Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/2016/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 21 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CAO ĐỘ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Thông tư số 01/2016/TT-BXD ngày 01 tháng 02 năm 2016 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật; Thông tư 10/2016/TT-BXD ngày 15 tháng 3 năm 2016 Quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch xây dựng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý cao độ xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2016. Các quy định trước đây trái với nội dung tại Quy định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Tư pháp; Ban quản lý phát triển khu đô thị mới; các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng (để b/c);
- Cục KTVBQPPL- Bộ Tư pháp;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- VPUB: CPVP, GTXD, NN-TNMT, TH(4);
- CB Hà Nam; Báo Hà Nam;
- Lưu: VT, XD(V).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đông

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ CAO ĐỘ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 49/2016/QĐ-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về cao độ, nguyên tắc và sự phối hợp trong việc quản lý cao độ các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện); UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã); các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Điều 3. Nguyên tắc chung về quản lý cao độ xây dựng trên địa bàn tỉnh

1. Cao độ san nền khu mới phải đảm bảo hài hòa với cao độ khu dân cư hiện trạng ở lân cận và tuân thủ hướng dốc chung của toàn bộ lưu vực. Trường hợp xa khu dân cư, cao độ san nền phải đảm bảo các điều kiện về thủy văn (theo quy định cụ thể của từng công trình) tại khu vực.

2. Cao độ các tuyến đường giao thông phải thống nhất với cao độ san nền và theo lưu vực, tôn trọng cao độ các tuyến đường có chức năng chắn lũ hay phân lũ qua khu dân cư cũ, cao độ đã ổn định.

3. Cao độ được quản lý thống nhất một hệ Lục địa nhà nước (Hòn Dấu, Đồ Sơn, Hải Phòng) trên toàn tỉnh thông qua hệ thống mốc quốc gia và mốc riêng (được xây dựng theo đề án riêng).

4. Hệ thống mốc được quản lý như đối với mốc giới phục vụ quản lý quy hoạch xây dựng (quy định tại Điều 21 Thông tư 10/2016/TT-BXD ngày 15/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng).

Chương II

PHÂN LƯU VỰC TÍNH TOÁN ĐỂ QUẢN LÝ CAO ĐỘ SAN NỀN VÀ ĐƯỜNG GIAO THÔNG

Điều 4. Nguyên tắc phân chia lưu vực để quản lý cao độ

Việc phân chia lưu vực để xác định cao độ san nền các khu vực trên địa bàn tỉnh Hà Nam đảm bảo các nguyên tắc sau:

1. Địa hình trong một lưu vực cơ bản đồng đều.

2. Hệ thống các công trình thủy lợi trong cùng một lưu vực là một khối thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tiêu thoát nước, được giới hạn bởi các sông: sông Hồng, sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ, sông Biên Hòa, sông Sắt...

Điều 5. Phân chia lưu vực để quản lý cao độ

1. Lưu vực 1: Tây sông Đáy chia thành 2 tiểu lưu vực:

- Tiểu lưu vực A: Nam sông Đáy - Tây QL21A.

- Tiểu lưu vực B: Tây - Nam sông Đáy, cao độ +3.0 đến +3.5m

2. Lưu vực 2: Đông - Bắc huyện Kim Bảng, cao độ +3.0m đến +4.0m

3. Lưu vực 3: Toàn bộ huyện Duy Tiên chia thành 3 tiểu lưu vực:

- Tiểu lưu vực A: Sông Nhuệ - cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao độ +2.9m đến +3.5m

- Tiểu lưu vực B: Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - Tây Bắc sông Châu, cao độ +2.5m đến +3.2m.

- Tiểu lưu vực C: Tây Bắc sông Duy Tiên và Bắc sông Châu, cao độ +2.9m đến +3.6m.

4. Lưu vực 4: Toàn bộ huyện Lý Nhân chia thành 2 tiểu lưu vực:

- Tiểu lưu vực A: Phía Bắc đường nối 2 đường cao tốc, cao độ +3.3m đến +4.3m.

- Tiểu lưu vực B: Phía Nam đường nối 2 đường cao tốc, cao độ +2.5m đến +3.5m.

5. Lưu vực 5: Từ QL1A - QL21A - Nam sông Châu - Tây sông Biên Hòa, cao độ +3.0m đến +3.5m.

6. Lưu vực 6: Đông sông Đáy - Nam QL21A - Tây sông Biên Hòa, cao độ +2.8m đến +3.2m.

7. Lưu vực 7: Phía Đông sông Biên Hòa - Tây sông Sắt - Nam sông Châu.

- Tiểu lưu vực A: Phía Bắc QL21A, cao độ +2.3m đến +3.5m.

- Tiểu lưu vực B: Phía Nam QL21A, cao độ +2.0m đến +3.0m.

8. Lưu vực 8: Phía Nam sông Châu - Đông sông Sắt, cao độ +2.3m đến +2.8m.

Điều 6. Khai thác, sử dụng mốc cao độ

1. Các điểm độ cao Quốc gia hạng I, II, III đã có được sử dụng làm cơ sở để lập lưới cao độ (trên cơ sở các điểm hạng I, II) và đo vẽ, phát triển số lượng điểm mốc mới phục vụ công tác quản lý cao độ.

2. Tận dụng tối đa các tài liệu đã có trước đây về mốc cao độ trên địa bàn toàn tỉnh để đánh giá và quy đổi về hệ cao độ thống nhất (hệ cao độ Lục địa Nhà nước), làm cơ sở khai thác đồng bộ với hệ thống mốc cao độ được xây dựng mới theo Dự án sau này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của các Sở, Ngành

1. Sở Xây dựng:

- Thực hiện “Dự án xây dựng lưới độ cao” để phục vụ công tác quản lý cao độ trên địa bàn toàn tỉnh.

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc xác định cao độ san nền, cao độ các tuyến đường giao thông, làm cơ sở để quản lý và cung cấp cao độ, cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu để phục vụ cho việc khảo sát lập quy hoạch, lập dự án.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Cập nhật, bổ sung quỹ đất xây dựng mạng lưới mốc thủy chuẩn vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Cung cấp các số liệu về tọa độ, cao độ điểm lưới địa chính cơ sở và bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác lập “Dự án xây dựng lưới độ cao”.

3. Sở Tài chính: Tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí để lập Dự án lưới độ cao, quy hoạch và xây dựng mạng lưới, quản lý và vận hành khai thác các điểm mốc cao độ.

4. Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan để cùng quản lý về cao độ, đảm bảo sự thống nhất chung giữa các dự án.

5. Các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành của tỉnh: Rà soát cao độ hiện trạng, cao độ các đồ án quy hoạch và cao độ các dự án được giao quản lý, đối chiếu với cao độ san nền khu vực được duyệt để điều chỉnh và triển khai theo cao độ quy hoạch sau khi có ý kiến thỏa thuận với Sở Xây dựng.

6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tại vị trí xây dựng mốc thủy chuẩn.

- Quản lý vị trí xây dựng mốc trong địa giới hành chính do mình quản lý, hàng năm tổ chức kiểm tra và báo cáo về Sở Xây dựng để bổ sung, khôi phục các mốc bị mất hoặc sai lệch.

- Cung cấp thông tin về vị trí mốc ngoài hiện trường cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu

7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ mốc và báo cáo về Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu mốc bị xê dịch, hư hỏng.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện trong quá trình thu hồi đất và xây dựng mốc.

8. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng: Liên hệ với Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện để được cung cấp các thông tin về mốc thủy chuẩn, làm cơ sở phục vụ cho công tác khảo sát, lập dự án, lập quy hoạch.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Khen thưởng, xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tố giác các hành vi vi phạm cao độ, phá hoại mốc sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong các hoạt động về xây dựng có liên quan đến cao độ và các hành vi phá hoại mốc cao độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Điều khoản thi hành

Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định này nếu gặp khó khăn, vướng mắc, phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 49/2016/QĐ-UBND Quy định về quản lý cao độ xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam

  • Số hiệu: 49/2016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/11/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
  • Người ký: Nguyễn Xuân Đông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản