Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/2006/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 15 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ KHUYẾN CÔNG TỈNH BẮC GIANG.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP, ngày 09/6/2004 của Chính phủ về Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp tại Tờ trình số 207/TTr-SCN ngày 17/7/2006,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Bắc Giang”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Giám đốc các Sở, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các tổ chức và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Công Bộ

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ KHUYẾN CÔNG TỈNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 54 /2006/QĐ-UBND, ngày 15/8/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này áp dụng đối với hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Bắc Giang nhằm mục đích khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia đầu tư sản xuất, phát triển dịch vụ công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Đối tượng được hỗ trợ

1. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - TTCN tại các huyện, thành phố, thị trấn và xã (sau đây gọi là cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn) bao gồm:

a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;

b) Hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã;

c) Hộ kinh doanh cá thể theo quy định của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.

2. Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động dịch vụ khuyến công (gồm các hoạt động dịch vụ trong việc tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại và các hoạt động khác có liên quan đến khuyến khích đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn).

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Kinh phí cho hoạt động khuyến công và nguồn hình thành

Kinh phí cho hoạt động khuyến công (gọi tắt là kinh phí khuyến công) bao gồm: kinh phí khuyến công cấp tỉnh và kinh phí khuyến công cấp huyện, thành phố.

Nguồn hình thành kinh phí khuyến công:

1. Kinh phí khuyến công cấp tỉnh :

a. Hàng năm, ngân sách tỉnh trích một khoản kinh phí để tạo Nguồn kinh phí khuyến công. Mức trích do UBND tỉnh xác định, theo đề nghị của Sở Công nghiệp và Sở Tài chính khi lập dự toán ngân sách hàng năm và trình duyệt theo quy định;

b. Tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

c. Hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia cho hoạt động khuyến công của tỉnh theo chương trình, kế hoạch và đề án được phê duyệt;

d. Nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí khuyến công cấp huyện, thành phố :

a. Hàng năm, các huyện, thành phố trích một phần ngân sách từ sự nghiệp kinh tế để chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến công trên địa bàn;

b. Tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ từ kinh phí khuyến công

1. Khôi phục, phát triển nghề, làng nghề truyền thống; đào tạo nghề, du nhập nghề mới vào khu vực nông thôn;

2. Sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ xuất khẩu; chế biến, bảo quản nông, lâm sản.

3. Sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ; sản xuất sản phẩm mới; sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp;

4. Lập quy hoạch, đầu tư vốn xây dựng kết cấu hạ tầng cho cụm, điểm công nghiệp - TTCN và làng nghề.

Điều 5. Nội dung chi của kinh phí khuyến công

1. Chi phí cho các hoạt động để hướng dẫn tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp, lập dự án đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn và các thủ tục hành chính khác theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp - TTCN của địa phương và vùng lãnh thổ.

2. Chi phí cho các hoạt động để hướng dẫn cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN nông thôn nâng cao năng lực quản lý, hợp lý hoá sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.

3. Chi phí cho các hoạt động để tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ trực tiếp cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

3. Hỗ trợ chi phí để cung cấp thông tin, tiếp thị, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh.

4. Hỗ trợ chi phí để tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề.

5. Hỗ trợ chi phí cho cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm ở trong nước.

6. Hỗ trợ chi phí để tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, khảo sát, học tập trong nước; hỗ trợ tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN nông thôn liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, tham gia các hiệp hội ngành nghề.

7. Hỗ trợ chi phí để xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, đầu tư và chuyển giao công nghệ; thực hiện dịch vụ tư vấn khoa học - công nghệ để giúp các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - TTCN.

Điều 6. Nhiệm vụ chi của kinh phí khuyến công

1. Nhiệm vụ chi của kinh phí khuyến công cấp tỉnh:

a) Kinh phí khuyến công cấp tỉnh đảm bảo chi cho các nội dung của hoạt động khuyến công tại Điều 5 Quy định này, theo chương trình, kế hoạch được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp nông thôn của tỉnh.

b) Chi biên soạn giáo trình, tài liệu mẫu để hướng dẫn, đào tạo, tư vấn về khuyến công tới cấp huyện, thành phố.

c) Chi tuyên truyền cho công tác khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng.

d) Chi hỗ trợ xây dựng chương trình, kế hoạch khuyến công địa phương từng giai đoạn và hàng năm.

đ) Chi hỗ trợ kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động khuyến công tại cơ sở.

e) Chi mua sắm thiết bị phục vụ công tác khuyến công.

g) Các khoản chi khác (nếu có).

2. Nhiệm vụ chi của kinh phí khuyến công cấp huyện, thành phố:

Kinh phí khuyến công cấp huyện, thành phố có nhiệm vụ chi như kinh phí khuyến công cấp tỉnh nhưng áp dụng trong phạm vi huyện, thành phố, trừ nhiệm vụ chi ở điểm b, khoản 1 Điều này.

Điều 7. Nguyên tắc và điều kiện hỗ trợ kinh phí khuyến công

1. Nguyên tắc hỗ trợ:

a) Kinh phí khuyến công được hỗ trợ bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và có hiệu quả kinh tế - xã hội;

b) Kinh phí khuyến công hỗ trợ được cấp tạm ứng tương ứng với kết quả triển khai các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thanh quyết toán sau khi hoàn thành;

c) Mỗi chương trình, dự án được hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng và chỉ được hỗ trợ 01 lần/năm.

2. Điều kiện hỗ trợ:

Các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ khuyến công; các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc lĩnh vực, ngành nghề tại Điều 4 Quy định này được xem xét hỗ trợ kinh phí khuyến công với điều kiện sau :

a) Có dự án khả thi được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp quản lý;

b) Chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước;

c) Chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của Nhà nước trừ các đối tượng tham gia hoạt động dịch vụ khuyến công;

3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ bao gồm:

a) Hồ sơ dự án, phương án; hợp đồng chuyển giao công nghệ, mua sắm, lắp đặt thiết bị (nếu là dự án đổi mới công nghệ, thiết bị); chương trình, nội dung đào tạo nghề (nếu là dự án đào tạo nghề, truyền nghề);

b) Các văn bản, chứng từ liên quan khác như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép khai thác, chế biến, giấy tờ tham gia hội chợ, triển lãm trong nước...

Điều 8. Mức hỗ trợ cho một số trường hợp cụ thể sau:

1. Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề: hỗ trợ không quá 60% dự toán được duyệt.

2. Dự án đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư sản xuất sản phẩm mới, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường: hỗ trợ không quá 30% dự toán phần trang thiết bị, máy móc và phí chuyển giao công nghệ của dự án được duyệt.

3. Chương trình bồi dưỡng, tập huấn, khảo sát học tập kinh nghiệm dành cho cán bộ quản lý; các hoạt động hướng dẫn tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp lập dự án đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn; hướng dẫn cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực quản lý, hợp lý hoá sản xuất, hạ giá thành sản phẩm: có thể hỗ trợ đến 100% chi phí.

4. Cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm trong nước; tham quan, khảo sát, học tập trao đổi kinh nghiệm, liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế và tham gia các hiệp hội ngành nghề; cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh: hỗ trợ không quá 50% chi phí.

5. Kinh phí sự nghiệp công nghiệp của các huyện, thành phố có thể hỗ trợ 100% chi phí lập quy hoạch và một phần chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng làng nghề, cụm, điểm công nghiệp - TTCN của các xã, thị trấn.

Điều 9. Quản lý nhà nước về kinh phí khuyến công

1. Sở Công nghiệp:

a) Trực tiếp quản lý Nguồn kinh phí khuyến công cấp tỉnh;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố, các Tổ chức chính trị - xã hội thẩm định, tổng hợp mức đề nghị hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các chương trình, dự án; lập kế hoạch phân bổ sử dụng kinh phí khuyến công trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt;

c) Hợp tác với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút các nguồn vốn cho kinh phí khuyến công;

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội kiểm tra định kỳ, đột xuất việc quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công;

đ) Theo dõi, đánh giá và định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh việc thực hiện quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công.

2. Sở Tài chính:

a) Theo dõi việc quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công theo đúng quy định của pháp luật hiện hành;

b) Phối hợp với Sở Công nghiệp thẩm định, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công.

3. UBND các huyện, thành phố; các tổ chức chính trị - xã hội :

a) Hướng dẫn các tổ chức, đơn vị trực thuộc làm hồ sơ, thủ tục xin hỗ trợ kinh phí khuyến công;

b) Tổ chức thẩm định, xét duyệt các chương trình, dự án đề nghị hỗ trợ từ kinh phí khuyến công cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý;

c) Phối hợp với Sở Công nghiệp kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công của các chương trình, dự án thuộc phạm vi quản lý.

Điều 10. Trình tự, thủ tục hỗ trợ kinh phí khuyến công

1. Các chương trình, dự án đề nghị hỗ trợ kinh phí khuyến công đăng ký trực tiếp với Sở Công nghiệp, Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tiến hành thẩm định và đưa vào kế hoạch hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt.

2. Các chương trình, dự án đề nghị hỗ trợ kinh phí khuyến công đăng ký với UBND các huyện, thành phố hoặc các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện theo trình tự sau:

a) UBND các huyện, thành phố; các tổ chức chính trị - xã hội là đầu mối khảo sát, thẩm định hồ sơ, đề xuất mức hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các chương trình, dự án; tổng hợp lập kế hoạch gửi Sở Công nghiệp;

b) Sở Công nghiệp phối hợp với Sở Tài chính thẩm định các chương trình, dự án, tổng hợp đưa vào kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt;

c) Sở Công nghiệp thực hiện cấp kinh phí cho các chương trình, dự án theo kế hoạch được duyệt;

3. Đối với các chương trình, dự án hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công cấp huyện, thành phố, Phòng Công thương (Phòng Kinh tế) xây dựng kế hoạch, thẩm định trình Chủ tịch UBND huyện, thành phố quyết định và tổng hợp báo cáo Sở Công nghiệp.

Điều 11. Lập, chấp hành và quyết toán kinh phí khuyến công

1. Về lập dự toán:

Sở Công nghiệp lập dự toán kinh phí thực hiện công tác khuyến công cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm, gửi Sở Tài chính tổng hợp trình UBND tỉnh để trình HĐND xem xét, quyết định.

2. Về thực hiện dự toán:

Việc phân bổ dự toán, rút dự toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi kinh phí khuyến công theo định mức, chế độ hiện hành và phù hợp với các nội dung tại quy định này.

3. Về quyết toán:

Các cơ quan, đơn vị, cá nhân sử dụng kinh phí khuyến công cuối quý, năm phải quyết toán kinh phí đã sử dụng với Sở Công nghiệp (đối với kinh phí khuyến công cấp tỉnh) và Phòng chức năng của UBND huyện, thành phố (đối với kinh phí khuyến công cấp huyện, thành phố).

Sở Công nghiệp và Phòng chức năng của UBND huyện, thành phố có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán kinh phí khuyến công hàng năm của cấp mình gửi cơ quan Tài chính đồng cấp; trình tự lập mẫu biểu báo cáo, thời gian nộp và xét duyệt báo cáo quyết toán thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 12. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công của các chương trình dự án trên địa bàn tỉnh.

Các tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định về quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Tổ chức thực hiện

Sở Công nghiệp, UBND các huyện, thành phố và các ngành có liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện Quy định này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, UBND các huyện, thành phố phản ảnh kịp thời về Sở Công nghiệp để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.