Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4701/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 08 tháng 12 năm 2015

 

QUYT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP Ô TÔ VÀ PHỤ TÙNG Ô TÔ TRONG KHUÔN KHỔ HỢP TÁC VIỆT NAM - NHẬT BẢN HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định 1829/QĐ-TTg ngày 28/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Sở Công thương tại Tờ trình số 485/TTr-SCT ngày 30 tháng 11 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Quyết định 1829/QĐ - TTg ngày 28/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban Quản lý các Khu kinh tế tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Công Thương (b/c);
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh VP UBND tỉnh;
- Lưu VT, CN1;
- Gửi: + VB giấy: TP không nhận được bản ĐT;
+ Bản ĐT: Các TP khác.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Hồng Lĩnh

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP Ô TÔ VÀ PHỤ TÙNG Ô TÔ TRONG KHUÔN KHỔ HỢP TÁC VIỆT NAM - NHẬT BẢN HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4701/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Thực hiện Quyết định 1829/QĐ-TTg ngày 28/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với những nội dung chính sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Đánh giá đúng vị trí, vai trò quan trọng của ngành công nghiệp ô và phụ tùng ô tô trong phát triển công nghiệp của tỉnh, gắn với lợi thế về cảng biển và sản phẩm thép, sản phẩm sản xuất từ thép trên địa bàn tỉnh.

2. Cụ thể hóa một số mục tiêu, định hướng, nội dung tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhằm thu hút các nhà đầu tư sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, khai thác tối đa các lợi thế về nguồn nguyên liệu thép và lợi thế về cảng biển của tỉnh.

3. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trên cơ sở nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả.

II. Tầm quan trọng và sự cần thiết phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang chiếm tỷ trọng nhỏ, sản lượng ô tô hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 200.000 chiếc, chỉ bằng ½ của Philippin, 1/5 của Malaysia, 1/10 của Thái lan và Indonesia; tỷ lệ nội địa hóa còn rất thấp (10 - 30% đối với xe du lịch, trên 30% đối với xe tải, trên 40% đối với xe buýt) và chủ yếu được sản xuất từ các nhà đầu tư có vốn FDI, chỉ có vài nhà cung cấp trong nước tham gia vào được mạng lưới các nhà cung cấp trong hệ thống sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam.

Tầm quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được khẳng định tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 28/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ: "Phát trin công nghiệp ô tô cần được xem là giải pháp dài hạn góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa Việt Nam tham gia sâu và chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan tỏa kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp có liên quan, tận dụng xu hướng chuyển dịch đầu tư toàn cầu, đón đầu giai đoạn phổ cập ô tô phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, và góp phần giảm hụt cán cân thương mại”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIII xác định, đến năm 2020 Hà Tĩnh sẽ là một tỉnh công nghiệp hiện đại; việc phát triển ngành công nghiệp ô tô là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô Hà Tĩnh đang ở giai đoạn lập quy hoạch và tiến hành thu hút đầu tư. Hiện nay đã có một vài nhà đầu tư đã tham khảo và đặt vấn đề đầu tư tại KKT Vũng Áng. Để phát huy lợi thế của cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương và nguồn nguyên liệu thép sẵn có, việc phát triển ngành sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô là cần thiết.

III. Những thuận lợi, khó khăn thách thức trong việc phát triển công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô tại Hà Tĩnh

1. Thuận lợi

a) Những yếu tố thuận lợi chung

- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, nhóm ngành sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô là một trong những nhóm ngành chủ lực được ưu đãi đầu tư;

- Năm 2018 là năm bản lề của Công nghiệp ô tô Việt Nam khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN vào Việt Nam được giảm về 0%. Việt Nam chỉ còn 03 năm để chuẩn bị và tăng cường năng lực cạnh tranh của công nghiệp ô tô trong nước. Đây vừa là thuận lợi, song cũng là thách thức không nhỏ của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và của tỉnh.

b) Những yếu tố thuận lợi riêng của Hà Tĩnh

- Khu Kinh tế Vũng Áng là một trong 08 Khu kinh tế trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ xác định ưu tiên đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đảm bảo kết cấu hạ tầng, quy hoạch và quỹ đất đáp ứng nhu cầu các dự án quy mô lớn về sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.

- Hệ thống cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương với nhiều cầu cảng được đầu tư xây dựng, cho phép đón nhận tàu có trọng tải từ 50.000 đến 300.000 DWT. Khu vực cảng được đầu tư đồng bộ về hệ thống kho bãi, đang đầu tư những trung tâm logistic bảo đảm cho vận tải và lưu thông hàng hóa.

- Hệ thống giao thông kết nối đồng bộ: Hệ thống đường bộ QL1A, đường Hồ Chí Minh, đường bộ cao tốc, đường ven biển, đường sắt Bắc - Nam... các tuyến đường nối với nước bạn Lào và Thái Lan như đường sắt, đường quốc lộ 8A, 12...

- Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á (trên 500 triệu tấn) đang được nghiên cứu đầu tư khai thác, là nguồn nguyên liệu lớn cho ngành sản xuất thép;

- Sản lượng sản xuất thép sản xuất tại Khu kinh tế Vũng Áng lớn nhất cả nước; đến năm 2020, dự án thép của tập đoàn Formosa Hà Tĩnh có sản lượng 20 triệu tấn thép; năm 2016 nhà máy thép đã có sản phẩm; chủng loại thép phục vụ cho công nghiệp chế tạo, cơ khí đủ cho công nghiệp trong nước và xuất khẩu.

2. Khó khăn, thách thức

Ngoài những khó khăn thách thức chung của Việt Nam trong phát triển công nghiệp ô tô đã được nêu tại Quyết định số 1829/QĐ - TTg, Hà Tĩnh còn một số khó khăn sau đây:

- Cơ khí và tự động hóa là một trong những nhóm ngành ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 347/QĐ - TTg ngày 22/02/2013 là 02 lĩnh vực nền tảng cho công nghiệp sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô; song ở Hà Tĩnh sự phát triển còn sơ khai, nhỏ lẻ.

- Lao động kỹ thuật trình độ cao phục vụ cho tư động và cơ khí chính xác chưa nhiều, cần tập trung thu hút và đào tạo trong thời gian tới.

IV. Định hướng

Tận dụng thế mạnh về cảng biển, tập trung phát triển công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô Hà Tĩnh trở thành một trong những ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh, gắn kết với tiêu thụ sản phẩm thép từ các cơ sở sản xuất thép tại Khu Kinh tế Vũng Áng đến năm 2020.

V. Mục tiêu đến năm 2020

Thu hút từ 1 - 2 nhà đầu tư sản xuất ô tô và khoảng 2-3 doanh nghiệp chế tạo cơ khí, phụ tùng ô tô vào Hà Tĩnh; hình thành các cơ sở cung cấp, tiêu thụ linh kiện, phụ kiện tham gia vào mạng lưới các nhà cung cấp trong hệ thống sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam.

VI. Kế hoạch

TT

Nhiệm vụ

Thời gian thực hiện

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

A

Công tác quy hoạch

 

 

 

1

Xây dựng chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp và phụ tùng ô tô

12/2015-04/2016

Sở Công thương

Các sở ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã

2

Rà soát quy hoạch, xác định vị trí phù hợp với các dự án sản xuất ô tô, chế tạo cơ khí, phụ tùng ô tô để từng bước hoàn thiện hạ tầng phục vụ việc thu hút đầu tư

2016-2017

Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Ban QLKKT tỉnh

Sở KHCN
Các sở ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã

B

Xây dựng và phổ biến chính sách

 

 

 

1

Phổ biến các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô; công nghiệp hỗ trợ gắn với sản phẩm thép từ Khu Kinh tế Vũng Áng

2016-2020

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ban QL KKT tỉnh và các sở ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã

2

Cập nhật và phổ biến kịp thời đến tận doanh nghiệp các chính sách về thuế, phí, lệ phí và các chính sách có liên quan khác

2016-2020

Sở Tài Chính

Các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã

C

Xúc tiến đầu tư

 

 

 

1

Kết nối Dự án FORMOSA với các nhà đầu tư để đảm bảo nguồn thép phục vụ phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô

2016-2020

Ban QLKKT tỉnh

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương

2

Xây dựng danh mục một số dự án ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ô tô; xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư 5 năm 2016-2020 và hàng năm

2016-2020

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ban QL KKT tỉnh và Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ

3

Cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong chủ trương đầu tư, đất đai, xuất nhập khẩu và các thủ tục khác có liên quan

2016-2020

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở TNMT; Sở Công Thương, Cục Hải quan tỉnh

Các sở ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố, thị xã

D

Phát triển nguồn nhân lực

 

 

 

1

Tập huấn nâng cao nhận thức cho các đối tượng là quản lý nhà nước và các cơ sở sản xuất về công nghiệp hỗ trợ. Tổ chức học tập kinh nghiệm một số tỉnh có công nghiệp ô tô phát triển

2016- 2017

Sở Công Thương

Các sở ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã

2

Liên kết đào tạo các kỹ sư trong và ngoài nước phục vụ phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô trên địa bàn

2016-2020

Trường Đại học Hà Tĩnh

Các sở, ngành, liên quan; UBND các huyện, thành phố, thị xã

3

Liên kết với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để đào tạo nghề theo yêu cầu

2016- 2020

Sở LĐ TB&XH

Các sở, ngành, liên quan; UBND các huyện, thành phố, thị xã

VII. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công Thương: Là cơ quan chủ trì, đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả triển khai Kế hoạch này.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tham mưu lồng ghép các nguồn vốn để triển khai thực hiện Kế hoạch;

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp Sở Công thương thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt dự toán và đảm bảo kinh phí cho việc triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch này.

4. Các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Các sở, ngành liên quan chủ động chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai hoặc tham mưu việc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này theo quy định.

- UBND các huyện, thành phố, thị xã: Khi có dự án đầu tư vào địa bàn, phải tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu có vướng mắc, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã gửi Sở Công Thương để nghiên cứu, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung nội dung của Kế hoạch phù hợp yêu cầu thực tế./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4701/QĐ-UBND năm 2015 Kế hoạch thực hiện Quyết định 1829/QĐ-TTg về phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

  • Số hiệu: 4701/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Nguyễn Hồng Lĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản