Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/2024/QĐ-UBND | Hà Nam, ngày 01 tháng 10 năm 2024 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18 tháng 11 năm 2016;
Căn cứ Nghị định số 95/2023/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.
QUYẾT ĐỊNH:
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
(Kèm theo Quyết định số: 52/2024/QĐ-UBND ngày 01 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
a) Quy định này quy định về nguyên tắc quản lý, giải quyết công việc và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp; sự phối hợp của các sở, ban, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
b) Những nội dung không quy định tại văn bản này thì thực hiện theo các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Đối tượng áp dụng
a) Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);
b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đảm bảo thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý và giải quyết công việc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo
1. Bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương.
2. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 5 Luật tín ngưỡng, tôn giáo đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
3. Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp. Cấp nào, ngành nào quyết định giải quyết các vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo thì cấp đó, ngành đó phải chịu trách nhiệm pháp lý về quyết định của mình.
4. Công tác tham mưu, giải quyết công việc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo phải đảm bảo chủ động, kịp thời, đúng chức năng, nhiệm vụ và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh
1. Xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
2. Quy định tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh.
3. Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo theo thẩm quyền bao gồm: Hoạt động lễ hội tín ngưỡng; công nhận tổ chức tôn giáo, thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển, cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành; mở lớp bồi dưỡng tôn giáo cho người chuyên hoạt động tôn giáo; hoạt động tôn giáo; hoạt động xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo của tổ chức tôn giáo; hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài; hoạt động tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ và hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; đất đai liên quan đến tôn giáo; xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo; vấn đề quốc phòng, an ninh liên quan đến tôn giáo.
4. Phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi quản lý.
5. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi quản lý.
6. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại các huyện, thị xã, thành phố; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo theo thẩm quyền.
7. Quan hệ quốc tế trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ngành của tỉnh
Các sở, ngành của tỉnh có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các sở, ngành của tỉnh chủ động trong công tác tham mưu giải quyết các việc, vụ việc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Các cơ quan, đơn vị có liên quan tích cực phối hợp trong quá trình triển khai, thực hiện đảm bảo hiệu quả.
1. Sở Nội vụ
a) Chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và quy định tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
b) Tiếp nhận hồ sơ, xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết các đề nghị liên quan đến công nhận tổ chức tôn giáo, thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển, cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành; mở lớp bồi dưỡng tôn giáo cho người chuyên hoạt động tôn giáo; hoạt động tôn giáo; hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài; hoạt động quyên góp, nhận tài trợ của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc theo quy định của pháp luật.
c) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo và người đại diện, thành viên Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng trong phạm vi quản lý; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh, huyện, xã.
d) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tôn giáo theo thẩm quyền.
đ) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề án khảo sát, thống kê về tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo; cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo không phải là di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc đã được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương.
e) Làm đầu mối liên hệ giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với Ủy ban nhân dân tỉnh về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
g) Tham gia ý kiến về các dự án xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
h) Phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết các vấn đề cụ thể về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
2. Sở Xây dựng
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền về hoạt động xây dựng công trình tôn giáo và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực xây dựng có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
b) Phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết các vấn đề cụ thể về hoạt động xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền về đất đai tôn giáo và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
b) Rà soát, thống kê, báo cáo việc sử dụng đất đai của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp quản lý đất đai liên quan đến tôn giáo.
c) Phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết các vấn đề cụ thể về đất đai liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền về hoạt động lễ hội tín ngưỡng và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện kiểm kê cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc đã được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương.
c) Chủ trì, hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
d) Tham gia ý kiến về các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định.
đ) Phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết các vấn đề cụ thể về hoạt động lễ hội tín ngưỡng theo quy định của pháp luật và việc xây dựng mô hình Ban quản lý di tích đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện, Đài truyền thanh cấp xã tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực thông tin và truyền thông liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
6. Các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính
Theo chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, quản lý việc tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo và việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là di tích lịch sử văn hóa theo quy định của pháp luật.
7. Công an tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đảm bảo an ninh trật tự cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức, triển khai theo đúng quy định; nắm tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật.
b) Chủ trì đăng ký, quản lý, kiểm tra cư trú, xuất nhập cảnh của chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo; kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc theo quy định của pháp luật; hướng dẫn các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện đúng quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
c) Tổ chức thực hiện các quy định về quản lý kinh sách, thời gian, địa điểm sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
d) Chủ động, kịp thời trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị liên quan về tình hình tôn giáo; hoạt động của các hiện tượng tôn giáo mới cực đoan... để phối hợp trong công tác đấu tranh, ngăn chặn việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
8. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
Chủ trì, tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo theo quy định.
1. Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình tín ngưỡng, tôn giáo, báo cáo và tham mưu kịp thời với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo công tác tín ngưỡng, tôn giáo và giải quyết những vấn đề phát sinh trên địa bàn tỉnh. Tham gia ý kiến với các cơ quan chính quyền trong việc thể chế hóa các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định của Đảng về công tác tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo và định hướng nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, báo chí của tỉnh về các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh về tín ngưỡng, tôn giáo; kịp thời tuyên truyền, biểu dương những gương người tốt, việc tốt trong chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo.
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ động phối hợp với địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác nắm tình hình; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương về tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh với những hành vi mê tín dị đoan, lợi dụng hoạt động tôn giáo để làm trái pháp luật và xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng thời giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Điều 6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo theo thẩm quyền bao gồm: Hoạt động lễ hội tín ngưỡng; mở lớp bồi dưỡng tôn giáo cho người không chuyên hoạt động tôn giáo; hoạt động tôn giáo; hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo của tổ chức tôn giáo; hoạt động tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ và hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; đất đai liên quan đến tín ngưỡng; xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo, công trình phụ trợ; vấn đề quốc phòng, an ninh liên quan đến tôn giáo.
2. Phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi quản lý.
3. Kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại các xã, phường, thị trấn; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo theo thẩm quyền.
Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo theo thẩm quyền bao gồm: Hoạt động lễ hội tín ngưỡng; đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; hoạt động tôn giáo; hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo của tổ chức tôn giáo; hoạt động tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ và hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; vấn đề quốc phòng, an ninh liên quan đến tôn giáo.
2. Phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi quản lý.
Điều 8. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được khen thưởng theo quy định hiện hành.
2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
1. Sở Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
2. Các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Quy định này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
- 1Quyết định 06/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 2Quyết định 29/2023/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 3Quyết định 38/2023/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 4Quyết định 06/2024/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nam Định
- 5Quyết định 69/2024/QĐ-UBND về Quy định phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Quyết định 52/2024/QĐ-UBND về Quy định quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- Số hiệu: 52/2024/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 01/10/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
- Người ký: Nguyễn Anh Chức
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra