Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4862/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 21 tháng 07 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17/6/2010

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/47014 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Căn cứ Quyết định số 4487/QĐ-UBND ngày 09/7/2016 của UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình an toàn thực phẩm và triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng:

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1047/TTr-SNN ngày 14/6/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án Kiểm soát an toàn thực phẩm nông thủy sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2020 gồm các nội dung chủ yếu sau:

1. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP: từng bước kiểm soát ATTP trên địa bàn thành phố nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Sáu tháng cuối năm 2016:

+ Đạt 70% cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông thủy sản được thống kê và tổ chức kiểm tra, đánh giá xếp loại theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh nông thủy sản đủ điều kiện ATTP (sau đây viết tắt là Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT).

+ Xây dựng từ 2 đến 3 điểm kinh doanh nông sản được kiểm soát ATTP theo chuỗi.

+ Có 90% cơ sở sản xuất ban đầu được thống kê và hướng dẫn quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất ban đầu nhỏ lẻ và 70% cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thực hiện cam kết bảo đảm ATTP theo quy định tại thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện bảo đảm ATTP và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ (sau đây viết tắt là Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT).

- Đến năm 2017:

+ Sản xuất hết diện tích trồng rau an toàn trên diện tích đất đã được quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng (84,6 ha).

+ 100% nông dân sản xuất rau tại các vùng sản xuất tập trung thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn, đảm bảo ATTP cho thành phố.

+ 70% Cơ sở kinh doanh thủy sản và rau củ, quả nhập vào Chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang, Chợ Đầu mối Hòa Cường thực hiện kê khai nguồn gốc xuất xứ phục vụ cho công tác giám sát ATTP.

- 90% cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông thủy sản được thống kê và tổ chức kiểm tra, đánh giá xếp loại theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT

+ 100% cơ sở sản xuất ban đầu được thống kê và hướng dẫn quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất ban đầu nhỏ lẻ và 90% cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thực hiện cam kết bảo đảm ATTP theo quy định tại Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT.

- Đến năm 2018:

+ 90% cơ sở kinh doanh thủy sản và rau củ, quả nhập vào Chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang, Chợ Đầu mối Hòa Cường thực hiện kê khai nguồn gốc xuất xứ phục vụ cho công tác giám sát ATTP.

+ 100% cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông thủy sản được thống kê và tổ chức kiểm tra, đánh giá xếp loại theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT.

+ 100% cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thực hiện cam kết sản xuất đảm bảo ATTP theo Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT.

+ 100% cơ sở giết mổ tập trung đủ điều kiện đảm bảo ATTP được xếp loại A.

- Đến năm 2020:

+ Hoàn thành hệ thống thông tin giám sát ATTP đối với sản phẩm nông sản thực phẩm để kịp thời cảnh báo đến người tiêu dùng.

+ Hoàn thành hệ thống cung cấp thực phẩm được kiểm soát an toàn theo chuỗi từ sản xuất ban đầu trong thành phố và liên tỉnh đến người tiêu dùng cuối cùng.

II. NHIỆM VỤ VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP và quảng bá cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông thủy sản an toàn

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chủ trì, phối hợp với các Sở: Y tế, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện và các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai tuyên truyền hàng năm với các nội dung sau:

- Tập trung tuyên truyền về tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng, thiệt hại đối với nhà sản xuất kinh doanh khi sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh không đúng quy định, sử dụng chất cấm, các chất không được phép sử dụng.

- Hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng thực hành sản xuất tốt (GAP, GMP); đặc biệt không sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục được phép sử dụng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y,… trong sản xuất nông nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng chất lượng và nồng độ, đúng lúc và đúng cách).

- Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực phẩm nông thủy sản, nhất là rau, củ, quả, thịt, trứng... tại các chợ, siêu thị, cửa hàng công khai về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm để người tiêu dùng biết lựa chọn.

- Phối hợp với cơ quan báo, đài công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả xếp loại về điều kiện đảm bảo ATTP; địa điểm bán sản phẩm an toàn có xác nhận; kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý các cơ sở vi phạm về ATTP.

- Tổ chức viết bản tin, bài ảnh, tọa đàm, trao đổi, xây dựng phóng sự ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương,…

- Lắp các pano, phát tờ rơi, phát thanh tuyên truyền về ATTP để phổ biến đến người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông thủy sản.

- Xây dựng mạng lưới cung cấp và xử lý thông tin phản ánh của người dân về các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo ATTP từ thành phố đến xã, phường; công bố số điện thoại đường dây nóng các cấp từ thành phố đến xã, phường để người tiêu dùng kịp thời phản ánh các hành vi vi phạm ATTP.

b) Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố: xây dựng và triển khai Kế hoạch sản xuất chương trình ATTP để phát trên sóng truyền hình, gồm các nội dung:

- Chương trình giao lưu, tọa đàm, phóng sự: thời lượng 30 phút/chương trình, phát sóng định kỳ mỗi tháng 01 chương trình.

- Chuyên mục "Vì An toàn thực phẩm": thời lượng 10 phút/chương trình, phát sóng định kỳ mỗi tháng 01 chương trình.

- Bản tin: thời lượng 1 đến 2 phút, phát sóng ngay sau bản tin thời sự, mỗi tuần 02 lần.

c) Báo Đà Nẵng, Báo Công an Đà Nẵng:

- Viết bài tuyên truyền về ATTP; thực hiện đưa tin bài ảnh, phóng sự về thực trạng tình hình ATTP trên địa bàn, tuyên truyền phổ biến kiến thức, các quy định pháp luật về ATTP.

- Mở Chuyên mục "Vì sức khỏe cộng đồng" của các số báo ra ngày thứ hai hàng tuần; xây dựng Chuyên trang "An toàn thực phẩm" trên các số báo ra ngày thứ sáu hàng tuần và đặt trên trang chủ báo điện tử, cập nhật tin, bài, ảnh 24/24 giờ trong ngày.

- Ngoài ra, đăng tải đầy đủ các thông tin thời sự liên quan đến ATTP trên các số báo ra hàng ngày và các ấn phẩm của báo; mỗi tuần đăng tải Từ 4 - 6 tin, bài, ảnh phản ánh,

2. Tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (trừ phân bón vô cơ), hoàn thành trước ngày 31/12/2016.

- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra hàng năm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thành phố, ngăn chặn kịp thời không để xảy ra việc sản xuất, kinh doanh vật tư giả, kém chất lượng, ngoài danh mục cho phép và các chất cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

b) Sở Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức thống kê các cơ sở kinh doanh phân bón vô cơ trên địa bàn thành phố, hoàn thành trước ngày 31/12/2016.

- Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón vô cơ, ngăn chặn kịp thời không để xảy ra việc kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

c) UBND các quận, huyện:

Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc sử dụng vật tư nông nghiệp, nhất là việc sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giám sát việc sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và thu hoạch sản phẩm đảm bảo thời gian cách ly.

3. Kiểm soát ATTP sản phẩm rau, củ, quả sản xuất trên địa bàn thành phố

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Phối hợp với các địa phương thực hiện các nội dung hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tổ chức xác nhận sản phẩm an toàn đối với vùng rau hoặc chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn đối với cửa hàng bán rau (chậm nhất đến ngày 30/9/2016 phải công bố được thương hiệu rau an toàn và 1 đến 2 cửa hàng bán sản phẩm được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận tham gia chuỗi cung cấp thực phẩm hoặc xác nhận sản phẩm an toàn).

- Xây dựng hệ thống thông tin kiểm soát ATTP từ khâu sản xuất, thu mua đến cửa hàng bán sản phẩm (bao gồm kiểm tra, giám sát mẫu),

- Xây dựng chính sách hỗ trợ (vốn, đất đai, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ), hỗ trợ chứng nhận VietGAP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nhằm khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố.

- Triển khai ứng dụng nhanh công nghệ sinh học, cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

- Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, bổ sung quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng kế hoạch đầu tư hạ tầng (hạng mục, nguồn vốn) nhằm tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố,

b) Sở Công Thương:

Xây dựng các quầy bán rau an toàn từ nguồn rau sản xuất trên địa bàn thành phố sản xuất; có xác nhận tham gia chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn tại các chợ, siêu thị.

c) UBND các quận, huyện:

- Phối hợp, tổ chức sản xuất hết diện tích đã được thành phố quy hoạch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật sản xuất rau tại 5 vùng trồng rau tập trung: Túy Loan Tây xã Hòa Phong; Thạch Nham Tây xã Hòa Nhơn; Phú Sơn Nam - Phú Sơn 2, 3 xã Hòa Khương; Cẩm Nê - Yến Nê xã Hòa Tiến và La Hường phường Hòa Thọ Đông.

- Thực hiện thống kê các cơ sở sản xuất rau trên địa bàn quận, huyện và tổ chức cho nông dân ký cam kết sản xuất rau an toàn theo Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT, đến cuối năm 2016 đạt 70% cơ sở ký cam kết và 90% vào năm 2017; kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của nông dân.

- Hướng dẫn người sản xuất rau có sổ nhật ký ghi chép sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất hoặc công khai trên bảng đặt tại đồng ruộng (nội dung thông tin: ngày phun thuốc, loại thuốc sử dụng, thời gian cách ly, thu hoạch,...); tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường không tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật.

4. Kiểm soát ATTT đối với nguồn rau, củ, quả nhập từ các tỉnh

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành Quy định mội số nội dung quản lý ATTP đối với nguồn rau, củ, quả ngoại tỉnh nhập vào thành phố; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn hàng rau, củ, quả nhập vào thành phố tại Chợ Đầu mối Hòa Cường.

- Tham mưu UBND thành phố thành lập lực lượng liên ngành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng thực phẩm nhập từ các tỉnh vào thành phố.

b) Sở Công Thương:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các siêu thị xây dựng và thực hiện chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn có xác nhận; tổ chức kiểm tra, cấp giấy xác nhận các sản phẩm có đăng ký tham gia chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn của các siêu thị và các cơ sở kinh doanh thực phẩm nông sản do Sở Công Thương quản lý về ATTP.

c) UBND các quận, huyện:

Triển khai việc giám sát ATTP đối với sản phẩm rau, củ, quả tại các chợ, cửa hàng kinh doanh theo phân cấp.

5. Kiểm soát ATTP đối với cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng hóa chất kháng sinh, thuốc thú y tại các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là sử dụng các chất cấm (vàng ô, tạo nạc…).

- Triển khai ứng dụng nhanh công nghệ sinh học, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động môi trường, thời gian thực hiện từ năm 2017 đến 2020.

- Nghiên cứu tham mưu UBND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nhằm nâng cao tỷ lệ cung cấp sản phẩm động vật được sản xuất trên địa bàn thành phố đạt từ 20% đến 30% so với tổng nhu cầu vào năm 2020

b) UBND các quận, huyện:

- Thống kê danh sách các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, hoàn thành số liệu cụ thể vào cuối năm 2016.

- Tổ chức ký cam kết chăn nuôi đảm bảo ATTP theo quy định tại Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT, đạt tỷ lệ 90% vào năm 2017.

6. Kiểm soát động vật, các sản phẩm động vật ngoài tỉnh nhập vào thành phố và quản lý các cơ sở giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tăng cường năng lực hoạt động các trạm kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, đảm bảo 100% động vật và sản phẩm động vật nhập vào thành phố được kiểm dịch.

- Chủ trì, phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nâng cấp nhà xưởng và thiết bị; đề xuất UBND thành phố chính sách hỗ trợ để đảm bảo điều kiện ATTP, vệ sinh môi trường, đạt kết quả xếp loại A vào cuối năm 2018.

- Thường xuyên kiểm tra các phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật tươi sống sau giết mổ đảm bảo vệ sinh, ATTP.

- Thực hiện lấy mẫu giám sát sử dụng các chất cấm, tồn dư kháng sinh trong các cơ sở chăn nuôi, giết mổ và các cơ sở chế biến thực phẩm nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm ATTP.

b) UBND các quận, huyện

- Kiểm tra và xử lý dứt điểm việc tồn tại các điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố, hoàn thành vào cuối năm 2016,

- Kiểm tra và xử lý dứt điểm cơ sở giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tại vỉa hè, kiệt không đúng quy định, vi phạm ATTP, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây nhiễm cao, hoàn thành cuối năm 2017.

7. Kiểm soát ATTP đối với sản phẩm thực phẩm thủy sản

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tổ chức quản lý nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thủy sản nhập vào cảng cá và Chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang; phấn đấu đến năm 2017 đạt 70% và năm 2018 đạt 90% tàu cá, cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai nguồn gốc xuất xứ phục vụ cho công tác giám sát ATTP.

- Thực hiện lấy mẫu giám sát ATTP hàng năm nhằm cảnh báo và ngăn chặn kịp thời nguồn thực phẩm thủy sản mất an toàn nhập vào Chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang,

- Tăng cường đầu tư hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản thủy sản để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

b) UBND các quận, huyện:

- Thống kê các cơ sở nuôi trồng thủy sản, hoàn thành trước ngày 31/12/2016.

- Tổ chức ký cam kết nuôi thủy sản an toàn theo quy định tại Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT đối với các cơ sở nuôi thủy sản, đạt 70% vào năm 2016 và 90% vào năm 2017.

- Tổ chức quản lý việc sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh tại các vùng nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định.

8. Kiểm soát ATTP đối với các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông thủy sản và quản lý phụ gia trong chế biến thực phẩm

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Rà soát, thống kê tất cả các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông thủy sản thuộc trách nhiệm quản lý theo phân công và hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá, phân loại và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, hoàn thành trước ngày 31/12/2016.

- Tổ chức kiểm tra và hướng dẫn các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng chất phụ gia trong chế biến thực phẩm.

b) Sở Y tế, Sở Công Thương:

Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc sản xuất, sang chai, đóng gói và kinh doanh chất phụ gia thực phẩm không đúng quy định.

c) UBND các quận, huyện

- Thống kê tất cả các cơ sở sơ chế chế biến thực phẩm nông thủy sản nhỏ lẻ trên địa bàn (bao gồm các cơ sở có đăng ký kinh doanh và chưa đăng ký kinh doanh) và tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT; hoàn thành việc thống kê trước ngày 31/12/2016 và đánh giá, xếp loại trước tháng 12/2017.

- Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm không đảm bảo ATTP.

9. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng Chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang, Chợ Đầu mối nông sản Hòa Cường và tổ chức quản lý ATTP tại các chợ trên địa bàn thành phố (dự trù kinh phí riêng).

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Nâng cấp hoàn thiện cảng cá, Chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang để đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện đảm bảo ATTP.

- Tổ chức sắp xếp, bố trí mặt bằng buôn bán các loại thực phẩm trong chợ đảm bảo điều kiện ATTP, không để xảy ra việc buôn bán thực phẩm tươi sống trực tiếp trên nền chợ hoặc không đảm bảo khoảng cách cách ly có nguy cơ gây mất ATTP, hoàn thành trước tháng 12/2016.

- Bổ sung nội quy, quy định về điều kiện kinh doanh trong chợ đảm bảo ATTP; yêu cầu chủ hộ phải kê khai nguồn gốc xuất xứ thủy sản kinh doanh tại chợ và có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm không đảm bảo an toàn,... hoàn thành trước tháng 12/2016.

b) Sở Công Thương

- Tổ chức sắp xếp, bố trí mặt bằng buôn bán các loại thực phẩm trong các chợ phải đảm bảo điều kiện ATTP, không để xảy ra việc buôn bán thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống trực tiếp trên nền chợ hoặc không đảm bảo khoảng cách cách ly có cơ nguy gây mất ATTP, hoàn thành trước tháng 12/2016.

- Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới Quy chế quản lý ATTP tại các chợ trên địa bàn thành phố: trong đó quy định trách nhiệm của người kinh doanh phải đảm bảo ATTP; hàng hóa buôn bán tại chợ phải có hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; chấp hành sự thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm của cơ quan nhà nước; có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm không đảm bảo an toàn;… đưa các nội dung này vào Nội quy chợ và Hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh; hoàn thành trước tháng 12/2016.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố nâng cấp đầu tư Chợ Đầu mối nông sản Hòa Cường để đáp ứng điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định tại Thông tư số 24/2014/TT-BNNPTNT ngày 19/8/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với chợ đầu mối, đấu giá nông sản.

- Xây dựng kế hoạch nâng cấp, sửa chữa các chợ khác và tổ chức sắp xếp mặt bằng kinh doanh tại sác chợ đảm bảo điều kiện ATTP.

c) UBND các quận, huyện:

- Tổ chức sắp xếp, bố trí mặt bằng buôn bán các loại thực phẩm trong các chợ theo phân cấp quản lý đảm bảo điều kiện ATTP, không để xảy ra việc buôn bán thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống trực tiếp trên nền chợ hoặc không đảm bảo khoảng cách cách ly có nguy cơ gây mất ATTP, hoàn thành trước tháng 12/2016.

- Thực hiện đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các chợ theo phân cấp quản lý bảo đảm điều kiện ATTP, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và văn minh đô thị; thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 2018.

10. Tổ chức các khu vực bán thực phẩm an toàn và nghiên cứu xây dựng chợ nông sản ATTP để thu hút các nguồn hàng thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng, đồng thời xây dựng các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn liên tỉnh cho thành phố

a) Sở Công Thương::

- Xây dựng khu vực dành riêng buôn bán thực phẩm an toàn tại các chợ, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân buôn bán thực phẩm an toàn có xác nhận tham gia chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn và công khai cho các tổ chức, cá nhân biết để tham gia bán thực phẩm an toàn; thời gian hoàn thành trước trước tháng 9/2016.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố quy hoạch, đầu tư xây dựng Chợ nông sản buôn bán thực phẩm an toàn hoặc Chợ Đầu mối nông sản theo tiêu chuẩn ATTP, với mục đích mọi nông sản thực phẩm đưa vào buôn bán trong chợ đều đáp ứng tiêu chuẩn ATTP theo quy định của pháp luật và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, cấp giấy xác nhận; báo cáo UBND thành phố trước ngày 31/12/2016.

- Lựa chọn, đề xuất các siêu thị, doanh nghiệp và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, xác nhận các chuỗi cung cấp thực phẩm nông sản an toàn liên tỉnh cho các cơ sở kinh doanh nông sản thực phẩm thuộc Sở Công Thương quản lý theo phân công.

h) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương xây dựng, xác nhận các chuỗi cung cấp thực phẩm nông sản an toàn liên tỉnh.

- Làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khác để khảo sát các vùng sản xuất rau, quả an toàn; tham mưu UBND thành phố đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn liên tỉnh do Bộ chủ trì, điều phối.

11. Nâng cao năng lực quản lý, ATTP nông thủy sản

a) Về tổ chức bộ máy: Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và UBND các quận, huyện:

- Cân đối, bổ sung nhân lực đảm bảo đủ lực lượng quản lý ATTP cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tăng thêm nhân sự chuyên môn cho 4 Chi cục trực thuộc Sở: Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Chăn nuôi - Thú y, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chi cục Thủy sản) để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng, ATTP nông thủy sản.

- Tăng cường cán bộ chuyên trách ATTP cho các Phòng: Y tế, Kinh tế - Hạ tầng cơ sở. Riêng Phòng Kinh tế hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có ít nhất là 02 cán bộ quản lý ATTP. Đối với cấp xã, phường cần có bộ phận chuyên trách về ATTP, trong đó có từ 1 đến 2 cán bộ chuyên trách và phân công 01 lãnh đạo UBND xã - phường phụ trách công tác ATTP.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2016 đến 2020.

b) Về đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác ATTP:

- Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan có chức năng đào tạo cấp chứng chỉ lấy mẫu, thanh tra theo quy định của pháp luật; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và UBND các quận, huyện tổ chức đào tạo cán bộ công chức từ thành phố đến quận, huyện:

+ Đào tạo lấy mẫu, để có chứng chỉ lấy mẫu kiểm nghiệm.

+ Đào tạo thanh tra, để có chứng chỉ thanh tra.

+ Thời gian thực hiện: từ năm 2016 đến 2020.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công thương phối hợp tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ quản lý chuyên ngành về ATTP cho cấp quận, huyện và xã phường về nghiệp vụ kiểm tra đánh giá xếp loại điều kiện ATTP và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP,…

c) Tăng cường đầu tư trang thiết bị, phần mềm nhằm phục tốt cộng tác quản lý - ATTP ở các đơn vị được giao nhiệm vụ:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, hàng năm lập dự trù kinh phí mua sắm trang thiết bị (thiết bị kiểm tra nhanh, thiết bị lạnh bảo quản lưu mẫu sản phẩm thanh tra, kiểm tra, phần mền quản lý,...).

12. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương phối hợp với Công an thành phố và UBND các quận, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm ATTP theo quy định của pháp luật.

V. KINH PHÍ

1. Dự trù kinh phí thực hiện đề án: 29.880.000.000đ theo phụ lục đính kèm Đề án (không bao gồm kinh phí các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản).

2. Nguồn kinh phí: Ngân sách Nhà nước từ chương trình sự nghiệp hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương và UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án theo phân công: hàng năm các sở, ngành, địa phương tổng hợp, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện, những vướng mắc, phát sinh và đề xuất xử lý thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương và UBND các quận, huyện căn cứ nội dung Đề án xây dựng dự toán kinh phí hàng năm để triển khai thực hiện. Riêng năm 2016, căn cứ nhiệm vụ phát sinh theo Đề án, khẩn trương lập dự toán gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt trước ngày 31/7/2016,

3. Sở Nội vụ: chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương và UBND các quận, huyện nghiên cứu tổ chức và kiện toàn bộ máy quản lý ATTP từ thành phố đến xã, phường, đảm bảo đủ nguồn nhân lực để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý ATTP, nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng thành phố ATTP theo Nghị quyết của Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố đề ra giai đoạn 2016 - 2020.

4. Công an thành phố: cử lực lượng chức năng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương thực hiện thanh tra, kiểm tra Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: cân đối vốn (nguồn đầu tư) thực hiện các nội dung của đề án, đưa vào danh mục các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh ATTP để xúc tiến, kêu gọi đầu tư, đặc biệt là chợ đầu mối, cơ sở giết mổ tập trung.

6. Sở Tài chính: tổng hợp dự toán kinh phí (nguồn sự nghiệp) do các sở, ngành, địa phương lập, cân đối, thẩm định và báo cáo UBND thành phố phê duyệt, đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nội dung của Đề án theo đúng tiến độ.

7. Sở Thông tin và Truyền thông: phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức thường xuyên các hoạt động truyền thông về ATTP trên địa bàn thành phố.

8. Sở Khoa học và Công nghệ: ưu tiên thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về ATTP trên địa bàn thành phố.

9. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Xây dựng chương trình ngoại khóa giáo dục kiến thức và pháp luật về ATTP cho học sinh, sinh viên nhằm nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đạo đức xã hội trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đảm bảo ATTP cho nhân dân.

- Phổ biến và kiểm tra việc thực hiện các quy định quản lý ATTP đối với các trường học, cơ sở đào tạo có bếp ăn tập thể.

10. Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố: xây dựng và triển khai các chương trình, chuyên mục về ATTP định kỳ phát trên sóng truyền hình nhằm nâng cao nhận thức về bảo đảm ATTP của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.

11. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội: UBMTTQ thành phố, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn lao động, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức, đoàn thể vận động thực hiện và có trách nhiệm bảo đảm ATTP trong sản xuất, sơ chế, chế biến, vận chuyển và kinh doanh thực phẩm.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố: Giám đốc các sở, ban, ngành, Công an thành phố; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố; Chủ tịch UBND quận, huyện và các tổ chức, đoàn thể có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TTTU, TT HĐND TP (báo cáo);
- CT, các PCT UBND thành phố;
- CVP, các PCVP UBND TP;
- Các tổ chức, hội đoàn thể;
- Thành viên BCĐ liên ngành ATTP;
- Đài PT-TH, Báo ĐN, Báo CAĐN;
- Cổng Thông tin điện tử TP;
- Tổ Công tác ATTP;
- Lưu: VT, KG-VX, KT2, Sở NNPTNT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Thơ

 

PHỤ LỤC

KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4862/QĐ-UBND ngày 21 tháng 07 năm 2016 của UBND thành phố Đà Nẵng

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Hạng mục

Đơn vị chủ trì

Tổng cộng

2016

2017

2018

2019

2020

 

Tổng kinh phí

 

29.880

3.792

6.717

6.707

6.657

6.007

1

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, phối hợp với Đài PT-TH xây dựng các phóng sự, tập huấn

Sở NNPTNT; UBND quận, huyện; Đài PTTH

1.100

100

250

250

200

200

2

Giám sát mẫu vật tư nông nghiệp (Kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp)

Sở NNPTNT

500

100

100

100

100

100

3

Kiểm soát ATTP đối với sản phẩm rau, củ, quả

 

8.255

1.345

1.935

1.725

1.725

1.525

a

Đối với sản phẩm rau sản xuất trên địa bàn Đà Nẵng

 

5.985

885

1.475

1.275

1.275

1.075

-

Hỗ trợ dụng cụ công khai thông tin khi sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng (bảng thông tin), dụng cụ thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, định hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng rau.

Sở NNPTNT /UBND huyện Hòa Vang

700

100

200

200

200

 

-

Hỗ trợ xây dựng quầy hoặc cửa hàng rau an toàn sản xuất từ vùng rau trên địa bàn và xác nhận sản phẩm an toàn (lấy mẫu kiểm tra, chứng nhận)

Sở NNPTNT

1.000

200

200

200

200

200

-

Lấy mẫu giám sát tồn dư hóa chất và ô nhiễm sinh học đối với sản phẩm rau tại các vùng sản xuất rau trên địa bàn thành phố (mỗi năm lấy mẫu 10 tháng x 7 mẫu/tháng)

Sở NNPTNT

875

175

175

175

175

175

-

Hỗ trợ chứng nhận VietGAP, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn cơ sở các vùng rau của thành phố

UBND quận, huyện, Sở NN PTNT

1.410

110

400

300

300

300

-

Hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ sinh học vào mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng rau an toàn

Sở NNPTNT, UBND quận, huyện

2.000

300

500

400

400

400

b

Đối với sản phẩm thực phẩm rau, quả nhập từ các tỉnh

 

2.270

460

460

450

450

450

-

Tham mưu ban hành Quy định quản lý ATTP đối với nguồn hàng rau, củ, quả ngoài tỉnh nhập vào thành phố, phổ biến quy định

Sở NNPTNT

20

10

10

 

 

 

-

Kiểm tra tồn dư thuốc BVTV, hóa chất độc hại và ô nhiễm vi sinh vật tại chợ đầu mối Hòa Cường (test thử nhanh và kiểm tra đa dư lượng) mỗi tháng 50 mẫu x 12 tháng (35 mẫu test nhanh và 15 mẫu kiểm tra đa dư lượng)

Sở NNPTNT

2.250

450

450

450

450

450

4

Kiểm soát ATTP đối với sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật

 

3.205

517

672

672

672

672

-

Lấy mẫu giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất và ô nhiễm sinh học đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật chăn nuôi tại thành phố và nhập từ các tỉnh tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh 12 tháng/năm x 10 mẫu/tháng.

Sở NNPTNT

905

137

192

192

192

192

-

Lấy mẫu giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất và ô nhiễm sinh học đối với thủy sản trên địa bàn thành phố (giám sát vùng nuôi thủy sản và từ khai thác thủy sản). 12 tháng x 15 mẫu/tháng (03 mẫu nuôi, 12 mẫu từ khai thác tàu trong tỉnh và ngoài tỉnh)

Sở NNPTNT

900

180

180

180

180

180

-

Hỗ trợ các vùng sản xuất, tổ chức xác nhận cung ứng sản phẩm an toàn (kiểm tra, giám sát mẫu về các chỉ tiêu kim loại nặng, hóa chất tồn dư…) đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật (thủy sản và gia súc, gia cầm)

Sở NNPTNT

1.400

200

300

300

300

300

5

Kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông thủy sản theo phân cấp, giám sát sử dụng phụ gia trong chế biến

 

3.600

400

800

800

800

800

-

Lấy mẫu giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất và ô nhiễm sinh học, phụ gia đối với sản phẩm sơ chế, chế biến từ động vật (nem, chả, chả cá…) tại các cơ sở theo phân cấp quản lý

Sở NNPTNT, UBND quận, huyện

1.800

200

400

400

400

400

-

Lấy mẫu kiểm tra sản phẩm rau củ quả sơ chế, chế biến tại các cơ sở theo phân cấp

Sở NNPTNT/ UBND quận, huyện

1.800

200

400

400

400

400

6

Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát ATTP

 

5.890

400

1.460

1.560

1.460

1.010

-

Xây dựng phần mềm quản lý ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông thủy sản

Sở NNPTNT và các quận, huyện

100

100

 

 

 

 

-

Đào tạo nghiệp vụ quản lý, kiểm soát ATTP (cán bộ được cấp chứng chỉ lấy mẫu, thanh tra

Sở NNPTNT, UBND quận, huyện

650

100

200

200

100

50

-

Bổ sung 32 cán bộ chuyên trách quản lý ATTP (Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản: 7; Chi cục Chăn nuôi - Thú y: 6; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: 3; Chi cục Thủy sản: 2 và mỗi quận, huyện 02 cán bộ)

Sở NNPTNT, Sở Nội vụ, UBND quận, huyện

3.840

 

960

960

960

960

-

Mua một số thiết bị kiểm tra nhanh, thiết bị bảo quản mẫu…

Sở NNPTNT/ UBND quận, huyện

1.300

200

300

400

400

 

7

Thanh tra, kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm ngành nông nghiệp (tươi sống) xử lý vi phạm ATTP nông thủy sản theo phân công, phân cấp

 

4.100

400

800

900

1.000

1.000

-

Thanh tra ATTP nông thủy sản thuộc phạm vi quản lý Sở Nông nghiệp PTNT

Sở NNPTNT

900

100

200

200

200

200

-

UBND các quận, huyện thống kê, kiểm tra, giám sát các cơ sở theo phân công, phân cấp

UBND quận, huyện

3.200

100

600

700

800

800

8

Xây dựng các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, xác nhận cơ sở cung cấp sản phẩm an toàn

 

3.230

430

700

700

700

700

-

Khảo sát và ký kết thỏa thuận giữa thành phố với các tỉnh có sản phẩm rau, quả tiêu thụ tại thành phố

Sở NNPTNT và Sở Công Thương

430

30

100

100

100

100

-

Xây dựng một số mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn và thông tin cho người tiêu dùng biết để lựa chọn (hỗ trợ xây dựng điều kiện từng khâu trong chuỗi, hỗ trợ địa điểm…)

Sở NNPTNT

1.000

200

200

200

200

200

-

Tổ chức xác nhận sản phẩm an toàn (kiểm tra, giám sát, chi phí phân tích mẫu kiểm tra đa dư lượng thuốc BVTV, kiểm tra kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh)

Sở NNPTNT

1.800

200

400

400

400

400

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4862/QĐ-UBND năm 2016 Đề án Kiểm soát an toàn thực phẩm nông thủy sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 4862/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/07/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Huỳnh Đức Thơ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản