tổ chức phổ biến tuyên truyền Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản cho các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh và cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên khoáng sản thuộc UBND cấp huyện và cấp xã.

c) Về quản lý tài nguyên nước:

- Năm 2014, thực hiện tuyên truyền, phổ biến luật Tài nguyên nước năm 2012 và Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/12/2013 Quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước năm 2012; Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài nguyên nước của tỉnh phù hợp với quy định mới.

- Tiến hành điều tra, đánh giá lập quy hoạch tài nguyên nước (bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất) lập bản đồ tỷ lệ 1/25.000 - 1/50.000 đối với các vùng chưa được điều tra đánh giá. Ưu tiên điều tra, đánh giá cho mục đích sử dụng sinh hoạt;

- Thực hiện trám lấp giếng khoan, giếng đào không khai thác, sử dụng theo danh mục đã được phê duyệt theo quy định tại Quyết đinh số 14/2007/QĐ-BTNMT;

- Năm 2016, thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất đô thị Nha Trang và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất đô thị theo quy định tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 18/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn";

- Từ nay đến 2020, tiếp tục thực hiện tham mưu cấp phép tài nguyên nước đúng quy định, tăng cường quản lý khai thác, sử dụng nước dưới đất tại các khu đô thị;

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra các hoạt động khai thác và xả nước thải của các tổ chức cá nhân.

d) Về quản lý tài nguyên biển hải đảo:

- Điều tra đánh giá bổ sung lập bản đồ hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, các hệ sinh thái đặc thù, khu vực có đa dạng sinh học cao; các khu vực sinh sản, các luồng di cư sinh vật biển.

- Bảo tồn đa dạng sinh học biển; Đánh giá chi tiết các hệ sinh thái biển, khu vực cư trú sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của các loài sinh vật biển cần ưu tiên được bảo vệ.

- Đẩy mạnh trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển;

- Điều tra, đánh giá và xác định giá trị của hệ sinh thái nhằm phát huy giá trị dịch vụ của hệ sinh thái ven biển, tài nguyên biển và hải đảo;

Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch hành động quản lý tổng hợp vùng bờ của Tỉnh làm cơ sở cho việc tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo;

- Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác tài nguyên biển ven bờ; thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt nhằm bảo vệ và duy trì nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là vùng gần bờ.

- Phòng, chống nguy cơ ô nhiễm vùng biển từ các hoạt động từ đất liền; từ các hoạt động hàng hải ở vùng biển ven bờ, đầm vịnh.

- Triển khai các nhiệm vụ: “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với cơ sở hạ tầng của các lĩnh vực, các địa phương ven biển”; “Đánh giá tác động biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển và đề xuất kế hoạch thích ứng, ứng phó”.

- Tiếp tục thực hiện Đề án: Quản lý tổng hợp vùng bờ thành phố Nha Trang.

- Kiểm kê các nguồn thải từ hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của dân cư khu vực ven biển và đánh giá mức độ ô nhiễm của các nguồn thải này đến môi trường vùng ven biển.

Nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố tràn dầu trên biển.

3. Về bảo vệ môi trường:

Tiếp tục triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo các nội dung đã được ban hành tại Quyết định số 2857/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2013 của UBND tỉnh Khánh Hòa về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực môi trường. Trong đó tập trung các nội dung chính như sau:

3.1. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nâng cao chất lượng thẩm định môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển

- Chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ngay từ công tác quy hoạch và triển khai xây dựng hạ tầng; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung và vận hành đúng quy định, có phương án thu gom xử lý chất thải rắn công nghiệp. Các nhà máy, cơ sở sản xuất nằm ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải đảm bảo xử lý toàn bộ lượng nước thải, khí thải phát sinh đạt quy chuẩn môi trường hiện hành, có phương án thu gom xử lý chất thải rắn công nghiệp.

- Nâng cao chất lượng thẩm định các báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển. Tăng cường công tác kiểm tra sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

- Nâng cao chất lượng thẩm định các dự án đầu tư nhằm giảm thiểu các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học. Khuyến khích các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh áp dụng sản xuất sạch hơn, chuyển giao hoặc áp dụng công nghệ sạch, xanh.

- Đẩy nhanh việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và tái xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế nguy hại.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh; các hành vi vi phạm về quản lý chất thải nguy hại của các cơ sở có phát sinh chất thải nguy hại.

3.2. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

- Rà soát, đôn đốc các cơ sở khai thác khoáng sản lập và thực hiện dự án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản. Các cơ sở khai thác khoáng sản phải thực hiện việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng quy định, bố trí đủ kinh phí cho các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường.

3.3. Bảo vệ và cải thiện môi trường đô thị, khu du lịch, nông thôn, miền núi, ven biển và hải đảo

a) Đối với các đô thị, khu du lịch

- Triển khai kế hoạch xử lý (di dời, thay đổi công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý chất thải) các cơ sở gây ô nhiễm trong các khu dân cư trên toàn tỉnh.

- Hoàn thành và đưa vào sử dụng các bãi rác hợp vệ sinh của thành phố Nha Trang, Cam Ranh. Xây dựng các phương án cải tạo, xử lý nước rỉ rác tại các bãi rác đang tồn tại phù hợp quy hoạch chất thải rắn.

- Tăng cường trang thiết bị thu gom rác cho các khu dân cư đô thị, khu dân cư tập trung, đảm bảo thu gom 90 % rác trên địa bàn.

- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thu gom chất thải rắn từ các khu dân cư, khu du lịch, điểm du lịch.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch phá bỏ và chấm dứt các nhà vệ sinh xả trực tiếp xuống sông, biển ở đô thị cũng như các khu dân cư ở khu vực nông thôn, ven biển.

Xây dựng quy hoạch các khu giết mổ gia súc, gia cầm ở các huyện, thị xã và thành phố. Huy động các nguồn lực để xây dựng các khu giết mổ gia súc gia cầm tập trung để di dời. các cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh môi trường và thú y trong nội thành, nội thị, Xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo cho các khu giết mổ gia súc gia cầm tập trung hoạt động có hiệu quả, áp dụng các biện pháp buộc di dời, đóng cửa các cơ sở giết mổ không đảm bảo.

b) Đối với khu vực nông thôn, miền núi

- Tập trung tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường. Cải thiện môi trường sống, thay đổi các tập quán sinh sống làm tổn hại các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường như vứt rác thải bừa bãi, đốt rừng làm nương, khai thác động, thực vật quý hiếm,

- Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới phương thức canh tác theo hướng đảm bảo cân bằng sinh thái và bền vững, nâng cao chất Iượng đất, giảm diện tích đất thoái hóa, bạc màu; áp dụng các biện pháp canh tác trên đất dốc một cách khoa học, chống rửa trôi, xói mòn; mở rộng chương trình IPM, sử dụng phân hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học; xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

- Đẩy mạnh chương trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn bằng nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. Tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung đảm bảo 95 % dân cư đô thị, 90 % dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

- Tập trung xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn ở khu vực nông thôn thông qua việc xây dựng và nhân rộng các mô hình thu gom chất thải rắn phù hợp với điều kiện và thực tế của địa bàn. Xử lý có hiệu quả chất thải từ hoạt động chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo qua việc khuyến khích nhân dân ứng dụng hầm biogas để tận dụng nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường.

- Tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp; đẩy mạnh việc thực hiện thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; khuyến khích áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, sản xuất và sử dụng thực phẩm an toàn.

- Xây dựng các khu giết mổ gia cầm tập trung tại các chợ nông thôn. Biên soạn và phổ biến các quy định hướng dẫn về bảo vệ môi trường và thú y áp dụng cho các khu giết mổ gia cầm tập trung tại các chợ nông thôn.

- Bố trí quỹ đất thỏa đáng xây dựng các công trình xử lý rác thải, nước thải, hạ tầng kỹ thuật về môi trường ở các khu dân cư nông thôn.

- Đẩy mạnh các dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; duy trì và phát triển diện tích rừng đầu nguồn nhất là các khu vực có nguy cơ sạt, trượt lở đất.

- Thực hiện lồng ghép có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 của tỉnh.

c) Đối với làng nghề

- Từ nay đến năm 2015 hoàn thành việc điều tra, thống kê, phân loại làng nghề trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác quản lý môi trường làng nghề.

- Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thuộc diện phải di dời.

3.4. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu

Tăng cường công tác kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

3.5. Ngăn chặn có hiệu quả sự suy thoái của các hệ sinh thái, suy giảm các loài

- Triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động về bảo vệ đa dạng sinh học, an toàn sinh học đến 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan và các địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về đa dạng sinh học và an toàn sinh học. Khảo sát, đánh giá những cây đại thụ trên 100 tuổi để thực hiện các biện pháp bảo tồn theo quy định hiện hành.

- Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học của tỉnh Khánh Hòa phục vụ khai thác, sử dụng có hiệu quả trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

- Tăng cường công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc; tăng cường công tác bảo vệ rừng đảm bảo độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt kế hoạch.

- Triển khai các dự án trồng rừng ngập mặn đạt 600 ha ở các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, thành phố Cam Ranh và thành phố Nha Trang.

- Triển khai các giải pháp phục hồi các hệ sinh thái biển, rạn san hô tại các khu vực trong vịnh Vân Phong, đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang và vịnh Cam Ranh. Nâng cao năng lực quản lý của các Ban quản lý khu bảo tồn biển Rạn Trào (Vạn Ninh), Nha Trang; khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (Khánh Vĩnh).

- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, xây dựng các mô hình bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái, các loài đặc hữu, quý hiếm. Gắn các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ đa dạng sinh học với các dự án phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; tập trung vào các hoạt động bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, cỏ biển.

- Bước đầu thu thập thông tin về sinh vật ngoại lai ở Khánh Hòa và đề xuất biện pháp quản lý.

3.6. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

- Tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn, dài hạn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn cho cấp huyện.

- Nâng cao chất lượng và thực hiện nghiêm túc quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và xác nhận hoàn thành các báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về môi trường từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường nhân lực tương xứng với nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở cấp huyện, cấp xã, đảm bảo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, Nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị xã hội và Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường của tỉnh trong việc xây dựng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kết hợp bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì tham mưu UBND Tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu; bố trí đủ nguồn nhân lực và xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức các cấp làm công tác ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Hướng dẫn các sở, ngành, địa phương thực hiện các chỉ tiêu giám sát biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Chương trình này. Định kỳ tham mưu việc sơ kết 05 năm và tổng kết việc thực hiện chương trình hành động này vào năm 2020.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổng hợp kế hoạch đầu tư kinh phí cho các nhiệm vụ, dự án ưu tiên và đề xuất trình UBND tỉnh quyết định.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan căn cứ danh mục các nhiệm vụ, dự án ưu tiên và nội dung của Chương trình, thẩm định, phân bổ kinh phí triển khai thực hiện trong dự toán ngân sách hàng năm của Tỉnh.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành vả UBND các huyện, thị xã, thành phố hàng năm xây dựng và trình UBND tỉnh chương trình, đề tài khoa học công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

5. Các sở, ban, ngành: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình hành động này.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức xây dựng cụ thể hóa các nội dung và giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Chương trình này của UBND tỉnh; phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể.

7. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện công tác tuyên tuyền, tổ chức thực hiện Chương trình này.

8. Chế độ thông tin, báo cáo: Định kỳ hàng năm các các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, dự án và chi tiêu giám sát biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 12. Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31 tháng 12.

9. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn hoặc cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể trong Chương trình các sở, ban, ngành và địa phương báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để kịp thời xem xét, quyết định./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC DỰ ÁN, NHIỆM VỤ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 65-KH/TU CỦA TỈNH ỦY KHÁNH HÒA

TT

Tên dự án/nhiệm vụ

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

A

LĨNH VỰC ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1

“Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến đa dạng sinh học biển ven bờ tỉnh Khánh Hòa; Đánh giá ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển và đề xuất kế hoạch thích ứng, ứng phó”

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

2015- 2016

2

Thực hiện dự án thí điểm cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu: Bền vững nghề và cư trú

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

2015- 2016

3

Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông; nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Khánh Hòa

Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Khánh Hòa

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

2015- 2016

4

Cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Khánh Hòa cho giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến 2030

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

2015- 2016

5

Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển tỉnh Khánh Hòa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ban, ngành và địa phương ven biển

2014- 2015

6

Xây dựng kè bờ phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang

Sở Nông nghiệp và PTNN

Các sở, ban, ngành và địa phương ven biển

 

7

Tập trung nghiên cứu tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, các giống thủy, hải sản có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

Sở Khoa học và Công nghệ

Các sở, ban, ngành và địa phương ven biển

2015- 2020

8

Triển khai một số dự án, mô hình về canh tác lúa chịu mặn, chịu hạn có năng suất cao

Sở Nông nghiệp và PTNN

Các sở, ban, ngành và địa phương ven biển

2015- 2020

9

Nghiên cứu xác định một số loài thủy sản nước lợ, nước mặn có giá trị kinh tế

Sở Khoa học và Công nghệ

Các sở, ban, ngành và địa phương ven biển

2015- 2020

10

Xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống thoát nước thải tại các đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung, khu du lịch

Sở Xây dựng

Các sở, ban, ngành và địa phương ven biển

2015- 2020

11

Nghiên cứu tiềm năng khai thác nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sóng - triều

Sở Khoa học và Công nghệ

Các sở, ban, ngành và địa phương ven biển

2015- 2020

12

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ giúp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái biển, rừng tự nhiên nhằm gia tăng khả năng hấp thụ khí thải nhà kính

Sở Khoa học và Công nghệ

Các sở, ban, ngành và địa phương ven biển

2015- 2020

13

Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến bệnh dịch. Đề xuất các mô hình, hình thức giám sát các loại bệnh xuất phát từ thiên tai và các giải pháp phòng chống

Sở Y tế

Các sở, ban, ngành và địa phương ven biển

2015- 2020

B

LĨNH VỰC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

1

Về biển, hải đảo

 

 

 

1.1

Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường vùng bờ tỉnh Khánh Hòa

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

2015- 2016

1.2

Tuyên truyền về vị trí, tầm quan trọng và sự cần thiết phải khai thác, sử dụng tài nguyên biển có hiệu quả, bền vững

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

2014- 2015

1.3

Điều tra đánh giá bổ sung lập bản đồ các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, các hệ sinh thái đặc thù, khu vực có đa dạng sinh học cao; các khu vực sinh sản, các luồng di cư của sinh vật biển

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

2015- 2017

2

Lĩnh vực tài nguyên nước

 

 

 

2.1

Điều tra, đánh giá lập quy hoạch tài nguyên nước (bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất) lập bản đồ tỉ lệ 1/25.000 - 1/50.000 đối với các vùng chưa được điều tra đánh giá.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

2016- 2020

2.2

Thực hiện trám lấp giếng khoan, giếng đào không khai thác, sử dụng theo danh mục đã được phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT;

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở Tài nguyên và Môi trường

2015- 2020

2.3

Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất đô thị Nha Trang và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất đô thị theo quy định tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 18/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

2016

3

Lĩnh vực khoáng sản

 

 

 

3.1

Khoanh định các khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

2014

3.2

Khoanh định các khu vực hoạt động khoáng sản đấu giá, khu vực hoạt động khoáng sản không đấu giá thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

2014 và 2015

3.3

Điều tra địa chất bổ sung, tìm kiếm, phát hiện và khoanh vùng các khu vực có triển vọng về khoáng sản ở đất liền và diện tích biển ven bờ đến độ sâu 30m nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

2016- 2020

4

Lĩnh vực bảo vệ môi trường

 

 

 

4.1

Đề án cải tạo, phục hồi môi trường các ao hồ, kênh mương, đoạn sông trong các đô thị, khu dân cư đang bị ô nhiễm nghiêm trọng

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

2014- 2020

4.2

Dự án đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại các đô thị

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

2014- 2020

4.3

Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước hiện có, xoá các điểm ngập úng cục bộ tại các đô thị

Sở Xây dựng

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố;

2014-2020

5

Lĩnh vực đất đai

 

 

 

5.1

Xác định ranh giới công khai diện tích đất trồng lúa, đảm bảo lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực giữ nhiều đất trồng lúa;

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

2014- 2015

5.2

Lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho cấp huyện

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

Hàng năm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 543/QĐ-UBND năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch 65-KH/TU thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường do tỉnh Khánh Hòa ban hành

  • Số hiệu: 543/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/03/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Lê Đức Vinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/03/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản