Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 52/2003/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 52/2003/QĐ-BTC NGÀY 16 THÁNG 4 NĂM 2003 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP, QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN, ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA HÀNG HOÁ NGOÀI CỬA KHẨU

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Điều 17 Luật Hải quan số 29/2001-QH10 được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2001
Căn cứ Nghị định 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ
Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1697/CP-KTTH ngày 31.12.2002 của Chính phủ
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy đinh về điều kiện thành lập, quản lý hoạt động của Địa điểm làm thủ tục hải quan, Địa điểm kiểm tra hàng hoá ngoài cửa khẩu.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Quyết định 1495/2001/QĐ-TCHQ ngày 26/12/2001 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về địa điểm làm thủ tục hải quan, địa điểm kiểm tra hàng hoá ngoài cửa khẩu và các quy định hướng dẫn khác có liên quan.

Điều 3: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Trương Chí Trung

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP, QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN, ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA HÀNG HOÁ NGOÀI CỬA KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 52/2003/QĐ-BTC ngày 16 tháng 4 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I- QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Việc thành lập Địa điểm làm thủ tục hải quan đảm bảo các nguyên tắc sau:

1- Giải toả ách tắc hàng hoá xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư và hiện đại hoá quản lý hải quan.

2- Địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu được thành lập không quá xa cửa khẩu và phải có đủ điều kiện cần thiết để thực hiện việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, không để thẩm lậu và gian lận thương mại.

3- Địa phương thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu phải có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất nhập khẩu tại Địa điểm này để địa điểm hoạt động lâu dài, hiệu quả.

Điều 2: Địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu là nơi thực hiện các công việc về thủ tục hải quan quy định tại Điều 16 Luật Hải quan.

Địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu bao gồm trụ sở Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu và hệ thống kho, bãi đáp ứng yêu cầu lưu giữ hàng hoá và yêu cầu kiểm tra, giám sát hải quan.

Điều 3: Địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ngoài cửa khẩu là nơi cơ quan Hải quan thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, bao gồm:

1- Kho, bãi thuộc Địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nêu tại Điều 2.

2- Địa điểm kiểm tra hàng hoá tập trung: Là nơi tập kết hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để Hải quan kiểm tra ( bao gồm cả Trạm hàng lẻ - CFS là nơi gom nhiều lô hàng hoá xuất khẩu thành lô lớn để xuất khẩu và khai thác lô hàng nhập khẩu chung một vận tải đơn của nhiều chủ hàng).

3- Chân công trình: Là nơi tập kết thiết bị máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình.

4- Nơi sản xuất: Là nhà máy, xí nghiệp sản xuất của doanh nghiệp (áp dụng đối với mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu riêng về bảo quản, đóng gói, vệ sinh, công nghệ, an toàn; nhà máy có lượng hàng hoá xuất nhập khẩu lớn, thường xuyên).

II- ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC THÀNH LẬP ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN NGOÀI CỬA KHẨU

Điều 4: Điều kiện thành lập:

Tổ chức xin thành lập Địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu (trong phần II này gọi tắt là Địa điểm) phải là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Pháp luật. Doanh nghiệp đề nghị thành lập Địa điểm phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1- Có đăng ký kinh doanh ngành nghề giao nhận, vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu.

2- Được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thành lập Địa điểm chấp thuận và có văn bản đề nghị Bộ Tài chính.

3- Khu vực để thành lập Địa điểm phải hội đủ các điều kiện sau:

3.1- Ở nơi giao thông thuận tiện, cách cảng hoặc sân bay không quá 30km;

3.2- Ở nơi tập trung nhiều doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu (khi được thành lập Địa điểm có khả năng thu hút ít nhất 30 doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan thường xuyên).

3.3- Kho, bãi và các công trình phụ trợ phải đáp ứng yêu cầu kiểm tra thực tế hàng hoá, giám sát của cơ quan Hải quan, yêu cầu về an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường; có văn phòng riêng để cơ quan Hải quan thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ.

3.4- Phải có tường ngăn cách với khu vực xung quanh đảm bảo yêu cầu quản lý, giám sát của cơ quan Hải quan.

3.5- Có cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện vận tải phù hợp yêu cầu xếp, dỡ, lưu giữ, bảo quản hàng hoá và kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan.

3.6-Phải quản lý bằng máy vi tính và nối mạng với hệ thống máy vi tính của Hải quan.

3.7- Địa điểm phải có đủ điều kiện để cơ quan Hải quan có thể lắp đặt được máy móc thiết bị kiểm tra, giám sát như (máy soi, camera........)

Điều 5: Hồ sơ xin thành lập bao gồm:

1- Đơn đề nghị thành lập Địa điểm: 02 bản chính (theo mẫu tại phụ lục số 01).

2- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 01 bản sao.

3- Luận chứng kinh tế, kỹ thuật xây dựng: 01 bản sao.

4- Quy chế hoạt động: 01 bản chính;

5- Văn bản đề nghị của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 01 bản chính.

6- Chứng từ hợp pháp về quyền sử dụng đất để xây dựng Địa điểm: 01 bản sao.

Điều 6: Thủ tục và thẩm quyền quyết định thành lập:

1- Hồ sơ xin thành lập Địa điểm được gửi đến Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Cục Hải quan).

1.1- Cục Hải quan tiến hành thẩm định đề nghị của doanh nghiệp. Nội dung thẩm định bao gồm:

- Kiểm tra hồ sơ

- Khảo sát thực tế kho bãi

- Đánh giá việc đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 4 của quy định này.

1.2- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Cục Hải quan hoàn thành việc thẩm định, báo cáo kết quả với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, kèm theo đề xuất về bố trí cán bộ công chức trong phạm vi biên chế của Cục để đáp ứng yêu cầu hoạt động của Địa điểm mới thành lập.

1.3- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, văn bản thẩm định của Cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập Địa điểm. Trường hợp không chấp nhận thì Bộ Tài chính có văn bản trả lời doanh nghiệp và UBND tỉnh, thành phố.

2- Định kỳ mỗi năm một lần hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, Cục Hải quan thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật Hải quan của doanh nghiệp được phép thành lập và kinh doanh Địa điểm này. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp có vi phạm pháp luật Hải quan thì tuỳ theo mức độ vi phạm, xử lý theo quy định của Pháp luật hoặc kiến nghị với Tổng cục Hải quan trình Bộ trưởng Bộ Tài chính thu hồi Quyết định thành lập Địa điểm.

3- Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thu hồi Quyết định thành lập Địa điểm trong các trường hợp sau:

- Doanh nghiệp có văn bản đề nghị ngừng hoạt động;

- Quá thời hạn 06 tháng kể từ khi có Quyết định thành lập, doanh nghiệp không đưa Địa điểm vào hoạt động mà không có lý do chính đáng;

- Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh Địa điểm có vi phạm pháp luật Hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều này;

- Doanh nghiệp đã được phép hoạt động nhưng không duy trì được các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 4 quy định này.

4- Căn cứ vào quy mô hoạt động xuất nhập khẩu, kiến nghị của doanh nghiệp và phù hợp với vị trí địa lý, các điều kiện hoạt động của Địa điểm, sau khi có ý kiến của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Địa điểm hoạt động Cục trưởng Cục Hải quan quyết định việc cho phép doanh nghiệp thu hẹp hoặc mở rộng Địa điểm (sang khu vực liền kề); Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho phép di chuyển Địa điểm hoặc mở rộng Địa điểm (sang khu vực không liền kề).

III- ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC THÀNH LẬP ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU NGOÀI CỬA KHẨU (DƯỚI ĐÂY GỌI TẮT LÀ ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA)

Điều 7: Đối với Địa điểm kiểm tra hàng hoá tập trung:

1- Điều kiện thành lập:

1.1- Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề giao nhận, vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu

1.2- Khu vực để thành lập Địa điểm kiểm tra phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3, Điều 4 trên đây.

2- Bộ hồ sơ thành lập: Như quy định tại Điều 5 trên đây (trừ văn bản đề nghị của UBND tỉnh, thành phố).

3- Thủ tục thành lập: Thực hiện theo quy định tại Điều 6 trên đây.

4- Thẩm quyền quyết định thành lập: Trên cơ sở văn bản thẩm định và đề nghị của Cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định thành lập Địa điểm kiểm tra.

Điều 8: Đối với Địa điểm kiểm tra là chân công trình, Nơi sản xuất:

1- Cục trưởng Hải quan căn cứ quy định tại các khoản 3, 4 Điều 3 trên đây và các quy định có liên quan để ra quyết định công nhận Địa điểm kiểm tra này.

Địa điểm kiểm tra là chân công trình chỉ được hoạt động trong thời gian xây dựng, hình thành nhà máy, công trình.

2- Thủ tục xin công nhận:

- Doanh nghiệp có đơn đề nghị gửi Cục Hải quan. Đơn đề nghị phải ghi rõ tính đặc thù của hàng hoá, lượng hàng hoá xuất nhập khẩu, thời gian xin được công nhận (đối với Địa điểm kiểm tra là chân công trình).

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hợp lệ của doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Hải quan có văn bản công nhận hoặc trả lời doanh nghiệp nếu không chấp nhận (nêu rõ lý do).

IV- TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP, HẢI QUAN VÀ UBND TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Điều 9: Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh Địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu và Địa điểm kiểm tra hàng hoá:

1- Thực hiện đầy đủ các yêu cầu về điều kiện thành lập quy định tại Điều 4 trên đây.

2- Bảo đảm nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan, niêm phong hãng tàu trong thời gian hàng hoá lưu giữ tại các Địa điểm này.

3- Tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan Hải quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về Hải quan theo quy định của Pháp luật.

4- Chấp hành đầy đủ các quy định của Pháp luật về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

5- Chịu trách nhiệm quản lý hàng hoá trong khu vực Địa điểm làm thủ tục hải quan, Địa điểm kiểm tra hàng hoá ngoài thời gian làm việc của cơ quan Hải quan.

6- Chịu trách nhiệm trước chủ hàng về hàng hoá lưu giữ tại Địa điểm làm thủ tục hải quan, Địa điểm kiểm tra hàng hoá tập trung.

7- Chịu trách nhiệm trước Pháp luật nếu liên quan đến hành vi buôn lậu và gian lận thương mại hàng hoá xuất nhập khẩu xẩy ra trong khu vực Địa điểm làm thủ tục hải quan, Địa điểm kiểm tra hàng hoá do doanh nghiệp quản lý, khai thác.

Điều 10: Trách nhiệm của Hải quan:

Khu vực bên trong tường rào ranh giới của Địa điểm làm thủ tục hải quan và Địa điểm kiểm tra hàng hoá là phạm vi địa bàn hoạt động hải quan. Trách nhiệm của cơ quan Hải quan:

1- Trong thời gian làm việc, Cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm:

a- Làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu theo đúng quy định của pháp luật.

b- Kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với mọi hoạt động liên quan đến hàng hoá xuất nhập khẩu tại địa bàn hoạt động này.

2- Phối kết hợp với các cơ quan chức năng trong nhiệm vụ phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại ở khu vực ngoài Địa điểm làm thủ tục hải quan, Địa điểm kiểm tra hàng hoá và ngoài giờ làm việc.

Điều 11: Trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

1- Lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện để kinh doanh Địa điểm làm thủ tục hải quan và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn này. Khi lựa chọn phải tính tới yếu tố hiệu quả kinh tế và khả năng quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý Nhà nước khác, không đề nghị thành lập tràn lan (Trừ các tỉnh, thành phố có cảng lớn và có nhiều khu công nghiệp, các nơi khác nếu có đủ điều kiện quy định thì thành lập mỗi nơi 01 Địa điểm).

2- Quản lý hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh Địa điểm làm thủ tục hải quan theo đúng quy định của Pháp luật.

3- Chỉ đạo các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ trong việc đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại ngoài khu vực Địa điểm làm thủ tục hải quan, Địa điểm kiểm tra hàng hoá; thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh Địa điểm làm thủ tục hải quan, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan Hải quan.

V- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12: Những Địa điểm làm thủ tục hải quan, Địa điểm kiểm tra hàng hoá đã được thành lập trước ngày ban hành quy định này được tiếp tục hoạt động, nhưng trong thời gian tối đa 06 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành phải bổ sung đủ các điều kiện theo quy định tại Quyết định này. Qua thời hạn trên, doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện quy định thì Địa điểm phải chấm dứt hoạt động.


PHỤ LỤC SỐ 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

......, ngày.... tháng..... năm.....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ THÀNH LẬP ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN/ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU NGOÀI CỬA KHẨU

Kính gửi: Tổng cục Hải quan.

Đồng kính gửi: Cục Hải quan tỉnh, thành phố........................

Công ty............................................................................................................

đề nghị Quý cơ quan xem xét công nhận Địa điểm làm thủ tục hải quan/Địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu ngoài cửa khẩu của Công ty tại..................

.........................................................................................................................

Kèm theo Đơn này, Công ty.............................................................................

Xin gửi bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 5, Quyết định số 52 /2003/QĐ-BTC ngày 16 tháng 4 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về điều kiện thành lập, quản lý hoạt động của Địa điểm làm thủ tục hải quan, Địa điểm kiểm tra hàng hoá ngoài cửa khẩu, gồm:

.........................................................................................................................

.........................................................................................................................

.........................................................................................................................

Công ty xin cam đoan chiu tránh nhiệm trước pháp luật về bộ hồ sơ gồm những loại giấy tờ trên là hợp pháp và Công ty sẽ đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 5 và các quy định khác tại Quyết định số ......./2003/QĐ-BTC ngày... tháng... năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về điều kiện thành lập, quản lý hoạt động của Địa điểm làm thủ tục hải quan, Địa điểm kiểm tra hàng hoá ngoài cửa khẩu.

Giám đốc Công ty

(Ký ghi rõ họ tên, đóng dấu)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 52/2003/QĐ-BTC quy định về điều kiện thành lập, quản lý hoạt động của địa điểm làm thủ tục hải quan, địa điểm kiểm tra hàng hoá ngoài cửa khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 52/2003/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/04/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trương Chí Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 38
  • Ngày hiệu lực: 30/05/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản