Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 21 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VỀ NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009; Luật Nhà ở ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở (gọi tắt là Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg);

Căn cứ Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Thông tư số 09/2013/TT-BXD);

Căn cứ Thông tư số 98/2013/TT-BTC ngày 26 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông báo số 1064 - TB/TU ngày 14/01/2014 của Thường trực Tỉnh ủy thông báo ý kiến chỉ đạo của thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị giao ban ngày 10/01/2014;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1108/TTr-SXD ngày 31/12/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” với nội dung như sau:

1. Mục tiêu và nguyên tắc hỗ trợ

1.1. Mục tiêu:

Hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận mà có khó khăn về nhà ở, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phấn đấu hết năm 2014 thực hiện hỗ trợ nhà ở cho toàn bộ đối tượng người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

1.2. Nguyên tắc hỗ trợ:

- Hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình mà người có công với cách mạng hiện đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở đó trước ngày Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành (ngày 15 tháng 6 năm 2013);

- Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình người có công với cách mạng có nhà ở bị hư hỏng, dột nát (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây mà nay nhà đã bị hư hỏng, dột nát) để các hộ gia đình này xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa nhà ở hiện có, bảo đảm nâng cao điều kiện nhà ở của gia đình người có công với cách mạng;

- Việc hỗ trợ cho người có công với cách mạng phải đảm bảo công khai, minh bạch, tránh thất thoát, phân bố công bằng và hợp lý các nguồn lực hỗ trợ.

2. Yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở

2.1. Đối với trường hợp nhà ở phải phá dỡ để xây dựng lại thì nhà ở mới phải bảo đảm tiêu chuẩn 03 cứng (nền cứng, khung- tường cứng, mái cứng), có diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2 (đối với những hộ độc thân thì có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 24 m2), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên.

2.2. Đối với trường hợp nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở thì sau khi sửa chữa phải bảo đảm tiêu chuẩn 02 cứng (khung- tường cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên, nhưng không yêu cầu phải đúng tiêu chuẩn về diện tích sử dụng như quy định trên.

3. Đối tượng hỗ trợ:

3.1. Là hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, gồm:

- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

- Thân nhân liệt sỹ;

- Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

- Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

- Bệnh binh;

- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

- Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

- Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;

- Người có công giúp đỡ cách mạng.

3.2. Các đối tượng trên đáp ứng các điều kiện:

- Là người có tên trong danh sách người có công với cách mạng do Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố quản lý tại thời điểm Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành.

- Đang sinh sống và có đăng ký hộ khẩu thường trú trước ngày 15 tháng 6 năm 2013 tại nhà ở mà nhà ở đó có một trong các điều kiện sau:

+ Nhà ở bị hư hỏng nặng phải phá đi xây dựng lại nhà ở mới;

+ Nhà ở bị hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung, tường và thay mới mái nhà.

4. Quy định mức hỗ trợ để làm nhà, sửa chữa

4.1. Đối với trường hợp phải phá dỡ để xây mới nhà ở:

Mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ, trong đó:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 38,0 triệu đồng/căn (tương ứng với 95%).

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ: 2,0 triệu đồng/căn (tương ứng 5%).

4.2. Đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở:

Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ, trong đó:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 19,0 triệu đồng/căn (tương ứng với 95%).

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ: 1,0 triệu đồng/căn (tương ứng với 5%).

5. Số hộ người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở và kinh phí thực hiện hỗ trợ

5.1. Tổng số hộ người có công với cách mạng được hỗ trợ nhà ở trên địa bàn tỉnh là 2.247 hộ chính sách khó khăn về nhà ở, trong đó:

- 1.173 hộ có nhu cầu xây mới.

- 1.074 hộ có nhu cầu sửa chữa.

5.2. Kinh phí thực hiện hỗ trợ:

Tổng kinh phí hỗ trợ: 68.400 triệu đồng; trong đó:

- Hỗ trợ xây mới: 1.173hộ X 40 triệu/hộ = 46.920 triệu đồng; trong đó:

+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 46.920 triệu x 95% = 44.574 triệu đồng.

+ Ngân sách địa phương hỗ trợ: 46.920 triệu x 5% = 2.346 triệu đồng.

- Hỗ trợ sửa chữa: 1.074hộ x 20 triệu/hộ = 21.480 triệu đồng; trong đó:

+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 21.480 triệu x 95% = 20.406 triệu đồng.

+ Ngân sách địa phương hỗ trợ: 21.480 triệu x 5% = 1.074 triệu đồng.

5.3. Chi phí quản lý:

Ngân sách tỉnh bố trí kinh phí quản lý triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở cho UBND cấp xã với mức là 0,5% tổng kinh phí Ngân sách Nhà nước hỗ trợ để thực hiện chính sách theo quy định.

Chi phí quản lý để triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 2.247 căn nhà trên địa bàn toàn tỉnh là: 68.400 triệu x 0,5% = 342 triệu đồng.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 68.400 triệu + 342 triệu = 68.742 triệu đồng (Bằng chữ: Sáu mươi tám tỷ, bảy trăm bn hai triệu đồng chẵn).

6. Phương thức thực hiện

6.1. Công tác xét duyệt và phê duyệt danh sách hỗ trợ:

- Việc bình xét danh sách đối tượng được hỗ trợ về nhà ở thực hiện theo đúng yêu cầu tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Sở Xây dựng là cơ quan thường trực của tỉnh, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, Ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc UBND các huyện, thành phố, thị xã (gọi chung là UBND cấp huyện) lập và phê duyệt danh sách các đối tượng và mức hỗ trợ đối với hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở.

- Việc bình xét các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở được tiến hành tại cơ sở thôn, làng, tổ dân phố (gọi chung là thôn). Trưởng thôn hướng dẫn các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ nhà ở làm Đơn đề nghị được hỗ trợ (theo mẫu quy định tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Thông tư số 09/2013/TT-BXD), trưởng thôn tập hợp Đơn và danh sách gửi Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) nơi có nhà ở.

- Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các phòng, ban liên quan rà soát, kiểm tra, đối chiếu với danh sách người có công đang quản lý, tổng hợp và phê duyệt danh sách đối tượng người có công với cách mạng được hỗ trợ nhà ở, báo cáo Sở Xây dựng thống nhất để lập Đề án.

- Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức kiểm tra hiện trạng nhà ở của từng đối tượng có Đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở, lập danh sách đối tượng được hỗ trợ nhà ở trên địa bàn gửi Ủy ban nhân dân huyện.

6.2. Nguyên tắc cấp kinh phí:

- Căn cứ số vốn được phân bổ từ Ngân sách Trung ương, vốn Ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ cho Ủy ban nhân dân huyện.

- Căn cứ số vốn được Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ, Ủy ban nhân dân huyện phân bổ vốn hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân xã.

- Ủy ban nhân dân xã cấp vốn cho các hộ dân xây dựng nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở. Việc cấp vốn trên nguyên tắc: Kinh phí hỗ trợ được cấp trực tiếp cho chủ hộ có chứng kiến của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức xã hội của xã; chỉ cấp 60% kinh phí hỗ trợ cho các hộ khi khởi công xây dựng, 40% còn lại được cấp khi công trình hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng.

- Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

6.3. Thực hiện việc xây và sửa chữa nhà:

Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ dân xây dựng nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở có diện tích sử dụng tối thiểu là 30m2 (nếu là những hộ độc thân thì có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn 30m2 nhưng không thấp hơn 24m2), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên và vận động các hộ tự xây dựng nhà ở. Đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật...) không thể tự xây dựng nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ này.

7. Tiến độ thực hiện

Trong năm 2014 xây dựng Đề án và triển khai thực hiện Đề án.

8. Trách nhiệm của các đơn vị

8.1. Sở Xây dựng      

- Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của UBND tỉnh trong việc điều hành, tổ chức thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà nhà ở trên địa bàn tỉnh.

- Xem xét nghiên cứu một số mẫu thiết kế Nhà ở và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức phổ biến, giới thiệu cho các hộ gia đình tham khảo, nghiên cứu áp dụng.

- Phối hợp cùng các ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và xử lý những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ 03 tháng một lần và đột xuất về tình hình và tiến độ thực hiện việc hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng cho Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, Ngành Trung ương theo quy định.

8.2. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với các Sở, Ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức rà soát, bình xét, tổng hợp hộ có công với cách mạng thuộc diện hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg; phân loại đối tượng ưu tiên, lập danh sách để triển khai thực hiện, phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức triển khai nội dung hỗ trợ hộ có công với cách mạng về nhà ở.

- Phối hợp với Sở Xây dựng xây dựng Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, phổ biến chính sách hỗ trợ hộ có công với cách mạng về nhà ở theo quyết định số 22/2013/QĐ-TTg; các mẫu nhà do Sở Xây dựng thiết kế để hộ dân lựa chọn, đề nghị hỗ trợ cho phù hợp.

8.3. Sở Tài chính

- Thực hiện rút dự toán tại Kho bạc nhà nước tỉnh theo thông báo của Bộ Tài chính và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí đủ vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh đảm bảo thực hiện kịp thời theo tiến độ;

- Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch phân bổ vốn hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước cho cấp huyện để hỗ trợ cho các hộ thuộc diện được hỗ trợ;

- Bố trí kinh phí quản lý để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

- Hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

- Phối hợp với các Sở, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện theo dõi việc quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ;

- Định kỳ hàng tháng tổng hợp kết quả thực hiện việc giải ngân và thông báo cho Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.

8.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tổng hợp các nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh, lập kế hoạch vốn theo tiến độ cho các huyện, thành phố;

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cân đối, bố trí vốn Ngân sách Trung ương, của tỉnh và vốn vận động cho Ủy ban nhân dân huyện để triển khai thực hiện;

- Phối hợp với các Ngành liên quan xử lý phát sinh về vốn của Chương trình (nếu có);

- Phối hợp với các Sở, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo dõi việc quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ;

- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, các Bộ ngành Trung ương về tình hình thực hiện nguồn vốn Ngân sách Trung ương trong quá trình thực hiện Đề án (nếu có)

8.5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh

- Huy động nguồn vốn hỗ trợ của tổ chức, cá nhân đóng góp để cải thiện, nâng cao chất lượng nhà ở của các đối tượng được hỗ trợ nhà.

- Phối hợp với các Ngành, các cấp trong việc kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ không đúng đối tượng, đúng chính sách.

8.6. Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Chỉ đạo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội rà soát, kiểm tra, tổng hợp và phê duyệt danh sách người có công được hỗ trợ nhà ở trên địa bàn huyện báo cáo Sở Xây dựng, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng của huyện để tổ chức thực hiện hỗ trợ nhà ở;

- Căn cứ chỉ tiêu vốn được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, Ủy ban nhân dân huyện phân bổ vốn hỗ trợ cho các xã;

- Đôn đốc Ủy ban nhân dân các xã được phân bổ chỉ tiêu vốn hỗ trợ về nhà ở tổ chức triển khai thực hiện đúng theo các quy định hiện hành;

- Chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra chất lượng xây dựng nhà ở cho hộ gia đình có công;

- Chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở của các xã trên địa bàn (gồm số hộ gia đình đã được hỗ trợ, số nhà ở đã được xây dựng mới hoặc sửa chữa, số tiền hỗ trợ đã cấp cho các hộ gia đình, số tiền huy động được từ các nguồn khác, các khó khăn vướng mắc và kiến nghị trong quá trình thực hiện) gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng. Nội dung báo cáo phải nêu đầy đủ những thuận lợi, khó khăn và đề xuất biện pháp tháo gỡ để Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết kịp thời.

- Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong việc thực hiện hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg và Thông tư 09/2013/TT-BXD.

8.7. Ủy ban nhân dân cấp xã

- Tổ chức tuyên truyền rộng rãi, công khai, minh bạch trong nhân dân về chính sách, tiêu chuẩn, đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ;

- Tổ chức rà soát, lập danh sách các hộ gia đình người có công với cách mạng được hỗ trợ nhà ở trên địa bàn, báo cáo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt;

- Tổ chức công khai danh sách, mức hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg trên các phương tiện truyền thông và niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã;

- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng của xã để tổ chức thực hiện hỗ trợ nhà ở;

- Phối hợp với phòng chuyên môn của UBND cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình có công xây dựng nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở theo quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; vận động các hộ tự xây dựng nhà ở và tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật,...) không thể tự xây dựng nhà ở;

- Tổ chức việc lập Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo giai đoạn và Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng theo quy định tại Thông tư 09/2013/TT-BXD;

- Lập Hồ sơ hoàn công cho từng hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở theo hướng dẫn tại Thông tư số 09/2013/BXD của Bộ Xây dựng;

- Tổ chức giám sát để các hộ gia đình sử dụng tiền hỗ trợ về nhà ở đúng mục đích, bảo đảm chất lượng nhà ở xây dựng mới hoặc sửa chữa theo quy định;

- Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về kết quả thực hiện việc hỗ trợ nhà ở trên địa bàn, gồm: Số hộ gia đình đã được hỗ trợ, số nhà ở đã được xây dựng mới hoặc sửa chữa, số tiền hỗ trợ đã cấp cho các hộ gia đình, số tiền huy động được từ các nguồn khác, các khó khăn vướng mắc và kiến nghị trong quá trình thực hiện.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng các Ban, ngành, Đoàn thể liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Xây dựng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính (để b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (để b/c);
- UBMTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh và các PCVP UBND tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Website tỉnh;
- Lưu: VT, VP6,4,2,3,5.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Dung

 

BẢNG TỔNG HỢP SỐ HỘ CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG CÓ KHÓ KHĂN VỀ NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VÀ KINH PHÍ HỖ TRỢ XÂY DƯNG, SỬA CHỮA NHÀ Ở

(Kèm theo quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 21/01/2014 của UBND tỉnh Ninh Bình)

STT

Đơn vị

Số hộ có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở

Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung Ương (triệu đồng)

Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Tỉnh (triệu đồng)

Xây mới

Sửa chữa

Tổng

Xây mới

Sửa chữa

Tổng

Xây mới

Sửa chữa

Tổng

1

Huyện Kim Sơn

55

149

204

2.090

2.831

4.921

110

149

259

2

Huyện Yên Khánh

50

54

104

1.900

1.026

2.926

100

54

154

3

Huyện Hoa Lư

66

81

147

2.508

1.539

4.047

132

81

213

4

Thị xã Tam Điệp

13

15

28

494

285

779

26

15

41

5

Huyện Nho Quan

247

291

538

9.386

5.529

14.915

494

291

785

6

Huyện Gia Viễn

340

197

537

12.920

3.743

16.663

680

197

877

7

Huyện Yên Mô

79

54

133

3.002

1.026

4.028

158

54

212

8

Thành phố Ninh Bình

323

233

556

12.274

4.427

16.701

646

233

879

 

Tổng

1.173

1.074

2.247

44.574

20.406

64.980

2.346

1.074

3.420

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 53/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

  • Số hiệu: 53/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/01/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Lê Văn Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản