Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 521/QĐ-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 9 năm 1982

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CẢI TIẾN MỘT BƯỚC CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG GIA CÔNG TẠI THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27-10-1962 ;
- Căn cứ Nghị định số 24/CP ngày 2-2-1976 của Hội đồng Chánh phủ ban hành Bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chánh quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý kinh tế ;
- Căn cứ Thông tư số 194/HĐBT ngày 14-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng về giá gia công và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương về các vấn đề có liên quan đến chế độ hợp đồng gia công ;
- Xét nhu cầu cải tiến chế độ hợp đồng gia công tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục tổ chức lại sản xuất và phát triển các ngành nghề tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp theo kế hoạch của Nhà nước, thống nhất quản lý về kinh tế - kỹ thuật đối với các ngành sản phẩm chính, và thống nhất thực hiện các chế độ chánh sách của Nhà nước đối với các cơ sở tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp ;
Theo đề nghị của các đồng chí Giám đốc các cơ quan tổng hợp và quản lý ngành.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay thực hiện cải tiến một bước chế độ hợp đồng gia công nhằm đạt yêu cầu sau đây :

1. Thống nhất quản lý việc ký kết hợp đồng gia công trên địa bàn thành phố để làm cơ sở thống nhất quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp (phương hướng sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, định mức tiêu hao vật tư, giá gia công, giá mua bán nguyên liệu, vật tư và thành phẩm, định mức điện sử dụng trong sản xuất, lượng sản phẩm giao nộp cho các cơ quan Nhà nước v.v...).

2. Phát huy vai trò chủ đạo của công nghiệp quốc doanh thông qua việc quản lý từng ngành kinh tế - kỹ thuật, bảo đảm phát triển sản xuất theo quy hoạch và kế hoạch hợp lý giữa các thành phần kinh tế, bảo đảm không ngừng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo điều kiện đẩy mạnh việc cải tạo, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy quá trình tập thể hóa, chuyên môn hóa trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

3. Thực hiện tốt yêu cầu chuyển từ hành chánh bao cấp sang hạch toán kinh doanh trong chế độ hợp đồng gia công. Từ 1-1-1983 lương thực và hàng hóa bán cho lao động tiểu thủ công nghiệp đều theo giá bảo đảm kinh doanh. Riêng đối với lao động tiểu thủ công nghiệp làm hàng xuất khẩu, ở những ngành sản phẩm nào mà Bộ Ngoại thương không thể nâng giá gia công lên thì thành phố giải quyết bán lương thực theo giá cung cấp cho bản thân người lao động làm hàng xuất khẩu và cho một người ăn theo.

Điều 2.- Thực hiện các phương thức hợp đồng gia công sau đây :

1. Khuyến khích các cơ sở gia công chuyển sang thực hiện chế độ hợp đồng mua nguyên liệu bán thành phẩm đối với các đơn vị Trung ương (kể cả quân đội và công an), tỉnh, thành phố bạn và các đơn vị trong thành phố.

2. Tiếp tục thực hiện phương thức nhận nguyên liệu giao nộp thành phẩm theo thoả thuận giữa hai bên.

Điều 3.- Mọi hợp đồng do các đơn vị ngoài thành phố đặt hàng gia công tại thành phố (kể cả các chỉ tiêu sản phẩm trong và ngoài kế hoạch Nhà nước, trừ những dịch vụ nhỏ) đều phải thông qua thành phố ; Các hợp đồng gia công của các đơn vị trong nội bộ thành phố đều phải thông qua quận, huyện. Các đơn vị đặt hàng gia công trực tiếp ký hợp đồng với các cơ sở sản xuất. Các cơ quan cấp thành phố và quận, huyện có trách nhiệm quản lý việc đặt hàng gia công phải bảo đảm tôn trọng yêu cầu của khách hàng, không đặt ra thủ tục gò bó phiền phức, bảo đảm cho việc hợp tác sản xuất ngày càng phát triển, thu hút được nhiều đơn vị đặt hàng gia công tại thành phố.

Các ngành tổng hợp của thành phố có trách nhiện cải tiến từng bước việc vận dụng các chánh sách tín dụng, thuế, giá cả thích ứng với từng thành phần kinh tế, từng ngành nghề sản phẩm và từng phương thức gia công cho đúng chánh sách, chế độ của Nhà nước, nhằm kích thích đúng chánh sách, chế độ của Nhà nước, nhằm kích thích sản xuất và đạt những yêu cầu nói ở điều 1.

Điều 4. - Chọn 5 ngành : dệt, may, xe đạp, thủy tinh, nhựa làm thí điểm cải tiến chế độ gia công để rút kinh nghiệm cho các ngành khác.

Điều 5. - Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ cho các cơ quan sau đây chủ trì cùng với các cơ quan hữu quan nghiên cứu dự thảo các phương án và văn bản hướng dẫn thực hiện việc cải tiến chế độ gia công các sản phẩm thuộc 5 ngành nói trên theo yêu cầu và nội dung đã nói ở điều 1 và điều 2, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thực hiện :

1. Ủy ban Kế hoạch thành phố chịu trách nhiệm dự thảo văn bản hướng dẫn về mối quan hệ trong hợp đồng gia công giữa các cơ sở sản xuất của thành phố với các đơn vị Trung ương, tỉnh, thành phố bạn và giữa các đơn vị của thành phố với nhau (giữa đơn vị đặt hàng với các cơ quan tổng hợp và quản lý ngành của thành phố, với các cấp quận, huyện, phường, xã), hướng dẫn tiêu chuẩn định mức nguyên liệu, vật tư trên một đơn vị sản phẩm. Ủy ban Kế hoạch chịu trách nhiệm triệu tập hội nghị các khách hàng để phổ biến chế độ gia công theo quyết định này và bàn biện pháp thực hiện.

2. Sở Công nghiệp dự thảo các phương án cải tiến bước đầu chế độ quản lý hợp đồng gia công trong ngành : dệt, may, xe đạp, thủy tinh, nhựa, chọn phương thức gia công, phương pháp quản lý, vận dụng chánh sách.. thích hợp với từng ngành nghề đã nêu, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp thành phố chịu trách nhiệm dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý gia công các sản phẩm thuộc các ngành thủ công nghiệp, mỹ nghệ xuất khẩu v.v.. hiện do Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp quản lý, kiến nghị về các đối tượng lao động thủ công nghiệp cần được hưởng chế độ cung cấp lương thực đã nói ở điểm 3, điều 1.

3. Ủy ban Vật giá thành phố dự thảo văn bản hướng dẫn phương pháp tính các loại giá gia công, giá bán sản phẩm v.v.. và chế độ phân công quản lý giá, bảo đảm cho thu nhập của người lao động cùng ngành trong các thành phần kinh tế không chênh lệch nhau quá đáng và đời sống không bị giảm sút. Trong khu vực tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp, các loại giá phải được tính trên nguyên tắc Nhà nước không thực hiện chế độ cung cấp.

4. Ban Khoa học Kỹ thuật dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm tra chất lượng và thực hiện chế độ thưởng phạt.

5. Ngân hàng thành phố dự thảo văn bản hướng dẫn việc vay vốn đầu tư ở Ngân hàng Nhà nước, việc huy động vốn trong nhân dân, việc mở tài khoản ở Ngân hàng, thủ tục rút tiền mặt.

6. Sở Tài chánh dự thảo văn bản hướng dẫn phương pháp tính thuế (đối với các phương thức gia công), bảo đảm thu thuế công bằng hợp lý, đúng chế độ, chánh sách của Nhà nước, chống thất thu thuế ; chú ý khuyến khích phương thức mua nguyên liệu bán thành phẩm, bảo đảm quản lý sản phẩm và không để các cơ sở tập thể bị thiệt hơn các cơ sở tư nhân, cá thể.

7. Trọng tài kinh tế thành phố hướng dẫn thể thức hợp đồng thống nhất, xác định những nguyên tắc cơ bản của các loại hợp đồng mà bên đặt hàng và bên sản xuất phải thực hiện.

Các cơ quan nói trên phải gởi dự thảo văn bản hướng dẫn đến Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 30-9-1982, bảo đảm cho các văn bản hướng dẫn được ban hành đồng bộ và cùng một lúc vào đầu tháng 10/1982 và toàn bộ chế độ hợp đồng gia công nói trong quyết định này có hiệu lực trên địa bàn thành phố từ 1-1-1983.

Điều 6. - Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các cơ quan nói ở điều 5, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, tất cả các đơn vị đặt hàng gia công tại thành phố, các sở, ban, ngành ở thành phố có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn