Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4689/2006/QĐ-UBND

Vũng Tàu, ngày 25 tháng12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT HỒ SƠ THEO CƠ CHẾ “MỘT CỬA” TẠI SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Giống cây trồng ban hành ngày 05 tháng 4 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ban hành ngày 12 tháng 5 năm 2004;

Căn cứ Nghị định 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Căn cứ Quyết định 181/2003/QĐ-TTg ngày 04 tháng 09 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế việc thực hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

Căn cứ Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc Ban hành quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp;

Căn cứ Tiêu chuẩn ngành 04/TCN–64–2003 ban hành kèm theo Quyết định số 188/2003/QĐ-BNN ngày 23 tháng 01 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tiêu chuẩn công nhận giống cây lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 13/2005/QĐ-BNN ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc ban hành giống cây lâm nghiệp chính;

Căn cứ Quyết định số 14/2005/QĐ-BNN ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc ban hành danh mục giống cây lâm nghiệp được phép sản xuất kinh doanh;

Căn cứ Quyết định số 15/2005/QĐ-BNN ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc ban hành danh mục giống cây lâm nghiệp phải áp dụng tiêu chuẩn ngành;

Căn cứ Quyết định số 16/2005/QĐ-BNN ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc ban hành danh mục các loài cây chủ yếu cho trồng rừng sản xuất theo 09 vùng sinh thái lâm nghiệp.

Căn cứ Quyết định 05/2005/QĐ-BNN ngày 20 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc ban hành “Quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hoá chuyên ngành nông nghiệp”;

Căn cứ Quyết định số 46/2005/QĐ-BNN ngày 25 tháng 7 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc Ban hành danh mục đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y; danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y; danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh thú y;

Căn cứ Quyết định số 67/2004/QĐ-BNN ngày 24 tháng 11 năm 2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc ban hành Quy chế bình tuyển, công nhận, quản lý và sử dụng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng của cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm.

Căn cứ Quyết định 91/2002/QĐ-BNN ngày 11 tháng 10 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật;

Căn cứ Quyết định 08/2005/TT-BTC ngày 20 tháng 01 năm 2005 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y;

Theo đề nghị của Thường Trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh tại Tờ trình số 118/TTr-CCHC ngày 01 tháng 11 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Bản Quy định việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế “một cửa” tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điều 2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế “một cửa” tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3 (để th/h);
- Bộ NN&PTNT (để b/c);
- Bộ Nội vụ (vụ CCHC);
- Bộ Tư pháp (Cục KT văn bản);
- TTr Tỉnh Uỷ (b/c);
- T.Tr HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh và các Đoàn thể;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- Báo BR-VT;
- Đài PTTH tỉnh;
- Lưu VT- V1

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH  
CHỦ TỊCH




Trần Minh Sanh

 

QUY ĐỊNH

VIỆC TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT HỒ SƠ THEO CƠ CHẾ “MỘT CỬA” TẠI SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4689/2006/QĐ-UBND ngày 25 tháng12 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế "một cửa" tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được quy định như sau:

1. Tổ chức, công dân có nhu cầu liên hệ giải quyết các thủ tục hành chính đến liên hệ nộp hồ sơ và nhận lại kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục Thú y và Chi cục Bảo vệ Thực vật tuỳ theo từng thủ tục quy định tại Điều 2 của Quy định này.

2. Cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm xem xét yêu cầu, hồ sơ của tổ chức, công dân:

a) Tiếp nhận và viết giấy biên nhận hồ sơ, hẹn ngày trả kết quả theo quy định. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn cụ thể để tổ chức, công dân bổ sung, hoàn chỉnh.

b) Trường hợp yêu cầu của tổ chức, công dân không thuộc phạm vi giải quyết của Sở thì hướng dẫn để tổ chức, công dân đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.

3. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm chuyển hồ sơ của tổ chức, công dân đến các bộ phận chức năng có liên quan để giải quyết.

4. Các bộ phận liên quan có trách nhiệm giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân do bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chuyển đến, trình lãnh đạo có thẩm quyền ký và chuyển về Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo đúng thời gian quy định.

5. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nhận lại kết quả giải quyết công việc và trả lại cho tổ chức, công dân theo đúng thời gian đã hẹn, thu phí, lệ phí đối với những công việc được thu phí, lệ phí theo quy định.

6. Trường hợp giải quyết hồ sơ không đúng thời gian như đã hẹn thì Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, công dân biết lý do và hẹn lại thời gian trả kết quả.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 2. Các thủ tục thực hiện theo cơ chế “một cửa”:

1. Nhận hồ sơ và trả kết quả tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gồm:

Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh giống cây trồng chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận nguồn gốc của lô cây con giống cây trồng lâm nghiệp chính.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống cây trồng lâm nghiệp.

đ) Thủ tục đề nghị công nhận cây đầu dòng.

2. Nhận hồ sơ và trả kết quả tại Chi cục gồm:

Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (nhận hồ sơ và trả kết quả tại Chi Cục Bảo vệ thực vật).

Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề thú y (nhận hồ sơ và trả kết quả tại Chi cục Thú y).

Thủ tục thủ tục cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y (nhận và trả kết quả tại Chi cục Thú y).

Điều 3. Những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh giống cây trồng chính trong lĩnh vực lâm nghiệp:

a) Hồ sơ gồm có:

- Đơn xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề (theo mẫu);

- Giấy tờ sở hữu hoặc thuê mướn mặt bằng sản xuất, kinh doanh;

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về lĩnh vực giống cây trồng;

- Bản mô tả doanh nghiệp (bao gồm cả thành phần nhân sự);

- Danh mục trang thiết bị để sản xuất/ kinh doanh giống cây trồng của đơn vị;

- Danh mục các giống cây trồng chính đăng ký sản xuất/ kinh doanh.

b) Thời gian giải quyết:

Không quá 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm nghiên cứu và xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cán bộ tiếp nhận và trả hồ sơ có trách nhiệm thông báo, yêu cầu tổ chức và công dân bổ sung sau 03 ngày kể từ khi nhận hồ sơ.

c) Lệ phí: Không thu.

2. Thủ tục cấp giấy chứng nhận công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp:

a) Hồ sơ gồm có:

- Đơn đăng ký công nhận nguồn giống (theo mẫu);

- Giấy tờ chứng minh chủ sở hữu nguồn giống;

- Báo cáo kỹ thuật nguồn giống.

b) Thời gian giải quyết:

Không quá 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm nghiên cứu và xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cán bộ tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm thông báo, yêu cầu tổ chức và công dân bổ sung sau 03 ngày kể từ khi nhận hồ sơ.

c) Lệ phí:

Căn cứ Pháp lệnh Giống cây trồng, việc cấp giấy chứng nhận Công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp có thu lệ phí nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn về mức thu lệ phí. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ không thu lệ phí cho đến khi có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

3. Thủ tục cấp giấy chứng nhận nguồn gốc của lô cây con giống cây trồng lâm nghiệp chính.

a) Hồ sơ gồm có:

- Chủ cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp thông báo kết quả sản xuất cây con ở vườn ươm cây lâm nghiệp (mẫu biểu 15);

- Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp chính;

- Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận nguồn gốc các lô giống;

- Hóa đơn kiêm phiếu xuất kho của nơi bán, trong đó ghi rõ số lượng kèm mã số của từng lô giống.

b) Thời gian giải quyết:

Không quá 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm nghiên cứu và xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cán bộ tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm thông báo, yêu cầu tổ chức và công dân bổ sung sau 03 ngày kể từ khi nhận hồ sơ.

c) Lệ phí: Không thu.

4. Thủ tục cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống cây trồng lâm nghiệp:

a) Hồ sơ gồm có:

- Thông báo thu hoạch vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp (mẫu biểu 13). Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin ở phần 1 dành cho tổ chức, cá nhân làm đơn;

- Sổ sách ghi chép cập nhật số liệu trong quá trình thu hoạch lô giống (hạt giống hoặc giống vô tính): khối lượng hạt thu hoạch theo từng đợt, khối lượng hạt giống nhập kho sau tinh chế, số hom hoặc số bình cấy mô của từng dòng.

b) Thời gian giải quyết:

Không quá 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm nghiên cứu và xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cán bộ tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm thông báo, yêu cầu tổ chức và công dân bổ sung sau 03 ngày kể từ khi nhận hồ sơ.

c) Lệ phí: không thu

5. Thủ tục đề nghị công nhận cây đầu dòng:

a) Hồ sơ gồm có:

- Đơn đề nghị bình tuyển và công nhận cây đầu dòng (theo mẫu);

- Báo cáo tóm tắt quá trình phát hiện (với cây tự nhiên) hoặc lịch sử trồng trọt (với cây đang sản xuất);

- Báo cáo đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng và tính chống chịu với sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi;

- Các kết quả điều tra, nghiên cứu, đánh giá hoặc kết quả hội thi trước đó (nếu có).

b) Thời gian giải quyết:

Nếu hồ sơ không hợp lệ hoặc chưa hoàn chỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm thông báo cho đơn vị, cá nhân đó biết trong vòng 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

c) Lệ phí:

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiến hành xây dựng mức lệ phí cho việc công nhận cây đầu dòng trình Ủy bân nhân dân tỉnh phê duyệt. Khi có quyết định của Ủy bân nhân dân tỉnh sẽ thông báo sau. Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không thu lệ phí đối với trường hợp này.

Điều 4. Những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi cục:

1. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật:

a) Hồ sơ gồm có:

- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề bán thuốc bảo vệ thực vật (theo mẫu);

- Bản sao văn bằng tốt nghiệp Đại học hoặc trung cấp Nông, Lâm nghiệp hoặc giấy chứng nhận đã tham dự lớp học chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục Bảo vệ thực vật cấp;

- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy bân nhân dân phường, xã nơi người buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cư trú.

b) Thẩm quyền giải quyết: Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật.

c) Thời gian giải quyết:

Không quá 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Chi cục Bảo vệ Thực vật có trách nhiệm nghiên cứu và xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ có trách nhiệm thông báo, yêu cầu tổ chức và công dân bổ sung sau 03 ngày kể từ khi nhận hồ sơ.

d) Lệ phí: 200.000 đồng/giấy.

2. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề thú y:

a) Hồ sơ gồm có:

- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề thú y;

- Bản sao văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận trình độ chuyên môn có công chứng;

- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương;

- Giấy chứng nhận sức khoẻ;

- 02 ảnh 4x6 cm.

b) Thẩm quyền giải quyết: Chi cục trưởng Chi cục Thú y

c) Thời gian giải quyết:

Không quá 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Chi cục Thú y có trách nhiệm nghiên cứu và xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cán bộ tiếp nhận và trả hồ sơ có trách nhiệm thông báo, yêu cầu tổ chức và công dân bổ sung sau 03 ngày kể từ khi nhận hồ sơ.

d) Lệ phí:

- Lần đầu (thời hạn 5 năm): 50.000đ/giấy.

- Cấp lại: 25.000đ/giấy.

- Phí kiểm tra điều kiện cơ sở để cấp chứng chỉ hành nghề thú y: 250.000đ/lần.

3. Thủ tục cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y:

a) Hồ sơ gồm có:

* Đối với cơ sở giết mổ, chế biến động vật, sản phẩm động vật:

- Giấy đăng ký kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y (theo mẫu);

- Bản sao giấy phép xây dựng cơ sở giết mổ gia súc có chứng thực sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền;

- Giấy khám sức khỏe của người trực tiếp giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật do Trung tâm Y tế cấp huyện trở lên cấp;

- Kết quả kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y của cơ sở giết mổ, chế biến động vật, sản phẩm động vật do Trung tâm Kiểm tra Vệ sinh Thú y Trung ương II cấp.

* Đối với cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật:

- Giấy đăng ký kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y (theo mẫu);

- Giấy khám sức khỏe của người trực tiếp bán hàng do Trung tâm Y tế cấp huyện trở lên cấp;

- Xác nhận của chính quyền địa phương về địa điểm kinh doanh.

* Đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm:

- Giấy đăng ký kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y (theo mẫu);

- Giấy phép đầu tư hoặc kinh doanh (bản sao có công chứng);

- Các giấy tờ liên quan đến việc thành lập cơ sở.

b) Thẩm quyền giải quyết: Chi cục Trưởng Chi cục Thú y.

c) Thời gian giải quyết:

Không quá 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Chi cục Thú y có trách nhiệm nghiên cứu và xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cán bộ tiếp nhận và trả hồ sơ có trách nhiệm thông báo, yêu cầu tổ chức và công dân bổ sung sau 03 ngày kể từ khi nhận hồ sơ.

d) Lệ phí:

- Lần đầu: 50.000 đồng/giấy.

- Cấp lại: 25.000 đồng/giấy.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

1. Ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

2. Quyết định thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; ban hành Quy chế làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; Quy chế phối hợp giữa Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với các phòng chuyên môn.

3. Bố trí cán bộ, công chức có chuyên môn, nghiệp vụ và tư cách đạo đức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

4. Sắp xếp, bố trí nơi làm việc hợp lý có đủ trang thiết bị cần thiết để đảm bảo thuận tiện cho việc giao dịch tiếp xúc của công dân.

5. Mở đầy đủ các loại sổ sách theo mẫu quy định.

6. Niêm yết công khai các thủ tục hành chính; quy trình; thẩm quyền giải quyết; phí, lệ phí và thời gian giải quyết theo quy định.

7. Triển khai tuyên truyền sâu rộng đến mọi tổ chức và công dân nắm được tình hình cải cách hành chính của đơn vị để cùng thực hiện.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4689/2006/QĐ-UBND về việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

  • Số hiệu: 4689/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/12/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Trần Minh Sanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/01/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 04/10/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản