Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 472/QĐ-BNN-TCLN

Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Pháp lệnh giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24 tháng 3 năm 2004 của Quốc hội khóa XI;

n cứ Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- BT Cao Đức Phát (b/c);
- Vụ: TC, HTQT, TCCB;
- Các Sở NN&PTNT tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, TCLN (160b)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP
(Kèm theo Quyết định số 472/QĐ-BNN-TCLN, ngày 17/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

Quy chế này quy định việc thu thập, cập nhật, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cập nhật, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thu thập, cập nhật, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nguồn giống bao gồm lâm phần tuyển chọn, rừng giống chuyển hóa, rừng giống trồng, vườn giống (vườn giống hữu tính và vườn giống vô tính), cây mẹ (cây trội) và vườn cây đầu dòng được đăng ký chứng nhận.

2. Vật liệu nhân giống là cây hoàn chỉnh hoặc bộ phận của chúng như hạt, củ, quả, rễ, thân, cành, lá, mắt ghép, chồi, mô, tế bào được sử dụng để sản xuất ra cây giống.

3. Cây trội (Cây mẹ) là cây lâm nghiệp tốt nhất được tuyển chọn từ rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng giống, vườn giống hoặc cây phân tán để nhân giống.

4. Cây đầu dòng là cây có năng suất, chất lượng, tính chống chịu cao hơn hẳn các cây khác trong quần thể đã qua khảo nghiệm, công nhận để nhân giống bằng phương pháp vô tính.

5. Vườn cây đầu dòng là vườn cây được nhân bằng phương pháp vô tính từ cây đầu dòng để phục vụ cho sản xuất giống.

6. Giống cây trồng lâm nghiệp chính là giống của những loài cây được trồng phổ biến, có số lượng lớn, giá trị kinh tế cao cần quản lý chặt chẽ và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

7. Giống cây trồng lâm nghiệp mới là giống cây trồng được chọn, tạo ra hoặc được nhập khẩu lần đầu có tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định nhưng chưa có trong Danh Mục giống cây trong được phép sản xuất, kinh doanh.

8. Vườn giống cây lâm nghiệp là vườn cây được trồng theo sơ đồ nhất định từ các dòng vô tính hoặc cây hạt của cây mẹ đã được tuyển chọn.

9. Rừng giống trồng là rừng được trồng không theo sơ đồ bằng cây hạt thu từ các cây mẹ được tuyển chọn.

10. Rừng giống chuyển hóa là những khu rừng tốt nhất được chọn từ rừng tự nhiên hoặc rừng trồng được quản lý và tác động các biện pháp kỹ thuật lâm sinh phù hợp để lấy giống.

11. Lâm phần tuyển chọn là khu rừng tự nhiên hoặc rừng trồng, được chọn để cung cấp giống tạm thời cho sản xuất, nhưng chưa được tác động bằng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh.

12. Dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp là tập hợp các số liệu, thông tin liên quan đến hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

13. Cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp là tập hợp các dữ liệu về giống có cấu trúc, liên hệ chặt chẽ với nhau, được quản lý, lưu trữ trong máy tính; được cập nhật thường xuyên và định kỳ theo quy định.

14. Phần mềm quản trị dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp là một ứng dụng được phát triển trên nền tảng kỹ thuật công nghệ thông tin, cho phép cập nhật, xử lý dữ liệu, cung cấp và chia sẻ thông tin về giống cây trồng lâm nghiệp.

15. Hệ thống cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp là hệ thống bao gồm cơ sở dữ liệu và phần mềm quản trị dữ liệu thông tin về giống cây trồng lâm nghiệp, được tích hợp vào Hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp.

Chương II

DỮ LIỆU VÀ CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP

Điều 4. Dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp

1. Dữ liệu về nguồn giống, gồm: Loại hình nguồn giống, mã số nguồn giống, loài cây, diện tích, địa Điểm, đơn vị sở hữu nguồn giống, phạm vi gây trồng và Điều kiện gây trồng.

2. Dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp mới, gồm: Xuất xứ, gia đình, dòng vô tính; Loài cây, mã số giống mới, tác giả, đơn vị nghiên cứu chọn tạo; vùng, Điều kiện gây trồng; năng suất khi khảo nghiệm; địa chỉ liên hệ cung cấp giống.

3. Dữ liệu về các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh giống, gồm: Loại hình nhà nước, tư nhân; tên đơn vị, người đại diện, địa chỉ liên hệ, điện thoại, fax, email, loài cây đăng ký sản xuất kinh doanh.

4. Các văn bản pháp quy, các tài liệu kỹ thuật liên quan đến quản lý, sử dụng và sản xuất, kinh doanh giống.

Điều 5. Cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp

1. Cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp được thiết kế, xây dựng cho phép cập nhật, lưu trữ dữ liệu, truy xuất thông tin, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng.

2. Cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp được quản lý bởi phần mềm quản trị chạy trên nền Web và tích hợp vào hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp (FORMIS) để phục vụ quá trình tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá và quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp phục vụ cho phát triển rừng.

Chương III

THU THẬP, CẬP NHẬT DỮ LIỆU VỀ GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP

Điều 6. Thu thập, cập nhật dữ liệu

1. Các dữ liệu, thông tin về giống cây trồng lâm nghiệp tại Điều 4 của Quy chế này phải được cập nhật kịp thời theo quy định của Quy chế này.

2. Tổng cục Lâm nghiệp có trách nhiệm thu thập, cập nhật dữ liệu về giống mới, vườn giống; các văn bản về quản lý và kỹ thuật liên quan đến giống cây trồng lâm nghiệp.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo việc thu thập, cập nhật dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn.

Điều 7. Cung cấp và nhập dữ liệu, thông tin vào hệ thống

1. Nguyên tắc cung cấp dữ liệu, thông tin

a) Bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan;

b) Bảo đảm tính khoa học, thuận tiện cho việc cập nhật, xử lý và sử dụng;

c) Bảo đảm kịp thời, đầy đủ và có hệ thống.

2. Nội dung, thời gian và cơ quan cung cấp thông tin: Loại dữ liệu, thông tin; thời gian, cơ quan cung cấp, cập nhật dữ liệu, thông tin tại Phụ lục kèm theo.

3. Cơ quan nhập dữ liệu, thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp ở cấp tỉnh, thành phố là Chi cục Kiểm lâm và ở cấp Trung ương là Vụ Phát triển rừng thuộc Tổng cục Lâm nghiệp.

4. Quy trình cập nhật dữ liệu, thông tin được thực hiện theo “Sổ tay thu thập, quản lý, sử dụng và chia sẻ thông tin về giống cây trồng lâm nghiệp Việt Nam” do Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Điều 8. Các bước cơ bản thu thập, cập nhật dữ liệu

1. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, các đơn vị nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh tiến hành kê khai, tổng hợp dữ liệu, thông tin về giống cây trồng lâm nghiệp của đơn vị theo văn bản chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo bằng văn bản và bản điện tử gửi Chi cục Kiểm lâm tổng hợp.

2. Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, tổng hợp, xử lý dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp của các đơn vị trên địa bàn tỉnh, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố xem xét, phê duyệt.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tính pháp lý và phê duyệt dữ liệu, sau đó chuyển Chi cục Kiểm lâm cập nhật vào phần mềm cơ sở dữ liệu chuyển lên Tổng cục Lâm nghiệp duyệt.

4. Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra và cập nhật dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp của các tỉnh, thành phố vào Hệ thống cơ sở dữ liệu giống cây trồng toàn quốc.

Điều 9. Kinh phí cho hoạt động thu thập, cập nhật dữ liệu

1. Kinh phí thu thập, tổng hợp, xử lý và cập nhật dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp được sử dụng từ nguồn ngân sách địa phương cấp cho chi hoạt động thường xuyên của ngành thuộc các cấp quản lý.

2. Các nội dung chi, chế độ thanh toán, quyết toán cho các hoạt động thu thập, cập nhật dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương IV

XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, DUY TRÌ VÀ SỬ DỤNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP

Mục 1: XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ DUY TRÌ CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP

Điều 10. Nguyên tắc xây dựng, quản lý và duy trì cơ sở dữ liệu

1. Cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp được xây dựng tập trung, thống nhất trong ngành lâm nghiệp.

2. Cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn và lưu trữ lâu dài.

3. Cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp được duy trì liên tục, ổn định, thông suốt, đáp ứng yêu cầu thu thập, phân tích, chia sẻ và sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 11. Vận hành, bảo trì, phát triển cơ sở dữ liệu

1. Tổng cục Lâm nghiệp và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố có trách nhiệm:

a) Bố trí nhân sự phù hợp và trang bị đầy đủ, đồng bộ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, các thiết bị có liên quan đến việc cài đặt, vận hành, bảo trì và phát triển cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp.

b) Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế và giảm thiểu rủi ro; đảm bảo khả năng khôi phục hệ thống dữ liệu khi xảy ra sự cố.

2. Tổng cục Lâm nghiệp và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành lập Tổ quản trị hệ thống cơ sở ngành chuyên trách, trong đó có dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp để duy trì, theo dõi và phát triển cơ sở dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp.

Điều 12. Bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp

1. Tổng cục Lâm nghiệp cung cấp thông tin tài Khoản và mật khẩu để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đăng nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp. Mục đích và yêu cầu sử dụng tài Khoản đăng nhập

a) Đảm bảo quyền truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp của người được giao trách nhiệm quản lý giống cây trồng lâm nghiệp các cấp;

b) Cho phép người sử dụng sau khi đăng nhập tài Khoản của mỗi tỉnh được quyền truy cập và cập nhật các nhóm thông tin về giống cây trồng lâm nghiệp của tỉnh theo mẫu biểu dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp.

3. Trách nhiệm về bảo mật của tài Khoản đăng nhập

Người quản lý và chịu trách nhiệm về bảo mật của tài Khoản đăng nhập hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin giống cây trồng lâm nghiệp của tỉnh là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Sử dụng tài Khoản để cập nhật dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp

Người sử dụng tài Khoản là cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh được Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh giao nhiệm vụ cập nhật dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp của tỉnh.

5. Quy định nhập tài Khoản vào hệ thống và thay đổi mật khẩu

a) Để đăng nhập hệ thống, người dùng cần phải có tên đăng nhập và mật khẩu. Mỗi tỉnh sẽ được Tổng cục Lâm nghiệp cung cấp một tài Khoản gồm tên đăng nhập và mật khẩu (lần đầu);

b) Để bảo mật tài Khoản đăng nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu, sau khi đăng nhập lần đầu, người được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng tài Khoản phải thực hiện ngay việc đổi mật khẩu bằng cách truy cập vào phần quản lý thông tin tài Khoản, sau đó chọn Mục đổi mật khẩu.

Điều 13. Quản lý tài Khoản quản trị cơ sở dữ liệu

1. Tổng cục Lâm nghiệp thống nhất quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về giống cây trồng lâm nghiệp trong cả nước, thực hiện quản lý tài Khoản quản trị như sau:

a) Cấp, thu hồi tài Khoản và mật khẩu (lần đầu) cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố để truy cập vào cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp;

b) Phân quyền quản trị cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố;

c) Rà soát, kiểm tra quyền quản trị cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm tham mưu chỉ đạo, thực hiện chức năng tổng hợp, cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu về cơ sở dữ liệu giống cây trồng trên địa bàn tỉnh, thành phố.

3. Hạt Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân huyện, xã, các viện, trung tâm nghiên cứu về giống cây trồng lâm nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin về giống cây trồng lâm nghiệp tới Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố.

Điều 14. Lưu trữ dữ liệu và tích hợp dữ liệu

1. Dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp được lưu trữ tự động sau mỗi lần cập nhật và lưu trữ định kỳ sau các thời gian hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý và hàng năm.

2. Hệ thống cơ sở dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp được tích hợp trong Hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp.

Điều 15. Quản trị cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp

1. Tổng cục Lâm nghiệp là chủ sở hữu, chịu trách nhiệm quản trị về nội dung chuyên môn liên quan đối với hệ thống cơ sở dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp;

2. Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp thông qua hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp chịu trách nhiệm quản trị kỹ thuật máy chủ lưu trữ cơ sở dữ liệu.

Mục 2: SỬ DỤNG VÀ CHIA SẺ CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP

Điều 16. Nguyên tắc sử dụng cơ sở dữ liệu

1. Cơ sở dữ liệu liệu về giống cây trồng lâm nghiệp phải bảo đảm quyền được tiếp cận, sử dụng dữ liệu của các tổ chức, cá nhân; đảm bảo việc tìm kiếm, sử dụng dữ liệu được thuận tiện và nhanh chóng.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng miễn phí dữ liệu, thông tin về giống, cây trồng lâm nghiệp.

Điều 17. Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân sử dụng cơ sở dữ liệu

1. Truy cập đúng địa chỉ và tài Khoản được cấp; không được làm lộ tài Khoản và mật khẩu truy cập đã được cấp.

2. Chỉ được sử dụng dữ liệu trong phạm vi mình được cấp, sử dụng đúng Mục đích; không xâm nhập trái phép cơ sở dữ liệu.

3. Sử dụng dữ liệu, thông tin về giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.

4. Không được tẩy, xóa, hủy, di chuyển trái phép dữ liệu và phát tán phần mềm làm rối loạn, thay đổi, phá hoại cấu trúc cơ sở dữ liệu.

Điều 18. Quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong sử dụng cơ sở dữ liệu

1. Kiến nghị với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu, khi các cơ quan này không đáp ứng nhu cầu về việc cung cấp dữ liệu, thông tin.

2. Tham gia, góp ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý sử dụng cơ sở dữ liệu.

3. Khiếu nại theo quy định của pháp luật khi bị vi phạm quyền sử dụng cơ sở dữ liệu.

4. Thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về mức độ sai sót, chất lượng dữ liệu, thông tin đã cung cấp.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Trách nhiệm của Tổng cục Lâm nghiệp

1. Tham mưu, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp trên phạm vi cả nước.

2. Hướng dẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố cập nhật, sử dụng cơ sở dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp, phục vụ công tác trồng rừng, nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng.

Điều 20. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh giống, cơ sở nghiên cứu giống cây lâm nghiệp trên địa bàn cung cấp thông tin, số liệu; chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm hướng dẫn Hạt kiểm lâm và cán bộ kiểm lâm địa bàn thu thập, cập nhật đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin, số liệu về giống cây lâm nghiệp ở địa phương để tổng hợp, xử lý vào hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh.

Điều 21. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã

Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã có trách nhiệm phối hợp chỉ đạo cán bộ Kiểm lâm địa bàn rà soát, kiểm tra và cung cấp, cập nhật đầy đủ các thông tin về giống cây trồng lâm nghiệp tại địa phương theo mẫu biểu quy định, báo cáo Chi cục Kiểm lâm tổng hợp trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phê duyệt.

Điều 22. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

1. Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, số liệu về giống cây trồng lâm nghiệp cho các cơ quan chức năng của địa phương để xây dựng cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp.

2. Theo dõi, giám sát và phản ánh kịp thời về các thông tin liên quan trong hệ thống cơ sở dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 24. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quy chế này.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này./.

 

PHỤ LỤC

QUY ĐỊNH NỘI DUNG, THỜI GIAN THU THẬP, CẬP NHẬT DỮ LIỆU VỀ GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP
(Kèm theo Quyết định số 472/QĐ-BNN-TCLN ngày 17 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp)

STT

Loại dữ liệu

Mô tả chi Tiết

Kết quả/ chỉ số

Thời gian cập nhật

Trách nhiệm

1

Nguồn giống cây trồng lâm nghiệp

 

 

 

 

1.1

Vườn giống cây trồng lâm nghiệp

Thông tin chi Tiết về vườn giống: Loài cây, mã số vườn giống, chủ sở hữu, lô, Khoảnh, diện tích, năm trồng; phạm vi và Điều kiện gây trồng.

Danh Mục vườn giống được cập nhật

Ngay sau khi có quyết định công nhận

Tổng cục Lâm nghiệp

1.2

Các loại nguồn giống khác: Rừng giống trồng, rừng giống chuyển hóa, lâm phần tuyển chọn, cây trội, vườn cây đầu dòng

Thông tin chi Tiết về nguồn giống: Loài cây, mã số nguồn giống, chủ sở hữu, lô, Khoảnh, diện tích, năm trồng; phạm vi và Điều kiện gây trồng.

Danh Mục nguồn giống được cập nhật

Ngay sau khi có quyết định công nhận

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2.

Giống mới

Thông tin về mã số giống mới, loài cây; đơn vị nghiên cứu, chọn tạo; tác giả giống, địa chỉ liên hệ; vùng gây trồng, năng suất tại khảo nghiệm

Danh Mục giống xuất xứ, gia đình, dòng vô tính được cập nhật

Ngay sau khi có quyết định công nhận

Tổng cục Lâm nghiệp

3

Đơn vị cung ứng giống

Thông tin: Tên đơn vị, loại hình (nhà nước, tư nhân); Người đại diện, địa chỉ liên hệ; loài cây đăng ký sản xuất, kinh doanh

Danh Mục đơn vị cung ứng giống được cập nhật

Rà soát, bổ sung 3 tháng 1 lần

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

4

Đơn vị nghiên cứu, chuyển giao giống

Thông tin: Tên đơn vị, loại hình (viện, trường, trung tâm nghiên cứu, tư nhân); Người đại diện, địa chỉ liên hệ; năng lực đơn vị;

Danh Mục đơn vị nghiên cứu, chuyển giao giống được cập nhật

Rà soát, cập nhật bổ sung hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

5

Báo cáo số liệu

 

 

 

 

5.1

Đơn vị nuôi cấy mô

Thông tin: Tên đơn vị, loại hình hoạt động (nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh); Người đại diện, địa chỉ liên hệ; năng lực sản xuất; công suất thiết kế, công suất thực tế

Danh Mục đơn vị nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh được cập nhật

Rà soát, cập nhật bổ sung hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

5.2

Đơn vị sử dụng công nghệ sinh học

Thông tin: Tên đơn vị, số năm hoạt động; Năng lực: số cán bộ, số phòng thí nghiệm; công suất thiết kế; số cây sản xuất.

Danh Mục đơn vị sử dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh được cập nhật

Rà soát, cập nhật bổ sung hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

5.3

Vườn ươm

Thông tin: Tên đơn vị, vườn ươm, loài cây gieo ươm; diện tích; công suất thiết kế; công suất thực tế.

Danh Mục vườn ươm trên địa bàn tỉnh được cập nhật

Rà soát, cập nhật bổ sung hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

5.4

Kết quả kiểm tra đơn vị sản xuất kinh doanh giống theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014

Thông tin: Tên đơn vị; loại hình kiểm tra (kiểm tra phân loại, kiểm tra định kỳ, tái kiểm tra); kết quả kiểm tra (A, B, C) và thời gian kiểm tra

Kết quả kiểm tra đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp được cập nhật

Ngay sau khi có kết quả kiểm tra

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

5.5

Kế hoạch và kết quả sản xuất giống; kết quả sử dụng giống; kết quả chứng nhận nguồn gốc lô giống, lô cây con.

Thông tin về kế hoạch và kết quả sản xuất cây giống; kết quả cấp chứng nhận nguồn gốc lô giống, nguồn gốc lô cây con; kết quả sử dụng giống

Thông tin liên quan đến sản xuất và sử dụng giống được cập nhật

Ngày 30 hàng tháng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

6

Văn bản quản lý, văn bản kỹ thuật liên quan đến sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp

Những thông tin chủ yếu về văn bản: tên văn bản, loại văn bản, nội dung văn bản, người quyết định; toàn văn.

Biểu tổng hợp và hệ thống văn bản

Thường xuyên khi có văn bản mới được ban hành hoặc hết hiệu lực

Tổng cục Lâm nghiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 472/QĐ-BNN-TCLN năm 2016 về Quy chế quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu về giống cây trồng lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 472/QĐ-BNN-TCLN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/02/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hà Công Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản