Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2021/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 17 tháng 9 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, XUẤT CẤP VÀ SỬ DỤNG VẬT TƯ, THUỐC, HÓA CHẤT PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật Thú y năm 2015; Căn cứ Luật Trồng trọt năm 2018; Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013; Căn cứ Luật Hóa chất năm 2007; Luật Hóa chất sửa đổi năm 2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y;

Căn cứ Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 116/2014/NĐ-CP ngày 04/12/2014 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

Căn cứ Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

Căn cứ Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

Căn cứ Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y;

Căn cứ các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 08/6/2015 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật; số 13/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 quy định về quản lý thuốc Thú y; số 18/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý thuốc Thú y; số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 3961/TTr-SNNPTNT ngày 27/8/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, xuất cấp và sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất trong phòng chống dịch bệnh ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2021.

Điều 3: Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân hoạt động thuốc, hóa chất và tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- CT, P4 UBND tỉnh (b/c);
- V0, V1, V2, NLN1, 3;
- Lưu: VT, NLN3 (05b, QĐ109).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Thành

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, XUẤT CẤP VÀ SỬ DỤNG VẬT TƯ, THUỐC, HÓA CHẤT TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Kèm theo Quyết định số: 47/2021/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh.

Quy chế này quy định về quản lý, xuất cấp và sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nính.

2. Đối tượng áp dụng.

Quy chế này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn ngân sách có liên quan đến việc quản lý, xuất cấp và sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất để phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Danh mục quản lý, xuất cấp và sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất ngành nông nghiệp

1. Các loại vật tư, thuốc, hóa chất trong danh mục được phép sử dụng để phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Việc quản lý sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật, bảo quản, chế biến nông sản, lâm sản, hải sản và thực phẩm căn cứ theo các danh mục đã ban hành như sau:

a) Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản;

b) Danh mục hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản;

c) Danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

d) Danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong thú y;

e) Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam;

f) Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam;

g) Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam;

h) Danh mục thuốc trong phòng chống dịch bệnh nông nghiệp.

2. Việc đề xuất các thuốc phòng, chống dịch ngành nông nghiệp; các thuốc, hóa chất sử dụng trong bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm ngành nông nghiệp được thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương II

TỔ CHỨC QUẢN LÝ, XUẤT CẤP VÀ SỬ DỤNG VẬT TƯ, THUỐC, HÓA CHẤT

Điều 3. Tổ chức mua sắm vật tư, thuốc, hóa chất

Trên cơ sở kế hoạch phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn thuộc Sở xây dựng kế hoạch mua sắm vật tư, thuốc, hóa chất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện (đối với nguồn ngân sách tỉnh cấp) đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh nông nghiệp;

Đối với cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ kế hoạch giao của Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm bố trí kinh phí ngân sách dự phòng cấp huyện và giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn cấp huyện thực hiện, đảm bảo nhiệm vụ phòng chống dịch tại các địa phương.

Điều 4. Theo dõi, quản lý nhập, xuất vật tư, thuốc, hóa chất

1. Nhập vật tư, thuốc, hóa chất

a) Tẩt cả các loại vật tư, thuốc, hóa chất phải được kiểm tra, xác nhận trước khi nhập kho.

b) Hội đồng kiểm nhập do Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ quyết định. Thành phần Hội đồng kiểm nhập cấp tỉnh: Thủ trưởng đơn vị được giao dự toán, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, thủ kho, cán bộ cung ứng và các thành phần khác do Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ quyết định; Thành phần kiểm tra khi nhập kho của Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định. Thành phần Hội đồng kiểm nhập đối với cấp huyện gồm: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao dự toán; Lãnh đạo, chuyên viên phòng Tài chính - Kế hoạch; công chức phụ trách lĩnh vực nông nghiệp Phòng Kinh tế; lãnh đạo, nhân viên phụ trách chăn nuôi thú y Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp; Thủ trưởng đơn vị tiếp nhận, Thủ kho, đại diện cung ứng và các thành phần khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Thành phần Hội đồng kiểm nhập đối với cấp xã gồm: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã, công chức Tài chính- Kế toán, Thủ kho, Cán bộ Khuyến nông - Thú y và các thành phần khác do Ủy ban nhân dân xã quyết định.

c) Nội dung kiểm nhập: Vật tư, thuốc, hóa chất khi nhập vào kho (gồm mua hàng, viện trợ, dự án, chương trình) phải được kiểm soát 100% trong đơn vị theo yêu cầu sau:

- Khi kiểm nhập cần tiến hành đối chiếu nội dung hợp đồng mua bán; hóa đơn hoặc phiếu xuất kho với thực tế về các chi tiết của từng mặt hàng như: tên vật tư, thuốc, tên hóa chất, nồng độ (hàm lượng), đơn vị tính, quy cách đóng gói, số lượng, số lô, đơn giá, hạn dùng, hãng sản xuất, nước sản xuất;

- Vật tư, thuốc, hóa chất nguyên đai nguyên kiện được kiểm nhập trước, toàn bộ thuốc được kiểm nhập trong thời gian tối đa là một ngày trước khi nhập về kho.

- Lập biên bản khi hàng bị hư hao, thừa, thiếu và thông báo cho cơ sở cung cấp để bổ sung, giải quyết;

- Khi nhận hàng kiểm tra điều kiện bảo quản đối với các vật tư, thuốc, hóa chất có yêu cầu bảo quản đặc biệt hoặc theo yêu cầu trên nhãn hàng hóa;

- Vật tư, thuốc, hóa chất có yêu cầu kiểm soát đặc biệt (thuốc có chất ma túy) làm biên bản kiểm nhập riêng.

d) Biên bản kiểm nhập, xác nhận phải có đủ chữ ký của thành viên hội đồng kiểm nhập (theo biểu mẫu gửi kèm).

đ) Vào sổ kiểm nhập vật tư, thuốc, hóa chất (đơn vị tiếp nhận thực hiện).

2. Kiểm soát chất lượng vật tư, thuốc, hóa chất sử dụng tại cơ sở:

a) Kiểm soát 100% cảm quan chất lượng vật tư, thuốc, hóa chất nhập vào kho của đơn vị.

b) Kiểm soát chất lượng cảm quan vật tư, thuốc, hóa chất định kỳ và đột xuất tại kho, nơi pha chế và nơi cấp phát của đơn vị.

3. Cấp phát vật tư, thuốc, hoá chất.

a) Thủ trưởng đơn vị phê duyệt phân khai cấp phát vật tư, thuốc, hóa chất trước khi cấp phát. Đối với cấp huyện và cấp xã do Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân xã phê duyệt phân khai cấp phát vật tư, thuốc, hóa chất. Kế toán, thủ kho cấp phát vật tư, thuốc và hóa chất căn cứ vào kết quả phân khai lập phiếu xuất kho và xuất cấp vật tư, thuốc và hóa chất.

b) Cấp phát vật tư, thuốc, hóa chất cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng khi có phiếu xuất kho.

c) Từ chối phát vật tư, thuốc, hóa chất nếu phát hiện sai sót trong phiếu xuất kho, thông báo lại với thủ trưởng ký duyệt.

d) Kiểm tra, đối chiếu khi cấp phát vật tư, thuốc, hóa chất:

- Đối chiếu số liệu trong phiếu xuất kho với quyết định được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Kiểm tra tên vật tư, thuốc, hóa chất, nồng độ (hàm lượng) đối với thuốc, hóa chất cấp phát;

- Nhãn vật tư, thuốc, hóa chất;

- Chất lượng vật tư, thuốc, hóa chất;

- Số lượng vật tư, thuốc, hóa chất trong phiếu xuất kho với số thuốc, hóa chất sẽ cấp phát.

e) Sau khi cấp phát phải vào sổ theo dõi vật tư, thuốc, hóa chất theo ngày, đợt cấp phát, địa phương được cấp phát.

f) Cấp phát vật tư, thuốc, hóa chất theo nguyên tắc hàng nhập trước xuất trước, hàng có hạn dùng ngắn hơn xuất trước. Chỉ được cấp phát các vật tư, thuốc, hóa chất còn hạn sử dụng và đạt tiêu chuẩn chất lượng.

4. Lưu trữ chứng từ xuất, nhập vật tư, thuốc, hóa chất thực hiện theo quy định về lưu trữ hồ sơ cấp, phát vật tư, thuốc và hóa chất.

Điều 5. Theo dõi, quản lý sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất.

1. Thống kê, báo cáo, thanh toán tiền vật tư, thuốc, hoá chất

a) Thống kê, báo cáo

- Xây dựng hệ thống sổ sách, chứng từ để theo dõi xuất, nhập vật tư, thuốc, hoá chất và lưu trữ theo quy định. Nếu cơ sở có phần mềm theo dõi, quản lý xuất, nhập thì hàng tháng phải trích xuất số liệu, ký xác nhận và lưu trữ lại theo quy định;

- Thống kê, báo cáo: cập nhật số lượng xuất, nhập vật tư, thuốc, hoá chất và đối chiếu định kỳ hoặc đột xuất với thủ kho. Thực hiện báo cáo định kỳ 01 tháng/lần hoặc đột xuất về sự nhầm lẫn, thừa, thiếu, hư hỏng, sắp hết hạn sử dụng... đối với hàng hóa được giao quản lý.

b) Thanh toán: Đơn vị được giao chức năng, nhiệm vụ mua, quản lý, cấp, phát vật tư, thuốc, hóa chất phòng chống dịch ngành nông nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về đấu thầu, mua sắm hàng hóa theo đúng luật đấu thầu quy định (trừ các trường hợp đặc biệt do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định). Đối với các loại vật tư, thuốc, hóa chất xuất cấp mà không thu tiền thì trong phiếu xuất kho phải ghi rõ “không thu tiền”. Đối với vật tư, thuốc, hóa chất tiếp nhận từ nguồn dự trữ quốc gia cấp cho các địa phương được thực hiện theo quy định về nhập, xuất, cấp phát, sử dụng của Bộ Tài chính hiện hành.

c) Xử lý vật tư, thuốc thừa, thiếu, hư hao, thuốc hết hạn dùng: Đơn vị được giao mua, tiếp nhận, quản lý, cấp phát và hướng dẫn sử dụng hàng hóa (hoặc sử dụng trực tiếp) cần chú ý hạn chế thấp nhất việc thừa thiếu, hư hao trong quản lý, cấp phát và sử dụng hàng hóa. Căn cứ kết quả nhập, xuất cấp, sử dụng hàng hóa từng tháng, đơn vị được giao nhiệm vụ phải báo cáo đề xuất sớm (03 tháng trước ngày hết hạn sử dụng) để có phương án xử lý, không để hết hạn sử dụng gây lãng phí ngân sách nhà nước.

d) Vật tư, thuốc, hóa chất hết hạn dùng phải tiến hành hủy theo quy định về quản lý chất lượng vật tư, thuốc, hóa chất.

e) Đối với thuốc bảo vệ thực vật dự trữ theo Quyết định số 527/QĐ-UBND ngày 17/2/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện luân chuyển thuốc đảm bảo: theo hạn sử dụng; theo danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý khi thuốc bảo vệ thực vật dự trữ bị loại khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật dữ trữ hạn sử dụng còn 12 tháng. Tổ chức đấu giá bán thuốc, đấu thầu mua thuốc bảo vệ thực vật dữ trữ theo quy định của pháp luật tại thời điểm hiện hành.

2. Kiểm kê vật tư, thuốc, hoá chất

a) Thời gian kiểm kê:

- Hội đồng kiểm nhập các cấp có trách nhiệm thực hiện kiểm kê vật tư, thuốc, hóa chất tại đơn vị 6 tháng/lần.

b) Nội dung kiểm kê:

- Đối chiếu sổ theo dối xuất, nhập với chứng từ;

- Đối chiếu sổ sách với thực tế về số lượng và chất lượng;

- Xác định lại số lượng, chất lượng vật tư, thuốc, hoá chất tìm nguyên nhân thừa, thiếu, hư hao;

- Lập biên bản kiểm kê vật tư, thuốc, hóa chất tiêu hao;

- Nếu chất lượng không đạt yêu cầu, Hội đồng kiểm kê làm biên bản xác nhận và đề nghị cho xử lý.

3. Sử dụng vật tư, thuốc và hóa chất phòng chống dịch ngành nông nghiệp.

- Việc sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất trong phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp được thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Đối với mỗi loại vật tư, thuốc, hóa chất khi sử dụng phải căn cứ vào hướng dẫn sử dụng, chỉ định, chống chỉ định... của nhà sản xuất;

- Đối với các loại thuốc độc Bảng A, thuốc gây nghiện hay hướng thần, thuốc chuyên biệt khác phải do cán bộ thú y sử dụng hoặc giám sát sử dụng.

Điều 6. Quy định về bảo quản vật tư, thuốc, hóa chất

1. Yêu cầu về kho vật tư, thuốc, hóa chất cần đảm bảo nguyên tắc thực hành tốt bảo quản vật tư, thuốc, hóa chất.

a) Yêu cầu về vị trí, thiết kế.

- Kho vật tư, thuốc, hóa chất được bố trí ở nơi cao ráo, an toàn, thuận tiện cho việc xuất, nhập, vận chuyển và bảo vệ;

- Đảm bảo vệ sinh chống nhiễm khuẩn;

- Diện tích kho cần đủ rộng để bảo đảm việc bảo quản vật tư, thuốc, hóa chất đáp ứng với yêu cầu của từng mặt hàng thuốc, hóa chất;

- Kho hóa chất bố trí ở khu vực riêng;

- Vật liệu xây dựng kho là vật liệu không bắt lửa, khó cháy; tường và nền phải chống thấm, bằng phẳng, dễ lau chùi, không trơn trượt;

- Kho vật tư, thuốc, hóa chất phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phòng chống cháy nổ theo Luật phòng cháy và chữa cháy;

- Kho phải đảm bảo đủ độ sáng để nhận diện hàng hóa. Thiết bị chiếu sáng đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ.

b) Yêu cầu về trang thiết bị:

- Trang bị tủ lạnh để bảo quản thuốc có yêu cầu nhiệt độ thấp;

- Kho có quạt thông gió, điều hòa nhiệt độ, nhiệt kế, ẩm kế, máy hút ẩm;

- Các thiết bị dùng để theo dõi điều kiện bảo quản phải được hiệu chuẩn định kỳ;

- Có đủ giá, kệ, tủ để xếp vật tư, thuốc, hóa chất; khoảng cách giữa các giá, kệ đủ rộng để vệ sinh và xếp dỡ hàng;

- Đủ trang thiết bị cho phòng cháy, chữa cháy (bình cứu hỏa, thùng cát, vòi nước).

2. Quy định về bảo quản.

a) Có sổ theo dõi công tác bảo quản, kiểm soát, sổ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm tối thiểu 2 lần (sáng, chiều) trong ngày và theo dõi xuất, nhập sản phẩm.

b) Tránh ánh sáng trực tiếp và các tác động khác từ bên ngoài.

c) Vật tư, thuốc, hoá chất được bảo quản đúng yêu cầu điều kiện bảo quản do nhà sản xuất ghi trên nhãn hoặc theo yêu cầu của hoạt chất (với các nhà sản xuất không ghi trên nhãn) để đảm bảo chất lượng của sản phẩm.

d) Vật tư, thuốc, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt và thuốc bảo quản ở điều kiện nhiệt độ đặc biệt thì bảo quản theo quy định hiện hành và yêu cầu của nhà sản xuất.

đ) Theo dõi hạn dùng của vật tư, thuốc, hóa chất thường xuyên. Khi phát hiện thuốc, hóa chất gần hết hạn sử dụng hoặc thuốc còn hạn sử dụng nhưng có dấu hiệu nứt, vỡ, biến màu, vẩn đục phải để khu vực riêng chờ xử lý và tiêu hủy theo quy định. Thực hiện luân chuyển vật tư, thuốc, hóa chất theo thời gian quy định không để thuốc, hóa chất bị hết hạn sử dụng.

e) Thuốc, hoá chất dễ cháy nổ bảo quản tại kho riêng.

Điều 7. Xuất cấp vật tư, thuốc, hóa chất từ nguồn dự phòng của tỉnh.

1. Điều kiện xuất cấp vật tư, thuốc, hóa chất dự phòng.

a) Thực hiện việc xuất cấp vật tư, thuốc, hóa chất cho các địa phương sau khi có ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trên cơ sở tính cấp thiết, đối tượng cần phun, đối tượng được hỗ trợ và văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Việc xuất cấp vật tư, thuốc, hóa chất được thực hiện khi: (1). Có dịch hại xảy ra trên cây trồng; có ổ dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản phát sinh ở cơ sở và thuộc các bệnh phải công bố dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (2). Có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ xuất cấp vật tư, thuốc, hóa chất phục vụ phòng, chống dịch; (3). Thực hiện xuất cấp để thực hiện các tháng hành động khử trùng tiêu độc theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Đối với cấp huyện, khi sử dụng hết số lượng vật tư, thuốc, hóa chất dự trữ hoặc chưa chuẩn bị kịp cho phòng chống dịch tại địa phương phải có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cấp bổ sung thuốc, hóa chất từ nguồn dự phòng cấp tỉnh, trong đó nêu rõ: Quyết định công bố dịch, Biên bản kiểm tra của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh về số lượng vật tư, thuốc, hóa chất phòng, chống dịch hiện có tại địa phương, việc bố trí kinh phí và sử dụng kinh phí phòng chống dịch, nhu cầu thực tiễn làm căn cứ để đề xuất và các văn bản liên quan khác của địa phương. Trường hợp chưa đủ điều kiện công bố dịch nhưng xét thấy có nguy cơ lây lan rộng và thuộc các bệnh phải công bố dịch thì Ủy ban nhân dân cấp huyện phải báo cáo cụ thể, chi tiết và kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết.

2. Sau khi nhận được văn bản đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao thẩm định và xuất cấp vật tư, thuốc, hóa chất từ nguồn dự trữ của tỉnh cho các địa phương, định kỳ 6 tháng và hằng năm báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Đối với những bệnh, dịch mới xuất hiện trên địa bàn mà địa phương chưa xác định được chủng loại vật tư, thuốc, hóa chất để mua sắm thì Ủy ban nhân dân cấp huyện làm văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kịp thời.

4. Sau khi tiếp nhận văn bản đề nghị từ các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm giải quyết theo nội dung đề nghị của địa phương và báo cáo kết quả giải quyết về Ủy ban nhân dân tỉnh. Trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết phải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến chỉ đạo.

5. Việc nhập, xuất kho, quản lý và sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất được thực hiện theo điều 4, 5, 6 tại Quy chế này.

Điều 8. Thanh tra, kiểm tra, giám sát

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị trực thuộc Sở được giao nhiệm vụ mua bán, tiếp nhận, quản lý, cấp phát, hướng dẫn sử dụng (hoặc sử dụng) đối với vật tư, thuốc, hóa chất phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; xử phạt hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; tổng hợp các khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện và đề xuất hướng khắc phục, xử lý.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát việc mua bán, tiếp nhận, bảo quản, cấp phát, sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp của địa phương; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Sở; cơ quan quản lý chuyên ngành về hóa chất thực hiện kiểm tra các cơ sở hoạt động Hóa chất trong khu vực.

Điều 9. Xử lý vi phạm

Thực hiện theo Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật và Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

1. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch theo quy định. Xây dựng kế hoạch dự phòng vật tư, thuốc, hóa chất của tỉnh đảm bảo đúng chủng loại, số lượng, chất lượng để phòng chống dịch.

b) Trước kỳ xây dựng kế hoạch hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và Thú y, Thủy sản) khuyến cáo các địa phương lựa chọn một số loại vật tư, thuốc, hóa chất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, chủng loại dịch bệnh lưu hành trên địa bàn; Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất trong phòng chống dịch.

c) Giao cơ quan chuyên môn thuộc Sở tổ chức triển khai thực hiện mua vật tư, thuốc, hóa chất dự phòng của tỉnh đảm bảo chất lượng, số lượng và thực hiện xuất cấp cho các địa phương theo quyết định được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Chỉ đạo quản lý, bảo quản lượng vật tư, thuốc, hóa chất dự phòng (nếu có) theo đúng quy định; Hướng dẫn việc nhập, xuất, bảo quản, cấp phát và sử dụng thuốc, hóa chất từ nguồn dự phòng của tỉnh.

e) Luân chuyển đối với thuốc Bảo vệ thực vật; cấp phát bổ sung vật tư, thuốc, hóa chất phòng chống dịch của tỉnh cho các địa phương (nếu có).

f) Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về số lượng vật tư, thuốc, hóa chất đã cấp phát và tình hình kết quả sử dụng tại các địa phương, từ đó tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý tiếp theo; thực hiện kiểm tra việc quản lý, sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất tại các đơn vị, địa phương.

2. Các sở, ngành liên quan

Phối hợp tổ chức kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; xử phạt hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; tổng hợp các khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện và đề xuất hướng khắc phục, xử lý.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

a) Chủ động xây dựng kế hoạch dự phòng vật tư, thuốc, hóa chất thuộc thẩm quyền quản lý.

b) Tiếp nhận và sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất từ nguồn dự phòng của tỉnh, trung ương(nếu có) và sử dụng hiệu quả, lưu trữ chứng từ tiếp nhận, cấp phát, sử dụng theo quy định; phân bổ, bàn giao kịp thời lượng thuốc, hóa chất phòng chống dịch cho các xã, phường, thị trấn theo yêu cầu phòng, chống dịch.

c) Tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất trong phòng chống dịch hại theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quản lý, bảo quản lượng vật tư, thuốc, hóa chất còn tồn (nếu có) theo đúng quy định.

d) Tổng hợp và báo cáo kết quả số lượng vật tư, thuốc, hóa chất phòng chống dịch được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương (nếu có), việc cấp phát và sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất phòng chống dịch gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

e) Quyết toán chứng từ theo đúng số lượng vật tư, thuốc, hóa chất địa phương được nhận sau 60 ngày nhận vật tư, thuốc, hóa chất.

4. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân

a) Tiếp nhận vật tư, thuốc, hóa chất khi được bàn giao theo đúng nhiệm vụ được phân công.

b) Thực hiện sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Điều 11. Tổ chức triển khai thực hiện Quy chế

Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và người đứng đầu cơ quan, tổ chức liên quan căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm được phân công, nghiêm túc triển khai thực hiện Quy chế.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

 

Mẫu số: 01

Tờ số:…….

UBND HUYỆN, THÀNH PHỐ
ĐƠN VỊ:

BẢNG TỔNG HỢP
NHẬP, XUẤT HÓA CHẤT KHỬ TRÙNG TIÊU ĐỘC

---------------

 

Nguồn:

Đợt:

TT

Nội dung

Khử trùng tiêu độc động vật trên cạn

Hóa chất thủy sản

Ghi chú

1

Tồn đầu kỳ

 

 

 

2

Nhận trong năm từ Chi cục

 

 

 

3

Xuất kho sử dụng

 

 

 

4

Tồn kỳ sau

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)

TP. KINH TẾ/ NN&PTNT/TTDVKT NN
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Mẫu số: 02

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BIÊN BẢN GIAO NHẬN HÓA CHẤT TIÊU ĐỘC KHỬ TRÙNG

Đợt …….năm 20…….

(Nguồn dự phòng ngân sách tỉnh)

Hôm nay, ngày…. tháng…. năm 20…… Tại……………………………………………………

1. Bên giao: Phòng KT/NN&PTNT/Trung tâm DVKTNN

- Ông (bà)…………………………………………………………… Chức vụ: TP/Giám đốc.

- Ông (bà)…………………………………………………………… Chức vụ: Người giao

2. Bên nhận: UBND xã (phường): ……………………………………………………………

- Ông (bà)………………………………………… Chức vụ: Chủ tịch UBND phường (xã).

- Ông (bà)………………………………………… Chức vụ: Thú y phường (xã)/ Người nhận.

Đã cùng nhau giao nhận hóa chất tiêu độc khử trùng như sau:

TT

Tên hóa chất

Số lượng (lít/kg)

Ghi chú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

Bằng chữ: ……………………………………………………………………………………………

Đánh giá chất lượng hóa chất: ……………………………………………………………………

Thời hạn sử dụng hóa chất:…. /….. /……………………………………………………………..

 

UBND XÃ (PHƯỜNG)………………….

TRUNG TÂM DỊCH VỤ KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP/PHÒNG KINH TẾ;PHÒNG NN&PTNT

 

Người nhận
(Ký, ghi rõ họ tên)

Chủ tịch UBND phường/xã
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

Người giao
(Ký, ghi rõ họ tên)

Giám đốc/Trưởng phòng
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

…………………………….  ………………………………………………………………………

 

Mẫu số: 03

UBND PHƯỜNG (XÃ)……….

BẢNG TỔNG HỢP
HÓA CHẤT SỬ DỤNG PHUN KHỬ TRÙNG TIÊU ĐỘC
Đợt….. năm 20 ……
 (Nguồn dự phòng ngân sách tỉnh)
---------------

 

TT

Khu, thôn, xóm

Số hộ được phun thuốc

Số lượng hóa chất sử dụng (Lít/Kg)

Diện tích được phun (m2)

Số lần phun

Ký nhận

1

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

 

5

 

 

 

 

 

 

6

 

 

 

 

 

 

7

 

 

 

 

 

 

8

 

 

 

 

 

 

9

 

 

 

 

 

 

10

 

 

 

 

 

 

11

 

 

 

 

 

 

12

 

 

 

 

 

 

13

 

 

 

 

 

 

14

 

 

 

 

 

 

15

 

 

 

 

 

 

16

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

 

 

 

 

 

 

(nếu có hỗ trợ phun)
TTDVKTNN/PHÒNG KINH TẾ/NN&PTNT NHÂN VIÊN PHỤ TRÁCH ĐỊA BÀN
(Ký, ghi rõ họ tên)

THÚ Y PHƯỜNG (XÃ)
(Ký, ghi rõ họ tên)

Ngày…. tháng…. năm 20……
UBND PHƯỜNG (XÃ)……..
(Ký tên, đóng dấu)

 

Mẫu số: 04

Tờ số:…..

UBND PHƯỜNG (XÃ) ……………

Thôn, khu: …………………………

DANH SÁCH
CÁC HỘ ĐÃ ĐƯỢC PHUN HÓA CHẤT TIÊU ĐỘC, KHỬ TRÙNG
Đợt….năm 20…..
(Nguồn dự phòng ngân sách tỉnh)
---------------

 

Ngày phun:….../……../20………….
Tên hóa chất sử dụng:…………….
Định mức sử dụng: 01 lít phun cho:……m2

 

TT

Họ và tên chủ hộ

Số lượng hóa chất sử dụng (Lít/kg) (1)

Diện tích được phun (m2) (2)

Số lần phun (3)

Ký nhận

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

5

 

 

 

 

 

6

 

 

 

 

 

7

 

 

 

 

 

8

 

 

 

 

 

9

 

 

 

 

 

10

 

 

 

 

 

11

 

 

 

 

 

12

 

 

 

 

 

13

 

 

 

 

 

14

 

 

 

 

 

15

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẠP BIỂU/ THÔN, KHU TRƯỞNG
(Ký, ghi rõ họ tên)

THÚ Y VIÊN PHƯỜNG (XÃ)
(Ký, ghi rõ họ tên)

Ngày…. tháng…. năm 20……
UBND PHƯỜNG (XÃ)……..
(Ký tên, đóng dấu)

 

Ghi chú: * TH phun tập trung: Điền thông tin cột (1) (2)

* TH cấp phát: Điền thông tin cột (1) (2) (3)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 47/2021/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, xuất cấp và sử dụng vật tư, thuốc, hóa chất trong phòng chống dịch bệnh ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

  • Số hiệu: 47/2021/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/09/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Phạm Văn Thành
  • Ngày công báo: Không có
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/10/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản