Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1113/QĐ-UBND | Khánh Hòa, ngày 05 tháng 5 năm 2011 |
BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu;
Căn cứ Công văn số 3815/BTNMT-KTTVBĐKH ngày 13 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 209/TTr-STNMT-KTTV ngày 25 tháng 4 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011- 2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
HÀNH ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2011- 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1113/QĐ-UBND ngày 05 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
Biến đổi khí hậu (viết tắt là BĐKH), mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Biểu hiện trước mắt là các hiện tượng khí hậu cực đang gia tăng ở hầu hết các nơi trên thế giới, nhiệt độ và mực nước biển trung bình toàn cầu tiếp tục tăng nhanh chưa từng có và đang là mối lo ngại của các quốc gia trên thế giới.
Ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng 0,70C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. BĐKH đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Hậu quả của BĐKH đối với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và các mục tiêu thiên niên kỷ, sự phát triển bền vững của đất nước.
Khánh Hòa là một tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ với diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.197 km2, có bờ biển dài theo đường mép nước và nhiều cửa lạch, đầm, vịnh, khoảng 200 đảo lớn nhỏ ven bờ và các đảo san hô của quần đảo Trường Sa. Khánh Hòa có 6 đầm và vịnh lớn, gồm: Đại Lãnh, Hòn Khói, Nha Phu, vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang và vịnh Cam Ranh. Dọc bờ biển Khánh Hòa có nhiều bãi tắm đẹp và tập trung nhiều đảo lớn nhỏ, thềm lục địa rất hẹp, đường đẳng sâu chạy sát bờ biển. Chính điều kiện địa lý tự nhiên được xem là “địa lợi" cho phát triển kinh tế - xã hội đó, nay trở nên dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu và khu vực, đặc biệt là ảnh hưởng của các hiện tượng khí hậu cực đoan và nước biển dâng.
Trong những những năm gần đây ở Khánh Hòa lượng mưa thất thường và luôn biến đổi, nhiệt độ tăng cao hơn. Tần suất và cường độ của những cơn bão mạnh, lũ lớn đã tăng đột biến về số lượng và mức độ thiệt hại cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Các dịch bệnh xuất hiện trên diện rộng ngày càng tăng (bệnh sốt xuất huyết, đau mắt đỏ ở người, heo tai xanh, dịch lở mồm long móng ở động vật...). Tình trạng hạn hán, nhiễm mặn, thiếu nước ngày càng gay gắt làm ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở địa phương.
Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, trong 10 năm gần đây Khánh Hòa phải hứng chịu nhiều thiên tai của tự nhiên gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, phá hỦy môi trường tự nhiên và đe dọa tính mạng con người (chỉ tính từ năm 1999 đến năm 2009 có 83 người chết và thiệt hại kinh tế khoảng 450 tỷ đồng,…).
Nhận thức rõ sự tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ của BĐKH trong những năm qua tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện nhiều chương trình, dự án, kế hoạch về bảo vệ môi trường góp phần vào hạn chế BĐKH như: hạn chế cấp phép đầu tư đối với các dự án tiêu tốn năng lượng, phát thải khí nhà kính; kiểm soát chất thải rắn, chất thải nguy hại, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo cơ chế sạch (CDM), khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch (năng lượng điện gió, mặt trời, thủy điện), phục hồi rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học,...v.v; các biện pháp công trình khác như: xây kè, hồ chứa nước, tiêu báo lũ, xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt,...v.v. Tuy nhiên, Khánh Hòa vẫn chưa có kế hoạch hành động để định hướng cho việc ứng phó có hiệu quả với những tác động trước mắt và tiềm tàng của BĐKH bởi vì đây là lĩnh vực mới, phức tạp, việc ứng phó với biến đổi khí hậu có liên quan đến đa ngành, đa lĩnh vực.
Thực hiện Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 3815/BTNMT-KTTVBĐKH ngày 13/10/2009; xuất phát từ tình hình thực tế và điều kiện địa lý tự nhiên, môi trường, khí hậu của địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh gồm những nội dung cơ bản sau đây:
1. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
- Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Căn cứ công văn số 3815/BTNMT-KTTVBĐKH ngày 13/10/2009 của Bộ tài nguyên và Môi trường vệ việc hướng dẫn xây dựng chương trình kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Căn cứ Quyết định số 1289/QĐ-UBND , ngày 17/5/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí của Đề án Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Khánh Hoà.
2. HIỆN TRẠNG VÀ XU THẾ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
2.1. Hiện trạng khí hậu ở tỉnh Khánh Hòa
2.1.1. Nhiệt độ
Từ chuỗi số liệu quan trắc từ năm 1978- 2010, cho thấy xu thế biến đổi nhiệt độ trung bình năm tại Nha Trang như sau:
Hình 1: Diễn biến nhiệt độ trung bình năm tại Nha Trang (1978-2010)
2.1.2. Lượng mưa
Dựa vào các đường biến trình mưa năm các khu vực trong tỉnh từ năm 1977 - 2009, cho thấy trong những năm gần đây lượng mưa năm đang có xu hướng tăng dần. So với thời kỳ 1980 - 1999 thì trong thập kỷ qua (1999 - 2009) thì lượng mưa trung bình năm tăng đều với biên độ dao động 100 - 250 mm. Đặc biệt trong các năm 2000, 2005, 2008, 2010 tổng lượng mưa năm cao nhất trong 3 thập kỷ qua.
Khánh Hòa có lượng mưa năm phổ biến 1.200-1.500mm, nhưng phân bố rất không đều, mùa khô từ tháng 1 đến tháng 8 lượng mưa chiếm 30-40%, trong khi đó 4 tháng mùa mưa (tháng 9 đến tháng 12) chiếm 60-70% tổng lượng mưa năm. Sự biến động về lượng mưa trong các mùa đặc biệt là vào mùa mưa đã gây nên nhiều thiệt hại đối với đời sống dân sinh.
Hình 2: Diễn biến lượng mưa năm tại Nha Trang (1978-2010)
2.1.3. Bão, áp thấp nhiệt đới
Theo số liệu thống kê từ năm 1956 đến 2009 số cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đổ bộ trực tiếp vào Khánh Hòa là 18 cơn, với tần suất xuất hiện năm là 0,33 (Bảng 1). Thời gian xuất hiện bão chủ yếu là tháng 10 và tháng 11. Ngoài các cơn bão, ATNĐ đổ bộ trực tiếp vào khu vực thì những cơn bão, ATNĐ đổ bộ vào các tỉnh lân cận cũng gây thời tiết nguy hiểm không kém như cơn bão số 10 ngày 6 - 7/11/1988 đổ bộ vào Ninh Thuận, tốc độ gió đo được ở Nha Trang 30m/s, Cam Ranh 25m/s cũng là tốc độ lớn nhất đo đạc được do bão gây ra trong chuỗi số liệu quan trắc.
Bảng 1: Bão và ATNĐ đổ bộ vào Khánh Hòa và các tỉnh lân cận
Tỉnh | Số cơn Bão và ATNĐ đổ bộ vào Nam Trung Bộ thời kỳ 1956 - 2009 theo các tháng | TB | |||||||||
3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | ||
Ninh Thuận |
|
|
| 1 |
|
|
| 2 | 7 | 4 | 0,26 |
Khánh Hòa | 2 |
|
|
|
|
| 1 | 7 | 8 |
| 0,33 |
Phú Yên |
|
|
| 1 |
|
| 1 | 11 | 4 | 1 | 0,36 |
Bão, ATNĐ khi ảnh hưởng đến Khánh Hòa không chỉ gây ra gió mạnh, gió giật mà còn gây ra mưa vừa, mưa to trên khu vực. Đặc biệt khi ảnh hưởng kết hợp của Bão, ATNĐ với dải hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh đã gây ra các đợt gió mạnh và mưa lớn trên diện rộng.
2.1.4. Lũ, lụt
Đặc điểm sông, suối ở Khánh Hòa là ngắn, lưu vực hẹp, có địa hình dốc nên khi mưa xuống trong thời gian ngắn lũ lên xuống rất nhanh. Hàng năm trung bình trên các sông xuất hiện 3 - 5 trận lũ ở dưới báo động cấp 2 và có từ 1 đến 2 trận lũ lớn vượt mức báo động cấp 3, gây ngập lụt nghiêm trọng phía hạ lưu các sông, làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và hàng chục người chết mỗi năm. Đặc biệt trong những năm gần là trận lũ lịch sử trên sông Dinh (Cái Ninh Hòa) năm 1986, lũ lịch sử trên sông Cái Nha Trang năm 2003. Trong 5 năm trở lại đây tình hình lũ lụt ngày càng diễn biến khốc liệt hơn. Số trận lũ trên các sông có xu hướng tăng so với trung bình nhiều năm (TBNN) và cực trị đặc trưng lũ ngày càng lớn. Điển hình là các trận mưa lũ dồn dập trong năm 2005, 2008, 2009 và tháng 11 năm 2010, đỉnh lũ trên sông Cái Nha Trang tại trạm Đồng Trăng (Diên Lâm - Diên Khánh) lớn nhất từ năm 1976 đến nay.
2.1.5. Hạn hán
Mức độ hạn hán ở Khánh Hòa tuy không xảy ra đồng bộ như các tỉnh lân cận trong khu vực Nam Trung Bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận, tuy nhiên hầu như năm nào tình trạng khô hạn cũng xảy ra trong các tháng mùa khô, nhất là các năm có lượng mưa ít, thiếu hụt từ 50 - 70% so với lượng mưa TBNN cùng kỳ, nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, hầu hết các lưu vực sông trong tỉnh thường xảy ra khô hạn khi nắng nóng kéo dài, có năm liên tiếp nhiều tháng không mưa hoặc có lượng mưa không đáng kể, dẫn đến lượng dòng chảy trên các sông suối thiếu hụt từ 30 - 50% so với lượng dòng chảy TBNN cùng kỳ, trong khi lượng nước dùng cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô lại rất lớn.
Xét chuỗi số liệu quan trắc khí tượng thủy văn 1977-2010 thì cứ 6 - 9 năm có một đợt hạn hán nặng, năm 1977 lưu lượng trên các sông rất thấp, năm 1983 tình hình hạn hán xảy ra nghiêm trọng, dòng chảy trên lưu vực sông Cái Nha Trang xuống đến mức thấp nhất trong chuỗi số liệu đo đạc được: Môđun dòng chảy tại trạm Đồng Trăng trên sông Cái Nha Trang đạt 3,14 l/skm2, nhiều sông suối con kiệt nước hoàn toàn; tiếp sau đó là năm 1992 và mùa khô năm 1998, năm 2002, 2006 và các tháng đầu năm 2010 do ảnh hưởng của hiện tượng ELNINO đã xảy ra hạn hán thiếu nước nghiêm trọng trên diện rộng trong tỉnh, nhiều công trình thủy lợi không có nước tưới gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp và hoạt động dân sinh.
2.1.6. Nhiễm mặn
Khánh Hòa là một tỉnh ven biển, phía đông tiếp giáp Biển Đông, những năm khô hạn, thường bị nhiễm mặn từ tháng 4 đến tháng 8. Tình hình xâm nhập mặn sâu vào nội đồng và hạ lưu các sông trong những năm gần đây diễn ra càng gay gắt vào mùa khô; xâm nhập mặn do tác động đồng thời các yếu tố dòng chảy cạn kiệt trên sông Cái Nha Trang, sông Dinh Ninh Hòa,…
Đối với nước dưới đất vùng cửa sông và một số khu vực ven biển thường bị nhiễm mặn. Theo tài liệu khảo sát từ các dự án (nguồn: Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Trung, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường, 2006-2009) và các kết quả phân tích thành phần hóa học nước, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã xác định được các vùng nhiễm mặn của nước dưới đất như sau:
Vùng Vạn Ninh: Diện tích nhiễm mặn khoảng 15 km2 Tu Bông đến thị trấn Vạn Giã, với chiều rộng từ 100 ¸ 1000 m.
Vùng Ninh Hoà: Diện tích nước dưới đất bị nhiễm mặn chiếm khoảng 60 km‑, kéo dài từ Hòn Khói về phía tây nam qua thị trấn Ninh Hoà đến Ninh Lộc. Ngoài ra, có một số khoảnh nhỏ nước dưới đất bị nhiễm mặn phân bố rải rác ở các xã ven biển của huyện Ninh Hoà.
Vùng Nha Trang: Nhiễm mặn ở phía tây thành phố Nha Trang, thung lũng sông Tắc. Ngoài ra, còn một số khoảnh nhỏ phân bố ở bắc Vĩnh Phương, bắc Thị trấn Diên Khánh, Suối Hiệp, Vĩnh Hải…với diện tích tổng cộng khoảng 2 km2.
Vùng Cam Ranh: Diện tích nước dưới đất bị nhiễm mặn kéo dài theo Quốc lộ 1A từ Suối Tân đến Cam Ranh và chạy sâu vào thung lũng suối Trà Dục, có chỗ “lưỡi mặn" đã vào sâu trong đất liền 6 đến 8 km.
Theo tài liệu đo sâu đối xứng và kết quả phân tích mẫu nước lấy từ các lỗ khoan sâu thì ranh giới nhiễm mặn dưới sâu gần trùng với ranh giới nhiễm mặn được thể hiện trên mặt. Các tầng chứa nước phân bố dưới sâu thường bị nhiễm mặn gồm trầm tích Pleistocen và phần ven biển của tầng chứa nước khe nứt trầm tích Jura (đáy đồng bằng Nha Trang, Ninh Hoà).
Tóm lại: Trên phạm vi địa bàn tỉnh Khánh Hòa tại các khu vực cửa sông và trong những đứt gãy kiến tạo có xu hướng kéo dài ra biển, nước dưới đất thường bị nhiễm mặn. Trên diện tích nhiễm mặn phần lớn đã khai thác nuôi trồng thủy sản chủ yếu là nuôi tôm, một số trồng lúa nước. Do diện tích nuôi tôm ngày càng phát triển cộng với nước ngọt sông suối cạn kiệt, mặn đi sâu vào nội địa, nguy cơ nhiễm mặn ngày càng nhiều ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp đặc biệt là đất trồng trọt. Đây cũng được xem là hiểm họa cần được nghiên cứu để đề ra các giải pháp ứng phó.
2.1.7. Các loại thiên tai khác
Dông, tố và lốc đều là những hiện tượng thiên tai cực kỳ nguy hiểm, thường xảy ra bất ngờ, chưa thể dự báo được nên hậu quả rất khó lường gây tác hại lớn, thường kèm theo gió mạnh gây đổ cây cối, nhà cửa, phá hỦy đường dây thông tin, đường dây tải điện, làm đắm tàu thuyền cỡ nhỏ.... Dông, tố, lốc thường xuyên xảy ra vào các tháng 6, 7, 8 là thời gian trùng với hoạt động của gió mùa tây nam. Ở Khánh Hòa chưa có số liệu điều tra, thống kê chi tiết ảnh hưởng của các hiện tượng này, tuy nhiên thực tế cho thấy hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng lốc, sét. Điển hình là vào ngày 11/9/2006, tại xã Khánh Phú huyện Khánh Vĩnh đã xuất hiện một cơn tố lốc mạnh làm thiệt hại nhiều nhà cửa và hoa màu của nhân dân. Theo số liệu thống kê tình hình thiệt hại như sau: có 1 người bị thương; tổng số nhà bị ảnh hưởng của gió lốc là 99 nhà, trong đó có 52 nhà bị hư hại nặng người dân không tự khắc phục được; thiệt hại về hoa màu khoảng 10 ha mía bị đổ, 4 ha điều và 4 ha cây ăn quả bị gãy đổ; nhiều đoạn dây hạ thế của ngành điện và dây điện kéo về nhà dân bị đứt; điện thoại nhiều nơi không liên lạc được. Ước tính thiệt hại đợt tố lốc này khoảng 350 triệu đồng…
3. KỊCH BẢN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA VIỆT NAM
Theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường (năm 2008), các kịch bản biến đổi khí hậu đối với Việt Nam có thể được tóm tắt như sau:
3.1. Về nhiệt độ
- Theo kịch bản phát thải thấp (B1): Vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở các vùng khí hậu phía Bắc có thể tăng so với trung bình thời kỳ 1980-1999 khoảng từ 1,6 đến 1,90C và ở các vùng khí hậu phía Nam tăng ít hơn, chỉ khoảng từ 1,1 đến 1,40C (bảng 2). Nhiệt độ khu vực Nam Trung Bộ tăng theo các tháng cũng khác nhau.
Bảng 2. Mức tăng nhiệt độ trung bình năm (0C) so với thời kỳ 1980-1999 theo kịch bản phát thải thấp (B1)
Vùng | Các mốc thời gian thế kỷ 21 | ||||||||
2020 | 2030 | 2040 | 2050 | 2060 | 2070 | 2080 | 2090 | 2100 | |
Tây Bắc | 0,5 | 0,7 | 1,0 | 1,2 | 1,4 | 1,6 | 1,6 | 1,7 | 1,7 |
Đông Bắc | 0,5 | 0,7 | 1,0 | 1,2 | 1,4 | 1,5 | 1,6 | 1,7 | 1,7 |
Đồng Bằng Bắc Bộ | 0,5 | 0,7 | 0,9 | 1,2 | 1,4 | 1,5 | 1,5 | 1,6 | 1,6 |
Bắc Trung Bộ | 0,6 | 0,8 | 1,1 | 1,4 | 1,6 | 1,7 | 1,8 | 1,9 | 1,9 |
Nam Trung Bộ | 0,4 | 0,6 | 0,7 | 0,9 | 1 | 1,2 | 1,2 | 1,2 | 1,2 |
Tây Nguyên | 0,3 | 0,5 | 0,6 | 0,8 | 0,9 | 1,0 | 1,0 | 1,1 | 1,1 |
Nam Bộ | 0,4 | 0,6 | 0,8 | 1,0 | 1,1 | 1,3 | 1,3 | 1,4 | 1,4 |
- Theo kịch bản phát thải trung bình (B2): Vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm có thể tăng lên 2,60C ở Tây Bắc, 2,50C ở Đông Bắc, 2,40C ở Đồng bằng Bắc Bộ, 2,80C ở Bắc Trung Bộ, 1,90C ở Nam Trung Bộ, 1,60C ở Tây Nguyên và 2,00C ở Nam Bộ so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999 (bảng 3).
Bảng 3. Mức tăng nhiệt độ trung bình năm (0C) so với thời kỳ 1980-1999 theo kịch bản phát thải trung bình (B2)
Vùng | Các mốc thời gian thế kỷ 21 | ||||||||
2020 | 2030 | 2040 | 2050 | 2060 | 2070 | 2080 | 2090 | 2100 | |
Tây Bắc | 0,5 | 0,7 | 1,0 | 1,3 | 1,6 | 1,9 | 2,1 | 2,4 | 2,6 |
Đông Bắc | 0,5 | 0,7 | 1,0 | 1,2 | 1,6 | 1,8 | 2,1 | 2,3 | 2,5 |
Đồng Bằng Bắc Bộ | 0,5 | 0,7 | 0,9 | 1,2 | 1,5 | 1,8 | 2,0 | 2,2 | 2,4 |
Bắc Trung Bộ | 0,5 | 0,8 | 1,1 | 1,5 | 1,8 | 2,1 | 2,4 | 2,6 | 2,8 |
Nam Trung Bộ | 0,4 | 0,5 | 0,7 | 0,9 | 1,2 | 1,4 | 1,6 | 1,8 | 1,9 |
Tây Nguyên | 0,3 | 0,5 | 0,6 | 0,8 | 1,0 | 1,2 | 1,4 | 1,5 | 1,6 |
Nam Bộ | 0,4 | 0,6 | 0,8 | 1,0 | 1,3 | 1,6 | 1,8 | 1,9 | 2,0 |
- Theo kịch bản phát thải cao (A2): Vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở các vùng khí hậu phía Bắc có thể tăng so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999 khoảng 3,1 đến 3,60C, trong đó Tây Bắc là 3,30C, Đông Bắc là 3,20C, Đồng bằng Bắc Bộ là 3,10C và Bắc Trung Bộ là 3,60C. Mức tăng nhiệt độ trung bình năm của các vùng khí hậu phía Nam là 2,40C ở Nam Trung Bộ, 2,10C ở Tây Nguyên và 2,60C ở Nam Bộ (bảng 4).
Bảng 4. Mức tăng nhiệt độ trung bình năm (0C) so với thời kỳ 1980-1999 theo kịch bản phát thải cao (A2)
Vùng | Các mốc thời gian thế kỷ 21 | ||||||||
2020 | 2030 | 2040 | 2050 | 2060 | 2070 | 2080 | 2090 | 2100 | |
Tây Bắc | 0,5 | 0,8 | 1,0 | 1,3 | 1,7 | 2 | 2,4 | 2,8 | 3,3 |
Đông Bắc | 0,5 | 0,7 | 1,0 | 1,3 | 1,6 | 1,9 | 2,3 | 2,7 | 3,2 |
Đồng bằng Bắc Bộ | 0,5 | 0,7 | 1,0 | 1,3 | 1,6 | 1,9 | 2,3 | 2,6 | 3,1 |
Bắc Trung Bộ | 0,6 | 0,9 | 1,2 | 1,5 | 1,8 | 2,2 | 2,6 | 3,1 | 3,6 |
Nam Trung Bộ | 0,4 | 0,5 | 0,8 | 1,0 | 1,2 | 1,5 | 1,8 | 2,1 | 2,4 |
Tây Nguyên | 0,3 | 0,5 | 0,7 | 0,8 | 1,0 | 1,3 | 1,5 | 1,8 | 2,1 |
Nam Bộ | 0,4 | 0,6 | 0,8 | 1,0 | 1,3 | 1,6 | 1,9 | 2,3 | 2,6 |
3.2. Về lượng mưa
Lượng mưa mùa khô có thể giảm ở hầu hết các vùng khí hậu của nước ta, đặc biệt là các vùng khí hậu phía Nam. Lượng mưa mùa mưa và tổng lượng mưa năm có thể tăng ở tất cả các vùng khí hậu.
- Theo kịch bản phát thải thấp (B1): Vào cuối thế kỷ 21, lượng mưa năm có thể tăng khoảng 5% ở Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và từ 1 - 2% ở Nam Trung Bộ so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999 (bảng 5).
Bảng 5. Mức thay đổi lượng mưa năm (%) so với thời kỳ 1980-1999 theo kịch bản phát thải thấp (B1)
Vùng | Các mốc thời gian thế kỷ 21 | ||||||||
2020 | 2030 | 2040 | 2050 | 2060 | 2070 | 2080 | 2090 | 2100 | |
Tây Bắc | 1,4 | 2,1 | 3,0 | 3,6 | 4,1 | 4,4 | 4,6 | 4,8 | 4,8 |
Đông Bắc | 1,4 | 2,1 | 3,0 | 3,6 | 4,1 | 4,5 | 4,7 | 4,8 | 4,8 |
Đồng Bằng Bắc Bộ | 1,6 | 2,3 | 3,2 | 3,9 | 4,5 | 4,8 | 5,1 | 5,2 | 5,2 |
Bắc Trung Bộ | 1,5 | 2,2 | 3,1 | 3,8 | 4,3 | 4,7 | 4,9 | 5,0 | 5,0 |
Nam Trung Bộ | 0,7 | 1,0 | 1,3 | 1,6 | 1,8 | 2,0 | 2,1 | 2,2 | 2,2 |
Tây Nguyên | 0,3 | 0,4 | 0,5 | 0,7 | 0,7 | 0,9 | 0,9 | 1,0 | 1,0 |
Nam Bộ | 0,3 | 0,4 | 0,6 | 0,7 | 0,8 | 0,9 | 1,0 | 1,0 | 1,0 |
- Theo kịch bản phát thải trung bình (B2): Vào cuối thế kỷ 21, lượng mưa năm có thể tăng khoảng 7 - 8% ở Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và từ 2 - 3% ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999 (bảng 6).
Bảng 6. Mức thay đổi lượng mưa (%) so với thời kỳ 1980-1999 theo kịch bản phát thải trung bình (B2)
Vùng | Các mốc thời gian thế kỷ 21 | ||||||||
2020 | 2030 | 2040 | 2050 | 2060 | 2070 | 2080 | 2090 | 2100 | |
Tây Bắc | 1,4 | 2,1 | 3,0 | 3,8 | 4,6 | 5,4 | 6,1 | 6,7 | 7,4 |
Đông Bắc | 1,4 | 2,1 | 3,0 | 3,8 | 4,7 | 5,4 | 6,1 | 6,8 | 7,3 |
Đồng Bằng Bắc Bộ | 1,6 | 2,3 | 3,2 | 4,1 | 5,0 | 5,9 | 6,6 | 7,3 | 7,9 |
Bắc Trung Bộ | 1,5 | 2,2 | 3,1 | 4,0 | 4,9 | 5,7 | 6,4 | 7,1 | 7,7 |
Nam Trung Bộ | 0,7 | 1,0 | 1,3 | 1,7 | 2,1 | 2,4 | 2,7 | 3,0 | 3,2 |
Tây Nguyên | 0,3 | 0,4 | 0,5 | 0,7 | 0,9 | 1,0 | 1,2 | 1,3 | 1,4 |
Nam Bộ | 0,3 | 0,4 | 0,6 | 0,8 | 1,0 | 1,1 | 1,1 | 1,4 | 1,5 |
- Theo kịch bản phát thải cao (A2): Vào cuối thế kỷ 21, lượng mưa năm có thể tăng so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999, khoảng 9 - 10% ở Tây Bắc, Đông Bắc, 10% ở Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, 4 - 5% ở Nam Trung Bộ và khoảng 2% ở Tây Nguyên, Nam Bộ (bảng 7).
Bảng 7. Mức thay đổi lượng mưa năm (%) so với thời kỳ 1980-1999 theo kịch bản phát thải cao (A2)
Vùng | Các mốc thời gian thế kỷ 21 | ||||||||
2020 | 2030 | 2040 | 2050 | 2060 | 2070 | 2080 | 2090 | 2100 | |
Tây Bắc | 1,6 | 2,1 | 2,8 | 3,7 | 4,5 | 5,6 | 6,8 | 8,0 | 9,3 |
Đông Bắc | 1,7 | 2,2 | 2,8 | 2,8 | 4,6 | 5,7 | 6,8 | 8,0 | 9,3 |
Bắc Trung Bộ | 1,8 | 2,3 | 3,0 | 3,7 | 4,8 | 5,9 | 7,1 | 8,4 | 9,7 |
Nam Trung Bộ | 0,7 | 1,0 | 1,2 | 1,7 | 2,1 | 2,5 | 3,0 | 3,6 | 4,1 |
Tây Nguyên | 0,3 | 0,4 | 0,5 | 0,7 | 0,9 | 1,1 | 1,3 | 1,5 | 1,8 |
Nam Bộ | 0,3 | 0,4 | 0,6 | 0,7 | 1,0 | 1,2 | 1,4 | 1,6 | 1,9 |
3.3. Kịch bản nước biển dâng
Kết quả tính toán theo các kịch bản phát thải thấp, trung bình và cao cho thấy vào giữa thế kỷ 21 mực nước biển có thể dâng thêm 28 đến 33 cm và đến cuối thế kỷ 21 mực nước biển dâng thêm từ 65 đến 100cm so với thời kỳ 1980-1999 (Bảng 8).
Bảng 8: Mực nước biển dâng (cm) so với thời kỳ 1980 - 1999
Kịch bản | Các mốc thời gian của thế kỷ 21 | ||||||||
2020 | 2030 | 2040 | 2050 | 2060 | 2070 | 2080 | 2090 | 2100 | |
Thấp (B1) | 11 | 17 | 23 | 28 | 35 | 42 | 50 | 57 | 65 |
Trung bình (B2) | 12 | 17 | 23 | 30 | 37 | 46 | 54 | 64 | 75 |
Cao (1F1) | 12 | 17 | 24 | 33 | 44 | 57 | 71 | 86 | 100 |
Hình 3: Mực nước trung bình năm tại Nha Trang thời kỳ 1990 - 2008
Kết quả tính toán ban đầu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ dựa theo mực nước biển (trạm Cầu Đá - Nha Trang) tương ứng với các kịch bản phát thải thấp, trung bình và cao như Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố ở trên cho thấy vào giữa thế kỷ 21 mực nước biển tại vùng biển Nha Trang - Khánh Hòa có thể dâng thêm 28 đến 33cm và ở mức -13,3 cm đến -8,3 cm (dấu “-" vì đã quy về cao độ quốc gia); đến cuối thế kỷ 21 mực nước biển dâng thêm từ 65 đến 100 cm và đạt mức 23,7 - 58,7 cm so với thời kỳ 1980 - 1999.
3.4. Khuyến nghị kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam
Các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam đã được xây dựng theo các kịch bản phát thải khí nhà kính khác nhau là: thấp (B1), trung bình (B2) và cao (A2, A1FI).
Kịch bản phát thải thấp (B1) mô tả một thế giới phát triển tương đối hoàn hảo theo hướng ít phát thải khí nhà kính nhất, tốc độ tăng dân số rất thấp, cơ cấu kinh tế thay đổi nhanh theo hướng dịch vụ và thông tin, các thỏa thuận quốc tế nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, với cơ cấu kinh tế không đồng nhất giữa các khu vực trên thế giới như hiện nay, cộng với nhận thức rất khác nhau về biến đổi khí hậu và quan điểm còn rất khác nhau giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu nhằm ổn định nồng độ khí nhà kính nhằm hạn chế mức độ gia tăng nhiệt độ ở mức dưới 20C gặp rất nhiều trở ngại, kịch bản phát thải thấp (B1) có rất ít khả năng trở thành hiện thực trong thế kỷ 21.
Các kịch bản phát thải cao (A2, A1FI) mô tả một thế giới không đồng nhất ở quy mô toàn cầu, có tốc độ tăng dân số rất cao, chậm đổi mới công nghệ (A2) hoặc sử dụng tối đa năng lượng hóa thạch (A1FI). Đây là các kịch bản xấu nhất mà nhân loại cần phải nghĩ đến. Với những nỗ lực trong phát triển công nghệ thân thiện với khí hậu, đàm phán giảm phát thải khí nhà kính, và sự chung tay, chung sức của toàn nhân loại trong “liên kết chống lại biến đổi khí hậu”, có thể hy vọng rằng những kịch bản phát thải cao sẽ có rất ít khả năng xảy ra. Hơn nữa, vẫn còn nhiều điểm chưa chắc chắn trong việc xác định các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội và kèm theo đó là lượng phát thải khí nhà kính trong tương lai. Với sự tồn tại các điểm chưa chắc chắn thì các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng ứng với các kịch bản phát thải khí nhà kính ở cận trên hoặc cận dưới đều có mức độ tin cậy thấp hơn so với kịch bản ở mức trung bình.
Vì những lý do nêu trên, kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với Việt Nam được khuyến nghị sử dụng trong thời điểm hiện nay là kịch bản ứng với mức phát thải trung bình (B2).
4. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO
4.1. Quan điểm
Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh Khánh Hòa phải được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính hệ thống, tổng hợp, ngành, liên ngành, vùng, liên vùng, bình đẳng giới, xóa đói, giảm nghèo.
Các hoạt động ứng phó với BĐKH được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; ứng phó với những tác động cấp bách trước mắt và những tác động tiềm tàng, lâu dài; đầu tư cho ứng phó với BĐKH là yếu tố quan trọng đảm bảo phát triển bền vững; ứng phó hôm nay sẽ giảm được thiệt hại trong tương lai.
Ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh và cần được tiến hành với sự đồng thuận và quyết tâm cao từ phạm vi địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu.
Các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH phải được thể hiện trong các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn tỉnh. Cần phải được thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật và được quán triệt trong tổ chức thực hiện.
Triển khai ứng phó với BĐKH theo nguyên tắc “Trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt”, được xác định trong Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH và Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Tỉnh Khánh Hòa sẽ thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nhẹ BĐKH khi có sự hỗ trợ đầy đủ về vốn và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển và các nguồn tài trợ quốc tế khác.
4.2. Nguyên tắc chỉ đạo
- Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa thống nhất chủ trương và chỉ đạo thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực, phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện đối với lĩnh vực này.
- Đảm bảo thực hiện Kế hoạch đúng chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh, các giá trị văn hóa, tinh thần và vật chất cho hiện tại và tương lai.
- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân đối với việc ứng phó với BĐKH. Từng bước hoàn thiện thể chế, hệ thống tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp xã, nâng cao nhận thức, phổ biến kinh nghiệm về ứng phó với BĐKH.
- Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH được thực hiện đồng bộ, trong đó có phân chia theo giai đoạn vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, chủ động, kịp thời, khẩn trương và hiệu quả, bảo đảm sự phát triển bền vững của từng địa phương và từng ngành, lĩnh vực.
- Ngoài ngân sách được Trung ương phân bổ theo kế hoạch của Chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa sẽ bố trí đảm bảo nguồn lực cần thiết, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng quốc tế và trong nước cho các hoạt động ứng phó với BĐKH; xây dựng và thực hiện các biện pháp ứng phó với BĐKH phục vụ khai thác tổng hợp, đảm bảo hài hòa với nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng bộ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
5. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
5.1. Mục tiêu chung
Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh Khánh Hòa.
5.2. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2011- 2015
Mục tiêu 1: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến tài nguyên nước của Khánh Hòa và đề xuất kế hoạch ứng phó.
Mục tiêu 2: Đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến hạ tầng cơ sở của các ngành và địa phương ven biển trong tỉnh, đề xuất kế hoạch thích ứng và ứng phó.
Mục tiêu 3: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học vùng biển ven bờ và đề xuất kế hoạch ứng phó nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển của tỉnh.
Mục tiêu 4: Hoàn thành thí điểm dự án cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng ở quy mô cấp xã vùng ven biển trong đó tập trung lĩnh vực phát triển bền vững nghề và nơi cư trú.
Mục tiêu 5: Nâng cao năng lực ứng phó của tỉnh Khánh Hòa đối với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
6. CÁC NHÓM NHIỆM VỤ CHỦ YẾU GIAI ĐOẠN 2011- 2015
6.1. Nhóm nhiệm vụ thực hiện mục tiêu 1 (Nhiệm vụ 1)
Ở tỉnh Khánh Hòa, từ hơn 1 thập kỷ trở lại đây, lĩnh vực tài nguyên nước nói chung và riêng vấn đề cấp nước cho đô thị, khu dân cư tập trung ven biển, khu công nghiệp, … đã và đang gặp nhiều khó khăn phức tạp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển đô thị nói riêng.
Trong số các đô thị trong tỉnh, ngoại trừ thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và các thị trấn Tô Hạp, thị trấn Khánh Vĩnh có điều kiện thuận lợi hơn do có nguồn nước mặt dồi dào được sử dụng nguồn nước khai thác từ hai con sông chính (sông Cái Nha Trang và sông Dinh Ninh Hòa), các địa phương còn lại đang gặp rất nhiều khó khăn, đáng kể nhất là thành phố Cam Ranh và một số thị trấn thuộc các huyện Cam Lâm, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, chưa kể đến các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh.
Ngoài vấn đề về trữ lượng nước có thể cung cấp cho các các đô thị, khu dân cư thì vấn đề chất lượng các nguồn nước cũng đang là vấn đề cần phải hết sức quan tâm. Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, một số cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vẫn còn hoạt động trong nội thành, nội thị và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu nên lượng nước thải từ sinh hoạt, sản xuất hàng ngày khá lớn tại các đô thị trên địa bàn tỉnh chưa qua xử lý vẫn được thải ra, gây ô nhiễm cả nguồn nước mặt và nước dưới đất.
Trong bối cảnh bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà biểu hiện rõ nét nhất là các hiện tượng thiên tai cực đoan như bão, lũ, hạn hán, lượng mưa thất thường giữa các thời kỳ trong năm đã gây nên ảnh hưởng lớn đến Tài nguyên nước ở Khánh Hòa, cụ thể là ảnh hưởng đến khả năng giữ nước trên các lưu vực sông, vấn đề xâm nhập mặn, suy giảm nước ngầm.
Để đạt được mục tiêu như Chiến lược Tài nguyên nước đã đề ra, cần thực hiện “Bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia trên cơ sở quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chủ động phòng, chống, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do nước gây ra; từng bước hình thành ngành kinh tế nước nhiều thành phần phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…”.
Trước mắt cần ưu tiên triển khai thực hiện đánh giá mức độ ảnh hưởng do BĐKH và mực nước biển dâng và xây dựng kế hoạch ứng phó đối với lĩnh vực Tài nguyên nước theo các nội dung cơ bản sau đây:
- Đối với khả năng cấp nước và dự trữ nước trên các lưu vực song;
- Đối với lĩnh vực cấp nước cho đô thị và khu công nghiệp;
- Đối với Tài nguyên nước dưới đất và tình trạng xâm nhập mặn.
6.2. Nhóm nhiệm vụ thực hiện mục tiêu 2 (Nhiệm vụ 2)
Khánh Hòa là một trong những tỉnh có điều kiện địa lý tự nhiên, tài nguyên môi trường, biển - đảo,… rất đa dạng và phong phú, trong những năm qua nền kinh tế biển phát triển nhanh và khá bền vững. Các loại hình du lịch đang phát triển rất phong phú, trong đó trọng tâm là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch tham quan - vãn cảnh, du lịch văn hóa... kinh tế hàng hải đóng vai trò quan trọng, trong đó có công nghiệp đóng tàu, đánh bắt chế biến hải sản, sản xuất muối, khai thác vật liệu xây dựng…
Các đô thị ven biển gồm thị xã Ninh Hòa, thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh và các huyện Cam Lâm, Vạn Ninh có hàng loạt các khu du lịch, công trình xây dựng, hệ thống đường giao thông, cảng biển, khu neo đậu tàu thuyền, các công trình hạ tầng cơ sở của các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, sản xuất muối … nằm tiếp giáp với bờ biển, thậm chí tiếp giáp với mép nước biển. Đó là những đối tượng dễ chịu tác động mạnh mẽ của các hiện tượng khí hậu cực đoan. Sự tổn thương đó đã thể hiện rõ trong những năm gần đây, đó là tình trạng xói lở mất đất (ở thị xã Ninh Hòa và các xã Vĩnh Phương, Vĩnh Lương thành phố Nha Trang), hư hại công trình giao thông, thủy lợi; ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và ô nhiễm môi trường. Tất cả đều bị tác động bởi các hiện tượng khí hậu cực đoan như: bão, lũ, hạn hán, triều cường, xói lở bờ sông, bờ biển và xâm nhập mặn... đó là những thiên tai nguy hiểm nhất, là sự thể hiện rõ nét nhất tác động của BĐKH). Đặc biệt, tính dị thường trong diễn biến khí hậu, nên việc dự báo là rất khó chính xác, vì thế các kế hoạch thích ứng cần phải đảm bảo linh hoạt và chủ động.
Việc triển khai nhiệm vụ đánh giá mức độ ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng đến các lĩnh vực, đặc biệt là hạ tầng cơ sở của các ngành và địa phương trong tỉnh từ đó đề xuất kế hoạch thích ứng và ứng phó (bao gồm các kiến nghị về chính sách, quy định,…) có hiệu quả là việc làm cần thiết và cấp bách. Trước mắt tập trung ưu tiên đối với các lĩnh vực sau đây:
- Hệ thống giao thông và các công trình cầu, cảng, đê, kè ven biển, cửa song;
- Hạ tầng cơ sở cấp thoát nước, giao thông khu vực dân cư ven biển và hải đảo;
- Hạ tầng cơ sở sản xuất nông nghiệp, muối, nuôi trồng thủy sản ven biển;
- Hạ tầng cơ sở di tích lịch sử, văn hóa, du lịch, nghỉ dưỡng;
- Cụm công nghiệp ven biển.
6.3. Nhóm nhiệm vụ thực hiện mục tiêu 3 (Nhiệm vụ 3)
Bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái có ý nghĩa quan trọng đối với việc giảm tính dễ tổn thương của con người trước sự biến đổi khí hậu và duy trì các nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu sống của con người. Giữa đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu có mối quan hệ hai chiều, đó là: Đa dạng sinh học bị ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực bởi biến đổi khí hậu (do tự nhiên và do con người gây ra), và Đa dạng sinh học có thể làm giảm thiểu các tác động xấu của hiện tượng biến đổi khí hậu đối với đời sống con người. Xác định được sự biến đổi đa dạng sinh học do BĐKH gây ra để lập kế hoạch giảm nhẹ hoặc thích nghi với quá trình đó là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với các cộng đồng dân cư, nhất là các khu vực nằm ở vị trí thấp, ven biển.
Hệ sinh thái biển đa dạng là một đặc trưng của vùng biển Khánh Hòa với sự hiện diện phổ biến của rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô. Theo kết quả điều tra mới nhất, diện tích rừng ngập mặn trên toàn tỉnh vào khoảng 104,08 ha, thảm cỏ biển khoảng 1.831 héc ta (Nguyễn Xuân Hòa, năm 2009). Trong những năm qua diện tích rừng ngập mặn, rạn san hô và thảm cỏ biển ở Khánh Hòa đang bị suy giảm nghiêm trọng do nguyên nhân tự nhiên trong đó có BĐKH và cả con người gây ra. Cho đến nay tuy chưa có nghiên cứu chi tiết về biến động tính đa dạng loài sinh vật biển. Tuy nhiên các tư liệu thu thập cho thấy một số sinh vật có giá trị kinh tế cao và dễ bị khai thác ngày càng ít về số lượng, giảm kích thước, phát triển không theo quy luật cũ và có nguy cơ tuyệt chủng. Ngược lại, một số sinh vật khác, trong đó có các sinh vật có hại đang có xu hướng phát triển mà điển hình là sự bùng nổ số lượng Sao biển gai (Acanthaster planci) ăn san hô.
Để đạt được mục tiêu thứ 3 như đã nêu trên đây trước mắt cần chú trọng đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đến đa dạng sinh học vùng ven biển Khánh Hòa, đó là hệ thống rừng ngập mặn, môi trường ven biển, các rạn san hô,…tại vùng biển ven bờ, đầm, vịnh và các đảo ven bờ. Qua đó đề xuất được kế hoạch hành động ứng phó thích hợp nhằm bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, ổn định sinh kế, góp phần hạn chế tác động có hại của BĐKH.
6.4. Nhóm nhiệm vụ thực hiện mục tiêu 4 (Nhiệm vụ 4)
Triển khai thực hiện các dự án thí điểm cộng đồng dân cư ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhằm ổn định nghề, phát triển bền vững. Các nhiệm vụ trọng tâm khi triển khai là:
- Chọn địa bàn nhạy cảm với biến đổi khí hậu và nước biển dâng;
- Đánh giá tác động đến nguồn lợi, ngành nghề kiếm sống, nơi cư trú;
- Xây dựng kế hoạch ứng phó cho cộng đồng, chú trọng chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ trong ngành nghề và phòng chống tác hại do thiên tai;
- Triển khai công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức liên quan;
- Các bài học kinh nghiệm cần rút ra khi triển khai tại cộng đồng. Kiến nghị các chủ trương, giải pháp khi áp dụng trên quy mô toàn tỉnh.
6.5. Nhóm nhiệm vụ thực hiện mục tiêu 5 (Nhiệm vụ 5)
Xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo nhân lực, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho cán bộ quản lý các cấp và cộng đồng dân cư trong tỉnh. Trong đó, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
a) Xây dựng cơ sở dữ liệu;
b) Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng;
c) Nghiên cứu lựa chọn công nghệ, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, đào tạo;
d) Cập nhật các kịch bản BĐKH và các kết quả nghiên cứu, dự báo về BĐKH và nước biển dâng, tăng cường nghiên cứu, hội thảo khoa học, kiến nghị điều chỉnh các chủ trương, giải pháp, quy định, tiêu chuẩn, định mức,… nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH.
7. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ
7.1. Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ 1
“Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với tài nguyên nước và xây dựng kế hoạch ứng phó”.
- Thời gian thực hiện: năm 2011
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường
- Cơ quan phối hợp chính: các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện; các cơ quan nghiên cứu, tư vấn trong và ngoài tỉnh.Nội dung thực hiện gồm có:
1) Điều tra, tổng hợp nhu cầu sử dụng nước của các đối tượng trong tỉnh theo định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 (ngành, địa phương, khu công nghiệp, khu dân cư, đô thị,…);
2) Đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đến khả năng dự trữ, chứa nước của các lưu vực sông, các hồ chứa;
3) Đánh giá ảnh hưởng của BĐKH, nước biển dâng đến Tài nguyên nước ngầm, xác định các vùng có nguy cơ ảnh hưởng xâm nhập mặn;
4) Đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến khả năng cấp nước cho phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Khánh Hòa.
- Kinh phí thực hiện: 1,0 tỷ đồng
7.2. Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ 2
“Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với cơ sở hạ tầng của các lĩnh vực và địa phương ven biển”.
- Thời gian thực hiện: năm 2012-2014
- Cơ quan chủ trì thực hiện: các Sở: Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Văn hóa thể thao và Du lịch.
- Cơ quan phối hợp chính: các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện; các cơ quan nghiên cứu, tư vấn trong và ngoài tỉnh.
Nội dung chủ yếu gồm có:
1) Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (bao gồm các yếu tố thời tiết, khí hậu, thủy văn: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán, lượng mưa,…) và mực nước biển dâng đối với các công trình và hệ thống giao thông trên biển và ven biển;
2) Đánh giá tác động của mực nước biển dâng đối với các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư ven biển, ven cửa song;
3) Đánh giá tác động của mực nước biển dâng đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp như: sản xuất muối, nuôi trồng thủy, hải sản, thoát nước nông thôn; các khu neo đậu thuyền tránh - trú bão, khu vực hậu cần nghề cá;
4) Cơ sở hạ tầng các cơ sở du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng ven biển.
- Kinh phí thực hiện: 3,0 tỷ đồng
7.3. Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ 3
“Đánh giá tác động BĐKH và mực nước biển dâng đến đa dạng sinh học biển ven bờ tỉnh Khánh Hòa; đánh giá ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển và đề xuất kế hoạch thích ứng, ứng phó”.
- Thời gian thực hiện: năm 2012- 2015
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường
- Cơ quan phối hợp chính: Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn
- Kinh phí thực hiện: 3,0 tỷ đồng
7.4. Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ 4
“Thực hiện dự án thí điểm cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu: bền vững nghề và cư trú”.
- Nội dung chủ yếu gồm có:
1) Tuyên truyền, đào tạo;
2) Nâng cao nhận thức, năng lực;
3) Đánh giá ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng có sự tham gia của cộng đồng đối với từng nhóm ngành, nghề; khu vực cư trú;
4) Lập danh mục các yêu cầu cung cấp thông tin về BĐKH và nước biển dâng;
5) Đánh giá được ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng đến tính bền vững nghề và cư trú của cộng đồng;
6) Lập kế hoạch ứng phó trên cơ sở tham gia của cộng đồng.
- Thời gian thực hiện: năm 2012 -2015
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Chọn 01 địa phương ven biển
- Cơ quan phối hợp chính: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn; Sở Lao động thương binh và Xã hội; các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh và địa phương liên quan.
- Kinh phí thực hiện: 1,0 tỷ đồng
7.5. Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ 5
“Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Khánh Hòa”.
- Từ năm 2011 tiến hành xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về biến đổi khí hậu theo các đối tượng và phương pháp khác nhau.
- Từ năm 2011 - 2015 tiến hành phổ biến, tuyên truyền và quán triệt các chủ trương, quan điểm của Chính phủ và của các Bộ, ngành cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bao gồm: tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, hội thảo khoa học, các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thiết lập chuyên mục thông tin BĐKH (trên Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, trang Web của cơ quan đầu mối hoặc của Ban chỉ đạo ứng phó với BĐKH của tỉnh) nhằm cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức, giải đáp các vấn đề về BĐKH và nước biển dâng, định hướng các biện pháp ứng phó với BĐKH của tỉnh.
- Đến cuối năm 2012 phấn đấu cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu phục vụ tra cứu, nghiên cứu sử dụng của các ngành, các cấp, kế hoạch giám sát.
- Từ năm 2012 đến năm 2015, triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phương pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trên các lĩnh vực, ngành.
Các chỉ tiêu cần đạt được gồm:
a) Xây dựng được bộ cơ sở số liệu, dữ liệu và thông tin về BĐKH;
b) Truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực;
c) Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đặc biệt công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng ít năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính…;
d) Cập nhật kịch bản, thông tin, kết quả đánh giá BĐKH và mực nước biển dâng; xây dựng các công trình thiết yếu giám sát, đánh giá BĐKH và mực nước biển dâng.
- Thời gian thực hiện: năm 2012- 2015
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Ban chỉ đạo ứng phó với BĐKH của tỉnh
- Cơ quan phối hợp chính:
+ Sở Tài nguyên và Môi trường
+ Các sở, ban, ngành trong tỉnh
+ Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
+ Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa
- Kinh phí thực hiện: 3,0 tỷ đồng
8.1. Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý
Thành lập Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh và Tổ chuyên môn giúp việc cho Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Khánh Hòa có hiệu quả, tránh chồng chéo và lồng ghép được các nội dung của Kế hoạch với các chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thành phần Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm có:
- Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách ngành, lĩnh vực làm Trưởng ban chỉ đạo.
- Đồng chí Giám đốc hoặc Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu là Phó trưởng ban thường trực của Ban chỉ đạo.
- Lãnh đạo các sở, ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là thành viên của Ban chỉ đạo.
Tổ chuyên môn giúp việc, gồm: Cán bộ lãnh đạo cấp phòng, ban và chuyên viên thuộc biên chế của Sở Tài nguyên và Môi trường và một số sở, ban, ngành liên quan.
Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo và Tổ chuyên môn giúp việc cho Ban chỉ đạo do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, trình Trưởng ban chỉ đạo ban hành.
8.2. Trách nhiệm của các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
8.2.1. Trách nhiệm của các sở, ngành
a) Sở Tài nguyên và Môi trường
Là cơ quan đầu mối về thực hiện Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh. Giúp Ban chỉ đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp tình hình và báo cáo định kỳ, hàng năm tiến độ và kết quả thực hiện kế hoạch chung toàn tỉnh cho Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chủ trì đề xuất, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Triển khai thực hiện các Chương trình, dự án, nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc lĩnh vực quản lý của ngành mình khi được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tổng hợp đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm thực hiện ứng phó với BĐKH và mực nước biển dâng trên địa bàn tỉnh.
b) Sở Tài chính:
Hướng dẫn các ngành, các cấp lập, chấp hành dự toán ngân sách hằng năm theo các quy định hiện hành về ngân sách, tài chính cho nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát và điều chỉnh các quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có tính đến biến đổi khí hậu.
- Chủ trì xây dựng, thông tin các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho các ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
d) Sở Khoa học và Công nghệ:
- Tổng hợp, đề xuất và tham mưu thực hiện các chương trình, đề tài, dự án, thu thập thông tin và đề xuất các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn sự nghiệp khoa học hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ đã được phê duyệt trong kế hoạch này.
đ) Sở Thông tin và truyền thông, Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa:
Tùy theo chức năng nhiệm vụ, chủ trì, phối hợp với các ngành, các địa phương lập kế hoạch tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho cộng đồng nhân dân trên địa bàn tỉnh.
e) Các đoàn thể:
Tham gia các hoạt động phối hợp chung và triển khai thực hiện các Chương trình, dự án, nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, tổ chức mình khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đề xuất các chính sách, giải pháp ứng phó với BĐKH và mực nước biển dâng thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
8.2.2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (Ủy ban nhân dân cấp huyện):
- Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ mục tiêu, kế hoạch khung của tỉnh, hướng dẫn lập kế hoạch hằng năm của tỉnh, chủ động lập kế hoạch của địa phương từng năm để thực hiện những mục tiêu đề ra trên địa bàn.
- Đề xuất UBND tỉnh và các ngành của tỉnh đưa vào kế hoạch để thực hiện các nhiệm vụ, Chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn. Triển khai thực hiện các Chương trình, dự án, nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc lĩnh vực quản lý của ngành mình khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tham gia giám sát, thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn.
8.2.3. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa:
Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh tham gia, phối hợp và chỉ đạo các tổ chức thành viên của mình phối hợp với các cấp chính quyền đôn đốc, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
8.3. Về các giải pháp tài chính, kế hoạch
Căn cứ vào Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa sẽ bố trí nguồn lực, vật lực để triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh.
Hàng năm, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ và các ngành liên quan hướng dẫn việc lập và tổng hợp dự toán hàng năm đối với các mục tiêu trong kế hoạch này; trong đó, làm rõ các khoản chi từ sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học hoặc từ vốn đầu tư phát triển. Ngoài nguồn chi ngân sách của tỉnh và của Trung ương, các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu kêu gọi nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong nước.
Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất sạch, sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và có kế hoạch hành động thích ứng, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa bền vững giai đoạn 2011- 2015 và các năm tiếp theo.
BĐKH là vấn đề mới đối với cán bộ, công chức và cộng đồng nhân dân, các tác động của BĐKH là rất phức tạp bao gồm cả tác động hiện tại và tác động tiềm tàng. Những hiểu biết của chúng ta về BĐKH cũng như tác động của chúng đến các hoạt động kinh tế - xã hội còn hạn chế. Do đó, cần có sự điều tra và nghiên cứu sâu về tình hình biến đổi khí hậu tại Khánh Hòa xây dựng các kịch bản và đề ra các biện pháp ứng phó hiệu quả nhất. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cần phải có sự điều chỉnh, bổ sung, cập nhật phù hợp với điều kiện thực tế, kể cả các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã được công bố.
Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cam kết thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ./.
- 1Kế hoạch 567/KH-UBND năm 2017 về khung mục tiêu, nhiệm vụ và danh mục dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020
- 2Quyết định 5602/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt đề cương đề án Điều tra, đánh giá Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2015 và cập nhật kế hoạch đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030
- 3Quyết định 3195/QĐ-UBND năm 2017 về bãi bỏ Quyết định 07/2011/QĐ-UBND Quy định quản lý nhà nước về lĩnh vực khí tượng thủy văn và hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 158/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 1289/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí của đề án Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Khánh Hòa
- 4Kế hoạch 567/KH-UBND năm 2017 về khung mục tiêu, nhiệm vụ và danh mục dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020
- 5Quyết định 5602/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt đề cương đề án Điều tra, đánh giá Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2015 và cập nhật kế hoạch đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030
- 6Quyết định 3195/QĐ-UBND năm 2017 về bãi bỏ Quyết định 07/2011/QĐ-UBND Quy định quản lý nhà nước về lĩnh vực khí tượng thủy văn và hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sơn La
Quyết định 1113/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2015
- Số hiệu: 1113/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 05/05/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Lê Đức Vinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra