Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 4865/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 23 tháng 08 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ ÁN HỢP TÁC PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM THAM GIA VÀO HÀNH LANG KINH TẾ NAM NINH - SINGAPORE

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 28/2012/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hợp tác phát triển của Việt Nam tham gia vào Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hợp tác phát triển của Việt Nam tham gia vào Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ, Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thuộc khu vực hành lang kinh tế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Các Thứ trưởng;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, KH (2).

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 28/2012/QĐ-TTG NGÀY 25 THÁNG 6 NĂM 2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỢP TÁC PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM THAM GIA VÀO HÀNH LANG KINH TẾ NAM NINH - SINGAPORE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4865/QĐ-BCT ngày 23 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu: Mục tiêu của Chương trình nhằm triển khai thực hiện Đề án Hợp tác phát triển của Việt Nam tham gia vào Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore.

2. Yêu cầu: Yêu cầu của Chương trình đòi hỏi các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Hành lang kinh tế chủ động và tích cực tham gia hợp tác xây dựng Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore để tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa các nước, đồng thời tranh thủ những mặt tích cực và hạn chế những mặt không thuận lợi của khuôn khổ hợp tác này vào sự nghiệp phát triển đất nước.

a) Quan điểm hợp tác

- Hợp tác xây dựng hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore đặt trong khuôn khổ chung của các hợp tác khu vực đã được hình thành và các hợp tác song phương, đa phương khác của các nước liên quan, đồng thời phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.

- Chủ động tham gia hợp tác để tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa các nước, đồng thời tranh thủ những mặt tích cực và hạn chế những mặt không thuận lợi của khuôn khổ hợp tác này vào sự nghiệp phát triển đất nước.

- Gắn kết chặt chẽ giữa hợp tác hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore với Hợp tác Tiểu vùng Mê kông mở rộng (GMS), Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc bộ mở rộng và Hợp tác hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung. Coi hợp tác hai hành lang, một vành đai kinh tế là hợp phần quan trọng, là cơ sở tiền đề để triển khai hợp tác xây dựng Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore.

- Đa phương hóa, đa dạng hóa các hình thức hợp tác và các lĩnh vực hợp tác. Tranh thủ tối đa nguồn vốn của Trung Quốc và thu hút nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng hạ tầng giao thông và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương nhằm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

- Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore với tăng cường, củng cố quốc phòng an ninh và bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái trong khu vực, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, độc lập chủ quyền các vùng biên giới, vùng biển, đảo của tổ quốc.

b) Mục tiêu hợp tác

- Tăng cường hơn nữa tình hữu nghị thân thiện, hiểu biết lẫn nhau, góp phần mở rộng và nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nước trong khu vực Hành lang kinh tế.

- Góp phần củng cố hòa bình, tạo sự ổn định chính trị và an ninh trong khu vực; xây dựng khu vực Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore thành khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

- Xây dựng đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông trong khu vực phục vụ kết nối hiệu quả giữa các nước; lấy xây dựng hành lang vận tải quốc tế làm trụ cột để triển khai hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác, tạo thành một Hành lang kinh tế phát triển trong khu vực.

- Phát huy có hiệu quả những mặt tích cực, đồng thời giảm thiểu tối đa những tác động không có lợi của Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore nhằm bảo đảm lợi ích của ta trong quá trình tham gia hợp tác.

c) Nguyên tắc hợp tác

- Bảo đảm tôn trọng độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và quan hệ hợp tác của mỗi nước với các nước khác ngoài khu vực Hành lang kinh tế, đồng thời góp phần tích cực thúc đẩy các quan hệ hợp tác đa phương khác của mỗi nước.

- Tôn trọng sự tự nguyện tham gia của mỗi nước. Bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình hợp tác thông qua việc thường xuyên trao đổi thông tin giữa các nước tham gia, cũng như với các tổ chức quốc tế và quốc gia khác ngoài khu vực nhằm thu hút sự tham gia của nhiều đối tác.

- Tiến hành hợp tác qua nhiều kênh (Chính phủ, doanh nghiệp và tư nhân), đồng thời tiến hành từng bước hiệu quả, vững chắc, lựa chọn lĩnh vực nào thuận lợi, chín muồi và có hiệu quả thiết thực thì tiến hành trước, sau đó mở rộng ra các lĩnh vực khác.

- Duy trì quan hệ hữu nghị ổn định, lâu dài. Đối với từng vấn đề hợp tác, các bên cùng lấy hữu nghị, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển làm mục tiêu chung, đồng thời đứng trên góc độ toàn cục của quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc - ASEAN để tiến hành đối thoại nhằm cùng nhau xây dựng môi trường hợp tác lành mạnh và hiệu quả.

II. PHƯƠNG HƯỚNG HỢP TÁC CHỦ YẾU

1. Hợp tác về thương mại - dịch vụ

a) Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ và các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao:

- Tận dụng tối đa những ưu đãi có được của các cơ chế hợp tác khu vực đã hình thành và Hành lang kinh tế Nam Ninh-Singapore để đẩy mạnh xuất khẩu sang vùng Nam Trung Quốc và các nước liên quan, đồng thời mở rộng thị trường sang các nước khác. Phối hợp chặt chẽ với các nước xây dựng một cơ cấu hàng hóa trao đổi tối ưu, ổn định lâu dài phù hợp với lợi thế của từng địa phương và nhu cầu của mỗi nước.

b) Vụ Thương mại miền núi

- Thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong việc cải tiến, tiện lợi thông quan tại các cửa khẩu. Phối hợp với các nước có chung đường biên giới (Trung Quốc, Lào, Cămpuchia) xây dựng cơ chế thống nhất, thuận tiện về xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và các thủ tục hải quan, kiểm tra, kiểm dịch hàng hóa) thủ tục đi lại qua biên giới của các phương tiện vận tải... Hợp tác với các nước thực hiện mô hình thông quan một cửa, kiểm tra một lần ở tất cả các cửa khẩu chính, tạo điều kiện cho người, hàng hóa và phương tiện vận tải của các nước trong khu vực qua lại được nhanh chóng, thuận tiện, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và du lịch... Tăng cường hợp tác quản lý biên giới, quản lý thị trường, ngăn chặn buôn lậu và gian lận thương mại tại các khu vực biên giới, nhất là trên tuyến biên giới Việt - Trung và Việt Nam- Cămpuchia.

- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng hoàn chỉnh các khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Cầu Treo, Lao Bảo, Mộc Bài; nâng cấp các cửa khẩu khác dọc tuyến biên giới để mở rộng giao thương hàng hóa giữa các nước láng giềng.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh hợp tác trong việc duy trì và phát triển mạng lưới chợ vùng biển; xây dựng một số chợ biên giới với quy mô đủ lớn tại các cửa khẩu chính để thúc đẩy xuất khẩu và phát triển các dịch vụ hỗ trợ. Lành mạnh hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động biên mậu.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ hợp tác với các nước xây dựng hệ thống kho vận, kho hải quan tại các cửa khẩu chính và hệ thống logistics... dọc Hành lang kinh tế, đáp ứng yêu cầu vận hành và phát triển của Hành lang kinh tế trong thời gian tới. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn của các nước trong và ngoài khu vực, nhất là các tập đoàn phân phối toàn cầu đầu tư xây dựng một số trung tâm thương mại lớn, hiện đại tại các đô thị lớn, các cửa khẩu quốc tế quan trọng ở Việt Nam.

c) Cục Xúc tiến thương mại tăng cường hợp tác xúc tiến thương mại thông qua việc cùng phối hợp tổ chức các hội nghị, hội chợ, triển lãm, các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm... Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường ra các nước trong và ngoài Hành lang kinh tế.

b) Vụ Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ, ngành phát triển đa dạng các hoạt động xuất khẩu, bao gồm cả xuất khẩu tại chỗ, các dịch vụ thu ngoại tệ như tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu ủy thác, vận tải quá cảnh, kho ngoại quan, sửa chữa, bảo dưỡng các phương tiện vận tải, dịch vụ du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng và các dịch vụ khác... gắn với hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung và hệ thống đường xuyên Á trong khu vực.

2. Hợp tác phát triển về công nghiệp

a) Tổng cục Năng lượng, Cục Hóa chất và các Vụ Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ đẩy mạnh hợp tác với các nước có trình độ công nghệ cao và nguồn vốn lớn để phát triển công nghiệp. Chú trọng hợp tác với Thái Lan, Malaysia và Singapore phát triển các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Hợp tác với Trung Quốc phát triển các ngành nghề mà Trung Quốc có lợi thế nhưng cần đảm bảo các yêu cầu về công nghệ tiên tiến, môi trường như: nhiệt điện, lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, chế biến khoáng sản, chế biến nông thủy sản, sản xuất đồ điện gia dụng... Đồng thời cũng quan tâm thu hút doanh nghiệp của các nước đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên.

b) Cục Công nghiệp địa phương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ, ngành liên quan thúc đẩy hợp tác xây dựng một số khu, cụm công nghiệp dọc tuyến Hành lang kinh tế, trong đó tập trung vào các ngành nghề chính như: cơ khí sửa chữa, chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế tác xuất khẩu, công nghiệp dệt, may, chế biến nông lâm sản... để tham gia trực tiếp vào phát triển Hành lang kinh tế, đồng thời giải quyết việc làm cho lực lượng lao động lớn ở khu vực nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo.

c) Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thuộc Hành lang kinh tế cần thường xuyên nghiêm túc, trao đổi với các nước trong khu vực xác định những hạng mục hợp tác cụ thể, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp các nước đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, đồng thời tham gia chủ động, tích cực vào xây dựng và phát triển Hành lang kinh tế này.

3. Hợp tác trong bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai

a) Tổng cục Năng lượng và Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường hợp tác trong quản lý và khai thác các lưu vực sông chung. Phối hợp chặt chẽ với các nước thuộc GMS thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết đã thỏa thuận về khai thác, sử dụng nguồn nước lưu vực sông Mê Kông. Thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc xây dựng quy chế chung về quản lý và khai thác sử dụng nguồn nước các lưu vực sông lớn như sông Hồng, sông Đà và các sông suối trên khu vực biên giới hai nước nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đối với vùng hạ lưu của Việt Nam.

b) Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường, cảnh báo thiên tai gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến về quản lý, giám sát và xử lý các sự cố môi trường trong khu vực. Tăng cường hợp tác nâng cao khả năng dự báo mức độ tổn thương của tài nguyên, môi trường; dự báo và xử lý các sự cố môi trường có thể xảy ra trong quá trình vận hành Hành lang kinh tế. Thúc đẩy hợp tác trong dự báo tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng các kịch bản ứng phó hiệu quả... Tích cực tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế trong lĩnh vực cảnh báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu...

4. Triển khai thực hiện sớm một số lĩnh vực ưu tiên

a) Thúc đẩy tự do hóa thương mại, thuận tiện hóa thông quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành và phát triển Hành lang kinh tế

- Vụ Thương mại miền núi phối hợp với Vụ Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương và các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ, ngành liên quan hợp tác với các nước thúc đẩy thuận tiện hóa thông quan về người, hàng hóa và phương tiện vận tải, thực hiện sớm mô hình “thông quan một cửa, kiểm tra một lần” tại cửa khẩu biên giới. Trước mắt phối hợp thực hiện sớm tại các cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cầu Treo, Lao Bảo, Mộc Bài, sau đó mở rộng ra các cửa khẩu khác. Tăng cường hợp tác trên các phương diện trình tự thông quan, kiểm tra, kiểm dịch; đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh... tạo điều kiện phát triển hợp tác trong khu vực một cách thiết thực và hiệu quả, nhất là hợp tác thương mại và du lịch.

Hợp tác với Trung Quốc, Lào và Cămpuchia cải thiện hơn nữa điều kiện vận chuyển hàng hóa và hành khách qua biên giới theo phương thức Giấy phép vận tải qua biên giới đã được thỏa thuận tại Hiệp định vận tải qua biên giới GMS. Phối hợp xây dựng các bãi trung chuyển hàng hóa thống nhất tại một số cửa khẩu chính, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng lớn dọc Hành lang kinh tế.

b) Triển khai một số ngành nghề có điều kiện

- Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, Vụ Thương mại miền núi, Vụ Thị trường trong nước và Cục Quản lý thị trường xây dựng cơ chế, chính sách, khuyến khích hợp tác thương mại và đầu tư trong khu vực Hành lang kinh tế. Phối hợp chặt chẽ với các nước xây dựng cơ cấu hàng hóa trao đổi ổn định lâu dài phù hợp với lợi thế của từng địa phương và nhu cầu của mỗi nước. Thúc đẩy hợp tác xây dựng một số Trung tâm thương mại lớn tại các cửa khẩu quốc tế quan trọng. Tăng cường hợp tác với Trung Quốc, Lào và Cămpuchia trong quản lý biên giới, quản lý thị trường, ngăn chặn buôn lậu và gian lận thương mại tại các khu vực biên giới giữa các nước.

- Cục Xúc tiến Thương mại đẩy mạnh hợp tác xúc tiến thương mại. Phối hợp tổ chức các Hội chợ triển lãm, các Hội nghị xúc tiến thương mại và các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm. Thường xuyên trao đổi thông tin về thị trường và các thông tin liên quan nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại trong khu vực.

- Tổng cục Năng lượng, Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Tổ chức cán bộ và Cục Công nghiệp địa phương tập trung hợp tác trong các lĩnh vực: phát triển năng lượng (gồm cả nhiệt điện, thủy điện và các nguồn năng lượng mới); chế biến khoáng sản sâu; lọc hóa dầu; đóng tàu; công nghiệp phụ trợ; chế biến nông thủy sản; cơ khí sửa chữa, chế tạo; công nghiệp chế tác xuất khẩu; đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng, cơ khí chế tạo...; xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế...

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện những nhiệm vụ được giao trong chương trình bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng.

2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ, căn cứ nhiệm vụ và yêu cầu công tác đề ra trong Chương trình hành động này, xây dựng kế hoạch tham gia hợp tác và các dự án hợp tác cụ thể của đơn vị trong khuôn khổ hợp tác này và tổ chức thực hiện; nghiên cứu lựa chọn một số công trình, dự án ưu tiên cần hợp tác gửi về Vụ Kế hoạch để tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để triển khai thực hiện.

3. Giao Vụ Kế hoạch làm đầu mối, định kỳ hàng năm tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4865/QĐ-BCT năm 2012 về Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Quyết định phê duyệt Đề án Hợp tác phát triển của Việt Nam tham gia vào Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 4865/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/08/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Vũ Huy Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/08/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản