Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/BCĐ138/CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 2 năm 1999

 

KẾ HOẠCH CỦA BAN CHỈ ĐẠO CTQG PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM SỐ 01/BCĐ 138/CP NGÀY 10 THÁNG 02 NĂM 1999 TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 09/1998/NQ-CP NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 1998 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM

Ngày 31 tháng 7 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tôi phạm trong tình hình mới; Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm yêu cầu các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:

1. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trên cơ sở xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp thường xuyên có hiệu quả trong phòng, chống tội phạm giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức kinh tế, xã hội. Đề cao trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đồng thời nâng cao vai trò nòng cốt và xung kích của lực lượng Công an trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.

2. Kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa và chủ động tấn công trấn áp tội phạm, trước hết ở các địa bàn trọng điểm, các đô thị. Phát huy tính chủ động của các cấp cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm.

3. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực điều hành của chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tội phạm, góp phần lập lại trật tự kỷ cương xã hội. Tạo sự chuyển biến rõ rệt về trật tự an toàn xã hội nhất là ở những địa bàn trọng điểm.

II. CÁC BIỆN PHÁP CHỦ YẾU:

1. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về các chủ trương, biện pháp lớn của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, các mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, vai trò quần chúng nhân dân trong phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; đề cao trách nhiệm, vai trò chủ động của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng tham gia, phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tổ chức quản lý, giáo dục, cảm hoá người vi phạm pháp luật tại cơ sở, thực hiện tốt công tác tái hoà nhập cộng đồng.

2. Xây dựng lực lượng công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác thật sự trở thành nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; củng cố lực lượng bảo vệ chuyên trách và bán chuyên trách, các tổ chức đoàn thể quần chúng ở cơ sở phường, xã và tăng cường sự hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm.

3. Tổ chức lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, trấn áp, truy tố và xét xử kịp thời các loại tội phạm nghiêm trọng, nguy hiểm như: tội phạm có tổ chức, ma tuý, tham nhũng, buôn lậu, giết người, cướp của, tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. Tiếp tục chấn chỉnh công tác bắt, giam giữ đồng thời nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân và các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người vi phạm pháp luật.

4. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các đề án của Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm. Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật đấu tranh phòng, chống tội phạm.

5. Lồng ghép việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm với các Chương trình hành động phòng, chống ma tuý, Chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội và các Chương trình kinh tế - xã hội khác, đồng thời kết hợp chặt chẽ việc thực hiện các chủ trương công tác lớn của Chính phủ về trật tự an toàn xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên các lĩnh vực nhằm hạn chế và từng bước loại trừ những nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm, đảm bảo sự ổn định vững chắc về trật tự xã hội.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các Bộ Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá - Thông tin, Tư pháp và các cơ quan Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí MInh, là thành viên Ban chỉ đạo 138 cử chuyên viên tham gia bộ phận thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo. Thành lập bộ phận thường trực giúp việc và phân công nhiệm vụ của các thành viên tham gia bộ phận thường trực, xây dựng và hoàn thành các đề án của Chương trình trong quý 1 năm 1999.

2. Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm vào quý I năm 1999. Trong tháng 3 năm 1999 các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai ở đơn vị, địa phương mình.

3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; có kế hoạch chỉ đạo, phối hợp cụ thể giữa các Ban, ngành đoàn thể; chọn các địa bàn triển khai điểm để rút kinh nghiệm trong địa phương mình. Bộ phận Thường trực giúp Ban Chỉ đạo của địa phương đặt tại công an tỉnh, thành; Bộ trưởng Bộ Công an bố trí cán bộ để giúp Ban Chỉ đạo.

4. Tổ chức chỉ đạo điểm việc thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm tại thành phố Hải Phòng. Triển khai điểm về công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh; phát động phong trào quần chúng tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại cộng đồng dân cư tại tỉnh Thanh Hoá; xây dựng và củng cố các tổ chức tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại thành phấ Đà Nẵng. Thời gian chỉ đạo điểm là 1 năm, sau 6 tháng sơ kết và sau 1 năm tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.

Ban Chỉ đạo 138 của các địa phương: thành phố Hồ Chí MInh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Đà Nẵng chuẩn bị kế hoạch, nội dung xong trước tháng 3 năm 1999, có sự thống nhất giữa Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 138 của tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện.

5. Tập trung xây dựng các đề án của Chương trình, trình Ban Chỉ đạo 138 duyệt trước tháng 3 năm 1999. Cụ thể:

- Bộ Công an hoàn thành xây dựng đề án: "Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm và tội phạm có tính quốc tế" và đề án "Đấu tranh phòng, chống các loại tội xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên"

- Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện đề án "Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân bảo vệ an ninh trật tự".

- Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì thực hiện đề án "Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hoá, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư".

6. Bộ Văn hoá - Thông tin xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tập trung tổ chức tuyên truyền một cách sâu rộng cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ các chủ trương biện pháp lớn của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, các mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm và trách nhiệm của các ngành, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân trong phòng, ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

7. Bộ Công an xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp nghiệp vụ; mở đợt đồng loạt phát động quần chúng tấn công trấn áp tội phạm, đặc biệt đối với các loại tội phạm nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, nâng cao hiệu quả các biện pháp quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự; củng cố các lực lượng nghiệp vụ trực tiếp phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, nhất là các lực lượng ở cơ sở; phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của lực lượng Công an nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh chống tôi phạm.

- Thường trực Ban Chỉ đạo 138 lập kế hoạch dự trù kinh phí phục vụ triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm từ nay đến năm 2000, báo cáo Chính phủ phê duyệt.

8. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện chế độ báo cáo hàng tháng, quý và đột xuất về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Bộ, ngành, địa phương mình về Ban Chỉ đạo 138 đồng gửi Bộ Công an (cơ quan thường trực). Ban Chỉ đạo có kế hoạch định kỳ kiểm tra các địa phương để giải quyết công việc tại chỗ. 6 tháng và hàng năm Ban Chỉ đạo tổ chức sơ kết việc thực hiện, để rút kinh nghiệm và có kế hoạch chỉ đạo tiếp.

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 51/1999/QĐ-NHNN1 về Quy chế dự tữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 51/1999/QĐ-NHNN1
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/02/1999
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Dương Thu Hương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 01/03/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 01/08/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản