Hệ thống pháp luật

UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 536/1998/QĐ-UBTDTT

Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ THỂ THAO

BỘ TRƯỞNG - CHỦ NHIỆM UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO

Căn cứ Nghị định số 03/1998/NĐ-CP ngày 6 tháng 1 năm 1998 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Thể dục Thể thao;
Căn cứ Quyết định số 341-TTg ngày 21 tháng 5 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia về thể thao;
Căn cứ Quyết định 531-TTg ngày 8 tháng 8 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý các Chương trình quốc gia và Thông tư số 06 TT/LBKH-TC ngày 29 tháng 4 năm 1997 của liên bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định 531/TTg ngày 8 tháng 8 năm 1996;
Căn cứ Quyết định số 05/1998/QĐ-TTg ngày 14 tháng 1 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý các chương trình mục tiêu Quốc gia; - Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay bàn hành kèm theo Quyết định này Bản "Quy chế quản lý điều hành Chương trình quốc gia về thể thao", gồm 6 chương, 15 Điều.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành

Điều 3. Ban chủ nhiệm chương trình quốc gia về thể thao, Thủ trưởng các vụ, đơn vị trực thuộc Uỷ ban Thể dục, Thể thao, Ban chỉ đạo chương trình quốc gia thuộc các Bộ, ngành, địa phương có Chương trình quốc gia về thể thao chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Hà Quang Dự

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ THỂ THAO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 536/QĐ-UBTDTT ngày 2 tháng 7 năm 1998 của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế quản lý điều hành Chương trình quốc gia về thể thao thực hiện 2 dự án:

- Đào tạo vận động viên thành tích cao.

- Xây dựng các trung tâm thể thao trọng điểm.

Điều 2. Quy chế quản lý, điều hành Chương trình quốc gia về thể thao được xây dựng trên cơ sở:

- Quyết định số 531/TTg ngày 8/8/1996 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý các Chương trình quốc gia;

- Thông tư liên Bộ số 06 TT/LBKH-TC ngày 29/4/1997 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 531/TTg;

- Quyết định số 05/1998/QĐ-TTg ngày 14/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia;

- Luật ngân sách Nhà nước;

- Nghị định số 42/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về việc ban hành điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng;

- Nghị định số 43/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đấu thầu;

- Nghị định 03/1998/NĐ-CP ngày 6/1/1998 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Thể dục Thể thao và một số văn bản khác của Nhà nước.

Điều 3. Ban chủ nhiệm chương trình giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBTDTT trực tiếp quản lý điều hành Chương trình quốc gia về thể thao. Chủ nhiệm chương trình do một số đồng chí lãnh đạo Uỷ ban thể dục thể thao phụ trách chung, hai Phó chủ nhiệm trực tiếp phụ trách hai dự án nói ở Điều 1. Các thành viên và tổ thư ký giúp việc cho Ban chủ nhiệm.

Điều 4. Trực tiếp và phối hợp thực hiện Chương trình quốc gia về thể thao là:

- Ban quản lý dự án đào tạo vận động viên, dự án xây dựng cơ sở vật chất thuộc Uỷ ban Thể dục Thể thao.

- Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia tỉnh, thành, ngành có Chương trình quốc gia về thể thao.

- Ban quản lý dự án đào tạo vận động viên, dự án cơ sở vật chất thuộc Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia tỉnh, thành, ngành.

Chương 2:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH CHƯƠNG TRÌNH.

Điều 5. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban chủ nhiệm chương trình:

1. Thay mặt Uỷ ban Thể dục Thể thao tổ chức thực hiện các dự án và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao, Thủ tướng Chính phủ về nội dung, mục tiêu hoạt động của toàn bộ Chương trình.

2. Chỉ đạo các Ban quản lý dự án xây dựng nội dung, quy trình, tổ chức thực hiện việc đào tào, huấn luyện vận động viên thành tích cao và xây dựng các Trung tâm thể thao trọng điểm.

3. Phê duyệt các dự án do các Ban quản lý dự án đệ trình.

4. Tổng hợp, hướng dẫn, thẩm định, tạm ứng, thanh toán, quyết toán vốn cho từng dự án theo quy định của Nhà nước. Phê duyệt quyết toán hàng năm và tổng quyết toán của từng dự án gửi Bộ Tài chính và báo cáo Chính phủ.

5. Mở lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ thực hiện Chương trình; Phối hợp với các cơ quan chức năng Nhà nước xây dựng các chính sách, chế độ quản lý Chương trình.

6. Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Chương trình theo đúng chế độ quy định; Giải trình những vấn đề chưa rõ trong hoạt động của Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.

7. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Chương trình, làm báo cáo tổng kết hoàn thành Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ.

Điều 6. Lề lối làm việc của Ban chủ nhiệm chương trình.

1. Ban chủ nhiệm chương trình hoạt động kiêm nhiệm, theo Quy chế quản lý và điều hành chương trình được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao quyết định, được sử dụng con dấu và tài khoản của Uỷ ban Thể dục Thể thao để quản lý và tổ chức thực hiện.

2. Ban chủ nhiệm chương trình quyết định tập thể những vấn đề liên quan đến chương trình. Các quyết định tập thể phải được quá nửa số thành viên Ban chủ nhiệm biểu quyết (hoặc bằng phiếu ghi ý kiến) tán thành. Khi biểu quyết hoặc dùng phiếu, nếu số phiếu tán thành và không tán thành ngang nhau thì quyết định theo bên có ý kiến của Chủ nhiệm chương trình.

3. Chủ nhiệm chương trình chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao và Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ Chương trình. Chủ nhiệm phân công các Phó chủ nhiệm phụ trách từng dự án và lập ra bộ phận thường trực để điều hành. Mỗi thành viên Ban chủ nhiệm được phân công nhiệm vụ cụ thể và chịu trách nhiệm trước Chủ nhiệm chương trình.

4. Tổ thư ký giúp Ban chủ nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện theo chương trình, kế hoạch đó. Tổ chức các buổi họp của Ban, ghi biên bản cuộc họp. Đảm bảo sự liên hệ công việc thường xuyên giữa Chủ nhiệm chương trình với Chính phủ và các Ban quản lý dự án.

5. Ban chủ nhiệm họp định kỳ ba tháng một lần. Trường hợp đột xuất, do Chủ nhiệm chương trình triệu tập. Các buổi họp đột xuất phải có ít nhất 2/3 thành viên tham gia. Hàng tháng các Phó chủ nhiệm báo cáo Chủ nhiệm về tình hình hoạt động trong lĩnh vực được phụ trách. Hàng tuần, tổ thư ký tổng hợp tình hình có liên quan đến Chương trình để báo cáo Chủ nhiệm và các Phó chủ nhiệm.

6. Toàn bộ các tài liệu liên quan đến chương trình được thực hiện theo quy chế ban hành và quản lý văn bản của Nhà nước.

Điều 7. Chức năng, nhiệm vụ của các Ban quản lý dự án do Uỷ ban Thể dục Thể thao trực tiếp quản lý.

1. Xây dựng dự án đào tạo vận động viên, dự án xây dựng công trình thể thao trình Chủ nhiệm chương trình phê duyệt.

2. Tổ chức thực hiện các dự án được phê duyệt, đề xuất phương án thay đổi, điều chỉnh mục tiêu nếu thấy không phù hợp với thực tế. Xây dựng kế hoạch hàng năm nhằm thực hiện Chương trình.

3. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và quyết toán kinh phí của dự án gửi Ban chủ nhiệm chương trình theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 8. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia tỉnh, thành, ngành có dự án của Chương trình quốc gia về thể thao.

1. Giúp UBND tỉnh, thành, lãnh đạo Bộ, ngành lập kế hoạch xây dựng các dự án của Chương trình quốc gia về thể thao trên địa bàn, trình Chủ nhiệm chương trình phê duyệt.

2. Tổ chức thực hiện các dự án được duyệt; Đề xuất ý kiến với Chủ nhiệm chương trình các vấn đề liên quan, phương án thay đổi, điều chỉnh mục tiêu của dự án thuộc địa phương, ngành quản lý nếu thấy có những điểm không phù hợp.

3. Lập kế hoạch thực hiện dự án xây dựng công trình thể thao, trên cơ sở vốn của Chương trình cấp và huy động các nguồn vốn khác.

4. Thực hiện chế độ báo cáo và thanh quyết toán theo quy định của Nhà nước và gửi báo cáo về Ban chủ nhiệm chương trình quốc gia về thể thao.

Điều 9. Các vụ, đơn vị thuộc Uỷ ban Thể dục Thể thao có trách nhiệm phối hợp và giúp Ban chủ nhiệm chương trình thực hiện các nội dung của dự án theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị và yêu cầu của Chủ nhiệm chương trình.

Chương 3:

CƠ CHẾ QUẢN LÝ, KẾ HOẠCH VÀ TÀI CHÍNH CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Điều 10. Cơ chế kế hoạch hoá:

1. Hàng năm các Bộ, ngành và địa phương thực hiện Chương trình quốc gia về thể thao lập kế hoạch đánh giá tình hình thực hiện, đề xuất nhu cầu, gửi Uỷ ban Thể dục Thể thao và Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp.

2. Ban chủ nhiệm chương trình Uỷ ban Thể dục Thể thao tổng hợp đề xuất nhu cầu kế hoạch năm của Chương trình gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để cân đối.

3. Đối với phần chương trình do Uỷ ban Thể dục Thể thao trực tiếp quản lý, các Ban quản lý dự án gửi kế hoạch về Ban Chủ nhiệm chương trình và Vụ Kế hoạch - Tài chính để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Uỷ ban Thể dục Thể thao.

Điều 11. Cơ chế đảm bảo vốn cho Chương trình quốc gia về thể thao.

1. Vốn của Chương trình được cấp phát, quản lý và quyết toán theo quy định của luật ngân sách Nhà nước. Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí từ ngân sách Trung ương cấp trực tiếp cho các Bộ, ngành có thực hiện Chương trình. Các dự án của Chương trình do địa phương quản lý được cấp kinh phí uỷ quyền qua Sở Tài chính tỉnh, thành phố.

2. Việc tạm ứng, quản lý, thanh quyết toán kinh phí chi cho Chương trình quốc gia được thực hiện theo Thông tư số 09/TC-NSNN ngày 18/3/1997 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn của liên bộ: Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư và Uỷ ban Thể dục Thể thao. Những dự án XDCB của Chương trình phải làm đầy đủ trình tự thủ tục về đầu tư và xây dựng theo chế độ hiện hành.

Chương 4:

ĐIỀU CHỈNH NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Điều 12. Trong khi xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình nếu các điều kiện cân đối hoặc mục tiêu của Chương trình thay đổi, cơ quan thực hiện Chương trình phải báo cáo bằng văn bản gửi Ban chủ nhiệm chương trình để xem xét. Chỉ có Chủ nhiệm Chương trình quốc gia về thể thao mới có quyền thay đổi, điều chỉnh nội dung Chương trình. Quyết định thay đổi được thực hiện bằng văn bản gửi cho các cơ quan thực hiện Chương trình.

Chương 5:

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH.

Điều 13.

1. Các đơn vị thực hiện Chương trình nói ở Điều 4 có trách nhiệm gửi báo cáo ước thực hiện định kỳ về Ban chủ nhiệm chương trình theo mẫu biểu quy định. Thời gian báo cáo từng quý vào ngày 20 (tháng cuối quý) và báo cáo năm vào ngày 20/12 hàng năm.

2. Ban chủ nhiệm chương trình tổng hợp báo cáo Uỷ ban Thể dục Thể thao, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng của Nhà nước vào ngày 25 (tháng cuối quý) và báo cáo năm vào ngày 25/12 hàng năm.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Điều 14. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao ký quyết định ban hành.

Điều 15. Chủ nhiệm Chương trình quốc gia về thể thao, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Uỷ ban Thể dục Thể thao, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về thể thao của các Bộ, ngành và địa phương chịu trách nhiệm thực hiện quy chế này. Trong quá trình thực hiện, có gì vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo bằng văn bản về Ban chủ nhiệm chương trình, Uỷ ban Thể dục Thể thao để nghiên cứu giải quyết. Chỉ có Chủ nhiệm chương trình mới có quyền bổ sung các điều khoản của quy chế này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 536/1998/QĐ-UBTDTT về Quy chế Quản lý điều hành Chương trình Quốc gia về thể thao do Chủ nhiệm Ủy ban thể dục thể thao ban hành

  • Số hiệu: 536/1998/QĐ-UBTDTT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/07/1998
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thể dục Thể thao
  • Người ký: Hà Quang Dự
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản