Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 505/QĐ-VKSTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;

Căn cứ B luật Tố tụng hình sự năm 2015;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự; 35 mẫu văn bản thực hiện trong giai đoạn thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự; Phụ lục về thẩm quyền ký, ký thay, ký thừa lệnh, ký thừa ủy quyền văn bản tố tụng, văn bản hành chính - tư pháp trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 và thay thế Quyết định số 960/2007/QĐ-VKSTC ngày 17/09/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.

Điều 3. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Lãnh đạo VKSNDTC;
- Lưu: VT, Vụ 7.

VIỆN TRƯỞNG




Lê Minh Trí

 

QUY CHẾ

CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Chức năng

Trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, Viện kiểm sát có trách nhiệm:

1. Thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội, không làm oan người vô tội, pháp nhân thương mại vô tội.

2. Kiểm sát việc xét xử nhằm kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xét xử, bảo đảm việc xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử

1. Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 266 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 18 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Khi thực hành quyền công tố theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trong trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội;

b) Tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm;

c) Xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật;

d) Thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị;

đ) Trình bày kháng nghị của Viện kiểm sát; phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án;

e) Tranh tụng tại phiên tòa;

g) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật khác có liên quan.

3. Khi thực hành quyền công tố theo thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

b) Trình bày nội dung kiến nghị của Viện kiểm sát; phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội, đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

c) Phát biểu quan điểm về việc có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có hay không có tình tiết mới quan trọng làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và quan điểm về việc giải quyết vụ án;

d) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử

1. Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 267 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 19 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án;

b) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật tố tụng;

c) Kiểm sát bản án, quyết định, văn bản tố tụng khác của Tòa án;

d) Yêu cầu Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án hình sự chuyển hồ sơ để xem xét, quyết định việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm;

đ) Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng;

e) Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng;

g) Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý;

h) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật khác có liên quan.

3. Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các chủ thể khác có liên quan;

b) Kiểm sát quyết định, văn bản tố tụng khác của Tòa án;

c) Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng;

d) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 4. Phạm vi công tác

Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự bắt đầu từ khi Viện kiểm sát chuyển bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn cùng hồ sơ vụ án đến Tòa án để xét xử và kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị hoặc không bị yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Điều 5. Quan hệ công tác

1. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên. Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 41 Bộ luật Tố tụng hình sự; Kiểm sát viên được Viện trưởng phân công thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 42 Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định của Quy chế này. Thẩm quyền ký, ký thay, ký thừa lệnh, ký thừa ủy quyền đối với văn bản thuộc Viện kiểm sát các cấp được thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình.

Viện trưởng Viện kiểm sát có trách nhiệm xử lý nghiêm minh đối với vi phạm pháp luật của Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ được giao; có quyền rút, đình chỉ hoặc hủy bỏ các hành vi, quyết định trái pháp luật của Kiểm sát viên.

Trường hợp Kiểm sát viên có quan điểm khác với quan điểm của Viện trưởng thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với Viện trưởng. Nếu Viện trưởng vẫn quyết định khác quan điểm thì Kiểm sát viên phải chấp hành nhưng không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền.

4. Trường hợp vụ án có nhiều Kiểm sát viên tham gia giải quyết thì Kiểm sát viên ở ngạch thấp hơn phải tuân theo sự phân công, chỉ đạo của Kiểm sát viên ở ngạch cao hơn.

Trường hợp vụ án có nhiều Kiểm sát viên cùng ngạch tham gia giải quyết thì Viện trưởng quyết định phân công một Kiểm sát viên chịu trách nhiệm chính.

Trường hợp vụ án có cả Kiểm sát viên và Kiểm tra viên tham gia giải quyết thì Kiểm tra viên phải tuân theo sự chỉ đạo của Kiểm sát viên.

5. Việc phân công, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong từng đơn vị, từng cấp Viện kiểm sát được thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị, Viện kiểm sát đó.

Điều 6. Phân công, thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp

1. Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định phân công, thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp theo các Điều 41, 42 và 52 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Quyết định phân công, thay đổi Kiểm sát viên được lập theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lưu hồ sơ kiểm sát.

Điều 7. Sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa

1. Sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa thực hiện theo Điều 289 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Đối với những vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm hoặc vụ án liên quan đến người có chức sắc cao trong tôn giáo, nhân sĩ, trí thức có tên tuổi, người nước ngoài hoặc dự kiến xét xử bị cáo với mức hình phạt cao nhất, nếu thấy cần thiết thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát phải trực tiếp tham gia phiên tòa.

3. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát tham gia phiên tòa thì Viện trưởng trực tiếp hoặc ủy quyền cho một Phó Viện trưởng ký quyết định phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự tại phiên tòa. Phó Viện trưởng ký quyết định phân công phải ghi rõ là “KT. VIỆN TRƯỞNG”.

Điều 8. Thụ lý, quản lý án hình sự và lập hồ sơ kiểm sát

1. Việc thụ lý, quản lý án hình sự được thực hiện theo quy định về chế độ quản lý án hình sự và chế độ công tác hồ sơ nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải lập hồ sơ kiểm sát theo quy định về lập hồ sơ kiểm sát án hình sự của ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 9. Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án

1. Trước khi tham gia phiên tòa xét xử, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát về kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án.

2. Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án phải bằng văn bản nêu rõ các nội dung sau: lý lịch bị cáo, tóm tắt nội dung vụ án, hành vi phạm tội của từng bị cáo, hệ thống chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, những mâu thuẫn của các tài liệu, chứng cứ (nếu có), phương án giải quyết, kiến nghị vi phạm trong hoạt động tư pháp (nếu có), nội dung kháng cáo, kháng nghị, khiếu nại, nội dung bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm (nếu có), quan điểm của Viện kiểm sát đã giải quyết vụ án, ý kiến của Viện kiểm sát cấp trên (nếu có), đề xuất đường lối giải quyết vụ án, áp dụng tội danh, điểm, khoản, điều, các biện pháp tư pháp, việc xử lý vật chứng, tài sản, tài liệu, đồ vật liên quan, biện pháp bảo vệ, biện pháp cưỡng chế, thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả và những nội dung khác có liên quan đến vụ án theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án được lập theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lưu hồ sơ kiểm sát. Lãnh đạo Viện kiểm sát phải có ý kiến chỉ đạo, phê duyệt cụ thể vào báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án của Kiểm sát viên.

Điều 10. Phối hợp với Tòa án chuẩn bị xét xử

1. Viện kiểm sát phối hợp với Tòa án cùng cấp để chuẩn bị xét xử vụ án hình sự theo quy định của pháp luật và quy chế phối hợp giữa hai Ngành.

2. Tùy theo tính chất và nội dung vụ án mà Viện kiểm sát phối hợp với Tòa án để chuẩn bị các nội dung sau: phương án giải quyết; thời gian, địa điểm xét xử; những người cần triệu tập đến phiên tòa; thông tin về sức khoẻ, tâm lý của bị can, bị cáo; việc tuyên truyền và những vấn đề khác có liên quan đến việc xét xử vụ án. Đối với vụ án phức tạp, thì có thể mời lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và một số cơ quan hữu quan khác tham dự.

Điều 11. Báo cáo, thông báo kết quả phiên tòa và rút kinh nghiệm

1. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay kết quả xét xử vụ án với lãnh đạo Viện kiểm sát. Báo cáo kết quả xét xử được gửi đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gửi thông báo kết quả xét xử phúc thẩm cho Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án có bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gửi thông báo kết quả xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cho Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án có bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

2. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm phải làm báo cáo kèm theo các tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ án gửi Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm.

3. Báo cáo kết quả phiên tòa được lập theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lưu hồ sơ kiểm sát.

4. Trường hợp Viện kiểm sát cấp trên phát hiện có vi phạm, thiếu sót trong hoạt động tố tụng, thì thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cấp dưới để rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục.

Thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự trung ương; thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong toàn quốc; thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

Thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát quân sự trung ương gửi Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu; thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gửi Viện kiểm sát quân sự khu vực.

5. Việc gửi báo cáo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án. Việc gửi thông báo quy định tại khoản 4 Điều này được thực hiện trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra văn bản thông báo.

Điều 12. Tuyên truyền kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử

Tùy từng vụ án, Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát để phối hợp với các cơ quan hữu quan, các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin về kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử theo quy định về cung cấp thông tin của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, góp phần tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Điều 13. Kiến nghị khắc phục vi phạm và phòng ngừa vi phạm, tội phạm

1. Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự, nếu phát hiện vi phạm pháp luật, thiếu sót của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thì Viện kiểm sát thực hiện việc kiến nghị để khắc phục vi phạm pháp luật và phòng ngừa vi phạm, tội phạm theo Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Việc kiến nghị có thể theo từng vụ việc cụ thể hoặc tổng hợp nhiều vi phạm để kiến nghị nhưng phải kịp thời. Kiến nghị có thể bằng văn bản hoặc trao đổi trực tiếp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm, thiếu sót. Trường hợp kiến nghị tổng hợp nhiều vi phạm thì phải bằng văn bản.

2. Kiến nghị quy định tại khoản 1 Điều này được gửi ngay đến cơ quan, tổ chức, cá nhân bị kiến nghị; đồng thời gửi đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.

Kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp cao. Kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gửi Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự. Kiến nghị của Viện kiểm sát quân sự khu vực gửi Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu. Kiến nghị của Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gửi Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Điều 14. Quản lý, giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát

1. Việc bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm giải quyết của Viện kiểm sát thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao báo cáo danh sách và kết quả giải quyết các vụ việc bồi thường gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự); Viện kiểm sát quân sự khu vực và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu báo cáo gửi Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự có trách nhiệm tham mưu giúp lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo dõi, quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra công tác bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Ngành; phối hợp với Viện kiểm sát các cấp lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường, quản lý, sử dụng ngân sách chi trả tiền bồi thường trong tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường được lập theo Hướng dẫn quy trình giải quyết đơn yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

Quá trình giải quyết các vụ việc bồi thường, nếu có vướng mắc thì Viện kiểm sát cấp dưới báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự) để được hướng dẫn kịp thời.

3. Trường hợp phát sinh vụ việc bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm giải quyết của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên, lãnh đạo Viện kiểm sát phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm để xem xét xử lý và xác định trách nhiệm hoàn trả (nếu có) theo quy định của pháp luật. Báo cáo kiểm điểm được lập thành văn bản và đưa vào hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường.

Điều 15. Xử lý đơn, thông báo, kiến nghị, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; đơn khiếu nại, tố cáo

1. Khi nhận được đơn, thông báo, kiến nghị, đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Quy chế này.

2. Khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo đối với quyết định, hành vi tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát thì chuyển cho đơn vị có chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Chương II

THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT XÉT XỬ SƠ THẨM

Điều 16. Nghiên cứu hồ sơ vụ án

1. Trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án, lập bản nghiên cứu tổng hợp chứng cứ để nắm vững các nội dung sau: lý lịch bị can, bị cáo, hành vi phạm tội của từng bị can, bị cáo, hệ thống chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, mâu thuẫn của các tài liệu, chứng cứ (nếu có), các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các yêu cầu về bồi thường thiệt hại hoặc trách nhiệm dân sự trong vụ án (nếu có); ý kiến của Viện kiểm sát cấp trên (nếu có); đề xuất đường lối giải quyết vụ án, áp dụng tội danh, điểm, khoản, điều; áp dụng các biện pháp tư pháp, việc xử lý vật chứng, tài sản, tài liệu, đồ vật liên quan; áp dụng biện pháp bảo vệ, biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả và những nội dung khác liên quan đến vụ án theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án được thực hiện theo Điều 9 Quy chế này.

2. Đối với những vụ án trọng điểm, phức tạp, Viện kiểm sát cấp dưới báo cáo Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để nghiên cứu, theo dõi, chỉ đạo việc thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử.

Điều 17. Kiểm sát việc chuẩn bị xét xử của Tòa án

1. Kiểm sát viên phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án về các nội dung sau: thẩm quyền xét xử; thời hạn chuẩn bị xét xử; việc ra quyết định, giao, gửi quyết định; việc giải quyết yêu cầu, đề nghị trước khi mở phiên tòa; việc triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa; việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật và các việc khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Khi kiểm sát việc chuẩn bị xét xử của Tòa án, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp bảo vệ của Tòa án; phối hợp chặt chẽ với bộ phận, phòng kiểm sát tạm giữ, tạm giam, yêu cầu Tòa án gửi đầy đủ các quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.

3. Khi phát hiện có vi phạm pháp luật thì báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát kiến nghị, yêu cầu Tòa án khắc phục hoặc kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 18. Xác định yêu cầu của việc xét xử vụ án

Kiểm sát viên phải căn cứ vào tính chất, hậu quả của từng vụ án và yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát để chủ động phối hợp với Tòa án tổ chức phiên toà xét xử, bảo đảm thiết thực, phù hợp với thực tế nhằm tuyên truyền và nâng cao ý thức pháp luật cho quần chúng nhân dân.

Điều 19. Xem xét vật chứng, xem xét tại chỗ hoặc hỏi bị can, bị cáo và giải quyết yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ

1. Khi thấy cần thiết, Kiểm sát viên xem xét tại chỗ đối với những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa, xem xét nơi xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án, gặp bị can, bị cáo để hỏi cung, gặp bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để ghi lời khai đối với những trường hợp: vụ án có bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa hoặc người có nhược điểm về tâm thần; vụ án có bị can, bị cáo mà Kiểm sát viên đề nghị truy tố ở khung hình phạt có mức cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình; vụ án mà lời khai của bị can, bị cáo, bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án có mâu thuẫn; vụ án mà bị can, bị cáo kêu oan và các trường hợp thấy cần thiết khác.

2. Việc xem xét vật chứng, xem xét tại chỗ, hỏi bị cáo hoặc các hoạt động khác thực hiện theo khoản 1 Điều này phải được lập biên bản theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, chuyển cho Tòa án để đưa vào hồ sơ vụ án và sao chụp để lưu hồ sơ kiểm sát.

3. Đối với những chứng cứ, tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc Tòa án cung cấp thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật, Kiểm sát viên phải xem xét báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát và chuyển lại chứng cứ, tài liệu, đồ vật này cho Tòa án để đưa vào hồ sơ vụ án và sao chụp để lưu hồ sơ kiểm sát.

4. Trường hợp Tòa án yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ theo Điều 284 Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, Kiểm sát viên phải xem xét yêu cầu của Tòa án, nếu bổ sung được thì thu thập tài liệu, chứng cứ và chuyển cho Tòa án; nếu không bổ sung được thì báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát quyết định.

Điều 20. Giải quyết việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Khi Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ quyết định của Tòa án, nếu thấy có căn cứ thì báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát để Viện kiểm sát trực tiếp điều tra bổ sung hoặc ra quyết định trả hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật; nếu thấy không có căn cứ hoặc không điều tra bổ sung được những vấn đề Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát trả lời bằng văn bản cho Tòa án.

Trường hợp trước khi xét xử, nếu thấy có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát xem xét và có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung những vụ án do Viện kiểm sát cấp trên quyết định truy tố và phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử thì thực hiện theo quy chế nghiệp vụ khác có liên quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Kiểm sát viên chú ý kiểm sát thời hạn tạm giam bị can, bị cáo; kịp thời yêu cầu Tòa án tiếp tục tạm giam bị can, bị cáo để bảo đảm việc giải quyết vụ án.

2. Sau khi có kết quả điều tra bổ sung, nếu có căn cứ đình chỉ vụ án thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát quyết định và thông báo bằng văn bản cho Tòa án trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định.

3. Trường hợp Tòa án trả hồ sơ với lý do bị cáo phạm một tội khác hoặc về tội nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố thì Kiểm sát viên báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát xem xét, quyết định. Nếu kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi quyết định truy tố thì Kiểm sát viên phải báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát ban hành bản cáo trạng mới thay thế bản cáo trạng trước đó.

Điều 21. Rút quyết định truy tố; kết luận về khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố

1. Trước khi mở phiên tòa, nếu xét thấy có căn cứ rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố thì Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án phải báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát xem xét, quyết định. Việc rút quyết định truy tố phải bằng văn bản và nêu rõ lý do. Quyết định rút quyết định truy tố được lập theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lưu hồ sơ kiểm sát. Trường hợp rút toàn bộ quyết định truy tố thì đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án.

2. Tại phiên tòa, sau khi xét hỏi, nếu có căn cứ rõ ràng để rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn; kết luận về khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng điều luật làm thay đổi quyết định truy tố hoặc đường lối xử lý đã được lãnh đạo Viện kiểm sát cho ý kiến thì Kiểm sát viên quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện kiểm sát. Trường hợp có đủ căn cứ để kết luận về một tội danh khác nặng hơn thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để xem xét và báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát quyết định.

3. Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, nếu tại phiên tòa xét xử có những tình tiết khác với nội dung truy tố của Viện kiểm sát cấp trên thì Kiểm sát viên đề nghị hoãn phiên tòa và báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình để báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên xem xét, quyết định. Trường hợp Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử thì Kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình để báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên xem xét, quyết định.

Điều 22. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử sơ thẩm

1. Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát việc tuân theo pháp luật từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử trong giai đoạn xét xử sơ thẩm theo quy định tại Điều 267 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Trước khi mở phiên tòa, Kiểm sát viên phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử về việc: thực hiện các yêu cầu cung cấp, bổ sung chứng cứ; triệu tập người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án; áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; xét xử theo thủ tục rút gọn, xét xử công khai hoặc xét xử kín; thông báo cho những người tham gia tố tụng biết thời gian, địa điểm xét xử và các hoạt động tố tụng khác.

3. Kiểm sát viên phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng từ khi bắt đầu đến khi kết thúc phiên tòa, bảo đảm việc xét xử được công minh, đúng pháp luật.

4. Kiểm sát viên phải đề nghị tạm ngừng phiên tòa hoặc hoãn phiên tòa nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 251, khoản 1 Điều 297 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trường hợp Kiểm sát viên đề nghị tạm ngừng hoặc hoãn phiên tòa mà Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử thì Kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện kiểm sát xem xét, quyết định.

5. Khi phát hiện có vi phạm khác về thủ tục tố tụng thì kiến nghị, yêu cầu Hội đồng xét xử khắc phục kịp thời.

Điều 23. Công bố bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn

Trước khi tiến hành xét hỏi, Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn và quyết định khác về việc buộc tội đối với bị cáo, bổ sung làm rõ thêm nội dung bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn (nếu có). Ý kiến bổ sung không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo.

Điều 24. Tham gia xét hỏi

1. Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, Kiểm sát viên bắt buộc phải tham gia xét hỏi. Trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải chuẩn bị đề cương xét hỏi, dự kiến các vấn đề cần làm sáng tỏ, những vấn đề mà người bào chữa quan tâm, dự kiến các tình huống khác có thể phát sinh tại phiên tòa để tham gia xét hỏi nhằm xác định sự thật của vụ án và các tình tiết khác có liên quan đến việc định tội và đề nghị mức hình phạt. Chú ý các mâu thuẫn để có phương pháp xét hỏi giải quyết các mâu thuẫn và bác bỏ những lời chối tội không có cơ sở, chuẩn bị các câu hỏi để làm rõ vấn đề mà người bào chữa quan tâm.

Đề cương xét hỏi được xây dựng theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lưu hồ sơ kiểm sát.

2. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên theo dõi, ghi chép đầy đủ nội dung xét hỏi của Hội đồng xét xử, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác và ý kiến trả lời của người được xét hỏi, chủ động tham gia xét hỏi theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa để xác định sự thật khách quan của vụ án, làm sáng tỏ hành vi phạm tội, tội danh, vai trò, vị trí của từng bị cáo, trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp.

3. Khi có người tham gia tố tụng xuất trình chứng cứ, tài liệu, đồ vật mới tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần kiểm tra và xét hỏi về nguồn gốc, nội dung chứng cứ, tài liệu, đồ vật đó để kết luận về tính hợp pháp và tính có căn cứ của chứng cứ, tài liệu, đồ vật.

Trường hợp chưa đủ căn cứ kết luận mà chứng cứ, tài liệu, đồ vật mới đó có thể làm thay đổi nội dung, bản chất vụ án thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để xác minh.

4. Khi xét hỏi, Kiểm sát viên phải đặt câu hỏi khách quan, rõ ràng, dễ hiểu, tránh giải thích, kết luận ngay.

Điều 25. Luận tội

1. Trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải dự thảo bản luận tội theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lưu hồ sơ kiểm sát. Đối với vụ án trọng điểm, phức tạp hoặc xét xử lưu động, Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát cho ý kiến về dự thảo bản luận tội.

2. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải ghi chép đầy đủ việc kiểm tra những chứng cứ, tài liệu, đồ vật tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự và những người tham gia tố tụng khác để hoàn chỉnh dự thảo bản luận tội.

3. Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên trình bày bản luận tội và kết luận vụ án theo hướng sau: đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn; kết luận về khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật; kết luận về một tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố nếu có căn cứ và các nội dung khác theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 Luận tội của Kiểm sát viên chỉ căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa.

Điều 26. Tranh luận

1. Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, Kiểm sát viên bắt buộc phải tranh luận.

Kiểm sát viên dự kiến những vấn đề cần tranh luận tại phiên tòa. Đề cương tranh luận được dự thảo theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lưu hồ sơ kiểm sát.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải ghi chép đầy đủ ý kiến của những người tham gia tố tụng để chuẩn bị tranh luận. Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật và lập luận để đối đáp đến cùng đối với từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác.

Nếu vụ án có nhiều người bào chữa cho bị cáo hoặc những người tham gia tố tụng khác có cùng ý kiến về một nội dung thì Kiểm sát viên tổng hợp lại để đối đáp chung cho các ý kiến đó.

2. Trường hợp chủ tọa phiên tòa đề nghị Kiểm sát viên đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác chưa được tranh luận thì Kiểm sát viên thực hiện theo đề nghị của chủ tọa phiên tòa, nếu đã tranh luận một phần thì Kiểm sát viên tranh luận bổ sung cho đầy đủ, không lặp lại những nội dung đã tranh luận trước.

3. Trường hợp cần xem xét thêm chứng cứ, Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc xét hỏi thì sau khi xét hỏi xong Kiểm sát viên phải tiếp tục tranh luận như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Khi tranh luận, Kiểm sát viên phải bình tĩnh, khách quan và tôn trọng ý kiến của những người tham gia tố tụng, ghi nhận ý kiến đúng đắn và bác bỏ những ý kiến, đề nghị không có căn cứ pháp luật.

5. Đối với vụ án phức tạp, có nhiều Kiểm sát viên tham gia phiên tòa thì lãnh đạo Viện kiểm sát phải phân công cụ thể cho từng Kiểm sát viên chuẩn bị các nội dung, chứng cứ, lập luận để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Điều 27. Xem xét việc Kiểm sát viên rút quyết định truy tố tại phiên tòa

1. Tại phiên tòa, nếu Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố không có căn cứ nhưng Hội đồng xét xử vẫn chấp nhận và tuyên bị cáo không phạm tội thì Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

2. Trường hợp Tòa án có kiến nghị với Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp về việc Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố tại phiên tòa không có căn cứ, thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhận được kiến nghị nghiên cứu, quyết định hủy việc rút quyết định truy tố và thông báo bằng văn bản cho Tòa án đã kiến nghị biết.

Nếu việc rút quyết định truy tố của Kiểm sát viên có căn cứ, thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhận được kiến nghị thông báo bằng văn bản cho Tòa án để chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát xem xét, xử lý theo quy định.

Điều 28. Kiểm sát việc tuyên án

1. Khi chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án, Kiểm sát viên phải ghi lại những nhận định quan trọng và nội dung quyết định của bản án để làm căn cứ kiểm tra biên bản phiên tòa, bản án và chuẩn bị nội dung báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát kiến nghị, kháng nghị nếu cần thiết.

2. Ngay sau khi tuyên án, Kiểm sát viên phải kiểm sát việc Hội đồng xét xử trả tự do cho bị cáo hoặc bắt tạm giam bị cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (nếu có).

Điều 29. Kiểm tra biên bản phiên tòa

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải kiểm tra biên bản phiên tòa, nếu phát hiện biên bản phiên tòa ghi không đầy đủ hoặc không chính xác thì yêu cầu Thư ký Tòa án phải ghi sửa đổi, bổ sung vào cuối biên bản phiên tòa và đề nghị chủ tọa phiên tòa ký xác nhận.

Điều 30. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án

1. Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án phải kiểm sát chặt chẽ việc giao bản án, quyết định của Tòa án và việc gửi hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm phát hiện những sai sót và vi phạm của Tòa án trong việc ra bản án, quyết định, kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát ban hành kiến nghị, kháng nghị. Kiểm sát viên kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án bằng phiếu kiểm sát bản án. Kiểm sát viên chú ý kiểm sát việc giao cho Viện kiểm sát cùng cấp và gửi cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo Điều 262 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Việc sao gửi bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật cho Viện kiểm sát cấp trên để kiểm sát, xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện như sau:

a) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gửi bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện tới Viện kiểm sát nhân dân cấp cao trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ; thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh biết bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật;

b) Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gửi bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh tới Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

c) Viện kiểm sát quân sự khu vực gửi bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cùng cấp tới Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Điều 31. Giải quyết hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát cấp trên phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử

Những hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát cấp trên phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự tại phiên toà sơ thẩm thực hiện theo Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trường hợp Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung thì Kiểm sát viên chú ý kiểm sát thời hạn tạm giam bị can, bị cáo; kịp thời yêu cầu Tòa án tiếp tục tạm giam bị can, bị cáo để bảo đảm việc giải quyết vụ án.

Điều 32. Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm

Khi phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Nếu quá thời hạn kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự mới phát hiện vi phạm pháp luật hoặc phát hiện có tình tiết mới thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm kèm theo các tài liệu có liên quan như bản án, quyết định sơ thẩm, biên bản phiên tòa. Khi nhận được đề nghị kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới, Viện kiểm sát cấp trên xem xét rút hồ sơ vụ án, phân công Kiểm sát viên nghiên cứu để báo cáo Viện trưởng xem xét việc kháng nghị (nếu có căn cứ). Sau khi quyết định việc kháng nghị, Viện kiểm sát cấp trên trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Rút kinh nghiệm về thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sau phiên tòa

Căn cứ vào tính chất vụ án và kết quả xét xử, Kiểm sát viên đề xuất hoặc lãnh đạo Viện kiểm sát quyết định tổ chức rút kinh nghiệm về công tác nghiệp vụ, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân để phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa thiếu sót nhằm nâng cao trình độ chuyên môn.

Điều 34. Theo dõi kết quả xét xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm

1. Nếu bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị thì Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm phải theo dõi kết quả xét xử phúc thẩm; trường hợp không nhất trí với bản án, quyết định phúc thẩm thì đề nghị Viện kiểm sát cấp trên xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

2. Nếu bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm phải theo dõi kết quả xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Điều 35. Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn

1. Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm, Kiểm sát viên thấy có đủ các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự thì báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát để đề nghị Chánh án Tòa án ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

Kiểm sát viên kiểm sát việc giao, gửi quyết định áp dụng thủ tục rút gọn theo khoản 2 Điều 457 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn sơ thẩm được thực hiện theo Điều 462 và Điều 463 Bộ luật Tố tụng hình sự.

3. Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự, Kiểm sát viên thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Chánh án Tòa án không còn đủ điều kiện thì báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát để kiến nghị với Chánh án Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và áp dụng thủ tục chung để giải quyết vụ án.

Nếu Chánh án Tòa án đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn không hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì Kiểm sát viên tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án theo quy định tại Chương XXXI Bộ luật Tố tụng hình sự.

4. Trường hợp vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn ở giai đoạn điều tra, truy tố nhưng đến giai đoạn xét xử, Chánh án Tòa án không tiếp tục áp dụng thủ tục rút gọn mà Kiểm sát viên thấy việc không áp dụng thủ tục rút gọn của Chánh án Tòa án là không đúng pháp luật thì báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát để kiến nghị với Chánh án Tòa án.

Chương III

THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT XÉT XỬ PHÚC THẨM

Điều 36. Thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm

1. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cùng cấp. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực cùng cấp.

2. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu và Tòa án quân sự khu vực.

3. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu.

Đối với vụ án mà lãnh đạo Viện kiểm sát cấp trên đã có ý kiến chỉ đạo trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra hoặc xét xử sơ thẩm, nếu kháng nghị phải báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên xem xét, quyết định.

Điều 37. Căn cứ và thời hạn kháng nghị

1. Bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm không đầy đủ dẫn đến đánh giá không đúng tính chất của vụ án;

b) Kết luận, quyết định trong bản án, quyết định sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án;

c) Có sai lầm trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác;

d) Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng.

2. Thời hạn kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo Điều 337 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 38. Quyết định kháng nghị

1. Quyết định kháng nghị phải có nội dung chính quy định tại Điều 336 Bộ luật Tố tụng hình sự, nêu cụ thể những vi phạm pháp luật của bản án, quyết định về đánh giá chứng cứ, về vận dụng chính sách pháp luật hoặc về áp dụng thủ tục tố tụng và nêu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

2. Quyết định kháng nghị được lập theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lưu hồ sơ kiểm sát.

3. Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát được gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 338 Bộ luật Tố tụng hình sự.

4. Kháng nghị cùng cấp của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp cao. Kháng nghị cùng cấp của Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gửi Viện kiểm sát quân sự trung ương. Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự).

Điều 39. Xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật ở cấp phúc thẩm

1. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao xem xét quyết định việc xác minh theo thẩm quyền. Viện kiểm sát nơi nhận được yêu cầu xác minh phải chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho Viện kiểm sát có yêu cầu tiến hành xác minh được thuận lợi.

2. Khi có kế hoạch xác minh được lãnh đạo Viện kiểm sát phê duyệt, Kiểm sát viên có thể tự mình hoặc yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự như: lấy lời khai bị cáo, bị hại, người làm chứng, đương sự; tổ chức đối chất, xem xét lại hiện trường; đề nghị giải thích kết luận giám định, định giá tài sản và thực hiện những biện pháp điều tra khác để làm rõ những tình tiết của vụ án trong thời hạn xét xử phúc thẩm hoặc trong thời hạn tạm ngừng phiên tòa. Việc xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải được lập biên bản; trường hợp cần thiết có thể chụp ảnh, ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Chứng cứ, tài liệu, đồ vật thu thập được có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án phải chuyển cho Tòa án để đưa vào hồ sơ vụ án và sao chụp để lưu hồ sơ kiểm sát.

Đối với những vấn đề không thể xác minh, thu thập bổ sung được thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát xem xét quyết định việc đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 40. Nghiên cứu hồ sơ vụ án bị kháng cáo, kháng nghị

1. Khi được phân công giải quyết vụ án hình sự, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án, lập bản nghiên cứu tổng hợp chứng cứ, xem xét lý do yêu cầu của kháng cáo, kháng nghị và thủ tục tố tụng vụ án; nghiên cứu kỹ các chứng cứ xác định có tội, các chứng cứ xác định vô tội, tình tiết khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, nghiên cứu kỹ bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn, biên bản nghị án, ý kiến của Kiểm sát viên, biên bản phiên tòa, bản án, dư luận báo chí, ý kiến chỉ đạo của Viện kiểm sát có thẩm quyền sau xét xử sơ thẩm. Phát hiện và đề xuất những vấn đề cần điều tra xác minh bổ sung; đề xuất triệu tập những người tham gia phiên tòa; nếu thấy cần thiết thì xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị để giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Việc báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án được thực hiện theo Điều 9 Quy chế này.

2. Kiểm sát viên phải kiểm sát biện pháp ngăn chặn để đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

3. Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án bị kháng cáo, kháng nghị, khi phát hiện vi phạm trong hoạt động kiểm sát khởi tố, điều tra, kiểm sát giam, giữ, thi hành án hình sự hoặc các vi phạm khác, Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát xem xét việc kháng nghị, kiến nghị hoặc thông báo rút kinh nghiệm.

Điều 41. Thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị phúc thẩm

1. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị phúc thẩm được thực hiện theo Điều 342 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Trường hợp trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp rút kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới thì phải có văn bản trao đổi với Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới; nếu Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới không nhất trí thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó.

3. Tại phiên tòa phúc thẩm, việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị do Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên báo cáo ngay với lãnh đạo Viện kiểm sát và thông báo cho Viện kiểm sát đã kháng nghị biết.

Điều 42. Tham gia xét hỏi

1. Việc tham gia xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo Điều 24 Quy chế này.

2. Trước khi tham gia phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên phải dự thảo đề cương xét hỏi theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tập trung vào những vấn đề và những tình tiết liên quan đến kháng cáo, kháng nghị. Nếu thấy cần thiết có thể xét hỏi các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.

Điều 43. Phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án

1. Trước khi tham gia phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên phải xây dựng bản dự thảo phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát. Dự thảo phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát được lập theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lưu hồ sơ kiểm sát.

2. Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên căn cứ vào chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được thu thập, kiểm tra, xem xét để bổ sung và hoàn chỉnh bản dự thảo phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát. Sau khi kết thúc xét hỏi, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát theo bài phát biểu đã được hoàn chỉnh tại phiên tòa.

3. Trường hợp tại phiên tòa phát sinh những tình tiết mới làm thay đổi quan điểm giải quyết vụ án đã được lãnh đạo Viện kiểm sát cho ý kiến mà không có điều kiện báo cáo lại thì Kiểm sát viên quyết định cho phù hợp với thực tế của vụ án, diễn biến phiên tòa và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện kiểm sát.

Điều 44. Tranh luận

1. Việc tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo Điều 26 Quy chế này.

2. Kiểm sát viên phải đối đáp, tranh luận tất cả những ý kiến có liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị mà người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác nêu ra nhằm làm sáng tỏ sự thật, ghi nhận ý kiến đúng, bác bỏ ý kiến không đúng của họ, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật và lập luận để đối đáp đến cùng đối với từng ý kiến.

Điều 45. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử phúc thẩm

1. Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử phúc thẩm theo Điều 17 và Điều 22 Quy chế này.

Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế của Tòa án đối với bị cáo theo Điều 347 Bộ luật tố tụng hình sự.

2. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm phải kiểm tra biên bản phiên tòa, bản án, quyết định phúc thẩm và chuẩn bị nội dung báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát xem xét việc đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm khi có căn cứ.

Điều 46. Giải quyết hồ sơ vụ án do Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại

Những hồ sơ vụ án do Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án để điều tra lại thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hoặc đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra sơ thẩm án hình sự thụ lý, giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Khi nhận hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên phải chú ý kiểm sát thời hạn tạm giam bị can, bị cáo; kịp thời yêu cầu Tòa án tiếp tục tạm giam bị can, bị cáo để bảo đảm việc giải quyết vụ án.

Những bản án sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại thì Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm hướng dẫn Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

Điều 47. Hoạt động của Kiểm sát viên sau phiên tòa

Sau phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên đã tham gia phiên tòa phúc thẩm thực hiện các công việc sau đây:

1. Báo cáo, thông báo kết quả phiên tòa và rút kinh nghiệm; tuyên truyền kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử; kiến nghị khắc phục vi phạm và phòng ngừa vi phạm, tội phạm thực hiện theo các Điều 11, 12 và 13 Quy chế này;

2. Sao chụp bản án, quyết định phúc thẩm gửi Viện kiểm sát cấp trên. Việc gửi bản án, quyết định phúc thẩm được thực hiện như sau:

a) Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gửi bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cùng cấp tới Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

b) Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gửi bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cùng cấp tới Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự);

c) Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gửi bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án quân sự cùng cấp tới Viện kiểm sát quân sự trung ương;

3. Đề xuất, kiến nghị việc kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm khi có đủ căn cứ, điều kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;

4. Trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại thì phải kiểm sát việc chuyển hồ sơ của Tòa án cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết theo thủ tục chung.

Điều 48. Theo dõi kết quả xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm

1. Đối với bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cùng cấp bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm phải theo dõi kết quả xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; trường hợp không nhất trí với quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm thì báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

2. Đối với bản án, quyết định phúc thẩm bị Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hủy để xét xử lại ở cấp phúc thẩm, Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm phải phân công Kiểm sát viên kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có trong hồ sơ vụ án để phục vụ việc tham gia phiên tòa xét xử phúc thẩm lại vụ án.

Điều 49. Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn

1. Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, Kiểm sát viên thấy có đủ các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại khoản 2 Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự thì báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát để đề nghị Chánh án Tòa án ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

2. Việc thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn phúc thẩm được thực hiện theo Điều 464 và Điều 465 Bộ luật Tố tụng hình sự, khoản 3 và khoản 4 Điều 35 Quy chế này.

Chương IV

THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT VIỆC XÉT LẠI BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT THEO THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM, TÁI THẨM

Điều 50. Nguồn phát hiện vi phạm pháp luật, tình tiết mới

1. Đơn của người bị kết án; thông báo, kiến nghị, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Báo cáo đề xuất kháng nghị của Viện kiểm sát các cấp.

3. Kết quả kiểm tra, thanh tra công tác nghiệp vụ; kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án.

4. Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng có liên quan đến vụ án.

Điều 51. Tiếp nhận, xử lý đơn, thông báo, kiến nghị, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

1. Việc tiếp nhận đơn, thông báo, kiến nghị, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo Điều 375 và Điều 399 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Trường hợp đơn, thông báo, kiến nghị, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát thì lãnh đạo Viện kiểm sát phân công Kiểm sát viên nghiên cứu, đề xuất giải quyết. Kiểm sát viên được phân công thực hiện các công việc sau đây:

a) Báo cáo người có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án theo Điều 53 Quy chế này;

b) Qua nghiên cứu hồ sơ, nếu thấy có căn cứ kháng nghị thì báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát quyết định việc kháng nghị, nếu thấy không có căn cứ kháng nghị thì báo cáo người có thẩm quyền ra văn bản thông báo trả lời không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Quy chế này;

c) Trường hợp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì tham mưu cho lãnh đạo Viện kiểm sát có văn bản thông báo tiến độ nghiên cứu, giải quyết đơn, thông báo, kiến nghị, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

3. Trường hợp đơn, thông báo, kiến nghị, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm không thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát thì xử lý như sau:

a) Chuyển cho cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết và thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã có đơn, thông báo, kiến nghị, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm biết;

b) Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân đã có đơn, thông báo, kiến nghị, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chuyển cho cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp đến trình bày.

Điều 52. Trách nhiệm kiểm sát bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

1. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện việc kiểm sát bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cùng cấp và cấp dưới để phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị hoặc thông báo ngay bằng văn bản cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nếu không đồng ý với quan điểm không kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thì có văn bản đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ để phát hiện vi phạm, thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị hoặc đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật.

3. Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; kiểm sát bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp dưới khi thấy cần thiết.

4. Viện kiểm sát quân sự khu vực kiểm sát bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cùng cấp; Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, Viện kiểm sát quân sự trung ương kiểm sát bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cùng cấp và cấp dưới để phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị hoặc thông báo ngay bằng văn bản cho Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Điều 53. Yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án

1. Khi phát hiện bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì những người sau đây có quyền yêu cầu Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 376 Bộ luật Tố tụng hình sự:

a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thủ trưởng đơn vị nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

2. Trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền yêu cầu Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án chuyển hồ sơ để xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

3. Trường hợp Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án không chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 376 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Viện kiểm sát phải đôn đốc, ra văn bản kiến nghị với lãnh đạo Tòa án để giải quyết, khắc phục kịp thời.

Trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát đã yêu cầu chuyển hồ sơ phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án để đôn đốc việc chuyển hồ sơ vụ án.

Trường hợp Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án thông báo đã chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm thì Viện kiểm sát đã yêu cầu chuyển hồ sơ phải theo dõi kết quả giải quyết của Tòa án. Trường hợp Tòa án không kháng nghị, nếu thấy có căn cứ kháng nghị thì Viện kiểm sát tiếp tục có văn bản yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án để xem xét việc kháng nghị.

Điều 54. Xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

1. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao xem xét quyết định việc xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật theo thẩm quyền. Viện kiểm sát nơi nhận được yêu cầu xác minh phải chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho Viện kiểm sát có yêu cầu tiến hành xác minh được thuận lợi.

2. Việc xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật theo thủ tục giám đốc thẩm được thực hiện theo khoản 2 Điều 39 Quy chế này; tập trung làm rõ những căn cứ để Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; làm rõ căn cứ, kết luận kháng nghị của Chánh án Tòa án.

3. Trường hợp xác minh những tình tiết mới được phát hiện thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát ra quyết định xác minh tình tiết mới. Quyết định xác minh tình tiết mới theo thủ tục tái thẩm được lập theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lưu hồ sơ kiểm sát. Việc xác minh tình tiết mới theo thủ tục tái thẩm được thực hiện theo khoản 2, khoản 3 Điều 399 Bộ luật Tố tụng hình sự và khoản 2 Điều 39 Quy chế này.

Điều 55. Nghiên cứu hồ sơ vụ án

1. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo Điều 16 và Điều 40 Quy chế này.

Việc báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án được thực hiện theo Điều 9 Quy chế này.

2. Kiểm sát viên tập trung nghiên cứu kỹ đơn của người bị kết án; thông báo, kiến nghị, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân; báo cáo đề xuất kháng nghị của Viện kiểm sát các cấp; các nguồn thông tin khác; chứng cứ, tài liệu, đồ vật sau khi xác minh, thu thập được; nội dung bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và xử lý như sau:

a) Trường hợp có đủ căn cứ, điều kiện kháng nghị thì đề xuất kháng nghị. Khi thấy cần thiết tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát quyết định;

b) Trường hợp không có đủ căn cứ, điều kiện kháng nghị thì đề xuất thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã có đơn, thông báo, kiến nghị, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm biết rõ lý do của việc không kháng nghị. Văn bản thông báo được lập theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lưu hồ sơ kiểm sát;

c) Trường hợp bản án, quyết định có vi phạm nhưng chưa đến mức kháng nghị thì đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát ban hành văn bản kiến nghị khắc phục vi phạm.

3. Đối với bản án, quyết định do Chánh án Tòa án kháng nghị, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ quyết định kháng nghị, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án và hồ sơ vụ án, đề xuất quan điểm nhất trí toàn bộ, một phần hoặc không nhất trí với kháng nghị.

Điều 56. Thông báo không kháng nghị

1. Thẩm quyền ký văn bản thông báo không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 55 Quy chế này như sau:

a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Viện trưởng ủy quyền, Thủ trưởng đơn vị nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Viện trưởng phân công;

b) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao được Viện trưởng ủy quyền hoặc Kiểm sát viên cao cấp được Viện trưởng phân công.

2. Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đã có văn bản thông báo không kháng nghị mà cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục có đơn, thông báo, kiến nghị, đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể xem xét, giải quyết nếu có chứng cứ, tài liệu, đồ vật cho thấy việc thông báo không kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là không đúng.

3. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo về việc thông báo không kháng nghị thì giải quyết theo thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 57. Căn cứ, thẩm quyền, thời hạn kháng nghị

1. Căn cứ, thẩm quyền, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được thực hiện theo các điều 371, 373 và 379 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Căn cứ, thẩm quyền, thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được thực hiện theo các điều 398, 400 và 401 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 58. Quyết định kháng nghị

1. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải nêu rõ lý do, căn cứ, điều kiện, quan điểm giải quyết vụ án và có đầy đủ nội dung theo Điều 378 Bộ luật Tố tụng hình sự; được lập theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lưu hồ sơ kiểm sát.

2. Việc tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo Điều 377 Bộ luật Tố tụng hình sự. Quyết định tạm đình chỉ được lập theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lưu hồ sơ kiểm sát.

Điều 59. Gửi quyết định kháng nghị

1. Việc gửi quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo Điều 380 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đã kháng nghị phải gửi quyết định kháng nghị tới Viện kiểm sát nhân dân tối cao để báo cáo.

 Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đã kháng nghị phải gửi quyết định kháng nghị cho Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án có bản án, quyết định bị kháng nghị và Viện kiểm sát có đề nghị kháng nghị để theo dõi.

Điều 60. Thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị

1. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo Điều 381 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Quyết định thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được lập theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, lưu hồ sơ kiểm sát và được gửi theo Điều 59 Quy chế này.

3. Trước khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm, nếu có chứng cứ, tài liệu, đồ vật hoặc căn cứ khác dẫn đến phải thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát xem xét, quyết định việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị; nếu Hội đồng xét xử không chấp nhận và vẫn tiến hành xét xử thì Kiểm sát viên tiếp tục tham gia phiên tòa và thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát.

4. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị đưa vụ án ra xét xử tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, nếu phát hiện chứng cứ, tài liệu, đồ vật hoặc căn cứ khác dẫn đến phải thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị thì Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử xử lý như sau:

a) Trước khi mở phiên tòa, Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao để báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng;

b) Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát có thẩm quyền; nếu Hội đồng xét xử không chấp nhận và vẫn tiến hành xét xử thì Kiểm sát viên tiếp tục tham gia phiên tòa và thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật nhưng sau phiên tòa phải báo cáo ngay Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao để báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 61. Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm

1. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cùng cấp; cụ thể như sau:

a) Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

b) Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên cao cấp ở Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao.

2. Khi được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm, Kiểm sát viên thực hiện các hoạt động theo Điều 43 và Điều 44 Quy chế này.

Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị, Kiểm sát viên phải trình bày nội dung kháng nghị, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án, tranh luận về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án với người tham gia tố tụng (nếu có).

Trường hợp Chánh án Tòa án kháng nghị giám đốc thẩm, Kiểm sát viên phải nêu rõ lý do nhất trí, không nhất trí với một phần hoặc toàn bộ kháng nghị; phát biểu ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị của Chánh án Tòa án.

3. Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án và những người tham gia tố tụng theo Điều 45 Quy chế này.

Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Kiểm sát viên tập trung kiểm sát các nội dung sau: thời hạn xét xử; việc triệu tập người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị (nếu có); thành phần Hội đồng xét xử; thủ tục xét hỏi những người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa (nếu có); việc Hội đồng xét xử biểu quyết và áp dụng hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo; việc tạm đình chỉ thi hành án; việc ban hành và gửi các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm; việc chuyển hồ sơ vụ án bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại và các hoạt động khác của Tòa án.

Điều 62. Hoạt động của Kiểm sát viên sau phiên tòa

1. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm báo cáo kết quả xét xử với Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình, gửi báo cáo kết quả xét xử đến Viện kiểm sát cấp trên, đề xuất những vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết, thông báo kết quả xét xử gửi các Viện kiểm sát đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm biết.

2. Trường hợp Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án để điều tra lại thì Kiểm sát viên phải kiểm sát việc Tòa án chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để điều tra lại theo Điều 396 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trường hợp Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, phải chuyển hồ sơ đến đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; đồng thời hướng dẫn và theo dõi Viện kiểm sát cấp dưới giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Trường hợp Kiểm sát viên ở Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, phải chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát cấp dưới để giải quyết theo thẩm quyền; đồng thời hướng dẫn và theo dõi Viện kiểm sát cấp dưới giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Điều 63. Kiểm sát quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm

1. Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc ra quyết định, nội dung, thời hạn gửi quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm theo Điều 394 và Điều 395 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết mới thì xử lý như sau:

a) Đối với quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao thì báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

b) Đối với quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét kiến nghị theo thủ tục quy định tại Chương XXVII Bộ luật Tố tụng hình sự.

3. Nếu phát hiện vi phạm pháp luật nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát xem xét kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm.

4. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao phải sao gửi quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự).

Chương V

THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT VIỆC TUÂN THEO PHÁP LUẬT TRONG THỦ TỤC XEM XÉT LẠI QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Điều 64. Nguồn phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc tình tiết quan trọng mới

1. Thông qua thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Kết quả kiểm tra, thanh tra công tác nghiệp vụ.

3. Đơn của người bị kết án; thông báo, kiến nghị, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

4. Thông qua kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án.

5. Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 65. Kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

1. Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân công nghiên cứu hồ sơ vụ án báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét việc kiến nghị với Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc kiến nghị, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng văn bản kiến nghị trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký.

Điều 66. Yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án, nghiên cứu hồ sơ vụ án, lập hồ sơ kiểm sát

1. Trường hợp xét thấy cần thiết phải nghiên cứu hồ sơ vụ án để xem xét việc kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi văn bản yêu cầu Tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển ngay hồ sơ vụ án cùng với kiến nghị cho Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời thông báo cho Tòa án đã chuyển hồ sơ biết. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kiến nghị thì trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án đã chuyển hồ sơ.

2. Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân công có trách nhiệm nghiên cứu kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; nghiên cứu hồ sơ vụ án, lập hồ sơ kiểm sát để giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phiên họp để xem xét kiến nghị, đề nghị, phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

3. Việc yêu cầu nghiên cứu hồ sơ vụ án, lập hồ sơ kiểm sát thực hiện theo quy định của Quy chế này và quy định về lập hồ sơ kiểm sát án hình sự của ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 67. Tham gia phiên họp để xem xét kiến nghị, đề nghị

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Viện trưởng ủy quyền tham gia phiên họp để xem xét kiến nghị, đề nghị.

2. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Viện trưởng ủy quyền trình bày nội dung kiến nghị, căn cứ của việc kiến nghị, phân tích, đánh giá các tình tiết, chứng cứ của vụ án, chứng cứ bổ sung (nếu có) để làm rõ vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

3. Trường hợp xem xét kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Viện trưởng ủy quyền phát biểu ý kiến về tính có căn cứ và hợp pháp của kiến nghị, đề nghị; nêu rõ quan điểm và lý do của việc nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị, đề nghị đó theo Điều 407 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 68. Tham gia phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Viện trưởng ủy quyền tham gia phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Tại phiên họp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Viện trưởng ủy quyền phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và quan điểm về việc giải quyết vụ án theo Điều 411 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 69. Báo cáo kết quả các phiên họp

Sau khi kết thúc phiên họp, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Viện trưởng ủy quyền tham gia phiên họp phải báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về kết quả phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Chương VI

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, KIỂM TRA VÀ BÁO CÁO

Điều 70. Quản lý công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự

1. Viện kiểm sát các cấp quản lý tình hình, hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự của cấp mình; Viện kiểm sát cấp trên quản lý tình hình, hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự của Viện kiểm sát cấp dưới. Viện kiểm sát nhân dân tối cao quản lý tình hình, hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự của Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp.

2. Phòng, bộ phận thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự, Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự có trách nhiệm giúp lãnh đạo Viện kiểm sát theo dõi, quản lý hướng dẫn và chỉ đạo toàn bộ hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự của cấp mình và cấp dưới.

3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; quản lý án có kháng cáo, kháng nghị và thực hiện việc kháng nghị theo thẩm quyền; thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm phát hiện, tổng hợp tình hình, tổ chức rút kinh nghiệm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

4. Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo dõi, quản lý, hướng dẫn chỉ đạo và kiểm tra đối với Viện kiểm sát cấp dưới về nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về các tội phạm được phân công kiểm sát điều tra.

5. Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự giúp Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương theo dõi, quản lý, hướng dẫn chỉ đạo và kiểm tra đối với Viện kiểm sát quân sự cấp dưới về nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự.

6. Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo dõi, quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra trong toàn Ngành về hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự.

Điều 71. Báo cáo thỉnh thị và trả lời thỉnh thị

1. Báo cáo thỉnh thị và trả lời thỉnh thị trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự thực hiện theo Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Báo cáo thỉnh thị về vụ việc cụ thể được thực hiện như sau:

a) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp không nhất trí với trả lời thỉnh thị của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thì báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát nhân dân cấp cao. Trường hợp không nhất trí với trả lời thỉnh thị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thì báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự);

b) Viện kiểm sát quân sự khu vực báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu. Trường hợp không nhất trí với trả lời thỉnh thị của Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu thì báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát quân sự trung ương (qua Phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự);

c) Đối với những vụ án bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại mà có vướng mắc thì báo cáo thỉnh thị được thực hiện như sau:

Đối với những vụ án mà Tòa án nhân dân cấp cao hủy để điều tra lại thì trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm tra điều tra, truy tố phải báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát nhân dân tối cao; trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phải báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

Đối với những vụ án Tòa án nhân dân cấp cao hủy để xét xử lại thì báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

Đối với những vụ án do Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm mà bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại thì báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

d) Văn bản trả lời thỉnh thị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đồng thời gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

Văn bản trả lời thỉnh thị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đồng thời gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

3. Trường hợp báo cáo thỉnh thị về áp dụng quy chế, hệ thống biểu mẫu, sổ sách nghiệp vụ thì Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự có trách nhiệm tham mưu, giúp lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao trả lời.

4. Trường hợp báo cáo thỉnh thị về giải quyết bồi thường của Nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự).

Điều 72. Chế độ kiểm tra

1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra toàn diện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự của Viện kiểm sát các cấp.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kiểm tra nghiệp vụ và việc thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự đối với Viện kiểm sát cấp dưới trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

3. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh kiểm tra toàn diện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền.

4. Viện kiểm sát các cấp có trách nhiệm tự tổ chức kiểm tra công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự trong phạm vi thẩm quyền.

5. Chế độ kiểm tra được thực hiện theo Quy chế công tác kiểm tra trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 73. Chế độ hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ

1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự cho Viện kiểm sát các cấp.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ về nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự đối với vụ án cụ thể.

3. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền.

4. Viện kiểm sát các cấp có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự cho công chức trong phạm vi thẩm quyền.

Điều 74. Chế độ thông tin, báo cáo

1. Chế độ thông tin, báo cáo trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự thực hiện theo Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân và chế độ báo cáo thống kê thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thống kê vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

2. Đối với các báo cáo nghiệp vụ khác như thông báo rút kinh nghiệm, án Tòa án tuyên không phạm tội, án trọng điểm, phức tạp, tài liệu kiểm tra hướng dẫn cấp dưới, kiến nghị vi phạm và những báo cáo khác theo yêu cầu phải gửi cho Viện kiểm sát cấp trên.

Điều 75. Chế độ lập, sử dụng, quản lý, lưu trữ và bảo vệ bí mật hồ sơ vụ án hình sự

Việc lập, sử dụng, quản lý, lưu trữ và bảo vệ bí mật hồ sơ vụ án hình sự thực hiện theo quy định của Nhà nước và ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 76. Kinh phí xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm

Kinh phí chi cho hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm là khoản chi đặc thù trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự. Việc lập dự toán, chi tiêu và quyết toán thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 77. Hiệu lực thi hành

1. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

2. Các quy định trước đây của ngành Kiểm sát nhân dân trái với Quy chế này được bãi bỏ.

Điều 78. Trách nhiệm thi hành

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp, Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi trách nhiệm của mình tổ chức thực hiện, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc hoặc những vấn đề mới cần bổ sung thì báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự) để hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung kịp thời.

3. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định./.

 

PHỤ LỤC

VỀ THẨM QUYỀN KÝ, KÝ THAY, KÝ THỪA LỆNH, KÝ THỪA ỦY QUYỀN VĂN BẢN TỐ TỤNG, VĂN BẢN HÀNH CHÍNH – TƯ PHÁP TRONG CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền ký tất cả các văn bản tố tụng, văn bản hành chính – tư pháp và văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự tại Phụ lục A.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền cho Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký thay (KT.) đối với văn bản thuộc thẩm quyền ký của Viện trưởng trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự tại Phụ lục A.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền cho Thủ trưởng đơn vị nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký thừa lệnh (TL.), ký thừa ủy quyền (TUQ.) các văn bản tại Phụ lục B.

Thủ trưởng đơn vị nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể ủy quyền cho cấp phó của mình ký thay (KT.) các văn bản quy định tại tại Phụ lục B. Người được ủy quyền ký thay Thủ trưởng đơn vị phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị và phải chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị và trước pháp luật về tính có căn cứ và hợp pháp của văn bản mà mình đã ký.

2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền ký tất cả các văn bản tố tụng, văn bản hành chính – tư pháp và văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự tại Phụ lục C.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao ủy quyền cho Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao ký thay (KT.) đối với văn bản thuộc thẩm quyền ký của Viện trưởng trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự tại Phụ lục C.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao ủy quyền cho Viện trưởng Viện nghiệp vụ, Kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao ký thừa lệnh (TL.), ký thừa ủy quyền (TUQ.) các văn bản tại Phụ lục D.

3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ký tất cả các văn bản tố tụng, văn bản hành chính – tư pháp thuộc thẩm quyền ban hành của Viện kiểm sát cấp mình trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự tại Phụ lục E.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình ký thay (KT.) đối với văn bản thuộc thẩm quyền ký của Viện trưởng trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự tại Phụ lục E.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh phân công cho Trưởng Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét phúc thẩm xử hình sự (Phòng 7), Kiểm sát viên trung cấp ký thừa lệnh (TL.), ký thừa ủy quyền (TUQ.) các văn bản thuộc tại Phụ lục G.

4. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có thẩm quyền ký tất cả các văn bản tố tụng, văn bản hành chính – tư pháp thuộc thẩm quyền ban hành của Viện kiểm sát cấp mình trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự tại Phụ lục H.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện ủy quyền cho Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình ký thay (KT.) đối với văn bản thuộc thẩm quyền ký của Viện trưởng trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự tại Phụ lục H.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện phân công cho Kiểm sát viên ký thừa lệnh (TL.), ký thừa ủy quyền (TUQ.) các văn bản thuộc tại Phụ lục I.

5. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có thẩm quyền ký tất cả các văn bản tố tụng, văn bản hành chính – tư pháp và văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành của Viện kiểm sát quân sự trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự tại Phụ lục C.

Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có thẩm quyền ký tất cả các văn bản tố tụng, văn bản hành chính – tư pháp và văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành của Viện kiểm sát quân sự trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự tại Phụ lục E.

Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực có thẩm quyền ký tất cả các văn bản tố tụng, văn bản hành chính – tư pháp và văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành của Viện kiểm sát quân sự trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự tại Phụ lục H.

Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp ủy quyền cho Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình ký thay (KT.) đối với văn bản thuộc thẩm quyền ký của Viện trưởng trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự tại các Phụ lục C, phụ lục E, Phụ lục H.

Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương phân công cho Kiểm sát viên cao cấp ký thừa lệnh (TL.), ký thừa ủy quyền (TUQ.) các văn bản thuộc Phụ lục D.

Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu phân công cho Kiểm sát viên trung cấp ký thừa lệnh (TL.), ký thừa ủy quyền (TUQ.) các văn bản thuộc Phụ lục G.

Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực phân công cho Kiểm sát viên ký thừa lệnh (TL.), ký thừa ủy quyền (TUQ.) các văn bản thuộc Phụ lục I.

 

Phụ lục A

Số TT

Mẫu

Tên mẫu

01

Mẫu số 02

Quyết định phân công KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

02

Mẫu số 03

Quyết định phân công KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

03

Mẫu số 04

Quyết định phân công KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm (hoặc tái thẩm) vụ án hình sự

04

Mẫu số 05

Quyết định thay đổi KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm (hoặc phúc thẩm/ giám đốc thẩm/ tái thẩm) án hình sự

05

Mẫu số 06

Quyết định rút Quyết định truy tố

06

Mẫu số 07

Quyết định huỷ Quyết định rút quyết định truy tố

07

Mẫu số 08

Quyết định huỷ Quyết định rút Quyết định truy tố theo kiến nghị của Tòa án

08

Mẫu số 11

Công văn đề nghị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung

09

Mẫu số 15

Quyết định kháng nghị phúc thẩm

10

Mẫu số 17

Quyết định rút Quyết định kháng nghị phúc thẩm

11

Mẫu số 18

Quyết định thay đổi, bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm

12

Mẫu số 21

Yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án hình sự

13

Mẫu số 25

Trả lời đơn (hoặc thông báo, kiến nghị, đề nghị)

14

Mẫu số 26

Quyết định xác minh tình tết mới theo thủ tục tái thẩm

15

Mẫu số 27

Yêu cầu cơ quan điều tra xác minh tình tết mới theo thủ tục tái thẩm

16

Mẫu số 28

Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm

17

Mẫu số 29

Quyết định Kháng nghị tái thẩm

18

Mẫu số 30

Quyết định tạm đình chỉ thi hành Bản án (hoặc Quyết định) hình sự bị kháng nghị giám đốc thẩm (hoặc tái thẩm)

19

Mẫu số 31

Quyết định rút Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm (hoặc tái thẩm)

20

Mẫu số 32

Quyết định thay đổi, bổ sung Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm (hoặc tái thẩm)

21

Mẫu số 34

Quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm (hoặc tái thẩm) Bản án tử hình

22

Mẫu số 35

Tờ trình Về đơn xin ân giảm hình phạt tử hình

23

 

Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình xét xử vụ án hình sự.

 

Phụ lục B

Số TT

Mẫu

Tên Mẫu

01

Mẫu số 09

Báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án

02

Mẫu số 10

Văn bản yêu cầu cung cấp, bổ sung chứng cứ

03

Mẫu số 21

Yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án hình sự

04

Mẫu số 22

Tóm tắt diễn biến phiên tòa

05

Mẫu số 24

Phát biểu của KSV tại phiên tòa giám đốc thẩm/tái thẩm vụ án hình sự

06

Mẫu số 25

Thông báo trả lời đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về việc không có căn cứ kháng nghị

07

Mẫu số 27

Yêu cầu xác minh tình tiết mới theo thủ tục tái thẩm

08

Mẫu số 33

Thông báo kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm/tái thẩm

09

 

Báo cáo tiến độ và kết quả giải quyết đơn do Đại biểu Quốc hội chuyển đến

10

 

Văn bản trả lời thỉnh thị, đề nghị của Viện kiểm sát cấp dưới

11

 

Văn bản trao đổi nghiệp vụ với Tòa án án nhân dân tối cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an

12

 

Văn bản yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới báo cáo về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự

13

 

Kế hoạch xác minh theo thủ tục giám đốc thẩm

14

 

Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình xét xử vụ án hình sự

 

Phụ lục C

Số TT

Mẫu

Tên mẫu

01

Mẫu số 03

Quyết định phân công KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

02

Mẫu số 04

Quyết định phân công KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm (hoặc tái thẩm) vụ án hình sự

03

Mẫu số 05

Quyết định thay đổi KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm (hoặc phúc thẩm/ giám đốc thẩm/ tái thẩm) án hình sự

04

Mẫu số 06

Quyết định rút Quyết định truy tố

05

Mẫu số 07

Quyết định huỷ Quyết định rút quyết định truy tố

06

Mẫu số 08

Quyết định huỷ Quyết định rút Quyết định truy tố theo kiến nghị của Tòa án

07

Mẫu số 10

Văn bản yêu cầu cung cấp, bổ sung chứng cứ

08

Mẫu số 11

Công văn đề nghị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung

09

Mẫu số15

Quyết định kháng nghị phúc thẩm

10

Mẫu số 17

Quyết định rút Quyết định kháng nghị phúc thẩm

11

Mẫu số 18

Quyết định thay đổi, bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm

12

Mẫu số 21

Yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án hình sự

13

Mẫu số 23

Báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm/tái thẩm

14

Mẫu số 25

Trả lời đơn (hoặc thông báo, kiến nghị, đề nghị)

15

Mẫu số 26

Quyết định xác minh tình tết mới theo thủ tục tái thẩm

16

Mẫu số 27

Yêu cầu cơ quan điều tra xác minh tình tết mới theo thủ tục tái thẩm

17

Mẫu số 28

Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm

18

Mẫu số 29

Quyết định Kháng nghị tái thẩm

19

Mẫu số 30

Quyết định tạm đình chỉ thi hành Bản án (hoặc Quyết định) hình sự bị kháng nghị giám đốc thẩm (hoặc tái thẩm)

20

Mấu số 31

Quyết định rút Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm (hoặc tái thẩm)

21

Mẫu số 32

Quyết định thay đổi, bổ sung Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm (hoặc tái thẩm)

22

 

Kế hoạch xác minh theo thủ tục giám đốc thẩm

23

 

Văn bản trao đổi nghiệp vụ

24

 

Báo cáo tiến độ và kết quả giải quyết đơn do Đại biểu Quốc hội chuyển đến

25

 

Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình xét xử vụ án hình sự

 

Phụ lục D

Số TT

Mẫu

Tên mẫu

01

Mẫu số 09

Báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án

02

Mẫu số 10

Văn bản yêu cầu cung cấp, bổ sung chứng cứ

03

Mẫu số 12

Đề cương xét hỏi

04

Mẫu số 14

Đề cường tranh luận

05

Mẫu số 19

Phát biểu của KSV tại phiên tòa phúc thẩm

06

Mẫu số 20

Thông báo kết quả THQCT, KSXX phúc thẩm

07

Mẫu số 21

Yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án hình sự

08

Mẫu số 22

Tóm tắt diễn biến phiên tòa

09

Mẫu số 24

Phát biểu của KSV tại phiên tòa giám đốc thẩm/tái thẩm vụ án hình sự

10

Mẫu số 25

Thông báo trả lời đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về việc không có căn cứ kháng nghị

11

Mẫu số 33

Thông báo kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm/tái thẩm

12

 

Yêu cầu triệu tập người làm chứng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa

13

 

Yêu cầu thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án, người bào chữa, người phiên dịch, dịch thuật

 

Phụ lục E

Số TT

Mẫu

Tên mẫu

01

Mẫu số 02

Quyết định phân công KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

02

Mẫu số 03

Quyết định phân công KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

03

Mẫu số 05

Quyết định thay đổi KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm (hoặc phúc thẩm) án hình sự

04

Mẫu số 06

Quyết định rút Quyết định truy tố

05

Mẫu số 07

Quyết định huỷ Quyết định rút quyết định truy tố

06

Mẫu số 08

Quyết định huỷ Quyết định rút Quyết định truy tố theo kiến nghị của Tòa án

 

Mẫu số 10

Văn bản yêu cầu cung cấp, bổ sung chứng cứ

07

Mẫu số 11

Công văn đề nghị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung

08

Mẫu số 15

Quyết định kháng nghị phúc thẩm

09

Mẫu số 17

Quyết định rút Quyết định kháng nghị phúc thẩm

10

Mẫu số 18

Quyết định thay đổi, bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm

11

Mẫu số 21

Yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án hình sự

12

Mẫu số 23

Báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm/tái thẩm

13

Mẫu số 25

Trả lời đơn (hoặc thông báo, kiến nghị, đề nghị)

14

 

Kế hoạch các minh theo thủ tục phúc thẩm

15

 

Văn bản trao đổi nghiệp vụ

16

 

Báo cáo tiến độ và kết quả giải quyết đơn do Đại biểu Quốc hội chuyển đến

 

Phụ lục G

Số TT

Mẫu

Tên mẫu

01

Mẫu số 09

Báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án

02

Mẫu số 10

Văn bản yêu cầu cung cấp, bổ sung chứng cứ

03

Mẫu số 12

Đề cương xét hỏi

04

Mẫu số13

Bản luận tội

05

Mẫu số 14

Đề cường tranh luận

06

Mẫu số 16

Báo cáo kết quả THQCT, KSXX sơ thẩm

07

Mẫu số 19

Phát biểu của KSV tại phiên tòa phúc thẩm

08

Mẫu số 20

Thông báo kết quả THQCT, KSXX phúc thẩm

09

Mẫu số 21

Yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án hình sự

10

Mẫu số 22

Tóm tắt diễn biến phiên tòa

11

 

Yêu cầu triệu tập người làm chứng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa

12

 

Yêu cầu thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án, người bào chữa, người phiên dịch, dịch thuật

 

Phụ lục H

Số TT

Mẫu

Tên mẫu

01

Mẫu số 02

Quyết định phân công KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

02

Mẫu số 05

Quyết định thay đổi KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự

03

Mẫu số 06

Quyết định rút Quyết định truy tố

04

Mẫu số 07

Quyết định huỷ Quyết định rút quyết định truy tố

05

Mẫu số 08

Quyết định huỷ Quyết định rút Quyết định truy tố theo kiến nghị của Tòa án

06

Mẫu số 10

Văn bản yêu cầu cung cấp, bổ sung chứng cứ

07

Mẫu số 11

Công văn đề nghị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung

08

Mẫu số 15

Quyết định kháng nghị phúc thẩm

09

Mẫu số 17

Quyết định rút Quyết định kháng nghị phúc thẩm

10

Mẫu số 18

Quyết định thay đổi, bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm

11

Mẫu số 21

Yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án hình sự

12

Mẫu số 25

Trả lời đơn (hoặc thông báo, kiến nghị, đề nghị)

13

 

Văn bản trao đổi nghiệp vụ

14

 

Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình xét xử vụ án hình sự

 

Phụ lục I

Số TT

Mẫu

Tên mẫu

01

Mẫu số 09

Báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án

02

Mẫu số 10

Văn bản yêu cầu cung cấp, bổ sung chứng cứ

03

Mẫu số 12

Đề cương xét hỏi

04

Mẫu số 13

Bản luận tội

05

Mẫu số 14

Đề cường tranh luận

06

Mẫu số 16

Báo cáo kết quả THQCT, KSXX sơ thẩm

07

Mẫu số 22

Tóm tắt diễn biến phiên tòa

08

 

Yêu cầu triệu tập người làm chứng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa

09

 

Yêu cầu thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án, người bào chữa, người phiên dịch, dịch thuật