Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47/2003/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG XE ÔTÔ CỦA CƠ QUAN BỘ CÔNG NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01-11-1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Để tăng cường công tác quản lý, sử dụng xe ôtô của cơ quan Bộ;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ,
 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý, sử dụng ôtô của cơ quan Bộ Công nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như Điều 2,
- Bộ trưởng (để báo cáo),
- Lưu VT.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG


 

Bùi Xuân Khu

 

QUY CHẾ

VỀ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG XE ÔTÔ CỦA CƠ QUAN BỘ CÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07QĐ-BCN ngày 07 tháng 4 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG 

Điều 1. Quy chế này được áp dụng đối với việc quản lý, sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa xe ôtô của cơ quan Bộ Công nghiệp. Xe ôtô của cơ quan Bộ Công nghiệp là các xe ôtô được mua từ ngân sách nhà nước cấp cho Bộ hoặc xe của các cơ quan đơn vị khác chuyển giao cho Bộ quản lý.

 

Điều 2. Văn phòng Bộ có trách nhiệm quản lý, điều phối xe phục vụ công tác cho cơ quan Bộ và các đoàn khách của Bộ, theo đúng tiêu chuẩn, định mức trong các cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước (theo Quyết định số 122/1999/QĐ-TTg ngày 10-5-1999 của Thủ tướng Chính phủ) và hàng năm báo cáo tình hình quản lý sử dụng phương tiện với Lãnh đạo Bộ.

Chương 2:

CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG XE ÔTÔ

Điều 3. Quản lý xe ôtô

1. Mỗi xe ôtô khi lưu hành phải có đầy đủ các loại giấy tờ sau:

a) Lệnh điều xe ôtô.

b) Giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện.

c) Giấy phép lưu hành xe ôtô (còn giá trị).

d) Giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người điều khiển phương tiện.

2. Mỗi xe có lý lịch xe, sổ theo dõi hoạt động, biên bản kiểm tra kỹ thuật xe hàng năm, lệnh sửa chữa, do Đội trưởng Đội xe cập nhật đầy đủ và quản lý.

3. Xe ôtô được giao cho lái xe nhận, bảo quản, giữ gìn và phục vụ.

4. Đội trưởng Đội xe có trách nhiệm xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa, lập dự toán kinh phí cho năm sau, báo cáo Lãnh đạo Văn phòng Bộ duyệt trước ngày 30-10 hàng năm.

Điều 4. Công tác quản lý kỹ thuật

1. Đội xe tổ chức thực hiện bảo dưỡng sửa chữa theo đúng quy định về quản lý kỹ thuật của nhà nước và kế hoạch đã được Lãnh đạo Văn phòng Bộ duyệt đối với từng phương tiện. Tổ chức kiểm tra định kỳ hàng năm, lập biên bản tình trạng kỹ thuật của từng xe.

2. Hàng ngày trước khi xe đi công tác, lái xe kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe (xăng, dầu, nước...), bảo đảm xe hoạt động an toàn và sạch sẽ ngăn nắp, trong trường hợp có vấn đề về kỹ thuật lái xe phải báo cáo với lãnh đạo Đội xe để giải quyết.

Điều 5. Công tác quản lý xăng, dầu, vật tư, tài chính

1. Định mức xăng, dầu được tính cho từng loại xe do Chánh Văn phòng Bộ quy định, căn cứ vào quy định của nhà chế tạo và chất lượng của từng xe.

2. Xăng, dầu và các loại phí được thanh toán theo km thực tế xe chạy, căn cứ vào lệnh điều xe có xác nhận của người sử dụng phương tiện.

3. Phòng Kế toán Tài sản cấp tạm ứng: xăng, dầu, công tác phí theo đề nghị của Đội xe và quyết toán theo từng lệnh điều xe, đối chiếu thanh toán với cửa hàng bán xăng, dầu căn cứ vào xăng, dầu tiêu hao thực tế theo lệnh điều xe.

4. Vật tư sửa chữa nhỏ, xăng, dầu bảo dưỡng định kỳ, được thanh toán theo km thực tế đến kỳ bảo dưỡng và tình trạng kỹ thuật của xe. Vật tư, xăng, dầu sửa chữa vừa và lớn được thanh toán theo hợp đồng sửa chữa căn cứ vào biên bản kiểm tra tình trạng kỹ thuật của từng xe, lệnh sửa chữa.

Điều 6. Điều động và sử dụng

1. Đội trưởng Đội xe (hoặc Đội phó được uỷ quyền) căn cứ vào kế hoạch xe đi công tác đã được duyệt, lập kế hoạch điều động xe phục vụ, viết lệnh điều xe, thông báo cho lái xe và đoàn đi công tác.

2. Lãnh đạo Văn phòng Bộ ký lệnh điều xe đi công tác ngoại tỉnh, đi trong Thành phố Hà Nội từ hai ngày trở lên. Đội xe được ký lệnh điều xe đi công tác trong khu vực Thành phố Hà Nội trong thời gian một ngày.

3. Trong trường hợp khẩn cấp (cấp cứu, việc hiếu của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Bộ) hoặc đột xuất, Đội trưởng, Đội phó Đội xe được điều động xe theo đề nghị của các đơn vị, sau đó báo cáo lại cho Lãnh đạo Văn phòng Bộ.

4. Khi có lệnh điều động xe ôtô, người lái xe và ôtô phải có mặt trước 15 phút tại nơi được thoả thuận với người sử dụng xe. Lái xe phải có tác phong, thái độ phục vụ chu đáo, đúng mực. Khi tham gia giao thông phải tuyệt đối chấp hành Luật an toàn giao thông đường bộ, lái xe theo yêu cầu của người sử dụng xe căn cứ vào lệnh điều xe.

5. Khi đang hoạt động trên đường, nếu xảy ra mất an toàn về người và phương tiện, người lái xe phải xử lý theo đúng Luật an toàn giao thông đường bộ và báo cáo ngay với lãnh đạo Đội xe xin ý kiến chỉ đạo kịp thời.

6. Sau khi hoàn thành chuyến công tác, lái xe phải ghi đầy đủ nội dung của lệnh điều xe có xác nhận của người sử dụng phương tiện. Không được lái xe ra khỏi cơ quan khi chưa có lệnh điều xe.

Điều 7. Đăng ký xe đi công tác

1. Các đơn vị có nhu cầu đi công tác bằng xe ôtô, đăng ký xe vào mẫu in sẵn do các Vụ trưởng và cấp tương đương (hoặc cấp phó) được uỷ quyền ký.

a) Đi công tác trong khu vực Thành phố Hà Nội, thời gian một ngày: đăng ký vào sổ ghi đầy đủ nội dung và gửi đến Đội xe Văn phòng Bộ chiều hôm trước (đi sáng hôm sau), buổi sáng (đi buổi chiều cùng ngày).

b) Đi công tác ngoại tỉnh, trong Thành phố Hà Nội từ hai ngày trở lên: ghi đầy đủ nội dung vào mẫu in sẵn, gửi đến Lãnh đạo Văn phòng Bộ ký và chuyển xuống Đội xe vào sáng thứ sáu (nếu đi sáng thứ hai) và vào chiều thứ hai (cho kế hoạch cả tuần). Nếu đi công tác đột xuất theo lệnh của Lãnh đạo Bộ, đăng ký vào mẫu in sẵn gửi đến Lãnh đạo Văn phòng Bộ ký và chuyển xuống Đội xe thực hiện.

2. Trong trường hợp nhu cầu đi công tác vượt quá khả năng phục vụ, hoặc các đơn vị đến cùng một địa điểm, Đội xe báo cáo Lãnh đạo Văn phòng Bộ cho ý kiến chỉ đạo và thông báo lại cho các đơn vị đảm bảo việc phục vụ kịp thời, chu đáo.

Điều 8. Tiêu chuẩn sử dụng xe ôtô phục vụ công tác.

1. Bộ trưởng, Thứ trưởng có xe ôtô phục vụ chuyên trách đưa đón làm việc, công tác.

2. Lãnh đạo cấp Vụ và tương đương đi công tác được bố trí xe đưa đón tại nhà riêng hoặc cơ quan. Các chuyên viên đi công tác được bố trí xe đưa đón tại cơ quan (54 Hai Bà Trưng).

3. Các đoàn công tác Liên Bộ, Liên Ngành, các đoàn khách trong nước và quốc tế được bố trí xe phục vụ theo yêu cầu của Lãnh đạo Văn phòng Bộ.

4. Các đoàn công tác đi làm việc tại các tỉnh phía Nam, do Văn phòng Đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ.

5. Cán bộ, công chức trong cơ quan Bộ được Lãnh đạo Văn phòng Bộ đồng ý bố trí xe phục vụ việc riêng, phải tự lo xăng dầu, lệ phí, ăn ở cho người lái xe.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Cán bộ, công chức các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, và các Văn phòng Chương trình có trách nhiệm thi hành Quy chế này. Đơn vị, cá nhân nào vi phạm Quy chế này sẽ bị xử lý kỷ luật. Trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Chánh Văn phòng Bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng đơn vị có liên quan kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

Trong trường hợp cần sửa đổi, bổ sung, Chánh Văn phòng Bộ nghiên cứu trình Lãnh đạo Bộ quyết định./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 47/2003/QĐ-BCN ban hành Quy chế Quản lý, sử dụng xe ôtô của cơ quan Bộ Công nghiệp do Bộ trưởng Bộ công nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 47/2003/QĐ-BCN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/04/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
  • Người ký: Bùi Xuân Khu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/04/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 05/11/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản