Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4692/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 09 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 2676/TTr-SNV ngày 21 tháng 7 năm 2015;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phân cấp quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với các nội dung theo Đề án đính kèm Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Du lịch, Thủ trưởng các sở, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành, Quyết định này./. 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch;
- Tổng Cục Du lịch Việt Nam;
- TT Thành ủy, HĐND TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Các sở-ngành TP;
- UBND các Quận-Huyện;
- Lưu: VT, (TM/Ng).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân

 

ĐỀ ÁN

PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Kèm theo Quyết định số 4692/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

I. THỰC TRẠNG NGÀNH DU LỊCH THÀNH PHỐ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:

1. Thực trạng phát triển và công tác quản lý ngành du lịch Thành phố:

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị lớn của cả nước, phía Bắc giáp Tây Ninh, Bình Dương, phía đông giáp Đồng Nai, phía Nam giáp biển Đông và Tiền Giang, phía Tây giáp Long An, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch, rừng ngập mặn, bờ biển với hệ sinh thái đa dạng sinh học cao; hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đa dạng từ đường hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ... đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân và du khách; có các điểm di tích văn hóa, văn hóa - lịch sử như Bến Nhà Rồng, đền Quốc Tổ, dinh Xã Tây, Nhà hát lớn, Bưu điện, chùa cổ Giác Lâm, chùa Bà Thiên Hậu, Tổ Đình Giác Viên, nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Huyện Sỹ, nhà thờ Thông Tây Hội, các công viên, khu sinh thái như Thảo Cầm Viên, Suối Tiên, Công viên Văn hóa Đầm Sen, Khu Du lịch Bình Quới - Thanh Đa, Khu Du lịch Văn Thánh và nhiều sự kiện đặc sắc như: Lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ, Ngày hội du lịch Thành phố, Lễ hội trái cây Nam bộ, Hội chợ du lịch quốc tế ITE... đã tạo nên sức hấp dẫn, thu hút đối với du khách khi đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, ngành du lịch Thành phố có sự tăng trưởng đáng kể cả về chất lượng sản phẩm du lịch, doanh thu, lượng khách du lịch và số lượng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Năm 2014, doanh thu ngành du lịch Thành phố đạt 86.109 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ 2013, chiếm 37% doanh thu ngành du lịch cả nước, 9,8% GDP của Thành phố, tăng 7,98 lần so doanh thu năm 2004 (10.812 tỷ); lượng khách quốc tế đến thành phố đạt 4.400.000 lượt, chiếm 56 % lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 2,8 lần so năm 2004 (1.580.000 lượt). Hiện toàn Thành phố có 949 doanh nghiệp lữ hành (556 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 393 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 31 đại lý, 7 văn phòng đại diện du lịch nước ngoài tại Việt Nam), tăng 3,25 lần so năm 2004 (292 doanh nghiệp); có 2.031 cơ sở lưu trú phục vụ du khách (gồm: 01 khu căn hộ du lịch cao cấp (240 căn), 1.697 khách sạn từ 1 đến 5 sao, 333 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn kinh doanh du lịch), tăng 3,17 lần so năm 2005 (640 cơ sở lưu trú).

Công tác quản lý nhà nước ngành du lịch Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ máy tổ chức quản lý ngành từng bước được củng cố, kiện toàn. Hiện nay, Sở Du lịch được tái thành lập trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước ngành du lịch từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Quyết định 32/2014/QĐ-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố với bộ máy tổ chức gồm: Văn phòng Sở, Phòng Khách sạn, Phòng Lữ hành, Phòng Nghiên cứu phát triển, Phòng Thông tin du lịch, Thanh tra Sở và Trung tâm xúc tiến Du lịch thực hiện các chức năng quản lý nhà nước ngành du lịch Thành phố chủ yếu gồm: Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành căn cứ theo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội chung của Thành phố, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nghiên cứu, trình Ủy ban nhân dân Thành phố chương trình, biện pháp cải cách hành chính nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về du lịch; Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật theo chuyên ngành du lịch; cấp, cấp đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên du lịch và giấy chứng nhận xe ô tô đủ điều kiện phục vụ khách du lịch; Thẩm định, tái thẩm định cấp biển hiệu dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Thẩm định cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của văn phòng đại diện doanh nghiệp lữ hành nước ngoài tại Thành phố; Thẩm định, tái thẩm định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch hạng 1 sao, 2 sao; cấp chứng nhận bồi dưỡng ngắn hạn nghề du lịch; cấp, thu hồi các loại thẻ, giấy phép, văn bằng, chứng chỉ khác thuộc thẩm quyền của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật và các chức năng, nhiệm vụ khác được quy định trong Luật Du lịch; Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các tổ chức kinh tế, các cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động và kinh doanh trong lĩnh vực du lịch; Giải quyết các sự việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân và các tổ chức có liên quan đến lĩnh vực du lịch; Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch theo quy định pháp luật và theo phân công của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Đối với các địa phương, đến nay chưa có văn bản chính thức về việc phân cấp cụ thể các nội dung quản lý ngành du lịch cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện nên công tác quản lý ngành du lịch tại các quận, huyện chủ yếu là công tác phối hợp hậu kiểm doanh nghiệp; việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành và xúc tiến thu hút đầu tư phát triển du lịch địa phương chưa được quan tâm; việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch còn chưa rộng khắp, có nơi có lúc còn bỏ ngỏ; tình hình an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch còn phức tạp... Việc giao cơ quan chuyên môn tham mưu cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch trong những năm gần đây thay đổi thường xuyên. Trước năm 2008, khi chưa sáp nhập Sở Du lịch, theo quy định tại Khoản 8, Điều 7 Nghị định số 172/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ giao cho Phòng Kinh tế tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước du lịch. Sau khi Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ được ban hành thay thế Nghị định số 172/2004/NĐ-CP và sáp nhập Sở Du lịch thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch được giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin (Khoản 6, Điều 7 Nghị định số 14/2008/NĐ-CP). Và gần đây, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phu quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (thay thế Nghị định số 14/2008/NĐ-CP) vẫn giao Phòng Văn hóa và Thông tin chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện quản lý nhà nước ngành du lịch. Thực tế hiện nay cho thấy, bên cạnh các quận, huyện giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin thực hiện chức năng tham mưu về công tác quản lý ngành du lịch ở địa phương theo quy định, vẫn có một số địa phương giao cho Phòng Kinh tế.

2. Những hạn chế, bất cập trong quản lý và phát triển ngành du lịch:

Sự phát triển ngành du lịch Thành phố chưa tương xứng với tiềm năng; việc thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển du lịch còn hạn chế; tình hình an ninh trật tự liên quan đến khách du lịch còn phức tạp, nạn chèo kéo du khách, cướp giật... còn xảy ra, kết quả điều tra xử lý ban đầu còn hạn chế.

Công tác quản lý nhà nước, hậu kiểm đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp hoạt động sai giấy phép, không giấy phép chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.

Công tác lập quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành chưa được triển khai nên chưa khai thác hết tiềm năng du lịch. Công tác phối hợp quản lý ngành du lịch tại các quận huyện gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả, chưa có sự phân công trách nhiệm, phân cấp rõ ràng, cụ thể.

Việc giao chức năng tham mưu quản lý nhà nước ngành du lịch cho Phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện bộc lộ nhiều bất cập; công tác tham mưu cho quận, huyện xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển ngành du lịch địa phương còn nhiều hạn chế.

3. Nguyên nhân của bất cập, hạn chế:

Luật Du lịch còn một số bất cập như: tiêu chuẩn Khu du lịch, điểm du lịch chưa có hướng dẫn cụ thể; nội dung quản lý và bảo vệ tài nguyên du lịch, xây dựng quy hoạch du lịch, khu, tuyến, điểm du lịch còn chung chung, khó thực hiện; các quy định quản lý kinh doanh lữ hành nội địa còn chưa chặt chẽ, khó quản lý.

Chủ trương phân cấp quản lý ngành đã có nhưng chưa có các quy định về phân cấp quản lý cụ thể cho các quận, huyện. Phòng Văn hóa và Thông tin ở quận, huyện không có chức năng quản lý ngành kinh tế nên việc tham mưu công tác quản lý hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch gặp nhiều khó khăn.

Chế tài xử phạt đối với các hành vi chèo kéo khách du lịch chưa đủ sức răn đe; kết quả điều tra, khám phá các loại tội phạm còn thấp; xử lý vụ việc tại chỗ của các lực lượng chức năng địa phương chưa chuyên nghiệp, có nơi có lúc còn thiếu nhiệt tình, thờ ơ, gây bức xúc cho du khách.

4. Sự cần thiết của việc phân cấp:

“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã xác định đến năm 2020 đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới; phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển. Chính phủ cũng đã xác định mục tiêu tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch bình quân thời kỳ 2011 - 2020 đạt 11,5 - 12%/năm, đến năm 2020 Việt Nam đón 10 - 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47 - 48 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 18 - 19 tỷ USD, đóng góp 6,5 - 7% GDP cả nước; có tổng số 580.000 buồng lưu trú với 35 - 40% đạt chuẩn từ 3 đến 5; tạo ra 3 triệu việc làm trong đó có 870.000 lao động trực tiếp du lịch. “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cũng đã định hướng Thành phố là trung tâm tiếp nhận khách du lịch quốc tế và tổ chức các chương trình du lịch đến các địa phương; liên kết với các tỉnh xây dựng và phát triển các khu du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục đầu tư phát triển, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng giao thông: hệ thống đường bộ, đường thủy đã được cải tạo, chỉnh trang, mở rộng, các tuyến giao thông công cộng hiện đại như metro, tàu điện đã và đang được đầu tư, sẽ được đưa vào sử dụng trong tương lai gần; nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành du lịch được triển khai... là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy ngành du lịch Thành phố phát triển nhanh, đóng góp lớn hơn vào kinh tế Thành phố cũng như cả nước. Với tốc độ tăng trưởng ngành trong 10 năm qua cùng với những lợi thế vốn có của Thành phố, dự báo ngành du lịch Thành phố sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh về quy mô, số lượng doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và cơ sở lưu trú du lịch, khách du lịch nội địa và quốc tế đến Thành phố sẽ tăng nhiều lần so với trước.

Xuất phát từ thực trạng phát triển và những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý nhà nước ngành du lịch Thành phố hiện nay cho thấy, yêu cầu đặt ra là phải phát huy được tinh thần trách nhiệm của các địa phương, khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ngành du lịch trên địa bàn toàn Thành phố, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về du lịch của từng địa phương để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố trong thời gian tới. Vì vậy, việc phân cấp quản lý nhà nước về Du lịch trên địa bàn Thành phố là hết sức cần thiết.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA VIỆC PHÂN CẤP:

Việc phân cấp quản lý về Du lịch dựa trên các cơ sở pháp lý sau:

1. Các chủ trương, quan điểm của Đảng và nhà nước:

Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 quy định: “Tiếp tục cho phép Thành phố được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn Thành phố đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của nhà nước không còn phù hợp. Khi thí điểm, Thành phố phải có đề án xin Chính phủ cho thí điểm về từng vấn đề cụ thể và chịu sự theo dõi, giám sát của Chính phủ, đặc biệt với những vấn đề lớn, nhạy cảm”;

Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đen năm 2030” nêu: “cần tăng cường phân cấp trong quản lý, đảm bảo vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước, đồng thời tạo sự chủ động, năng động của doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư”;

Nghị quyết số 92/2014/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới nêu: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương; sớm sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch; kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương”.

2. Các văn bản pháp lý:

Luật Du lịch số 44/2005/QH11 được Quốc hội Khóa 11 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005, có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2006;

Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;

Nghị định số 180/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;

Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;

Thông tư số 19/2014/TT-BHVTTDL ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL, Thông tư số 17/2010/TT-BVHTTDL, Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL;

Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương;

Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

III. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC PHÂN CẤP:

1. Mục tiêu phân cấp quản lý:

Nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn thành phố, tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh phát triển, hướng đến mục tiêu “Thành phố Hồ Chí Minh - Điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn”.

Quy định chức năng, phân công nhiệm vụ, quyền hạn cho các ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong việc quản lý và phối hợp quản lý nhà nước đối với ngành du lịch Thành phố; nâng cao vai trò và trách nhiệm của quận, huyện trong việc giữ gìn môi trường, văn minh du lịch, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển du lịch địa phương.

Hạn chế những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, các khu, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn, đề ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành du lịch trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới.

2. Nguyên tắc phân cấp quản lý:

Việc phân cấp bảo đảm tuân thủ pháp luật, tính thống nhất trong quản lý nhà nước; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với đặc điểm, thực trạng quản lý ngành du lịch trên địa bàn Thành phố. Nội dung quản lý nhà nước về du lịch thực hiện theo Luật Du lịch, các văn bản hiện hành của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân Thành phố.

Ủy ban nhân dân Thành phố thống nhất quản lý nhà nước đối với lĩnh vực du lịch trên địa bàn Thành phố, giao Sở Du lịch là cơ quan chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn toàn Thành phố; phân cấp cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước và thẩm quyền giải quyết một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch ở địa phương.

IV. NỘI DUNG PHÂN CẤP:

Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch; Nghị định số 180/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch; Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch; Thông tư số 19/2014/TT-BHVTTDL ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL, Thông tư số 17/2010/TT-BVHTTDL, Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL; Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương; Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tình hình cụ thể của từng địa phương, Ủy ban nhân dân Thành phố phân công và phân cấp quản lý về Du lịch trên địa bàn Thành phố như sau:

1. Giao Sở Du lịch:

a) Thực hiện các chức năng quản lý nhà nước ngành du lịch:

- Tham mưu xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành du lịch căn cứ theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của Thành phố, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

- Tham gia nghiên cứu, thẩm định các đề tài nghiên cứu khoa học và tham gia nghiên cứu xây dựng các chương trình, dự án đầu tư phát triển thuộc lĩnh vực du lịch theo phân công của Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển và đề tài khoa học thuộc lĩnh vực du lịch trên địa bàn Thành phố.

- Tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, công nhận và phân cấp quản lý, khai thác, sử dụng các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch và các tài nguyên du lịch trên địa bàn Thành phố.

- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các ngành, các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực du lịch.

- Nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động du lịch phù hợp với thực tế Thành phố.

- Quản lý nhà nước đối với các công ty kinh doanh lữ hành quốc tế, công ty kinh doanh lữ hành nội địa, công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các văn phòng đại diện công ty du lịch nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Quản lý hoạt động các cơ sở lưu trú du lịch gồm: khách sạn, làng du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch khác trên địa bàn thành phố (quy định tại các Điểm a, b, c, d và h, Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 92/2007/NĐ-CP).

- Thẩm định hoặc tham gia thẩm định các chương trình, đề án, dự án đầu tư có liên quan đến xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở lưu trú du lịch và các dịch vụ có liên quan đến lĩnh vực lưu trú trên địa bàn Thành phố.

- Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức kinh tế, các cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động và kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trong việc chấp hành pháp luật.

- Giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân và các tổ chức có liên quan đến lĩnh vực du lịch theo quy định của pháp luật.

- Quyết định hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động du lịch trên địa bàn Thành phố theo quy định pháp luật.

- Phối hợp với Cục Thống kê thực hiện chế độ thống kê thông tin kinh tế (số lượng khách du lịch, thị trường, doanh thu...) trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn để phục vụ cho công tác báo cáo, nghiên cứu khoa học, dự báo xây dựng chiến lược phát triển du lịch và kinh tế Thành phố.

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện báo cáo thống kê theo quy định. Tiếp nhận, xử lý, phân tích số liệu thống kê trong lĩnh vực du lịch phục vụ công tác nghiên cứu, thống kê theo yêu cầu của Ủy ban nhân Thành phố và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch của Thành phố.

- Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch theo quy định và theo phân công của Ủy ban nhân dân Thành phố.

b) Về các thủ tục hành chính lĩnh vực du Lịch thuộc thẩm quyền Sở giải quyết:

- Cấp mới, cấp lại quyết định công nhận đạt hạng 1 sao, 2 sao cho khách sạn, làng du lịch, căn hộ du lịch, hạng đạt tiêu chuẩn kinh doanh biệt thự.

- Tiếp nhận hồ sơ, phối hợp với Tổng cục Du lịch thẩm định cơ sở lưu trú du lịch đề nghị hạng 3 sao, 4 sao, 5 sao hoặc hạng cao cấp.

- Hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế chuyển Tổng cục Du lịch giải quyết theo thẩm quyền.

- Cấp mới, cấp lại, gia hạn giấy phép thành lập Văn phòng đại diện doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam.

- Cấp mới, cấp đổi, cấp lại thẻ Hướng dẫn viên du lịch quốc tế.

- Cấp mới, cấp đổi, cấp lại thẻ Hướng dẫn viên du lịch nội địa.

- Tiếp nhận hồ sơ thông báo kinh doanh lữ hành nội địa.

- Cấp Giấy xác nhận xe ô tô vận chuyển khách du lịch.

- Cấp Giấy chứng nhận Thuyết minh viên du lịch.

2. Phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân quận, huyện:

a) Về thực hiện chức năng quản lý nhà nước ngành du lịch ở địa phương:

- Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thành phố đã được duyệt, Ủy ban nhân dân các quận, huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành du lịch phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

- Lập hồ sơ đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, công nhận và quản lý, khai thác, sử dụng các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, các tài nguyên du lịch ở địa phương.

- Chủ trì triển khai các mô hình, giải pháp bảo vệ an ninh trật tự cho khách du lịch, vệ sinh môi trường tại các khu, tuyến, điểm du lịch địa phương.

- Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật du lịch tại địa phương; hướng dẫn doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn trong việc chấp hành các quy định pháp luật về du lịch.

- Quản lý hoạt động đối với các đại lý lữ hành.

- Quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm và cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ khách du lịch.

- Quản lý hoạt động của các bãi cắm trại, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (theo Điểm đ, e và g Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 92/2007/NĐ-CP) và các cơ sở lưu trú chưa xếp hạng sao tại địa phương.

- Kiểm tra, xử lý các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn trong việc chấp hành các quy định pháp luật về du lịch; tiếp nhận giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực du lịch theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Chi cục Thống kê thực hiện chế độ thống kê thông tin kinh tế (số lượng khách du lịch, thị trường, doanh thu...) trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn phục vụ công tác báo cáo, dự báo xây dựng kế hoạch phát triển du lịch và kinh tế ở địa phương.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch địa phương và phối hợp Sở Du lịch xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch của Thành phố.

b) Về phối hợp Sở Du lịch giải quyết một số thủ tục hành chính lĩnh vực du lịch:

Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức tiếp nhận hồ sơ, thực hiện công tác kiểm tra, thẩm định và chuyển hồ sơ đến Sở Du lịch để:

- Cấp mới, cấp lại quyết định công nhận nhà nghỉ du lịch.

- Cấp mới, cấp lại biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

- Cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

- Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện rà soát, lập danh sách các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, các cá nhân, tổ chức hoạt động đại lý lữ hành và các thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch để cụ thể hóa việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện quản lý ngành du lịch theo Đề án này.

- Giao Sở Du lịch tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện trong quản lý nhà nước ngành du lịch; chủ trì tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý ngành cho các quận, huyện khi triển khai Đề án phân cấp.

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ tính chất, đặc điểm của ngành du lịch và tình hình thực tiễn địa phương giao Phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp Phòng Văn hóa - Thông tin các quận, huyện thực hiện chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện quản lý nhà nước về du lịch. Việc phân công cán bộ chuyên trách lĩnh vực du lịch không làm tăng thêm biên chế, số lượng biên chế trong tổng số biên chế của Ủy ban nhân dân Thành phố giao cho Ủy ban nhân dân quận, huyện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4692/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án phân cấp quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 4692/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/09/2015
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Hoàng Quân
  • Ngày công báo: 01/11/2015
  • Số công báo: Số 49
  • Ngày hiệu lực: 19/09/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản