Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 52/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 3 năm 1981

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “BẢN QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ CHO UBND QUẬN, HUYỆN”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27 tháng 10 năm 1962;
- Để tổ chức thực hiện tốt chỉ thị số 33/CT-TW ngày 24-1-1978 của Bộ Chính trị, nghị quyết 33/CP ngày 4-2-1978 của Hội đồng Chánh phủ và nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 2, về phân công, phân cấp quản lý và xây dựng cấp quận, huyện;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.Nay ban hành kèm theo quyết định này “Bản Quy định về phân công, phân cấp quản lý cho Uỷ ban Nhân dân quận, huyện”.

Điều 2.Các đồng chí Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố, Thủ trưởng các Sở, cơ quan ngang Sở, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các Quận, Huyện có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh

 

BẢN QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CÔNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ CHO UỶ BAN NHÂN DÂN QUẬN, HUYỆN

Căn cứ vào Chỉ thị 33/CT-TW ngày 24-01-1978 của Bộ Chính trị trung ương Đảng, Nghị quyết 33/CP ngày 4-2-1978 của Hội đồng chánh phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 2, Uỷ ban Nhân dân thành phố quy định về phân công, phân cấp quản lý cho Uỷ ban Nhân dân Quận, Huyện như sau:

I. – NGUYÊN TẮC VÀ YÊU CẦU CHUNG:

Trên cơ sở thực hiện các nguyên tắc tập trung dân chủ. “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”, “kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương”, việc phân công, phân cấp cho cấp quận, huyện phải đạt yêu cầu sau:

1) Bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, toàn diện, nhạy bén của Thành uỷ và sự quản lý thống nhất có hiệu lực của Uỷ ban Nhân dân thành phố toàn bộ các mặt công tác chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố.

2) Phát huy cao độ quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động, mở rộng quyền hạn đi đôi với tăng cường trách nhiệm, phát huy tính chủ động sáng tạo của cấp quận, huyện, vận dụng và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách mới về kinh tế của Đảng và nhà nước, nhằm khai thác sử dụng tốt nhất mọi khả năng tiềm tàng để phát triễn kinh tế, văn hoá, chăm lo đời sống nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị trật tự xã hội, củng cố quốc phòng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp của quận, huyện vào công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa xây dựng chủ nghĩa xã hội của thành phố.

3) Việc phân công, phân cấp quản lý cho cấp quận, huyện là nhằm thực hiện một cách có hiệu quả nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo cấp phù hợp với tình hình điều kiện của thành phố. Các sở, ban, ngành theo chức năng của mình có trách nhiệm quản lý ngành trong phạm vi toàn thành phố, thủ trưởng các sở, ngành hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Thành uỷ và Uỷ ban Nhân dân thành phố về mọi mặt tổ chức và hoạt độngc ủa ngành từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã và đơn vị cơ sở. Cấp quận, huyện chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của ngành thành phố và có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ giúp các sở thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý ngành.

4) Đi đôi với phân công, phân cấp quản lý, tổ chức bộ máy từ cấp thành đến cấp quận, huyện, phường, xã và các đơn vị cơ sở phải được kiện toàn có hiệu lực, giảm nhẹ biên chế hành chính gián tiếp, chức năng, nhiệm vụ, chế độ trách nhiệm, mối quan hệ hợp tác từng cấp, từng tổ chức, từng cán bộ phụ trách phải được quy định cụ thể rõ ràng.

II. – NỘI DUNG PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ CHO QUẬN, HUYỆN:

A – Vị trí vai trò của quận, huyện:

- Phân công, phân cấp cho huyện theo tinh thần chỉ thị 33/CT-TW của Bộ Chính trị và nghị quyết 33/CP của Hội đồng Chính phủ “cấp huyện là một cấp quản lý các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng trong huyện, là cấp quản lý kế hoạch toàn diện và có ngân sách”.

- Mỗi quận có vị trí và vai trò trong vị trí quan trọng của thành phố Hồ Chí Minh là “một trung tâm công nghiệp, trung tâm văn hoá và khoa học kỹ thuật, một trung tâm giao dịch quốc tế và một đầu mối giao thông có tầm trọng yếu của cá nước”. Cấp quận là cấp xây dựng chủ nghĩa xã hội toàn diện trên địa bàn quận quận. Nên phân cấp quản lý cho cấp quận cũng như cấp huyện khác nhau về chi tiết mức độ cụ thể thích ứng với nhiệm vụ kinh tế chính của quận là phát triễn công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhiệm vụ kinh tế chính của huyện là phát triễn nông, lâm, ngư nghiệp; xây dựng huyện nông – công nghiệp.

B – Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm chung của UBND quận, huyện :

1) Xây dựng và tổ chức chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triễn kinh tế, văn hoá, xã hội của quận, huyện, sau khi đã được Uỷ ban Nhân dân thành phố phê duyệt. Ngoài chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh do Uỷ ban Nhân dân thành phố giao, Uỷ ban Nhân dân Quận, Huyện được quyền quyết định kế hoạch thêm của quận, huyện trong phạm vi tự cân đối và phù hợp phương hướng nhiệm vụ chung của thành phố.

2) Tổ chức sản xuất, phân công lao động xã hội theo phương hướng chủ trương chung của Đảng và Nhà nước và theo phương hướng chủ trương cụ thể của Uỷ ban Nhân dân thành phố đề ra. Tích cực và chủ động dùng mọi biện pháp thích hợp để phát huy và tận dụng tốt nguồn lao động, đất đai, thiết bị vật tư kỹ thuật sẵn có, nhằm phát triễn sản xuất, tăng sản phẩm hàng hoá, tăng xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm, ổn định và từng bước cải thiệt đời sống nhân dân lao động trong quận, huyện.

3) Tổ chức và chỉ đạo thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đi đôi với xây dựng, củng cố và phát triễn đối với tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, vận tải, thương nghiệp và nghề dịch vụ khác theo chủ trương của Uỷ ban Nhân dân thành phố và sự chỉ đạo hướng dẫn của các sở quản lý ngành.

Chỉ đạo Uỷ ban Nhân dân phường, xã tổ chức và quản lý Nhà nước các cơ sở kinh tế tập thể xả hội chủ nghĩa (hợp tác xã, tổ sản xuất tập thể, tập đoàn sản xuất…) và tư doanh cá thể.

Trực tiếp quản lý một số cơ sở kinh tế quốc doanh, công tư hợp doanh của các ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, nông nghiệp, ngư nghiệp được phân công, phân cấp theo tính chất sản xuất và qui mô thích hợp với đặc điểm cơ cấu và điều kiện từng quận, huyện (có quy định phân cấp cụ thể riêng cho từng ngành).

4) Tổ chức và quản lý tốt công tác quản lý, nhà đất và công trình công cộng trên địa bàn quận, huyện theo quy định phân công, phân cấp cho quận, huyện gồm quản lý một số loại nhà, một số loại công trình công cộng và một số công tác phục vụ lợi ích công cộng (như vườn hoa, cây xanh, vỉa hè chiếu sáng công cộng, cống rãnh, thoát nước, phục vụ mai táng… có quy định phân cấp cụ thể riêng).

5) Về vật tư, thương nghiệp, quản lý thị trường, giá cả :

- Tổ chức và quản lý xí nghiệp vật tư quận, huyện, chỉ đạo đơn vị này hoạt động phục vụ tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoành thành kế hoạch, kinh tế, văn hoá, xã hội của quận, huyện.

- Tổ chức và quản lý mảng lưới thương nghiệp quốc doanh bản lẻ ăn uống công cộng và dịch vụ, phân phối lương thực và các cơ sở chế biến lương thực quốc doanh, công tư hợp doanh (được thành phố phân cấp); chỉ đạo Uỷ ban Nhân dân phường, xã quản lý tốt các hợp tác xã tiêu thụ - mua bán, hoạt động của các cửa hàng lương thực, bảo đảm việc phân phối công bằng, hợp lý, đúng chánh sách, đúng phương thức, đúng tiêu chuẩn định lượng, đúng đối tượng và thuận tiện cho người tiêu dùng; góp phần phục vụ tốt đời sống nhân dân trên địa bàn quận, huyện.

- Làm đại lý thu mua cho các tổ chức thu mua cấp trên đối với các mặt hàng thuộc diện quản lý tập trung của cấp trên (kể cả mặt hàng xuất khẩu). Tổ chức thu mua ngoài diện, ngoài mức các mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông sản thực phẩm để tiêu thụ hàng ngày ở địa phương theo quy định phân công của Uỷ ban Nhân dân thành phố.

- Chỉ đạo thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã đấu tranh với tư tưởng bằng biện pháp giáo dục, kinh tế, quản lý thị trường, kiểm tra việc chấp hành chính sách giá cả và các quy định về chất lượng sản phẩm; xử lý các vụ vi phạm chính sách quản lý thị trường, chính sách phân phối lưu thông và giá cả, các vụ bán hàng giả, hàng xấu trong phạm vi quyền hạn được giao.

Quyết định giá một số sản phẩm hàng hoá dịch vụ trong phạm vi quận, huyện theo quy định phân cấp quản lý giá của Uỷ ban Nhân dân thành phố .

6) Xây dựng và quản lý thực hiện ngân sách quận, huyện sau khi đã được phê duyệt.

Xét duyệt và chỉ đạo việc chấp hành ngân sách phường, xã.

Chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện chính sách, chế độ của Nhà nước về công tác thu phí tài chánh của các đơn vị kinh tế quốc doanh, công tư hợp doanh của quận và các đơn vị kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa.

Chỉ đạo và quản lý tốt việc thực hiện chính sách tiền mặt, quản lý giữ gìn tài sản Nhà nước của quận huyện.

Tổ chức thực hiện tốt, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch do Uỷ ban Nhân dân thành phố giao về thu quốc doanh và các loại thuế (bao gồm thuế công thương nghiệp, thuế nông nghiệp và các loại thuế khác) trên địa bàn quận, huyện theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước và trực tiếp quản lý Phòng thuế quận, huyện.

Chỉ đạo hoạt động của Ngân hàng quận, huyện trong việc chấp hành các chính sách, kế hoạch tín dụng, tiền mặt và quỹ tiết kiệm. Trong trường hợp cần thiết, Uỷ ban Nhân dân Quận, Huyện quyết định để Ngân hàng thực hiện thứ tự ưu tiên cho vay, rút tiền mặt đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc quận, huyện quản lý.

7) Tổ chức, quản lý và chỉ đạo công tác văn hoá thông tin, truyền thanh, giáo dục, nhà trẻ, y tế, thể dục thể thao, thương binh xã hội của quận, huyện. Tổ chức xây dựng và trực tiếp quản lý một số đơn vị sự nghiệp kinh doanh của các ngành này theo quy định phân công, phân cấp cụ thể của Uỷ ban Nhân dân thành phố.

8) Chăm lo ổn định và từng bước cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân và cán bộ công nhân viên của quận, huyện; tổ chức thực hiện tốt nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố và Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân thành phố về giải quyết đời sống.

9) Tổ chức thực hiện việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và quản lý lực lượng dân quân tự vệ, du kích tập trung, hoàn thành tốt chỉ tiêu nghĩa vụ quân sự và các công tác về quân sự trong quận, huyện.

10) Quản lý công tác tổ chức và cán bộ đối với cơ quan đơn vị của quận, huyện, phường, xã theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và theo quy định phân công, phân cấp quản lý cụ thể của Thành uỷ và của Uỷ ban Nhân dân thành phố (có quy định riêng).

11) Quan hệ chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của cấp thành phố, Trung ương đóng và hoạt động phục vụ trên địa bàn quận, huyện nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của các đơn vị này và bảo đảm sự phối hợp ăn khớp với quy hoạch kế hoạch của quận, huyện. Đồng thời phục vụ và giúp đỡ các đơn vị này về các mặt đời sống vật chất, văn hoá, bảo vệ an ninh trật tự, cung cấp nhân lực và nguyên vật liệu địa phương theo chỉ tiêu kế hoạch và hợp đồng kinh tế.

12) Giám sát về mặt hành chính Nhà nước tất cả các tổ chức kinh tế, sự nghiệp và các cơ quan đóng và hoạt động trên địa bàn quận, huyện về việc chấp hành pháp luật Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương và thực hiện quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động.

Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Uỷ ban Nhân dân Quận, Huyện trong quản lý từng mặt công tác: quy hoạch và kế hoạch quản lý; các ngành sản xuất; lao động tiền lương; khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư kỹ thuật; thương nghiệp; tài chính, ngân hàng, giá cả, đời sống vật chất, văn hoá của nhân dân trong quận, huyện; tổ chức bộ máy và cán bộ áp dụng theo tinh thần mục I nghị quyết 33/CP ngày 4-2-1978 của Hội đồng Chính phủ (áp dụng cho cả quận, huyện).

C – Các đơn vị sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp phân cấp cho cấp quận, huyện quản lý trực tiếp và toàn diện:

1) Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp:

- Tất cả các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gồm: xí nghiệp hợp tác, hợp tác xã, tổ sản xuất tập thể và tư doanh cá thể (trừ những cơ sở vệ tinh trực tiếp của các liên hiệp các xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp, Công ty của các ngành thành phố và các cơ sở là thành viên của Liên hiệp hợp tác xã chuyên ngành thủ công nghiệp toàn thành phố do Uỷ ban Nhân dân thành phố quy định có văn bản riêng phân định trách nhiệm quyền hạn củ thể của chính quyền cấp quận, huyện đối với loại cơ sở này.)

- Các xí nghiệp hoặc xưởng sản xuất quốc doanh, công tư hợp doanh có quy mô nhỏ về vốn cố định, giá trị sản lượng, số lượng công nhân, quy trình công nghệ không phức tạp , hoặc sản xuất các mặt hàng trực tiếp phục vụ đời sống nhân dân trong quận, huyện là chính. Theo hướng này, các sở, ngành thành phố có trách nhiệm bàn bạc nhất trí với Uỷ ban Nhân dân Quận, Huyện để bàn giao cho quận, huyện trực tiếp quản lý hoặc giúp đỡ cho quận, huyện tổ chức xây dựng mới.

2) Về xây dựng cơ bản:

- Đội xây dựng và sửa chữa: nơi nào có quy mô xây dựng và sửa chữa lớn thì có đội xây dựng riêng, đội sửa chữa riêng.

- Nơi nào có khối lượng đầu tư xây dựng lớn (nhất là các huyện) và có khả năng về cán bộ thiết kế thì có tổ thiết kế.

- Tổ quy hoạch xây dựng và thẩm kế.

- Các hợp tác xã xây dựng, các hợp tác xã và tư doanh sản xuất vật liệu xây dựng

- Các xí nghiệp hoặc xưởng quốc doanh, công tư hợp doanh sản xuất vật liệu xây dựng.

3) Về ngành giao thông vận tải:

- Các hợp tác xã, tổ hợp phương tiện vận tải: ô tô vận tải, xe hành khách, xe lam, tắc xi, xích lô máy, ghe thuyền.

- Các hợp tác xã, tổ hợp sửa chữa phương tiện vận tải.

- Đội duy tu bảo dưỡng cầu đường

- Đội vận tải ô tô (quốc doanh hoặc công tư hợp doanh)

- Đội vận tải thuỷ (quốc doanh hoặc công tư hợp doanh) đối với quận, huyện có sông, bến.

- Các Ban quản lý bến xe, bến sông của quận, huyện.

- Các xưởng sửa chữa quốc doanh, công tư hợp doanh phương tiện vận tải.

4) Về quản lý nhà đất và công trình công cộng:

- Đội quản lý nhà

- Đội phục vụ mai táng

- Đội chiếu sáng vỉa hè

- Đội công viên cây xanh

- Đội vệ sinh (đối với các huyện ngoại thành).

5) Về ngành nông nghiệp – ngư nghiệp:

- Trạm bảo vệ thực vật huyện

- Trạm thú y huyện

- Trạm máy kéo và sửa chữa huyện

- Trại heo giống

- Trại lúa giống

- Các trại chăn nuôi heo, gà, gia súc, gia cầm

- Các xưởng chế biến phân hữu cơ

- Xưởng chế biến thức ăn gia súc

- Trại sản xuất nông nghiệp

- Tông trường của quận, huyện ở Duyên Hải

- Công trường xây dựng kinh tế mới

- Đội đánh cá

- Đội trồng rừng

6) Về ngành thuỷ lợi:

- Đội máy bơm

- Hệ thống thuỷ nông nằm gọn trên địa bàn huyện (có Ban Quản lý thuỷ nông để quản lý)

- Đội xây dựng thuỷ lợi

- Công trường thuỷ lợi (làm thuỷ lợi mùa khô)

7) Về ngành lương thực:

- Các cửa hàng lương thực

- Các xưởng xay xát và chế biến lương thực

8) Về ngành thương nghiệp:

- Công ty thương nghiệp bán lẻ

- Cửa hàng vật liệu xây dựng

- Cửa hàng chất đốt

- Cửa hàng thực phẩm tươi sống (rau cá thịt), nơi có doanh số lớn được lập Công ty.

- Công ty hoặc cửa hàng thu nông sản thực phẩm

- Các chợ (có Ban Quản lý chợ để quản lý)

- Đội quản lý thị trường

9) Về ngành ăn uống và dịch vụ:

- Công ty ăn uống và dịch vụ (ở quận, huyện doanh số còn nhỏ thì cửa hàng ăn uống có nhiều điểm bán).

10) Về ngành vật tư

- Xí nghiệp vật tư

11) Về ngành Y tế:

- Các bệnh viện đa khoa của quận, huyện

- Các nhà hộ sinh của quận, huyện

- Các phòng khám khu vực

- Đội vệ sinh phòng dịch hoặc đội y tế lưu động (có phòng xét nghiệp và trạm chống lao)

- Đội vận động thực hiện sinh đẻ có kế hoạch

- Các trạm y tế phường, xã

- Hiệu thuốc quận, huyện (gồm các chi nhánh, quầy, điểm bán thuốc; tổ hoặc cửa hàng thu mua và sơ chế dược liệu; các cơ sở nuôi trồng dược liệu, các cơ sở sản xuất thuốc y học dân tộc).

12) Ngành thể dục thể thao:

- Sân vận động, nhà tập

- Các hồ bơi, bể bơi đơn giản

- Câu lạc bộ thể dục thể thao

- Các cơ sở tập liệu thể thao khác của quận, huyện.

13) Ngành giáo dục:

- Các trường phổ thông cấp 1 và 2

- Trường bổ túc văn hoá tập trung và tại chức của quận, huyện

- Các trường lớp mẫu giáo

- Thư viện giáo dục huyện

- Tổ học liệu và trang bị (phát hành sách giáo khoa, đồ dùng dạy học…)

14) Ngành nhà trẻ :

- Các nhà trẻ trực thuộc quận, huyện

15) Ngành văn hoá thông tin và truyền thanh :

- Đội thông tin lưu động

- Nhà văn hoá và thông tin

- Nhà truyền thống

- Thư viện

- Rạp hát, chiếu bóng ( được phân cấp quản lý) và nhà hát nhân dân

- Đội chiếu bóng

- Quốc doanh phát hành sách (hiệu sách nhân dân)

- Hiệu ảnh quốc doanh, công tư hợp doanh

- Đài truyền thanh quận, huyện

III. – PHÂN ĐỊNH TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN GIỮA SỞ QUẢN LÝ NGÀNH VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN QUẬN, HUYỆN QUẢN LÝ TRỰC TIẾP TOÀN DIỆN ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ SỰ NGHIỆP CỦA QUẬN, HUYỆN :

A – Nguyên tắc chung :

- Sự phân công, phân cấp giữa cấp thành phố và cấp quận, huyện là sự phối hợp, hiệp tác giữa ngành và cấp trong một cơ cấu kinh tế thống nhất của thành phố, dưới sự lãnh đạo tập trung của Thành uỷ và sự quản lý thống nhất của Uỷ ban Nhân dân thành phố, trên cơ sở phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.

- Các sở, ban, ngành thành phố phải có trách nhiệm xây dựng và phát triển ngành mình trong phạm vi toàn thành phố (không phân biệt cấp quản lý và thành phần kinh tế).

- Uỷ ban nhân dân quận, huyện và các phòng, ban chuyên môn thuộc Uỷ ban Nhân dân quận, huyện phải chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của sở, ban, ngành thành phố, tôn trọng và thực hiện các chủ trương, công tác của các ngành chuyên môn cấp thành phố. Trong trường hợp giữa Uỷ ban Nhân dân quận, huyện và cơ quan chuyên môn thuộc cấp thành phố có vấn đề chưa nhất trí, thì Uỷ ban Nhân dân quận, huyện và ban ngành thành phố phải báo cáo với Uỷ ban Nhân dân thành phố giải quyết.

B – Nhiệm vụ và quyền hạn của Giám đốc sở, ban, ngành đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác do Uỷ ban Nhân dân quận, huyện quản lý :

- Chỉ đạo việc lập quy hoạch, kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm phát triễn ngành ở quận, huyện.

Bàn bạc nhất trí với Uỷ ban Nhân dân Quận, Huyện cùng nhau quy định sự phân công sản xuất, kinh doanh và phân công nhiệm vụ công tác giữa thành phố và quận, huyện theo đúng phương hướng quy hoạch của ngành toàn thành phố.

Tổng hợp kế hoạch toàn ngành của thành phố theo hệ thống chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Hướng dẫn và giúp đỡ các quận, huyện khai thác tốt nhất mọi khả năng tiềm tàng sẵn có ở quận, huyện.

- Đề ra các biện pháp cụ thể để thực hiện chủ trương của ngành Trung ương, của Thành uỷ, Uỷ ban Nhân dân thành phố và chỉ đạo ngành ở quận, huyện thực hiện.

- Trong phạm vi quyền hạn, ban hành các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình quy phạm kỹ thuật áp dụng chung trong ngành. Chỉ đạo việc thực hiện đối với các đơn vị trực thuộc sở và các đơn vị do quận, huyện quản lý.

- Chỉ đạo về kỹ thuật nghiệp vụ đối với các tổ chức thuộc ngành do quận, huyện quản lý; bảo đảm việc áp dụng nhanh chóng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng nghiệp vụ thống nhất trong ngành.

- Cung cấp cho quận, huyện các loại vật tư, thiết bị chuyên dùng và hàng hoá trong phạm vi quản lý của sở theo kế hoạch Uỷ ban Nhân dân thành phố giao và theo hợp đồng kinh tế.

- Đào tạo bồi dưỡng và tăng cường cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân lành nghề cho quận, huyện.

- Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho tổ chức bộ máy chuyên ngành ở quận, huyện và cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, sự nghiệp thuộc ngành do quận, huyện quản lý.

- Kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước, tình hình chấp hành các chủ trương chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức của các tổ chức thuộc ngành do quận, huyện quản lý.

C – Nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban Nhân dân Quận, Huyện đối với các tổ chức kinh tế hành chính sự nghiệp do quận, huyện trực tiếp quản lý:

- Trực tiếp quản lý mọi mặt: kế hoạch, kế toán tài vụ, vốn và vật tư kỹ thuật, tổ chức và cán bộ lao động tiền lương. Chỉ đạo các tổ chức này hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước và nhiệm vụ công tác được giao, chấp hành tốt pháp luật Nhà nước, Uỷ ban Nhân dân Quận, Huyện chịu trách nhiệm về kết quả công tác và hiệu quả kinh tế của các đơn vị này trước Huyện uỷ, Quận uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Nhân dân thành phố .

- Chịu sự chỉ đạo của sở, ngành thành phố như nội dung điểm B nêu trên.

IV. – PHÂN CÔNG THỰC HIỆN:

1) Các sở, ban, ngành thành phố căn cứ vào những quy định chung về chủ trương và nguyên tắc của Bản quy định này theo chức năng của ngành mình có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện việc phân cấp quản lý cụ thể cho quận, huyện bàn giao cho Uỷ ban Nhân dân Quận, Huyện quản lý các đơn vị kinh tế, sự nghiệp , sự nghiệp thuộc quyền quản lý của quận, huyện. Phải xây dựng và ban hành nội quy công tác (bao gồm quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác, chế độ lề lối làm việc, phân định nhiệm vụ, trách nhiệm của từng chức trách cán bộ nhân viên) của từng loại hình đơn vị và chấn chỉnh kiện toàn tổ chức từng đơn vị trước khi bàn giao. Bàn giao phải đồng bộ trên nguyên tắc “nguyên canh nguyên cư” gồm: kế hoạch, vốn, kinh phí, vật tư, tài sản, hàng hoá của đơn vị, cơ sở vật chất kỹ thuật, bộ máy tổ chức và cán bộ công nhân viên, hồ sơ tài liệu, trừ một số trường hợp phải điều chỉnh cơ sở vật chất hay cán bộ do yêu cầu của toàn ngành trên địa bàn thành phố, nhưng phải có sự chấp thuận của Uỷ ban Nhân dân thành phố. Khi bàn giao tiếp nhận, thực hiện việc tăng giảm vốn (cố định, lưu động) theo quy định chung của Nhà nước.

b) Lựa chọn những cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ có năng lực của sở, ngành thành phố đưa về tăng cường cho quận, huyện phải mạnh dạn và kiên quyết thực hiện việc điều động và tăng cường này; đồng thời nghiên cứu sắp xếp lại tổ chức bộ máy của sở tinh gọn phù hợp với tình hình đã phân cấp nhiệm vụ và cơ sở về cho quận, huyện.

c) Tích cực và khẩn trương tạo điều kiệu về cơ sở vật chất kỹ thuật, về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công nhân có tay nghề để giúp quận, huyện sớm triển khai thành lập các tổ chức sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp thuộc ngành của quận, huyện theo quy định phân công phân cấp cho quận, huyện. Ưu tiên xây dựng trước các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, thương nghiệp, vật tư.

2) Uỷ ban Nhân dân Quận, Huyện chuẩn bị các điều kiện cần thiết về tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý, vốn hoạt động…liên hệ yêu cầu các sở thực hiện việc bàn giao tiếp nhận các đơn vị kinh tế, sự nghiệp được phân cấp cho quận huyện quản lý.

3) Sở Tài chánh có trách nhiệm:

- Giám sát sự bàn giao tiếp nhận theo đúng chế độ, thể lệ Nhà nước. Giải quyết cấp vốn bổ sung cho các đơn vị kinh tế bàn giao về quận huyện quản lý trong trường hợp thiếu vốn hoạt động.

- Đào tạo, bồi dưỡng bổ sung cán bộ kế toán cho các đơn vị kinh tế của quậ, huyện; hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị này thực hiện chế độ hạch toán kinh tế theo quy định của Nhà nước.

4) Ngân hàng Nhà nước thành phố có trách nhiệm hướng dẫn và giải quyết nhanh chóng việc chuyển, mở tài khoản mới cho các đơn vị kinh tế cấp giao cho quận, huyện quản lý. Hướng dẫn các đơn vị này thực hiện các chế độ thanh toán, tính dụng, quản lý tiền mặt, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi dễ dàng cho các đơn vị này được vay vốn, rút tiền mặt để hoạt động sản xuất, kinh doanh và rút tiền lương cho cán bộ công nhân viên.

5) Uỷ ban Kế hoạch thành phố có trách nhiệm hướng dẫn phương pháp lập kế hoạch cho các tổ chức kinh tế của quận, huyện; hướng dẫn cho Ban kế hoạch quận, huyện việc tổng hợp lập dự án bổ sung chỉ tiêu kế hoạch cho quận, huyện sau khi quận, huyện tiếp nhận và quản lý các đơn vị kinh tế, sự nghiệp do các ngành thành phố phân cấp giao về ; đồng thời điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch tương ứng đối với các sở, ngành thành phố.

6) Các sở, ngành khác có chức năng liên quan: Ban Tổ chức chánh quyền, Sở Lao động, Sở Lương thực, Sở Thương nghiệp, Sở Quản lý nhà đất và công trình công cộng theo chức năng của mình giải quyết các vấn đề cần thiết khác (tổ chức, lao động, bảo hộ lao động, chế độ lương sản phẩm, lương khoán; lương thực; nhu yếu phẩm; nhà kho tàng…) giúp đỡ cho các quận, huyện các điều kiện thuận lợi để quản lý tốt các đơn vị kinh tế, sự nghiệp được phân cấp cho quận, huyện.

7) Ban Tổ chức chánh quyền thành phố chịu trách nhiệm giúp Uỷ ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các ngành, các quận, huyện tổ chức thực hiện tốt việc phân công, phân cấp quản lý cho quận, huyện theo Bản quy định này, theo dõi kiểm tra việc thực hiện, thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện cho Uỷ ban Nhân dân thành phố.

V. KHOẢN THI HÀNH

Bản quy định nay thay thế “Bản quy định tạm thời…” ban hành kèm theo quyết định 612/ QĐ-TC ngày 16-11-77 của Uỷ ban Nhân dân thành phố ; “Bản quy định…” ban hành kèm theo quyết định 37/QĐ-UB ngày 23-2-79 của Uỷ ban Nhân dân thành phố vẩn còn giá trị thực hiện mang tính chất chi tiết cụ thể hoá cho Bản quy định này, trừ các khoản trái với Bản Quy định này thì nay bãi bỏ.

Bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành