Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIAO THÔNG – CÔNG CHÍNH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIÊT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 4798/QĐ-SGTCC

TP.Hồ Chí Minh, ngày 26  tháng 12  năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU ĐƯỜNG SÔNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THUỘC SỞ GIAO THÔNG - CÔNG CHÍNH

GIÁM ĐỐC SỞ GIAO THÔNG – CÔNG CHÍNH

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ban hành ngày 15/6/2004;
Căn cứ Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với sự nghiệp công lập;
Căn cứ Quyết định số 27/2005/QĐ-BGTVT ngày 17/5/2005 của Bộ Giao thông vận tải về quản lý đường thủy nội địa
Căn cứ Quyết định số 09/QĐ-UB ngày 09/1/1991 của Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về việc thành lập Sở Giao thông – Công chánh;
Căn cứ Quyết định số 1187/QĐ-UB ngày 21 tháng 3 năm 2005 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về đổi tên Sở Giao thông Công chánh thành Sở Giao thông - Công chính trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố;
Căn cứ Quyết định số 22/2007/QĐ-UBND ngày 09/02/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Giao thông - Công chính;
Căn cứ Quyết định số 2649/QĐ-UB-NC ngày 16 tháng 8 năm 1994 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Khu đường sông TP.HCM thuộc Sở Giao thông công chánh;
Căn cứ Quyết định số 4179/QĐ-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2007 của UBND.TP về ủy quyền cho Giám đốc Sở Giao thông - Công chính ký quyết định phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị trực thuộc Sở Giao thông - Công chính;
Xét đề nghị của Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Lao động Sở,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Khu Đường sông trực thuộc Sở Giao thông - Công chính.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và không thay thế Quyết định số 2649/QĐ-UB-NC ngày 16/8/1994 và Quyết định số 677/QĐ-UB-NCVX ngày 03 tháng 02 năm 1995 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Khu Đường sông thành phố Hồ Chí Minh thuộc Sở Giao thông công chánh; Quyết định số 87/2005/QĐ-UB ngày 26/5/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố về bổ sung chức năng lưu giữ phương tiện thủy vi phạm cho Khu Đường sông thuộc Sở Giao thông - Công chính; Quyết định số 4441/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện ứng cứu sự cố dầu tràn và quản lý hoạt động khai thác cát lòng sông trên địa bàn thành phố; bãi bỏ các quy định trước đây trái với quyết định này.

Điều 3. Các Ông (bà) Chánh Văn phòng Sở, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Lao động, Trưởng các phòng ban của Sở, Giám đốc Khu đường sông và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận :
- Như điều 3
- UBND.TP ( để báo cáo )
- Sở Nội vụ ( để báo cáo )
- BGĐ, ĐU, Công đoàn, Đoàn TN Sở
- Các đơn vị trực thuộc Sở
- Lưu ( VP, TCCB-Ngân KĐS )

GIÁM ĐỐC




Trần Quang Phượng

 

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU ĐƯỜNG SÔNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRỰC THUỘC SỞ GIAO THÔNG – CÔNG CHÍNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(Ban hành kèm theo Quyết định số 4798 /QĐ-SGTCC  ngày 26/12/2007 của Sở Giao thông - Công chính)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Khu Đường sông thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Khu) là đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động, được hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước thành phố theo quy định.

Tên giao dịch bằng tiếng Anh là: HO CHI MINH CITY INLAND WATERWAY REGION.

Tên viết tắt là: HCMC IWR

Trụ sở đặt tại số 314 đường Cô Bắc, phường Cô Giang, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Khu Đường sông được Sở Giao thông-Công chính giao thực hiện chức năng quản lý đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh theo phân cấp của Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố.

Điều 3. Khu chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở Giao thông-Công chính; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Đường sông Việt Nam.

Điều 4. Giám đốc Khu chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Giao thông-Công chính về toàn bộ hoạt động của Khu theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Quy chế này.

Chương 2.

PHẠM VI QUẢN LÝ VÀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, MỐI QUAN HỆ

Điều 5. Phạm vi quản lý của Khu Đường sông thành phố Hồ Chí Minh

Khu Đường sông thực hiện chức năng quản lý đường thủy nội địa gồm:

1. Đường thủy nội địa trên các tuyến đường thủy nội địa địa phương do thành phố Hồ Chí Minh quản lý.

2. Kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp xây dựng trái phép, lấn chiếm vùng nước ngoài phạm vi luồng, hành lang bảo vệ luồng trên các tuyến hàng hải và đường thủy nội địa quốc gia trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Khu Đường sông thành phố Hồ Chí Minh

1. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống giao thông đường thủy nội địa:

Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải đường thủy nội địa thành phố; xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường thủy nội địa thành phố;

Xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy thông suốt, bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị theo quy hoạch ngành và quy hoạch thành phố;

Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch khi được cấp thẩm quyền phê duyệt;

Lập danh bạ giao thông đường thủy nội địa thành phố đề xuất trình cấp thẩm quyền công bố mở hoặc đóng luồng các tuyến đường thủy nội địa địa phương

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa:

a) Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện;

b) Chủ đầu tư các dự án thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố.

Chức năng quản lý đường thủy nội địa trên các tuyến đường thủy nội địa địa phương do thành phố Hồ Chí Minh quản lý:

a) Khảo sát, theo dõi, thông báo tình trạng thực tế của luồng; nắm vững tình hình luồng lạch, các công trình trên sông để kịp thời đề ra biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy; tổ chức điều tiết, khống chế, đảm bảo giao thông, kiểm tra bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;

b) Kiểm tra hệ thống phao tiêu, biển báo có các biện pháp điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, thiết lập mới kịp thời đảm bảo cho việc hướng dẫn giao thông đường thủy an toàn, thông suốt;

c) Tuần tra, báo cáo xử lý kịp thời những trường hợp san lấp, lấn chiếm, xây dựng công trình, đăng đáy cá trên các tuyến đường thủy, vùng nước được giao quản lý;

d) Cảnh báo, phòng chống sạt lở tại các khu vực trọng yếu, có dân cư;

e) Kiểm tra an toàn bến khách ngang sông

f) Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra an toàn giao thông; tổ chức ứng cứu, lập biên bản, xử lý khi có tai nạn, sự cố xảy ra trên đường thủy nội địa;

Bảo trì đường thủy nội địa:

a) Thực hiện sửa chữa, bảo trì định kỳ hoặc đột xuất luồng, báo hiệu, thiết bị, công trình phục vụ trên tuyến giao thông đường thủy nội địa, phương tiện dùng để quản lý, bảo trì đường thủy nội địa; thanh thải chướng ngại vật trên luồng; phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão; ‎

b) Tổ chức nạo vét luồng tuyến đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn cấp luồng.

Thực hiện pháp luật:

a) Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến luật lệ, thể chế giao thông đường thủy nội địa; kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các quy định pháp luật của các đối tượng có liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy nội địa và bảo vệ môi truờng. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác kiễm tra xử lý vi phạm;

b) Thực hiện chức năng lưu giữ phương tiện thủy vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố do cơ quan chức năng tạm giữ đưa về chờ xử lý theo quy định của pháp luật;

Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật:

a) Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước để áp dụng vào lĩnh vực quản lý, xây dựng cơ sở hạ tầng chuyên ngành đường thủy nội địa liên quan;

b) Nghiên cứu thiết kế mẫu các loại công trình kè thông dụng có đặc thù thẩm mỹ cao, kinh tế, phù hợp với quy hoạch tổng thể chung của đô thị để tiêu chuẩn hóa đưa vào sản suất, lắp đặt và phổ biến áp dụng.

Tài chính - kế toán:

Quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản, kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp và các khoản kinh phí khác theo quy định của pháp luật;

Thực hiện đúng chế độ, chính sách tài chính kế toán theo quy định của Nhà nước;

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.

Tổ chức - nhân sự:

Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí đội ngũ cán bộ; xây dựng bảng chức danh và định mức lao động chuyên ngành theo khối lượng công việc được giao, trình Sở Giao thông-Công chính duyệt, trên cơ sở tiêu chuẩn hóa cán bộ theo quy định của nhà nước;

Quản lý cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, lao động theo quy định và phân cấp của thành phố. Giám đốc Khu Đường sông được quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, điều động đối với các chức danh hoặc công chức, viên chức nhà nước do Khu trực tiếp quản lý theo phân cấp sau khi trao đổi thống nhất với Trưởng phòng TCCB & LĐ thuộc Sở Giao thông-Công chính;

Thực hiện tốt chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hộ lao động theo quy định của Nhà nước.

Phân cấp quản lý đường thủy nội địa:

Khu Đường sông thực hiện phân cấp quản lý đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và của Ủy ban Nhân dân thành phố và các ủy quyền cho Khu Đường sông tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật

Điều 7. Thực hiện một số hoạt động dịch vụ, tư vấn sau

Ngoài nhiệm vụ nhà nước giao hoặc đặt hàng, Khu Đường sông được thực hiện và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật một số hoạt động dịch vụ, tư vấn sau :

Khảo sát địa hình, đo vẽ hiện trạng sông, kênh, rạch; tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế và lập tổng dự toán, tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, giám sát thi công các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi và các công trình hạ tầng kỹ thuật nhóm B,C chuyên ngành đường thủy ( trừ các công trình do Khu làm chủ đầu tư ).

Thực hiện dịch vụ hướng dẫn, đảm bảo giao thông thủy. 

Tổ chức hoạt động các dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, khả năng của đơn vị và đúng quy định của pháp luật

Điều 8. Các hoạt động khác của Khu

Liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước về các lĩnh vực hoạt động của Khu và không trái với pháp luật Việt Nam.

Tổ chức quản lý các dự án quốc tế tài trợ cho giao thông đường thủy nội địa của thành phố theo ủy nhiệm của Giám đốc Sở Giao thông-Công chính.

Điều 9.  Quan hệ công tác

1. Đối với Sở Giao thông - Công chính

Khu Đường sông là đơn vị trực thuộc Sở Giao thông - Công chính, chịu sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện và sự kiểm tra giám sát của Sở Giao thông - Công chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao;

Khu Đường sông có trách nhiệm báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình hoạt động của Khu cho Sở Giao thông - Công chính theo chế độ quy định.

2. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước

Khu Đường sông chịu sự quản lý hướng dẫn và giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực hoạt động của Khu theo đúng quy định của pháp luật.‎

3. Đối với Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các ban, ngành

Khu Đường sông được trực tiếp quan hệ với Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các ban, ngành để giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của Khu.‎

Chương 3.

TÀI CHÍNH VÀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH

Điều 10. Nguồn tài chính

1. Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp:

a) Hoạt động sự nghiệp theo chức năng,nhiệm vụ được giao;

b) Tổ chức thực hiện công tác quản lý và bảo trì đường thủy nội địa theo nhu cầu thực tế và phù hợp định mức, định ngạch quy định;

c) Đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện các dự án và các loại kinh phí khác được các cấp thẩm quyền phê duyệt;

2. Nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp gồm:

a) Phần được để lại từ số thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

b) Thu từ hoạt động dịch vụ ;

c) Thu từ các hoạt động sự nghiệp khác ;

d) Nguồn khác theo quy định của pháp định.

3. Các khoản chi gồm:

a) Chi từ nguồn ngân sách nhà nước cấp :

- Chi hoạt động quản lý và sửa chữa thường xuyên đường thủy nội địa theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao

- Chi cho hoạt động sửa chữa không thường xuyên đường thủy nội địa 

- Chi thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản và duy tu công trình giao thông đường thủy nội địa

- Chi khác theo chế độ quy định

b) Chi cho hoạt động sự nghiệp

- Chi phục vụ cho công tác thu phí, lệ phí

- Chi cho các hoạt động dịch vụ

- Chi khác

Điều 11. Quản lý tài chính

Đơn vị thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu như sau :

a) Quản lý tài chính được Nhà nước giao và thực hiện chế độ chi tiêu tài chính theo quy định của pháp luật

b) Mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước để phản ảnh các khoản kinh phí và nguồn thu sự nghiệp thuộc ngân sách nhà nước; được phép mở thêm tài khoản ở ngân hàng để phản ảnh các khoản kinh phí thuộc nguồn thu họat động sản xuất kinh doanh cung ứng dịch vụ

c) Lập dự toán thu chi tài chính hàng năm trình cơ quan chủ quản và Sở Tài chính xem xét phê duyệt. Kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động thường xuyên, không thường xuyên và các khoản thu sự nghiệp nếu chi chưa hết trong năm thì được xử lý theo quy định hiện hành

d) Căn cứ quy định của Nhà nước, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng chế độ định mức khoán đối với công tác duy tu, sửa chữa lớn và xây dựng cơ bản các công trình giao thông đường thủy nội địa trong phạm vi địa giới hành chính do Khu quản lý

e) Việc mở sổ sách kế toán, hạch toán thu chi, thống kê, báo cáo tài chính và công khai tài chính phải thực hiện theo quy định của pháp luật

f) Chịu sự kiểm tra giám sát của Sở Giao thông - Công chính và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan

Chương 4.

CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY

Điều 12. Nguyên tắc chung

Khu Đường sông do Giám đốc Khu phụ trách quản lý và điều hành chung theo chế độ thủ trưởng, có các Phó Giám đốc giúp việc và các Trưởng, Phó phòng phụ trách chuyên môn, nghiệp vụ.

Giám đốc Khu do Giám đốc Sở Giao thông - Công chính bổ nhiệm, miễn nhiệm

Phó Giám đốc và Kế toán trưởng của Khu do Giám đốc Sở Giao thông-Công chính bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Khu Đường sông.

Giám đốc Khu Đường sông chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Giao thông-Công chính về toàn bộ hoạt động của Khu; Phó giám đốc Khu chịu trách nhiệm trước Giám đốc Khu về kết quả công tác được giao.

Điều 13. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Khu

Cơ cấu tổ chức bộ máy của Khu Đường sông thành phố Hồ Chí Minh gồm:

a) Ban giám đốc: Giám đốc và các Phó Giám đốc;

b) Các Phòng, Ban nghiệp vụ;

c) Các Đội, Trạm Quản lý đường sông.

Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các Phòng, Ban, Trạm, Đội do Giám đốc Sở Giao thông-Công chính quyết định theo đề nghị của Giám đốc Khu Đường sông.

Biên chế khung của Khu Đường sông được Ủy ban nhân dân thành phố giao chung trong tổng số biên chế sự nghiệp hàng năm của Sở Giao thông-Công chính. Ngoài ra Khu Đường sông tuyển dụng theo chế độ hợp đồng lao động cho phù hợp với khối lượng công việc và khả năng tài chính của Khu.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Căn cứ nội dung Quy chế này, Giám đốc Khu Đường sông có trách nhiệm ban hành quy chế làm việc cho các Phòng, Ban, Trạm, Đội chuyên môn, nghiệp vụ; quy định cụ thể về chế độ làm việc, chế độ quản lý theo từng lĩnh vực, phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, công chức thuộc phạm vi cơ cấu tổ chức của Khu.

Điều 15. Bản Quy chế này được Giám đốc Sở Giao thông - Công chính điều chỉnh bổ sung, sửa đổi khi cần thiết theo đề nghị của Giám đốc Khu Đường sông và Trưởng phòng Tổ chức cán bộ & Lao động Sở GTCC./.

 

 

GIÁM ĐỐC




Trần Quang Phượng