Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 541/QĐHC-CTUBND

Sóc Trăng, ngày 13 tháng 4 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 16/2005/NĐ-CP VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 112/2006/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ

CHỦ TỊCH UBND TỈNH SÓC TRĂNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP, ngày 29/9/2007 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Thông tư số 02/2007/TT-BXD, ngày 15/02/2007 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn một số nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình và tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, ngày 07/02/2007 và số 112/2006/NĐ-CP, ngày 29/9/2006 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng, tỉnh Sóc Trăng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và số 112/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2007.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đối tượng có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT TU, TT. HĐND tỉnh;
- TT Công báo;
- Lưu: NC, LT.

CHỦ TỊCH




Huỳnh Thành Hiệp

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 16/2005/NĐ-CP VÀ SỐ 112/2006/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 541/QĐHC-CTUBND ngày 13 /4/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Quy định này được áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, ngày 07/02/2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP, ngày 29/9/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, trừ các công trình nêu tại khoản 2, Điều này.

2. Riêng các công trình xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình phúc lợi xã hội, công trình hạ tầng có giá trị dự toán dưới 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng) thuộc vốn đầu tư do cấp xã quản lý hoặc các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân được thực hiện theo Quy định tạm thời về quản lý và thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ban hành kèm theo Quyết định số 32/2006/QĐ-UBT, ngày 07/4/2006 của UBND tỉnh Sóc Trăng.

Điều 2. Quy định áp dụng

1. Quy định này chỉ bao gồm những nội dung mà Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND tỉnh quy định cụ thể để thực hiện và cụ thể hoá một số nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.

2. Việc quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phải thực hiện đầy đủ theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và số 112/2006/NĐ-CP của Chính phủ, văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan và Quy định này.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Quy định thẩm quyền quyết định đầu tư

1. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước:

a) Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư các dự án nhóm A, B, C sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

b) Chủ tịch UBND các huyện, thành phố (sau đây gọi chung là Chủ tịch UBND cấp huyện) quyết định đầu tư các dự án trong phạm vi ngân sách địa phương, có mức vốn không lớn hơn 5.000.000.000 đồng (năm tỷ đồng), sau khi thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp.

c) Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương để quy định cho Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Chủ tịch UBND cấp xã) quyết định đầu tư các dự án thuộc ngân sách địa phương có mức vốn đầu tư không vượt quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng), trừ các công trình nêu tại khoản 2, Điều 1, Quy định này.

2. Các dự án sử dụng vốn khác, vốn hỗn hợp (không có vốn ngân sách nhà nước tham gia), chủ đầu tư tự quyết định đầu tư và tự chịu trách nhiệm. Riêng đối với các dự án sử dụng vốn tín dụng, tổ chức cho vay vốn thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ để chấp thuận cho vay hoặc không cho vay trước khi người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

3. Các dự án sử dụng vốn hỗn hợp có vốn ngân sách nhà nước tham gia:

a) Trường hợp vốn ngân sách Nhà nước chiếm tỷ lệ cao nhất hoặc được các thành viên góp vốn thống nhất quản lý dự án như đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì dự án đó sẽ được quyết định đầu tư theo quy định tại khoản 1, Điều này.

b) Trường hợp ngược lại thì dự án đó được quyết định đầu tư theo khoản 2 Điều này.

Điều 4. Lập dự án đầu tư xây dựng công trình

1. Khi đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư phải tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng công trình (trừ những công trình nêu tại các khoản 2, khoản 3, Điều này), trong đó:

a) Các công trình sau đây, không phân biệt nguồn vốn và hình thức sở hữu, chủ đầu tư phải tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc trước khi lập dự án đầu tư xây dựng:

- Trụ sở UBND cấp huyện trở lên;

- Các công trình văn hoá, thể thao, các công trình công cộng có quy mô cấp I, cấp đặc biệt;

- Các công trình khác theo yêu cầu của người quyết định đầu tư.

Việc tổ chức thi tuyến thiết kế kiến trúc được thực hiện quy định tại Thông tư số 05/2005/TT-BXD, ngày 12/4/2005 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thi tuyển thiết kế kiến trúc xây dựng công trình.

b) Đối với các dự án nhóm B chưa có trong quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoach ngành, quy hoạch xây dựng thì trước khi lập dự án đầu tư phải có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch.

2. Các công trình xây dựng sau đây không phải lập dự án mà chỉ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình:

a) Công trình xây dựng cho mục đích tôn giáo;

b) Các công trình xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ đồng, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng; trừ trường hợp người quyết định đầu tư thấy cần thiết và yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình.

3. Các công trình xây dựng là nhà ở riêng lẻ thì chủ đầu tư không phải lập dự án và Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình mà chỉ cần lập hồ sơ xin cấp phép xây dựng xây dựng theo quy định tại khoản 9, Điều 1 của Nghị định số 112/2006/NĐ-CP, ngày 29/9/2006 và khoản 2, 3, 4, Điều 17 Nghị định 16/2005/NĐ-CP, ngày 07/02/2005 của Chính phủ.

Điều 5. Thẩm định và trình duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình

1. Đối với các dự án nhóm B, C, không phân biệt nguồn vốn, trừ các dự án do Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, các tập đoàn kinh tế và Tổng Công ty Nhà nước đầu tư, xây dựng tại địa phương thì các Sở có quản lý xây dựng chuyên ngành thẩm định phần thiết kế cơ sở trong dự án đầu tư xây dựng công trình, cụ thể như sau:

a) Sở Công nghiệp tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở các công trình thuộc các dự án đầu tư xây dựng công trình hầm mỏ, dầu khí, nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp và các công trình công nghiệp chuyên ngành, trừ các công trình công nghiệp vật liệu xây dựng.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi, đê điều.

c) Sở Giao thông Vận tải tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, trừ các công trình giao thông thuộc hạ tầng kỹ thuật đô thị nêu tại điểm d, khoản này

d) Sở Xây dựng tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp vật liệu xây dựng, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (bao gồm các công trình: hè, đường đô thị, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, công viên, cây xanh, xử lý rác thải đô thị, nghĩa trang, bãi đổ xe trong đô thị) và các dự án đầu tư xây dựng các công trình khác do Chủ tich UBND tỉnh yêu cầu.

e) Đối với dự án đầu tư xây dựng liên quan đến nhiều ngành, thì nội dung của thiết kế cơ sở liên quan đến Sở nào trong các Sở quy định tại các điểm a, b, c, d khoản này) thì Sở đó là đầu mối tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở của dự án. Sở đầu mối chịu trách nhiệm lấy ý kiến của sở liên quan đến phần công nghệ chính và các Sở, Ban ngành khác có liên quan đến nội dung thẩm định thiết kế cơ sở).

f) Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình có kỹ thuật phức tạp, áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao... thì Sở có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở báo cáo với UBND tỉnh để đề nghị Bộ có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở.

g) Sở có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ dự án, tổ chức thẩm định và gởi kết quả thẩm định thiết kế cơ sở đến đơn vị đầu mối thẩm định dự án (quy định tại khoản 2, Điều này). Thời gian thẩm định thiết kế cơ sở không quá 15 ngày làm việc đối với dự án nhóm B và 07 ngày làm việc đối với dự án nhóm C.

h) Hồ sơ trình thẩm định thiết kế cơ sở do chủ đầu tư gởi đến các Sở có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở gồm:

- Tờ trình thẩm định thiết kế cơ sở;

- Thuyết minh dự án;

- Thuyết minh và tập bản vẽ thiết kế cơ sở;

- Báo cáo kết quả khảo sát địa chất công trình trong bước lập thiết kế cơ sở (nếu có);

- Chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà thầu khảo sát, chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm khảo sát (nếu có khảo sát địa chất công trình);

- Chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà thầu thiết kế, chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm và các chủ trì thiết kế;

- Biên bản nghiệm thu hồ sơ khảo sát, hồ sơ thiết kế cơ sở của chủ đầu tư theo Phụ lục số 2, số 3, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP, ngày 16/12/2004 của Chính phủ;

- Văn bản của cấp có thẩm quyền về quy hoạch xây dựng, sự kết nối với hạ tầng kỹ thuật bên ngoài hàng rào, sử dụng đất, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường... (nếu có).

2. Các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh thì Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị đầu mối thẩm định dự án. Các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc quyền quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện (khi Chủ tịch UBND cấp huyện yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình) thì Phòng Kế hoạch - Tài chính cấp huyện là đơn vị đầu mối thẩm định dự án.

3. Đơn vị đầu mối thẩm định dự án có trách nhiệm:

- Tiếp nhận hồ sơ dự án (kể cả phần thuyết minh và phần thiết kế cơ sở) do chủ đầu tư trình thẩm định;

- Gởi hồ sơ dự án tới các cơ quan, đơn vị có liên quan để lấy ý kiến về những nội dung có liên quan đến dự án;

- Tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan và kết quả thẩm định thiết kế cơ sở để đánh giá và đề xuất ý kiến để người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

4. Các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Phòng Kế hoạch - Tài chính trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.

5. Các dự án đầu tư khác do người có thẩm quyền quyết định đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt dự án sau khi có kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của Sở có quản lý chuyên ngành.

6. Lệ phí thẩm định dự án, thiết kế cơ sở theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 6. Thẩm định và trình duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình

Người có thẩm quyền quyết định đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Trong đó, các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:

1. Đối với các công trình thuộc quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh thì các Sở có quản lý xây dựng chuyên ngành (quy định tại khoản 1, Điều 6, Quy định này) thẩm định toàn bộ nội dung Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

2. Đối với các công trình thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện: Phòng Hạ tầng - Kinh tế huyện (hoặc Phòng Quản lý đô thị thành phố Sóc Trăng) hoặc Phòng chuyên môn khác có đủ năng lực (do Chủ tịch UBND cấp huyện phân công) làm đầu mối thẩm định toàn bộ nội dung Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình và trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt.

Trường hợp công trình phức tạp, vượt quá khả năng của địa phương thì có thể thực hiện theo một trong hai cách sau:

a) Cách 1: Chủ tịch UBND cấp huyện đề nghị Sở có quản lý xây dựng chuyên ngành thẩm định toàn bộ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình để chủ đầu tư trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt.

b) Cách 2: Sau khi được Chủ tịch UBND cấp huyện đồng ý, chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công - tổng dự toán, các nội dung còn lại của Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình (phần thuyết minh Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình) do Phòng chuyên môn cấp huyện thẩm định. Phòng chuyên môn tổng hợp kết quả thẩm định trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt.

3. Đối với các công trình thụôc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã thì Phòng hạ tầng kinh tế huyện (hoặc Phòng Quản lý đô thị thành phố Sóc Trăng) thẩm định toàn bộ nội dung Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình để Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt.

4. Hồ sơ thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình do chủ đầu tư gởi đến cơ quan có chức năng thẩm định quy định tại khoản 1 và 2, Điều này gồm:

- Tờ trình thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình theo mẫu Phụ lục số 5, Thông tư số 02/2007/TT-BXD, ngày 14/02/2007 của Bộ Xây dựng;

- Báo cáo kết quả khảo sát địa chất công trình trong bước lập thiết kế bản vẽ thi công (nếu có);

- Chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà thầu khảo sát, chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm khảo sát (nếu có khảo sát địa chất công trình);

- Chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà thầu thiết kế, chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm và các chủ trì thiết kế;

- Biên bản nghiệm thu hồ sơ khảo sát xây dựng, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công của chủ đầu tư theo Phụ lục số 2 và số 3, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP;

- Văn bản của cấp có thẩm quyền về quy hoạch xây dựng, sự kết nối với hạ tầng kỹ thuật bên ngoài hàng rào, sử dụng đất, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường... (nếu có);

- Thuyết minh tính toán kết cấu công trình.

4. Lệ phí thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình áp dụng theo chi phí thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và chi phí thẩm tra tổng dự toán được quy định tại Quyết định số 10/2005/QĐ-BXD, ngày 15/4/2005 của Bộ Xây dựng.

Điều 7. Thẩm định và phê duyệt thiết kế - tổng dự toán xây dựng công trình

1. Việc thẩm định thiết kế cơ sở trong dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm B, C trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo khoản 1, Điều 6 của Quy định này và được người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt trong dự án đầu tư.

2. Việc thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công dự toán và tổng dự toán đối với những công trình xây dựng phải lập dự án, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước nhóm B, C thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện do chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định và phê duyệt. Trường hợp chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực thẩm định thì được phép thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực thẩm tra thiết kế, dự toán công trình làm cơ sở cho việc phê duyệt.

3. Việc thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước được thẩm định và phê duyệt trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình và được thực hiện theo quy định tại các khoản 1 Điều 7, Quy định này.

4. Đối với các công trình sử dụng vốn khác thì chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công dự toán, tổng dự toán công trình. Trường hợp chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực thẩm định thì thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện, năng lực để thẩm tra thiết kế, dự toán công trình làm cơ sở cho việc phê duyệt. Chủ đầu tư có thể thuê thẩm tra một phần hoặc toàn bộ nội dung thiết kế, dự toán công trình.

Điều 8. Xử lý chuyển tiếp

1. Các dự án đầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt trước ngày Quy định này có hiệu lực nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc đang thực hiện dở dang thì không phải làm thủ tục phê duyệt lại dự án, các công việc tiếp theo được thực hiện theo Quy định này.

2. Các dự án đầu tư xây dựng công trình chưa được phê duyệt thì thực hiện theo Quy định này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9.

Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm:

- Phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quy định này

- Tổ chức tập huấn Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các chủ thể có liên quan.

- Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Quy định này. Đồng thời, theo dõi, tổng hợp các đề nghị của các ngành, các cấp và các hướng dẫn mới của các Bộ, ngành trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần thiết thì kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung kịp thời Quy định này.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến đề xuất của các địa phương, đơn vị, dự thảo văn bản trình UBND tỉnh báo cáo với các Bộ, ngành Trung ương.

Điều 10.

Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư có trách nhiệm:

- Kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự đủ năng lực và xây dựng Quy chế làm việc đối với các Sở có nhiệm vụ thẩm định phải xây dựng quy trình xử lý hồ sơ thủ tục nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và 112/200/NĐ-CP.

- Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý, trường hợp vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo đề xuất với UBND tỉnh. Đồng thời đề xuất ý kiến đóng góp trong việc thực hiện công tác quản lý đầu tư và xây dựng, gởi về Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và Đầu tư.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 541/QĐHC-CTUBND năm 2007 về Quy định quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng theo Nghị định 16/2005/NĐ-CP và 112/2006/NĐ-CP

  • Số hiệu: 541/QĐHC-CTUBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/04/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Huỳnh Thành Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản