Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 53/2007/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 08 tháng 08 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH CHO VAY VỐN HỖ TRỢ HỘ NGHÈO CHĂN NUÔI ĐẠI GIA SÚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách;
Căn cứ Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010;
Căn cứ Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn;
Căn cứ Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn;
Căn cứ Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND ngày 16/7/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thông qua một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và chính sách cho vay vốn hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động TB&XH Lào Cai tại Tờ trình số 95/TTr-LĐTBXH ngày 01 tháng 8 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định Chính sách cho vay vốn hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Giao cho Sở Lao động TB&XH chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hướng dẫn triển khai thực hiện quy định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Lao động TB&XH, Tài chính, Kế hoạch & ĐT, Nông nghiệp và PTNT; Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cá nhân, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

 

 

Nơi nhận:
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- TT Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh, MTTQ và các đoàn thể;
- Báo Lào Cai;
- Như Điều 3;
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Lưu: VT, Các CV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Vạn

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH CHO VAY VỐN HỖ TRỢ HỘ NGHÈO CHĂN NUÔI ĐẠI GIA SÚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo QĐ số 53/2007/QĐ-UBND ngày 8/8/2007 của UBND tỉnh)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Chính sách cho vay vốn hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhằm trợ giúp các hộ nghèo về vốn đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và thoát nghèo;

Khuyến khích các hộ nghèo tích cực lao động sản xuất, ứng dụng kỹ thuật, nâng cao khả năng tự tổ chức sản xuất và tính toán làm ăn.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Đối tượng:

a) Nhóm I gồm các hộ nghèo các mức thu nhập bình quân dưới 60.000 đồng/người/tháng.

b) Nhóm II gồm các hộ nghèo có mức thu nhập bình quân từ 60.000 đồng/người/tháng đến dưới 100.000 đ/người/tháng đối với khu vực nông thôn và đến dưới 180.000 đ/người/tháng đối với khu vực thành thị ở các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên.

c) Không áp dụng quy định này đối với các hộ nghèo thuộc điểm a, điểm b khoản 1 Điều này nếu hộ nghèo đó có người mắc tệ nạn xã hội còn đang trong giai đoạn chữa bệnh, hòa nhập cộng đồng.

2. Phạm vi: Tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có khả năng phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Chính sách cho vay vốn

1. Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 nếu có đủ các điều kiện theo quy định tại Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay tối đa 5.000.000 đồng/hộ, với lãi suất cho vay bằng 0%.

2. Các đối tượng còn lại:

a) Mức vốn cho vay và lãi suất:

- Được vay tối đa 2.500.000 đồng/hộ với lãi suất bằng 0%

- Số tiền còn thiếu để đủ mua 01 con đại gia súc (trâu hoặc bò), hộ gia đình tự lo bằng nguồn vốn tự có hoặc vay thêm vốn của Ngân hàng chính sách Xã hội nhưng phải trả lãi và tuân thủ các điều kiện vay theo quy định của Ngân hàng chính sách Xã hội về cho vay đối với hộ nghèo.

b) Thời hạn vay vốn không quá 3 năm (36 tháng)

c) Điều kiện vay vốn là phải có đủ các điều kiện sau:

- Có hộ khẩu thường trú ở địa bàn đang sinh sống;

- Cam kết vay vốn để chăn nuôi đại gia súc;

- Có phương án về lao động và nguồn thức ăn chăn nuôi đại gia súc;

- Được ít nhất 70% số hộ trong thôn, bản bình bầu cho vay vốn để chăn nuôi đại gia súc.

3. Thủ tục, hồ sơ vay vốn: Thực hiện theo quy định của Ngân hàng chính sách Xã hội tại thời điểm cho vay.

Điều 4. Nguồn vốn cho vay.

a) Ngân sách Trung ương được quy định tại: Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác; Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn;

b) Ngân sách địa phương;

c) Nguồn vốn khác.

Điều 5. Chi phí quản lý, phương thức cấp phát, thanh quyết toán

1. Chi phí quản lý.

a) Ngân sách tỉnh chi trả cho Ngân hàng chính sách Xã hội chi phí quản lý vốn vay đối với nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác. Mức chi phí bằng 0,1% dư nợ bình quân hàng năm, mỗi năm cấp 01 đợt vào cuối năm tài chính.

b) Thực hiện hỗ trợ chi phí quản lý cho cơ quan quản lý chính sách và các đơn vị trực tiếp thực hiện chính sách theo quy định.

2. Phương thức cấp phát, thanh quyết toán nguồn vốn.

a) Ngân hàng chính sách Xã hội đảm bảo đủ nguồn vốn cho các hộ nghèo được vay vốn ưu đãi theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ.

b) Ngân sách tỉnh chuyển nguồn vốn cho vay theo kế hoạch hàng năm sang cho Ngân hàng chính sách Xã hội để thực hiện quản lý vốn, cho vay theo đối tượng quy định tại chính sách này.

c) Đến thời hạn thu hồi vốn, Ngân hàng chính sách Xã hội thu hồi vốn của các hộ đã vay và chuyển trả cho Ngân sách tỉnh. Đối với những trường hợp bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, Ngân hàng chính sách Xã hội phối hợp với UBND các huyện tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Quy định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ.

1. Đối với các sở, ban ngành.

a) Sở Lao động TB&XH là cơ quan thường trực quản lý chính sách, có trách nhiệm chủ trì phối hợp cùng các ngành hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện, đôn đốc kiểm tra, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện chính sách với UBND tỉnh.

Căn cứ đề nghị của UBND các huyện, thành phố, Sở Lao động TB&XH tổng hợp kế hoạch thực hiện chính sách chung toàn tỉnh, thống nhất với các ngành trình UBND tỉnh phê duyệt;

b) Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm xác định quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc trên phạm vi toàn tỉnh;

c) Ngân hàng Chính sách Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn quy trình, thủ tục cho vay và thu nợ; phối hợp lập danh sách thống kê đối tượng cho vay vốn; cho vay vốn theo danh sách được UBND các huyện, thành phố phê duyệt; tham gia đôn đốc sử dụng vốn và quản lý vốn; thu hồi vốn đến hạn thanh quyết toán với ngân sách tỉnh; giải quyết các trường hợp vay vốn bị rủi ro theo quy định;

d) Sở Tài chính cân đối bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách; thẩm định, cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân theo quyết định của UBND tỉnh; thanh quyết toán vốn vay và chi phí quản lý từ nguồn ngân sách của tỉnh với Ngân hàng Chính sách Xã hội theo quy định;

đ) Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đăng tin, tuyên truyền nội dung chính sách này để mọi tổ chức và cá nhân nắm được và tham gia.

2. Đối với UBND cấp huyện

- Thống kê nhu cầu, đăng ký số lượng hộ nghèo thuộc diện được hưởng chính sách vay vốn, xây dựng kế hoạch của địa phương báo cáo với UBND tỉnh (qua Sở Lao động TB&XH).

- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố quyết định phê duyệt danh sách chi tiết hộ nghèo đề nghị cho vay vốn theo chính sách của tỉnh để Ngân hàng chính sách Xã hội làm căn cứ giải ngân.

- Tổ chức đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội và việc sử dụng vốn vay của các hộ gia đình;

3. Đối với UBND cấp xã.

UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các thôn, bản tổ chức việc rà soát, lựa chọn, bình xét đối tượng được vay vốn, đối tượng được hỗ trợ vốn; xác nhận vào Biên bản bình xét đối tượng được vay vốn; phát hiện đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm, rủi ro; huy động sự tham gia giám sát của cộng đồng đối với việc thực hiện chính sách.

4. Đối với các hộ nghèo vay vốn:

a) Sử dụng vốn đúng mục đích, đúng như cam kết, trả nợ đúng kỳ hạn.

b) Tích cực chăn nuôi, tổ chức sản xuất nâng cao đời sống.

c) Trung thực kê khai đánh giá thu nhập của hộ nghèo theo các tiêu chí quy định.

Điều 7. Chế độ thông tin báo cáo

Hàng tháng, UBND cấp huyện và Ngân hàng chính sách Xã hội báo cáo việc thực hiện chính sách với UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động TB&XH). Sáu tháng, một năm các huyện, thành phố tổ chức sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn.

Điều 8. Khen thưởng, xử lý vi phạm

1. Khen thưởng

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách này được khen thưởng theo quy định.

2. Xử lý vi phạm.

a) Đối với các trường hợp cho vay không đúng đối tượng, hộ nghèo sử dụng vốn sai mục đích, UBND cấp huyện ra quyết định thu hồi ngay toàn bộ số vốn.

b) Mọi trường hợp vi phạm các quy định trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách đều bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.