Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 495b/QĐ-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN VÀ TỔNG DỰ TOÁN ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG SỬ DỤNG VÀ NHU CẦU LAO ĐỘNG NĂM 2010

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;  
Căn cứ Quyết định số 101/2007/QĐ-TTg ngày 6/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 85/QĐ-LĐTBXH ngày 18/1/2009 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2010 của Cục Việc làm;
Căn cứ Quyết định số 386/QĐ-BLĐTBXH ngày 1/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt kế hoạch Điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động năm 2009;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính và Cục trưởng Cục Việc làm,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Phương án và tổng dự toán Điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động năm 2010 kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Cục trưởng Cục Việc làm chịu trách nhiệm phê duyệt dự toán chi tiết theo các nội dung, định mức quy định hiện hành và tổ chức thực hiện Điều tra theo Phương án đã được phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Ban chỉ đạo Trung ương về Điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động năm 2010, Ban chỉ đạo Điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động năm 2010 các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Việc làm Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Hoà

 

PHƯƠNG ÁN

ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG SỬ DỤNG VÀ NHU CẦU LAO ĐỘNG NĂM 2010
(Kèm theo Quyết định số 495b/QĐ-LĐTBXH ngày 13 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Thực hiện Quyết định số 101/2007/QĐ-TTg ngày 6/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2010, Quyết định số 386/QĐ-BLĐTBXH ngày 1/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt kế hoạch Điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động đến năm 2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động năm 2010.  

I. MỤC ĐÍCH ĐIỀU TRA

1. Thu thập thông tin để tính các chỉ tiêu đánh giá thực trạng sử dụng lao động, tình hình việc làm trong các doanh nghiệp phục vụ công tác quản lý, tổ chức thực hiện chính sách lao động - việc làm, phát triển thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực.

2. Xác định nhu cầu tuyển và sử dụng lao động của doanh nghiệp nhằm phục vụ công tác hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phát triền kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, có định hướng cho hướng nghiệp, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm của quốc gia, từng vùng.

3. Cung cấp cơ sở dữ liệu cho việc đánh giá thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm giai đoạn 2006 - 2010 và xây dựng kế hoạch lao động việc làm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành.

4. Làm cơ sở cho việc xây dựng và phát triển dữ liệu về thị trường lao động, thực hiện chính sách về bảo hiểm thất nghiệp.

II. ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ, PHẠM VI ĐIỀU TRA

1. Đối tượng Điều tra:

- Là các doanh nghiệp có hạch toán kinh tế độc lập, được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

- Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp.

2. Phạm vi và mẫu điều tra:

- Phạm vi điều tra: Tại 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc.

- Mẫu điều tra: 16.000 doanh nghiệp:  

+ 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động, là doanh nghiệp đã rơi vào mẫu điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động năm 2009.

+ 3.000 doanh nghiệp được thay thế, bổ sung những doanh nghiệp đã bị giải thể, phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động.

Số doanh nghiệp điều tra được phân bổ, chọn mẫu theo 63 tỉnh, thành phố, theo 8 vùng kinh tế lãnh thổ, theo 4 vùng kinh tế trọng điểm, 20 ngành kinh tế cấp 1. Phương pháp chọn mẫu, ước lượng, suy rộng mẫu theo Phụ lục.

3. Người cung cấp thông tin

- Đối với doanh nghiệp: Lựa chọn người sử dụng lao động hoặc đại diện của người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp tham gia trả lời phỏng vấn, cung cấp các thông tin về doanh nghiệp.

- Đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp:

+ 1 lao động quản lý của doanh nghiệp: Là đại diện Ban giám đốc doanh nghiệp, hội đồng quản trị,...

+ 1 lao động trực tiếp đang làm việc trong bộ phận chính để sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã được chọn mẫu.

+ 1 lao động gián tiếp đang làm việc trong các doanh nghiệp được điều tra chọn mẫu.

III. NỘI DUNG ĐIỀU TRA

Nội dung Điều tra được bố trí trên 2 loại phiếu điều tra:

- Đối với doanh nghiệp: Phiếu DN: Điều tra doanh nghiệp

- Đối với người lao động: Phiếu NLĐ: Điều tra người lao động

1. Rà soát toàn bộ: Cập nhật tình trạng hoạt động, ngành nghề kinh tế của toàn bộ doanh nghiệp trên toàn quốc.

2. Nội dung điều tra doanh nghiệp

- Thực trạng sử dụng lao động tại các thời điểm 31/1/2009, 30/06/2010, ước 31/12/2010

+ Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh;

+ Thực trạng sử dụng lao động trong các doanh nghiệp: Khả năng lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, thiếu và dư thừa lao động trong doanh nghiệp, theo nghề, trình độ chuyên môn, kỹ năng và thâm niên nghề,...

+ Thực trạng lao động - việc làm theo ngành, nghề;

+ Thực trạng quan hệ lao động, thời giờ làm việc, thu nhập bình quân;

+ Đào tạo và đào tạo lại lao động theo ngành, nghề.

- Nhu cầu sử dụng lao động:

+ Kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh;

+ Nhu cầu tuyến lao động đến năm 2011 (theo số lượng, cơ cấu, chất lượng lao động, ngành nghề,...).

- ý kiến của doanh nghiệp.

3. Nội dung điều tra người lao động làm việc trong các doanh nghiệp

- Đặc điểm về nhân khẩu học: Họ và tên, địa chỉ, tuổi, giới tính,...

- Trình độ giáo dục phổ thông;

- Trình độ chuyên môn kỹ thuật; ngành nghề, lĩnh vực đào tạo;

- Thực trạng quan hệ lao động, thu nhập, thời giờ làm việc...;

- Thực trạng việc làm, vị thế công việc,...;

- Sự thoả mãn, phù hợp với công việc hiện tại và nhu cầu đào tạo, nhu cầu việc làm trong tương lai.

- Tình hình di chuyển lao động theo khu vực địa lý, tính chất việc làm;

- ý kiến của người lao động về nhu cầu việc làm và những vấn đề có liên quan.

IV. THỜI ĐIỂM ĐIỀU TRA

- Thời điểm Điều tra: 01/7/2010

- Thời gian điều tra là 30 ngày kể từ 01/7/2010

(Riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thời gian là 45 ngày kể từ ngày 01/7/2010)

V. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA

Điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động năm 2010 là cuộc điều tra chọn mẫu và rà soát toàn bộ doanh nghiệp.

- Thu thập gián tiếp: áp dụng đối với việc rà soát doanh nghiệp.

- Thu thập trực tiếp: Điều tra viên đến trực tiếp từng doanh nghiệp được chọn điều tra để phỏng vấn và điền thông tin vào phiếu điều tra.

VI. CƠ QUAN TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA VÀ LỰC LƯỢNG THAM GIA ĐIỀU TRA

1. Cơ quan chủ trì Điều tra: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chỉ đạo tổ chức thực hiện điều tra. Thường trực là Cục Việc làm.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về Điều tra Thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động năm 2010, gồm các thành viên là lãnh đạo cấp Vụ thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Cơ quan thực hiện điều tra:

- Ban chỉ đạo Trung ương về Điều tra Thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động năm 2010: chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động: chuẩn bị điều tra, kiểm tra, giám sát chung toàn bộ cuộc điều tra, xử lý số liệu và báo cáo kết quả điều tra.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố có trách nhiệm:

+ Lựa chọn giám sát viên và điều tra viên đáp ứng yêu cầu;

+ Tổ chức rà soát, thu thập thông tin của toàn bộ doanh nghiệp theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Điều tra Trung ương;

+ Tổ chức điều tra chọn mẫu tại đơn vị điều tra đã chọn;

+ Mã hóa phiếu điều tra, báo cáo tình hình điều tra tại địa bàn.

3. Lực lượng thực hiện điều tra

3.1. Điều tra viên

Điều tra viên là người có chuyên môn và kinh nghiệm tham gia các cuộc điều tra, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình công tác và có khả năng vận động quần chúng, được huấn luyện kỹ về nghiệp vụ điều tra. Điều tra viên có trách nhiệm:

- Tham gia tập huấn trước khi thực hiện điều tra;

- Thực hiện việc điều tra, chọn mẫu người lao động tham gia phỏng vấn, ghi phiếu tại các doanh nghiệp. Việc ghi phiếu phải thực hiện theo nguyên tắc phỏng vấn trực tiếp đúng các doanh nghiệp thuộc địa bàn được điều tra; không được bỏ sót đối tượng, không ghi sai hoặc bỏ sót những nội dung điều tra đã quy định trong phiếu;

- Bàn giao phiếu đã điều tra kèm theo danh sách doanh nghiệp được phân công điều tra cho giám sát viên đúng kỳ hạn.

3.2. Giám sát viên

Lực lượng giám sát viên là các cán bộ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh/thành phố. Giám sát viên có nghiệp vụ, kinh nghiệm tham gia giám sát. Giám sát viên có nhiệm vụ:

- Tiếp nhận danh sách các doanh nghiệp và phổ biến kế hoạch điều tra đến các đối tượng, đơn vị được điều tra;

- Tổ chức, triển khai điều tra trên địa bàn theo kế hoạch;

- Giám sát quá trình ghi phiếu tại các địa bàn được phân công phụ trách hướng dẫn, giải quyết hoặc báo cáo Ban chỉ đạo Điều tra các vướng mắc phát sinh trong quá trình điều tra tại địa bàn.

- Thu nhận, nghiệm thu toàn bộ phiếu điều tra và chịu trách nhiệm về chất lượng, kết quả điều tra trên địa bàn được phụ trách.

3.3. Kiểm tra viên

Lực lượng cán bộ kiểm tra sẽ do Ban chỉ đạo Điều tra chỉ định, có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện quy trình điều tra ghi trong phương án, bao gồm việc tuyển chọn đội ngũ điều tra viên; kiểm tra công tác tổ chức tập huấn cho điều tra viên; kiểm tra việc thực hiện ghi phiếu tại các địa bàn điều tra. Trường hợp phát hiện sai sót, cán bộ kiểm tra có trách nhiệm thông báo cho Ban chỉ đạo điều tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để kịp thời sửa chữa và báo cáo Ban chỉ đạo Điều tra Trung ương để có phương án xử lý.

VII. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI

1. Giai đoạn chuẩn bị (từ 1/2 đến 30/6/2010):  

a. Ban chỉ đạo điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động Trung ương:

- Xây dựng phương án điều tra, xác định đối tượng, phạm vi điều tra,...;

- Tổ chức tiến hành rà soát, lập danh sách doanh nghiệp để tổ chức điều tra;

- Thiết kế phiếu điều tra, hệ thống chỉ tiêu tổng hợp;

- Tổ chức điều tra thử để hoàn thiện bộ công cụ điều tra;

- Soạn thảo các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra;

- In ấn các tài liệu phục vụ điều tra;

- Tuyển chọn lực lượng cán bộ kiểm tra viên;

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra cho giảng viên nguồn và cán bộ kiểm tra;

- Dự toán phân bổ kinh phí điều tra cho các cơ quan/đơn vị phối hợp thực hiện điều tra.

b. Ban chỉ đạo điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động các tỉnh, thành phố.

- Tổ chức rà soát doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh/thành phố;

- Tiếp nhận và rà soát lại danh sách các doanh nghiệp được chọn mẫu để điều tra của tỉnh/thành phố;

- Lập kế hoạch điều tra theo quy định của phương án và phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương;

- Căn cứ vào số đối tượng điều tra tại các tỉnh/thành phố để tuyển chọn lực lượng điều tra viên, tổ trưởng điều tra và giám sát viên có năng lực, kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm để đảm bảo tiến độ và chất lượng cuộc điều tra;

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên, giám sát viên tại địa phương. Các thành viên tham gia cuộc điều tra bắt buộc phải dự lớp tập huấn nghiệp vụ điều tra;

- Triển khai điều tra đảm bảo chất lượng, đúng thời gian và tiến độ quy định.

2. Triển khai điều tra (từ 1/7 đến 30/10/2010)

a. Ban chỉ đạo điều tra Trung ương: Chỉ đạo điều tra và kiểm tra tại địa bàn (từ 1/7 đến 15/8/2010):  

Tổ chức các đoàn của Ban chỉ đạo, cán bộ đi kiểm tra tại một số địa bàn điều tra để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung và xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình điều tra.

b. Ban chỉ đạo điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động tỉnh, thành phố. Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện cuộc điều tra trên địa bàn theo đúng quy định của phương án điều tra đã được phê duyệt (01/7 đến 30/7/2010), cụ thể:

- Tổ chức thu thập thông tin của các doanh nghiệp được chọn để điều tra theo danh sách do Ban chỉ đạo Trung ương gửi tới tỉnh/thành phố. Doanh nghiệp nào giải thể thì thay bằng doanh nghiệp kế tiếp trong danh sách của tỉnh/thành phố;

- Việc điều tra ghi phiếu phải thực hiện theo đúng phương pháp, đủ số lượng các doanh nghiệp, đúng những quy định về nghiệp vụ điều tra; không bỏ sót đối tượng điều tra, không ghi sai hoặc bỏ sót những nội dung đã quy định trong phiếu điều tra;

- Giám sát công tác điều tra ghi phiếu tại địa bàn được phụ trách của điều tra viên. Khi phát hiện sai sót phải thông báo cho điều tra viên để kịp thời sửa chữa;

- Tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo điều tra Trung ương, lực lượng cán bộ kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện điều tra trên địa bàn.

3. Nghiệm thu, mã hoá, nộp phiếu điều tra:

a. Ban chỉ đạo điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động tỉnh, thành phố:

- Nghiệm thu và mã hoá phiếu điều tra (30/7 đến 30/9/2010):

+ Kiểm tra 100% các thông tin đã ghi trên phiếu và tiến hành mã hoá phiếu điều tra theo quy định của Ban chỉ đạo điều tra.

+ Tổ chức nghiệm thu toàn bộ phiếu điều tra từ địa phương.

- Nộp phiếu điều tra cho Ban chỉ đạo điều tra Trung ương (trước 5/10/2010): Kiểm kê, sắp xếp phiếu điều tra theo thứ tự của từng địa bàn điều tra và gửi về Ban chỉ đạo điều tra Trung ương theo địa chỉ: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Số 2 Đinh Lễ - Hà Nội (Cục Việc làm).

b. Ban chỉ đạo điều tra Trung ương nghiệm thu phiếu điều tra (từ 15/8 đến 15/10/2010): Ban chỉ đạo điều tra tổ chức nghiệm thu toàn bộ phiếu điều tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố.

4. Phúc tra kết quả điều tra

- Ban chỉ đạo điều tra Trung ương chỉ đạo phúc tra kết quả điều tra (từ 1/8 đến 1/9/2010): Ban chỉ đạo tổ chức các đoàn đi phúc tra tại một số địa bàn để phục vụ xử lý kết quả và đánh giá kết quả điều tra.

5. Lập trình, nhập tin, xử lý tổng hợp (từ 01/8 đến 15/11/2010)

Trung tâm Thông tin Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các việc sau theo phương thức hợp đồng công việc:

- Kiểm tra phiếu, xử lý thô trước khi nhập tin;

- Thiết kế chương trình nhập tin, xử lý tổng hợp kết quả điều tra;

- Nhập tin, kiểm tra dữ liệu gốc, tạo file dữ liệu gốc phân tổ, tổng hợp kết quả điều tra;

- Tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả tổng hợp.

6. Tổng hợp, phân tích và xuất bản kết quả điều tra (từ 15/11 đến 30/12/2010)

- Chuẩn bị báo cáo phân tích kết quả điều tra (bao gồm báo cáo nhanh, báo cáo chuyên đề và báo cáo tổng hợp kết quả điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động);

- Tổ chức họp đánh giá kết quả điều tra trước 30/12/2010;

- Số liệu gốc, số liệu tổng hợp kết quả điều tra được lưu giữ dưới dạng văn bản và điện tử tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm, Vụ Kế hoạch Tài chính, Trung tâm Thông tin). Kết quả được xuất bản thành đĩa CD-ROM.

VIII. CƠ CHẾ PHỐI HỢP

1. Cấp Trung ương:

Cục Việc làm chủ trì phối hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Trung tâm Thông tin, Tổng cục Dạy nghề, Vụ Kế hoạch - Tài chính và Vụ Lao động Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) có trách nhiệm giúp Ban chỉ đạo điều tra Trung ương thực hiện toàn bộ cuộc điều tra, bao gồm: xây dựng phương án, thiết kế phiếu điều tra, biên soạn các tài liệu hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ điều tra, kiểm tra chất lượng điều tra, thẩm định kết quả xử lý tổng hợp, xử lý số liệu và viết báo cáo kết quả điều tra.

2. Cấp tỉnh/thành phố:

- Ban chỉ đạo Điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động tỉnh/thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc:

- Tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra;

- Tổ chức điều tra và giám sát điều tra;

- Kiểm tra, giám sát chất lượng phiếu điều tra, đảm bảo thông tin khách quan, trung thực.

IX. KINH PHÍ TỔ CHỨC TRA

- Tổng kinh phí tra là: 6 tỷ đồng từ nguồn kinh phí điều tra thị trường lao động thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Việc làm (phần ngân sách thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) năm 2010.

- Cục Việc làm phê duyệt dự toán chi tiết theo các nội dung và định mức quy định.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển kinh phí cho các đơn vị theo phương thức hợp đồng trên cơ sở số lượng và chất lượng công việc thực hiện. Ngoài ra, tuỳ theo tìm tình hình cụ thể Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hỗ trợ kinh phí để hoàn thành tốt cuộc điều tra này.

Kinh phí điều tra được quản lý và sử dụng theo quy định hiện hành./.

 

PHỤ LỤC

PHƯƠNG ÁN CHỌN MẪU TRA THỰC TRẠNG SỬ DỤNG VÀ NHU CẦU LAO ĐỘNG NĂM 2010

Do yêu cầu của cuộc tra là đại diện cho đến vùng vì vậy cuộc điều tra sẽ thuộc loại điều tra phân tổ. Có 8 tổ. Mỗi vùng là một tổ. Do thông tin cần đáp ứng nhu cầu thông tin cho 20 ngành kinh tế cấp I, nên các doanh nghiệp phải tiếp tục được phân ra thành 20 tổ con. Như vậy có tổng số là 160 tổ con.

1. Xác định cỡ mẫu và phân bổ mẫu

Với giả thiết số liệu đại diện cho 8 vùng và 20 ngành kinh tế cấp I của từng vùng, với mức độ tin cậy bằng 95% (Z* = 1,96), và với các biên độ sai số cho phép khác nhau cỡ mẫu tương ứng được thể hiện trong bảng sau:

Biên độ sai số m

Cỡ mẫu cho một tổ

Cỡ mẫu cho 160 tổ

0.02

2401

384160

0.03

1067

170738

0.04

600

96040

0.05

384

61466

0.06

267

42684

0.07

196

31360

0.08

150

24010

0.09

119

18971

0.10

96

15366

Trong bảng trên, nếu biên độ sai số cho phép bằng 0,09 thì cỡ mẫu sẽ là 18.971 doanh nghiệp, còn nếu biên độ sai số cho phép bằng 0,1, cỡ mẫu sẽ là 15.366 doanh nghiệp.

Do điều kiện kinh phí và để cho đơn giản, lấy cỡ mẫu tròn là 16.000 doanh nghiệp cho toàn quốc. Với cỡ mẫu này, biên độ sai số cho phép sẽ nằm trong khoảng từ 0,09 đến 0,10. Với cỡ mẫu này và so với số lượng doanh nghiệp đại thời điểm 31/12/2008 tỷ lệ chọn mẫu chung là 7,96%. Cỡ mẫu này được phân cho 8 vùng theo phương pháp tỷ lệ thuận với căn bậc hai của số lượng các doanh nghiệp của mỗi vùng. Số doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2008 được lấy làm cơ sở cho việc phân bổ mẫu.

2. Phân bổ và quy trình chọn mẫu các doanh nghiệp

Phương án chọn mẫu áp dụng năm 2010 là lập danh sách các doanh nghiệp theo ngành kinh tế cấp I cho từng vùng để tạo ra dàn mẫu. Trên cơ sở dàn này và số đơn vị mẫu (doanh nghiệp) cần chọn, tiến hành chọn mẫu. Việc chọn các doanh nghiệp vào mẫu được thực hiện riêng cho từng vùng theo quy trình sau:

Bước 1: Chọn mẫu đại diện cho 20 ngành kinh tế cấp I. Dựa vào danh sách các doanh nghiệp của các tỉnh với các mã ngành có sẵn lập dàn mẫu chung cho vùng.

Bước 2: Sử dụng phương pháp chọn hệ thống chọn các doanh nghiệp của từng ngành vào mẫu: Lấy tổng số doanh nghiệp của ngành chia cho số doanh nghiệp cần chọn để tính khoảng cách chọn K (nếu phép chia còn số dư thì chỉ lấy phần nguyên). Tiếp theo làm K cái thăm có số thứ tự từ 1 đến K và rút ngẫu nhiên lấy một cái (giả sử cái thăm rút được có số là R. Như vậy doanh nghiệp đầu tiên được chọn vào mẫu là doanh nghiệp có số thứ tự là R. Doanh nghiệp thứ hai được chọn vào mẫu có số thứ tự bằng R+K. Doanh nghiệp thứ ba được chọn vào mẫu sẽ có số thứ tự bằng R+K. Doanh nghiệp thứ ba được chọn vào mẫu là doanh nghiệp có số thứ tự bằng R+(j-1)K. Tiếp tục chọn theo nguyên tắc trên cho đến khi đủ số mẫu cần thiết thì dừng.

Việc chọn các doanh nghiệp vào mẫu cũng có thể sử dụng hàm RAND trong phần mềm EXCELL. Với cách chọn mẫu này, kết quả điều tra sẽ đại diện được cho 20 ngành kinh tế cấp I của từng vùng. Mặt khác, qua khảo sát số liệu thấy cũng đảm bảo suy rộng cho 4 vùng kinh tế trọng điểm.

3. Phương án suy rộng mẫu điều tra

Các chỉ tiêu điều tra sẽ được suy rộng theo các công thức sau:

Giá trị trung bình của chỉ tiêu điều tra x của một ngành của một vùng được ước lượng theo công thức:

Trong đó x là chỉ tiêu cần ước lượng, i là chỉ số ngành, v là chỉ số vùng, ni là cỡ mẫu của ngành i

- Giá trị trung bình của chỉ tiêu x cho vùng được ước lượng bằng công thức:

Trong đó x là chỉ tiêu cần ước lượng, i là chỉ số ngành, v là chỉ số vùng,  là tổng số doanh nghiệp của ngành i

- Giá trị trung bình của chỉ tiêu x của một ngành của toàn quốc được ước lượng bằng công thức:

Trong đó x là chỉ tiêu cần ước lượng, v là chỉ số vùng, Nv là tổng số doanh nghiệp của ngành được ước lượng của vùng v.

- Phương sai của chỉ tiêu điều tra x của một ngành của một vùng được ước lượng theo công thức:

- Sai số chọn mẫu của giá trị trung bình của chỉ tiêu x của một ngành của một vùng được ước lượng bằng công thức:

- Phương sai của giá trị trung bình của chỉ tiêu x của một ngành của một vùng được ước lượng bằng công thức:

- Sai số chọn mẫu của giá trị trung bình của chỉ tiêu x của một ngành của một vùng được ước lượng bằng công thức:

- Phương sai của giá trị trung bình của chỉ tiêu x của toàn quốc được ước lượng bằng công thức:

- Sai số chọn mẫu của giá trị trung bình của chỉ tiêu x của toàn quốc được ước lượng bằng công thức:

 

PHỤ LỤC I

SỐ DOANH NGHIỆP CÁC VÙNG PHÂN THEO NGÀNH KINH TẾ

STT

Ngành KT

ĐBXH

Đbắc

Tây bắc

Bắc Tr Bộ

Nam Tr Bộ

Tây Nguyên

Đnam Bộ

Tây Nam bộ

Tổng

1

Nông nghiệp, Lâm nghiệp và thủy sản

322

161

34

1746

97

250

274

1132

4016

2

Khai khoáng

242

407

117

 

179

103

214

73

1335

3

Công nghiệp chế biến, chế tạo 

8481

1420

194

27

1845

546

13238

3225

28976

4

Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí 

381

1065

142

764

186

60

182

435

3215

5

Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải

149

65

8

46

33

23

113

123

560

6

Xây dựng

5147

1746

608

2230

1760

903

6214

2394

21002

7

Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 

17600

2675

449

3566

4530

1797

23448

7727

61792

8

Vận tải và kho bãi

2637

667

88

597

821

201

2739

577

8327

9

Dịch vụ lưu trú và ăn uống

1165

285

42

534

810

331

2210

698

6075

10

Thông tin và truyền thông 

895

17

6

37

101

13

1107

186

2362

11

Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 

694

91

12

205

63

58

533

239

1895

12

Hoạt động kinh doanh bất động sản 

694

19

4

16

80

20

1696

124

2653

13

HD chuyên môn, khoa học và công nghệ

2860

245

55

433

582

211

3985

413

8784

14

Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ

1304

80

10

138

191

34

1337

124

3218

15

Hoạt động của Đảng Cộng sản và các tổ chức chính trị xã hội

4

3

 

 

 

 

 

 

7

16

Giáo dục và đào tạo

363

32

3

41

60

10

442

29

980

17

Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội

99

10

1

20

12

1

189

25

357

18

Nghệ thuật, vui chơi và giải trí

121

16

10

33

59

29

171

51

490

19

Hoạt động dịch vụ khác

204

22

4

34

54

7

418

77

820

20

Hoạt động làm thuê các công việc trong các gia đình, sản xuất SF tiêu dùng trong các hộ gia đình

1

 

 

 

1

 

1

 

3

 

Tổng

43363

9026

1787

10467

11464

4597

58511

17652

156867

 

CỠ MẪU CỦA TỪNG VÙNG PHÂN THEO NGÀNH KINH TẾ

STT

Ngành KT

ĐBXH

Đbắc

Tây bắc

Bắc trbộ

Nam trbộ

Tây Nguyên

Đnam Bộ

Tây Nam bộ

Tổng

1

Nông nghiệp, Lâm nghiệp và thủy sản

93

60

31

207

44

79

76

160

752

2

Khai khoáng

80

96

58

0

60

51

68

73

485

3

Công nghiệp chế biến, chế tạo 

476

179

75

27

191

117

531

271

1867

4

Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí 

101

155

64

137

61

39

182

99

838

5

Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải

149

65

8

46

33

23

113

53

490

6

Xây dựng

371

198

133

234

187

150

364

233

1871

7

Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 

686

245

114

296

300

212

707

419

2980

8

Vận tải và kho bãi

265

123

51

121

128

71

242

115

1115

9

Dịch vụ lưu trú và ăn uống

176

80

35

115

127

91

217

126

967

10

Thông tin và truyền thông 

155

17

6

37

45

13

154

65

491

11

Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 

136

45

12

71

63

38

107

74

546

12

Hoạt động kinh doanh bất động sản 

136

19

4

16

80

20

190

53

518

13

HD chuyên môn, khoa học và công nghệ

276

74

40

103

108

73

290

97

1061

14

Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ

187

42

10

58

62

34

169

53

615

15

Hoạt động của Đảng Cộng sản và các tổ chức chính trị xã hội

4

3

0

0

0

0

0

0

7

16

Giáo dục và đào tạo

98

32

3

41

60

10

97

29

371

17

Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội

99

10

1

20

12

1

0

25

168

18

Nghệ thuật, vui chơi và giải trí

121

16

10

33

59

29

171

51

490

19

Hoạt động dịch vụ khác

74

22

4

34

54

7

94

77

366

20

Hoạt động làm thuê các công việc trong các gia đình, sản xuất SF tiêu dùng trong các hộ gia đình

1

0

0

0

1

0

1

0

3

 

Tổng

3684

1482

659

1598

1673

1058

3773

2073

16000

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 495b/QĐ-LĐTBXH năm 2010 phê duyệt Phương án và tổng dự toán Điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 495b/QĐ-LĐTBXH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/04/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thanh Hoà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/04/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản