Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 53/2005/QĐ-UB | Đà Nẵng, ngày 04 tháng 5 năm 2005 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
UỶ BAN NHÂN DÂN
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
- Căn cứ Nghị định số 51/CP ngày 10 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc đăng ký và quản lý hộ khẩu;
- Căn cứ Nghị định số 49/CP ngày 15 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự;
- Căn cứ Thông tư số 06/TT-BNV ngày 20 tháng 6 năm 1997 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 51/CP;
- Căn cứ Nghị quyết số 16/2004/NQ-HĐND ngày 17 tháng 12 năm 2004 của Hội đồng nhân dân thành phố khoá VII, nhiệm kỳ 2004 - 2009, kỳ họp thứ 3 về nhiệm vụ năm 2005;
- Theo đề nghị của Giám đốc Công an thành phố tại Công văn số 135/PV11 ngày 15 tháng 4 năm 2005,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về đăng ký và quản lý hộ khẩu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 168/2003/QĐ-UB ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quy định về một số điều kiện để được đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Nẵng.
Điều 3: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG |
VỀ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 53/2005/QĐ-UB ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)
Điều 1: Đăng ký và quản lý hộ khẩu là biện pháp quản lý hành chính của Nhà nước nhằm xác định việc cư trú của công dân, bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường quản lý xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Điều 2: Mọi công dân sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều phải đăng ký quản lý hộ khẩu ở nơi cư trú theo những điều kiện, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và theo Quy định này.
ĐĂNG KÝ QUẢN LÝ HỘ KHẨU THƯỜNG TRÚ
Điều 3: Để được đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Nẵng, người chuyển đến phải có nhà ở hợp pháp. Nhà ở hợp pháp bao gồm:
1. Nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp:
a) Nhà có sổ nghiệp chủ, sổ trích lục nghiệp chủ do Sở Nhà đất và Công trình công cộng (cũ), Sở Xây dựng, UBND thành phố Đà Nẵng (cũ), Uỷ ban nhân dân huyện Hoà Vang trước đây cấp.
b) Nhà có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất do Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp.
c) Nhà ở có giấy tờ hợp pháp về mua, bán, cho, tặng, đổi, thừa kế, phân chia tài sản theo quy định của pháp luật.
d) Nhà có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án về việc giải quyết tranh chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất có nguồn gốc hợp pháp hoặc có quyết định giải quyết cuối cùng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.
đ) Nhà ở xây dựng theo quyết định cấp đất, giao đất để xây dựng nhà ở và có giấy phép xây dựng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
e) Nhà ở có quyết định hoá giá nhà, bán thanh lý nhà, bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê của UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), UBND thành phố Đà Nẵng.
g) Nhà ở có quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tổ chức xã hội về tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
h) Nhà ở có giấy phép xây cất nhà do Thị trưởng Đà Nẵng, Trưởng ty Công chánh Đà Nẵng của chế độ cũ cấp.
i) Nhà ở do mua, bán, chuyển nhượng, đổi, cho, tặng, thừa kế trước năm 1975 đã được chính quyền cấp quận (hoặc tương đương) của chế độ cũ xác nhận.
k) Nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng ở ổn định từ trước đến nay không thuộc diện lấn chiếm, hiện nay phù hợp với quy hoạch đất ở đô thị và đất khu dân cư nông thôn, không có tranh chấp nhưng chưa có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu thì phải được UBND phường, xã nơi có nhà ở chứng nhận.
l) Có Quyết định cấp đất làm nhà ở, bán hoá giá nhà trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do các cơ quan quân đội sau đây cấp: Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, các Tổng cục, Học viện, nhà trường, các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Sư đoàn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ).
2. Nhà ở được quyền sử dụng hợp pháp:
a) Nhà ở có hợp đồng thuê của cá nhân với cơ quan có chức năng kinh doanh nhà ở, sử dụng đúng mục đích, đúng công năng theo hợp đồng.
b) Có quyết định phân nhà ở thuộc quỹ phúc lợi của các cơ quan, các đơn vị, doanh nghiệp.
c) Nhà ở có quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), UBND thành phố Đà Nẵng (cũ) bố trí lại để ở cho các đối tượng thuộc diện cải tạo nhà theo Quyết định số 100/CP ngày 12 tháng 4 năm 1977 và Quyết định số 111/CP ngày 14 tháng 4 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ).
d) Nhà thuê của tư nhân để ở mà nhà đó có nguồn gốc sở hữu hợp pháp không thuộc diện di dời, quy hoạch và phải có hợp đồng thuê nhà từ 3 năm trở lên được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
3. Được chủ hộ gia đình đồng ý cho ở nhà hợp pháp của chủ hộ:
Đối với trường hợp này, chủ hộ phải có cam kết bằng văn bản được UBND phường, xã xác nhận. Nhà ở phải đảm bảo vệ sinh môi trường và đủ diện tích tối thiểu theo quy định sau đây:
a) Đối với khu vực trung tâm, bao gồm: quận Hải Châu (trừ các phường: Hoà Cường Bắc, Hoà Cường Nam, Khuê Trung) và quận Thanh Khê (trừ các phường: An Khê, Thanh Lộc Đán):
Nhà ở: 12 m2/người (cho 1 người).
75 m2/hộ (cho 1 hộ).
b) Đối với khu vực ngoài trung tâm, bao gồm: quận Sơn Trà; quận Ngũ Hành Sơn; quận Liên Chiểu; huyện Hoà Vang; các phường: Hoà Cường Bắc, Hoà Cường Nam, Khuê Trung (quận Hải Châu); các phường: An Khê, Thanh Lộc Đán (quận Thanh Khê):
Nhà ở: 08 m2/người (cho 1 người).
50 m2/hộ (cho 1 hộ).
Điều 4: Ngoài việc phải có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 3 nêu trên, để được đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Nẵng, người chuyển đến phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Người được cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền điều động, tuyển dụng (kể cả sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc Quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ thuộc Công an nhân dân đang công tác tại các đơn vị quân đội, công an có trụ sở đóng tại địa bàn thành phố) đến làm việc trong chỉ tiêu biên chế của các cơ quan, tổ chức đó, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
2. Người được cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền điều động, tuyển dụng đến làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn trong cơ quan, tổ chức đó (kể cả công nhân viên quốc phòng và công nhân viên công an) và có nhà ở hợp pháp theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Quy định này.
3. Người có nhà ở hợp pháp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 nêu trên, có việc làm, có thu nhập hợp pháp đảm bảo cuộc sống ổn định, không bị cấm cư trú ở thành phố Đà Nẵng và có thời gian cư trú liên tục ở thành phố từ 3 năm trở lên, Giám đốc Công an thành phố tập hợp, báo cáo đề xuất bằng văn bản cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết.
4. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây được chuyển đến đăng ký hộ khẩu với người đang có hộ khẩu thường trú tại thành phố:
a) Cán bộ, công chức đang công tác tại các tỉnh, thành phố giáp ranh thường xuyên về ăn ở với vợ, chồng, con hoặc bố, mẹ (nếu chưa có vợ, chồng).
b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức chuyển đến ở với con hoặc anh, chị, em ruột (nếu không có vợ, chồng, con).
c) Người tàn tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi đến ở với bố, mẹ, con. Nếu không có bố, mẹ, vợ, chồng, con thì được chuyển đến ở với anh, chị, em ruột, cô, cậu, dì, chú, bác ruột hoặc người giám hộ.
d) Người dưới 18 tuổi không còn bố, mẹ đến ở với ông, bà nội, ông, bà ngoại; anh, chị, em ruột, cô, cậu, dì, chú, bác ruột hoặc người đỡ đầu, người giám hộ; Con trên 18 tuổi chưa kết hôn, hàng ngày sống cùng với bố mẹ hoặc bố hoặc mẹ.
đ) Vợ về ở với chồng hoặc chồng về ở với vợ.
e) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương được cơ quan có thẩm quyền cho cư trú ở thành phố.
g) Người trước đây có hộ khẩu thường trú hoặc quê gốc ở thành phố đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an hoặc đi công tác, học tập, lao động ở nơi khác (kể cả ở nước ngoài), nay trở về hợp pháp và những người quy định tại các điểm b, c, d, đ khoản 4 Điều này đi theo họ.
h) Người đã là nhân khẩu thường trú ở thành phố chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trở về không thuộc diện cấm cư trú ở thành phố.
i) Con đã có vợ (chồng) chuyển đến đăng ký hộ khẩu thường trú với cha, mẹ (nếu đó là người con duy nhất) và chồng (vợ), con cùng đi theo.
5. Đối với những trường hợp đặc biệt khác, Giám đốc Công an thành phố báo cáo Chủ tịch UBND thành phố quyết định.
Điều 5: Không giải quyết đăng ký hộ khẩu thường trú vào những nhà đang có tranh chấp hoặc nhà nằm trong khu vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết và công bố theo đúng quy định.
1. Đối tượng phải đăng ký tạm trú: những người bắt đầu tuổi 15 trở lên (gồm cả chiến sĩ công an và quân nhân khi ra ngoài doanh trại) ở lại qua đêm ngoài phạm vi phường, xã nơi thường trú với bất kỳ lý do gì đều phải đăng ký tạm trú với công an phường, xã nơi đến.
Trường hợp cha, mẹ, vợ, chồng, con thường đến tạm trú ở nhà nhau thì khai báo lần đầu trong năm.
Khi có người đến tạm trú thì chủ gia đình, giám đốc khách sạn hoặc người phụ trách nhà trọ, nhà khách, nhà ở tập thể trực tiếp hoặc cử người đến trình báo tạm trú tại các điểm tạm trú, tạm vắng của Công an phường, xã sở tại trước 23 giờ. Nếu đến sau 23 giờ thì trình báo vào sáng hôm sau trước khi người tạm trú đi.
2. Thủ tục đăng ký tạm trú gồm:
- Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân khác (có ảnh) của người tạm trú;
- Khai phiếu tạm trú, tạm vắng.
Điều 7: Đăng ký quản lý tạm trú có thời hạn
1. Đối tượng và thẩm quyền cấp giấy đăng ký tạm trú có thời hạn:
a) Người thực tế cư trú tại địa phương nhưng chưa đủ điều kiện, thủ tục để đăng ký hộ khẩu thường trú. Những người này không kể đã ở thời gian dài hay ngắn nhưng không phải là người tạm trú có tính chất vãng lai. Họ có nhu cầu đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố nhưng chưa đủ điều kiện hoặc thủ tục thì được cấp giấy tạm trú có thời hạn theo định kỳ là 12 tháng, do Trưởng công an xã, phường cấp.
b) Người nơi khác đến học tập, làm việc, lao động tự do:
- Học sinh, sinh viên đến học tại các trường: phổ thông, đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề quốc lập và dân lập. Nếu cư trú trong ký túc xá, nhà ở tập thể thì Ban giám hiệu nhà trường quản lý, báo danh sách cho Công an cấp quận, huyện, Trưởng công an quận, huyện kiểm tra, làm thủ tục cấp giấy tạm trú có thời hạn; Nếu cư trú ở hộ gia đình, nhà thuê ở khu dân cư phải có chứng minh nhân dân, phiếu báo nhập học, Trưởng công an phường, xã kiểm tra và cấp giấy tạm trú có thời hạn theo quy định. Giá trị giấy tạm trú có thời hạn theo thời hạn học tập của học sinh, sinh viên.
Khi học sinh, sinh viên thay đổi nơi cư trú nhưng trong phạm vi phường, xã thì trình báo với công an phường, xã để đăng ký lại theo địa chỉ. Nếu thay đổi đến cư trú ở phường, xã khác thì trình báo với Công an phường, xã nơi đi và liên hệ Công an phường, xã nơi đến để cấp giấy tạm trú có thời hạn. Nếu học sinh, sinh viên đang ở ký túc xá, nhà tập thể chuyển ra ở tại khu dân cư thì đến nộp lại giấy tạm trú có thời hạn cho Công an quận, huyện và liên hệ với Công an phường, xã nơi đến để được cấp lại giấy tạm trú có thời hạn.
- Người đến học nghề tại các cơ sở tư nhân, hợp tác xã, người đến lao động tự do (làm thuê) thì Trưởng công an phường, xã nơi họ tạm trú kiểm tra, cấp giấy tạm trú có thời hạn và thời hạn tối đa không quá 6 tháng cho 1 lần đăng ký tạm trú.
- Người được tuyển vào làm việc theo hợp đồng lao động tại các cơ quan, tổ chức Nhà nước, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, người làm việc tại các Văn phòng đại diện hoặc Chi nhánh nước ngoài. Nếu họ cư trú trong nhà ở tập thể của cơ quan thì do Công an quận, huyện cấp giấy tạm trú; nếu cư trú ở khu dân cư do Trưởng công an phường, xã cấp. Thời hạn của giấy tạm trú theo thời hạn của hợp đồng lao động nhưng tối đa không quá 12 tháng. Trường hợp người nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam ngoài những quy định chung phải có giấy chứng nhận đăng ký lao động.
2. Thủ tục đăng ký tạm trú có thời hạn:
Những người tạm trú nêu trên phải làm thủ tục đăng ký tạm trú có thời hạn với cơ quan công an, từng người được cấp giấy tạm trú có thời hạn. Nếu giấy đã hết hạn mà người tạm trú còn có điều kiện nêu trên thì tiếp tục được gia hạn. Các giấy tờ để làm thủ tục đăng ký tạm trú có thời hạn, gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Khai bản khai nhân khẩu;
- Xuất trình giấy chứng minh nhân dân;
- Giấy xác nhận của công an nơi người đó đăng ký hộ khẩu thường trú;
- Giấy chứng nhận nhà ở nếu người đó có nhà; hợp đồng thuê nếu ở nhà thuê; giấy bảo lãnh nếu ở nhờ nhà của cá nhân;
Ngoài giấy tờ nêu trên, người tạm trú có thời hạn cần có thêm một trong các loại giấy tờ sau:
+ Hợp đồng lao động (đối với người lao động có hợp đồng);
+ Giấy báo nhập học hoặc thẻ học sinh, sinh viên (đối với học sinh, sinh viên).
Điều 8: Chủ tịch UBND quận, huyện
Chỉ đạo cơ quan công an, các ngành ở địa phương và Chủ tịch UBND phường, xã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về đăng ký, quản lý hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng cho cán bộ, nhân dân. Nâng cao trách nhiệm của lực lượng công an phường, xã, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố trong công tác quản lý nhân hộ khẩu; kịp thời nắm mọi thông tin liên quan đến biến động về nhân khẩu, hộ khẩu trên địa bàn phục vụ công tác quản lý nhân hộ khẩu.
Củng cố và xây dựng các điểm khai báo tạm trú, tạm vắng ở các khu vực dân cư, phân công cán bộ trực đăng ký, đảm bảo cho nhân dân đến trình báo được thuận lợi.
1. Chỉ đạo các đơn vị, lực lượng và công an các địa phương định kỳ hàng năm tổng kiểm tra, rà soát, phân loại nhân hộ khẩu trên toàn thành phố.
2. Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm trong công tác đăng ký quản lý hộ khẩu. Để quản lý được người đến cư trú trên các địa bàn thuộc thành phố Đà Nẵng, trong công tác quản lý tạm trú tiến hành như sau:
a) Đối với nhân hộ khẩu đăng ký thường trú ở phường, xã này nhưng lại thường xuyên đến cư trú sinh sống tại phường, xã khác trong thành phố thì yêu cầu họ phải chuyển hộ khẩu về nơi ở mới theo quy định. Nếu không chấp hành thì sau 6 tháng kể từ ngày thông báo, cơ quan công an xoá hộ khẩu thường trú.
b) Đối với số người thực tế thường xuyên cư trú tại thành phố Đà Nẵng lâu nay, có nhà ở hợp pháp, có công việc làm, có cuộc sống ổn định, có nguyện vọng đăng ký thường trú, không thuộc diện cấm cư trú ở thành phố nhưng chưa đủ thủ tục thì xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết cho nhập khẩu thường trú theo quy định. Những trường hợp còn lại thì tiếp tục cho đăng ký tạm trú có thời hạn cho đến khi đủ điều kiện giải quyết thường trú.
c) Đối với những người đến học tập, làm việc, lao động tự do thì giải quyết như sau:
- Đối với người từ địa phương khác đến làm việc theo hợp đồng lao động hợp pháp tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế thì cấp tạm trú 12 tháng sau đó tiếp tục gia hạn theo hợp đồng làm việc. Nếu hết hạn hợp đồng nhưng không có việc làm ổn định thì không cho tạm trú, yêu cầu trở về địa phương nơi thường trú. Nếu vi phạm thì xử phạt vi phạm hành chính theo điểm c, khoản 1, Điều 9 Nghị định số 49/CP ngày 15 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự (sau đây viết tắt là NĐ 49/CP).
- Sinh viên, học sinh đến học tập, học nghề ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề quốc lập, dân lập thì được đăng ký tạm trú theo thời gian học tập. Khi thời gian học tập, học nghề đã kết thúc mà không có nơi ở và việc làm ổn định thì không giải quyết cho tạm trú và yêu cầu trở về địa phương cư trú. Nếu vi phạm thì xử phạt vi phạm hành chính theo điểm c, khoản 1, Điều 9 NĐ 49/CP.
- Đối với những người từ địa phương khác đến không có giấy chứng nhận tạm vắng, không có chỗ ở hợp pháp, không có việc làm ổn định, sống lang thang thì không cho tạm trú, yêu cầu trở về địa phương nơi cư trú cũ. Nếu vi phạm thì xử phạt vi phạm hành chính theo điểm c, khoản 1, Điều 9 NĐ 49/CP.
- Những người đến lao động tự do nhưng không có giấy phép hành nghề (đối với các nghề bắt buộc phải có giấy phép) hoặc vi phạm các quy định khác về hành nghề, về lao động, đã bị xử phạt hành chính mà tiếp tục vi phạm thì không cho tạm trú và yêu cầu trở về địa phương nơi cư trú cũ.
- Đối với trẻ em vị thành niên lang thang kiếm sống bằng các hình thức bán hàng rong, vé số, bán sách, báo, đánh giày... không người nuôi dưỡng, không có nơi ở hợp pháp, thì phối hợp với Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em thành phố và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đưa các em hồi cư, đoàn tụ với gia đình. Trường hợp thực sự không còn nơi nương tựa thì đưa các em vào các Trung tâm nuôi dạy trẻ em của thành phố để nuôi dưỡng, dạy nghề.
Điều 10: Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị; chủ hộ gia đình có thay đổi về nhân hộ khẩu có trách nhiệm thực hiện việc trình báo và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về đăng ký, quản lý hộ khẩu.
Người có trách nhiệm giải quyết đăng ký, quản lý hộ khẩu có hành vi lợi dụng công việc này để sách nhiễu, gây phiền hà cho công dân hoặc có hành vi vi phạm khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về đăng ký quản lý hộ khẩu thực hiện như sau (theo Điều 9, Chương II NĐ 49/CP):
1. Phạt đến 100.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời những quy định về đăng ký hộ khẩu khi thay đổi nơi cư trú.
b) Không thực hiện đúng quy định về khai báo những thay đổi nhân khẩu trong hộ gia đình như: trẻ em mới sinh, có người chết, người mất tích.
c) Không thực hiện những quy định về khai báo tạm trú, tạm vắng hoặc những thay đổi khác về hộ tịch, hộ khẩu.
2. Phạt tiền từ 100.000 đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
a) Tẩy, xoá, sửa chữa sổ hộ khẩu hoặc làm sai lệch một trong các nội dung trong sổ hộ khẩu.
b) Sử dụng sổ hộ khẩu để thực hiện hành vi trái pháp luật.
3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
a) Khai man, giả mạo hồ sơ để đăng ký hộ khẩu.
b) Làm giả sổ hộ khẩu;
c) Cho người nước ngoài thuê chỗ ở, làm việc mà không khai báo với cơ quan Công an hoặc không có giấy chứng nhận về an ninh trật tự.
4. Vi phạm điểm a khoản 3 nếu đã đăng ký hộ khẩu phải huỷ bỏ kết quả đăng ký hộ khẩu; Vi phạm điểm b khoản 3 phải tịch thu tang vật vi phạm.
Điều 13: Công an thành phố tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện Quy định này và định kỳ hàng quý báo cáo Chủ tịch UBND thành phố về việc thực hiện.
Điều 14: Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ảnh bằng văn bản về Công an thành phố để tổng hợp, trình UBND thành phố xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
- 1Quyết định 15/2007/QĐ-UBND Quy định về thu lệ phí cấp chứng minh nhân dân, lệ phí đăng ký và quản lý hộ khẩu do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 2Quyết định 168/2003/QĐ-UB về quy định một số điều kiện để được đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Nẵng.
- 3Quyết định 392/QĐ.UB năm 1994 quy định về đăng ký và quản lý hộ khẩu trong phạm vị tỉnh An Giang
- 4Chỉ thị 05/2006/CT-UBND tăng cường thực hiện công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu do tỉnh Bình Định ban hành
- 1Nghị định 49-CP năm 1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự
- 2Quyết định 100/QĐ-CP năm 1977 về việc ban hành chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư nhân ở các tỉnh phía Nam do Hội đồng chính phủ ban hành
- 3Nghị định 51-CP năm 1997 về việc đăng ký và quản lý hộ khẩu
- 4Thông tư 6-TT/BNV(C13) năm 1997 thực hiện Nghị định 51/CP-1997 về việc đăng ký và quản lý hộ khẩu do Bộ Nội vụ ban hành
- 5Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 6Quyết định 15/2007/QĐ-UBND Quy định về thu lệ phí cấp chứng minh nhân dân, lệ phí đăng ký và quản lý hộ khẩu do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 7Nghị quyết 16/2004/NQ-HĐND về nhiệm vụ năm 2005 do thành phố Đà Nẵng ban hành
- 8Quyết định 392/QĐ.UB năm 1994 quy định về đăng ký và quản lý hộ khẩu trong phạm vị tỉnh An Giang
- 9Chỉ thị 05/2006/CT-UBND tăng cường thực hiện công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu do tỉnh Bình Định ban hành
Quyết định 53/2005/QĐ-UB về quy định về đăng ký và quản lý hộ khẩu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- Số hiệu: 53/2005/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/05/2005
- Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Người ký: Hoàng Tuấn Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/05/2005
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra