Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2023/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 12 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18 tháng 11 năm 2016;

Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo;

Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 500/TTr-SNV ngày 07 tháng 11 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 24 tháng 12 năm 2023.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Tôn giáo Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Văn phòng UBND (đăng công báo) tỉnh;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trần Huy Tuấn

 

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định nguyên tắc, hình thức, nội dung, trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Những nội dung chưa quy định trong Quy chế này, thì thực hiện theo các quy định của pháp luật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các Sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện).

Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã).

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Hoạt động phối hợp dựa trên chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị, địa phương, có trách nhiệm phối hợp, tham mưu kịp thời cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

2. Trong công tác phối hợp giải quyết các nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo phải đảm bảo: Theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; các cơ quan, đơn vị phối hợp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung, thông tin, thời gian phối hợp; yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, chế độ bảo mật hồ sơ, tài liệu và các thông tin có liên quan theo quy định.

3. Trước khi đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương giải quyết những vấn đề có tính chất phức tạp liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo phải có sự thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; đối với những nội dung có ý kiến khác nhau, cơ quan được giao chủ trì phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và thông báo cho các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan biết.

Điều 4. Nội dung phối hợp

1. Lập kế hoạch, đề án, dự án và kiến nghị, đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phối hợp tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện về tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Giải quyết các thủ tục hành chính có nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định.

5. Quản lý hoạt động tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đã được xếp hạng di tích hoặc đã được Ủy ban nhân dân tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của tỉnh.

6. Quản lý hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo và giải quyết “hiện tượng tôn giáo mới”, “đạo lạ”, “tà đạo”.

7. Giải quyết vấn đề đất đai liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

8. Giải quyết các vấn đề về kiến trúc, quy hoạch, xây dựng các công trình tín ngưỡng, tôn giáo.

9. Quản lý các hoạt động xuất bản, in ấn và phát hành sản phẩm in ấn; vận chuyển tài liệu, sản phẩm in ấn không rõ nguồn gốc xuất xứ; phổ biến, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm về tín ngưỡng, tôn giáo; y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo, dạy nghề của tổ chức, cá nhân tôn giáo.

10. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

11. Quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

12. Xử lý các đơn khiếu nại, đơn tố cáo và đơn kiến nghị, phản ánh có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

13. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

14. Giải quyết các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

15. Thực hiện các nội dung khác theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và theo đề nghị của cơ quan, đơn vị chủ trì.

Điều 5. Hình thức phối hợp

1. Lấy ý kiến bằng văn bản.

2. Tổ chức cuộc họp, hội nghị, hội thảo, mở các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật có liên quan.

3. Trao đổi, cung cấp thông tin.

4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

5. Các hình thức khác (nếu có).

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ LIÊN QUAN THỰC HIỆN QUÁ TRÌNH PHỐI HỢP

Điều 6. Trách nhiệm chung

1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phối hợp tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết nhu cầu chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng theo quy định của pháp luật; đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

2. Cơ quan, đơn vị chủ trì trước khi tổ chức họp, hội nghị, hội thảo phải gửi tài liệu trước ba (3) ngày làm việc cho các cơ quan, đơn vị tham dự; cơ quan, đơn vị được mời tham dự cử lãnh đạo tham gia, trong cuộc họp đại diện cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phát biểu ý kiến tham gia, góp ý và trình bày quan điểm của cơ quan, đơn vị mình khi được người chủ trì cuộc họp cho phép; trường hợp ủy quyền cho cán bộ, công chức cấp dưới tham dự thì ý kiến tại cuộc họp của người được ủy quyền là ý kiến của cơ quan, đơn vị mình.

3. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương khi được lấy ý kiến bằng văn bản:

a) Đối với những nội dung phối hợp lấy ý kiến bằng văn bản, cơ quan chủ trì gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan. Cơ quan, đơn vị, địa phương được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và gửi đến cơ quan chủ trì theo thời hạn cơ quan, đơn vị chủ trì đã đề nghị. Văn bản tham gia ý phải nêu rõ quan điểm đồng ý hoặc không đồng ý, trường hợp không đồng ý phải giải thích rõ lý do; trường hợp quá hạn không có ý kiến trả lời, được hiểu là ý kiến đồng ý và chịu trách nhiệm về nội dung được đề nghị phối hợp.

Những nội dung đã được giải quyết hoặc đề xuất phương án giải quyết, cơ quan chủ trì gửi văn bản kết quả giải quyết, đề xuất phương án giải quyết đến những cơ quan, đơn vị tham gia phối hợp.

b) Trường hợp nếu có từ 1/3 (một phần ba) số cơ quan, đơn vị xin ý kiến trở lên chưa đồng thuận với nội dung xin ý kiến thì cơ quan, đơn vị chủ trì có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo (trừ lễ hội tín ngưỡng, lễ hội tôn giáo tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc đã được Ủy ban nhân dân tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của tỉnh) trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nội dung:

a) Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quyết định, chỉ thị, đề án, dự án, kế hoạch; văn bản chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

b) Tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo và chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, người đại diện Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; quản lý, hướng dẫn các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật.

c) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

d) Tham mưu giải quyết các thủ tục hành chính về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật.

đ) Nắm, tổng hợp thông tin, tình hình, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh các chủ trương, chính sách giải quyết các hiện tượng tôn giáo mới có tính chất cực đoan, “tà đạo”, “đạo lạ” xuất hiện trên địa bàn tỉnh.

e) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan ban hành văn bản về sự cần thiết và quy mô đầu tư xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo của tổ chức, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

f) Hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

g) Tiếp nhận, giải quyết những phản ánh, kiến nghị và đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thuộc phạm vi quản lý của Sở Nội vụ theo quy định của pháp luật.

h) Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý các hành vi vi phạm về tín ngưỡng, tôn giáo được phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, quản lý hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng, lễ hội tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, các di tích thực hiện danh mục kiểm kê được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội.

3. Hướng dẫn, quản lý việc bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đã được xếp hạng theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Quản lý, hướng dẫn việc treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, các hình thức quảng cáo hội chợ, triển lãm, các sự kiện có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

5. Hướng dẫn quy trình, thủ tục, điều kiện xét danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” đối với các cá nhân thực hành loại hình tín ngưỡng là di sản văn hóa phi vật thể.

6. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thi hành quy định của pháp luật về tín ngưỡng, di sản văn hóa, lễ hội; tiếp nhận, phân loại xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý các hành vi vi phạm về tín ngưỡng, di sản văn hóa, lễ hội được phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra hoặc đề nghị, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về đất đai liên quan đến đất tôn giáo và đất tín ngưỡng đã được xếp hạng di tích lịch sử theo quy định của pháp luật.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan quản lý việc sử dụng đất của cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng di tích lịch sử, cơ sở tôn giáo. Tiếp nhận hồ sơ, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.

3. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có xem xét đến nhu cầu chính đáng cho mục đích tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định.

4. Hướng dẫn tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng di tích lịch sử hoặc đã được Ủy ban nhân dân tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích hoàn thiện các thủ tục về đất đai theo quy định của pháp luật.

5. Giải quyết hoặc đề xuất việc giải quyết những phản ánh, kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định.

6. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý các hành vi vi phạm như nhận quyền sử dụng đất thông qua: trao đổi, nhận chuyển nhượng, hiến, tặng, cho quyền sử dụng đất để mở rộng khuôn viên, xây dựng cơ sở thờ tự trái phép được phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tham gia ý kiến về sự cần thiết đầu tư xây dựng và quy mô đầu tư xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo của tổ chức, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo đối với trường hợp xây dựng mới; đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình và cấp giấy phép di dời công trình tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật về xây dựng và phân cấp của tỉnh.

3. Giải quyết theo thẩm quyền và có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết những phản ánh, kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xây dựng các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định; ngăn chặn, xử lý những trường hợp xây dựng, cơi nới, sửa chữa cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật.

4. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các chính sách, pháp luật về xây dựng đối với tổ chức, cá nhân tôn giáo thuộc thẩm quyền; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra hoặc phản ánh, kiến nghị, đề nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động báo chí, xuất bản, in phát hành, thông tin điện tử, chuyển phát viễn thông, công nghệ thông tin, quảng cáo (trên xuất bản phẩm, xuất bản bản tin, trang thông tin điện tử, báo chí), xuất nhập khẩu văn hóa phẩm có nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh thực hiện thông tin tuyên truyền, về chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Đẩy mạnh công tác định hướng và quản lý thông tin về tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng.

3. Tiếp nhận, giải quyết hoặc đề xuất giải quyết những phản ánh, kiến nghị và đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xuất bản, in, phát hành, quảng cáo (trên xuất bản phẩm, xuất bản bản tin, trang thông tin điện tử, báo chí).

4. Phối hợp thẩm định nội dung, hình thức xử lý tài liệu có nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo không rõ nguồn gốc xuất xứ, chữ viết phát tán vào địa bàn.

5. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về xuất bản, in, phát hành; việc đăng, phát tin bài trên báo chí; thông tin mạng internet, nền tảng mạng xã hội có nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra hoặc phản ánh, kiến nghị, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra và quản lý hoạt động từ thiện xã hội, dạy nghề, cơ sở bảo trợ xã hội, nuôi dạy trẻ em, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người tàn tật, trẻ mồ côi của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan hướng dẫn, kiểm tra và quản lý hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh và các hoạt động khám, chữa bệnh từ thiện, nhân đạo của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về y tế.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra và quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục và đào tạo của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan kiểm tra, hướng dẫn việc quản lý, thu, chi tiền công đức, tài trợ cho cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích lịch sử hoặc được Ủy ban nhân dân tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích, được cấp có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Trách nhiệm của Sở Tư pháp

Phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Điều 17. Trách nhiệm của Thanh tra tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 18. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại âm mưu hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, “tà đạo”, “đạo lạ” xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tham mưu, đề xuất biện pháp giải quyết các vấn đề đột xuất, bất ngờ, phát sinh vụ việc phức tạp liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo không để thành “điểm nóng”; tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Thực hiện công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình an ninh trật tự liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, “hiện tượng tôn giáo mới”, “tà đạo”, “đạo lạ” với các cơ quan có liên quan để phối hợp giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan quản lý cư trú, xuất cảnh, nhập cảnh của chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo trên địa bàn; việc quản lý và sử dụng con dấu của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc theo quy định của pháp luật; thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đối với các dự án xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo; hướng dẫn các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

4. Phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định theo chức năng, nhiệm vụ và có ý kiến bằng văn bản về các nội dung:

a) Phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc tôn giáo; thuyên chuyển chức sắc, chức việc tôn giáo ngoài tỉnh; hàng giáo phẩm có yếu tố nước ngoài (nếu có);

b) Thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; thay đổi tên gọi, thay đổi trụ sở tổ chức tôn giáo trực thuộc; xây dựng và hình thành mới công trình tôn giáo, tín ngưỡng và các công trình phụ trợ khác;

c) Hiến chương, điều lệ tổ chức hoạt động, về thành viên của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; các buổi lễ, giảng đạo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp; hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài; hoạt động xuất nhập khẩu văn hóa phẩm, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, hoạt động từ thiện nhân đạo có liên quan đến tôn giáo.

5. Tổ chức thực hiện các quy định về quản lý kinh sách, thời gian, địa điểm sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cho người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

6. Xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng có những nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định.

Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong vùng đồng bào có đạo; tăng cường, nắm chắc tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh và thông tin kịp thời tới cơ quan chức năng theo quy định; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

2. Phối hợp tham mưu xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; triển khai các biện pháp bảo đảm quốc phòng - an ninh và kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn đối với các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất giải quyết các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.

2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Có hình thức phù hợp thông tin kịp thời đến chức sắc, chức việc và nhân dân trên địa bàn quản lý các hiện tượng tôn giáo mới “đạo lạ”, “tà đạo”; đồng thời báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp xử lý phù hợp nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

3. Chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết các hiện tượng tôn giáo mới có tính chất cực đoan, “đạo lạ”, “tà đạo” trên địa bàn hoặc tham mưu trình cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn theo quy định; ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo thuộc địa bàn quản lý.

5. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đến thống nhất về nhu cầu sử dụng đất, diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cộng đồng dân cư có tín ngưỡng trước khi ban hành quyết định thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

6. Hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo thuộc thẩm quyền và đề xuất giải quyết theo quy định; tiếp nhận, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo thuộc địa bàn quản lý.

7. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

Ủy ban nhân dân cấp xã, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cấp xã quản lý gồm:

1. Quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, trật tự an toàn xã hội và các lĩnh vực khác có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn theo thẩm quyền quy định.

2. Tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo thẩm quyền hoặc đề xuất giải quyết theo quy định.

3. Chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt các loại hình tín ngưỡng, hiện tượng tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo”, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và các hoạt động tâm linh lệch chuẩn (nếu có) trên địa bàn; trên cơ sở đó, trực tiếp giải quyết hoặc kiến nghị, đề xuất giải quyết, không để bùng phát, tạo ra “điểm nóng” về tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp phát sinh vướng mắc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo vượt quá thẩm quyền, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân cấp huyện để chỉ đạo giải quyết theo quy định.

4. Thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo về trình tự, thủ tục và hồ sơ đề nghị khôi phục, trùng tu hoặc xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn quản lý; chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình vi phạm trật tự xây dựng các công trình tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn; trường hợp vượt quá thẩm quyền kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

5. Chủ động kiểm tra, hướng dẫn người đại diện cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thực hiện việc: Chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nếp sống văn minh; quản lý và sử dụng các nguồn thu bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích. Đề xuất phương án giải quyết những vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

6. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm tra và quản lý hoạt động của các cơ sở tín ngưỡng (bao gồm cả điện thờ tư gia), tôn giáo trên địa bàn; chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo thuộc phạm vi quản lý; hoạt động tín ngưỡng của những người chuyên thực hành hành vi tín ngưỡng (bao gồm cả thủ nhang, thanh đồng, thầy pháp, thầy mo, thầy cúng...) tại các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn theo quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

7. Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo thuộc thẩm quyền đồng thời hướng dẫn tổ chức, cá nhân gửi đơn thư đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Điều 22. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan

1. Chủ động thực hiện những nội dung có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo chức năng, nhiệm vụ được giao; trường hợp cần thiết, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp thực hiện.

2. Phối hợp theo đề nghị của cơ quan được giao chủ trì đề xuất hoặc giải quyết các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Căn cứ Quy chế này, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan chủ động chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn; định kỳ (trước ngày 15 tháng 11 hằng năm) hoặc đột xuất có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.

Điều 24. Sở Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này; trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có phát sinh, khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Nội vụ để được hướng dẫn giải quyết hoặc tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 29/2023/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Yên Bái

  • Số hiệu: 29/2023/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Người ký: Trần Huy Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản