Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 09/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 01 năm 1991.

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP SỞ GIAO THÔNG CÔNG CHÁNH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 06 năm 1989;
Căn cứ yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước của ngành Giao thông vân tải và Công trình đô thị trên cơ sở được sự nhất trí của Bộ xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và Bưu kiện, Sở Giao thông vận tải và Sở công trình đô thị;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố (tờ trình số 300/TCCQ ngày 28/12/1990
);

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay thành lập Sở Giao thông Công chánh (GTCC) trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại Sở Giao thông vận tải và Sở Công trình đô thị.

Sở Giao thông Công chánh là cơ quan chuyên môn, chịu sự chỉ đạo toàn diện và trực tiếp của Ủy ban nhân dân thành phố và chịu sự chỉ đạo thống nhất về chuyên môn nghiệp vụ theo ngành của Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, Bộ Xây dựng.

Sở Giao thông Công chánh có chức năng thống nhất quản lý hành chánh Nhà nước trên địa bàn thành phố các công trình kết cấu hạ tầng của thành phố theo ngành trên các lĩnh vực : giao thông đường thủy, bộ (cầu đường, luồng lạch, kè cống, phao tiêu); vận tải, bốc xếp; bến cảng sông, biển, bến xe, cấp thoát nước; vỉa hè chiếu sáng; công viên cây xanh, vệ sinh công cộng; sản xuất công nghiệp thuộc ngành giao thông công chánh (kể cả đóng mới, lắp ráp và sửa chữa phương tiện vận tải).

Sở Giao thông Công chánh có con dấu riêng, được cấp kinh phí và mở tài khoản ở Ngân hàng để hoạt động theo quy định của Nhà nước.

Điều 2. Sở Giao thông Công chánh có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây :

Xây dựng quy hoạch phát triển ngành giao thông công chánh thành phố phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của thành phố và của các Bộ chủ quản.Nghiên cứu đề xuất phương hướng mục tiêu kế hoạch và các cân đối lớn của kế hoạch 5 năm và hàng năm của ngành (cả khu vực ngoài quốc doanh).Hướng dẫn và tổ chức thực hiện kế hoạch, quy hoạch được duyệt trong toàn ngành.Hướng dẫn các đơn vị sản xuất kinh doanh trên các mặt : quản lý khai thác các công trình kết cấu hạ tầng, sản xuất công nghiệp và dịch vụ vận tải, xây lắp chuyên ngành.Tổng hợp kế hoạch của các đơn vị thành kế hoạch toàn ngành giao thông công chánh gởi Ủy ban kế hoạch thành phố để xây dựng thành phố phê duyệt.

Soạn thảo các văn bản cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, luật pháp của Nhà nước thành các văn bản pháp quy của thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành; hướng dẫn xây dựng các quy chế quản lý; các loại định mức kinh tế kỹ thuật đơn giá thuộc chuyên ngành (nước máy, cước vận tải, dịch vụ), các quy trình quy phạm kỹ thuật; các quy định về an toàn lao động, bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng và có chủ trương hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Nghiên cứu, thông tin và ứng dụng vào thực tiễn tiến bộ khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước về giao thông công chánh.Nghiên cứu và thực hiện các đề tài khoa học kỹ thuật đã đăng ký và được duyệt trong kế hoạch hàng năm.Thực hiện bảo vệ môi sinh môi trường trong ngành giao thông công chánh trên địa bàn thành phố.

Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trong quan hệ hợp tác quốc tế về lĩnh vực giao thông công chánh.Chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị kinh tế thuộc ngành trong quan hệ hợp tác, liên doanh, liên kết kinh tế và ký kết các hợp đồng kinh tế với trong và ngoài nước theo đúng quy định của Nhà nước.Tổ chức đăng ký, đăng kiểm các phương tiện vận tải theo sự phân cấp của Nhà nước và Bộ Giao thông vận tải-Bưu điện.Phối hợp với Sở xây dựng chủ trì tổ chức xét duyệt thiết kế các công trình thuộc ngành giao thông công chánh.

Tổ chức quản lý và khai thác các công trình kết cấu hạ tầng, các tuyến giao thông (bộ và thủy) tại địa phương.Xây dựng các phương án chống bảo lụt để đảm bảo giao thông vận tải an toàn, thông suốt, thực hiện mối liên kết chặt chẽ giữa nhu cầu dân sự và an ninh quốc phòng.

Nghiên cứu xây dựng hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước ngành giao thông công chánh trên địa bàn thành phố (từ thành phố đến quận (huyện), phường (xã).Tổ chức quản lý Nhà nước theo ngành các thành phần kinh tế, kể cả cơ sở liên doanh với nước ngoài.

Thực hiện chức năng chủ quản đầu tư các công trình thuộc kết cấu hạ tầng trên các tuyến do địa phương quản lý hoặc do Trung ương quản lý được Bộ giao thông vận tải-Bưu điện ủy quyền và Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất.

Quản lý vốn đầu tư chuyên ngành và tổ chức thu các khoản lệ phí theo quy định của Nhà nước để phục vụ các công trình xây dựng và sửa chữa thuộc ngành giao thông công chánh theo kế hoạch hàng năm, cân đối giữa vốn và khối lượng công trình để có thứ tự ưu tiên và bảo đảm hiệu quả kinh tế.

Thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ quan đơn vị, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả các tổ chức và cá nhân nước ngoài trên địa bàn thành phố trong việc chấp hành các luật lệ, chế độ chính sách, quy trình, quy tắc sử dụng công trình đô thị thuộc ngành giao thông công chánh theo đúng quy định của Bộ quản lý ngành và của Ủy ban nhân dân thành phố; được quyền quyết định xử lý những vi phạm theo phân cấp.

Kiến nghị việc sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định, thể lệ của ngành hoặc địa phương không phù hợp luật pháp, chánh sách, chế độ về giao thông công chánh.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ-công nhân kỹ thuật nghiệp vụ cho các thành phần kinh tế thuộc ngành quản lý phù hợp với quy hoạch và phát triển ngành giao thông công chánh.

Quản lý công tác tổ chức cán bộ và thực hiện các chính sách chế độ về cán bộ theo phân cấp quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố.

Ủy ban nhân dân thành phố tạm thời ủy quyền làm cơ quan chủ quản cấp trên đối với các đơn vị trực thuộc ngành giao thông công chánh (có phụ lục ban hành kèm theo).

Điều 3. Sở Giao thông Công chánh do 01 Giám đốc phụ trách; có một số Phó giám đốc giúp việc Giám đốc và được phân công phụ trách từng mặt công tác.

Giám đốc là nguời chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả hoạt động của Sở trước Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ quản lý ngành. Trong các Phó Giám đốc có 01 Phó Giám đốc thứ nhất được thay mặt Giám đốc điều hành công việc khi Giám đốc vắng mặt.

Bộ máy cơ quan Sở do Giám đốc Sở nghiên cứu, quyết định theo hướng tinh gọn và có hiệu lực.Căn cứ vào yêu cầu quản lý Nhà nước đối với ngành để sắp xếp và bố trí các bộ phận, chuyên viên công tác thích hợp.

Điều 4. Giám đốc Sở Giao thông công chánh có trách nhiệm căn cứ quyết định này xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Sở, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; và có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (do Sở ủy quyền chủ quản cấp trên) xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động phù hợp với quy chế tổ chức của Sở cũng như các văn bản pháp quy của Hội đồng Bộ trưởng và của Ủy ban nhân thành phố.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bãi bỏ các quyết định số 188/QĐ-UB ngày 21/8/1985 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Sở Công trình đô thị; quyết định số 140/QĐ-UB ngày 26/6/1978 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Sở giao thông vận tải và các quyết định trước đây trái với quyết định này.

Điều 6. Các đồng chí Chánh Văn Phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Công trình đô thị, Giám đốc Sở Giao thông Công chánh, Thủ trưởng các Sở ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) và thủ trưởng các đơn vị ở điểm 8 điều 2 có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Vĩnh Nghiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 09/QĐ-UB năm 1991 thành lập Sở Giao thông công chánh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 09/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/01/1991
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Vĩnh Nghiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/01/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản